|
Dê Húc Càn(1.10.1934 - 21.11.1987) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Quán nửa khuya đèn mờ theo hơi khói…
Câu hát đầu trong bài “Quán nửa khuya” của Tuấn Khanh & Hoài Linh, sáng tác năm 1961.
Đuốc lồ ô bập bùng bên ánh lửa…
Câu hát đầu trong bài “Tiếng chày trên sóc Bom-Bo” của Xuân Hồng, ra đời năm 1966.
Người nghe nhạc tinh ý dễ nhận ra hai câu nhạc giống nhau trong hai bài nhạc cùng hợp âm Mi thứ. Nếu có khác, bài “Quán nửa khuya” ghi thể điệu boléro, bài “Tiếng chày trên sóc Bom-Bo” ghi “Nhịp nhàng, rộn rã”.
Nhạc sĩ Tuấn Khanh, khi nhắc đến sự giống nhau của hai câu nhạc này, chỉ mỉm cười, lắc lắc đầu. Cái lắc lắc đầu, mỉm cười đầy ý nghĩa của ông cũng cho thấy, “nhạc đỏ” có khuynh hướng theo chân “nhạc vàng boléro” từ nhiều năm trước chứ không phải đợi tới bây giờ.
Nhạc đỏ, buồn ơi chào mi!
Cũng không phải đợi tới bây giờ mà nhiều người yêu nhạc ở miền Bắc đã biết yêu, biết tìm đến “nhạc vàng” miền Nam từ lâu lắm. Lộc “vàng”, chàng trai Hà Nội thời chiến vì trót yêu nhạc vàng, thích hát nhạc vàng mà phải trả giá đến gần 10 năm tù tội. Điều khá chua xót là, ngày ra tù, trong lúc lang thang trên đường phố, tiếng nhạc vọng ra từ những quán xá bên đường mà anh nghe được lại chính là những bản nhạc vàng “đồi trụy”, “phản động” đã đọa đầy anh trong chốn ngục tù, chôn vùi cả một thời tuổi trẻ. Câu chuyện Lộc “vàng” là câu chuyện của người dám sống và chết cho nhạc vàng, nhất định chỉ yêu nhạc vàng chứ không yêu nhạc đỏ.
“Nhạc vàng”, cái “từ” này ở đâu ra và có nghĩa gì? Trước năm 1975, nhạc Việt ở miền Nam không có màu mè xanh, đỏ, tím, vàng chi cả. Danh từ “nhạc vàng” cũng ít được sử dụng. Nhiều lắm chỉ có ban Nhạc Vàng của Đài truyền hình Sài Gòn (nhạc sĩ Phó Quốc Lân phụ trách) hoặc ít băng, dĩa nhạc ghi “băng vàng”, “nhạc vàng”, “nhạc tuyển” mang ý nghĩa những bài nhạc hay, chọn lọc về tình yêu quê hương, lứa đôi..., thường là nhạc điệu êm dịu. Trong khi đó, miền Bắc gọi chung nhạc Việt miền Nam là “nhạc vàng”, được dán nhãn chính trị là nhạc “ru ngủ”, “đồi trụy” và “phản động”.
“Nhạc đỏ” của miền Bắc chính thức xâm nhập miền Nam Việt Nam kể từ 30 tháng Tư năm 1975. Đâu đâu cũng trông thấy cờ xí ngờm ngợp và những biểu ngữ đỏ chói giăng đầy đường phố, đâu đâu cũng nghe thấy vang vang những bài hát “cách mạng” nhịp quân hành rầm rập, trong lúc loa phóng thanh liên tục mở hết cỡ phát đi những khẩu hiệu ròn rã về “chiến công vĩ đại”, “cuộc kháng chiến thần thánh”, “đỉnh cao chói lọi trong lịch sử vẻ vang của dân tộc”…
Ít năm sau đó, nhạc đỏ vẫn liên tục tra tấn đôi tai người dân tội tình từ những chiếc loa phường treo máng trên những cột điện dây nhợ lằng nhằng. Vẫn là điệu nhạc rất “đặc trưng”, nếu không rầm rập như bị ma đuổi thì cũng ồm ồm hay riu ríu, lơ lớ tiếng Việt, thoạt mới nghe tưởng nhạc cách mạng… Tàu, đại để “Cô gái vót chông”, “Cô gái mở đường”, “Cô gái Sài Gòn đi tải đạn”, “Chào em cô gái Lam Hồng”, “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó”, “Trường Sơn đông, Trường Sơn tây”, “Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn”…
Hát mãi, nghe mãi kiểu nhạc này thì cũng… chán, những tay chơi nhạc trong “phong trào văn nghệ quần chúng” bèn ngồi lại, bàn bạc và lập ra những nhóm đàn hát ở phường, xã, các xí nghiệp… gọi tên là “Nhóm ca khúc chính trị” theo mô hình phổ biến của các nhóm nhạc nhẹ ở Liên Xô và Đông Âu. Các tiết mục, bài bản thường là tự sáng tác, tự trình diễn, gọi là “tự biên, tự diễn”. Có thể kể ra ít “nhóm ca khúc chính trị” quen tên như Mây Trắng, Rạng Đông, Đại Dương, Hải Âu, Phù Sa, Bách Việt, Dây Leo Xanh… và một số ca khúc được quần chúng đón nhận, yêu thích thời ấy như “Những lời em hát” (Từ Huy), “Ơi cuộc sống mến thương”, “Đi qua vùng cỏ non” (Trần Long Ẩn), “Này người yêu nhỏ xinh” (Nguyễn Ngọc Thiện), “Em như tia nắng mặt trời” (Nguyễn Đức Trung)…
Các “nhóm ca khúc chính trị” của thập niên 1980’s ấy là gạch nối dẫn đến sự nở rộ của các “tụ điểm ca nhạc” thu hút lượng người xem ngày càng đông. Có thể kể tên những tụ điểm quen thuộc ở Sài Gòn như sân khấu 126, Lan Anh, Trống Đồng, Đầm Sen, nhà hát Thành Phố, nhà hát Hòa Bình…
Từ các tụ điểm, phòng trà này, nhiều ca khúc dễ nghe và có giai điệu rất gần với “nhạc vàng” của miền Nam lần lượt ra đời, như “Ngõ vắng xôn xao” (Trần Quang Huy), “Nha Trang mùa thu lại về” (Văn Ký), “Hoa sữa” (Hồng Đăng), “Một đời người, một rừng cây” (Trần Long Ẩn), “Em ơi, Hà Nội phố” (Phú Quang), “Hà Nội mùa vắng những cơn mưa” (Trương Quý Hải & Bùi Thanh Tuấn)… Ngay đến cách đặt tựa bài hát cũng mang phong cách “nhạc vàng”, như “Đêm thành phố đầy sao” (Trần Long Ẩn), “Con đường có lá me bay” (Hoàng Hiệp & Diệp Minh Tuyền), “Lời tỏ tình của mùa xuân”, “Này người yêu nhỏ xinh” (Nguyễn Ngọc Thiện), “Thơ tình cuối mùa thu” (Phan Huỳnh Điểu & Xuân Quỳnh), “Ở hai đầu nỗi nhớ” (Phan Huỳnh Điểu & Trần Đình Chính) , “Thành phố, tình yêu và nỗi nhớ (Phạm Minh Tuấn & Nguyễn Nhật Ánh), “Giọt nắng bên thềm” (Thanh Tùng)…, với điệu nhạc lời ca tình tứ, lãng mạn về tình yêu lứa đôi, được kể là “hàng hiếm” thời bấy giờ.
Con đường có lá me bay
Chiều chiều ta lại cầm tay nhau về…
(“Con đường có lá me bay”, Hoàng Hiệp & Diệp Minh Tuyền)
Những ngày không gặp nhau
Biển bạc đầu thương nhớ
Những ngày không gặp nhau
Lòng thuyền đau rạn vỡ
Nếu từ giã thuyền rồi
biển chỉ còn sóng vỗ
Nếu phải cách xa em
anh chỉ còn bão tố…
(“Thuyền và biển”, Phan Huỳnh Điểu & Xuân Quỳnh)
Khi thấy buồn em cứ đến chơi
Chim vẫn hót sau vườn đấy thôi
Chỉ có trong tôi, ngày đã sang đêm lâu rồi…
(“Giọt nắng bên thềm”, Thanh Tùng)
Nhiều nhạc sĩ của dòng “nhạc cách mạng” bắt đầu chuyển hướng sáng tác để dọn ra những món ăn tinh thần đáp ứng khẩu vị người yêu nhạc trong thời kỳ “đổi mới”. Một dòng nhạc mới, nếu không hẳn là nhạc vàng thì cũng… vàng vàng, róc rách chảy vào sinh hoạt ca nhạc ở trong nước từ lúc nào.
Nhạc vàng, thời hoàng kim của Boléro
Trên sân khấu các tụ điểm văn nghệ thời ấy cũng có sự góp mặt của các ca sĩ miền Nam, luôn là những giọng hát ăn khách, thu hút lượng khán giả đông đảo, như Duy Khánh hát “Tự nguyện” (Trương Quốc Khánh), Nhật Trường hát “Hương thầm” (Vũ Hoàng & Phan Thị Thanh Nhàn), Anh Khoa hát “Trị An âm vang mùa xuân” (Tôn Thất Lập)… Người ta cũng nghe được qua băng, dĩa nhạc, đài phát thanh, phát hình các giọng hát được yêu chuộng của những ca sĩ còn ở lại trong nước, như Lệ Thu hát “Hà Nội niềm tin và hy vọng” (Phan Nhân), Thanh Lan hát “Đi qua vùng cỏ non” (Trần Long Ẩn), Lan Ngọc hát “Con đường có lá me bay” (Hoàng Hiệp & Diệp Minh Tuyền), Họa Mi hát “Quảng Bình quê ta ơi!” (Hoàng Vân)… Thường thì các ca sĩ này chọn hát những bài có nội dung “vô thưởng vô phạt” và nhạc điệu gần gần với nhạc miền Nam.
Cứ thế, cùng với những lần xét duyệt nhỏ giọt cho phép phổ biến những bài nhạc của miền Nam trước năm 1975, nhạc vàng lần lần đi vào sinh hoạt ca nhạc trong cả nước, lần lần đẩy lùi nhạc đỏ ra khỏi các sân khấu trình diễn. Nhạc đỏ, nếu không biến mất thì cũng mờ nhạt, họa hoằn lắm được các “nghệ sĩ nhân dân ưu tú” biểu diễn để chào mừng các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử của nhà nước cộng sản Việt Nam.
Nhạc vàng, đến một lúc nào đó, không đợi nhà nước cho phép, trình diễn “vô tư” và tràn lan trên các sân khấu ca nhạc ở cả hai miền Nam Bắc.
Những cố gắng để cấm đoán, ngăn chận sự xâm nhập của nhạc vàng miền Nam chỉ là những cố gắng vô ích và tuyệt vọng. Lạ một điều, bài nhạc nào càng bị cấm đoán thì càng được người yêu nhạc tìm đến.
Không ngạc nhiên chút nào khi mới đây, tháng 1/2019, lần đầu tiên kể từ ngày “giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”, nhà nước cộng sản ra nghị định chính thức “bỏ quy định cấp phép ca khúc trước 1975”. Nghị định này được Cục Nghệ thuật Biểu diễn giải thích như sau:
“Bỏ cấp phép cho ca khúc nghĩa là ca khúc sáng tác ở thời gian, không gian nào cũng bình đẳng như nhau, không có khoanh vùng đặc biệt để cấp phép. Trước hay sau 1975 đều như nhau.”
Lời giải thích có vẻ tử tế và “hợp tình hợp lý” này (tiếc rằng chỉ đến sau 44 năm) chỉ như hợp thức hóa một sự đã rồi.
Những lời “tử tế” ấy không khỏi làm người ta nhớ, Cục Nghệ thuật Biểu diễn này từng loay hoay để đưa ra lời giải thích “hợp tình hợp lý” rằng “người binh sĩ lên đàng” trong bài nhạc xuân “Ly rượu mừng” của nhạc sĩ Phạm Đình Chương là… người lính chống Pháp, nhằm biện minh việc cấp phép cho ca khúc này sau hơn 40 năm bị “cấm cửa”.
Sự cấp phép cho “Ly rượu mừng”, cho nhiều bài của Phạm Duy và của các nhạc sĩ tên tuổi miền Nam càng cho người trong nước có thêm cơ hội làm quen và thêm yêu mến dòng “nhạc vàng” từng bị nhà nước lên án, cấm đoán trong suốt bao nhiêu năm.
Nghị định mở rộng cửa chào đón âm nhạc miền Nam trước năm 1975, cùng với sự tán thưởng nồng nhiệt của giới yêu nhạc trong nước dành cho các ca sĩ tên tuổi miền Nam từ hải ngoại về nước trình diễn, đánh dấu sự ra đi không hẹn ngày về của dòng “nhạc cách mạng” hay “nhạc đỏ”, cho dù có là… “nhạc đỏ trữ tình”.
Đến đây không thể không nói tới sự lên ngôi của “dòng nhạc trữ tình Boléro”, nổi lên như một hiện tượng lạ, tạo cơn lốc cuồng nhiệt, thống lĩnh mọi sinh hoạt văn hóa văn nghệ trong nước. Những bài hát thể điệu boléro xập xình, tiết tấu chậm rãi, giai điệu luyến láy mùi mẫn, nhịp điệu kể lể, nỉ non tự tình, đi cùng lời ca dễ hiểu, vừa dễ hát dễ nghe lại vừa dễ đệm đàn với nhạc cụ thông dụng là chiếc guitar thùng.
Nhạc boléro, vốn được xem là thể loại nhạc bình dân, đại chúng ở miền Nam, như thế có đến hai đời sống, cách nhau đến gần nửa thế kỷ.
Nhiều bài boléro mà người miền Nam xếp vào dòng nhạc hoài niệm thì nay được người miền Bắc và cả nước “phấn khởi hồ hởi” vực dậy, nâng niu, đắm đuối, gọi là “tuyệt phẩm boléro”, “nhạc vàng boléro”. Nhiều ca sĩ “chuyên trị” boléro được phong tặng những danh hiệu nổi đình nổi đám như “Nữ hoàng boléro” (những Lệ Quyên, Bảo Yến, Thanh Tuyền, Giao Linh, Hương Lan…), “Ông hoàng boléro” (những Chế Linh, Tuấn Vũ, Ngọc Sơn…), “Thánh nữ boléro” (Jang Mi), “Ngọc nữ boléro” (Phương Anh), “Thần tượng boléro” và cả những “Thần đồng boléro”. Nhạc vàng boléro đã hoàn toàn chinh phục giới yêu nhạc trong nước. Những thần tượng boléro đã mê hoặc, hớp hồn bao nhiêu là tín đồ… boléro.
“Đó là một loại âm nhạc có đẳng cấp,” ca sĩ Ánh Tuyết ở trong nước khẳng định khi nói về những “tình khúc boléro”. Cô nói thêm, “Âm nhạc không có chuyện sang, sến mà chỉ có hay hoặc dở.”
“Ông hoàng boléro” Chế Linh tiếp lời, “Nếu âm nhạc là lời nói cất lên từ trái tim thì Boléro chính là tiếng nói tình cảm nhất. Nó chan chứa, không bóng bẩy, đi thẳng vào lòng người nghe.”
Chung cuộc, nhạc vàng của người miền Nam với đỉnh cao là thời hoàng kim của Boléro, đã giải phóng người dân miền Bắc thoát khỏi sự thống trị của nhạc đỏ trong mọi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ để giành quyền tự do suy nghĩ, tự do bày tỏ cảm xúc, bộc lộ tâm tư tình cảm. Điều này thực sự có ý nghĩa, vì đấy chính là quyền tự do tư tưởng, là một trong những quyền tự do căn bản nhất của con người.
Nếu quả “Âm nhạc có thể làm thay đổi thế giới vì nó thay đổi được con người” (Music can change the world because it can change people. - Bono) thì chúng ta có lý do để tin rằng, sự thay đổi về khuynh hướng và quan niệm thẩm mỹ trong âm nhạc, nghệ thuật của người Việt trong nước sẽ tác động không ít đến những đổi thay toàn diện về văn hóa, xã hội, chính trị cho đất nước mình. Sự thắng thế của nhạc vàng miền Nam là “hoàn toàn không thể đảo ngược” và là “xu thế tất yếu của thời đại”, như cách nói quen thuộc của nhà nước cộng sản.
Không còn nghi ngờ gì nữa, trong cuộc đọ sức với nhạc đỏ, nhạc vàng đã là “Bên thắng cuộc”.
* Ảnh internet
- Một tách cà-phê cho hai người Lê HỮu Tùy bút
- Lá gan của cô còn tốt lắm! Lê Hữu Truyện ngắn
- Ảo giác Trịnh Công Sơn Lê Hữu Nhận định
- Ngôn ngữ thơ là cái quái gì vậy? Lê Hữu Nhận định
- Nhạc vàng boléro, sến hay không sến? Lê Hữu Nhận định
- Màu tím vấn vương trong nhạc Việt Lê Hữu Tản mạn
- Thơ Như Thương, tình yêu, những khuôn mặt Lê Hữu Nhận định
- Ngày Của Mẹ, Ngày Của Con Lê Hữu Tạp luận
- Bắn chậm thì chết Lê Hữu Truyện ngắn
- “Mùa xuân đầu tiên”, hai bài nhạc Xuân cùng tên Lê Hữu Nhận định
Các nhóm nhạc (Wikipedia):
Myosotis, Tricéa, Tổng Hội Sinh Viên, Đồng Vọng
Nhạc sĩ:
Trang nhà:
Nhạc tuyển::
Dòng nhạc gợi nhớ Taberd75.com
Sài Gòn ơi! Vĩnh biệt Ngọc Lan
Mùa thu Paris Thái Thanh
Lòng Mẹ (Y Vân) Lê Tấn Quốc, Saxo
Hận Đồ Bàn (Xuân Tiên) Chế Linh
- Hình Ảnh Ca Nhạc Sĩ Sài Gòn trước 1975
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |