1. Head_

    Duy Thanh

    (11.8.1931 - 24.11.2019)

    Tuệ Sỹ

    (15.2.1943 - 24.11.2023)
    Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Wolfgang Amadeus Mozart: Cuộc đời, Sự nghiệp, Tác Phẩm (Cung Tiến) Ad-21 Ad-21 (Google - QC3) (Học Xá)

      29-04-2011 | ÂM NHẠC

      Wolfgang Amadeus Mozart: Cuộc đời, Sự nghiệp, Tác Phẩm

        CUNG TIẾN
      Share File.php Share File
          

       


      Chân dung Mozart do Joseph Lange vẽ khoảng năm 1789, Nguồn: Thế Kỷ 21

      Ngày 27 tháng Giêng 2006 vừa qua, lúc 20:00 giờ đúng, chuông các nhà thờ thành phố Salzburg, Áo quốc, đã đua nhau đổ liên hồi, rộn rã. Ngày, giờ đó là ngày, giờ sinh của Mozart 250 năm trước đây, thành phố đó là nơi sinh trưởng của nhà soạn nhạc được kính trọng và yêu mến nhất này trong lịch sử âm nhạc cổ điển Tây phương.


      Những hồi chuông ấy rung lên cũng để báo hiệu ngày chính thức khai mạc Năm Kỷ niệm Mozart ("Mozartjahr 2006") tại Áo, đặc biệt là trong hai thành phố mà Mozart dã cư ngụ trong cuộc đời ngắn ngủi (35 năm) của mình: Salzburg và Wien. Và chẳng phải chỉ duy tại hai thành phố này mà thôi; hầu như cả toàn cầu đã, đang và sẽ được nghe các tác phẩm của nhà soạn nhạc vĩ đại này trong năm nay.


      Những phòng hòa nhạc tại hàng trăm thành phố lớn khắp năm châu đã và còn tung ra những buổi trình diễn đón mừng năm sinh này. Chẳng hạn, đài Phát thanh Thụy Điển đã dựng lên một dài trên Mạng lưới truyền thanh nhạc Mozart suốt 24 tiếng mỗi ngày, năm ngày mỗi tuần. Những dàn nhạc và rạp nhạc kịch lẫy lừng thế giới đã chuẩn bị trình diễn nhạc của ông tại New York, Mạc-tư-khoa, Washington, Praha, Paris, Đông-kinh, Caracas, Quito, Havana, Thành phố Mễ-tây-cơ, Đài-bắc, Budapest, và nhiều thành phố khác nữa trên thế giới.


      Kỷ niệm không rời


      Tôi còn nhớ mãi, tại Sài Gòn, cũng trong dịp sinh nhật đó 50 năm về trước, lần đầu trong đời tôi đã được nghe nhạc Mozart trình diễn "tại chỗ" ("live") đễ mừng 200 năm ông ra đời. Đó là một "phát hiện" vô cùng xúc động cho tôi. Trước kia, tôi đã biết đến Mozart qua Đài phát thanh Pháp-Á và Đài Quốc gia. Ngoài những độc tấu khúc (sonatas), một số nhạc "thính phòng" (chamber music), tôi còn vẳng nghe trong tâm tưởng một khúc nhạc cho tới hôm nay vẫn còn rất phổ biến trên thế giới. Đó là dạ khúc (serenade), K. 525(1) viết cho ban đàn dây, mang tên Eine kleine Nachtmusik ("Một khúc nhạc đêm nhỏ", 1787).


      Nhưng trong cái tháng giêng kỷ niệm ấy (năm 1956), tôi đã được nghe nhạc giao hưởng, hiệp tấu khúc (concertos) cho dương cầm và vĩ cầm, tam tấu khúc (trio) và tứ tấu khúc (quatuor) nữa.


      Chương trình "Đại Nhạc Hội" năm kỷ niệm ấy do Nha Vô tuyến Truyền thanh Quốc gia tổ chức, dưới sự bảo trợ của Bộ Thông tin và Thanh niên2. Suốt từ ngày 24 tháng giêng cho tới 2 tháng hai, 1956, Bộ này đã tổ chức các buổi nói chuyện, diễn thuyết (mà cố nhạc sĩ Thẩm Oánh, ?-1996, là một diễn giả), các buổi trình tấu nhạc thính phòng và nhạc hòa tấu, tại Thính đường Trường Sư phạm, Hội Liên minh Pháp, và rạp Thống nhất. Dàn nhạc giao hưởng còn được Tổng thống Ngô Đình Diệm mời vô trình diễn trong Phủ toàn bộ chương trình vào đêm 1 tháng hai.


      Người điều khiển Dàn nhạc Giao hưởng thứ nhất đó của Việt Nam là cố nhạc sĩ Michel Nguyễn Phụng (1927-2005), tốt nghiệp môn Điều khiển Dàn nhạc tại Nhạc viện Cao đẳng Quốc gia ở Paris. Hai nhạc sĩ cộng tác với dàn nhac trong tư cách độc tấu là Brigitte de Beaufond (vĩ cầm) và Nghiêm Phú Phi (dương cầm). Người ngồi ghế đầu bộ phận vĩ cầm ("concert master") là Roubin Gabriel, do Tòa Đại sứ Pháp cung cấp; và người ngồi ghế kế bên là cố nhạc sĩ Nguyễn Văn Giệp. Trong ban nhạc còn một số nhạc công Việt Nam khác, như cố nhạc sĩ Vũ Thành (sáo dài), các nhạc công đàn dây Đan Thọ, Trần Đình Cầu, Dương Văn Huyến, Đoàn Quang Minh, và kèn gỗ như Lưu Văn Khoa (clarinet), v.v. Trong phần nhạc thính phòng, ngoài Nguyễn văn Giệp, còn có nhạc sĩ đại đề cầm (cello) Nguyễn Trí Nhường, và nhạc sĩ dương cầm Nguyễn Cầu.



            Chương Trình Dàn Nhạc Đại Hợp Tấu Việt Nam,
             Nguồn: Thế Kỷ 21

      Hồi ấy tôi đang theo học năm chót trung học ở trường Chu Văn An. Mặc dù đang là năm phải học thi, tôi vẫn cứ bỏ lớp đi nghe dàn nhạc tập dượt ở Trường Sư phạm. Chương trình nhạc khá phong phú, gồm hai tiền tấu khúc (overtures) cho hai vở hài nhạc kịch (opere buffe) nổi tiếng nhất của Mozart là Đám cưới Figaro (Le nozze di Figaro, 1786), và Gã Don Juan (Don Giovanni, 1787); hai hiệp tấu khúc, một cho vĩ cầm, và một cho dương cầm. Tấu khúc cho vĩ cầm, do Brigitte de Beaufond đảm nhiệm, là Hiệp tấu khúc K. 216 (1775), cung Sol trưởng; tấu khúc cho dương cầm, là chuyển động chậm mang một nhan đề khá lãng mạn là "Romanze" của Hiệp tấu khúc K. 466 (1785) cung Ré thứ, do Nghiêm Phú Phi. Concerto K. 466 là một trong các hiệp tấu khúc của Mozart được trình tấu thường xuyên nhất; nó đã gây nhiều ấn tượng mạnh nơi Beethoven hồi trẻ, do đó chính Beethoven đã chơi và soạn các cadenzas3. Theo Charles Ro sen , một dương cầm thủ và nhạc học nổi tiếng, "Đó là một thực hiện dầy đủ nhất của cái khía cạnh Mozart mà thế kỷ 19 đặt tên rõ đúng là 'thần sáng tạo'..." (Trong The Classical Style, tr. 228).


      Bản Giao hưởng duy nhất được Nguyễn Phụng chọn trình diễn trong các buổi hòa nhạc ấy là tác phẩm tuyệt diệu, uy nghi, hùng tráng, với kỹ thuật đối điểm4 và fuga5 điêu luyện, "thông thái" của Mozart: ấy là bản giao hưởng cuối cùng của Mozart, số 41, K. 551, cung Do trưởng (1788), mà về sau được ai mệnh danh là "Jupiter" (Mộc tinh, tượng trưng cho thần sấm và sét). Phần kết thúc (finale) bản giao hưởng số 41 có năm nhạc đề ngắn tíu tít "nói chuyện" với nhau. Năm nhạc đề này được phối hợp theo kỹ thuật đối điểm nghịch đảo (invertible counterpoint), nghĩa là tất cả có thể xướng lên cùng một lúc, mà bất cứ nhạc đề nào cũng có thể ở trên hay ở dưới các nhạc đề khác mà vẫn tôn trọng luật hòa âm. Mozart đã soạn bản này và hai bản giao hưởng nổi tiếng khác (số 39, K. 543, cung Mi giáng trưởng, và số 40, K. 550, cung Sol thứ) trong một thời gian kỷ lục: sáu tuần lễ, từ 26 tháng 6, tới 10 tháng 8, 1788!


      Sau trời là papa


      Salzburg ngày nay là một bang độc lập của nước Áo. Nhưng thời Mozart, nó là một thành- quốc trong đế chế La-mã. Người đứng đầu tiểu công quốc đó là Công tước-Tổng giám mục thuộc Giáo hội Công giáo. Thực ra, thời đó dân Salzburg không nhận mình là người nước Áo, mà là người Đức -không trong cái nghĩa chính trị như các thế kỷ sau này phân biệt, mà vì tiếng mẹ đẻ là tiếng Đức, hoặc một trong các phương ngữ của nó.


      Gia đình Mozart theo đạo Công giáo. Tên rửa tội (tên thánh) của Mozart, nguyên tiếng Hy-La là Joannes Chrysostomus Wolfgangus Theophilius, được đặt theo tên vị Thánh của ngày sinh ông (Joannes Chrysostomus), tên ông ngoại (Wolfgang), và tên cha đở đầu (Theophilius). Tên liếng Đức là Johann Chrysotom Wolfgang Gottlieb. Về sau Mozart đổi Theophilius, hay Gottlieb, thành Amadeus (cả ba đều có nghĩa là "Thiên Sủng" - "Trời Thương"). Nhưng trong thời trưởng thành, ông thường ký tên là Wolfgang Amadeus (hoặc Amadé, theo tiếng Pháp).


      Ông là con út, và là một trong hai người con sống sót, của Leopold Mozarl (1718-1787) và Maria Anna (nhũ danh Pertl, 1720-1778); người kia, chị ông, là Maria Anna Walburga Ignatia (nhà thường gọi yêu là "Nannerl"), cũng là một nhạc sĩ piano có tài (1751-1829). Cha mẹ ông sinh cả thảy được bảy người con, năm người chết yểu.


      Cả hai chị em Mozart đều không được đi học ở trường, mà hoàn toàn học ở nhà, dưới sự dạy dỗ của bố. Ông bố vô cùng tận tụy và sáng trí, dạy con đọc và viết, số học, sử và địa, ngoại ngữ (Anh, Pháp, ý). Cả hai trẻ đều có chữ viết tốt, đọc rộng, họa giỏi và ăn nói rất lưu loát. Và tất nhiên được chuyên học về âm nhac nữa. Vì Leopold Mozart, không những thuở thiếu thời được giáo dục bởi các thày tu dòng Tên, rồi theo học một thời gian ngắn tại trường đại học dòng tu Biển-đức (Benedictine) tại Salzburg, còn là một vĩ cầm thủ, một nhà soạn nhac có tài, và một thày dạy nhạc có năng khiếu. Cuốn chuyên luận về cách dạy đàn vĩ cầm của Leopold, xuất bản năm 1756, về sau được dịch sang nhiều thứ tiếng và trở thành một sách giáo khoa căn bản khắp Âu châu trong hậu bán thế kỷ 18. Và tất cả những gì Leopold biết, ông đã truyền lại cho người con trai út -từ cách phối hòa âm một giai điệu, cách đặt một câu cho điệu vũ menuet, đến chơi đàn clavico (clavecin; harpsichord), và vĩ cầm.


      Sau khoảng năm 1760, Leopold bỏ hết sức lực vào việc dạy nhạc cho hai người con. Mặc dù một số trong giới viết tiểu sử ngày nay (thí dụ Maynard Solomon, sách dẫn trong phần "Tái liệu tham khảo"), có khuynh hướng chỉ trích Leopold là một ông bố che chở con mình quá đáng và còn khai thác chúng cho tư lợi nữa, nhưng Leopold cho rằng sứ mệnh của mình là tiết lộ cho thế giới biết "cái phép lạ mà Thượng đế đã ban cho sinh ra tại Salzburg."


      Ta phải khen phục rằng ông đã có công cho con trai mình cơ hội tiếp xúc với những phong cách âm nhạc quốc tế, mà sau này giúp rất nhiều vào sự phát triển âm nhac của người con. Bởi lẽ, trong những năm hình thành tài năng và phong cách của Mozart, 1762 tới 1781, ông đã được bố dắt đi "tour" các thủ đô âm nhạc Tây Âu (Áo, Đức, Hòa-lan, Anh, Pháp, và Ý), cho dù chỉ với mục tiêu kiếm được một việc làm, và một địa vị âm nhạc trong triều đình.


      Ngoài những kiến thức phổ thông, ngoài âm nhạc, Leopold còn dạy Mozart cách "sống ở đời." Rằng thế giới được cai trị bởi những người giàu; rằng đồng tiền, chứ không phải trí thông minh hoặc tài năng, mang lại cho ta quyền thế. Cho nên ta phải giàu; muốn giàu, khi ta đẻ ra đã nghèo, thì phải đi kiếm bạc; muốn kiếm bạc (mà không ăn cắp) ta phải có cái gì để bán; muốn có gì để bán được, ta phải làm nó ra; muốn làm nó ra, ta phải biết; vì vậy; phải làm việc. Và Mozart đã làm việc, làm việc và làm việc suốt đời, ngay cho tới phút trước khi nhắm mắt.


      Mozart thương cha tha thiết như Leopold thương con. Cho nên người ta hiểu được tình cảm của cậu bé Mozart: thư viết cho bố hồi thiếu niên thường chấm dứt với câu "Sau Thượng đế là Papa."


      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022

      "... ngày mai có thể con sẽ không còn ở đây nữa ..."


      Theo Stendhal (1783-1842)6, trong cuốn Đời Mozart (1814), mà phần lớn lấy tài liệu của Schlichtegroll7, một trong mấy người sớm nhất viết tiểu sử về Mozart8, thì suốt đời Mozart ốm yếu, người bé nhỏ, cao 1 mét 63, gầy ốm, nước da tái; và mặc dù có một khuôn mặt lạ thường, nhưng diện mạo ông không có gì đặc biệt ngoài đôi mắt rất lớn và ngoài cái đặc tính là dễ biến đổi vô cùng: luôn luôn cho thấy lúc vui, lúc buồn từng phút. Người ta cũng để ý nơi Mozart một trạng thái thưởng xuyên căng thẳng, bồn chồn, như bị kích thích (nervous): các ngón tay luôn luôn gõ xuống mặt bàn hay lưng ghế, chân luôn luôn giậm xuống đất.


      Từ nhỏ, Wolfgang đã mang nhiều bệnh. Hồi sáu tuổi bị một trận đau nặng do vi khuẩn liên cầu (streptococcus). Sau đó bị viêm khớp mãn tính. Hồi lên chín bị hôn mê vì sốt thương hàn, tưởng đã chết. Hồi 11 tuổi. bị bệnh đậu mùa, rồi viêm gan, rồi áp-xe răng. Từ năm 1784 trở đi, Mozart bị nhiều trận ỉa chảy dữ dội và đau thận: bệnh này có thể là nguồn gốc cái chết sớm của ông, lúc mới 35 tuổi. Ngoài các tài liệu tiểu sử do những người đồng thời của ông viết về sức khỏe Mozart, kho làng trên 2000 lá thư của gia đình Mozart viết cho nhau là một nguồn thông tin vô giá9. Trong các thư đó, ông thường nói tới sự chết một cách thản nhiên, vui lòng chấp nhận định mệnh. Chẳng hạn thư viết cho bố ngày 4-4-1778 khi được tin ông này đang đau nặng và sắp chết: "Con cảm ơn Thượng đế đã cho con cơ hội [...] để học biết rằng [sự chết] là chìa khóa cho phúc thật của chúng ta. Buổi tối, không bao giờ con đi ngủ mà không suy nghĩ rằng có thể ngày mai (mặc dù con đang còn rất trẻ) con sẽ không còn ở đây nữa..."


      Hai thành phố, hai đoạn đời


      Ta có thể tuỳ tiện chia cuộc đời và sự nghiệp Mozart làm hai giai đoạn: một ở Salzburg (1756-1781), và một ở Wien (1781-1791).

       

      Sau khi Leopold lấy vợ (1747), gia đình Mozart tới cư ngụ tại lầu ba căn nhà thuê số 9 đường Getreidegasse, Salzburg. Hiện nay cả ba tầng lầu căn nhà này được dùng làm nhà bảo tàng Mozart, phía mặt tiền có hàng chữ lớn mạ vàng: Mozarts Geburthaus (Nhà sinh Mozart). Trong 26 năm ở đây hai vợ chồng đã sinh được bảy người con (như đã nói kỳ trước), mà chỉ có hai sống sót, là Maria Anna ( 'Nannerl' ) và Wolfgang Amadeuls.


      Sinh trưởng tại Salzburg, Mozart đã được cha mình sớm nhận biết, và sau này được cả thành phố xưng tụng, là một "thần đồng" âm nhạc. Khi mới lên ba, thấy chị (Nannerl, lúc ấy bảy tuổi) được cha dạy chơi đàn phím, cậu bé bèn bắt chước chị để lấy được sự chú ý của cha, và cả ngày ngồi tập đàn một mình. Đặc biệt, cậu rất thích chơi hợp âm quãng ba, là hợp âm cơ bản của hệ thống nhạc chủ âm (tonal music) tây phương. Lên bốn, Mozart bắt đầu dùng sách nhạc của chị (gồm phần lớn những khúc nhạc ngắn như minuet của các nhà soạn nhạc đương thời, được Leopold thu tập và sắp xếp theo trình độ từ dễ tới khó). Sau này người ta đọc được những lời phê của Leopold ghi trong cuốn sổ tay ('Notenbuch') này, như: "Bài này Wolfgangerl [tên nhà gọi yêu Mozart] học lúc lên 4," hoặc "Bài minuet và trio này Wolfgangerl học trong nửa tiếng, lúc chín giờ rưỡi tối 26 tháng giêng 1761, một hôm trước sinh nhật thứ năm," v.v. Rồi trong khoảng vài tuần lễ sau, cậu bé Mozart sáng tác hai khúc nhạc đầu tiên trong đời, một Andante (chuyển động chậm) và một Allegro (chuyển động nhanh), K. 1a và K. 1b. Chính tay Leopold đã chép hai khúc nhạc ngắn này trong cuốn sổ tay nói trên.


      Lúc lên sáu, Mozart cũng đã tự học lấy vĩ cầm, và ở nhà còn đòi diễn tập tam tấu khúc (chơi vĩ cầm thứ hai) chung với cha và chị. Theo nhật ký của Nannerl, mặc dù Mozart rất hiếu kỳ và ham muốn hiểu biết bất cứ gì cậu nhìn thấy hay đụng tới, nhưng nguồn đam mê duy nhất vẫn là âm nhạc. Riêng về tài chơi đàn phím của Mozart hồi thơ ấu, các nhà nhạc sử chuyên nghiên cứu Mozart đã thâu lượm được các đặc điểm này: tuyệt đối chính xác về cao độ, tốc độ, và nhịp thước. Mozart lại còn tài đọc nhạc nhanh và đúng ngay lần đầu ("sight reading"), và tài chơi ngẫu hứng ("improvisation") với khiếu thẩm mỹ và xúc cảm (xem Maynard Solomon, sđd, tr. 40). Cũng do các tài này mà trong thời trưởng thành, khi sáng tác (như bản thảo còn lại cho thấy), Mozart rất hiếm xóa tẩy những dòng nhạc mới viết ,có chăng chỉ thêm hay bớt một vài trường canh vì nhu cầu trình diễn. Placidus Scharl, một nhà tu dòng Benedictine, người quen biết gia đình Mozart, đã nhận xét như sau khi nghe Mozart đàn: "Ngay từ lúc mới lên sáu, cậu bé [Mozart] đã choi được những bản nhạc khó nhất viết cho dương cầm, do chính tay cậu viết ra . [...] Ta chỉ cần cho cậu bất cứ một nhac đề nào đó của một tấu khúc [fuga] hay một 'invention' ['sáng tạo khúc', thí dụ của Bach]: thế là cậu bé sẽ khai triển nhạc đề đó thành những biến khúc tài tình, lạ lùng [...]."


      Từ đó trở đi, trong thời gian ở Salzburg, "cậu bé" Mozart và chị Nannerl đã được bố đưa đi trình diễn tại nhiều thành phố Âu châu, xuất hiện tại các triều đình và tư gia những gia đình quí tộc Âu châu, dự yến tiệc với các vua, chúa, từ Anh, Pháp, tới Áo, Đức. Bảng niên đại về cuộc đời và tác phẩm của Mozart sau bài này sẽ tóm lược cho độc giả những chuyến du hành đó của ba bố con Mozart trong thời gian ở Salzburg. Những "tours" trình diễn đó của hai chị em Mozart -và nhất là của Wolfgang- đã mang lại cho "ông bầu" Leopold nhiều khoản "thù lao" lớn, hoặc tặng vật và bạc mặt, tính ra tương đương với hai năm lương của mình làm việc với tư cách Nhạc trưởng cho triều đình Salzburg.


      Trong sự nghiệp "làm ăn" của Mozart, thì người chủ đầu tiên thuê ông là Công tước Tổng giám mục thành quốc Salzburg tên Schrattenbach (trị vì 1753-71). Vị Thái tử này rất chú ý tới sự phát triển âm nhạc triều đình, khoái nhạc viết cho nhạc cụ, gửi các nhà soạn nhạc và nhạc công qua Ý học, và đặt giải thưởng hậu hĩnh cho các sáng tác mới10. Ông này lại là người ủng hộ mạnh gia đình Mozart. Mặc dù là một chức vụ không lương (bổ nhiệm làm Nhạc trưởng trong triều đình Salzburg, năm 1769, do sự giới thiệu của cha), nhưng Mozart được Schrattenbach đối đãi rộng rãi, nhất là không những cho phép cả hai bố con nghỉ làm để đi các tour ở Wien, Paris, London và Ý, lại còn trợ cấp những phí tổn du lịch nữa.


      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022

      Năm 1772, lúc mới 16 tuổi, Mozart được bổ nhiệm làm Nhạc trưởng tại triều đình Salzburg, vừa đúng lúc Schrattenbach hết nhiệm kỳ và được thay thế bởi Công tước Hieronymus Colloredo mới được bầu làm Thái tử - Tổng giám mục Salzburg. Lần này thì Mozart được trả lương, 150 gulden một năm. Năm 1779, ông lại được bổ nhiệm làm đại phong cầm thủ của triều đình (court organist) với mức lương tăng gấp ba, 450 gulden một năm. Chức vụ này gồm việc dạy nhạc, đàn trong nhà thờ và ở triều đình, và sáng tác nhạc đạo và đời theo nhu cầu. Trong suốt thời gian làm việc cho Colloredo (trị vì 1772-1803) hai bố con Mozart vẫn được Colloredo cho phép tiếp tục đi tour các thành phố lớn ở Âu châu, nhưng không nhiều và không lâu như mấy năm trước.


      Nhiệm vụ chính của nhạc triều đình đích thực là trình diễn tại nhà thờ lớn (cathedral), cùng với nhạc nhà thờ và đội hợp xướng nam thiếu nhi (choirboys). Ban nhạc triều đình gồm lối 40 nhạc công, có khi nhiều hơn. Họ cũng trình diễn nhạc lễ hội vào dịp Giáng sinh và Tân niên nữa. Ngoài phụng vụ triều đình và nhà hát lớn, họ còn trình diễn tại các trường đại học ở Salzburg, nơi có truyền thống thoại kịch. Cũng từ trường đại học thành phố mà xuất hiện một thể loại đặc thù của Salzburg là dạ khúc cho dàn nhạc (orchestral serenade), mà cả Leopold lẫn Mozart đã đều sáng tác nhiều.


      Triều đình và nhà thờ ở Salzburg không phải là nơi gặp gỡ duy nhất cho các cuộc trình diễn nhạc giao hưởng hay các thể loại nhạc khác soạn cho dàn nhạc. Nhạc Mozart đã được trình diễn rất nhiều tại tư gia trong các dịp đám cưới, lễ lạc (do tư nhân đặt viết). Hồi ở Salzburg, Mozart sáng tác khá nhiều giao hưởng khúc và các nhac khúc khác soạn cho dàn nhạc là vì thế: viết cho tư nhân thuộc những gia đình có quyền thế hoặc có tiền ở Salzburg, và để trình diễn tại các nơi ngoài triều đình, ngoài Salzburg! (Xin coi danh sách những sáng tác tuyển chọn trong "Bảng niên đại" nơi cuối bài, khoảng thời gian Mozart làm công cho Colloredo, 1772-1781.) Nào Dạ khúc Haffner, K. 250 (viết cho đám cưới Elisabeth Haffner, con gái của Sigmund Haffner, nguyên thị trưởng và mạnh-thường-quân của Mozart); nào Hiệp tấu khúc dương cầm K. 246 (viết cho Nữ Hầu tước Ltzow, thuộc một gia đình quyền quý cũng ở Salzburg); nào Hiệp tấu khúc cho Hai Dương cầm K. 365 (có lẽ cho chính Mozart và chị Nannerl trình diễn), hoặc cho Ba Dương cầm K. 242 (viết cho Nữ Hầu tước Lodron và hai tiểu thư bà này); nào Tiêu khiển nhạc khúc cung Ré trưởng K. 334 (soạn cho Georg Sigismund nhân dịp ông này vừa đậu luật); nào vở nhạc kịch Idomeneo K. 366 (để trình diễn tại Mnchen), v.v., trong số này có tác phẩm nào được trình diễn tại triều đình đâu! Và đây là một trong những lý do khiến gây ra mâu thuẫn giữa người làm Mozart và ông chủ Colloredo, mâu thuẫn khiến đưa tới sự tuyệt giao giữa hai người, và sự Mozart rời bỏ triều đình Salzburg ra đi, như ta sẽ thấy sau đây.


      Colloredo là một nhà cai trị có tầm nhìn xa. Ông muốn hiện đại hóa Salzburg, muốn cải tổ hệ thống giáo dục, muốn cứu vãn tình trạng tài chính phá sản của triều đình lúc đó, vả muốn phát huy cả khoa họ c lẫn nghệ thuật11. Nhưng riêng về diện âm nhạc. ông không rộng rãi: như hạn chế nhạc viết cho nhạc khí trong các nhà thờ địa phương, bắt buộc dùng những thánh ca Đức (German hymns) thay vì những sáng tác theo nghi thức tế lễ cổ truyền (nhạc phụng vụ bằng tiếng la-tinh của Giáo hội La-mã). Năm 1778, ông ta còn ra lệnh đóng cửa vĩnh viễn nhà hát trong đại học, là nơi diễn kịch của nhà trường. Hơn nữa, ông lại tin tưởng mù quáng vào các nhạc sĩ ngoại quốc, nhất là Ý, tới độ thường đề bạt họ qua mặt các nhân tài địa phương có khả năng hơn. Điều này tất nhiên gây ra bất mãn nơi các nhân viên lâu năm như Leopold và Michael Haydn (1737- 1806), em của một trong ba nhà soạn nhạc nòng cốt của thời Cổ điển, Joseph Haydn (1732-1809) -cả hai đều đã được tuyển dụng dưới trào Schrattenbach.


      Về phía Colloredo, ông này cho rằng Mozart đã lạm dụng: lương thì lớn, mà mỗi ngày thêm trễ nải; chỉ ham đi tour kiếm "đơn đặt hàng"; chỉ chăm viết nhạc cho các giới quí tộc, v.v. Cho nên, dù rằng trong hai năm 1779 và 1780 Mozart có soạn cho triều đình Nhac lễ Mixa 'Đăng quang'('Coronation' Mass), K. 317, và Nhạc lễ Mixa trọng thể (Missa solemnis), K. 337, các Kinh cầu buổi chiều (Vespers), K. 321 và 339, nhưng Colloredo vẫn không hài lòng. Ông bèn bổ nhiệm Michael Haydn thay thế Mozart vào chức vụ nhac công đại phong cầm tại nhà thờ lớn của triều đình.

       

      Về phía cha con Mozart, sau khi đã du lịch nhiều thủ đô Âu châu từ bao nhiêu năm, cả hai đều đồng ý rằng tình trạng sáng tác và trình diễn âm nhạc tại Salzburg quá lạc hậu. Ngay từ năm 1763, Mozart père đã viết thư về nhà cho biết rằng dàn nhạc ở Schwetzingen "là hay nhất Đức, không thể chối cãi được. Họ gồm toàn người trẻ và tính nết tốt, chứ không phải là hạng rượu chè, cờ bạc hay đồi bại12. Thế rồi năm 1778, lúc còn đang đi tìm việc tại Mannheim nhưng bất thành (một năm trước khi được Colloredo thuê), Mozart fils viết thư về nhà cho biết: "một trong những lý do chính khiến con ghét Salzburg [là] bọn nhạc sĩ triều đình [ở đó] thô lỗ, nhếch nhác, đồi bại. Hỏi có người nào lương thiện, có nền nếp, lại sống được với họ! [... ] [Giới nhạc sĩ Mannheim] chắc chắn là cư xử khác hẳn với bọn nhạc sĩ của mình. Họ lịch sự hơn, ăn mặc đẹp hơn và không đi tửu quán nốc rượu." 13


      Vì thấy Colloredo làm ngơ trước những hành vi xấu xa này của các nhạc sĩ đồng nghiệp, cả hai cha con Mozart đều quyết định rút lui khỏi định chế âm nhạc triều đình Salzburg. Hơn nữa, họ thấy nhạc của họ (nhất là của Wolfgang) "hiện đại" hơn (nhất là nhạc soạn cho dàn nhạc và nhạc khí), không mấy người trong triều thích hoặc thưởng thức được. Khoảng đầu tháng 6, 1781, nhân một vụ cãi cọ, xô xát với Bá tước Arco, trưởng quản gia của Colloredo, Mozart bị trự này đá đít (đá thật sự, chứ không phải đá ẩn dụ!) tống ra cửa 14, và sa thải khỏi chức vụ (thi hành lệnh của Tổng giám mục). Và do đó Mozart giã từ Salzburg.


      Mozart nhất quyết rời bỏ nơi sinh trưởng để đi Wien sống mặc dù không có một hứa hẹn nào về việc làm ở đó, và bất chấp sự ngăn cản của bố. Leopold luôn luôn nghĩ rằng con mình vẫn còn ngây thơ, dại dột, và đầy ảo vọng (lúc này Mozart đã 25 tuổi!). Ông cho rằng không thành phố nào ở Âu châu có thể coi là "tốt đẹp nhất thế giới" nếu ta không có một bổ nhiệm cố định bất cứ ở đâu, nhất là trong triều đình. Thật ra, Mozart đã lấy quyết định "lập nghiệp" ở Wien từ lâu. Trong một lá thư cho bố từ Wien, đề ngày 4 tháng 4, 1781, hai tháng trước khi bị đá đít đuổi ra khỏi triều đình, Mozart viết: "Con có thể cam đoan với bố rằng đây là một nơi Đẹp Tuyệt Vời - và riêng cho Nghề của con là một nơi tốt đẹp nhất thế giới."15 Và Mozart đã chứng minh được cam quyết đó bằng sự thành công về danh tiếng, về tiền bạc của mình, trong tư cách là một nghệ sĩ tự do lần thứ nhất trong đời: không phải lệ thuộc vào cha, vào chính quyền, hoặc vào một sự bảo trợ nào khác trong xã hội. Tự do dạy nhạc, tự do trình diễn, và tự do xuất bản. Thêm một tự do nữa, có lẽ quan trọng không kém: chọn người tình của mình để chung sống.



      Tranh vẽ Mozart và Vợ, Constanze; Nguồn: Thế Kỷ 21

      Bởi khi tới Wien khoảng giữa năm 1781, Mozart đến ngay nhà mẹ con Fridolin Weber 16 ở trọ, và một năm sau thì cưới Constanze, con gái giữa của bà góa phụ này (và là em của người tình cũ Aloysia), mặc dù không được sự đồng ý của Leopold (lúc này vẫn ỏ Salzburg). Nhưng mục đích chính của chàng là chinh phục thủ đô nghệ thuật này của đế quốc Habsburgs. Thực ra, Mozart đã "chinh phục" thành phố này từ lúc mới có sáu tuổi, khi cậu bé thần đồng được mời qua chơi đàn cho triều đình tại điện Schưnbrunn. Hôm đó cậu còn nhảy tót lên ngồi trên lòng nữ hoàng Maria Theresia, và hứa sẽ lấy con gái năm tuổi của bà, Marie Antoinette, hoàng hậu tương lai của Pháp 17. Năm 1781, Joseph II (1741-90), anh ruột Marie Antoinette, là người cai trị Đế chế la-mã thuộc Đức. Mặc dù đã nhiều lần không thỏa mãn được những yêu cầu của Mozart xin một chức vụ bền vững trong triều, nhưng Joseph II đã biết nhiều và mến phục ông, và chính là người đã đề nghị đặt cậu bé 12 tuổi viết và điều khiển vở hài nhạc kịch La finta semplice (Cô gái giả khờ), K. 51, năm 1768.


      Trong thời gian Mozart tới định cư ở Wien, triều đình vẫn là nơi có việc làm tốt nhất. Hai định chế âm nhạc trong triều là Hofkapelle (Nhà nguyện triều đình) và rạp hát. Nhà nguyện là nơi trình diễn nhạc cho những buổi lễ nhà thờ. Các nhạc sĩ trong triều dược thuê làm suốt đời, được tự động lên chức theo qui chế chung, và có quyền lãnh lương hưu trí 18. Sau một thời gian chờ đợi, mãi tới cuối năm 1787, nhân lúc có chỗ trống (do hai nhạc sĩ qua đời) Mozart mới dược bổ nhiệm vào Kammer Musik (Nhạc Phòng), một bộ phận của Nhà nguyện, gồm các người hầu cận của Joseph, thường chơi nhạc chung với Hoàng đế tại các phòng riêng (trong số này có Antonio Salieri). Và một năm sau (1788), do có người về hưu, chỉ còn lại hai nhà soạn nhạc triều đình duy nhất, là Salieri (lương 1200 gulden) và Mozart (lương 800).


      Định chế âm nhạc triều đình thứ hai là rạp hát, gồm một công ty chính, chuyên diễn thoại kịch Đức, và một công ty phụ, nhỏ hơn, chuyên diễn Singspiel (thoại ca kịch: kịch nói có xen vào những bài ca), sau này được nâng cấp thành một công ty hài kịch kiểu Ý, với nhân viên được tuyển dụng từ Ý qua với tư cách thầu khoán. Đây chính là các công ty nhạc kịch của triều đình mà Mozart sau này sáng tác cho họ diễn, như Die Entfhrung aus dem Serail (Bắt cóc ở khuê phòng), K. 384, Le nozze di Figaro (Đám cưới Figaro), K. 492, và Così fan tutte (Đàn bà như thế cả), K. 588.


      Một nguồn lợi tức khác cho nhạc sĩ Wien là nhà thờ. Dân thành Wien vô cùng "mộ nhạc" trong nhà thờ. Ngày nào hầu như mọi nhà thờ và nơi thờ phượng tôn giáo tại Wien cũng trình diễn các loại lễ Mixa với đại phong cầm, đội hợp xướng và dàn đàn dây. Năm 1781 Mozart không coi việc làm với nhà thờ là một ưu tiên cao, vì lương của Nhac trưởng (Kapellmeister 19) ay của Ca trưởng (regens chori) và các đại phong cầm thủ chỉ khoảng 300-350 gulden một năm, thấp hơn sự mong đợi của chàng. Thế nhưng riêng Nhà thờ lớn Stephen, do thành phố Wien quản trị, lại trả lương cho Nhạc trưởng cao hơn nhiều: 2000 gulden một năm. Mùa xuân năm 1791, Nhạc trưởng nhà thờ này, Leopold Hofmann, đau nặng. Dù ông này đã khỏi bệnh, nhưng Mozart kiến nghị chính quyền thành phố để xin vô làm phụ tá không lương cho Hofmann, hy vọng rằng một khi ông này chết đi, Mozart sẽ được cử lên thay. Thành phố chấp nhận đơn xin. Nhưng Mozart qua đời (tháng chạp 1791) trước Hofmann hai năm (1793)!


      Dạy đàn cho giới quí tộc thành Wien (gồm toàn các bá tước phu nhân), và những học trò khác, cũng mang lại cho Mozart nhiều lợi tức đáng kể. Trong những năm cuối đời ông còn dạy sáng tác nhạc. Trong số các học trò này có Franz Xaver Sssmayr, là người giúp ông hoàn tất tập Requiem trước khi ông nhắm mắt.


      Ngoài dạy học, Mozart cũng tự mình, hay thuê các diễn viên, ông bầu, nhà soạn nhạc, đạo diễn, ca sĩ và người viết lời cho nhạc kịch, v.v ., cùng tổ chức chung những buổi hòa nhạc, hoặc tại hai hí viện của triều đình (Krntnertortheater và Burgtheater), hoặc tại các hội trường nối liền với các tiệm ăn, các sòng bạc (thí dụ Mehlgrube. Trannerhof, và Jahn's Hall). Vào mùa hè cũng có những buổi hòa nhạc ngoài trời. Mozart thâu được bộn bạc từ những buổi hòa nhạc này, nhưng ta không có tài liệu cho biết các con số ước lượng chính xác 20. Tóm lại, trong 10 năm ở Wien, Mozart đã thành công lớn về mặt vật chất cũng như tinh thần trong mọi lãnh vực về việc làm; ông kiếm được khá nhiều tiền, và danh tiếng ông nổi như cồn tại thủ đô nghệ thuật này. Do đó quyết định rời bỏ Salzburg của Mozart để qua Wien lập nghiệp đã được chứng minh là một quyết định chính đáng, không những thỏa mãn ước vọng của riêng ông, mà còn làm hài lòng cha mình nữa.


      Một "nghệ sĩ khổ đau"?


      Đoạn trên, tôi có viết: "Tóm lại, trong 10 năm ở Wien, Mozart đã thành công lớn về mặt vật chất cũng như tinh thần trong mọi lãnh vực về việc làm; ông kiếm được khá nhiều tiền, và danh tiếng ông nổi như cồn tại thủ đô nghệ thuật này." Thế nhưng trong nhiều tài liệu về cuộc đời Mozart, các nhà nghiên cứu về ông viết rằng, lúc cuối đời, ông đã gặp nhiều bất ổn tài chánh, và do đó đã trải qua những lúc hầu như tuyệt vọng. Tình trạng tuyệt vọng này có nhiều lý do khác nữa: vợ đẻ nhiều (bảy con, năm chết yểu - có đứa chết cùng ngày sinh -, hai sống sót), thường xuyên đau ốm, phải đi chữa bệnh tại các suối nước khoáng tốn kém; ngày đêm ông phải làm việc quá sức, thường là từ 4:30g sáng tới trước nửa đêm mỗi ngày, trong khi đó chủ nợ hối thúc đòi tiền (khiến ông phải viết thư xin khất một cách thảm thương....). Có giả thuyết còn cho rằng ông mang nợ vì mấy năm chót ông thường đánh bạc và thua nặng.


      Trong thời gian 10 năm ở Wien, mỗi năm Mozart đã kiếm được từ 2000 tới 6000 gulden (US$ 51,400 - $154,000, theo hối suất hiện nay), so với 300 gulden là tiền lương một giáo viên thành Wien hồi đó 21. Riêng vở Don Giovanni, ông đã thâu được 700 gulden ($17,990) và vở Đám cưới Figaro được 450 gulden ($11,565). Có điều hồi đó chưa có luật bản quyền tác giả, cho nên vở nhạc kịch nào, thành công đến mấy, cũng chỉ được "bán dứt" cho công ty ca kịch trong lần trình diễn thứ nhất mà thôi (trừ khi nếu đích thân tham dự trình diễn hoặc điều khiển, thì nhà soạn nhạc mới được hưởng tiền "thù lao" 21. Ngoài ra Mozart có quyền bán (tất nhiên chỉ một lần thôi!) bảng tổng phổ và các bè nhạc (full score and parts) cho nhà xuất bản nhạc. Thành ra, Mozart đâu có nghèo như nhiều người tưởng, và đâu phải là hiện thân điển hình của một "nghệ sĩ khổ đau" như thế kỷ XIX lãng mạn Tây phương muốn mô tả! Tuy nhiên, theo Sacem 22, giá như Mozart sống dưới chế độ bản quyền tác giả của ta hiện nay, thì mỗi năm ông đã có thể thâu được lối 20 triệu đô Mỹ, từ những buổi hòa nhạc công cộng khắp thế giới, những đài phát thanh, truyền hình, những dịch vụ quảng cáo thương mại dùng tên cúng cơm của nhà soạn nhạc này, như kẹo sô-cô-la mang tên "Bi Mozart" ("Mozartkugel") của hai nhà làm bánh kẹo Áo quốc, Mirabell và Reber, đang được bầy bán năm nay ở Salzburg và Wien, cùng 300 sản phẩm khác như ly cà-phê, bút, ô-dù, T-shirts, xúc-xích làm theo hình một vĩ cầm, và thậm chí còn cả một nịt vú (bra) của Nhật - chứ còn của ai khác? -, mà khi cởi ra sẽ có tiếng đàn chơi ... "Một tí nhạc đệm" (Eine kleine Nachtmusik), v.v. và v.v.


      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022

      Một điều huyền bí


      Trong cuộc đời quá ngắn ngủi 35 năm ấy, Mozart đã bỏ trên một phần ba thòi giờ để viết nhạc, lưu lại cho hậu thế trên 600 tác phẩm đủ loại: đơn ca khúc, hợp xướng khúc, nhac giao hưởng, độc tấu và hiệp tấu cho nhiều loại nhạc cụ từ phím, dây, gỗ, đến đồng (và cho cả thủy tinh nữa! 23), nhạc thính phòng, khiêu vũ, giải trí, sân khấu (opera), và nhà thờ. Và trong khoảng thời gian 10 năm cuối đời, ở Wien, hầu như tác phẩm nào của ông cũng có thể được xếp vào hạng "vĩ đại" kết quả của một liên kết rất chặt chẽ giữa hứng cảm và tính siêng năng, cần mẫn của nhà soạn nhạc.

       

      Mozart không phải là một nhà soạn nhạc "cách mạng", "độc đáo" kiểu Wagner, hoàn toàn cách tân, cũng không phải là một nhà lý thuyết âm nhạc, hoặc sáng chế ra một hệ thống tạo thanh nào mới như Schưnberg, Debussy (phần nào), Xenakis, v.v., của thế kỷ XX chúng ta. Như Nikolaus Harnoncourt, nhạc trưởng người Áo chuyên điều khiển nhạc Mozart, nói:


      "[Mozart] tìm thấy trong ngôn ngữ âm thanh thời đại mình tất cả những khả năng để nói ra, để phát biểu điều ông muốn. [...] Ông không hề sáng chế ra cái gì phi thường, không sử dụng kỹ thuật âm nhạc chưa tùng có. [Nhưng] với cùng những phương tiện y hệt như những nhà soạn nhạc thời đại ông, ông đã mang lại cho nhạc mình một bề sâu không giống bất cứ ai. Đối với chúng ta, đó là một điều huyền bí." 24


      Và:


      Mozart như tất cả những nhà soạn nhạc thế kỷ XVIII, đã chỉ viết cho người đương thời mình nghe thôi. [...] Cái cảm tưởng cho rằng người làm nghệ thuật không được thời đại mình hiểu, cứ viết tác phẩm này tới tác phẩm khác trong một thế giới không hiểu mình - và hy vọng rằng sẽ được hậu thế hiểu mình -, [thì cảm tưởng đó] vô cùng xa lạ với Mozart và nghệ thuật của ông." 25


      Nói ngắn, ông đã chỉ dùng những nguyên liệu sẵn có của thời đại ông mà các nhà soạn nhạc đương thờỉ dùng như Joseph Haydn (1732-1809), C.W. Gluck (1714-87), J.C. Bach (1735-82), và, sau này, Beethoven (1770-l827). Ấy là thời gọi chung là "Cổ điển": tìm lại một phần nào những phạm trù thẩm mỹ của Hy-lạp và La-mã thời xưa (quân bình, đối xứng, v.v.). Những nguyên liệu đó là gạch vữa của nhạc ngữ hệ thống chủ âm (tonality) thế kỷ XVIII, dựa trên nhưng tương quan căng/giãn, giống như tình tiết một vở kịch, lúc căng thẳng, lúc ngơi nghỉ. Và Mozart đã khai thác những nguyên liệu đó một cách sáng tạo.


      Đặc điểm thứ hai của nghệ thuật Mozart lúc đã trưởng thành trong vị trí một nhà soạn nhạc và ông hoàn toàn hiểu biết bản chất của quần chúng nghe nhạc ông. Ai cũng biết giới thưởng ngoạn âm nhạc có khiếu thẩm âm khác nhau từ nước này qua nước khác, có khi từ thành phố này qua thành phố khác - như kinh nghiệm của ông cho thấy trong nhiều năm đi biểu diễn khắp Âu châu. Trong một lá thư gửi cho Leopold mấy hôm trước buổi hòa nhạc 28-12-1782 ở Wien, Mozart mô tả ba hiệp tấu khúc dương cầm đang viết, K. 413 (Fa trưởng), K. 414 (La trưởng) và K. 405 (Do thứ) như sau:


      "Cái hiệp tấu khúc này là một chiết trung rất thích hợp giữa cái dễ quá và cái khó quá; chúng nghe nổi bật, làm vui tai, và tự nhiên mà không nhạt nhẽo. Đây đó có các đoạn mà chỉ người sành mới có thể tìm ra được sự thỏa mãn; nhưng các đoạn này được viết theo một lối mà người ít học hơn cũng không thể không thấy khoái tai, mà không hiểu là tại sao." 26


      Theo Keefe, Giảng sư âm nhạc tại Queen's University, Belfast, người trích dẫn câu trên, thì đây là đoạn thư được trích thường xuyên nhất trong toàn bộ thư tín của Mozart. Cái ý niệm cho rằng một tác phẩm âm nhạc cần phải hấp dẫn cả người sành sỏi lẫn hạng tài tử thì hay được nhắc đến trong giới phê bình và thương mại thế ký XVIII, thường với mục đích tăng cường, cho tác giả hoăc cho nhà xuất bản, cái tiềm năng tiếp thị của tác phẩm. Mozart cũng còn bắt mạch được các nhà phê bình và mỹ học thời hậu bán t.k. XVIII nữa, bởi lẽ mấy ngưòi này rất nghi ngờ những khúc nhạc hiệp tấu nào chỉ chú trọng vào kỹ thuật tấu đàn cao ("virtuosity") mà hy sinh nội dung nghệ thuật và thẩm mỹ của chúng: ấy là ý nghĩa câu "nghe nổi bật, làm vui tai, tự nhiên, mà không nhạt nhẽo."


      Đặc điểm thứ ba của những nhạc phẩm Mozart, là chúng không nhất thiết biểu lộ một cách trực tiếp tình cảm cá nhân nào của nhà soạn nhạc (kiểu: khi đời ta vui thì viết nhạc vui, khi đời ta buồn thì viết nhạc buồn, vv.) và chia sẻ tình cảm đó với giới thưởng ngoạn, như nhiều người tưởng. Nhà nhạc học thông thái và dưong cầm thủ hàng đầu thế giới Charles Rosen viết: "Nhạc Mozart có thể hiểu được mà không cần biết một chút gì về đời ông." 27 Trong số 41 giao hưởng khúc và một số chuyển động giao hưởng (symphonic movements) của ông, chỉ có hai khúc được viết ở cung thứ (minor scale), và cả hai đều là cung Sol thứ: số 25, K. 183, năm 1773, và số 40, K. 550, năm 1788. Cả hai đều diễn tả những tư tưòng bi quan, nghe da diết, nhưng bi hùng. Năm 1773 đời Mozart dường như không có một sợi mây sầu nào che lấp cả, nhưng nãm 1788 ông bắt đầu gặp nhiều khó khăn về tiền bạc. Thế nhưng không có dấu hiệu gì cho phép ta liên tưởng cái xúc cảm bi kịch của Giao hưởng khúc số 40 với bất cứ "tư tưởng đen tối" nào của Mozart trong tháng 6-1788, tháng ông viết tác phẩm này. Bởi lẽ, đồng thời ông còn sáng tác hai bản giao hưởng số 39, K. 539, Mi giáng trưởng 28 và số 41, K. 551, Do trưởng: là hai khúc giao hưởng nhân bản, duyên dáng, hùng tráng, và tích cực nhất của ông. Ba bản giao hưởng này, tạo thành một "trilogy" mà Mozart dự định cho xuất bản cùng một lúc, dường như không do ai đặt viết, mà ông sáng tác sẵn để chờ dịp đem bán (giống như "portefeuille" của các họa sĩ), và có lẽ chính Mozart cũng chưa hề được nghe dàn nhạc nào trình bày chúng bao giờ!


      Tóm lại, bộ ba tác phẩm này, giống như một họa phẩm ba tấm (triptych), chỉ có mục đích cho mỗi tấm một màu sắc xúc cảm khác nhau mà thôi, theo qui ước của t.k. XVIII. Nhất định không do một động lực tâm lý cá nhân riêng tư nào hết.


      Theo những cuộc nghiên cứu gần đây nhất, trong quãng đời 24 năm, từ 1764 tới 1788, Mozart đã sáng tác khoảng 68, chứ không phải chỉ 41 , giao hưởng khúc, hoặc thể loại tương tự (như dạ khúc, tiền tấu khúc, tiêu khiển khúc, v.v., có cùng một cấu trúc). Nhưng theo truyền thống, người ta vẫn dùng con số "41" làm tiêu chuẩn: lúc thiếu thời phấn lớn đi "tour" (1764-71), ông soạn 13 bản; đoạn đời ở Salzburg (1771-81), 17 bản; và 11 bản chót ở Wien (1781-91), là các khúc giao hưởng xuất sắc nhất. 29


      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022

      "Một nhà soạn nhạc kịch nghệ"


      Tuy nhiên, trong tất cả những tác phẩm của Mozart, đặc thù nhất, và giới thưởng ngoạn thường nhắc tới nhất từ 200 năm nay, không phải là nhạc giao hưởng, mà là 27 hiệp tấu khúc cho dương cầm và dàn nhạc (piano concertos), và 22 vở nhạc kịch.


      Cũng vẫn theo Charles Rosen khi so sánh Mozart và Haydn: "Những thắng lợi đáng kể nhất của Mozart là đúng ở chỗ Haydn thất bại: trong những nhạc thể kịch nghệ của nhạc kịch và hiệp tấu khúc, nơi tiếng nói cá nhân bé nhỏ đối đáp lại tiếng ồn ào của tập thể [...] ."  Và cách lối Mozart vận dụng những liên hệ chủ âm (tonal relations) trong hai thể loại này đã đóng góp vào cái "vĩ đại của ông là một nhà soạn nhạc kịch nghệ." 30


      Mở đầu chương nói về nhạc viết cho dàn nhạc (orchestral music) của Mozart trong ba năm đầu lập nghiệp ở Wien, 1781-4, Stanley Sadie (chủ biên bộ Từ điển mới về âm nhạc và nhạc sĩ, và là người đóng góp phần tiểu sử Mozart trong bộ sách có giá trị vô song này) viết như sau:


      "Các hiệp tấu khúc dương cầm Mozart sáng tác ở Wien có thể coi là thành tựu lớn nhất của ông trong thể loại nhạc viết cho nhạc cụ. Chúng tiêu biểu cho một sưu tập nhạc có phẩm chất và tính độc đáo khác thường, vượt xa hẳn những hiệp tấu khúc của lớp [nhà soạn nhạc] đi trước hay đồng thời, trong qui mô, trong tính phong phú của nhạc đề và trong tương quan tế nhị, có mức độ phát triển cao, giữa nhạc sĩ độc tấu và dàn nhạc." 31


      Ta nên nhớ, Mozart hồi nhỏ , ngoài đàn phím và vĩ cầm, còn được học hát, và sau này rất thích viết nhạc cho giọng ca, đạo hay đời. Vì thế những sáng tác cho nhạc cụ, hay dàn nhạc, nhất là hiệp tấu khúc, của ông sau này đều mang khá nhiều đặc tính một ca khúc, đặc biệt là lối viết "cantabile" (như giọng hát con người). Và người ta hiểu được hiện tượng "thụ tinh chéo" (cross-fertilization) 32 giữa thể loại hiệp tấu khúc và thể loại nhạc kịch của ông. Hai thể loại này bổ túc cho nhau, nhưng chia sẻ cùng một kỹ thuật: độc thoại, đối thoại, hay đàm luận. Giữa đàn độc tấu với một nhạc cụ khác trong dàn nhạc, hay với toàn bộ dàn nhạc, cũng như giữa một nhân vật với nhân vật khác, hay với một đám đông, trên sân khấu nhạc kịch.


      Những hiệp tấu khúc dương cầm nổi tiếng nhất của Mozart được ông sáng tác từ năm 21 tuổi (số 9, Mi giáng trưởng, K. 271) cho tới một năm trước khi qua đời, năm 34 tuổi, (số 27, Si giáng trường, K. 595). Riêng hiệp tấu khúc nói đầu (số 9) đã được Alfted Einstein, nhà nhạc học Mỹ gốc Đức (1880-1952) gọi là "Giao hưởng khúc Eroica của Mozart", bởi nó là một sáng tác cách mạng như Giao hưởng khúc số 3 có "nickname" đó của Beethoven sau này.


      Riêng về nhạc kịch, thực ra Mozart sáng tác có 21 vở vì "vở" đầu chỉ là Phần I của thánh kịch (hay nguyện ca) viết cùng với Michael Haydn năm 1767 khi còn dưới trướng Colloredo, Die Schuldigkeit der ersten Gebots (Nghĩa vụ đối với các diều răn thứ nhất), K. 35. Trong số 21 opera này, ba vở quan trọng nhất, và trong hai thế kỷ nay được diễn nhiều nhất là Le nozze di Figaro, Don Giovani, và Così fan tutte (Đám Cưới Figaro, Don Juan, Đàn bà như thế cả). Cả ba vở đều là hài nhạc kịch (opera buffa), và cả ba đều do Lorenzo da Ponte (1749-1838) viết cốt truyện và lời ca dựa theo hài kịch của Caron de Beaumarchais (Nozze ...), của Bertati (Don Giovanni), và của Ariosto (Così...).


      Vở kịch áp chót của Mozart, Die Zauberflote (Ống sáo mầu nhiệm), viết năm cuối đời, là một Singspiel (thoại ca kịch, vừa hát vừa nói), một thể loại nhạc kịch rất phổ thông ở Đức hồi bấy giờ. Cốt truyện và lời ca của Schikaneder, dựa trên một sưu tập truyện thần tiên Đông phương của Wieland (như Lulu), vở này có những chủ đề ảnh hưởng triết lý và nhân sinh quan của Hội Tam điểm. Trình diễn lần đầu tại Wien ba tháng trước khi ông mất, vở kịch được chính Mozart điều khiển.


      *


      Diễn đàn này không phải là diễn đàn chuyên môn, có tính cách kỹ thuật sáng tác âm nhạc, hay phân tích (giai điệu, nhịp tiết, hòa âm, phối cụ , v.v.) từng tác phẩm của Mozart. Hơn nữa, một công trình như thế sẽ rất là ... "boring" cho giới độc giả nghệ thuật nói chung. Đúng hơn, đây là nơi thông lin và nhận định văn hóa, kể cả lịch sử văn hóa. Trong tinh thần đó , chúng tôi chỉ muốn chia sẻ với quý bạn đọc những quan sát, nghiên cứu (tất nhiên còn phiến diện) về nhà nghệ sĩ được yêu mến và kính trọng nhất này trong cả lịch sử âm nhạc tây phương, nhân dịp kỷ niệm 250 năm sinh của ông.


      Riêng giới độc giả "sành điệu" có thể tham khảo những tài liệu ghi cuối bài kỳ I, đăng trong Thế Kỷ 21 số ra tháng bảy 2006. Nhưng hay nhất, gây hứng khởi nhất, có lẽ vẫn là tham dự những buổi hòa nhạc Mozart năm nay, tại bất cứ thành phố lớn nào trên thế giới.


      Những tính từ dùng để phê phán cái "vĩ đại" của Mozart có thể đã không còn hợp thời trong các cuộc đàm luận chuyên môn "hậu hiện đại" nữa, nhưng chúng vẫn còn hợp thời với đại đa số quần chúng hiện nay trên thế giới. Thế nhưng đối với Mozart những phê phán đại loại là thừa. Như Simon P. Keefe - nhà nhạc học mà tôi trích dẫn khá nhiều trong loạt bài này - viết trong Phần mở đầu cuốn The Cambridge Companion to Mozart:

      "Được kính trọng và cảm phục từ mọi phía, nhạc [của Mozart] định nghĩa sự vĩ đại, thay vì bị nó hạn chế. Nói ngắn đi, địa vị của ông trong đền thờ các nghệ sĩ đã vững chắc như địa vị của Shakespeare, Raphael và Goethe vậy." 33


      Cung Tiến

      18-VIII-2006, Roseville, Minnesota, USA
      (Trích Thế Kỷ 21, Số 207->209, Jul->Sep, 2006)


      Chú thích:


      (1) "K." là chữ viết tắt của K chel Verzeichnis ("Danh mục liệt kê của K chel"). Ludwig von K chel (1800-1877) là một nhà thực vật học, khoáng chất học, và nhà giáo dục thành Wien. Ông sưu tầm và xuất bản danh mục liệt kê những tác phẩm của Mozart vào năm 1862. Danh mục này ghi ra toàn bộ tác phẩm Mozart theo thứ tự thời gian sáng tác, và cho mỗi tác phẩm một con số "KV". Từ đó tới nay danh mục này đã được cập nhật nhiều lần bởi nhiều nhà nhạc học chuyên về Mozarl.

      (2) Người viết xin thành thực cảm tạ nhạc sĩ Nghiêm Phú Phi đã cung cấp các tài liệu về dịp kỷ niệm 200 năm sinh nhật Mozart này ở Sài Gòn.

      (3) Các đoạn nhạc độc tấu có tính cách điêu luyện, điển hình chơi trước đoạn chót mỗi phần (chuyển đông) của bản nhạc. Chúng có thể do chính tác giả hoặc do một nhà soạn nhạc khác viết ra, hoặc do nhạc sĩ độc tấu chơi tùy hứng, cốt để trổ tài kỹ thuật biểu diễn của mình. Các cadenzas của Beethoven soạn cho concerto số 20 của Mozart hiện nay vẫn còn được dùng; chẳng hạn, Martha Argerich, với Orchestra di Padova edel Veneto, do Alexandre Rabinovich điều khiển; TELDEC 4509-98407-2.

      (4)Counterpoint: Kỹ thuật phối hợp hai hay nhiều làn điệu cho xướng lên cùng một lúc với nhau mà vẫn tôn trọng luật hòa âm.

      (5)Fugue: kỹ thuật đối điểm phỏng mẫu (imitative counterpoint), theo đó các nhạc đề được các giọng ca (hoặc nhạc cụ) lần lượt xướng lên theo một qui luật nhất định trong hệ thống nhạc chủ âm (tonal music).

      (6)Tác giả Cái đỏ và cái đen (1830) và Tu viện dòng chartreuse tại Parma (1839).

      (7)Friedrich von Schlichtegroll, Chrysostomos wolfgang Gottlieb Mozart (1793).

      (8)Nhưng nguồn gốc căn bản về tiểu sử Mozart là cuốn của Georg Nikolaus von Niissen (1761-1826), nhà ngoại giao Đan-mạch và nhạc sừ, chồng sau của góa phụ Constanze Mozart, xb. hai năm sau khi Nissen chết, 1828, nhan đề Biographie W. A. Mozart's. Sách dựa trên kho thư từ của gia đình nhà soạn nhạc.

      (9) Nhà xb. Flammarion ở Pháp, hồi tháng giêng năm nay đã cho phát hành kho tàng đón, nhan đề Correspondance đe Mozart (một bộ gồm bảy cuốn), do Geneviève Geffray dịch.

      (10) Cliff Eisen, "Mozart and Salzburg", trong The Cambridge Companion to Mozart, Sđd, tr. 8.

      (11) lbid.

      (12) lbid., tr. 20.

      (13) lbid. Ở Salzburg hồi ấy ai cũng uống rượu nhiều. Riêng nhân viên triều đình lại được lãnh rượu vang để bổ túc tiền lương. Mẹ Mozart nổi tiếng uống rượu, vì chồng mang "rượu lương" về nhà. Tích trạng "sứa" thường xảy ra trong giới nhạc công triều đình ngay trong khi đang ... "thi hành nhiệm vụ." Michael Haydn, bạn đồng nghiệp của Leopold trong triều, luôn luôn sứa, cũng như vợ ông, ca sĩ triều đình Maria Magdalena Lipp, người đóng vai chính trong buổi trình diễn lần thứ nhất tại Salzburg (1-5-1769) vở nhạc kịch La finta semplice (Cô gái giả khờ), K. 51, của Mozart. Coi Jane Glover, Mozart's Women. sđd, tr. 62.

      (14) Các nhạc sĩ triều đình Âu châu nói chung thời đó bi coi như đầy tớ, nếu không tệ hơn. Trong một lá thứ viết cho bố năm 1781, Mozat viết: "Khoảng 12 giờ trưa - chẳng may lại là hơi sớm cho con- chúng con ngồi vào bàn. [...] Hai người bồỉ ngồi đầu bàn, trong khi con kém danh dự hơn phải ngồi dưới mấy người nấu bếp." Coi "Mozart en toutes lettres" trong số đặc biệt về Mozart của Nouvel Observateur, 22-12-2005. Trong triều thì như thế, nhưng ngoài xã hội thì Mozart ngồi chung bàn vói giai cấp quí tộc đủ hạng, hoặc với hoàng gia, như một người ngang vai. Ấy là nguồn gốc của sự cay đắng và bất mãn của Mozart đối với triều đình Salzburg nói chung và Colloredo nói riêng.


      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022

      (15) Dorothea Link,"Mozart in Vienna", trong The Cambridge Companion to Mozart, sđd, tr. 22.

      (16) Fridolin Weber là bác ruột của Carl Maria von Weber (1786-1876), nhà soạn nhạc và nhạc trưởng Đức, tác giả các nhạc kịch (Freischtz, 1821; Euryanthe, 1823; Oberon, 1826), và những sáng tác xuất sắc cho piano (thí dụ L'Invitation à la danse - "Mời khiêu vũ") và cho đơn hoàng quản (clarinet).

      (17) Coi David Sanson, "Vienne-Viva la libertà!", trong số đặc biệt về Mozart của L'Express, 22-12-2005.

      (18) Dorothea Link, sđd.

      (19) Nghĩa nguyên thủy là người phụ trách âm nhạc trong một nhà nguyện, mà trong thờí Trung cổ điển hình là trung tâm sinh hoạt âm nhạc. Tiếng Anh là chapel master, Pháp là maitre de chapelle, Ý là maestro di capella. Về sau vị đó được dùng như một từ ngữ tỏ ý kính trọng.

      (20) Trong một lá thư cho bố ngày 19-3-1785, Mozart cho biết ngoài sáu buổi hòa nhạc mua vé trước tại Mehlgrube hết sức thành công (rất nhiều người tới nghe), và nhiều buổí hòa nhạc khác tại nhà tư nhân nữa, chàng còn được 559 gulden do một cuộc hòa nhạc tại rạp hát triều đình, vượt xa sự mong muốn của mình và của bố. (Dorothea Link, sđd, tr. 30).

      (21) Theo H.C. Robbins Landon, 1791: Mozart's Last Year (Thames & Hudson, 1988), do Sabine Delanglade trích dẫn trong "Pas si pauvre, l'artiste!", L'Express ngày 22-12-2005.

      (22)Hội tác giả, nhà soạn nhạc và biên tập viên âm nhạc (Société des auteurs, compositeurs et éditeurs de musique); một tổ chức bảo vệ tác quyền của Pháp, thành lập năm 1851, hiện nay có chừng 110000 hội viên.

      (23) Trong năm chót đời mình, 1791, Mozart đã viết hai tác phẩm, Adagio và Rondo cho Pha-lê cầm (crystal armonica), Sáo, kèn Lưỡng hoàng quản, Trung vĩ cầm và Đại vĩ cầm, cung Do thứ, K. 617, và Adagio cho Pha-lê cầm, cung Do trưởng, K. 617a. Pha-lê cầm là một nhạc cụ gồm những ly hay bát bằng pha-lê hay thủy tinh sắp xếp theo cỡ từ nhỏ tới lớn đặt trên một bàn giống như bàn phím, tạo nhạc thanh bằng cách cọ xát bằng ngón tay. Người sáng chế ra "nhạc cụ" này là Benjamin Franklin (1706-90), vào năm 1762. Ngoài Mozart, các nhà soạn khác viết cho pha-lê cầm là Beethoven, Donizetti, Richard Strauss, và Camille Saint-Saëns.

      (24) Trích dẫn của Timothée Picard, giáo sư Văn khoa, chuyên về những tương quan giữa âm nhạc và văn học, tại Đ.H. Charles de Gaulle - Lille lll, trong "Une lumineuse Leçon de musique", L'Express ngày 22-12-2005.

      (25) Trích dẫn của Bertrand Dermoncourt, nhà báo, đồng tác giả Dictionnaire Mozart, trong "W.A.M., le maitre du mystère", L'Express, 22-12-2005.

      (26) Trích dẫn của Simon P. Keefe, "The concertos in aesthetic and stylistic context", The Cambridge Companion to Mozart, tr. 78.

      (27) Charles Rosen, "Love That Mozart", The New York Review of Books, 18-5-1972, điểm sách mớí ra năm đó của Michael Levey, The Life and Death of Mozart (Sten & Day, 1972).

      (28) Khúc giao hưởng này, với ba dấu giáng, và các nhạc đề liên hệ mật thiết với nhau của chuyển dộng thứ nhất, thường được coi là tượng trưng cho tình huynh đệ trong Hội Tam điểm (freemasonry) mà ông là một hội viên.

      (29) Nhân dip kỷ niệm 250 năm sinh này của Mozart, hãng điã Warner ở Liên hiệp Âu châu có phát hành một tuyển tập 8 CD, gồm 23 Giao hưởng khúc của ông, từ số 17, K. 129, tới số 41, K. 551, sáu Vũ khúc Đức, K. 571, và bản Les Petits riens, K. 299b, do Dàn nhạc Royal Concertgebouw (nhạc trưởng Harnoncourt), Dàn nhạc Amsterdam Baroque (nhạc trưởng Ton Koopman), và Dàn nhạc Scottish Chamber (nhạc trưởng Raymond Leppard) biểu diễn.

      (30) The Classical Style: Haydn, Mozart, Beethoven, (Expanded edition, W.W. Norton & Company, NewYork, 1997) tr. 185-186.

      (31) Stanley Sadie, The New Grove Mozart (W.W. Norton and Co., 1983), tr. 102.

      (32) Simon P. Keete, "The concertos in aesthetic and stylistic context", The Cambridge Companion to Mozart, sđd, tr. 80.

      (33) ...., Sđd, tr. 2.


      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022

      Tài liệu tham khảo và để đọc thêm

      Sách:

      - Anderson, Emily (biên tập và dịch), The Letters of Mozart and His Family (3rd edition, London, 1985).

      - Brown, A. Peter, 'Amadeus' and Mozart: Setting the Record Straight", in The American Scholar, Winter 1992.

      - Downs, Phillip G., Classical Music - The Era of Haydn, Mozart and Beethoven (W.W. Norton and Company, NY, 1992).

      - Glover, Jane, Mozart's Women-His Family, His Friends, His Music (Harper Collins Publishers, NY, 2005).

      - Keefe, Simon P. (Ed.), The Cambridge Companion to Mozart (Cambridge University Press, Cambridge, UK, 2003).

      - Randel, Don Michael, The Harvard Biographical Dictionary of Music (The Belknap Press of Harvard University Press, Cambridge, Mass., 1996).

      - Rosen, Charles, The Classícal Style: Haydn, Mozart, Beethoven (W.W. Norton and Co, NY, 1992).

      - Piano Notes: The World of the Pianist (The Free Press, NY, 2002).

      - Sadie, Stanley, The New Grove Mozart (W.W. Norton and Co,~ 1983).

      - Solomo, Maynard, Mozart-A Life (Harper Collins Publishers, NY, 1995).

      - Slonimsky, Nicolas, Lectionary of Music (McGraw-Hill Publishing Co., NY, 1989).

      - Warrack, John and Ewan West, The Oxford Dictionary of Opera (Oxford University Press, UK, 1992)


      Các tạp chí:

      - L'Express, "Hồ sơ đặc biệt" về Mozart, 22-12-2005.

      - Nouvel Observateur, số đặc biệt kỷ niệm Mozart, 22-12-2005.


      Mạng lưới thông tin điện tử:

      - Boerner, Steve, The Mozart Project (www.mozartproject.org).

      - Internationale Stittung Mozarteum Salzburg, Mozarteum Salzburg.

      - Wikipedia, bách khoa thư miễn phí.


      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022


      Cùng Tác Giả

      Cùng Tác Giả:

       

      - Wolfgang Amadeus Mozart: Cuộc đời, Sự nghiệp, Tác Phẩm Cung Tiến Tiểu luận

      - Đặng Thế Phong và mối sầu dương thế Cung Tiến Tạp bút

    3. Bài viết về nhạc sĩ Cung Tiến (Học Xá) Ad-31 Ad-31 = QC_250-250 (Học Xá)

       

      Bài viết về Cung Tiến

        Cùng Tác Giả (Link-1)

      Nhạc Sĩ Cung Tiến (1938-2022): Yên Nghỉ Ở Cõi Riêng (Doãn Hưng)

      Nhạc sĩ Cung Tiến: Cây đại thụ trút lá lặng lẽ (Tuấn Khanh)

      Nhạc Sĩ Cung Tiến Với Tình Thu (Xuân Bích)

      Hiện tượng Cung Tiến trong tân nhạc Việt (Du Tử Lê)

      Dấu ấn "Cung Tiến" (Ký giả Lô Răng)

      Phỏng vấn nhạc sĩ Cung Tiến (Báo Viễn Đông)

      Ra mắt & trình diễn nhạc Cung Tiến (Báo Thế kỷ 21)

      Cung Tiến (Học Xá)

      - Tưởng Nhớ Nhạc Sĩ Cung Tiến (1938-2022) (PBN Collection)

      - TƯỞNG NIỆM Nhạc sĩ CUNG TIẾN (1938 – 2022) (Phan Anh Dũng)

      - Nhạc sĩ Cung Tiến (Duy Trác, Sĩ Phú, Lệ Thu, Thái Thanh)

      - TƯỞNG NIỆM Nhạc sĩ CUNG TIẾN (1938 – 2022) (Phan Anh Dũng)

      - Cung Tiến nói về Cung Tiến (Thụy Khuê)

      - Đôi lời về Cung Tiến, nhạc sĩ hay kinh tế gia? (Nguyễn Tiến Hưng)

      - Cuộc đời và sự nghiệp của nhạc sĩ Cung Tiến (Nhiều tác giả)

      - Cung Tiến, từ Thu Vàng đến Hoàng Hạc Lâu (Phạm Văn Kỳ Thanh)

       

      Tác phẩm của Cung Tiến

        Cùng Tác Giả (Link-2)

      Wolfgang Amadeus Mozart: Cuộc đời, Sự nghiệp, Tác Phẩm (Cung Tiến)

      Đặng Thế Phong và mối sầu dương thế (Cung Tiến)

      CUNG TIẾN qua Camille Huyền và Walther Giger

       (Bùi Đức Hào, diendan.org)

      Hoài Cảm (Duy Trác, Sĩ Phú, Lệ Thu, Thái Thanh)

      Hương Xưa (Lệ Thu)

      Nguyệt Cầm (Khánh Hà)

      Các Bài Khác ... (lyric.com)

       

      Bài viết về Âm Nhạc (Học Xá)

       

      Âm Nhạc

       

      Tình Ca Mùa Xuân

      Tình Ca Mùa Thu

      Thơ Phổ Nhạc

      Thơ Nhạc Giao Duyên

       
      Cùng Mục (Link)

      Làm sao nói hết niềm riêng: Có những niềm riêng (Lê Tín Hương) (Lê Trung Ngân)

      Nhạc Nhái và Nhạc Chế (Song Thao)

      Đêm Sài Gòn Xưa (Huyền Chiêu)

      Ảo giác Trịnh Công Sơn (Lê Hữu)

      Nguyễn Đình Nghĩa - Bắt Đầu... Từ Một Đêm Trăng (Phan Nhật Nam)

      Theo Hoàng Thi Thơ, đi tìm lại đường xưa lối cũ (Cao Vị Khanh)

      Nhạc sĩ Vinh Sử kể tình đời qua những khúc bolero (Hoàng-Dung)

      Nhạc sĩ Hoài Nam và ca khúc “9 Tháng Quân Trường”: Gắn trên vai chiếc lon Chuẩn-úy… (Đông Kha)

      Nhạc vàng boléro, sến hay không sến? (Lê Hữu)

      Tô Vũ: Em đến thăm anh một chiều mưa (Hà Đình Nguyên)

       

      Các nhóm nhạc (Wikipedia):

       Myosotis, Tricéa, Tổng Hội Sinh Viên, Đồng Vọng

       

      Nhạc sĩ:

      Danh Mục Tác Giả: Cùng Chỉ Số (Link-2) Anh Bằng,  Anh Linh,  Anh Việt,  Anh Việt Thu,  Bảo Thu,  Canh Thân,  Châu Kỳ,  Châu Đình An,  Chung Quân,  Cung Tiến,  Dương Thiệu Tước,  Duy Khánh,  Duy Trác,  Dzoãn Mẫn,  Dzũng Chinh,  

       

      Trang nhà:

      Phạm Duy, Trường Sa

       

      Nhạc tuyển::

      Dòng nhạc gợi nhớ Taberd75.com

      Sài Gòn ơi! Vĩnh biệt Ngọc Lan

      Mùa thu Paris Thái Thanh

      Lòng Mẹ (Y Vân) Lê Tấn Quốc, Saxo

      Hận Đồ Bàn (Xuân Tiên) Chế Linh

       

      - Hình Ảnh Ca Nhạc Sĩ Sài Gòn trước 1975

      - Ảnh Nghệ Sĩ Sài Gòn Xưa

      - Bìa Các Bản Nhạc Xưa

      - Cổ Nhạc Miền Nam: I, II

       

  2. © Hoc Xá 2002

    © Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com)