|
Dê Húc Càn(1.10.1934 - 21.11.1987) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
“Nếu chỉ được nghe một bài Lệ Thu hát, anh/chị sẽ chọn bài nào?”
Người được hỏi chắc sẽ lưỡng lự một chút để chọn ra bài mình thích nhất. Những câu trả lời có thể khác nhau.
“Bài hát nào được nhiều người yêu thích nhất qua giọng hát Lệ Thu?”
Câu hỏi này không khó. Lệ Thu cũng từng được hỏi vậy và chị có ngay câu trả lời, “Bài hát được khán giả yêu cầu nhiều nhất là ‘Xin còn gọi tên nhau’ của Trường Sa.”
Những kỳ tích của “tiếng hát để đời”
Bài hát ấy, giọng hát ấy tôi nhớ nghe được lần đầu trong quán café Chiều Tím trên đường Võ Tánh ở Sài Gòn, khoảng cuối năm 1969. Cô chủ quán không hiểu vì lẽ gì cứ cho nghe đi nghe lại cuốn băng cassette với giọng hát là lạ những bài của Trường Sa, một nhạc sĩ trước đó chỉ được biết đến với ít bài như “Hành trang giã từ”, “Một lần xa bến”… qua tiếng hát Nhật Trường.
Ngồi trên lầu quán ấy, nhìn xuống dãy phố chìm dưới cơn mưa chiều trong lúc nghe bên tai tiếng hát trôi đi chầm chậm. Bài hát nghe lần đầu cách đây hơn 50 năm, còn theo tôi mãi đến bây giờ. Mỗi lần nghe, nhắm mắt lại là hình dung thấy con phố im lìm chìm trong màn mưa mỏng Sài Gòn một chiều nào xa vắng.
Tiếng hát Lệ Thu đến với người yêu nhạc qua các băng, dĩa nhạc hơn là các phòng trà, đặc biệt phổ biến rộng rãi qua các băng nhạc do Jo Marcel, ca sĩ và chủ phòng trà, thực hiện. Giọng hát ấy càng về sau càng thu hút và đạt tới độ chín muồi vào những năm đầu thập niên 1970s. Kể từ dạo ấy cho đến mãi về sau này, mỗi lần câu hát Tiếng hát bay trên hàng phố bâng khuâng… vừa dứt tiếng trên sân khấu là mỗi lần nghe dội lên những tràng pháo tay từ phía khán giả.
Sau “Xin còn gọi tên nhau”, phải kể đến “Mười năm tình cũ” (1985) của nhạc sĩ Trần Quảng Nam, ca khúc được yêu thích và phổ biến qua tiếng hát Lệ Thu từ khi được lồng vào một scène trong bộ phim Xóm Vắng của Đài Loan, chuyển thể từ một tiểu thuyết của Quỳnh Dao.
Sức lôi cuốn của hai ca khúc này đến từ giọng hát hơn là bài hát; nói cách khác, nếu không phải giọng hát Lệ Thu không chắc những bài ấy được yêu thích đến vậy.
Cả hai bài, lời ca ý nhạc đều không có gì mới lạ. “Xin còn gọi tên nhau”, theo nhạc sĩ Trường Sa, đươc ông viết xuống rất nhanh từ một một cảm xúc bất chợt. “Mười năm tình cũ”, theo nhạc sĩ Trần Quảng Nam, là một bài dễ hát dễ nghe, cũng được viết xuống rất nhanh và so với những ca khúc ông từng viết thì kém hơn nhiều.
Cả hai bài, đều với những ngắt câu, ngắt nhịp quen thuộc của thể điệu Slow Rock từ những năm 1960s. Liệu có phải giọng hát Lệ Thu sở trường với những bài Slow Rock như thế? Có đúng phần nào, có thể kể tên ít bài như “Hải ngoại thương ca” (Nguyễn Văn Đông), “Tình khúc mùa đông” (Thanh Trang), “Một thuở yêu đàn” (Hoàng Trọng & Vĩnh Phúc), “Lệ đá” (Trần Trịnh & Hà Huyền Chi), “Giáng Ngọc”, “Dấu tình sầu” (Ngô Thụy Miên), “Thu sầu” (Lam Phương)… vẫn được người nghe tán thưởng.
Thử nghe lại ít câu trong “Mười năm tình cũ”, nghe những chuỗi ngân và rung cuồn cuộn ở những nguyên âm trong chữ cuối mỗi câu hát, để thấy nội lực và cảm xúc người ca sĩ truyền vào trong câu hát như thế nào.
Cả một trời yêu bao giờ trở lại…i…
Ôi, ta xa nhau tưởng chừng như đã…ã…
Ôi, ta yêu nhau để lòng cứ ngỡ…ỡ…
Tình bất phân ly tình vẫn như mơ…ơ…
Giọng Lệ Thu đầy đặn, khỏe khoắn, âm vực cao và rộng, âm sắc lạnh và đanh, lên bổng xuống trầm thoải mái dễ dàng. Lúc lên cao thì réo rắt, khi xuống thấp thì trầm lắng, lúc ngân nga thì lồng lộng. Thường thì giọng trầm đục không vang xa được, nhưng giọng ngân Lệ Thu lại nghe vang lộng. Nếu không là giọng trời cho, hẳn là công phu luyện tập nhưng người nghe không cảm thấy chút kỹ thuật hay chút gắng sức nào.
“Xin còn gọi tên nhau” và “Mười năm tình cũ”, một bài trước năm 1975, một bài sau năm 1975 là hai ca khúc quen thuộc nhất, phổ biến nhất, nhiều người muốn nghe nhất với tiếng hát Lệ Thu. Hai bài ấy chứ không phải những bài nào khác. Nghe đến tên hai bài hát ấy, người ta bật ra ngay tên Lệ Thu.
Việc Lệ Thu, bằng giọng hát của mình, đã chắp cánh cho những ca khúc vốn không được giới thẩm âm và cả tác giả “đánh giá cao” về giá trị nghệ thuật được phổ biến rộng khắp và được yêu chuộng hết mực, được kể là một “kỳ tích”. Có thể kể thêm một vài kỳ tích khác.
“Ngậm ngùi” (1961), một bài phổ thơ của nhạc sĩ Phạm Duy, từng được các ca sĩ Thái Thanh, Anh Ngọc… trình diễn nhưng vẫn ít người biết đến, phải đợi đến mười năm sau, khi được giọng hát Lệ Thu nâng cánh mới bay lên được. Bài hát, sau đó được nhiều ca sĩ tìm hát nhưng nhắc tên bài hát người ta vẫn nhắc tên Lệ Thu và là một trong những bài chị được yêu cầu nhiều nhất. Nhạc sĩ Phạm Duy từng kể rằng năm 2000 ông có gửi tặng Huy Cận, tác giả bài thơ ông phổ nhạc, món quà văn nghệ đặc biệt là một dĩa CD nhạc với chỉ một bài hát duy nhất là bài “Ngậm ngùi”, qua tiếng hát của mười sáu ca sĩ tên tuổi của miền Nam.
“Ngậm ngùi” không phải là bài phổ thơ hay nhất của Phạm Duy so với những bài phổ thơ lục bát khác của ông, người ta yêu “Ngậm ngùi” là yêu qua tiếng hát Lệ Thu. Nói cách khác, nếu không được tiếng hát ấy chắp cánh, bài hát đành mang số phận… ngậm ngùi.
Hoặc, “Tình khúc thứ nhất” (1966), nhạc Vũ Thành An, lời Nguyễn Đình Toàn, một thời khá phổ biến qua tiếng hát Lệ Thu. Bài hát không dễ hát cho hay, nhịp điệu kể lể, chậm rãi, rời rạc với ca từ là lạ.
Ngày thần tiên em bước lên ngôi / đã nghe son vàng tả tơi…
Có biết đâu niềm vui đã nằm trong thiên tai
Người nhạc sĩ nói rằng ca khúc ấy viết cho một tình yêu cay đắng, phụ bạc, một tình bạn chua xót, phản bội, nhưng không chắc bao nhiêu người nghe ra được như vậy. “Tình khúc thứ nhất” được nhiều người tìm nghe, và chỉ nghe với giọng Lệ Thu, như một hiện tượng khá “thời thượng”. Vì là thời thượng, bài hát chỉ rộ lên một thời. Sau này, ít ai còn nhắc đến bài ấy và cũng ít ai yêu cầu Lệ Thu hát lại bài ấy. Trong số những bài Vũ Thành An phổ thơ hay Nguyễn Đình Toàn viết lời, tôi vẫn thích nghe “Em đến thăm anh đêm 30” hơn cả, với giọng Anh Khoa.
Còn phải kể thêm những ca khúc có tính nghệ thuật, thường khó hát và càng khó hát cho hay, cũng được người nghe rất yêu thích qua giọng hát Lệ Thu, như “Nguyệt cầm”, “Hương xưa” (Cung Tiến) hoặc “Dạ khúc” (F. Schubert, lời Việt Phạm Duy)…
Từ “Xin còn gọi tên nhau” đến “Mười năm tình cũ”, đến “Ngậm ngùi”, đến “Tình khúc thứ nhất”, đến “Hương xưa”, đến “Dạ khúc”… đều là những bài cần đến một giọng hát.
Những “kỳ tích” kể trên hiếm ca sĩ nào tạo được, cho thấy bản lãnh của một giọng hát và cũng tạo được ngôi vị vững vàng cho một ca sĩ.
“Tiếng hát để đời”, danh hiệu ấy lần đầu được giới yêu nhạc gán cho Lệ Thu sau ngày băng nhạc Tiếng hát Lệ Thu – Như một tác phẩm để đời (1971) phát hành và rất được yêu chuộng. Danh hiệu ấy sau này được sử dụng khá rộng rãi, cứ giọng hát nào là lạ, hay hay, thậm chí xoàng xoàng cũng được gọi là “để đời”.
Nốt trầm trong câu nhạc
Giọng khàn đục, có một chút lành lạnh, một chút khào khào của Lệ Thu phù hợp những bài tình buồn, tiết tấu chầm chậm, nhanh nhất là những bài Tango. Thường, chị chọn những bài lời ca nét nhạc phù hợp giọng mình. Có những bài chị hát hay nhưng những giọng ca sĩ khác nghe vẫn hay không kém với cách thể hiện riêng, chẳng hạn “Người về” (Phạm Duy) với Thái Thanh, “Hải ngoại thương ca” (Nguyễn Văn Đông) với Hà Thanh, “Chiếc lá cuối cùng” (Tuấn Khanh) với Sĩ Phú, “Bản tình cuối” (Ngô Thụy Miên) với Ngọc Lan, “Một mai em đi” (Trường Sa) với Thùy Dương… và nhiều bài khác nữa.
Lệ Thu từng bộc lộ có những bài chị không hát vì không phù hợp giọng mình hoặc vì đã có những ca sĩ khác hát thật hay, không đến phần mình. Có lẽ vì vậy người ta không nghe chị hát những bài như “Tình ca” (Phạm Duy), “Thiên thai”, “Buồn tàn thu” (Văn Cao) hay “Bài thánh ca buồn” (Nguyễn Vũ)…
Có lần, Lệ Thu nói rằng có một bài chị rất thích và từng hát là bài “Mai chị về”, nhưng người nghe lại có vẻ không mấy thích và chị cũng… không biết vì sao. Tôi chắc nhiều phần đấy là bài của Hoài Linh (viết năm 1969) hơn là bài cùng tên của Cung Tiến (tên khác là “Kẻ ở”, phổ thơ Nguyễn Đình Tiên), cũng là một trong số những bài tôi yêu thích. Bài hát là lời dặn dò của người chị trước khi về nhà chồng, cậy nhờ người em ở lại săn sóc mẹ già và thố lộ về một mối tình đã “chết trên môi rồi”.
Mai chị về rồi, vàng son tuy ngập lối
Nhưng còn một người, ai đó… em biết rồi
Chuyện ngày xưa xin biến tan vào một cõi
Theo gió hoang trôi cuối trời
Khi tình yêu chết trên môi rồi
Nhiều ca sĩ một đời ca hát chỉ mong tên mình gắn liền tên một bài hát nào để tên tuổi không chìm vào quên lãng. Riêng Lệ Thu lại được nhiều hơn thế chứ không chỉ một bài. Ngoài những bài “Xin còn gọi tên nhau”, “Mười năm tình cũ”, “Ngậm ngùi”, “Tình khúc thứ nhất”, “Hương xưa”, “Dạ khúc” như đã kể trên, còn phải kể thêm những “Hạ trắng” (Trịnh Công Sơn), “Hoài cảm” (Cung Tiến), “Nước mắt mùa thu” (Phạm Duy), “Thu hát cho người” (Vũ Đức Sao Biển), “Người đi qua đời tôi” (Phạm Đình Chương & Trần Dạ Từ), “Mái tóc dạ hương” (Nguyễn Hiền & Đinh Hùng), “Chiều tím” (Đan Thọ & Đinh Hùng)… và những bài nào nữa mà những người yêu tiếng hát chị có thể thêm vào.
Riêng tôi, những bài tôi yêu thích với giọng Lệ Thu kể ra e có đến một… danh sách khá dài. Tôi thích nghe Lệ Thu những bài như “Đồi thông” (Y Vân) để tìm chút thư giãn nhẹ nhàng; thích nghe “Một mai em đi” (Trường Sa) mà nghe nỗi ray rứt, trăn trở; thích nghe “Bài tình ca mùa đông” (Trầm Tử Thiêng) mà nghe nỗi xót đau, tiếc nuối; thích nghe “Biển nhớ” (Trịnh Công Sơn) mà nghe tình réo gọi. Còn phải kể đến những “Bản tình cuối” (Ngô Thụy Miên), “Hoài cảm” (Cung Tiến”), “Chiếc lá cuối cùng” (Tuấn Khanh), “Dạ khúc cho tình nhân” (Lê Uyên Phương), “Dạ lai hương”, “Hẹn hò”, “Về miền Trung” (Phạm Duy), “Thuyền viễn xứ” (Phạm Duy & Huyền Chi), “Hận ly hương” (Anh Hoa & Ngọc Long)… Nghe mỗi bài, nghe giọng hát da diết ấy như phả hơi thở cảm xúc vào từng lời, từng chữ, từng nốt nhạc.
Tôi cũng thích nghe Lệ Thu hát ít bài Trịnh Công Sơn như những “Tình xa”, “Vết lăn trầm”, “Ru ta ngậm ngùi” hay “Rừng xưa đã khép” ở thời kỳ đầu của những tình khúc này. Nghe thấy trong từng câu, chữ nỗi khắc khoải của người ngồi đợi hoài những giấc mơ không bao giờ đến.
Ta vẫn mong, ta chờ mãi trên từng ngày quạnh hiu
Ta vẫn mong em về đây cho đời bày cuộc vui
Trở lại với câu hỏi “Nếu chỉ được nghe một bài Lệ Thu hát, anh/chị sẽ chọn bài nào?”, người trả lời hẳn sẽ chọn bài phù hợp với tâm trạng mình trong số những bài mình yêu thích nhất. Với tôi có lẽ là “Hoài cảm”, phần vì khá phù hợp tâm trạng mình, phần vì Lệ Thu hát… hay quá.
Lòng cuồng điên vì nhơ…ớ…
Chờ hoài nhau trong mơ
nhưng có bao giờ thấy nhau lần nữa
Nghe những nốt ngân thảng thốt ở cuối những câu hát ấy là nghe nỗi đau xót đến tê dại, nghe nỗi nhớ chất ngất đến… cuồng điên. Tôi chưa nghe bài hát nào buồn đến vậy qua giọng Lệ Thu.
Hoặc, nếu không là bài ấy, hẳn là bài “Đừng bỏ em một mình” (Phạm Duy & Hoài Trinh), tôi nghe được qua một dĩa nhạc cũ sau ngày không còn được nghe tiếng hát ấy nữa.
Nhạc nào đó, nhạc nào đó
Nhạc gọi người hay nhạc gọi hồn?
Đừng bỏ em một mình! Đừng bỏ em một mình!
Đường về nghĩa trang mông mênh, đừng bỏ em…
Đừng bỏ em một mình! Đừng bỏ em một mình!
Một mồ trinh chênh vênh chờ cỏ xanh
Nghe mà nhận rõ cuộc sống thật ngắn ngủi, kiếp người thật mong manh, tàn lụi một sớm một chiều.
Tôi cũng để ý, trong những bài được yêu chuộng qua tiếng hát Lệ Thu thường vẫn có những chỗ, những câu chị hát nghe hay nhất, cho nhiều cảm xúc nhất. Thường là ở những chuyển đoạn trong câu nhạc, như trong những bài “Chiếc lá cuối cùng”, “Mùa thu chết”, “Bản tình cuối”, “Thuyền viễn xứ”, “Nếu một mai em sẽ qua đời”… Hoặc, từ những nốt thật trầm vươn tới những nốt thật cao với chuỗi ngân lồng lộng như xoáy vào tim, đẩy mạch cảm xúc lên đến tột cùng. Hoặc, sau những chuỗi ngân dằng dặc là một khoảng lặng, tiếp đến là những nốt trầm như xoa dịu, vỗ về. Chính là những chỗ “cao trào” ấy đã tạo sức hút khiến người nghe thêm… nhức nhối vì một giọng hát.
Một người bạn tôi nói rằng, nghe giọng hát của Lệ Thu cũng tựa như thưởng thức tô phở ngon trong tiệm phở nào quen thuộc, đi ăn ở tiệm nào khác không thấy ngon. Cách ví von thoạt nghe có vẻ phàm tục nhưng rõ ràng đấy là một lời khen tặng cũng tựa như ta khen bà chủ nhà nấu ăn ngon. Thưởng thức một món ăn ngon miệng hay một giọng hát truyền cảm cũng đều là chút hạnh phúc nhỏ nhoi trong cuộc sống thường ngày. Câu nhận xét của người bạn cũng cho thấy giọng hát Lệ Thu thật khó mà thay thế.
Những năm tháng về sau này giọng Lệ Thu có hao hụt ít nhiều, độ truyền cảm không được như ngày trước, cũng chỉ là quy luật của thời gian. Dầu sao, đến tuổi ấy mà giọng hát chị vẫn còn khỏe khoắn và vẫn vững vàng đứng trên sân khấu kể cũng là một “kỳ tích”. Nói như cách nói người bạn ấy, tô phở tuy không được đậm đà như ngày trước nhưng hương vị thơm ngon vẫn còn.
Một trong những cách để nhận ra những đổi thay trong giọng hát Lệ Thu qua từng thời kỳ là nghe lại những phiên bản khác nhau của “Xin còn gọi tên nhau”, từ trong nước ra tới hải ngoại, từ thuở ban đầu cho đến những năm gần đây nhất. Về kỹ thuật, lúc sau này có trội hơn nhưng về sức truyền cảm thì chất giọng của những năm đầu nghe vẫn “thấm” hơn.
“Xin còn gọi tên nhau”, bài hát theo chân Lệ Thu đến hơn nửa đời người. Người ca sĩ cho biết, mỗi lần hát bài ấy là mỗi lần chị có cảm xúc khác nhau. Tôi không rõ cái khác nhau ấy như thế nào; về phần tôi, người từng nghe đi nghe lại không ít lần bài ấy, những cảm xúc trong tôi trước sau vẫn còn nguyên vẹn. Sau hơn 50 năm, bài hát vẫn chưa có lúc nào “già” đi. Cứ mỗi lần nghe, mỗi lần nhắm mắt lại, tôi vẫn hình dung thấy tôi ngồi lặng lẽ trong quán vắng ấy, lắng tai nghe đến hết bài hát ấy, trong lúc đưa mắt nhìn xuống dãy phố im lìm chìm dưới cơn mưa chiều.
Một người bạn khác, khá “thần tượng” tiếng hát Lệ Thu, nói rằng, sau ngày tiếng hát ấy bặt tiếng im hơi, anh không còn muốn nghe giọng hát nào nữa. Tôi có khác một chút, tôi vẫn nghe nhưng không nhiều, có khi nghe không hết bài hát, có khi nghe chỉ một câu.
Tiếng hát bay trên hàng phố bâng khuâng…
Bao giờ cũng vậy, tôi chờ nghe nốt trầm rơi xuống chữ “hàng” ấy. Nghe, mà nghe lòng chùng xuống. Nghe, biết đó là Lệ Thu.
Chỉ một câu thôi cũng đủ, đủ để bâng khuâng, đủ để nhớ về một giọng hát.
Lệ Thu, tiếng hát đã bay đi, bay mất, xa rời những hàng phố bâng khuâng.
Lê Hữu
“Tiếng hát Lệ Thu – Như một tác phẩm để đời”:
https://www.youtube.com/watch?v=BMeoTs1aEeY&t=62s
“Mai chị về” (Hoài Linh), Lệ Thu hát:
https://www.youtube.com/watch?v=4N713Tnvd3o
- Một tách cà-phê cho hai người Lê HỮu Tùy bút
- Lá gan của cô còn tốt lắm! Lê Hữu Truyện ngắn
- Ảo giác Trịnh Công Sơn Lê Hữu Nhận định
- Ngôn ngữ thơ là cái quái gì vậy? Lê Hữu Nhận định
- Nhạc vàng boléro, sến hay không sến? Lê Hữu Nhận định
- Màu tím vấn vương trong nhạc Việt Lê Hữu Tản mạn
- Thơ Như Thương, tình yêu, những khuôn mặt Lê Hữu Nhận định
- Ngày Của Mẹ, Ngày Của Con Lê Hữu Tạp luận
- Bắn chậm thì chết Lê Hữu Truyện ngắn
- “Mùa xuân đầu tiên”, hai bài nhạc Xuân cùng tên Lê Hữu Nhận định
• Làm sao nói hết niềm riêng: Có những niềm riêng (Lê Tín Hương) (Lê Trung Ngân)
• Nhạc Nhái và Nhạc Chế (Song Thao)
• Đêm Sài Gòn Xưa (Huyền Chiêu)
• Ảo giác Trịnh Công Sơn (Lê Hữu)
• Nguyễn Đình Nghĩa - Bắt Đầu... Từ Một Đêm Trăng (Phan Nhật Nam)
• Theo Hoàng Thi Thơ, đi tìm lại đường xưa lối cũ (Cao Vị Khanh)
• Nhạc sĩ Vinh Sử kể tình đời qua những khúc bolero (Hoàng-Dung)
• Nhạc sĩ Hoài Nam và ca khúc “9 Tháng Quân Trường”: Gắn trên vai chiếc lon Chuẩn-úy… (Đông Kha)
• Nhạc vàng boléro, sến hay không sến? (Lê Hữu)
• Tô Vũ: Em đến thăm anh một chiều mưa (Hà Đình Nguyên)
Các nhóm nhạc (Wikipedia):
Myosotis, Tricéa, Tổng Hội Sinh Viên, Đồng Vọng
Nhạc sĩ:
Trang nhà:
Nhạc tuyển::
Dòng nhạc gợi nhớ Taberd75.com
Sài Gòn ơi! Vĩnh biệt Ngọc Lan
Mùa thu Paris Thái Thanh
Lòng Mẹ (Y Vân) Lê Tấn Quốc, Saxo
Hận Đồ Bàn (Xuân Tiên) Chế Linh
- Hình Ảnh Ca Nhạc Sĩ Sài Gòn trước 1975
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |