1. Head_

    Nguyễn Mộng Giác

    (4.1.1940 - 2.7.2012)
    Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Từ “Hội thảo đàn tranh” đến “Việt Nam sắc hương xưa” (Lê Hữu)

      28-8-2018 | ÂM NHẠC

      Từ “Hội thảo đàn tranh” đến “Việt Nam sắc hương xưa”

        LÊ HỮU

       

      Xuân Ca, hòa tấu nhạc cụ dân tộc (Tòa Bạch Ốc, Tết Mậu Tuất),
      Đoàn văn nghệ dân tộc Hướng Việt

      Khán giả như vẫn muốn ngồi nán lại sau khi màn hòa tấu các nhạc cụ dân tộc cổ truyền, America The BeautifulTrống Cơm, vừa kết thúc và cũng kết thúc đêm nhạc hội “Việt Nam Sắc Hương Xưa 10”. Một bữa tiệc âm nhạc gồm toàn những món ăn Việt thuần túy, đậm đà hương vị, hương sắc ba miền. Thực khách vẫn còn nhiều lưu luyến, chưa muốn rời bàn tiệc.


      Hội Thảo Đàn Tranh, những hoài bão thiết tha


      “Việt Nam Sắc Hương Xưa 10”, nhạc hội đàn tranh và các nhạc cụ truyền thống dân tộc Việt Nam được tổ chức vào tối thứ Bảy 4/8/2018 tại hý viện Shorecrest Performing Arts Center, thành phố Shoreline, tiểu bang Washington. Khởi đi từ “Việt Nam Sắc Hương Xưa 1”, các nhạc hội tiếp nối được đánh dấu bằng những con số thứ tự, càng về sau càng thêm khởi sắc.


      “Việt Nam Sắc Hương Xưa vừa tròn con số 10 hẳn có gì đặc biệt so với những năm trước?” Câu hỏi này được bác sĩ Việt Hải, Trưởng Ban Tổ Chức, cũng là Trưởng Đoàn văn nghệ dân tộc Hướng Việt (Seattle, Washington) cho biết:

      “Có hai điểm đặc biệt: thứ nhất, chương trình nhạc hội này có khá nhiều sắc thái nhờ được sự góp mặt của các đoàn văn nghệ dân tộc khác, như Tre Việt đến từ Toronto, Canada, Tiếng Hoài Hương đến từ Portland, Oregon và Lạc Hồng đến từ Orange County, California. Thứ hai, Đoàn Hướng Việt thật vui mừng được đón tiếp các giáo sư, nhạc sĩ, nghệ sĩ từ phương xa đến tham dự cuộc hội thảo quy mô về đàn tranh lần đầu tiên được tổ chức trong ba ngày 3, 4 và 5/8/2018, một sự kiện đặc biệt mà Hướng Việt từng ấp ủ từ bao năm qua, mãi đến nay mới thực hiện được.”


      Mục đích, ý nghĩa của Hội Thảo Đàn Tranh được bác sĩ/nghệ sĩ Việt Hải phổ biến trong diễn từ khai mạc vào ngày đầu hội thảo, “Cuộc hội thảo về đàn tranh không ngoài mục đích học hỏi, phát huy và gìn giữ âm nhạc cổ truyền Việt Nam tại hải ngoại. Đến với Hội Thảo Đàn Tranh là tìm đến sự chia sẻ của những tâm hồn đồng điệu về kỹ thuật, nghệ thuật biểu diễn cũng như những nghiên cứu mới về nhạc cụ truyền thống dân tộc.”


          Giáo sư Nguyễn Châu thuyết trình đề tài
       'Thăng âm ngũ cung trong hệ thống dây đàn tranh'

      Con chim đầu đàn của Đoàn văn nghệ dân tộc Hướng Việt, bác sĩ Việt Hải, bày tỏ những hoài bão thiết tha, “Được sự tham gia của các nghệ sĩ, nhà giáo tâm huyết với âm nhạc truyền thống trong cuộc Hội Thảo Đàn Tranh này, chúng tôi mong muốn tiến tới việc đúc kết một giáo trình giảng dạy có hiệu quả về đàn tranh, hướng tới mục tiêu duy trì một dòng chảy không ngừng của việc truyền dạy những căn bản và kỹ thuật biểu diễn đàn tranh, sao cho tiếng đàn tranh được vang lên mãi như tiếng lòng dân tộc của người Việt mình trên khắp thế giới.”


      Được biết, nhiều đề tài thuyết trình mang đến nhiều hứng thú cho hội thảo viên:



          Giảng viên Kim Uyên hướng dẫn
           kỹ thuật đệm đàn cho ngâm thơ

      - Thăng âm ngũ cung trong hệ thống dây đàn tranh (giáo sư Nguyễn Châu)

      - Kỹ thuật đệm đàn cho ngâm thơ với các làn điệu Tao Đàn, Sa Mạc (giảng viên Kim Uyên)

      - Vị trí đàn tranh trong âm nhạc truyền thống Việt Nam (giảng viên Tăng Hoàng Thuận, nghệ danh Thanh Hiệp)

      - Phương pháp xác định hệ thống dây và chuyển tone trong biểu diễn đàn tranh (giảng viên Vũ Thị Kim Yến)

      - Tính chất lòng bản trong nhạc cổ truyền Việt Nam (giảng viên Nguyễn Thị Thanh)


      Được hỏi về thành quả của ba ngày Hội Thảo Đàn Tranh, bác sĩ Việt Hải không giấu được niềm vui rạng rỡ, “Cuộc hội thảo thành công hơn cả sự mong đợi, đáp ứng nhu cầu giảng dạy và học hỏi của tham dự viên. Nhiều ý tưởng, sáng kiến mới mẻ đến từ hội thảo viên, nhiều cuộc thảo luận hào hứng, sôi nổi. Trên hết, điều có ý nghĩa là kết nối được mối dây thân ái giữa các nghệ sĩ cùng chia sẻ nỗi niềm trăn trở về việc giữ gìn và phát triển nét đẹp văn hóa trong âm nhạc dân tộc, loại bỏ khuynh hướng vọng ngoại, lai căng, Tàu hóa, Âu hóa trong phong cách trình diễn. Các tham dự viên đều mong mỏi có thêm nhiều cuộc hội thảo bổ ích tương tự.”


       

      Trống Cơm, hòa tấu nhạc cụ cổ truyền dân tộc (Hướng Việt)


      Một cái nhìn khác về đàn tranh


      Chương trình nhạc hội “Việt Nam Sắc Hương Xưa 10” diễn ra vào cuối ngày thứ nhì của Hội Thảo Đàn Tranh. Ngay từ những phút đầu, Long Ngâm, bài nhã nhạc cung đình triều đại nhà Nguyễn (từng được Hướng Việt trình diễn tại Tòa Bạch Ốc trong ngày Tết Mậu Tuất) và được xem là “quốc nhạc” trong các cuộc tế lễ của triều đình, đã “hớp hồn” khán giả. Tiếp đến, các MC duyên dáng (Kim Chi, Thùy Trang, đạo diễn Thanh Hiệp) lần lượt dẫn người xem bước vào cuộc hành trình rong ruổi suốt chiều dài ba miền đất nước.


       

      Long Ngâm, Đoàn Hướng Việt hòa tấu nhạc cụ dân tộc
       (Tòa Bạch Ốc, Tết Mậu Tuất)


      Tiếp theo sau tiết mục song tấu tranh-tỳ Về Miền Sông Nước, một sáng tác của giáo sư/nhạc sĩ Nguyễn Châu, qua tiếng đàn tranh và đàn tỳ bà của đôi nghệ sĩ Kim Yến - Nguyễn Thanh, từ miền Nam xuôi về miền Trung khán giả được thưởng thức màn hòa tấu đàn tranh của Đoàn Hướng Việt, Ai Ra Xứ Huế (nhạc phẩm của Duy Khánh, nhạc sĩ Nguyễn Châu soạn cho đàn tranh) và Chầu Văn Huế, một thể loại âm nhạc nghi lễ gắn liền với tục thờ mẫu, do Đoàn Tre Việt (Toronto, Canada) trình tấu, đặc biệt với kỹ thuật sử dụng bộ gõ lạ mắt, vui tai.



          Về Miền Sông Nước, song tấu tranh-tỳ
      (Kim Yến-Nguyễn Thanh)

      Từ giã cố đô Huế, dọc “đường về miền Bắc”, khán giả được giới thiệu để làm quen với khúc dân ca quan họ Bắc Ninh, Ngồi Tựa Song Đào, được các nghệ sĩ Nguyễn Châu, Kim Yến, Kim Uyên và Nguyễn Thanh trình tấu, thể hiện nỗi buồn bã nhớ nhung của người cô phụ vừa vò võ nuôi con vừa mòn mỏi ngóng tin chồng. Xuôi về vùng đồng bằng Bắc bộ, khán giả có thêm cơ hội làm quen với âm điệu chèo cổ giàu tính dân tộc, loại hình tiêu biểu nhất của sân khấu hội hè dân gian qua bài nhạc chèo dân ca miền Bắc, Lới Lơ, do nghệ sĩ Thu Hương và Đoàn Tiếng Hoài Hương (Portland, Oregon) hòa tấu với giàn nhạc cụ cổ truyền.


      Không thể không kể đến các tiết mục được khán giả nồng nhiệt tán thưởng, như Kể Chuyện Quê Hương, sáng tác của nghệ sĩ tỳ bà Mai Phuơng qua nghệ thuật độc tấu đàn tỳ bà của “diệu cầm thủ” Nguyễn Thanh với kỹ thuật rung, nhấn, luyến láy… điêu luyện, khi nhặt khi khoan, khi trầm khi bổng, khi dìu dặt khi rộn ràng như cây đàn muôn điệu.


      Hoặc, Tứ Đại Oán, lớp 1, một trong 20 bài tổ của nhạc Đờn ca Tài tử Nam bộ, qua nghệ thuật song tấu đàn nguyệt và đàn tranh của nhạc sĩ Nguyễn Châu và nghệ sĩ Liên Tâm (Đoàn văn nghệ dân tộc Lạc Hồng, California) đậm đà bản sắc Nam bộ của loại hình nghệ thuật từng được UNESCO vinh danh và chính thức công nhận là “di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”. Đôi nghệ sĩ này còn biểu diễn màn song tấu đàn nhị và đàn tranh Ngày Hội Mùa Xuân nghe náo nức, rộn rã, gợi nhớ những mùa xuân yên vui thanh bình một thuở.


      Hoặc, Mênh Mông, sáng tác của nhạc sĩ Hoàng Cơ Thụy, nghệ sĩ đàn tranh Kim Yến độc tấu với thủ pháp nhấn, vuốt, vỗ, rung, mổ…, khi rì rào như tiếng gió chiều, khi róc rách như tiếng suối reo, khi dập dồn như sóng vỗ tựa bản đàn luân vũ đã hoàn toàn chinh phục và mê hoặc khán giả. Kim Yến còn độc tấu thêm Thu Vàng của Cung Tiến và A Time For Us (nhạc phim “Romeo và Juliet”), đáp ứng đề nghị háo hức của khán giả và cũng cho thấy khả năng diễn tấu nhiều thể loại âm nhạc đương đại của đàn tranh.



          Quạ Mã Đồng Thanh, song tấu đàn tranh
      (Việt Hải & Liên Tâm)

      Hoặc, Quạ Mã Đồng Thanh, tiết mục song tấu đàn tranh độc đáo của đôi nghệ sĩ Việt Hải - Liên Tâm, sáng tác mới nhất, còn “nóng hổi” của nhạc sĩ Nguyễn Châu. Cả hai nghệ sĩ đã tự tập lấy phần bè của mình, sau đó ráp vào bài song tấu chỉ vài tiếng đồng hồ trước giờ trình diễn. Phần chuẩn bị vội vàng nhưng do “tay nghề” vững vàng nên rất “đồng thanh tương ứng”, được khán giả hết sức tán thưởng. Bản đàn diễn tả cuộc hội ngộ lý thú giữa quạ đen và ngựa ô, đoạn đầu cả hai cùng… đua sắc thi tài, sau đó truyền dạy cho nhau kỹ năng của mình rồi cùng hòa ca vui vẻ và chia tay nhau hẹn ngày tái ngộ.



      Hoặc Mấy Nhịp Cầu Tre, nhạc phẩm của Hoàng Thi Thơ, nhạc sĩ Nguyễn Châu và nghệ sĩ Thúy Huỳnh soạn cho các nhạc cụ dân tộc, nghệ sĩ Việt Hải và Đoàn Hướng Việt trình tấu hòa cùng tiếng đàn T’rưng ròn rã, vui tươi.


      Sau hết, America the BeautifulTrống Cơm, khúc dân ca quan họ Bắc Ninh quen thuộc, được toàn thể nghệ sĩ hòa tấu với đủ loại nhạc cụ dân tộc trong lúc khán giả đồng loạt vỗ tay theo như muốn hòa cùng niềm vui với các nghệ sĩ tài hoa cho một đêm nhạc hội thành công.


      Phải đến tận nơi, phải xem tận mắt chương trình “Việt Nam Sắc Hương Xưa 10” mới thấy lòng yêu nước nồng nàn, mới thấy tình yêu quê hương chan chứa mà các nghệ sĩ gửi vào đêm diễn ấy.


      Phải đến tận nơi, phải xem tận mắt chương trình “Việt Nam Sắc Hương Xưa 10” mới thấy cái cách khán giả đến với chương trình này không giống như các chương trình ca nhạc khác. Người ta thể hiện cái nét văn hóa lịch sự hơn, lòng yêu quý và trân trọng hơn đối với người nghệ sĩ trình diễn. Không có những tiếng lao xao trò chuyện giữa những hàng ghế, cả khán phòng rộng lớn chìm trong yên lặng suốt buổi diễn, chỉ có những tràng vỗ tay vỡ bùng, kéo dài không ngớt khi màn diễn vừa dứt. Điểm đặc biệt ghi nhận, những tràng pháo tay lớn nhất, dài nhất đến từ những khán giả người nước ngoài ngồi rải rác giữa những dãy ghế.


      Điểm thu hút khác là trang phục truyền thống đậm nét văn hóa Việt của các nghệ sĩ với màu sắc tươi thắm, bắt mắt làm sáng sân khấu và toát lên vẻ đẹp thuần chất của dân tộc, đặc biệt hài hòa với màu sắc của cảnh trí thiên nhiên làm phông nền cho sân khấu, tạo một không gian diễn xướng đầy cuốn hút và một khí hậu ấm cúng.


      Tiếng đàn tranh, đàn bầu, đàn nguyệt, đàn nhị, đàn tỳ bà, đàn T’rưng, tiếng trống, phách, gõ…, những thanh âm dấy lên từ các nhạc cụ dân tộc ấy như đánh thức những tình cảm sâu kín nào trong trái tim người Việt xa quê.


      “Lâu lắm rồi mới được xem một chương trình như thế này,” người bạn ngồi bên tôi nói, và hỏi, “Sao gọi là ‘Hướng Việt’ nhỉ?”


      “Là hướng về,” tôi nói, “tìm về nguồn cội và bản sắc văn hóa của người Việt.”


      “Tôi bắt đầu mê đàn tranh rồi đây,” anh bạn gật gù, nói.


      Tôi hiểu, đêm diễn ấy đã mang đến cho khán giả một cái nhìn khác về đàn tranh.


       

      America The Beautiful & Trống Cơm, hòa tấu nhạc cụ dân tộc cổ truyền

      *


      Vào cuối chương trình, nghệ sĩ đàn tranh Kim Uyên, người thầy luôn được Việt Hải quý trọng, bác sĩ Norman So, một trong những cố vấn của Hướng Việt và bác sĩ Việt Hải được mời lên sân khấu nhận quà lưu niệm và những bông hoa tươi thắm để vinh danh những đóng góp, hỗ trợ miệt mài suốt 17 năm qua cho Đoàn văn nghệ dân tộc Hướng Việt. Người MC cũng nhắc đến những chiếc bóng âm thầm, những tấm lòng hiếm quý của những người thầy, những đàn chị đàn anh, những tình nguyện viên tâm huyết và khiêm tốn đã chung tay góp sức không mệt mỏi để gầy dựng và phát triển Đoàn.


      “Tiếng đàn tranh là tiếng lòng của dân tộc”, tôi nhớ câu nói ấy của Việt Hải. Những con người nghệ sĩ ấy đã mượn tiếng đàn tranh và những nhạc cụ dân tộc cổ truyền để nói lên tiếng lòng mình, tiếng lòng của người nghệ sĩ yêu quê hương, yêu tình tự dân tộc. Những con người nghệ sĩ quyết gìn vàng giữ ngọc, quyết gìn giữ kho tàng văn hóa và âm nhạc dân gian của người Việt mình như gìn giữ những hương hoa đất nước, những “hương sắc quê mình”.


      Lê Hữu

      Nguồn: Tác giả gởi

      Photo credit: Nguyễn Bá Đa

      Website Đoàn văn nghệ dân tộc Hướng Việt: http://vietmelody.org

      * Nguồn: TRẺ Magazine




      Cùng Tác Giả

      Cùng Tác Giả:

       

      - Màu tím vấn vương trong nhạc Việt Lê Hữu Tản mạn

      - Thơ Như Thương, tình yêu, những khuôn mặt Lê Hữu Nhận định

      - Ngày Của Mẹ, Ngày Của Con Lê Hữu Tạp luận

      - Bắn chậm thì chết Lê Hữu Truyện ngắn

      - “Mùa xuân đầu tiên”, hai bài nhạc Xuân cùng tên Lê Hữu Nhận định

      - Nghe một câu hát, nhớ một tiếng hát Lê Hữu Nhận định

      - Nguyễn Đình Toàn và Ca Khúc Da Vàng sau chiến tranh Lê Hữu Nhận định

      - Nhạc Việt, bài boléro đầu tiên Lê Hữu Nhận định

      - Thơ Với Thẩn Lê Hữu Nhận định

      - Thấy gì trong Cõi Người của T.Vấn? Lê Hữu Điểm sách

    3. Bài viết về Âm Nhạc (Học Xá) Ad-31 Ad-31 = QC_250-250 (Học Xá)
  2. © Hoc Xá 2002

    © Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com)