|
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Thơ Văn Trần Yên Hoà & Bằng hữu
Nhạc sĩ Dzoãn Mẫn
Dzoãn Mẫn không chỉ sáng tác theo dòng lãng mạn với Biệt ly vang dội một thời, mà còn là tác giả một số hành khúc viết ngay sau Cách mạng tháng Tám như Gió sớm mai, Những mầm sống mới…
Năm 1980, tại TP.HCM, lần đầu tiên tôi được gặp nhạc sĩ Lê Thương (tác giả Hòn Vọng Phu và Ai xuôi vạn lý) tại nhà riêng của ông (đường Vĩnh Viễn, quận 1) vào một buổi tối tháng 10.
Nhân tôi hỏi về Dzoãn Mẫn, ông cho biết: Dzoãn Mẫn không chỉ sáng tác theo dòng lãng mạn với Biệt ly vang dội một thời, mà còn là tác giả một số hành khúc viết ngay sau Cách mạng tháng Tám, chẳng hạn Gió sớm mai, Những mầm sống mới… (Những mầm sống mới là bài hát mở đầu loại nhạc Những mầm sống mới của nhóm nhạc ba người: Dzoãn Mẫn, Thành Hùng và Văn Chinh).
Ngay sau đó, Lê Thương lấy ra một cuốn vở học sinh đã cũ trong đó ghi rõ: Gió sớm mai, nhịp đi (tempo di marica), nhạc: Dzoãn Mẫn, lời: Thành Hùng, NXB Nhạc Nam - số 116 Chân Hưng - Hà Nội - xuất bản năm 1946; và Những mầm sống mới, nhạc Dzoãn Mẫn, lời: Thành Hùng, NXB Nhạc Nam - Hà Nội - 1946.
Ông dặn tôi: khoảng một tháng sau, quay lại, ông sẽ tặng hai bản ấy nếu tìm được. Một tháng sau, tôi quay lại, ông bảo: Chưa tìm thấy. Thỉnh thoảng, cứ ghé đến chỗ ông. Một năm sau, khoảng tháng 10-1981, tôi quay lại. Lê Thương nói: Đã mượn được của một nhạc sĩ nổi tiếng nhạc phẩm Gió sớm mai và đã phô-tô tặng tôi.
Năm 1990, tôi lại gặp Lê Thương sau cuộc gặp lần thứ nhất vừa đúng 10 năm. Ông vẫn chưa tìm được bài hát Những mầm sống mới.
16 năm sau.
Mãi đến chiều mồng 5 tháng 3 năm nay (2006), tôi mới gặp được Dzoãn Mẫn tại nhà riêng ở Hà Nội vào sẩm tối một ngày xuân mưa phùn gió bấc. Ông mới ra viện sau một thời gian nằm điều trị. Vẻ mặt mệt mỏi, giọng nói nhỏ và yếu, nhạc sĩ tâm sự:
- Vừa nãy, nhận được điện thoại của anh hỏi về bài hát Gió sớm mai, tôi hoàn toàn quên đó là con đẻ tinh thần của mình... Dzoãn Mẫn lật đi lật lại bản phô-tô Gió sớm mai mà tôi vừa chuyển tận tay.
- Đúng, đúng là tác phẩm của tôi, tôi viết xong, chuyển cho anh Thành Hùng đặt lời… Rồi nhạc sĩ chậm rãi kể:
Những ngày bùng nổ Cách mạng tháng Tám 1945, tôi vẫn ở nhà riêng 116 ngõ Chân Hưng gần ga Hàng Cỏ - Hà Nội. Không khí Hà Nội và cả nước hồi ấy vô cùng sôi động. Sau Cách mạng tháng Tám khoảng hơn một tháng, ngày 23-9-1945, Sài Gòn và toàn Nam Bộ chính thức kháng chiến chống Pháp. Cả nước cuộn lên cao trào ủng hộ miền Nam. Cuối năm 1946, những chuyến xe lửa chở các đoàn quân Nam tiến (hầu hết là thanh niên và học sinh trung học) từ Hà Nội ngày đêm rầm rầm chuyển bánh vùn vụt vào Nam.
Trong không khí rạo rực ấy, khoảng đầu tháng 9-1945, tôi viết phần nhạc Gió sớm mai theo thể hành khúc. Không nhớ là viết ban đêm hay viết ban ngày. Chỉ nhớ: khi cầm bút, trước mặt hiện ra người người lớp lớp trên đường phố Thủ đô say sưa đón chào cách mạng và sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu để giữ gìn nền độc lập. Viết ngay tại 116 ngõ Chân Hưng - Hà Nội. Tôi viết liền một mạch. Xong, đưa cho anh Thành Hùng đặt lời, anh Văn Chinh trình bày. Văn Chinh lo việc đưa in và xuất bản vào năm 1946 ở Hải Phòng. Thành Hùng và Văn Chinh đều là người Hải Phòng.
Trước Cách mạng tháng Tám, tôi đang làm công chức nhỏ ở Hà Nội thì bị đổi xuống Kiến An làm ở Tòa sứ Pháp. Kiến An gần Hải Phòng, cho nên tôi hay về Hải Phòng chơi đàn ghi-ta ét-xpa-nhon và ghi-ta Ha-oai cho một vài dàn nhạc. Do đó, anh Văn Chinh và tôi mới quen nhau. Khi tôi còn làm công chức ở Hà Nội, anh Thành Hùng từ Hải Phòng lên Hà Nội học tôi ghi-ta Ha-oai mấy tháng. Sau đó, tôi bị chuyển ra Kiến An như trên đã nói.
Thành Hùng vừa hát hay vừa biết làm lời. Cho nên, anh đã làm lời một số bài hát mà tôi là tác giả phần nhạc. Văn Chinh vẽ giỏi. Anh phụ trách phần trình bày mỹ thuật cho một số bài hát. Văn Chinh là nhân viên hãng Crédit Foncier của Pháp ở Hải Phòng, một hãng chuyên về xây dựng nhà cửa. Tính anh rất hiền lành.
Thời gian ở Hải Phòng, ba chúng tôi hợp tác tốt đẹp với nhau, mỗi người một “chức năng” như đã nói ở trên. Khi in và xuất bản, anh Văn Chinh bỏ tiền riêng để thực hiện. Chúng tôi tự gọi nhóm mình là nhà xuất bản, đặt tên Nhạc Nam. Nhà xuất bản Nhạc Nam. Tuy chỉ in và xuất bản ở Hải Phòng nhưng bao giờ chúng tôi cũng ghi tên nhà xuất bản là Nhạc Nam và địa chỉ là nhà tôi, 116 ngõ Chân Hưng - Hà Nội trên trang 4 của bài hát. Khoảng đầu 1946, sau một thời gian ngắn cộng tác với nhau, do hoàn cảnh khẩn cấp của đất nước, chúng tôi không gặp nhau được nữa.
Tôi đi kháng chiến, vào đoàn văn công, bận rộn không biết bao công tác. Sau đó, lại thêm trách nhiệm cùng một số anh nữa tổ chức trường nhạc đầu tiên của kháng chiến chống Pháp. Công việc càng nhiều. Hai anh Thành Hùng và Văn Chinh ở lại vùng tạm chiếm Hải Phòng. Anh Thành Hùng chết không rõ vì sao và hồi nào. Anh Văn Chinh, năm 1954, cùng vợ con đi Nam. Sau đó, anh sang Lào một mình, làm gì, tôi không rõ, nhưng chỉ biết anh chết tại Lào. Vợ con đưa di hài anh về Sài Gòn chôn cất.
Nhạc sĩ Dzoãn Mẫn ngậm ngùi rồi kể tiếp: Ngay hồi ấy, ban quân nhạc đã phối khí Gió sớm mai và một số bài của các nhạc sĩ khác cho dàn quân nhạc biểu diễn trên đường phố. Trong buổi tiễn đưa đoàn quân Nam tiến đầu tiên ở ga Hàng Cỏ (nay gọi là ga Hà Nội), cùng với một số bài hát của các nhạc sĩ khác, ba bài của tôi (Gió sớm mai, Nhắn người chiến sĩ và một bài nữa tôi quên tên) được dàn quân nhạc trình diễn. Tại ga Hàng Cỏ hôm đó, nữ danh ca Thương Huyền (tên thật: Nguyễn Thị Thường) hát bài Nhắn người chiến sĩ.
Rất tiếc, buổi tiễn đưa ấy, tôi tuy làm việc ở gần ga Hàng Cỏ nhưng công tác quá bận, không có mặt. Hôm sau, chỉ được nghe bạn bè kể lại. Nhắn người chiến sĩ sáng tác ở Hà Nội trước 1945 nhưng sau Cách mạng tháng Tám ít lâu mới được hát lần đầu tiên trên làn sóng Đài tiếng nói Việt Nam với giọng hát anh Mai Khanh đầy sức truyền cảm thông qua một kỹ thuật điêu luyện.
Trước Cách mạng tháng Tám, tôi viết cả nhạc lẫn lời bản tình ca Gió xa khơi. Gió xa khơi cũng đã được in lại gần đây. Nhân nói chuyện đặt lời các bài hát của tôi, tôi muốn nhắc đến Biệt ly. Tôi viết Biệt ly cả nhạc lẫn lời. Tuy nhiên, đặt lời xong, tôi đã gặp một nhà thơ nhờ xem lại và sửa chữa nếu cần. Sau khi nhà thơ góp ý kiến và sửa một chút, tôi rút tên mình và ghi tên người bạn thơ vào phần lời của nhạc phẩm Biệt ly với tất cả lòng tôn trọng người đã giúp mình chỉnh lại phần lời…
... Nhạc sĩ Dzoãn Mẫn chia sẻ: Trong hoàn cảnh kháng chiến, nhiều xáo trộn như thế, tôi cũng như nhiều nhạc sĩ khác cùng thế hệ, không kịp nghĩ đến việc lưu giữ các tác phẩm ra đời trước và ngay sau Cách mạng tháng Tám của mình. Cũng may, một số NXB Hà Nội, Huế, Sài Gòn… đã cố gắng tìm mọi cách in lại những tác phẩm đó. Nhờ vậy, giờ đây, một số nhạc phẩm trong số ấy đã được trở về với các tác giả! Khoảng hơn mười năm trước, còn tương đối khỏe, tôi đã nhớ lại được một số bài và ghi lại vào giấy. Bây giờ yếu rồi, không thể làm việc đó được nữa. Đành chịu mất mãi mãi một số đứa con tinh thần của mình. Đây cũng là thiệt thòi không nhỏ của nhiều văn nghệ sĩ cùng thế hệ với tôi, thế hệ Cách mạng tháng Tám.
17 giờ.
Mưa phùn vẫn rơi. Gió bấc vẫn thổi.
Vẻ mặt dịu hiền nhưng mệt mỏi, lão nhạc sĩ Dzoãn Mẫn từ từ đứng dậy ôm lấy tôi. Mắt ông rớm lệ…
Giọng yếu ớt và xúc động, ông nói:
- Tôi không ngờ, không thể ngờ có một ngày, ngày hôm nay, chiều hôm nay, trong gió chiều xuân, lại được nhìn thấy Gió sớm mai, một đứa con nghệ thuật của mình sau 61 năm xa cách và quên hẳn!
Cảm ơn anh, rất cảm ơn anh đã trả lại cho tôi một chút Gió sớm mai! Nhờ anh mà từ giờ phút này, Gió sớm mai đã trở về đậu trên vai Dzoãn Mẫn!!!
Cố đô Thăng Long, từ cuối tháng 3 đến cuối tháng 5-2006.
- Gió sớm mai đã đậu trên vai Dzoãn Mẫn Nhật Hoa Khanh Tạp bút
• Dzoãn Mẫn và nhóm Tricea (Phạm Duy)
• Gió sớm mai đã đậu trên vai Dzoãn Mẫn (Nhật Hoa Khanh)
• Dzoãn Mẫn & "Biệt Ly" (Phùng Quốc Thụy)
Tiểu Sử (Wikipedia)
Phỏng vấn nhạc sĩ Dzoãn Mẫn (Thanh Thúy ca)
Biệt Ly (Duy Trác ca)
Gió Xa Khơi (Kim Tước)
Hương Cố Nhân (Quỳnh Dao)
• Hoàn cảnh sáng tác ca khúc “Linh Hồn Tượng Đá” (Mai Bích Dung) – Chuyện tình thoáng vội như mây bay (Đông Kha)
• Nghệ thuật sáng tác trong tác phẩm "Nửa bước đường tình" của nhạc sĩ Tâm Anh (Nguyễn Xuân Bách)
• Những năm cuối đời thầm lặng của nhạc sĩ Tâm Anh – Tác giả ca khúc “Phố Đêm” (Đông Kha)
• Cuộc đời và sự nghiệp của nhạc sĩ Hoàng Trang (Đông Kha)
• Nghe lại 10 ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Hàn Châu thu âm trước 1975 (Đông Kha)
• Làm sao nói hết niềm riêng: Có những niềm riêng (Lê Tín Hương) (Lê Trung Ngân)
• Nhạc Nhái và Nhạc Chế (Song Thao)
• Đêm Sài Gòn Xưa (Huyền Chiêu)
• Ảo giác Trịnh Công Sơn (Lê Hữu)
• Nguyễn Đình Nghĩa - Bắt Đầu... Từ Một Đêm Trăng (Phan Nhật Nam)
Các nhóm nhạc (Wikipedia):
Myosotis, Tricéa, Tổng Hội Sinh Viên, Đồng Vọng
Nhạc sĩ:
Trang nhà:
Nhạc tuyển::
Dòng nhạc gợi nhớ Taberd75.com
Sài Gòn ơi! Vĩnh biệt Ngọc Lan
Mùa thu Paris Thái Thanh
Lòng Mẹ (Y Vân) Lê Tấn Quốc, Saxo
Hận Đồ Bàn (Xuân Tiên) Chế Linh
- Hình Ảnh Ca Nhạc Sĩ Sài Gòn trước 1975
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |