1. Head_

    Lam Phương

    (20.3.1937 - 22.12.2020)

    Lưu Trung Khảo

    (.0.1931 - 22.12.2015)

    Nguyễn Hiến Lê

    (8.1.1912 - 22.12.1984)

    Nguyễn Đình Nghĩa

    (5.10.1940 - 22.12.2005)
    Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Mùa Xuân với Âm Nhạc và Cuộc Sống Hát Ca (Nguyễn Thanh Hiệp) Ad-21 Ad-21 (Google - QC3) (Học Xá)

      12-4-2014 | ÂM NHẠC

      Mùa Xuân với Âm Nhạc và Cuộc Sống Hát Ca

        NGUYỄN THANH HIỆP
      Share File.php Share File
          

       

      (Viết nhớ về Lê Thương và Trần Văn Trạch)



         Nhạc sĩ Trần Văn Trạch
        (1924 - 1994)

      Ngôi nhà Văn học Nghệ thuật của nhân loại được trang hoàng tô điểm bởi Văn, Thi, Họa, Nhạc, Kịch. Ngàn xưa cũng như ngàn sau cũng vậy, cốt để cho thấy con người biết nâng niu cuộc sống.


      Tôi có một số vốn nhất định về họa, nay lại nói chuyện âm nhạc, tưởng là hiếu sự, nhưng không, không thể nào dám thiếu thận trọng trong việc này. Vã lại, đây chỉ là dòng ký sự hoài niệm những năm tháng đã qua.


      Nghệ thuật là tất cả. Tất cả điều đan xen hòa quyện với nhau và đồng cảm trên nhiều mặt tinh thần cũng như về mặt kỹ xảo một cách rất tự nhiên trong sự cảm nhận ngoại cảnh bằng tâm hồn và lý trí.


      Nghệ danh Trần Văn Trạch và cũng là tên thật của anh cho đến nay nhiều người nhớ biết, anh mất năm 1994 tại Âu châu. Gia đình Gs tiến sĩ Trần văn Khê và nghệ sĩ Trần văn Trạch nội ngoại đều có truyền thống nhiều đời về âm nhạc. Anh được sinh ra, lớn lên trên mãnh đất giàu chất phù sa (làng Vĩnh Kim - Mỹ Tho).


      Năm 1950, tại ngôi nhà của Trần Văn Trạch ở đường Richaud (Phan đình Phùng, sau này đổi lại là Nguyễn Đình Chiểu) Q.3 Sài gòn, anh Trạch có trao cho tôi xem một bài báo mà anh Trần Văn Khê để lại cho anh trước ngày anh Khê sang Pháp năm 1949. Vì lúc đó anh Trạch thấy tôi làm việc trong ban Nghệ thuật và Biểu diễn kịch trường (Arts & Spectacle) ban Pháp ngữ, Đài phát thanh Pháp-Á, thường sưu tập tư liệu về bộ môn nầy, nên khi thấy tôi và anh Lê Thương đến chơi nhà, anh Trạch trao bài báo ấy cho tôi để lấy làm đề tài đọc trên đài phát thanh mỗi chiều thứ Năm.


      Đó là bài đăng trong một tờ báo Pháp nói về: "Âm nhạc có ảnh hưởng đến công việc hằng ngày của chúng ta". Từ xưa tiếng trống trận, tiếng còi của thợ săn, tiếng khánh, tiếng mõ tiếng trống trong chùa, tiếng đàn đại phong cầm (harmonium) ấm áp trong các buổi lễ Nhà thờ Thiên Chúa, tất cả đều là nhạc. Nó kích thích và giúp người lao động chân tay hay trí óc quên mệt mà làm việc đắc lực thêm. Nó còn khơi dậy và nung chí quật cường cho thanh niên nam nữ khi quốc biến gia vong, như:


      - Thần dân nghe chăng,

      Sơn hà nguy biến!


      - Này công dân ơi,

      Quốc gia đến ngày giải phóng


      Cách đây hai ba thế kỷ, bá tước Goldberg bị bịnh mất ngủ và không có thứ thuốc an thần nào trị được, khoa học thời bấy giờ đã bó tay. Bá tước đến tìm nhạc sĩ Jean Sébastien Bach, nói rằng: "Tôi mất ngủ từ lâu, không thuốc nào làm tôi yên giấc được. Nhạc sĩ hãy đặt cho tôi một bản nhạc với những biến tấu khúc đều đều để cho tôi nghe, họa may có ngủ được chăng"


      Nhà soạn nhạc Jean Sébastien Bach liền đặt cho ông ta một bản đàn mà hiện người ta còn gọi bản nhạc ấy là "Biến khúc Goldberg" (Variations Goldberg) và mỗi buổi chiều dàn nhạc êm như ru ấy đã làm cho bá tước ngủ được khi nhạc hòa tấu được nửa bài.


      Theo sự điều tra của một nhà khảo nhạc W.L. Landowski thì tại Paris và trong những thành phố lớn, sinh viên học thi bằng cử nhân hay soạn luận án tiến sĩ thường hay học bài hoặc đọc sách gần bên một máy thâu thanh, vặn nhỏ. Họ không cần nghe rõ bản nhạc, nhưng cứ để cho dòng nhạc êm diệu ấy đi vàn tâm não của mình một cách mơ hồ tự nhiên. Cuộc điều tra này cho thấy cách nghe nhạc như thế có thể giúp ích cho sinh viên nhiều người thi đậu ưu hạng hay bình hạng.


      Tại Sorbonne (khu Đại học Paris) có một giáo sư triết học rất thích nhạc. Trong lúc soạn bài hay sửa soạn một bài nói tại giảng đường, ông thường đi nghe nhạc thính phòng, những hòa tấu khúc của Beethoven, Mozart hay Schubert và trong lúc nghe nhạc, nhiều ý hay nẩy ra, ông lấy viết ghi lại trong quyển sổ tay để lúc về nhà ông viết lại thành bài.


      Âm nhạc và Hội họa


      Các bộ môn nghệ thuật trong sự cảm nhận và sự sáng tạo, thường hay gặp nhau và đan xen với nhau như đã nói trên. Một hôm họp nhau tại Câu lạc bộ Âm nhạc (Music clup - Sai gon, do anh Gabriel Phạm Ngọc Thuần tổ chức), trong lúc vui câu chuyện, anh Lê Thương vụt hỏi tôi:


      - Anh thuộc về lãnh vực hội họa, sao lại hay bàn đến chuyện âm nhạc của chúng tôi vậy?


      - Tất nhiên thôi. Nhạc với họa đồng cảm rất giống nhau trong việc sáng tác. Anh cũng thấy, bảy nốt nhạc: Đồ, rê, mi, fa, sol, la, si và bảy màu sắc: Tím, chàm, lam, xanh, vàng, cam, đỏ khi được nhạc sĩ và họa sĩ sử dụng để sáng tác thì tánh cách của nó rất y như nhau.


      Thật vậy, nói riêng về nhạc với họa, đây là sự chứng minh rõ rệt nhất, vì từ những bản nhạc phổ thông đến những hòa tấu khúc bất hủ hay từ những bức vẽ bình thường cho chí những họa phẩm tài hoa siêu đẳng nhất cũng do bảy nốt nhạc và bảy màu đó kết hợp cấu hành mà ra cả. Chỉ phân biệt ở chỗ sấp xếp sao cho hài hòa thang bật của cung đàn và dung hòa giá trị sắc độ sao cho đúng yêu cầu của tác phẩm hội họa hoàn thành.


      Nói về cung bậc từ chỗ cao xuống thấp hay là sự phối trí màu sắc trên tranh từ sắc độ nóng đến sắc độ lạnh, cách chuyển tải theo tôi thấy, nó cũng rất giống nhau. Ví dụ: Rề-fa-la (rê mineur) của nhạc thì bên họa cũng phải Chàm-xanh- cam để tạo ra thanh âm hay sắc độ cảnh vật với vẻ buồn man mác. Và còn rất nhiều rất nhiều cái trùng hợp trong tư duy sáng tạo nữa.


      Âm nhạc và Thi - Văn


      Ở nước ta âm sắc trong ngôn từ có ba nơi riêng biệt, với giọng trong trẻo của Hà Nội, giọng trầm mà dìu dịu của Huế, giọng ngọt ngào luyến láy của Sàigòn, âm sắc mỗi nơi riêng biệt nhưng thỉ chung vẫn thắm nhuần một nhạc điệu phong phú, bay bướm.


      Dung hòa giữa nhạc và thơ, nếu ta đem thơ Vũ Hoàng Chương, Lưu Trọng Lư, Huy Cận ngâm lên thì tự nó đã thành những bản nhạc "ai" (mineur) rất thích nghe. Thuở xưa kia, Nguyễn Công Trứ, Chu Mạnh Trinh, Tản Đà đã chẳng làm thơ trên tiệc rượu để cho cô đào hát ứng khẩu mà chuốc chén đó sao? Còn những bài hát nói, Mưỡu đều thuộc về loại thi xướng (poème chanté) chứng tỏ rằng giữa nhạc và thơ Việt có một sự dung hòa khắng khít, gần như tương quan gần gũi nhau.


      Về sau này, biến thơ thành nhạc có: Phạm Duy trong Cô hái mơ (Nguyễn Bính), Lê Thương trong Lời kỹ nữ (Xuân Diệu), Võ Đức Thu trong Lửa dũng (Hồ Hải), Lưu Hữu Phước trong Tục Lụy (Khái Hưng), Đức Quỳnh trong Tống biệt (Tản Đà) và v.v... Chúng ta có cảm giác rằng đó là những nhạc khúc phóng tác thảnh thơi không chút cường điệu, thoát hẳn được cái ngờ ngợ, nhạt nhẽo của một số nhạc phổ.


      Nói đến cái vẻ ngờ ngợ trong giọng hát có lẽ vì tiếng Việt chúng ta thuộc loại độc âm, có năm dấu, nên đối với sự đặt lời cho một nhạc phẩm phiền phức hơn tiếng Âu Mỹ là thứ tiếng đa âm. Nhạc sĩ sáng tác một bản đàn theo nguồn cảm hứng riêng của mình, theo tôi nghĩ, người ấy không thể đếm nốt đàn trong từng câu, rồi cứ theo đó mà đặt lời ca một cách đơn giản được như trong các bài hát Âu Mỹ. Tôi đem ý nghĩ này hỏi các anh Lê Thương, Dương Thiệu Tước, Đức Quỳnh, Thu Hồ đều công nhận như vậy. Các anh còn nói thêm: Phải chọn lựa kỹ càng những tiếng mà âm độ thấp cao phù hợp với âm thanh thì lúc ca lên mới hiểu được. Bất chấp quy luật ấy, lời ca sẽ biến thành lơ lớ khó nghe cho rõ ý.


      Muốn thoát khỏi điều bất tiện ấy, có lần nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đã hô hào nên giảm bớt sự chi li trong việc đặt lời ca. Và để thực hành, anh phổ nhạc vở "Tục Lụy" của nhà văn Khái Hưng (1944) với nhiều chỗ không sát lời thơ cho lắm.


      Âm nhạc với người ca sĩ


      Cũng vì câu chuyện nhắc tới những giọng ca lơ lớ mà anh Lê Thương cười nói với tôi: "Anh nhớ không, năm 1985 anh phóng viên của đài truyền hình Pháp ớ Paris, bạn cũ của chúng ta ở đài phát thanh Pháp Á. Cái anh chàng phóng viên này sang Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 10 năm ngày hòa bình tổ chức tại Sàigòn. Anh có đưa anh ta đến nhà thăm tôi. Dịp đó, nhắc nhở những kỷ niệm xưa, anh ta bỗng nổi hứng hát cho chúng ta nghe bài Lòng Mẹ Việt Nam của tôi, mở đầu bằng câu: Ba Tu baan hang co boon nguoi coan. Lúc đó ai nghe anh ta hát bằng giọng lơ lớ câu "Bà Tư bán hàng có bốn người con", mọi người ai cũng đều xí xóa cười vui. Mình hết sức bùi ngùi cảm động, nghe tiếng hát như thế mà ai cũng hiểu, chớ có sao đâu!... hì hì!..."


      Trần Văn Trạch cũng cười nói xen vô:

      - Cố nhiên, vì bài ca đó đã phổ biến rộng rãi trong quần chứng, và giọng ca lơ lớ đó là của một người ngoại quốc hát tiếng Việt. Chuyện này khiến cho tôi nhớ đến chuyện hồi năm tôi bắt đầu "hát trước công chúng", có lần tôi bị anh Khê "sát xà phòng" cẩn thận vì một vài cố tật mà ca sĩ thường mắc phải khi mới bước vào nghề ca hát.


      Trạch lúc đó cũng mới nổi danh (1949) với giọng ca trầm ấm và truyền cảm tựa như giọng của danh ca Pháp Tino Rossi, nên báo chí gọi anh là "kỳ tài Trần Văn Trạch", Tôi hỏi anh :


      - Mình biết tính anh Khê rất kỹ khi viết nhạc và rất quan tâm đến phần trình diễn của ca sĩ. Anh bị anh hai "sát xà-phòng" là đương nhiên. Vậy anh kể cho tụi này nghe chơi!


      - Một lần tôi bị ảnh chỉ trích đậm ở chỗ cố ý gò ép giọng ca và trước mặt có tờ giấy khi tôi hát bài "Hà tiên cô". Làm như thế, người ca không thể nào "thả" hết tâm hồn mình vào lời ca được. Ca sĩ không phải có một giọng ca ấm áp trong trẻo là đủ. Ngoài những sự hiểu biết tối thiểu về ký âm pháp, một danh ca cần phải tập luyện mỗi ngày và để ý đến giọng hát tiếng ngân của mình, lời ca tròn vành rõ chữ. Thêm nữa, phải coi chừng đến cả bộ điệu và nét mặt, cách đứng, cách chào. Nghĩa là ngoài giọng hát hay, những cử chỉ đẹp sẽ tăng thêm sức hấp dẫn truyền cảm của lời ca chẳng ít.


      Và người danh ca nào cũng có ít nhiều "tật" riêng. Thế thì theo sự kinh nghiệm của ông James Massell trong bao nhiêu năm dạy hát, ông thấy rằng có nhiều "tật" nhỏ mà một danh ca có thể tránh được nếu để ý một chút. Sau đó ảnh trao cho tôi bài giảng của ông thầy dạy ca hát nổi danh ở Paris là ông James Massell. Anh Khê rất đồng ý với lời khuyên của ông Massell trong bài "Một danh ca nên tránh những tật gì?":


      1. Bạn không nên tập hát những giọng cao. Hãy tập hát những giọng thấp và trung bình để làm nền tảng cho giọng hát của bạn.


      2. Bạn không nên thở to trước mỗi câu hát. (Về khoản này, năm xưa chúng tôi có để ý cô Mộc Lan, mặc dầu có một giọng hát trong trẻo và dáng điệu yêu kiều, nhưng lại mắc phải cái tật lớn là thở quá to. Thành ra khi cô hát gần micro cứ trước mỗi câu là khán thính giả nghe một hơi thở ồ ạt rất rõ như người đau tim bị mệt. Vậy mà quả tình sau bài báo của anh Trần Văn Khê viết trong Tạp chí Việt Báo số 16 năm 1949, cô Mộc Lan đã khắc phục được tật nhỏ ấy và cô rất thành công với sân khấu Ca nhạc từ thập niên 1950)


      3. Sau mỗi câu hát đừng cho nghe tiếng khè trong cổ. Hãy tập ngân cho đều.


      4. Mỗi câu hát nên rõ ràng, đừng nuốt chữ, nhưng cũng chẳng nên cố tình đọc rõ quá (ở những chỗ cần luyến láy) nghe thành kiểu cách. (Ở khoản này, có lần chứng tôi nghe một ca sĩ hát mà chẳng hiểu được lời nào cả, chỉ thỉnh thoảng nghe được vài chữ Việt mặc dầu anh đang ca một bài ca VN nhưng lờ lợ giọng Tây! Thí dụ chữ "tiến lên" anh ca nghe như "ti-ăng-len" vậy.)


      5. Lúc hát chớ nên nhăn mặt.


      6. Lúc hát đừng đứng cứng mình hay cứ nhìn mãi trần nhà, nên tập thường trước một tấm gương lớn.


      7. Nếu hai tay bạn không làm bộ điệu gì, bạn đừng khoanh lại hoặc đưa mãi lên trời một cách bất hợp lý.


      8. Mỗi bài hát, căn cứ vào nội dung, phải có một dáng điệu riêng thích hợp với nó. Bạn phải hát với mắt mũi, tay, chơn của bạn. (biểu hiện và diễn tả) nhưng lúc ca bạn đừng bao giờ nhíu mày.


      9. Mỗi ngày phải nâng phát giọng và tập thể dục, chủ yếu là tập thở.


      10. Lúc học một bài ca mới, hãy tập với một cây đàn và ca nhỏ tiếng để tai mình nhận xét và hiểu nghĩa bài hát. Khi nào thật thuộc mới ca to lên. Khi hát nên để ý những chỗ mạnh để liệu mà lấy hơi trước.


      11. Trước khi hát bạn đừng nên ăn no.


      12. Bạn đừng tập hát giọng cao quá, mấy sợi giây chằng trong cổ bạn sẽ chùng đi hoặc sau đó dễ bị khàn hơi. Nếu đêm nay bạn sẽ hát trước công chúng thì ngày đó đừng nói chuyện nhiều hoặc cãi lộn.


      13. Một danh ca không bao giờ nói chuyện trong lúc xe lửa đang chạy (vì bắt buộc phải nói tiếng to).

      Tránh những chỗ có nhiều khói, khói sẽ làm cho cuống họng và đóc họng bạn đóng khói và tiếng bớt trong (tất nhiên là phải chừa thuốc lá).


      14. Lúc hát đừng khom lưng vì như thế bạn lấy hơi rất khó. Và cũng đừng nẩy ngực và vênh mặt, vừa không đẹp vừa khó cho bạn hát những giọng thấp hay trầm.


      Kể xong Trạch còn nói thêm : "Đây là những lời nhắc nhở dặn dò của anh Khê với tôi trong những bước đầu tôi xuất hiện trước khán giả. Tuy nhiên đó chỉ nói về cử chỉ và cách tập mà thôi."


      Viết nhạc cho quần chúng ca



         Nhạc sĩ Lê Thương
        (1914 - 1996)

      Tôi quay sang anh Lê Thương:

      - Trần Văn Trạch vừa nói về việc hát ca, còn bên sáng tác nhạc anh nghĩ gì về các ca sĩ trình bày?


      Lê Thương trầm ngâm một chút rồi mới nheo mắt cười nói (lúc đó anh hay tập nói giọng Sài gòn):

      - Trạch vừa kể cho mình nghe về những "tật nhỏ" nghề nghiệp mà một số ca sĩ mới vào nghề hay mắc phải. Lúc đầu viết nhạc a-ma-tơ (amateur) ở Hải Phòng (1936), Bản nhạc đầu tiên được Ban kịch Thế Lữ đưa lên sân khấu trình diễn, tôi nghe rất "khoái" thì còn để ý làm gì đến những dáng vẻ của người ca. Song vào Nam ít lâu. thời kỳ toàn dân nổi lên chống thực dân Pháp 1945, dành độc lập cho xứ sở, tôi nẩy ra ý định viết nhạc cho quần chúng ca chơi!...


      Tôi tưởng là Lê Thương nói đùa nên làm bộ nghiêm hỏi:

      - Viết nhạc cho quần chúng ca là thế nào?


      Trần Văn Trạch gật đầu như hiểu ý, khoát tay nhìn tôi rồi cất tiếng ca:


      - Bà Tư bán hàng có bốn người con,

      Thằng hai đã lớn, ba em hãy còn

      Năm Độc lập kia trong nước Việt Nam,

      Mấy con của bà đều lên lối đường,

      Đầu quân chiến trường theo chí người dân

      Kiếp sống tung hoành, quên thân xác mình,

      Suốt ba năm liền bà Tư, mẫu hiền

      Ngày đêm khấn nguyền cho mấy người con


      Lê Thương gật đầu nói:

      - Ừ, đó là bài "Lòng Mẹ Việt Nam", ý định khi viết bài ca này không ngờ nó lại gieo đúng vào ý nghĩ của tôi, khi bài hát ra đời ít lâu. Có chuyện này tôi xin kể cho anh em nghe. Một buổi sáng chủ nhật ở nhà, tôi vừa đàn bài Lòng mẹ Việt Nam như anh Trạch vừa ca đó. Mấy đứa con nhỏ của tôi và cả bà xã tôi nữa, phụ họa hát theo. Nghe tiếng đàn và tiếng hát, người lối xóm tụ lại, người đi đường cũng dừng chân. Họ đều chăm chú nghe, cười mủm mỉm khi nghe hát bài mở đầu nói trên.


      Trong số thính giả ngoài đường, tôi đã chú ý từ lúc ban đầu một bà già, tuổi trạc hơn năm mươi, bưng một cái rỗ có vẻ nặng. Chắc bà không mấy hiểu hết ý nghĩa ẩn chứa trong bài nhưng nét mặt bà ta lộ rõ nét buồn khi nghe tới bài thứ hai. Anh Lê Thương ca tiếp:


      - Bà Tư nóng lòng đêm nhớ đàn con,

      Gần đây vài tháng có nghe tiếng đồn,

      Người con lớn bà đang sống ngoài xa;

      Nhân cuộc hành binh kháng chiến vừa qua,

      Đứa con của bà chẳng may mặc nạn,

      (bà già bưng rổ rưng rưng nước mắt.

      Bà quá cảm xúc, bà bước lại gần cửa, ráng nghe)


      Bà thề nguyện dâng con mình cho nước,

      Thân con lưu lạc mẹ xin phó mặc,

      Đời con muốn đặt Tổ quốc ở trên.

      (Bà già đã khóc ra tiếng và người ca cũng không dám nhìn bà)


      Ca đến đó ánh mắt Lê Thương lúc đó cũng rơm rớm, nhưng anh cũng cố hát cho chứng tôi nghe hết bài. Với giọng run run bà lão nói:


      - "Bà Tư bà Năm gì đó, sao giống tui quá!"

      - Nói vậy bà...

      - Phải, giống tui... bây giờ tui sống ở đây một mình, phải đi bán bánh mà sống đợi con.


      Bà già lau nước mắt, nhà tôi thấy vậy cảm động dìu bà ấy vào nhà mời bà ly nước để dằn cơn xúc động.


      - Bà buồn lắm hả bà?

      - Buồn thì buồn chớ biết làm sao, nhưng con nó muốn vậy thì lấy lý lẽ gì mà cản nó được. Phải nó đi ăn cướp ăn trộm gì sao mà rầy nó. Nhưng tui cũng biết nhiều người trong cảnh của tui, tụi tui xúm nhau nói chuyện cũng đở nhớ. Tui trông cho hết giặc rồi nó mới về chớ bây giờ chắc là nó không về được đâu, phải không thầy. Thôi, tôi đi mấy thầy cô há.


      *


      Viết nhớ chuyện xưa đến đây tôi cũng cảm thấy chút u hoài với quá khứ, nhưng ngày xuân đến rồi, mọi sự thể đều đổi mới, biết phải kết lời sao cho đẹp ý thuận tình, thôi thì tạm kết bằng một bài ca dao nghe như hệt dòng thơ êm dịu đất phương Nam:


      Sáng trăng sáng dọi cây tùng,

      Đêm nay gió thổi lạnh lùng lòng ta.

      Anh ra chống giặc giữ nhà,

      Em về chống cửa, vá tà áo anh.

      Tà áo anh chỗ xanh, chỗ tím,

      Chúng ta nghèo, áo yếm quần manh,

      Chẳng thương áo lụa nguyên lành,

      Thương vì nghĩa vụ chút tình nước non.


      (MN, mùa Xuân 2006)

      Nguyễn Thanh Hiệp

      Ngày Nay Minnesota, 15.1.2006

      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022