1. Head_

    Dê Húc Càn

    (1.10.1934 - 21.11.1987)
    Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Tân Nhạc Việt Nam '20 - '50 (Lê Trọng Nguyễn) Ad-21 Ad-21 (Google - QC3) (Học Xá)

      2002 | ÂM NHẠC

      Tân Nhạc Việt Nam '20 - '50

        LÊ TRỌNG NGUYỄN
      Share File.php Share File
          

       

      Bài này được viết với ý bổ túc nhân các nhận định về sinh hoạt tân nhạc Việt Nam do nhạc sĩ Nguyễn Hiền trình bày tại hội VAALA (Nhóm Diễn Đàn Nhân Văn tổ chức); nhật báo Người Việt thuật đăng trên số báo 4543 ngày 16 tháng 5 năm 1998.

      Trong thời Pháp thuộc, văn hóa nghệ thuật Tây phương du nhập nước ta, trong đó dĩ nhiên có nghệ thuật âm nhạc. Dân ta hãy còn xa lạ với nghệ thuật âm nhạc này, nhưng vẫn có nhiều người tìm hiểu, nghiên cứu, bắt đầu học đánh đàn rồi từ từ đi vào lý thuyết. Số người này phần đông sống gần hoặc trong những đô thị có nhiều cơ hội học nhạc Tây phương. Trong khi đó âm nhạc cổ truyền của ta chưa được đặt thành lý thuyết ký âm. Nên hát thì truyền khẩu, đàn thì truyền ngón. Còn âm nhạc Tây phương đã có lý thuyết giảng dạy, ký âm khoa học, phương pháp hướng dẫn rõ ràng được in thành sách nên ai cũng có thể tự học và nghiên cứu, tùy theo năng khiếu thiên bẩm và nhất là đam mê mà phát triển. Thời ký này tạm gọi là "Bóng đêm chờ sáng" của tân nhạc Việt Nam.


      Bình Minh - 1945


      Sau trường Mỹ thuật ở Hà Nội một thời gian lâu, vào những năm cuối thập niên '20, người Pháp mở trường Âm nhạc, cũng tại Hà Nội, trên đại lộ Puginier, Ngã Ba Cột Cờ. Nhưng không hiểu vì lý do nào, chỉ trong vòng hai ba năm gì đó, trường đóng cửa.


      Số người theo học Trường Âm Nhạc này không biết là bao nhiêu, nhưng trong đó còn lại một vài danh tánh mà người yêu nhạc và người học nhạc vẫn còn ghi nhớ là Nguyễn Xuân Khoát và Nguyễn Văn Diệp.


      Nhiều bậc cao nhân có nghĩ việc đóng cửa Trường Âm Nhạc chỉ vì sự thành công quá rõ ràng của Trường Mỹ Thuật, từ đó đã xuất hiện nhiều danh tài hội họa như Tô Ngọc Vân, Mai Trung Thứ, Nguyễn Gia Trí, Lê Thị Lựu, Lê Phổ, Nguyễn Đỗ Cung, v.v... Như vậy, nhận thấy dân tộc ta có tiềm năng nghệ thuật phong phú, người Pháp với đầu óc thực dân, nên muốn đè đầu mà đóng cửa Trường Âm Nhạc. Có thể người Pháp nghĩ như ta thường nói: "Không thầy đố mày làm nên".


      Tuy nhiên trong cái khó nó bó cái khôn chúng ta vẫn có những người cố tâm tự rèn luyện để vươn lên đặt những viên gạch đầu tiên xây nền tân nhạc của chúng ta như Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Văn Diệp, Dương Thiệu Tước, Thẩm Oánh, Nguyễn Văn Tuyên, Đặng Thế Phong v.v... Ngoài ra còn có một số người âm thầm trong những tu viện Thiên Chúa Giáo bước ra với hành trang lý thuyết âm nhạc khá vững chắc nhập vào đời.


      Trong thuở bình minh này, như nhạc sĩ Nguyễn Hiền đã trình bày, dân gian chỉ hát những âm điệu cổ truyền sẵn có, và một số đông ở các đô thị thì lấy âm điệu ngoại lai phiên dịch ý chính qua hoặc tự ý đặt lời Việt mà hát. Thời đó có phong trào "hát điệu Tây". Nhắc qua như bài "J'ai Deux Amours" ... theo chàng Tino Rossi hay nàng Rina Kitty. Theo điệu Tàu "Tô Vũ Mục Dương" mà hát "mình ơi có đi bờ hồ". Trong các trường, học sinh hát dân ca Pháp như "Au Clair de la Lune", "Sur le Pont d'Avignon" v.v... Sở dĩ có tình trạng này chỉ vì chúng ta chưa có một âm điệu nào mới cả.


      Từ đó, động lực tự ái dân tộc nhen lửa sáng tạo cho những người tiên phong của ngành nhạc chúng ta sáng tác, viết trong ý thức nhạc cải cách (musique renovée), dựa theo khuôn mẫu nhạc loại (musique de genre) của ngoại quốc. Có thể nói những âm điệu đầu tiên của tân nhạc Việt là "Chờ Đợi Bình Minh" của Nguyễn Xuân Khoát, "Cô Lái Đò" của Thẩm Oánh, "Thu Trên Đảo Kinh Châu" của Lê Thương, "Tâm Hồn Anh Tìm Em" của Dương Thiệu Tước. Có một bài cũng trong giai đoạn này là "Trên Đường Vắng" (một bóng mà hai, lứa đôi núp sau hàng cây ...) có nhiều người nghĩ là của Dương Thiệu Tước. Còn có một bài nữa, rất đặc biệt, không theo khuôn mẫu cải cách mà rất là nguyên bản (originale), là bài "Đăng Đàn Cung" trong cung điện nhà Nguyễn, đã được soạn cho giàn nhạc kèn đồng và gỗ (orchestre d'Harmonie) như giàn nhạc Parmentier ở Hà Nội, và giàn nhạc Lebay ở Huế. Bài này thường được hòa tấu trong những cuộc lễ của Nam triều. Không biết tác giả là ai.


      Lúc bấy giờ, vào những năm trước 1945, ở Hà Nội thấy có rất nhiều ca khúc được in rời trên giấy màu. Một vài bài của Nguyễn Văn Diệp, của Tô Anh Đào (tức bà Thẩm Oánh), của Lưu Bách Thụ, của Lưu Hữu Phước, của Đào Sĩ Chu (dược sĩ), của Phạm Duy và những tuyệt tác của Đặng Thế Phong. In thành tập như tập "Đồng Vọng" toàn nhạc của Hoàng Quý. Trong "Xuân Thu Nhã Tập" có in nhạc của Nguyễn Xuân Khoát phổ bài thơ "Màu Thời Gian" của Đoàn Phú Tứ. Tiếc vô cùng! Một số nhiều ca khúc trong giai đoạn này không tìm đâu thấy nữa, còn lại một số vẫn còn vấn vương mãi với chúng ta mà người yêu nhạc gọi là "Nhạc Tiền Chiến". Chiến đây, theo suy nghĩ nông cạn của người viết bài này, là chiến tranh đánh Pháp giành lại độc lập.


      Sinh hoạt truyền bá và hướng dẫn ở Hà Nội lẻ tẻ có những lớp nhạc như của Ngọc Bích, của Thiện Tơ v.v... Có báo KHUYẾN NHẠC do Thẩm Oánh chủ trương, rất có giá trị, có in ca kịch "Cô Bán Hoa" của ông ta. Nhưng sau một thời gian phải đình bản, có lẽ vì không khí Hà Nội lúc bấy giờ, 1946, vội vã và căng thẳng chuẩn bị đánh Pháp.


      • Trong thuở bình minh, ở Huế nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên, khởi xướng trào lưu cải cách âm nhạc bằng cách đi diễn thuyết ở Sài Gòn, thời thống sứ Pagès; ở Hà Nội, thời thống sứ Chatel. Sự việc này có ghi lại trong "Les cahiers de la jeunesse" mà người viết bài này có cơ may đọc qua trong thư viện Sài Gòn trước kia.


      • Sinh hoạt âm nhạc ở Huế có Nguyễn Văn Thương, Tôn Thất Cảnh, Lê Cao Phan, Ưng Lan, Lê Mộng Nguyên, Tôn Thất Tiết, Nguyễn Hữu Ba, Châu Kỳ, Lê Quang Nhạc, Nguyễn Hữu Vang, Lê Đức Tùng, Hoàng Vĩnh Lộc (tức Dạ Chung), Hương Việt, Văn Giảng (tức Thông Đạt) và Trần Văn Lý. Có rất nhiều sáng tác giá trị.


      • Ở Đà Nẵng có nhóm Vũ Hùng, Phan Huỳnh Điểu, Hoàng Chi Lăng, Ngọc Trai, Hoàng Bích Sơn, ban nhạc ông Cang và ông Tâm, giáo sư dương cầm. Có sáng tác.


      • Vào tới Hội An (xưa gọi là Faifo), có nhóm Dương Minh Ninh, Dương Minh Hòa, Dương Minh Viên, Lan Đài, Trương Đình Quang, Phan Tú Mỹ kết hợp với ban nhạc gia đình của cụ Huỳnh San: Huỳnh Sỏ, Huỳnh Cầm (violons); Huỳnh Đồng (guitare); Huỳnh Phụng (giáo sư dương cầm) và Huỳnh Bá (mandoline). Có hội Société Philarmonique de Faifo: La Hối (piano), hai nhà giáo Khưu Đống, Vương Quang (violons), hai người Pháp (saxophone và clarinette) và Lê Văn Miên (trống). Có hai sáng tác đáng ghi là "Xuân Và Tuổi Trẻ" của La Hối, lời ca của Thế Lữ; "Gấm Vàng" của Dương Minh Ninh, viết cho thi kịch "Khói Lửa Cao Kinh" (tức nụ cười của nàng Bao Tự) của Vũ Hân.


      Đáng nhớ là đêm trình diễn ca vũ kịch (thu gọn) "Bạch Tuyết và 7 Chú lùn", với bài bản phối âm và ký vũ (chorégraphie) chính cống. Vũ sư Trịnh Toàn mà giới vũ nhạc ở Sài Gòn quen biết xuất thân từ tổ chức này.


      • Quảng Ngãi có Vân Đông, Lâm Tô Lộc, Pétrus Thiều, Nguyễn Nhĩ kết hợp sinh hoạt cùng ban nhạc của anh em ông Huyền. Có một vài sáng tác. Đáng nhắc đến là bài ca thanh thiếu niên "Đêm Trăng Thu" của Vân Đông.


      • Bình Định có nhóm Trần Đình Cang (giáo sư âm nhạc), Vũ Mạnh Sồ, Lê Văn Giá, Lê Văn Đích. Có vài sáng tác.


      • Nha Trang có ban nhạc gia đình hỏa xa Nguyễn Hữu Lâm và Nguyễn Văn Thọ. Có một vài sáng tác.


      • Lên Đà Lạt có nhóm Lê Xuân Ái, Lữ Liên và Năm Lành. Có một vài sáng tác. Bạn của Nguyễn Xuân Khoát, ông George, xuất thân từ nhạc viện Paris, mở lớp nhạc trong biệt thự Do-Mi-Si-La-Do-Re (= Domicile adorée).


      • Vào tới miền Nam sinh hoạt âm nhạc rất phồn thịnh, nhiều tổ chức, nhiều nhóm. Dễ nhớ nhất là nhóm Hoàng Mai Lưu (= Huỳnh Văn Tiển, Mai Văn Bộ và Lưu Hữu Phước) vài danh tánh như Trần Văn Khê, Anh Việt, Quách Vũ Chương, Pierre Trần, Võ Đức Thu, Trần Văn Nhơn v.v... sáng tác rất nhiều.


      1945 - 1950


      Thời kháng chiến chống Pháp là thời hăng say nhất của nhạc sĩ Việt Nam, rời bỏ tháp ngà, vác đàn túi nhạc ra đi, đi trên quê hương đẹp bao la với lòng yêu nước thương nòi nồng nhiệt.


      Từ rừng núi Bắc Việt vào đến Thừa Thiên, nơi nào cũng có dấu chân của Phạm Duy, Ngọc Bích, Phạm Duy Nhượng, Huy Du, Canh Thân, Tô Vũ, Hoàng Thi Thơ, Nguyễn Văn Tý, Trần Hoàn. Tất cả đều có sáng tác, rất nhiều và giá trị. Nổi bật nhất là những ca khúc của Phạm Duy và Ngọc Bích. Một vài tuyệt tác như "Trường ca Sông Lô" của Văn Cao, "Tiếng chuông nhà thờ" và "Chiều Việt Bắc" của Nguyễn Xuân Khoát, lúc bấy giờ là chủ tịch Hội Âm Nhạc Việt Nam.


      Từ Quảng Nam vô tới Phú Yên (Liên khu Năm), một trong số người có sinh hoạt trước giai đoạn này, có nhắc đến trên đây, đều có tham gia công tác kháng chiến trong vùng này. Rất ít sáng tác. Trên Tây nguyên trung bộ chỉ có Nhật Lai có công ký âm những âm điệu của những dân tộc thiểu số trong vùng.


      Những giai đoạn trên đây, người viết bài này có được trực tiếp và gián tiếp sống qua. Nhưng đến đầu thập niên '50 là lúc "nó" từ từ tách khỏi sinh hoạt âm nhạc. Vì vậy có thể có những người không nhắc đến, có thể là vì quên, nhớ người mà lại quên tên, xin miễn trách. Được có cơ duyên tiếp xúc với các bậc đàn anh trong cũng như ngoài ngành nhạc, học hỏi từ tư cách đến hiểu biết mà viết nên bài này. Nhớ đâu ghi đó, không mạch lạc gì cả, xin độc giả hiểu cho.


      Đọc báo Người Việt tường thuật buổi nói chuyện của nhạc sĩ Nguyễn Hiền, độc giả thoáng hiểu ông ta thuộc thế hệ đầu tiên nghiên cứu nhạc Việt, cùng thời với Nguyễn Xuân Khoát. Như vậy là một tin đáng mừng, vì ông có đủ tư cách để bắt đầu từ nay thu thập mọi sự kiện về nhạc Việt để viết Nhạc Sử Việt Nam.


      Lê Trọng Nguyễn

      (Khởi Hành số 21, tháng 7/1998)

      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022


      Cùng Tác Giả

      Cùng Tác Giả:

       

      - Tân Nhạc Việt Nam '20 - '50 Lê Trọng Nguyễn Tạp bút

    3. Bài viết về Âm Nhạc (Học Xá) Ad-31 Ad-31 = QC_250-250 (Học Xá)
  2. © Hoc Xá 2002

    © Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com)