|
Lam Phương(20.3.1937 - 22.12.2020) | Lưu Trung Khảo(.0.1931 - 22.12.2015) | Nguyễn Hiến Lê(8.1.1912 - 22.12.1984) | Nguyễn Đình Nghĩa(5.10.1940 - 22.12.2005) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Thơ Văn Trần Yên Hoà & Bằng hữu
Nhạc sĩ Anh Bằng
(1926 - 2015)
Nhạc sĩ Anh Bằng tên thật là Trần An Bường, sinh năm 1926 tại Thanh Hóa. Ông theo gia đình di cư vào Nam năm 1954 và sinh sống ở khu Bà Chiểu, Sài Gòn cho đến năm 1975.
Ông gia nhập Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa năm 1957 ngành Công Binh. Thời gian này, ông vừa là đạo diễn vừa là diễn viên trong ban kịch Liên Đoàn Công Binh lưu diễn từ Quảng Trị đến Bình Định.
Các vỡ kịch được khán giả yêu thích: Đứa con nuôi (đoạt "Giải Văn học Nghệ thuật Toàn quốc" thời Đệ nhất Cộng hòa), Hoa Tàn Trên Đất Địch, Lẽ Sống, Nát Tan...
Các nhạc phẩm nổi tiếng: Nỗi Lòng Người Đi, Hoa Học Trò, Khúc Thụy Du, Nếu Vắng Anh, Người Thợ Săn và Đàn Chim Nhỏ, Chuyện Hoa Sim, Chuyện Giàn Thiên Lý, Lẽ Bóng, Anh Biết Em Đi Chẳng Trở Về...
Cùng nhạc sĩ Lê Dinh và Minh Kỳ thành lập nhóm Lê Minh Bằng, hãng đĩa Sóng Nhạc.
Sau 1975, sang Mỹ tỵ nạn, sáng lập Trung Tâm Asia vào năm 1981.
Ông từ trần ngày Thứ Năm 12-11-2015 tại Quận Cam, thọ 89 tuổi.
(Học Xá tóm lược)
Nhóm nhạc sĩ Lê Minh Bằng và nhạc sĩ Anh Bằng nổi tiếng, nhưng có lẽ ít người biết Anh Bằng còn là một thi sĩ và một kịch sĩ có tài. Tính tình Anh Bằng vốn ít nói, cũng ít nhắc đến những vở kịch thơ của anh sáng tác từ khi anh còn ở trong quân đội. Ngay từ cuối thập niên 50 anh đã sáng tác kịch thơ. Viết thoại kịch đã khó, vì kịch là một bộ môn nghệ thuật tổng hợp các bộ môn khác. Viết kịch thơ lại càng khó hơn. Thoại kịch diễn trên sân khấu hoặc diễn trong phòng thu tiếng thu hình, tuy phức tạp nhưng còn dễ hơn là viết và diễn kịch thơ. Những câu đối đáp bằng thơ, buộc tác giả phải ngắt câu thơ thành hai, ba đoạn cho các diễn viên. Nói chung là kịch thơ vừa phải giữ cho vở diễn có được chất thơ, vừa duy trì cho được tính chất kịch cũng phải tuân theo những quy luật, kỹ thuật của kịch. Chẳng hạn như đạo diễn phải chọn các diễn viên có tài diễn xuất lại vừa có giọng ngâm tốt, giọng ngâm truyền cảm.
Những vở kịch thơ nổi tiếng từ thời tiền chiến như Lên Đường; Kiều Loan của thi sĩ Hoàng Cầm với giọng ngâm số một thời đó là Văn Phú. Rồi kịch thơ Vân Muội; Tâm Sự Kẻ Sang Tần của Vũ Hoàng Chương tại Nhà Hát Lớn Hà Nội khoảng năm 1951, 52, nhà thơ họ Vũ còn thủ vai trong chính kịch do ông sáng tác. Sau này, tôi còn thấy hoạ sĩ Mai Lân (đã qua đời) cùng bà vợ cũng diễn vở Vân Muội năm 1953.
Lần đầu tiên tôi gặp Anh Bằng là vào năm 1957 tại Huế. Với trách vụ trưởng phòng 5 Liên Đoàn Công Binh, hôm đó tôi ra sân đón ba “kịch sĩ” từ một đơn vị từ Quy Nhơn ra Huế. Đó là Trung sỹ Trần An Bường, hạ sĩ I Bích và cô Tuyết Nhung nhân viên dân chính. Anh Bằng người tầm thước, ít nói vẻ hiền lành, còn anh Bích trắng trẻo, hơi mập. Người tài xế chiếc xe dodge 4×4 hôm đó vô ý lùi xe cán vào chiếc radio của Anh Bằng. Có lẽ anh cũng tiếc của, nhưng không tỏ vẻ gì giận dữ, nóng nảy. Vào năm đó chưa có nhiều máy thu thanh transistor, còn phần lớn là dùng radio chạy điện có những bóng đèn lớn, nên có câu nói đùa: ladô một đèn tức là lời đồn, tiếng đồn.
Ngay từ khi đó tôi đã thấy được nét trầm tĩnh, hiền hoà, ít nói của anh. Anh Bằng có giọng nói trầm ấm, khi đã “nhập vai”, từ ngữ giới sân khấu cải lương và thoại kịch, tiếng nói anh thiết tha, say mê, lôi cuốn. Tôi đã đoán gần đúng anh người vùng Bùi Chu, Phát Diệm, sau mới biết anh gốc quê ở Thanh Hoá, sinh ở Điền Hộ, Ninh Bình. Anh thường có nụ cười nhẹ, riêng ánh mắt anh rất tươi. Ánh mắt nụ cười này có thể coi như đúng với nhận xét của nhạc sĩ Lê Dinh, là Anh Bằng có số đào hoa. Tài sáng tác nhạc, nụ cười theo với ánh mắt cũng cười, lời nói thiết tha của anh dễ đắm lòng người.
Tôi được cho biết ba nhân vật từ Quy Nhơn lên có khả năng diễn kịch khá hay, có chút tiếng tăm về tài diễn kịch tại vùng biển dưới đó. Tôi mải lo tờ nguyệt san cho đơn vị nên không chú tâm lắm đến ban kịch mới được thành lập do anh Bường (tên thật của anh) đứng đầu. Coi như tôi giao hẳn ban kịch cho Anh Bằng, chỉ thỉnh thoảng ghé qua chổ tập dượt kịch. Bình thường anh không nói nhiều, nhưng khi tập kịch hoặc hướng dẫn anh chị em trong ban, anh lộ vẻ say mê, mắt anh sáng lên và nói khá nhiều. Khi học kịch và dượt lại cách đi đứng, cách biểu lộ tình cảm bằng nét mặt… tôi chưa thấy được cái hay của vở kịch. Ngay cả buổi tổng dượt trên một sân khấu tạm, tuy đã có trang phục các vai diễn, nhưng âm thanh và ánh sáng yếu ớt nên cũng chưa tạo được sự tin tưởng là sẽ thành công.
Cho tôi được ghi chép ở đây những chi tiết về ban kịch Liên Đoàn Công binh, cũng như chuyến đi Bến Hải, Hiền lương, chuyện Vùng phi Quân sự mùa hè năm 1957. Bởi trong Ban Kịch và chuyến đi đó có Anh Bằng, cái đinh của Ban Kịch. Hơn nữa anh đã là một lão trượng, tôi cũng chẳng trẻ trung gì, đều mắc tật hay quên, nếu không ghi lại cũng chẳng cò dịp nào nhớ lại được nữa. Chúng tôi đã đi lưu diễn bờ nam sông Bến Hải, làm công tác tuyên truyền của một đại đội Võ trang Tuyên truyền hoặc đại đội Văn nghệ của Cục Tâm lý chiến. Các bạn nói đùa hơi ngoa là nhờ có ban kịch mà dân Huế và dân chúng miền Trung biết đến Liên đoàn 2 Công binh Chiến đấu. Cho đến bây giờ một số các bạn sỹ quan lớn tuổi còn nhắc đến những kết quả đẹp của ban văn nghệ lính thợ, nghề tay trái của Công Binh ở Huế.
Ban kịch công binh LĐ 2 đi lưu diễn sau đi suốt từ Quy Nhơn cho đến tận những xóm ấp hẻo lành sát vĩ tuyến thứ 17. Khán giả vùng nam vĩ tuyếân 17 hoan hô chúng tôi nhiệt liệt, chính quyền quận, xã gửi thư khen tặng và cám ơn. Anh em ban kịch Công binh chúng tôi đi trình diễn lưu động khắp các xã điểm, đặc biệt là Hồ Xá, Hướng Lập sát sông Bến Hải là nơi chưa một ban kịch nào từ Sài Gòn, từ Huế đặt chân tới, cũng như vùng Hương Hoá, Khe Sanh sát biên giới Lào. Đâu đâu chúng tôi cũng được đón tiếp nồng nhiệt và được tán thưởng, quý mến.
Ban kịch chúng tôi có tôi, trưởng đoàn, phụ tá là Anh Bằng với chừng mười người vừa nhà binh vừa dân chính. Anh Bằng là đạo diễn, thủ vai chính, và kịch bản cũng do anh soạn. Một nhiếp ảnh viên kiêm thủ vai ông già là Ngô Bá Nhượng, cô Tuyết Nhung, có các diễn viên phụ như HS I Bích, HS Vương Đức Long thủ vai nữ khi cần, HS Bầu lo phông màn và chuyên thổi Harmonica bằng … môi, một dân chính chuyên chơi đàn guitar điện, v.v…
Tôi và Anh Bằng dẫn ban kịch ra Quảng Trị, theo lời yêu cầu của tòa tỉnh địa đầu giới tuyến. Trên một xe GMC đã biến cải thành một sân khấu lưu động đi khắp lãnh thổ tỉnh như kẻ nhàn du, cưỡi ngựa xem hoa, nghĩ rằng vui tươi thoải mái như ngồi trên bánh xe lãng tử. Xe đến thị trấn Đông Hà (bây giờ là tỉnh lỵ Quảng Trị), chúng tôi dừng lại ăn cơm trưa, Đây là lúc chúng tôi bắt đầu hiểu được cái thời tiết khắc nghiệt Quảng Trị. Gió tây từ Kham-Muộn, Xà-vằn-nà- khẹt bên Lào thổi qua nóng hầm hập, khô khốc, tạt cát vào quần áo vào thân thể, ngứa ngáy khó chịu. Chỉ nội thứ thời tiết kỳ lạ ngày thật nóng đêm rất lạnh cũng đủ cho chúng tôi hiểu được nỗi vất vả gian truân, nét oai hùng và nỗi oan khiên, kinh hồn của các chiến sĩ và đồng bào sau này tại vùng lửa đỏ địa đầu giới tuyến.
Chúng tôi vượt Hương Trà, Hương Điền, qua Hải Lăng đến thị xã Quảng Trị (bây giờ gọi là Triệu Hải). Ra đến sát sông Bến Hải và được phép bước lên đầu cầu chúng tôi mới thực sự trực diện với người ngợm và lãnh thổ bên kia sông thuộc cộng sản. Tôi còn nhớ trên sân khấu nhỏ nền đất trên bờ sông vĩ tuyến 17 đêm đầu tiên tại Hồ Xá. Hai bên bờ sông chỉ cách nhau khoảng 300 mét, chúng tôi thấy rõ cảnh nghèo nàn của đồng bào bờ bên kia. Tuy chỉ qua bốn năm thôi, thôn xóm bờ Nam đã hồi sinh, trù phú mặc áo trắng, quần tây. Dân bờ bắc mặc quần áo màu chàm bạc phếch, không có bóng một chiếc xe đạp, chiếc xe gắn máy nào. Cán bộ cấp kha khá thì đi ngựa, trong khi Cảnh sát Dân sự bên này lái xe díp Wyllis màu xanh lá cây bóng loáng.
Tiện đây cũng nhắc sơ qua chuyện xưa để anh Anh Bằng nhớ lại, chuyện thi đua có cột cờ cao hơn ở cây cầu Hiền Lương giữa Nam và Bắc. Bên này có cột cờ cao hơn thì bên kia sẽ nâng cột cờ cho cao hơn. Năm chúng tôi ra thăm cầu được cho biết cuộc thi đua đã chấm dứt. Nghe nói có một kỹ sư miền Bắc nhân vụ cột cờ cao thấp, lấy cớ phải lùi lại đứng ngắm xem cờ đỏ đã cao hơn cờ vàng chưa đã cố ý bước lui rồi quay đầu chạy qua vạch kẻ chia đôi cầu. Theo lệ của Ủy ban Kiểm soát Đình Chiến Quốc tế, hễ ai bước qua lằn kẻ đó coi như đã chọn lựa miền. Chưa kể những chuyện vượt sông vĩ tuyến tìm tự do, khiến chúng tôi nhớ lại chuyện nhà văn Vũ Anh Khanh lỡ theo chủ nghĩa, rồi tập kết ra Bắc, sau đó giác ngộ, biết mình lầm vượt sông đã bị bắn chết giữa dòng.
Chuyện khác nữa là chuyện đua nhau sơn chiếc cầu lịch sử ranh giới Bắc-Nam, vào khoảng năm 61-62. Có lẽ nhằm mục đích tuyên truyền, diễn trò yêu chuộng hoà bình, cộng sản bất ngờ dở chứng sơn cầu. Chiếc cầu này vốn là loại cầu dã chiến Bailey một tầng kép, do quân Pháp phóng khoảng năm 52-53, có màu xám nhạt. Miền Bắc tập trung nhân công cho cạo rỉ sét trước và khởi sự sơn cầu. Miền Nam bị bất ngờ nhưng phản ứng kịp, chỉ kẹt nỗi khởi công sau, luống cuống việc cạo rỉ sét, cạo bằng thủ công thì rất chậm. Một chuyến máy bay quân sự chở cấp tốc những thùng dung dịch tẩy rỉ sét rất lẹ, Anh em Công Binh (lại Công Binh!) nhào vô xịt thuốc, gửi vũ khí ngoài vùng phi quân sự, lăn xả vào công tác xịt thuốc tẩy sét (bán rẻ rề ờ các tiệm True Value, Orchard) và dùng máy ép hơi cỡ lớn sơn xì vừa nhanh vừa đẹp. Nguyễn Văn Dần, bạn cùng khoá Thủ Đức với tôi chỉ huy công tác thi đua sơn cầu. Nhân công phía bắc, có lẽ cũng là bộ đội mặc áo dân thường, ngạc nhiên và tức tối vì không có thuốc tẩy xịt, rồi diễn ra vài cuộc đấu khẩu bất ngờ giữa người hai bên chiến tuyến.
Rút cuộc bắc chậm hơn Nam vì thua kém về kỹ thuật. Điểm khác nữa là màu sơn, Bắc sơn nửa cầu bằng màu xanh, ra điều yêu chuộng hòa bình, không hiếu chiến. Miền Nam không thể theo đuôi sơn tiếp nửa bên mình cùng màu xanh được. Cũng không thể sơn màu đỏ đối chọi, bởi đó là màu sắt máu, màu chết chóc, cuối cùng chiếc cầu mang màu nửa vàng, nửa xanh ngộ nghĩnh!
Ngay từ hồi chiều, chúng tôi đã nghe được bên đó có tiếng loa kêu gọi dân đi họp. Một cảnh sát dân sự cho biết đó là mánh khoé của bờ Bắc. Khi nào có những cuộc viếng thăm lớn của các phái đoàn Sài Gòn, chúng thường tập trung dân tại một điểm nào đó, không cho dân thấy được phái đoàn bên này. Trái lại, chúng có tổ chức ban ngày những cuộc đấu bóng chuyền từ Hà Nội, Hải Phòng vào, chúng tôi để đồng bào tự do đứng coi. Đêm đó bên bờ Bắc không một người dân được đứng xem, chỉ có ba đốm lửa thuốc lá lập loè. Đó là mấy cán bộ đứng quan sát, nghe ngóng để lập báo cáo với “trên”.
Tại môt thôn hẻo lánh trên thượng nguồn con sông chia cắt, gần biên giới Lào-Việt chúng tôi đã có một kỷ niệm khó quên. Màn hai kịch Nát Tan diễn được nửa chừng đang hồi gay cấn thì trời đổ mưa, mưa mỗi lúc càng nặng hạt hơn, diễn viên bị ướt lạnh, khán giả cũng bị lạnh vì đội mưa. Tôi vội nói qua micro vì trời mưa quá xin tạm ngưng, bớt mưa chúng tôi sẽ xin tiếp tục. Khán giả lên tiếng liền: Xin cứ diễn! Tôi nói Chúng tôi sợ rằng đồng bào bị mưa ướt hết! khán giả hô to: Không sao, chúng tôi chịu ướt quen rồi. Anh chị em kịch sĩ tài tử, tay ngang tuy rét run đã gồng mình diễn cho hết vở kịch giữa những tràng pháo tay nồng nhiệt. Anh chị em tuy bị ướt lạnh nhưng trong lòng cảm thấy niềm tin yêu, hứng khởi ấm áp vô cùng. Đêm đó chúng tôi được thôn cho bồi dưỡng cháo gà nóng hổi, thơm phức. Người phụ trách thông tin thôn cho hay chưa bao giờ dân thôn này được xem văn nghệ trình diễn kể cả thời VC có mặt tại đây và cũng chưa bao giờ được xem một vở kịch có ý nghĩa và xuất sắc đến thế. Sáng sớm hôm sau có hai bà già mang khoai, sắn luộc và cơm nắm đến đãi chúng tôi và yêu cầu ở lại diễn thêm một đêm nữa. Chúng tôi đành phải từ chối vì chương trình lưu diễn đã ấn định trước rồi.
Tôi và Anh Bằng, qua nửa thế kỷ, cho tới bây giờ không còn nhớ chi tiết vở kịch thơ “Nát Tan” hai màn cũng như vở thoại kịch “Đứa Con Nuôi”, thoại kịch này đã đoạt giải nhất về Kịch nghệ do Bộ Thông Tin tổ chức. Tôi và Anh Bằng cho đến nay chỉ còn nhớ nội dung chính… Bi kịch thứ nhất mô tả mảnh đời một anh vệ quôc quân bị thương, phải đi nạng, anh đã hiểu mình bị lừa bịp, bị lợi dụng. Về tới nhà đúng lúc một tên cán bộ xã đang đòi cưỡng ép vợ anh, trong lúc chị ta còn bế đứa con nhỏ. Kết cục là anh ta giết tên kia, đốt mái lều và cùng vợ chạy trốn đi tìm tự do. Vỏ kịch này đựơc trình diễn lưu động từ Cam Lộ rồi vào Hương Hoá, rồi trở ra theo quốc lộ 1 ngược lên vùng phi quân sự.
Còn vở thoại kịch Đứa Con Nuôi diễn lại chuyện một gia đình giàu có, nhân từ có môt đứa con nuôi, thương nó như con đẻ. Nó trở thành một cán bộ trở về làng đấu tố cha mẹ nuôi. Nó đòi lấy con gái út của vợ chồng nạn nhân sau đó là những tình tiết éo le, ngang trái và sau cùng đạo lý, tình thương đã thắng gian tà. Kịch Đứa Con Nuôi đã được trình diễn ra mắt tại bến Văn Lâu tại Huế thành công rực rỡ. Chúng tôi dự định chỉ diễn một đêm thôi, nhưng theo đề nghị của ty Thông Tin Huế và được khán giả yêu cầu nồng nhiệt, anh chị em phải diễn liên tiếp ba đêm. Anh chị em ban kịch mệt đừ, bù lại là niềm vui, được thấy rõ tinh thần thù ghét cộng sản được hoan nghênh quá sức. Khán giả miền Trung khó tính hơn khán giả miền Nam, khán giả Huế còn kỹ tính hơn nữa. Khán giả cho biết là quá chán những màn hài kịch vô thưởng vô phạt, nghèo nàn nhạt nhẽo kiểu hâm nước mắm, thiếu nội dung chống cộng. Người mệt nhất vẫn là Anh Bằng, anh đóng vai chính, tinh thần căng thẳng, phải nói, phải la hét, phải vận dụng trí não, tài năng mức tối đa.
Có tận mắt chứng kiến phản ứng náo nức, hừng hực căm hờn chủ nghĩa hoặc sâu lắng trầm tư, những giọt lệ của khán giả vùng giới tuyến, Thừa Thiên vào đến những thôn xóm xa xôi vùng trước đây chịu sự cai trị sắt máu chế độ như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định,… mới thấy lòng dân năm 57, 58 ủng hộ tự do dân chủ ra sao. Có đi sâu sát, lăn lộn với đồng bào nông thôn mới thấy được tinh thần chống cộng của dân chúng, lòng yêu mến người lính cộng hoà lên cao đến mức nào. Nhận xét này có anh Anh Bằng và anh chị em trong ban kịch nhận biết rõ sau hơn một tuần ngắn ngủi sống sát đồng bào.
Như trên tôi đã dẫn, viết thoại kịch để diễn trên sân khấu đã khó, viết kịch thơ để diễn khó hơn, thủ vai chính diễn kịch thơ loại tranh đấu càng khó hơn nữa. Anh Bằng đã thực hiện thành công được chuyện đó. Tôi nghĩ là nhờ khán giả thời bấy giờ hưởng ứng, tán thưởng với tâm lý, tâm thức như đã nói ở đoạn trên. Càng về những năm sau, tâm lý, tâm thức đám đông, rõ hơn là lập trường, quan điểm đã biến chuyển. Lỗi đó không phải do sai lầm của đám đông mà là lỗi của những người có trách nhiệm.
Tiếp theo chuyến đi đó, theo yêu cầu của các đại đội Công Binh miền Trung, ban kịch đi lưu động suốt từ Huế vào đến Quy Nhơn. Cũng từ đó Anh Bằng được các Ty Thông Tin biết tiếng, qúy mến và Đại đội 2 Văn nghệ thuộc Nha CTTL nghe danh. Sau cùng thì anh được gọi vào Biệt Đoàn Văn nghệ trung ương của Nha (thời đó chưa mang tên Tổng Cục CTCT). Tôi đi tu nghịêp, rối đến Anh Bằng nhận lệnh vào Sài Gòn, ban kịch dần dần tan rã.
Sau này người viết kịch và diễn kịch Trần An Bường nổi tiếng Quân Khu I trở thành một nhạc sĩ nổi tiếng, khi không còn khoác áo nhà binh. Anh gặp đúng thời cơ, môi trường thuận lợi ở Sài Gòn, càng hoạt động, sáng tác nhạc mạnh mẽ. Trước đó anh là một phụ tá cho tôi, là diễn viên nòng cốt, một người đạo diễn trong ban kịch, năng khiếu văn nghệ của anh phát triển ngay từ bước khởi đầu này.
Nhạc của anh, nhất là nhạc hùng, nhạc chiến tranh đầy kịch tính. Thí dụ rõ nhất là Huynh đệ chi binh, hơi nhạc hùng mạnh, dứt khoát và biến chuyển mau lẹ như những “xen” đột biến trình diễn trên sân khấu. Chỉ riêng bài hát ấy lời và nhạc đơn giản nhưng đã nói lên tâm hồn nhân ái rộng mở của anh, nói đến tình bạn chiến đấu, tất cả đều là anh em, kể từ Binh Nhì lên đến Đại Tướng.
Trong 86 bản nhạc của tác giả Anh Bằng phần lớn là thơ phổ nhạc, nói cách khác là đưa nhạc vào thơ. Thơ của các thi sĩ nổi danh tứ tiền chiến cho đến những áng thơ của các nhà thơ sau 54 cho đến nay tại xứ người. Nếu tính kỹ ra có lẽ đến 50 bản nhạc là chính lời thơ của anh. Thơ và nhạc, nhạc với thơ đã trộn lẫn nhau, quấn quýt nhau không rời. Đó là đặc điểm cõi thơ, cõi nhạc sâu sắc, thâm trầm của Á Đông. Do đó tôi nghĩ rằng thơ làm cho nhạc lãng mạn, bay bổng hơn, nhạc đã khiến thơ nổi lên bằng âm thanh trầm bổng, du dương, réo rắt. Và cũng có thể nói muốn sáng tác nhạc hay nên biết, phải biết làm thơ. Một bản nhạc hay, nhưng nếu nhạc sĩ mượn thơ thi sĩ thì bản nhạc mới chỉ có một nửa hay hai phần ba của nhạc sĩ còn phần còn lại là của thi sĩ kia. Năm mươi bài thơ của Anh Bằng, thí dụ chưa phổ nhạc, có thể in thành tập thơ nho nhỏ, và giá trị nghệ thuật thơ không kém ai.
Chúng ta hãy ngâm, ngâm nga thôi đã, khoan hãy hát, những lời thơ của “Thi sĩ Anh Bằng” thơ tình yêu rất nồng nàn:
Anh! Tình em như lửa cháy
mà anh vẫn lạnh lùng
Vẫn như mùa đông tuyết rơi
Anh! bây giờ anh ở đâu
Em gọi trong giấc mơ
Em buồn trong gió mưa
(Anh không lại)
Anh Bằng làm thơ lồng tình quê hương với tình yêu nam nữ, thơ 4 chữ rất mới và hay có thua gì thơ Phạm Thiên Thư:
Vào đây tiểu thư, ngồi trong lớp học
Đắp đôi tay ngà trên bâu áo bạc
Mang ngoài nắng vào, tà dài mấy nhịp
Qua cầu gió bay, qua cầu gió bay
…………………
Em mang áo dài, đi hài xám tro
Anh nhìn ngẩn ngơ, ơ, ơ, ơi tình
Anh nhìn ngón chân, như là hoa hậu
Như là quê hương, như là quê hương
(Áo dài quê hương)
Phần lớn thơ nhạc Anh Bằng tán tụng tình yêu, nhưng là người đã khoác áo chiến binh, anh có những áng thơ diễn tả nét bi hùng của chiến tranh:
Chuyện một đêm khuya, nghe tiếng nổ vang rền
Chuyện một đêm khuya, ôi máu đổ lệ rơi
Chuyện một đêm khuya, nghe tiếng than trong xóm nghèo
Mái tranh lửa cháy bốc lên ngun ngút trời cao
Bà mẹ đau thương như muối đổ trong lòng
Chạy giặc ôm con qua những cảnh lầm than
(Chuyện một đêm)
Man mác trong thơ nhạc Anh Bằng là nỗi nhớ quê hương đất nước:
Màu trăng nơi đây
Đục hơn trăng Sài Gòn nhiều
Trời đêm lặng sao
Nhưng khác trăng Sài Gòn nhiều
Biết không anh, biết không anh
Ở đây trăng sao rất buồn, rất buồn
(Cõi buồn)
Nếu Anh Bằng không gặp môi trường thuận lợi về lãnh vực nhạc, tôi có thể nói rằng, giả thử gặp môi trường, gặp bạn bè bên sân khấu kịch nghệ hoăc giới “mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây” biết đâu anh chẳng nổi danh kịch sĩ, thi sĩ?
Hiện nay anh ở dưới Nam Calfornia an hưởng tuổi già, sau những thành công tốt đẹp trong lĩnh vực âm nhạc. Nay anh đã 84 tuổi, tinh thần minh mẫn, vẫn yêu đời, vẫn chú ý đến ca nhạc, vẫn thích nói chuyện với bạn bè. Nhưng anh có gửi điện thư cho tôi biết mắt anh kém lắm, tai nghe cũng khó khăn dù đã có máy trợ thính, nên anh nói đùa với bạn bè: “Nghe tôi nói thôi, đừng có nói với tôi, vì tôi không “thèm” nghe đâu”. Muốn nói chuyện với anh, ở xa thì dùng máy vi tính, gặp gỡ thì người đến thăm phải viết ra giấy kiểu bút đàm một chiều.
Tôi rất qúy mến Nhạc sĩ, thi sĩ, kịch sĩ Anh Bằng, đa tài, năng khiếu vượt trội. Tôi rất qúy mến Anh Bằng một người bạn, một cộng tác viên nhiệt tình, một người anh lớn tuổi trong văn học nghệ thuật, ngoan đạo, hiền hoà, yêu đời, yêu người.
- Thi sĩ, Kịch sĩ: Anh Bằng Diệu Tần Tạp luận
• Ba Tôi (Trần An Thanh)
• Thi sĩ, Kịch sĩ: Anh Bằng (Diệu Tần)
• Giấc Ngủ Cô Đơn (Cao Đắc Tuấn)
• Căn Nhà Ngoại Ô (Cao Đắc Tuấn)
• Anh Bằng Và Tôi (Lê Dinh)
Nỗi Lòng Người Đi và Nhạc Sĩ Anh Bằng
(Phan Anh Dũng, cothommagazine.com)
(Nguyễn Quý Đại)
(Văn Đàn Đồng Tâm)
Tiểu Sử (Wikipedia)
Nhạc Anh Bằng (saigonocean1.com)
Những Ca Khúc Bất Hủ Của Nhạc Sĩ Anh Bằng
• Cuộc đời và sự nghiệp của nhạc sĩ Hoàng Trang (Đông Kha)
• Nghe lại 10 ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Hàn Châu thu âm trước 1975 (Đông Kha)
• Làm sao nói hết niềm riêng: Có những niềm riêng (Lê Tín Hương) (Lê Trung Ngân)
• Nhạc Nhái và Nhạc Chế (Song Thao)
• Đêm Sài Gòn Xưa (Huyền Chiêu)
• Ảo giác Trịnh Công Sơn (Lê Hữu)
• Nguyễn Đình Nghĩa - Bắt Đầu... Từ Một Đêm Trăng (Phan Nhật Nam)
• Theo Hoàng Thi Thơ, đi tìm lại đường xưa lối cũ (Cao Vị Khanh)
• Nhạc sĩ Vinh Sử kể tình đời qua những khúc bolero (Hoàng-Dung)
• Nhạc sĩ Hoài Nam và ca khúc “9 Tháng Quân Trường”: Gắn trên vai chiếc lon Chuẩn-úy… (Đông Kha)
Các nhóm nhạc (Wikipedia):
Myosotis, Tricéa, Tổng Hội Sinh Viên, Đồng Vọng
Nhạc sĩ:
Trang nhà:
Nhạc tuyển::
Dòng nhạc gợi nhớ Taberd75.com
Sài Gòn ơi! Vĩnh biệt Ngọc Lan
Mùa thu Paris Thái Thanh
Lòng Mẹ (Y Vân) Lê Tấn Quốc, Saxo
Hận Đồ Bàn (Xuân Tiên) Chế Linh
- Hình Ảnh Ca Nhạc Sĩ Sài Gòn trước 1975
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |