|
Dê Húc Càn(1.10.1934 - 21.11.1987) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Nhạc sĩ Anh Bằng
Tóm lược: Nhạc sĩ Anh Bằng sáng tác ca khúc "Căn nhà ngoại ô" kể một chuyện tình trong thời chinh chiến giữa một chàng trai sống trong căn nhà ngoại ô và một cô bạn hàng xóm trẻ. Câu chuyện có vẻ chỉ là một chuyện tình xa cách của hai người yêu nhau, nhưng thực ra chất chứa một tình yêu cao thượng và lòng hy sinh vĩ đại. Tác giả gói ghém ý tưởng qua lối diễn tả bình dị, bằng cốt truyện dựa vào nhân vật thay vì tình tiết, và dẫn đến cực điểm sắp xếp một cách táo bạo với kết cục tuyệt diệu.
Nhạc sĩ Anh Bằng viết ca khúc "Căn nhà ngoại ô" vào năm 1966 về một chuyện tình thời chinh chiến. Bài hát không phải là bài được ưa chuộng nhất trong những bài ông sáng tác, nhưng cũng rất được ưa thích vì nó nói lên tính chất bình dị của một cuộc tình giữa hai người trẻ vì quê hương phải xa nhau. Tuy nhiên, ít người nhận ra ý nghĩa sâu xa của bài hát và do đó bài hát không được đón nhận tích cực như những bài hát khác của ông.
Sau đây là tiểu sử vắn tắt của tác giả.
Anh Bằng tên thật Trần An Bường, sinh năm 1926 tại Thanh Hóa. Vì gia đình anh em ông chống Việt Minh, vào thời kỳ Kháng Pháp, ông bị Việt Minh bắt giam ở trại Lý Bá Sơ. Các anh em ông bị tuyên án tử hình nhưng sau được thả, riêng người anh Trần An Lạc bị Việt Minh thủ tiêu. Ông theo gia đình di cư vào Nam năm 1954 và sinh sống ở khu Bà Chiểu, Sài Gòn cho đến năm 1975 (Wikipedia 2014).
Trong thời kỳ 1954 - 1975, nhạc sĩ Anh Bằng rất nổi tiếng với nhiều tác phẩm sáng tác và phổ nhạc. Các tác phẩm như "Nỗi lòng người đi" (đanh dấu cuộc di cư vào Nam), "Nếu vắng anh," "Hoa học trò," "Người thợ săn và đàn chim nhỏ" rất thịnh hành trong giới yêu nhạc.
Ông gia nhập Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (QLVNCH) năm 1957 ngành Công binh, sau chuyển sang Nha Chiến tranh Tâm lý cho đến năm 1962 thì ông giải ngũ. Cũng trong thời gian trong quân đội, ông là đạo diễn cùng là diễn viên trong ban kịch Liên đoàn Công binh lưu diễn từ Quảng Trị vào Bình Định. Sau khi giải ngũ ông tiếp tục hoạt động trên đài truyền thanh, phụ trách ban Sóng Mới (sđd.).
Cũng vào thời gian hoạt động ở Sài Gòn, Anh Bằng hợp tác trong nhóm Lê Minh Bằng (tên ghép từ ba nhạc sĩ Lê Dinh, Minh Kỳ, và Anh Bằng), quản lý nhà xuất bản và hãng đĩa Sóng Nhạc. Quán cà phê Làng Văn nổi tiếng một thời ở Sài Gòn cũng do ông tổ chức. Năm 1975, Anh Bằng cùng gia đình đi tỵ nạn cộng sản qua Mỹ, và vẫn tiếp tục hoạt động âm nhạc với Trung tâm sản xuất và phát hành băng nhạc cassette Dạ Lan (1981-1990). Thời gian sau này ông cộng tác với Trung tâm Asia và vẫn tiếp tục sáng tác.
Nguyên văn lời bài hát "Căn nhà ngoại ô" như sau (Nhạc Việt trước 75).
Tôi ở ngoại ô, một căn nhà xinh có hoa thơm trái hiền
Gần kề lối xóm, có cô bạn thân sớm hôm lo sách đèn
Hai đứa chưa ước hẹn lấy một câu, chưa nghĩ đến mai sau
Nhưng đêm thức giấc ngỡ ngàng
Nghe lòng thương nhớ biết rằng mình yêu.
Khi hiểu được nhau, thời gian gần gũi đã qua đi mất rồi
Nào còn những phút hái hoa vườn trăng suốt đêm chung tiếng cười
Tôi bước theo tiếng gọi những người trai, tha thiết với tương lai
Vui xa ánh sáng phố phường, xa người em nhỏ lên đường tòng chinh.
Là chinh nhân tôi bạn với sông hồ
Tình yêu em tôi nguyện vẫn tôn thờ
Và yêu không bến bờ
Niềm tin là một ngày mai non nước chung một màu cờ.
Rồi hôm nao tôi về ghé thăm nàng
Ngoại ô đây con đường tắm trăng vàng
Mà sao không thấy nàng
Tìm em, giờ tìm ở đâu! Sao không gắng đợi chờ nhau.
Tôi hỏi người quen... Nàng nay là Nữ Cứu Thương trên chiến trường
Dặm ngàn sóng gió, biết sao nàng vui dấn thân trên bước đường
Tôi đứng nghe gió lạnh giữa màn đêm, thương xé nát con tim
Em ơi, trái đất vẫn tròn,
Chúng mình hai đứa sẽ còn gặp nhau!
Trong bài này, tôi sẽ trình bày nhận xét về nội dung và hình thức của "Căn nhà ngoại ô." Ngoài ra, như trong các bài viết về âm nhạc trước, tôi sẽ chú trọng thảo luận chi tiết về các khía cạnh văn chương của lời nhạc. Tôi dùng "khán giả" để chỉ người nghe, người đọc, và người xem.
Trước khi đi vào chi tiết bài hát, ta nên biết sơ qua về Nữ Quân Nhân Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) để giúp cho sự hiểu biết rõ thêm về ý nghĩa của bài hát.
"Những nữ quân nhân của Quân đội Việt Nam Cộng Hòa có lẽ là những người bị lãng quên nhiều nhất và không được đề cập chút xíu nào trong chiến tranh Việt Nam. Ngày nay, nhiều người thuộc thế hệ sau không biết sự hiện hữu của họ trong Quân đội VNCH, những đóng góp và hy sinh của họ trong sự bảo vệ miền Nam Việt Nam" (VNAF).
Trước ngày 30 tháng 4, năm 1975, quân số nữ quân nhân trên lý thuyết là 10,000 người và đã thực hiện được trên 6,000. Riêng về sĩ quan thì có khoảng 600 kể cả cấp Chuẩn Úy (Hồ; Nguyen 2009, 60-62). Nữ quân nhân hoạt động trong các ngành truyền tin, tham mưu hay trong những nghề chuyên môn như y tá, nha tá, dược tá, chuyên viên thí nghiệm, tiếp huyết và các nữ điều dưỡng trong quân đội, giáo dục cho các cô nhi của tử sĩ.
Thành lập vào năm 1965, văn phòng trưởng đoàn Nữ Quân Nhân và Trung Tâm Huấn Luyện đặt tại đường Nguyễn Văn Thoại, trước đài Phát Tuyến ngay trên ranh giới quận 10 và quận 11 Saigon, nay là đường Lý Thường Kiệt.
Trung Tâm Huấn Luyện Nữ Quân Nhân đảm nhận việc tuyển mộ phụ nữ từ 18 tuổi trở lên, tình nguyện gia nhập quân đội và huấn luyện căn bản quân sự như về tổ chức quân đội, cơ bản thao diễn v.v… Nhiệm vụ Nữ Quân Nhân là không tác chiến nên chỉ được học ít giờ làm quen với vũ khí do Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung đảm nhận (Hồ).
Sau phần căn bản quân sự, tùy nhu cầu quân số do bộ TTM ấn định, khóa sinh tốt nghiệp sẽ được thụ huấn chuyên môn tại các trường Tổng Quản Trị, trường Quân Y, trường Hành Chánh Tài Chánh, trường Quân Nhu, trường Xã Hội v.v... Trường Xã Hội Quân Đội thuộc Cục Xã Hội (Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị), tọa lạc trong Trại Lê Văn Duyệt, nơi đặt bản doanh Bộ Tư Lệnh Biệt Khu Thủ Đô nằm trên đường Lê Văn Duyệt. Trường Xã Hội Quân Đội còn đào tạo huấn luyện những cô giáo nhà trẻ mẫu giáo để phục vụ tại trung tâm, trường học ở khu gia binh do quân đội xây cất (OVV 2009).
"Căn nhà ngoại ô" nói về chuyện tình hai người trẻ trong thời chinh chiến. Khác với các chuyện tình thời chiến khi người trai ra đi tòng quân để lại người yêu nơi hậu phương, trong "Căn nhà ngoại ô" cả hai đều gia nhập quân đội để phục vụ đất nước. Câu chuyện mới thoạt nghe là chuyện tình bình thường trong thời chiến, nhưng thực ra là một chuyện tình cao quý với ý nghĩa huy hoàng.
Nhan đề bài hát nói lên nơi mối tình hai người nẩy nở, căn nhà của chàng trại tại một vùng ngoại ô thành phố. Chàng trai sống trong một căn nhà nhỏ xinh xắn vùng ngoại ô, có vườn trồng hoa và cây ăn trái ("Tôi ở ngoại ô, một căn nhà xinh có hoa thơm trái hiền.") Ta không rõ ngoại ô đó là với thành phố nào. Tuy nhiên, qua hình ảnh êm ái thanh bình và an ninh của cuộc sống, ta có thể hiểu đây là vùng ngoại ô của một đô thị lớn tại miền Nam Việt Nam, rất có thể là Sài Gòn. Nhạc sĩ Anh Bằng sống ở Bà Chiểu, coi như là ngoại ô của Sài Gòn và quen thuộc với nhà cửa cuộc sống ở đó.
Chàng trai có một cô bạn thân ở gần nhà. Cô gái là người chăm chỉ học hành. ("Gần kề lối xóm, có cô bạn thân sớm hôm lo sách đèn.") Tuy không cho biết, ta có thể hiểu hai người là bạn học chung trường qua chi tiết "thân" và "sớm hôm lo sách đèn." Tuy nhiên chi tiết này không quan trọng. Hai người có thể là bạn thân vì lý do hàng xóm qua lại. Ngoài ra, chắc cả hai đang học lớp đệ nhị hoặc đệ nhất (lớp 11-12) vì trong khoảng năm 1966, hai kỳ thi Tú Tài I và II vẫn còn. Thông thường, học sinh thức khuya dậy sớm học hành khi vào những năm thi cử.
Tình bạn giữa hai người là tình bạn trong trắng thuần túy bên ngoài và hai người không có ngỏ lời thương yêu gì với nhau, thề non hẹn biển, hoặc lo nghĩ đến chuyện tương lai, có thể là còn bận rộn chuyện học hành ("Hai đứa chưa ước hẹn lấy một câu, chưa nghĩ đến mai sau.") Tuy nhiên, chàng trai nẩy ra lòng thương yêu cô bạn gái, qua những đêm thức giấc nhung nhớ nàng ("Nhưng đêm thức giấc ngỡ ngàng/ Nghe lòng thương nhớ biết rằng mình yêu.")
Rồi cả hai có lời yêu thương với nhau. Tình bạn bây giờ trở thành tình yêu. Vấn đề này thực ra phức tạp hơn những gì bài hát cho biết. Khi chàng trai tỏ tình với cô gái, anh ta phải suy nghĩ kỹ lắm. Nếu cô gái chấp nhận tình yêu của chàng thì không nói làm chi. Nhưng nếu cô gái từ chối thì sao? Có thể cô ta chỉ muốn coi chàng trai như một người bạn và không phải là một người tình. "Thổ lộ tình yêu với bạn mình có thể đòi hỏi một lòng can đảm to lớn vì bạn có thể bị từ chối" (Hickson 2013) Nếu cô gái từ chối, liệu hai người có thể tiếp tục duy trì tình bạn được không? Ta thấy một khi cô gái biết chàng trai yêu cô, mà cô không yêu chàng, thì cả hai sẽ lâm vào cảnh khó xử. Rất khó mà chàng có thể rút trở lại thành tình bạn, vì như vậy là dối lòng. Cũng rất khó mà nàng đối xử với chàng như người bạn như xưa khi nàng biết chàng yêu nàng. Ta sẽ trở lại vấn đề này sau.
Dù chàng có suy nghĩ kỹ hay không, sự việc xảy ra tốt đẹp. Nàng chấp nhận tình yêu của chàng, và nàng cũng yêu chàng. Lúc bấy giờ, giây phút hai người gần gũi bên nhau đã trôi qua. ("Khi hiểu được nhau, thời gian gần gũi đã qua đi mất rồi.") Những giây phút hai người vui đùa bên nhau hái hoa trong vườn suốt đêm trong quá khứ sẽ không còn nữa ("Nào còn những phút hái hoa vườn trăng suốt đêm chung tiếng cười.") Tại sao? Đó là vì chàng phải lên đường tòng quân gia nhập quân đội, xa rời thành phố và người yêu bé bỏng ("Vui xa ánh sáng phố phường, xa người em nhỏ lên đường tòng chinh.")
Tuy bài hát không cho biết, ta ngầm hiểu là khi hai người tỏ tình với nhau, họ chỉ cho nhau biết là họ yêu nhau, và cũng vẫn không hứa hẹn gì với nhau cả, vì không có lời cập nhật về "ước hẹn lấy một câu" hoặc "nghĩ đến mai sau." Chuyện đó cũng không lấy gì là bất thường, vì khi hai người nâng mối liên hệ lên một nấc, họ có thể chỉ cho cái tình cảm đó một cái tên mới, là "tình yêu" thay vì là "tình bạn" và do đó thực ra cũng không có gì thay đổi để phải có những hứa hẹn với nhau. Hai người có thể có những hứa hẹn ngầm mà không cần phải nói ra, thí dụ như trung thành với nhau, hoặc sẽ tiến tới hôn nhân. Tuy nhiên, ta thấy có một cái gì ngây thơ (naivety) trong tình yêu giữa hai người. Có thể nào họ tin nhau đến độ xa nhau mà không cần phải có lời hẹn ước. Nàng có thể tin tưởng chàng không quên nàng và ngược lại? Chi tiết này khá quan trọng khi câu chuyện diễn tiến sau đó. Trên thực tế, ta thấy cho dù có hứa hẹn nhau, lời hứa hẹn đó cũng không có gì bó buộc, vì tình cảm con người có thể thay đổi, nhất là khi xa mặt cách lòng. Cả hai, rõ ràng là còn trẻ tuổi và mới biết yêu lần đầu, chưa có kinh nghiệm trên tình trường. Do đó, họ không thấy sự cần thiết phải có lời ước hẹn hoặc toan tính cho mai sau.
Thế rồi, chàng trai ̣trở thành một chiến sĩ, đi đây đi đó ra chiến trường trận mạc, vui với núi non sông hồ ("Là chinh nhân tôi bạn với sông hồ.") Nhưng chàng lúc nào cũng tôn trọng tình yêu hai người. Cho dù không có lời hẹn thề, chàng còn yêu thương nàng vô bờ ("Tình yêu em tôi nguyện vẫn tôn thờ/ Và yêu không bến bờ.")
Có cái gì gắn bó tình yêu chàng với nàng một cách mãnh liệt. Đó là niềm tin đất nước không những sẽ hết chiến tranh mà lại còn được thống nhất, chung một màu cờ ("Niềm tin là một ngày mai non nước chung một màu cờ.") Ta phải hiểu đó là màu cờ vàng của lá cờ nền vàng ba sọc đỏ của miền Nam Việt Nam vì chàng trai đang chiến đấu dưới lá cờ vàng. Ta thấy tác giả Anh Bằng có cùng ước vọng như nhạc sĩ Lam Phương là "quân Nam về Thăng Long" để thống nhất đất nước, dưới lá cờ vàng.
Thế rồi, có lẽ trong một dịp về phép, chàng trai trẻ bây giờ là một anh lính trở về khu căn nhà ngoại ô, thăm người yêu vào môt buổi tối trăng vàng tỏa sáng ("Rồi hôm nao tôi về ghé thăm nàng/ Ngoại ô đây con đường tắm trăng vàng.")
Trong nỗi bàng hoàng, anh lính không thấy nàng ở nhà ("Mà sao không thấy nàng.") Anh buồn bã thất vọng tái tê, không biết nàng đã đi đâu, và biết tìm nàng ở đâu. Trong cơn ê chề, anh trách móc nàng nỡ nào bỏ đi không lời từ giã, mà không ráng chờ anh ("Tìm em, giờ tìm ở đâu! Sao không gắng đợi chờ nhau.")
Ta nhận ra vài chi tiết trong cuộc tình hai người.
Trước hết, trong lúc xa cách hai người dường như không có liên lạc với nhau. Bấy giờ là thời chinh chiến vào thập niên 1960, và kỹ thuật liên lạc viễn thông chưa được thịnh hành. Điện thoại có, nhưng không phải gia đình nào cũng có, nhất là ở ngoại ô. Nhưng thư từ qua bưu điện hiện hữu, và hai người có thể trao đổi thư từ. Tuy anh lính đi đây đi đó, anh vẫn có thể nhận thư qua Khu Bưu Chính (KBC) quân đội và viết thư hồi âm. Anh lính không nhắc gì đến chuyện thư từ trong lúc xa nàng. Có thể anh không thấy quan trọng trong việc thư từ vì anh biết anh sẽ về thăm nàng không lâu. Nhưng việc nàng không viết thư cho anh là một chuyện hơi khác thường. Ta sẽ trở lại vấn đề này sau.
Thứ nhì, câu trách móc "Sao không gắng đợi chờ nhau" quả thật xác nhận việc hai người không thề non hẹn biển gì trước đó, và sự chờ đợi nhau là một kỳ vọng ngầm, không cần phải tuyên bố lẫn nhau ra bằng lời. Chuyện này tuy hơi khác thường cho mối tình khởi đầu là tình yêu, nhưng rất bình thường trong mối tình hai người. Đó là vì họ có tình bạn trước đó, và tình yêu nẩy nở sau một tình bạn thân thiết lâu dài. Như trình bày ở trên, hai người chỉ cho một cái tên mới cho tình cảm của họ, và không thực sự gia tăng tình cảm đó, sau khi ngỏ lời yêu nhau. Vì vậy, hai người vẫn giữ nguyên trạng và không thấy sự cần thiết cho việc hứa hẹn đợi chờ nhau.
Sau đó, anh lính thăm dò tin tức nàng, có thể chỉ hỏi người hàng xóm, hoặc người quen gần đó, và được biết lý do ra đi của nàng. Nàng đã gia nhập quân đội là nữ quân nhân, phục vụ trong ngành quân y, nơi chiến trường ("Tôi hỏi người quen... Nàng nay là Nữ Cứu Thương trên chiến trường.")
Có vài chi tiết ta nên để ý. Thứ nhất, nơi nàng cư ngụ dường như không phải là nơi gia đình nàng ở. Nàng không có cha mẹ, người thân quyến thuộc, vì anh lính hỏi "người quen" chứ không phải thân quyến. Với chi tiết này, ta có thể suy diễn hoàn cảnh gia đình nàng. Cái suy diễn hợp lý nhất là cô gái ở trọ với một gia đình, Gia đình nàng có thể ở xa và nàng phải lên vùng đô thị ăn học. Chuyện này rất thông thường trong thời gian đó. Tuy trường học có đầy đủ khắp nơi trong miền Nam nhưng các vùng quê xa xôi hẻo lánh, hoặc những nơi dầu sôi lửa bỏng, chuyện học hành thường bị gián đoạn. Do đó, nhiều gia đình cho con đến nơi đô thị có an ninh để đi học. Những học sinh có thể ở với người quen, hoặc mướn phòng tạm trú.
Thứ nhì, cô gái lúc gia nhập Nữ Quân Nhân phải hội đủ điều kiện. Một trong những điều kiện là từ 18 tuổi trở lên. Tuy ta không rõ khoảng thời gian nàng và chàng yêu nhau cho tới lúc nàng gia nhập quân đội là bao lâu, nhưng dựa vào chi tiết nàng là người chăm chỉ học hành, "sớm hôm lo sách đèn" ta có thể suy diễn nàng học đúng tuổi hoặc gần đúng tuổi. Do đó, khi nàng chấp nhận tình yêu chàng, nàng đã là một cô gái trưởng thành, và có chút suy nghĩ chín chắn về tình yêu và tương lai.
Thứ ba, thời gian huấn luyện cho Nữ Quân Nhân ít nhất là vài tháng. Trước năm 1968, thời gian huấn luyện cho căn bản quân sự tại Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung cho nữ quân nhân là sáu tuần (Hồ). Sau đó là đi học thêm các lãnh vực chuyên môn như xã hội quân đội, quân y, truyền tin, quân nhu. Vì nàng là nữ cứu thương, hoặc y tá, nàng phải đi học thêm về quân y. Ta cũng nên phân biệt "nữ cứu thương,""phụ tá quân y," và "trợ tá xã hội." Thực ra, "nữ cứu thương" chỉ là một danh từ chỉ người y tá hoặc phụ tá trong ngành quân y. Để là một "nữ cứu thương," người nữ quân nhân phải theo học ngành "phụ tá quân y" trong trường Quân Y. Còn "trợ tá xã hội" là những người tốt nghiệp trường Xã Hội Quân Đội thi hành những nhiệm vụ xã hội cho gia đình quân nhân như trợ cấp khó khăn, sanh đẻ, giấy tờ con em đi học, báo tử, v.v... (Xem, thí dụ như, Thạch 2014).
Ta không biết rõ thời gian học phụ tá quân y là bao lâu, nhưng dựa vào tính chất quan trọng của ngành này, chắc cũng phải khoảng 6 tháng. Ngành trợ tá xã hội cần 6 tháng học tại trường Xã Hội Quân Đội (xem, thí dụ như, Thạch 2014) nên ta thấy ước đoán học 6 tháng cho phụ tá quân y không đến nỗi sai lắm. Một điểm quan trọng hơn là tuy ta cố tìm những chi tiết chính xác khi tìm hiểu một câu chuyện, việc đó có lẽ không quan trọng lắm trong một tác phẩm nghệ thuật. Nhạc sĩ Anh Bằng có thể tạo dựng nhân vật trong ca khúc ông dựa vào nhân vật có thật hoặc tưởng tượng, và những chi tiết có thể dựa vào những chi tiết chính xác hoặc đại khái nếu những chi tiết đó không ảnh hưởng đến ý chính của tác phẩm.
Nói tóm lại, những chi tiết trong bài hát cho ta hình dung ra được vài điểm sau: (1) Cô gái lúc yêu chàng trai đã là một cô gái trưởng thành, biết suy nghĩ cho tương lai, (2) hai người xa nhau không liên lạc nhau trong một khoảng thời gian khá dài, có thể lên đến 6-9 tháng hoặc một năm; và (3) trong khoảng thời gian xa nhau, hai người hầu như không có liên lạc. Cô gái có vẻ không muốn cho người yêu biết dự tính gia nhập nữ quân nhân. Những điểm này sẽ được nhắc lại trong phần sau.
Trở lại câu chuyện, anh lính biết được người yêu mình đã gia nhập quân đội và hiện đang là nữ cứu thương trên chiến trường. Anh biết cuộc sống trên sa trường sóng gió như thế nào. Người nữ cứu thương là người giúp các bác sĩ quân y hoặc làm việc trợ giúp y tế cho quân nhân, có một trách nhiệm nặng nề. Anh tự hỏi không biết nàng có vui trong công việc của nàng ("Dặm ngàn sóng gió, biết sao nàng vui dấn thân trên bước đường.")
Hẳn nhiên tin đó làm anh sững sờ. Anh đứng trong cơn gió lạnh màn đêm, mà lòng thương yêu nàng xé nát tim anh ("Tôi đứng nghe gió lạnh giữa màn đêm, thương xé nát con tim.") Phản ứng "xé nát con tim" dường như xảy ra chậm chạp, vì nó xảy ra sau khi anh lo lắng không biết nàng có vui không, và trong lúc anh đang đứng trong gió lạnh màn đêm, như thể anh đang suy nghĩ nhiều. Tác giả không nói rõ lý do tại sao nghe tin đó mà anh lính có nỗi đau thương thống thiết như vậy. Nhưng ta có thể suy diễn ra trong hai câu sau. Thực ra, theo tôi nghĩ, câu này là cực điểm của bài hát vì nó gói ghém những ý nghĩ của chàng trai về cô gái và cuộc tình của hai người như sẽ được thảo luận sau.
Chàng biết là cơ hội gặp lại nàng rất mong manh, nhưng với niềm tin mãnh liệt, chàng vẫn tin hai người sẽ gặp lại nhau ("Em ơi, trái đất vẫn tròn/ Chúng mình hai đứa sẽ còn gặp nhau!") Nhóm chữ "trái đất vẫn tròn" thường dùng chỉ cuộc tái ngộ sẽ xảy ra, dù không có gì là chắc chắn. Và đó là điều chàng mong ước.
Câu chuyện chỉ có vậy. Anh Bằng có vẻ kể lại một chuyện tình trong thời chinh chiến như bao chuyện tình khác: hai người yêu nhau, chàng tòng quân, trở về tìm nàng thì nàng đã đi xa, và chàng hy vọng sẽ gặp lại nàng. Câu chuyện không có nhiều tình tiết éo le, nếu không muốn nói là khá đơn giản. Kết cục cũng không có gì thê lương hoặc vui vẻ.
Tuy nhiên, có một ý nghĩa thật cao cả và vĩ đại hơn mà Anh Bằng tinh tế dàn xếp ở phần cuối bài. Đó là khi anh lính chợt hiểu lý do tại sao người yêu mình gia nhập quân đội.
Tuy chuyện tình, mới thoạt nghe, có vẻ là về một mối tình bình thường, thực ra là một mối tình cao cả biểu lộ lòng hy sinh vĩ đại của một cô gái trong tinh thần yêu thương những chiến sĩ đang xả thân nơi chiến trường.
Ta nên hiểu rõ mối tình giữa hai người như thế nào.
Nhạc sĩ Anh Bằng khôn khéo kể câu chuyện dưới quan điểm của chàng trai, từ đầu đến cuối. Khán gỉả không biết tâm tư cô gái thế nào. Nhưng qua lời chàng, và phản ứng chàng khi biết nàng là nữ cứu thương nơi chiến trường, khán giả, cũng như chàng trai, bừng hiểu ra.
Trước hết, hai người là hai bạn thân, có thể qua trường học, có thể do hàng xóm qua lại. Tình bạn đó ắt là ngây thơ trong trắng, vì hai người thường vui đùa với nhau hái hoa trong vườn, cười đùa suốt đêm. Thế rồi, từ tình bạn, chàng trai nẩy sinh lòng yêu thương cô gái, và ngỏ lời yêu thương. Tuy bài hát không nói rõ, ta hiểu nàng chấp nhận tinh yêu đó một cách dễ dàng, không có gì khó khăn.
Câu hỏi là: nàng có yêu chàng thực sự không? hay chỉ vì "lịch sự" hoặc không muốn chàng buồn mà nhận lời?
Ai cũng biết phái nam và phái nữ khác nhau, nhất là về phương diện tình cảm. Đã có nhiều nghiên cứu về đề tài này và tôi không có ý định duyệt lại mọi lý thuyết về tình yêu trai gái. Tuy nhiên, có một nghiên cứu trình bày vài kết quả khá ngạc nhiên. Nghiên cứu này cho thấy cả phái nam và nữ biểu lộ tình yêu qua hành động trìu mến (affectionate) như nhau, nhưng phái nữ biểu lộ tình yêu qua sự chiều ý (accommodating) hơn phái nam (Schoenfeld, Bredow, và Huston. 2012, 1, 9). Tuy nghiên cứu này chú trọng đến tình yêu trong hôn nhân, tâm lý phái nam và phái nữ giống nhau trong hoặc ngoài hôn nhân. Ngoài ra, văn hóa cũng có ảnh hưởng đến cách diễn tả tình yêu. Trong văn hóa Á Châu, phái nữ thường đóng vai trò thụ động hơn trong tình yêu, và hỗ trợ kết luận của nghiên cứu này.
Trở về "Căn nhà ngoại ô," ta có thể hiểu cô gái thực sự yêu chàng trai, và sự nhận lời của cô là cách biểu lộ tình yêu qua hành động "chiều ý" của mình. Nếu cô không yêu chàng, cô sẽ có cách từ chối tế nhị, hoặc cô có thể có cách biểu lộ có giới hạn để chàng trai không có dịp nẩy nở ra tình yêu. Cô gái ở tuổi trưởng thành, xa nhà, do đó ắt là phải có đầu óc khôn ngoan, biết lo cho tương lai. Tuy đây có thể là mối tình đầu, cô vẫn biết dùng lý trí để kiểm soát tình cảm. Việc cô gái qua nhà chàng trai và cười đùa hái hoa suốt đêm có vẻ như là cô gái đang khuyến khích chàng trai ngỏ lời yêu thương. Cô có thể cho những gợi ý khiến chàng trai có can đảm để ngỏ lời mà không sợ bị từ chối. Như đã trình bày ở trên, chàng trai phải suy nghĩ đắn đo lắm trước khi mở lời vì nếu nàng từ chối, hai người sẽ rơi vào tình trạng khó xử. Nhờ có những gợi ý và khuyến khích của cô, chàng trai mới có can đảm tiến tới. Ngoài ra, với hành động gia nhập quân đội sau này của cô, ta hiểu cô là một người có ý chí mạnh mẽ dứt khoát, và không phải là người sợ chàng trai buồn mà phải nhận lời yêu. Vì những lý do này, ta hiểu cô gái thực sự yêu chàng trai.
Nếu nàng yêu chàng thực sự, tại sao nàng không chờ đợi chàng trở về, mà lại gia nhập nữ quân nhân để trở thành nữ cứu thương trên chiến trường?
Ta biết nàng là người chăm chỉ học hành và không có lệnh động viên cho phái nữ trong miền Nam. Tại sao nàng bỏ học, có thể làm nghịch ý gia đình đã gửi nàng lên gần đô thị học hành, và tình nguyện gia nhập nữ quân nhân? Một cách sâu sắc hơn, nàng gia nhập ngành phụ tá quân y để làm y tá nơi chiến trường. Tại sao?
Tới đây, một hình ảnh cao cả hiện ra và một mối tình thiêng liêng nổi bật, như hiển hiện trong trí óc chàng lính trẻ đang lặng người trong cơn gió lạnh về đêm, suy nghĩ về lý do tại sao nàng bỏ học và gia nhập nữ quân nhân. Cái ý thức về hình ảnh cao cả và mối tình thiêng liêng đó dần dần hiện ra trong óc chàng, xé nát con tim chàng.
Đúng vậy. Nàng không muốn chỉ là một người em hậu phương khuyến khích người yêu ngoài trận mạc qua tinh thần. Vì quá yêu chàng, nàng muốn tham gia vào cuộc chiến đề cùng chàng bảo vệ non sông, cùng sát cánh với chàng (một cách biểu tượng) trong cuộc chiến bảo vệ tự do dân chủ cho đất nước, và nàng muốn hiểu rõ cuộc đời chinh chiến của chàng như thế nào để có thể chia sẻ buồn vui và những nỗi nhọc nhằn khó khăn trong nghiệp lính. Nàng không cho chàng biết chuyện này vì nàng biết chàng sẽ ngăn cản nàng, và nàng không muốn phải thảo luận tranh cãi với chàng về quyết định mình.
Một cách thiêng liêng, nàng trừu tượng/ tổng quát hóa cuộc đời chinh chiến của chàng cho đến mọi chiến sĩ đang hy sinh ngoài sa trường. Chàng không còn là một người xương thịt mà biến thành một biểu tượng, một khái niệm trừu tượng mà nàng có bổn phận chăm sóc, bảo tồn. Vì vậy, đối với nàng, hình ảnh chàng ở khắp nơi, biểu hiện là các chiến sĩ của quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Nàng không cần để lại nơi liên lạc vì chuyện đó không cần thiết. Với nàng, chàng ở khắp nơi ngoài chiến tuyến và lúc nào nàng cũng gặp chàng. Nàng không coi tình yêu nàng cho chàng là một tình yêu vị kỷ giữa hai người, mà là một nhiệm vụ nàng phải thi hành cho tấ̀t cả mọi chiến sĩ.
Do đó nàng trở thành nữ cứu thương, thay vì làm việc trong quân nhu, hoặc là trợ tá xã hội. Nàng muốn bàn tay nàng trực tiếp săn sóc chàng, qua những chiến sĩ, và cùng xông pha với chàng nơi trận địa.
Nếu hành động hy sinh tình yêu vị kỷ cho một tình yêu vĩ đại hơn của nàng là một hành động cao quý, phản ứng của chàng lại còn làm tăng giá trị mối tình cao thượng đó.
Anh lính có hiểu chuyện đó không?
Đương nhiên. Anh hiểu rất rõ, sau một lúc đứng trong gió lạnh giữa đêm. Và đó là tại sao anh cảm thấy lòng thương yêu "xé nát con tim." Nhóm chữ "xé nát con tim" nói lên một nỗi niềm thống thiết, đau nhói, xót xa. Nó không phản ảnh một phản ứng buồn bã vì xa nhau, mà phản ảnh một xúc động mãnh liệt, một lòng thương yêu vô bờ, và sự ngưỡng mộ mênh mông cho mối tình bao la mà nàng dành cho chàng. Ngoài ra, anh biết anh sẽ khó gặp lại nàng, vì nàng không để lại chi tiết liên lạc. Và anh hiểu lý do tại sao, vì với nàng, anh ở khắp nơi.
Khi chàng nghĩ ra được lý do tại sao nàng gia nhập làm nữ cứu thương, chàng đau buồn vô cùng. Nhưng chàng tôn trọng quyết định của nàng, và lại càng yêu quý nàng hơn vì mối tình cao cả đó. Ngay tại lúc đó là cực điểm của bài hát.
Chuyện tình của hai người là chuyện tình có ý nghĩa thiêng liêng, cao quý, nói lên lòng hy sinh vô bờ của cả hai.
Ngoài ra, bài hát là lời tuyên dương mạnh mẽ cho các nữ quân nhân VNCH. Họ là những người thực sự đóng vai trò hỗ trợ trực tiếp các chiến sĩ. Tuy không tham gia tác chiến, họ hoạt động trợ giúp gia đình vợ con binh sĩ để đem lại niềm an tâm cho các chiến sĩ xông pha trận mạc. Họ còn trực tiếp săn sóc thương binh, hoặc đóng vai trò phụ giúp trong các hoạt động quân sự. Những nỗ lực của họ, tuy nhiên, thường không được biết đến.
Anh Bằng có lối diễn tả bình dị nhưng có tác dụng mạnh. Ta thấy ông gói ghém một ý tưởng cao quý, đề cao một hình ảnh cao thượng một cách điêu luyện.
Ông dùng từ ngữ cụ thể, đơn giản nhưng tượng hình như "hoa thơm," "trái hiền," "sớm hôm," "hái hoa," "chung tiếng cười," "bước theo," "trăng vàng," "gió lạnh," "xé nát." Một cách tài tình, ông sắp xếp những từ ngữ cụ thể tượng hình này bên cạnh những từ ngữ trừu tượng để diễn tả ý tưởng hoặc tình cảm mạnh mẽ. Thí dụ, "thức giấc ngỡ ngàng" cho thấy một phát giác tạo kinh ngạc. Tại sao kinh ngạc? Chàng trai kinh ngạc vì chàng không ngờ chàng đã yêu nàng từ lâu mà chàng không biết. Một thí dụ khác, "bước theo tiếng gọi" diễn tả một hành động tự nguyện, không phải vì bị bó buộc. Một thí dụ nữa, câu "thương xé nát con tim" là một diễn tả tuyệt vời, như tôi đã trình bày ở trên.
Cả bài hát rải rác nhiều mỹ từ và từ ngữ mạnh, tạo nên những nét chấm phá linh động cho ý tưởng hoặc hình ảnh. Thí dụ, "trái hiền," "tắm trăng vàng," "dấn thân trên bước đường," "trái đất vẫn tròn."
Đặc biệt nhất, Anh Bằng dùng một kỹ thuật độc đáo trong cách thức dàn xếp cốt truyện và tạo dựng cực điểm và kết cục.
Ông thiết lập cốt truyện không bằng tình tiết hoặc sự kiện, tuy bề ngoài có vẻ như vậy. Ông tạo dựng cốt truyện dựa vào nhân vật. Ta thấy ông tả nhân vật với các gợi ý trực tiếp hoặc gián tiếp cho cốt truyện. Thí dụ, ông tả cô gái là người học hành chăm chỉ, chàng trai và cô gái là hai người trẻ trong trắng trong tình bạn, chàng trai là người có lý tưởng, và có niềm tin mạnh mẽ, cô gái là người quả quyết. Bằng cách cho thấy những đặc tính của hai nhân vật, ông giúp khán giả hình dung rõ rệt cốt truyện. Quan trọng hơn, ông dùng cá tính của hai nhân vật để đưa đến một cực điểm mạnh mẽ, khiến khán giả bàng hoàng.
Cực điểm (climax) có ý nghĩa tùy vào thể loại của một tác phầm văn chương. Với tiểu thuyết, đó là điểm mà mọi chuyện trong câu chuyện cuối cùng xảy ra. Với thơ, đó là ý chính của cả bài, thường được diễn tả một cách gián tiếp hoặc qua các ẩn dụ tinh tế. Với ca khúc, đó vừa là ý chính vừa là nơi mọi chuyện cuối cùng xảy ra.
Cực điểm của bài hát này ở đâu?
Như đã trình bày ở trên, đó là câu "Tôi đứng nghe gió lạnh giữa màn đêm, thương xé nát con tim." Câu này cho thấy chàng trai bàng hoàng sau khi biết tin người yêu là nữ cứu thương nơi chiến trường qua câu "Nàng nay là Nữ Cứu Thương trên chiến trường." Tác giả cho chàng trai một khoảnh khắc lo lắng không biết nàng có vui với quyết định đó không qua câu "Dặm ngàn sóng gió, biết sao nàng vui dấn thân trên bước đường." Bằng cách dùng hai câu này, tác giả đưa khán giả dần dần tới cực đỉnh, khi chàng chợt nhận ra lý do tại sao nàng gia nhập nữ quân nhân và là nữ cứu thương. Tác giả để chàng đứng giữa màn đêm (một hình ảnh suy tư), và sau đó, như một tiếng sét đánh vào đầu, chàng bừng hiểu và lòng yêu thương nàng "xé nát con tim" chàng.
Cái táo bạo của Anh Bằng là ông để cực điểm ở gần chót, lúc đoạn kết. Cái liều lĩnh của cách xếp đặt này là khán giả có thể bị chưng hửng, vì đoạn kết đến quá nhanh, khiến nhiều người có thể không có dịp để ý tưởng thấm dần trong óc. Tuy nhiên, Anh Bằng khéo léo đánh tan cái tác dụng bất lợi đó nhờ hai việc.
Thứ nhất, khác với một cuốn phim hoặc một tiểu thuyết, một bài hát thường ngắn hơn nhiều và có thể được nghe đi nghe lại nhiều lần. Do đó, cho dù cảm giác chưng hửng có xảy ra trong lượt nghe đầu tiên, các lượt nghe sau sẽ làm giảm đi cảm giác đó, và người nghe càng thấm khi nghe lại nhiều lần.
Thứ nhì, phần kết kuận có tác dụng hữu hiệu với câu "Em ơi, trái đất vẫn tròn," và "Chúng mình hai đứa sẽ còn gặp nhau!" Câu "Em ơi, trái đất vẫn tròn" hàm ý chấp nhận, chịu thua. Chàng lính trẻ hiểu được ý người yêu và đành chấp nhận chuyện đó. Chàng không oán trách nàng đã bỏ đi đột ngột hoặc có một quyết định cực đoan (theo ý chàng). Câu "Chúng mình hai đứa sẽ còn gặp nhau!" nói lên nỗi hy vọng, niềm tin mạnh mẽ. Khán giả sẽ vui vì kết cục này. Tuy hai người không được xum họp, nhưng họ hiểu nhau, và họ cùng bỏ qua mối tình vị kỷ sang một bên để hướng đến một mục tiêu cao thượng hơn.
Chấp nhận và hy vọng. Còn gì tuyệt diệu bằng?
Ca khúc "Căn nhà ngoại ô" là một bài hát kể chuyện tình trong thời chinh chiến giữa một chàng trai sống trong căn nhà ngoại ô và một cô bạn hàng xóm trẻ. Qua lối diễn tả bình dị nhưng hữu hiệu và kỹ thuật táo bạo xếp đặt cực đỉnh và kết cục, nhạc sĩ Anh Bằng gói ghém một ý tưởng kín đáo nhưng mạnh mẽ cho một mối tình cao cả và lòng hy sinh vĩ đại của cô gái.
Bài hát ca ngợi sự đóng góp ít được biết đến của những nữ quân nhân phục vụ trong QLVNCH. Cộng với những hy sinh dũng cảm của người lính VNCH, sự đóng góp này nói lên tinh thần đoàn kết, oai hùng, và cao quý của miền Nam Việt Nam trong cuộc chiến chống cộng sản, giành tự do dân chủ cho quê hương xứ sở.
CẢM TẠ
Tôi xin có lời cảm tạ các bạn trên trang mạng Dân Làm Báo đã có lời khích lệ trong các bài về âm nhạc trước và giúp tôi có ý định viết bài này, đặc biệt là lời yêu cầu của bạn mythanh.
• Hickson, Anna-Sofie. 2013. How to Turn Friendship Into Love. 18-12-2013.
http://www.livestrong.com/article/182299-how-to-turn-friendship-into-love/ (truy cập 24-12-2014).
• Hồ Thị Vẽ. Không rõ Ngày. Nữ Quân Nhân Quân Lực VNCH.
http://femmes-guerres.ens-lyon.fr/spip.php?rubrique89 (truy cập 23-12-2014).
• Nguyen, Nathalie Huynh Chau. 2009. Memory is Another Country: Women of the Vietnamese Diaspora. ABC-CLIO, Santa Barbara, California, U.S.A
• Nhạc Việt trước 75. Không rõ ngày. Căn nhà ngoại ô (Anh Bằng - T.H.).
http://amnhacmiennam.blogspot.com/2013/04/can-nha-ngoai-o-anh-bang-th.html (truy cập 23-12-2014).
• OVV. 2009. Nữ Quân Nhân Quân Lực VNCH. 18-6-2009.
https://ongvove.wordpress.com/2009/06/18/n%E1%BB%AF-quan-nhan-quan-l%E1%BB%B1c-vnch/ (truy cập 23-12-2014).
• Schoenfeld, Elizabeth A., Bredow, Carrie A., and Huston, Ted L. 2012. Do Men and Women Show Love Differently in Marriage? Personality and Social Psychology Bulletin, XX (X) 1-14.
• Thạch Thảo. 2014. Vì sao tôi là Nữ Quân Nhân QL VNCH OAI HÙNG. 18-10-2014.
http://www.thegioinguoiviet.net/showthread.php?t=31172 (truy cập 24-12-2014).
• VNAF. Không rõ Ngày. Women in Uniform of ARVN.
http://www.vnafmamn.com/women_inARVN.html (truy cập 23-12-2014).
• Wikipedia. 2014. Anh Bằng. Thay đổi chót: 7-12-2014.
http://vi.wikipedia.org/wiki/Anh_B%E1%BA%B1ng (truy cập 23-12-2014).
- Bình Phẩm Về Ca Khúc "Ly Rượu Mừng" Cao Đắc Tuấn Nhận định
- Giấc Ngủ Cô Đơn Cao Đắc Tuấn Khảo luận
- Giấc Ngủ Cô Đơn Cao Đắc Tuấn Khảo luận
- Nền giáo dục VNCH - một kinh nghiệm bản thân Cao Đắc Tuấn Tạp bút
- Căn Nhà Ngoại Ô Cao Đắc Tuấn Khảo luận
- Tiếng Xưa Cao Đắc Tuấn Khảo luận
- Chuyến Đò Vĩ Tuyến Cao Đắc Tuấn Khảo luận
• Ba Tôi (Trần An Thanh)
• Thi sĩ, Kịch sĩ: Anh Bằng (Diệu Tần)
• Giấc Ngủ Cô Đơn (Cao Đắc Tuấn)
• Căn Nhà Ngoại Ô (Cao Đắc Tuấn)
• Anh Bằng Và Tôi (Lê Dinh)
Nỗi Lòng Người Đi và Nhạc Sĩ Anh Bằng
(Phan Anh Dũng, cothommagazine.com)
(Nguyễn Quý Đại)
(Văn Đàn Đồng Tâm)
Tiểu Sử (Wikipedia)
Nhạc Anh Bằng (saigonocean1.com)
Những Ca Khúc Bất Hủ Của Nhạc Sĩ Anh Bằng
• Làm sao nói hết niềm riêng: Có những niềm riêng (Lê Tín Hương) (Lê Trung Ngân)
• Nhạc Nhái và Nhạc Chế (Song Thao)
• Đêm Sài Gòn Xưa (Huyền Chiêu)
• Ảo giác Trịnh Công Sơn (Lê Hữu)
• Nguyễn Đình Nghĩa - Bắt Đầu... Từ Một Đêm Trăng (Phan Nhật Nam)
• Theo Hoàng Thi Thơ, đi tìm lại đường xưa lối cũ (Cao Vị Khanh)
• Nhạc sĩ Vinh Sử kể tình đời qua những khúc bolero (Hoàng-Dung)
• Nhạc sĩ Hoài Nam và ca khúc “9 Tháng Quân Trường”: Gắn trên vai chiếc lon Chuẩn-úy… (Đông Kha)
• Nhạc vàng boléro, sến hay không sến? (Lê Hữu)
• Tô Vũ: Em đến thăm anh một chiều mưa (Hà Đình Nguyên)
Các nhóm nhạc (Wikipedia):
Myosotis, Tricéa, Tổng Hội Sinh Viên, Đồng Vọng
Nhạc sĩ:
Trang nhà:
Nhạc tuyển::
Dòng nhạc gợi nhớ Taberd75.com
Sài Gòn ơi! Vĩnh biệt Ngọc Lan
Mùa thu Paris Thái Thanh
Lòng Mẹ (Y Vân) Lê Tấn Quốc, Saxo
Hận Đồ Bàn (Xuân Tiên) Chế Linh
- Hình Ảnh Ca Nhạc Sĩ Sài Gòn trước 1975
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |