1. Head_
    Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Âm Thanh Từ Một Bọc Trứng (Lưu Văn Vịnh) Ad-21 Ad-21 (Google - QC3) (Học Xá)

      27-11-2012 | ÂM NHẠC

      Âm Thanh Từ Một Bọc Trứng

        LƯU VĂN VỊNH
      Share File.php Share File
          

       

      Từ Phạm Đình Chương, Phạm Duy, Chung Quân, Cung Tiến, Ngô Thụy Miên

      Đến Trịnh Công Sơn, Trần Thiện Thanh, Nguyễn Đức Quang ...



          Blue Jazz
          (Tranh của họa sĩ Đinh Cường)

      Tâm động phát ra tình ý, tình ý thăng hoa tạo dựng thi ca. Sĩ có sĩ khí, sĩ khí phát sĩ nhạc, Nhạc kẻ sĩ bộc lộ chính Tâm, Âm kẻ sĩ ứng hợp phản hồi chính đạo. Thanh âm ầm ầm từ thủy triều Bạch Đằng Giang, vang vang từ núi Phượng Hoàng, Côn Sơn, thông reo Yên Tử xoang xoảng Chi Lăng, Chương Dương, tiếng ngâm tiếng hịch cùng lý chính tâm, nêu cao nghĩa động càn khôn hào hùng muôn thuở bản lãnh. Cho nên, một ngày khoa học điện tử tiến bộ, biết đâu người ta chẳng đo được mức thăng trầm của lịch sử qua âm giai âm sắc trên một âm điện đồ?


      Một trăm năm thăng trầm cùng dòng sử mệnh dân tộc, bốn năm thế hệ nối tiếp mạch nguồn sĩ khí, 30 năm giữa khói lửa chiến chinh, âm thanh mang bản sắc dân tộc vẫn ngời ngời vang lừng giữa không gian quê hương, vượt núi băng ngàn, từ Bắc vào Nam, từ Đông sang Tây, liên tục, liên tiếp, liên miên truyền hơi thở huynh đệ năm châu bốn biển, âm thanh văng vẳng vách đá Trường Sơn, âm thanh soàn soạt lũy tre làng, âm thanh ầm ầm sóng Biển Đông, âm thanh loạt soạt tà áo lụa, âm thanh ngọt như chè, hồng như môi, sắc như gươm, êm như bàn tay nhung, ấm như gò má dậy thì, và có khi cao cả như kinh cầu mà cố nhạc sĩ Nguyễn Hiền, thường nhắc nhở:


      Quán kỷ âm thanh

      Nhi đắc giải thoát


      Giải thoát qua âm nhạc, giữ tâm thái hòa, hưng ư thi, lập ư lễ, thành ư nhạc, của cổ nhân.


      Dòng Việt nhạc đã lên đường, cùng PHẠM ĐÌNH CHƯƠNG bừng bừng Ra Đi Khi Trời Vừa Sáng, âm thanh hào sảng, hùng hồn mà không sát khí, vui tươi nhộn nhịp gót hướng đạo học trò, Hò Leo Núi cùng bình minh tràn dâng trên thớ đất quê hương, rồi tiếp theo, ngây ngất nồng nhiệt nâng Ly Rượu Mừng chúc non sông hòa bình, mênh mông thắm thiết hòa âm Tiếng Dân Chài, Hội Trùng Dương... người nhạc sĩ tài ba ấy trước sau phản ánh dân tình lạc quan, chân thành, ngay cả khi Nửa Hồn Thương Đau da diết trong màn Đêm Mầu Hồng... giữa rào rào thao thức Mưa Sài Gòn Mưa Hà Nội.


      Thập niên 1950, Hà Thành lãng mạn xào xạc Thu Vàng ven Hồ Gươm, vườn hoa Chí Linh lang thang bước chân đạp lăn lóc lá khô Cung Tiến, để rồi Nam phương Hoài Cảm đến tê tái, niềm nhớ rờn rợn trên da, rung từng kẽ tóc, thấu héo cây cỏ, Hương Xưa mang cả đò xưa bến cũ mơ hồ gieo sâu vào tâm cảm dạt dào ca dao ly hương. Dòng nhạc trữ tình nhân hậu, lãng mạn mà không bi thảm, chất ngất tinh ròng mà không vẩn đục hờn căm, lại được tiếp nối qua tình khúc Mùa Thu Cho Em, Tuổi 13, Giáng Ngọc, Áo Lụa Hà Đông của Ngô Thụy Miền, hay những Bài Không Tên của Vũ Thành An, Chào nỗi buồn của Nguyễn Ánh Chín. Thập niên 60-70 qua đi, dòng nhạc trữ tình vẫn không dứt, Đức Huy đam mê trên Đường Xa Ướt Mưa trong cơn Mưa Phùn, Mưa Đêm, Đừng Xa Em Đêm Nay, ước mơ đàn chim tha phương hẹn nhau trở về cố hương một ngày và còn muôn ngàn cung điệu khác, vượt bao năm tháng, xôn xao cung bậc Nhật Bằng, Trần Thiện Thanh, tất cả chung đúc luồng chính âm, phát xuất từ thành tâm tú khí.


      Năm xưa, nhạc Phạm Duy bay lượn như tiếng sáo diều bờ đê, như hơi thở ca dao đồng lúa, nhạc Chung Quân rì rào lũy tre làng cây đa bóng mát, nhạc Nguyễn Hiền từ tốn hiền hoà, Người Em Nhỏ trong xóm nghèo vang tiếng chuông chùa thế hệ sau, Cung Tiến, Ngô Thụy Miền, Đức Huy ăm ắp hình ảnh quê hương, chất đầy tâm thành dân tộc, nhạc điệu không mưu mẹo, không vướng dao găm trái phá, không bi ai ma quái xướng khô.


      Thập niên 1960-70, giữa lửa đạn, ma âm họ TRỊNH dội lên, dội lên khúc bi thương âm phủ, tức tưởi tiếng nấc vợ trẻ mất chồng, nghẹn ngào mẹ khóc con mới lìa cõi thế, hận mà chẳng rõ hận ai, dằn vặt giữa đe và búa, bàng hoàng đau đớn người chết hai lần, đấy là lòng một nghệ sĩ rung cảm tột độ, âm ba lan rộng, sâu, xiết vào lòng người, ... nhưng luồng nhạc đầy hấp lực này dường như có chút gì quái đản ẩn vào, có bóng ma lặn rất sâu trong âm thanh, không phải là tiếng gió xào xạc lũy tre, không phải là tiếng suối róc rách Trúc Lâm Yên Tử, mà như thể ngọn gió đoạn trường từ nghĩa địa thổi qua, than van ai oán, luồng gió thổi lạnh tóc gáy mà không thoát ra khỏi ma chướng, âm ỉ muốn thăng hoa siêu thoát mà cứ phải vất vưởng giải khăn sô xương trắng đầu lâu, đôi vai muốn nhẹ mà cứ phải gánh, gánh đôi vầng nhật nguyệt, một thùng sách ý niệm nặng trĩu như Tề Thiên bị núi đá đè... Họ Trịnh rất tiêu biểu cho một hàng ngũ, một trường phái đông đảo phản chiến, yêu hoà bình dù là hoà bình nghiêng về phải hay trái, là vì bom trút xuống như mưa, đại bác nổ như sấm, cung bậc trở thành chiếc áo quan chuyên chở sầu hận khóc than, nó âm ỉ tang thương, lạ, khác thường, không chừng phải truy nguyên lên tiền đề Oan và Oán, tận thời Lâm Ấp mất nước, Phù Nam tiêu ma, Chiêm Chàm tận diệt, hận Nam Ai, oán Đồ Bàn, âm loại này không quyện hẳn vào luồng khí sinh tồn Lạc Việt.


      Đối âm với Trịnh Công Sơn là nhạc Trần Thiện Thanh. Thiện Thanh không ngồi nhàn nhã ở công viên hậu phương để cùng người già nghe tiếng đại bác xa xa, không than van triết lí xuông, anh sống trong lửa đạn, giữa sống hào và chết hùng, từ lằn đạn trên đồi Charlie, từ pháo nổ dù bay đến khăn sô người vợ nhận xác chồng, anh sống thật nên nhạc như tiếng nấc bật lên, có những chiến sĩ ngã xuống mà hồn chẳng ra đi, bởi vì nét hùng như vết dao khắc trên vách đá, thân xác tan nhưng lửa sống vẫn bập bùng thiên thu. Ôi! ai đã đã từng gặp người thiếu nữ cạo trọc đầu khi người yêu, một phi công đi vào khung trời xanh không bao giờ trở về, ai đã thấy những khuôn mặt thép chiến chinh nằm bất động trong giao thông hào mà vẫn dội ánh hờn loáng lưỡi lê, chất lãng mạn đầy tình người, người lính vẫn biết yêu, cần yêu, vẫn bảy ngày đợi mong, vẫn muốn dỗ dành khi người yêu khóc.


      Phản đối chiến tranh, ước vọng hoà bình là một mặt của lòng nhân, nhưng chiến đấu để bảo vệ nước nhà và đàn chim của mình, lại là một diện của nghĩa, nhân và nghĩa, trong âm nhạc, trong nghệ thuật, biểu lộ thiện căn ở hai mức độ khác nhau, Trịnh Công Sơn lơ lửng trên trời hồng với đôi vai do dự, thiện ác bất phân, còn Trần Thiện Thanh, sống sát trên mặt đất, tay vác súng tay vác đàn, chẳng còn thì giờ đối thoại với "một người điên trong thành phố," với mấy gã hiện sinh rởm trên vỉa hè Paris... dòng nhạc của anh, sau mấy chục năm, bất ngờ lại dội lên, như một phản biện, như một cái xoè tay: đây chiến tranh, đây máu đào tưới xuống đất mẹ, gia tài cha ông có thế, nhưng chớ bán cho quỷ... âm hưởng từ sa trường về thành phố, âm rất thật, quặn đau, mà không kênh kiệu phô diễn suy tư non mỏng.


      Bên cạnh làn điệu dứt khoát ấy là một Nguyễn Đức Quang ngạo nghễ trên mảnh đất quê hương, âm thanh reo, như hạt nắng tung toé nhẩy múa trên đồng ruộng, như bước chân thiếu niên trong sáng của hướng đạo sói con Phạm Đình Chương "hò leo núi băng rừng" thuở nào, từng nhịp thở bật lên, mạnh, sạch, sáng, chẳng bừng bừng như một hùng ca mà vẫn hiên ngang niềm tin yêu trong huyết quản di thể Viêm Việt, can qua, khổ ải tang thương mà tấm thân gầy gò vẫn bất khuất, vấp ngã nhưng vẫn vùng dậy, đau mà vẫn cười vang vang, trên đe dưới búa mà vẫn quắc mắt ngang tàng... Nguyễn Đức Quang, con người từ Phong Châu hẳn mang trong dòng máu luồng âm hưởng vạn năm chính khí hào sảng đó.


      Lã Bất Vi, trong Lã Thị Xuân Thu, từng viết: Nghe âm thanh ở đâu thì biết phong tục ở đấy... Thịnh suy, hiền ác, quân tử, tiểu nhân đều biểu hiện ra ở nhạc âm, giấu cũng không được... Nhạc âm của thiện nhân, tiết tháo của kẻ sĩ, thành ư nhạc, sống động càn khôn, thấm cây cỏ, vào tâm người, rung lên cung bậc làn điệu hài hòa giữa lòng dân gian, xây đắp non sông, kiến tạo văn hóa.


      Suốt nửa thế kỷ, đoàn nhạc điểu Việt đã bay khắp bốn phương trời.

      Họ tha về từng cọng âm thanh rơi rắc dưới địa đàng.


      Thiên nhiên không có lưỡi,

      Âm nhạc thông ngôn thay đất đá cỏ hoa,

      như chim sáo vút cao

      cùng cánh diều lửng lơ trên lụa xanh sóng lúa


      Là điệu cúc cu chấm phá báo hiệu heo hắt sương Thu

      Nỗi niềm ve thở

      điệp khúc dằng dặc

      từ một bọc trứng Việt tròn xoay một kiếp người.


      Lưu Văn Vịnh

      Khởi Hành số 175, Tháng 5.2011

      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022


      Cùng Tác Giả

      Cùng Tác Giả:

       

      - Âm Thanh Từ Một Bọc Trứng Lưu Văn Vịnh Nhận định

      - Nhất Linh người định nghĩa sống và định nghĩa chết Lưu Văn Vịnh Khảo luận

    3. Bài viết về Âm Nhạc (Học Xá) Ad-31 Ad-31 = QC_250-250 (Học Xá)
  2. © Hoc Xá 2002

    © Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com)