1. Head_

    Hồ Điệp

    (1.6.1930 - 28.6.1988)
    Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Màu tím vấn vương trong nhạc Việt (Lê Hữu) Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

      22-6-2024 | ÂM NHẠC

      Màu tím vấn vương trong nhạc Việt

        LÊ HỮU
      Share File.php Share File
          

       

       

                            * Về một người yêu hoa màu tím

      Nhớ nhau khi mây vương vương màu tím…


      Giọng hát mềm mại, dịu dàng của ca sĩ Mai Hương gợi niềm luyến tiếc xa xôi về một phương trời cũ. Câu hát là nỗi buồn thật đẹp, thật nhẹ nhàng thật mênh mang như áng mây trôi, trôi hoài ngàn năm.


      Chiều tím, không gian mênh mang niềm nhớ

      Mây bay năm xưa còn đó / đâu tìm người hẹn hò?


      Câu hát có một màu tím vấn vương ấy ở trong bài “Ngàn năm mây bay” của nhạc sĩ Nguyễn Hiền, là nhạc chính trong cuốn phim cùng tên do đạo diễn Hoàng Anh Tuấn thực hiện, chuyển thể từ một tiểu thuyết của Văn Quang.


      Không chỉ màu mây tím ấy thôi, người ta còn nghe, còn thấy được khá nhiều màu tím khác nữa quyện trong từng lời ca ý nhạc của một thời nhạc Việt miền Nam.


      Màu tím chơi vơi trong nhạc Hoàng Trọng,


      Tìm nhau trong mầu hoa pensée tím chơi vơi

      Tìm nhau trong mơ, dắt nhau sang bờ yên vui (Cánh hoa yêu)


      Màu tím bâng khuâng trong nhạc Tuấn Khanh,


      Hỏi tôi “Những chiều buồn mây tím xây thành,

      có thương hoa thắm mong chờ không anh?” (Dưới giàn hoa cũ)


      Cũng là một màu tím vấn vương, cũng là những nét nhạc êm êm nhưng là những dòng nhạc không lẫn vào nhau được. Nét nhạc Nguyễn Hiền nghe mênh mang như bức tranh thủy mặc, nét nhạc Hoàng Trọng nghe man mác như ngọn gió heo may, nét nhạc Tuấn Khanh nghe xao xuyến như một nỗi hẹn hò.


      Chưa hết, màu tím biền biệt trong nhạc Dzũng Chinh,


      Những đồi hoa sim tím / ôi những đồi hoa sim

      tím chiều hoang biền biệt (Những đồi hoa sim, ý thơ Hữu Loan)


      Màu tím nao nao trong nhạc Hoàng Nguyên,


      Người áo tím qua cầu và áo tím phai mầu

      để dòng Hương Giang hờ hững cũng nao nao (Tà áo tím)


      Màu tím da diết trong nhạc Phạm Đình Chương,


      Nhắm mắt chỉ thấy một chân trời tím ngắt,

      chỉ thấy lòng nhớ nhung chất ngất (Nửa hồn thương đau)


      Màu tím ngắt, tím lịm trong nhạc Lê Trọng Nguyễn,


      Thời gian tím ngắt như đêm say,

      vội vàng hái cả trời sao chín mọng (Sao đêm)


      Màu tím mà ta nghe được trong những câu hát ấy thường là màu áo tím, màu hoa tím, màu mây tím… Nhiều nhất vẫn là màu áo tím.


      Chiều nào áo tím nhiều quá,

      lòng thấy rộn ràng nhớ người



      Áo tím chập chờn như cánh bướm, áo tím phất phơ trước cổng trường nữ sinh, áo tím thướt tha trên đường phố lớn hay những lối đi quen. Câu hát ấy ở trong bài “Đường về Việt Bắc” của Đoàn Chuẩn-Từ Linh, người nhạc sĩ trước sau chỉ yêu một “màu xanh ái ân” nhưng vẫn đôi lúc bất chợt thoáng hiện một màu áo tím.


      Áo tím của Hoàng Nguyên nhẹ bay trong nắng trong gió, chỉ thoáng gặp gỡ tình cờ cũng đủ cho lòng nhung nhớ, cho tình vấn vương.


      Một chiều lang thang bên dòng Hương Giang

      Tôi gặp một tà áo tím / nhẹ thấp thoáng trong nắng vương

      Mầu áo tím sao luyến thương / mầu áo tím sao vấn vương (Tà áo tím)


      Áo tím của Văn Phụng, áo tím thướt tha trên cầu Tràng Tiền luôn là hình ảnh gần gũi, thân quen của Huế đẹp và thơ.


      Về nơi đây ấm êm,

      nhìn muôn tà áo tím trên cầu Tràng Tiền (Trở về Huế)


      Áo tím của Nguyễn Hiền, áo tím ngày xưa ấy nay biết trôi dạt về đâu.


      Hình bóng ngày nào đã quá xa xôi

      Một tà áo tím bên tôi,

      thầm nghe lá vàng nhẹ rơi (Tìm đâu)


      Áo tím của Huỳnh Anh và Kiên Giang, áo tím của chuyện tình mùa chinh chiến, một sớm một chiều thành tà áo vu quy.


      Pháo hồng đưa chuyến đò sang sông

      Áo tím ngày xưa đi lấy chồng (Hoa trắng thôi cài trên áo tím)


      Sau áo tím phải kể đến hoa tím, là màu tím hoa sim, hoa cà, hoa lục bình, hoa bằng lăng, hoa pensée, hoa violet, hoa lưu ly… và cả những bông hoa dại tim tím nở ở ven đường.


      Hoa tím của Hoàng Trọng, của người nhạc sĩ thiết tha yêu màu tím thủy chung.


      Tôi vẫn yêu hoa màu tím

      nên vẫn hay mơ thầm kín,

      hay đứng bên song trông áng mây trôi (Tôi vẫn yêu hoa màu tím)


      Hoa tím của Tuấn Khanh và lời hẹn thề trao nhau dưới giàn hoa tím xưa.


      Hẹn tôi đến một mùa se thắm duyên lành

      Ngắt bông hoa tím trên cành trao anh (Dưới giàn hoa cũ)


      Hoa tím của Mạnh Phát, của một mùa hoa tím xưa cho người ở một phương nhớ một phương.


      Sao tôi vương vấn mãi trong lòng

      Tìm về qua bên ấy một màu hoa tím xưa (Nhớ mùa hoa tím)


      Hoa tím của Anh Bằng & Lê Dinh là mối tình thơ trên đồi hoa sim tím.


      Nếu có anh chiều nay ta sẽ lên đồi sim

      Anh hái hoa tím rắc lên đôi bờ tóc mềm (Khi mình xa nhau)



      Sau màu hoa tím là màu mây tím lững lờ trôi trên những dòng kẻ nhạc.


      Mây tím của Đỗ Kim Bảng là cụm mây lang thang về ngang thành phố khi ánh chiều tàn.


      Đêm vẫn chưa buông nhưng chiều dần tàn

      Mây tím giăng ngang trên trời Sài Gòn

         (Bước chân chiều Chủ Nhật)


      Mây tím của Lê Trọng Nguyễn gợi niềm thương nhớ xa xôi trong chiều hoàng hôn.


      Màu tím đưa ta về thương nhớ nhiều

      Nhớ mây chiều xưa mang màu tím tin yêu (Màu tím hoàng hôn)


      Mây tím của Ngô Thụy Miên là áng mây trôi lặng lờ như “gọi tình yêu vào lãng quên”.


      Trời còn mây tím để lá mơ nhiều

      Lá khóc trên mi cho môi ươm sầu (Dấu tình sầu)


      Mây tím của Phạm Mạnh Cương là nỗi buồn quạnh quẽ, hắt hiu khi trời vào thu.


      Lạnh lùng sương rơi heo may / Buồn ngơ ngác bóng chim bay

      Mây tím giăng sầu đó đây (Thu ca)


      Khi màu mây tím phủ kín lưng trời, những buổi chiều vàng êm ả đổi thành chiều tím mơ màng.


      Chiều tím của Đoàn Chuẩn-Từ Linh là không gian màu tím mênh mang và từng cụm “mây bay về đâu cuối trời”.


      Chiều nay sao dâng nhanh mầu tím

      và mây bay theo nhau về bến (Chuyển bến)


      Chiều tím của Đan Thọ và Đinh Hùng trôi theo theo tiếng vĩ cầm, nghe vời vợi như một mối cảm hoài.


      Chiều tím chiều nhớ thương ai / còn thương nhớ hoài

      Đàn ơi nhắn dùm người đi phương nao

      nếp chinh bào biếc ánh sao (Chiều tím)


      Chiều tím của Y Vân và Kim Tuấn là tình yêu thầm lặng như những “rặng thông già lặng câm”.


      Anh yêu tình nở muộn / Chiều tím mầu mến thương

      Mắt biếc sầu lắng đọng / Đèn thắp mờ bóng đêm (Những bước chân âm thầm)


      Chiều tím của Trịnh Công Sơn về cùng ngọn gió heo may khi “tháng ngày chết trong thu vàng”.


      Gió heo may đã về / Chiều tím loang vỉa hè

      và gió hôn tóc thề / rồi mùa thu bay đi… (Nhìn những mùa thu đi)


      Những chiều tím, mây tím và cả màu áo tím, hoa tím vẫn đi, về cùng với mùa thu.


      Tà áo tím dịu dàng bên tôi

      và tình yêu nhẹ nhàng thầm khơi

      đâu có nghe mùa thu đã rơi (Áo tím ngày xưa, Lan Đài & Mạnh Phát)


      Khi mùa thu buông áo xuống một phương trời, những cụm mây sẫm màu nhuộm tím cả không gian.


      Chiều thu soi bóng / nắng chưa phai mầu

      Kề hai mái đầu nhìn mây tím nhớ nhau (Chiều tím, Đan Thọ & Đinh Hùng)


      * * *


      Bao nhiêu màu tím, bấy nhiêu tình. Chỉ cần đọc tên ít bài nhạc quen thuộc đủ thấy những gì được tô lên màu tím: Thu tím lá vàng (Vân Tùng), Biển tím (Nguyễn Vũ), Tím cả rừng chiều (Thu Hồ), Mực tím mồng tơi (Hàn Châu), Cổng trường vôi tím (Mạc Phong Linh), Căn nhà màu tím (Hoài Linh), Sầu tím thiệp hồng (Minh Kỳ & Hoài Linh), Tình yêu màu tím (Song Ngọc), Màu tím cuộc đời (Lê Trọng Nguyễn)…. Kể mãi không hết, tím mãi không thôi.



      Người ta còn nghe được những câu chuyện lòng, những chuyện tình phủ lên một màu tím ngan ngát hương yêu trong những bài “Tà áo tím”, “Cánh hoa yêu”, “Dưới giàn hoa cũ”, “Hoa trắng thôi cài trên áo tím” hay “Màu tím hoa sim” (nhiều nhạc sĩ phổ từ bài thơ cùng tên của Hữu Loan)… Những câu chuyện thường kết thúc không mấy vui, nếu không là áo tím qua cầu thì cũng tím cả chiều hoang đến ngôi bên mộ nàng… Như câu chuyện cô bé trót yêu màu tím được nhạc sĩ Hoàng Trọng kể lại trong chuyện tình buồn “Ngàn thu áo tím”.


      Ngày xưa xa xôi em rất yêu mầu tím…

      Chiều xuống áo tím thường thướt tha

      bước trên đường thắm hoa / ngắm mây chiều lướt xa…


      Rồi khi chớm biết yêu là đánh mất thơ ngây, là chia tay với mầu tím, chia tay với tình đầu.


      Từ khi yêu anh, anh bắt xa màu tím…

      Trời đã rét mướt cùng gió mưa

      Khóc anh chiều tiễn đưa / thế thôi tàn giấc mơ


      Màu tím mộng mơ đổi thành màu tím rưng rưng, tái tê.


      Ngàn thu mưa rơi trên áo em mầu tím…

      Nhuộm tím những chuỗi ngày vắng nhau

      Tháng năm còn lướt mau / biết bao giờ thấy nhau


      Bài nhạc thể điệu Valse dìu dặt, buồn buồn. Nghe lại bài hát ấy với giọng Thái Thanh ngày xưa, ngỡ như nghe nỗi niềm xót xa của cô bé mới biết yêu lần đầu. Màu tím đơn sơ và mối tình đầu như đóa hoa chớm nở đã vội tàn.


      Người viết lời cho bài nhạc ấy là Vĩnh Phúc, cô nữ sinh trường Trưng Vương thuở ấy. Hẳn cô cũng yêu màu tím lắm nên trong những lời cô phổ vào nhạc Hoàng Trọng vẫn cứ bàng bạc một màu tím buồn, lúc thì mầu hoa pensée tím chơi vơi, khi thì một bóng áo tím buồn ngẩn ngơ.


      Màu tím là màu của mộng mơ nên mới có Anh hứa đưa em về nơi chân trời tím / Gom hết mây hai đứa xây lâu đài yêu (Chân trời tím). Màu tím là màu của nhớ nhung nên mới có Nhớ nhau khi mây vương vương màu tím (Ngàn năm mây bay). Màu tím là màu của thủy chung nên mới có Hoa tím nơi này chờ anh đã bao ngày (Cánh hoa yêu). Màu tím là màu của định mệnh cách chia nên mới có Ngàn thu đau thương vương áo em màu tím (Ngàn thu áo tím).


      Bên cạnh nỗi buồn màu tím, vẫn có những màu tím vui. Màu tím thắm thiết, lung linh của một mùa kỷ niệm, gợi lại trong ta những thương yêu ngọt ngào. Màu tím của những lứa đôi yêu nhau, của những “chuyện tình quanh năm” trải dài trên “Con đường tình ta đi” (Phạm Duy).


      Con đường trời mưa êm

      Chiếc dù che mầu tím

      Môi tìm làn môi ngon


      Nhạc Việt vẫn có lắm sắc màu. Trên hết, nhiều nhất, vẫn là màu tím. Màu tím ngan ngát, màu tím ngắt, tím lịm hay màu tim tím quyện trong câu hát, lời ca. Màu tím nên thơ, màu tím dịu dàng nữ tính, nhẹ nhàng mà vấn vương, lặng thầm mà quyến rũ, đến nay vẫn là đề tài và nguồn nhạc hứng chưa bao giờ cạn cho người viết nhạc.


      Lê Hữu


      * “Ngàn thu áo tím” (Hoàng Trọng & Vĩnh Phúc), Thái Thanh hát:

      https://www.youtube.com/watch?v=nbqwenPiG7Q



      Lê Hữu

      Tác giả gởi

      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022


      Cùng Tác Giả

      Cùng Tác Giả:

       

      - Màu tím vấn vương trong nhạc Việt Lê Hữu Tản mạn

      - Thơ Như Thương, tình yêu, những khuôn mặt Lê Hữu Nhận định

      - Ngày Của Mẹ, Ngày Của Con Lê Hữu Tạp luận

      - Bắn chậm thì chết Lê Hữu Truyện ngắn

      - “Mùa xuân đầu tiên”, hai bài nhạc Xuân cùng tên Lê Hữu Nhận định

      - Nghe một câu hát, nhớ một tiếng hát Lê Hữu Nhận định

      - Nguyễn Đình Toàn và Ca Khúc Da Vàng sau chiến tranh Lê Hữu Nhận định

      - Nhạc Việt, bài boléro đầu tiên Lê Hữu Nhận định

      - Thơ Với Thẩn Lê Hữu Nhận định

      - Thấy gì trong Cõi Người của T.Vấn? Lê Hữu Điểm sách

    3. Bài viết về Âm Nhạc (Học Xá) Ad-31 Ad-31 = QC_250-250 (Học Xá)
  2. © Hoc Xá 2002

    © Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com)