|
Dê Húc Càn(1.10.1934 - 21.11.1987) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Trường Viễn đông Bác cổ (École francaise d'Extrême-Orient, EFEO) năm 2012 đã có tổ chức cuộc triển lãm “Từ sông Hồng đến sông Cửu Long” ở viện Bảo tàng Cernuschi Paris, dành cho tranh vẽ của những họa sĩ thầy trò quanh trường Cao Đẳng Mỹ thuật Hà Nội, thành lập năm 1925.
Năm nay 2014, EFEO lại cho trưng bày, cũng ở viện Bảo tàng Cernuschi, từ 24.03 đến 29.06.2014, những hình ảnh xưa trong kho lưu trữ của Trường: Objectif Vietnam, Photographies de l'Ecole Française d'Extrême Orient. Nếu cuộc triển lãm trước chỉ giới hạn trong các bức tranh cùng ảnh hưởng của môi trường lên các tác phẩm, vai trò của các tác giả trong sự vận hành của Trường, từ đó chỉ rõ tầm mức quan trọng của Trường trong cuộc khai sinh ngành hội họa bản xứ, lần này một phần lớn những công tác của Trường được giới thiệu.
Thật vậy, từ ngày được thành lập, EFEO không ngớt vạch ra ánh sáng nhiều mặt văn hoá nghệ thuật ít biết hoặc bỏ quên, để lại cho hậu thế những tài liệu quí giá, phong phú về xã hội, lịch sử và nghệ thuật đất nước trong vùng Đông Nam Á. Cái may cho chúng ta là đã có được một cơ quan của chính phủ Pháp đã lo làm việc này cho nước ta; có một số người Việt ra sức đóng góp và sau nhiều chục năm chinh chiến, tài liệu không mất mát nhiều...
Viện Bảo tàng Cernuschi liên tục quan tâm đến Việt Nam đồng thời luôn giữ liên lạc với EFEO nên được hân hạnh cùng các viện Bảo tàng Louvre và nhất là Guimet đón nhận một số di vật từ Đông Dương đem về. Trong khuôn khổ “Năm Việt Nam” ở Pháp (2014), viện Bảo tàng Guimet đã triển lãm về Angkor (Angkor – Naisance d'un mythe), lẽ tất nhiên EFEO chọn viện Bảo tàng Cernuschi để trưng bày khối ảnh của Trường.
Ra đời năm 1898, EFEO được Paul Doumer, vị Toàn quyền hồi đó, ký nghị định thành lập như là một Phái đoàn Khảo cổ học thường trực ở Đông Dương. Sao phòng điều lệ của viện Khảo cổ Đông phương IFAO, do ba nhà Phạn học Michel Bréal, Auguste Barth và Emile Senart soạn thảo, EFEO được khai triển rộng rãi để ba năm sau trở thành với các Trường Athènes, Rome, Madrid, Caire, một trong năm cơ quan khảo cứu của Pháp mở rộng ra ngoài bờ cõi quốc gia. Sứ mệnh của EFEO không chỉ giới hạn trong khảo cứu khảo cổ và ngữ văn học bán đảo Đông Dương mà còn góp phần vào những khảo cứu uyên bác các khu vực và các nền văn minh kế cạnh: Ấn Độ, Trung Hoa, Mã Lai... Văn minh Hindu, nguồn gốc Ấn Độ, được đặc biệt chú trọng, điển hình là cuộc khám phá các đền miếu Angkor do nhà vạn vật học Henri Mouhot “phát hiện” những năm 1859-1860. Có ba nhà Phạn học sáng lập gia cố, chương trình Angkor được ưu đãi so với cuộc khảo cứu ở Việt Nam, đặc quyền của những tu sĩ dòng Tên. Sau hai Giám đốc Ấn học Louis Finot và Alfred Foucher, một nhà Hán học, Paul Pelliot, được cử điều khiển EFEO, đáp ứng hoạt động văn hóa Việt Nam. Lúc đầu Trường được đặt ở Hà Nội, rồi dời vào Sài Gòn trước khi trụ sở năm 1902 trở về lại Hà Nội.
Để bắt đầu, Trường là một cơ quan của Pháp tiến hành với một số công tác viên địa phương, sau đó biến chuyển qua hợp tác khảo cứu với các nước Đông Dương theo nhiều hiệp định khác nhau tùy tình hình chính trị: nhị bộ, tam bộ, sau cùng ngũ bộ với ba kỳ Việt Nam, Lào và Cao Mên năm 1948 (Hiệp định Vịnh Hạ Long). Cuộc hợp tác nầy chấm dứt sau Hiệp định Genève 1954, ba nước bốn thành phần chia nhau gia tài của Trường: phần bắc vĩ tuyến 17 giao cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, phần nam vào tay Cộng hòa Việt Nam tuy không phê chuẩn hiệp ước. Đến biến cố 1975 thì EFEO trở lại là cơ quan của Pháp như trước. Ở miền Bắc, từ 1957 trụ sở bàn giao cho Việt Nam, EFEO phải ngưng hoạt động năm 1959 theo quy định hiệp định 1954. Chỉ qua năm 1993 EFEO mới được mời mở một Trung tâm khảo cứu thường trực sau một hội nghị chuyên đề Việt Pháp kỷ niệm 90 năm thành lập. Ở miền Nam, cũng vì hiệp định 1954 không được chấp nhận, trụ sở phải đóng cửa năm 1961. Phải đợi đến 1993 mới có được một chi nhánh của Trung tâm Hà Nội tạm thời đặt trong tòa Lãnh sự, dời qua trụ sở chính thức hiện nay năm 2013. Trong thời gian ấy, ở Paris, từ 1956, ông Giám đốc Jean Filliozat đặt EFEO trong bàn giấy của mình ở Collège de France, qua 1968 dời qua trụ sở chính thức ở Nhà Á Đông, 22 Đại lộ Président-Wilson đến bây giờ. Bắt đầu từ đây EFEO từ từ phát triển hoạt động ra toàn bộ Đông Nam Á.
Sau hơn một nửa thế kỷ cho đến Hiệp định Genève, EFEO đã thực hiện một số lớn công tác. Về mặt phòng vệ di sản, đã được bảo trợ: 200 đền miếu kê khai; trong một thư viện phong phú văn hóa Á Đông, một tủ sách khoảng 5000 tác phẩm xưa (phần lớn viết tay, lưu trữ ở Thư viện Hoàng Gia Huế, nay bị mất mát nhiều); hơn 20.000 bản khuôn rập những bia từ thế kỷ IX; hàng trăm tập ghi chép chi tiết khảo cổ, lịch sử, đạo giáo của nhiều đoàn cán bộ tư liệu thâm nhập vào làng xóm miền Bắc... Về mặt khảo cứu lịch sử, nhiều nguồn gốc đã được kiểm kê: lần đầu tiên được thực hiện một cuộc khảo cứu thư tịch Việt Nam học gồm có 175 nhãn sách (BEFEO 1904), tiếp theo 154 nhãn Bibliotheca Annamita (BEFEO 1934); khảo cứu thư tịch lịch sử y học cũng được in trong BEFEO. Lịch sử Việt Nam được đặc biệt chú ý, ví dụ: bản Thứ tự niên đại những triều đại An Nam (Leopold Cadière, BEFEO 1905), Tư pháp trong An Nam xưa – Hình luật thời Lê (Raymond Deloustal dịch và bình, BEFEO 1908-1922), Khảo cứu lịch sử An Nam (Henri Maspéro, BEFEO 1916), Cuộc xâm chiếm Trung Hoa đầu tiên đất nước An Nam, thế kỷ III tr.TC (Léonard Aurousseau, BEFEO 1923), Mặt gương trọn vẹn sử Việt (Maurice Durand, Thư viện phổ biến EFEO 1950)...
Về mặt khảo cứu Khảo cổ và lịch sử nghệ thuật, EFEO hướng dẫn bước đầu cho ngành khảo sát tiền sử Việt Nam (Madeleine Colani, BEFEO 1930), những lăng mộ người Tàu thời Hán (Henri Parmentier, BEFEO 1917), đặc biệt trống đồng ở di chỉ Đông Sơn (Victor Goloubew, CEFEO 1929). Nghệ thuật Việt Nam được khảo sát có hệ thống trên toàn lãnh thổ (Louis Bezacier, EFEO 1928, BEFEO 1951). Những khảo cứu về ngôn ngữ, ngữ văn, văn chương thể hiện qua nhiều tác phẩm chuyên khảo về tiếng nói quốc gia, tiếng nói địa phương đã cống hiến căn bản cho một lý thuyết đầu tiên (Henri Maspero, BEFEO 1912, 1916).
Về văn chương cổ điển, những truyện thơ trữ tình, truyện nôm (như Chinh phụ ngâm) đuợc phiên dịch, phân tích (Georges Cordier, EFEO 1925, BSEI 1953). Nhờ có một số lớn dân tộc thiểu số, Việt Nam là một một miền đất hứa cho những nhà dân tộc học. Georges Condominas, nhân viên thông tấn EFEO, được Cơ quan khảo cứu thuộc địa ORSC (tiền thân của ORSTOM) gởi qua Sar Luk (tỉnh Đak Lak) từ 1948, đã đạt được nhiều thành tích trong công việc nghiên cứu tường tận đời sống xã hội của làng này cũng như của dân tộc Mông. Trong lĩnh vực này, có phần hơn những ngành khảo cứu khác, sự cộng tác của những nhân viên, trí thức Việt rất cần thiết, hữu hiệu. EFEO tự hào, qua môi trường thuộc địa, trong Trường ít thấy có sự bất công vì bất bình đẳng giữa các nhân viên Pháp và Việt. Và EFEO luôn nhắc đến những công trình khảo cứu của những Henri Maspero, Leopold Cadière, Emile Gaspardone, Jean Przyluski,... về khoa Việt học hiện đại không thể hình thành nếu không có sự cộng tác đắc lực của những Nguyễn Văn Huyên, Trần Văn Giáp, Nguyễn Văn Khoan, Nguyễn Văn Tố... Trong cuốn sách “Connaisances du Việt Nam” của Maurice Durand và Pierre Huard (EFEO Hanoi 1954, Paris 2002) người bạn y sĩ Trần Hàm Tấn luôn là bạn đường của hai tác giả.
Bắt đầu từ năm 1993, sau khi Trung tâm khảo cứu thường trực được mở ở Hà Nội, viện Bảo tàng Finot trở thành Viện Lịch sử Việt Nam, EFEO đón nhận nhiều chương trình khảo cứu nhân loại học, khảo cổ học, sử học, cộng tác với Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Đại học Hà Nội cùng nhiều cơ quan văn hóa địa phương. Trong các công tác đã thực hiện, đáng kể là việc xuất bản:
1) Bản kiểm kê và toàn tập bia khắc, cộng tác với Viện Hán Nôm.
Tập này do EFEO và Viện Hán Nôm thu thập, gồm có 55.000 khuôn rập, cho vào máy tính năm 2009, in thành 8 cuốn mô tả và 22 cuốn sao chụp.
2) Bản danh mục địa danh và tài liệu lưu trữ các làng xóm miền Bắc.
Cộng tác với Phòng lưu trữ Quốc gia Việt Nam, in thành sáu cuốn song ngữ Việt Pháp thêm Hán nôm. Những tập xuất bản này nhắm mục đích phổ biến cuộc khảo cứu Việt học. Đồng thời, EFEO mở rộng tầm cộng tác với những cơ quan quốc gia, đặc biệt Trường Cao học Thực hành EPHE, Trường Cao học Khoa học Xã hội EHESS, cũng như quốc tế như các viên đại học Hoa Kỳ, Úc châu, góp phần sáng lập Liên hiệp Âu Châu khảo cứu vùng Á châu ECAF. Những liên kết này nói lên kích thước thế giới tầm mức quan trọng và giá trị văn hóa Việt Nam.
Ngày nay, một số khảo cứu viên tiếp tục những đề tài hoặc đã bắt đầu từ trước hoặc hoàn toàn mới. Nhà sử học Philippe Papin, hơn cả chục năm điều khiển EFEO Hà Nội, trong khuôn khổ lịch sử Việt Nam, học hỏi văn khắc trên bia liên quan đến việc dâng cúng sùng đạo trên 18.000 tấm bia (hai phần ba tổng số những bia khắc trong kho lưu trữ EFEO) từ thế kỷ XVI đến cuối thế kỷ XX. Các văn khắc này ghi lại cách thức người dân quê cúng tiền của (tiền mặt, đồng ruộng) vào làng hay vào chùa để làng hay chùa lo việc thờ tự, kỵ giỗ cho cha mẹ hay sau này cho chính mình, xác định ngay cả số lượng quà bánh ngày lễ với giá cả rõ ràng. Khảo cứu viên tìm ra từ đây một số tài liệu quí báu về địa danh, đồng ruộng, nhà cửa, hàng hoá, thức ăn... xem giống như một hợp đồng thương mại, nhưng không phải như các biên bản hành chánh quan liêu, văn chương chải chuốt, mà là những bài văn mộc mạc thành ngữ địa phương lắm khi quê mùa, sử dụng vừa chữ Hán vừa chữ Nôm lẫn lộn. Buồn cười là những câu chữ Hán viết theo văn phạm Việt, theo lối Nôm, lắm khi khó hiểu, mang ít nhiều lỗi chính tả, tuy vậy cống hiến những dữ liệu kinh tế, chi tiết nghi lễ, quy ước tục lệ làng xã có giá trị. Những bia khắc này tương đối nhỏ thường được đặt trên bàn thờ hay đính vào tường, có khi thêm bên cạnh hình tượng vợ chồng hay người cung tiến, ngày nay là hình ảnh. Khảo cứu bia khắc loại này đòi hỏi học giả một kiến thức khá rộng về chữ Hán, chữ Nôm, chữ Việt, tinh thông phong tục tập quán vùng quê. Đáng tiếc là đến nay cuộc khảo cứu chỉ giới hạn ở miền Bắc Việt Nam. Philippe Papin, Giám đốc giáo dục tại EFEO Paris thay thế Giáo Sư Nguyễn Thế Anh về hưu, hiện điều khiển một sêmine về Sử ký và Xã hội Việt Nam, thanh minh là vì thiếu nhân công (có thể hiểu: hết còn sinh viên ghi tên dự thảo luận án trên đề tài)!
Trường Lũy
Ở miền Trung, một trong các khám phá quan trọng nhất những năm gần đây là Trường Lũy nằm dọc theo thương đạo từ Quảng Ngãi đến Bình Định. Số là năm 2001, nhân cuộc phiên dịch cuốn Đồng Khánh địa dư chí (soạn thảo 1885-1888) do EFEO và Viện Hán Nôm thực hiện, hai sử gia Philippe Papin và Andrew Hardy, cả hai đều có công tác một thời gian ở Hà Nội, để ý đọc thấy một bức tường lớn ở Quảng Ngãi. Năm 2006, Andrew Hardy được cử phụ trách với nhà khảo cổ Nguyễn Tiến Đông vào quan sát tại chỗ. Họ thấy một công trình kiến trúc lớn, đa dạng, nhiều phần được làm bằng đất hoặc bằng đá to bằng đầu người, ngoài có hào sâu và hàng rào tre gai. Theo các nhà nghiên cứu, lũy cổ khởi xây từ thế kỷ XVII không những có mục đích phòng thủ quân sự mà còn có giá trị giao thương, kinh tế, văn hóa, xã hội.
Sang thế kỷ sau, một số dân tộc ở Đá Vách (Quảng Ngãi), phần đông thuộc tộc Hrê, nổi lên chống đối triều đình. Khi cuộc xung đột trở nên quyết liệt, vua Gia Long phái Tả quân Lê Văn Duyệt phá tan “mọi Đá Vách” (1803) và khuếch trương bồi đắp lũy cũ (1819), sử gọi là Tĩnh Man Trường hay Lũy Bình Man, sau này các vua Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức tiếp tục trùng tu cho đến 1903 mới thôi. Độ dài của lũy không thống nhất: 300km từ Ba Tơ vào đến Bình Định, 30km trên đất Bình Định (EFEO và Viện Khảo cổ học Hà Nội), 200km (Nguyễn Tiến Đông, Viện Khảo cổ học Việt Nam), 133km (báo Pháp luật), dù sao được cho là lũy dài nhất Đông Nam Á. Ở La Vuông (Bình Định) lũy còn khá nguyên vẹn thì thấy có dáng hình thang, chân rộng 4-5m, mặt thành 2-3m có thể đi lại tuần tra thuận tiện. Thỉnh thoảng có đồn canh gác điều hành việc giao thông giữa hai cộng đồng người Việt và người Hrê. Theo Andrew Hardy, hiện công tác ở EFEO Paris, thì có giả thuyết chính người Hrê đã xây lũy đầu tiên và sau này đàm phán với người Việt cùng nhau bồi đắp lũy. Dù sao, Trường Lũy nay được xếp vào hạng Di tích cấp Quốc gia và khảo cứu về dân tộc Hrê đang tiến hành. (Một luận án tiến sĩ đang trên đường dự thảo).
Ngoài miền Bắc, những cuộc khảo cứu về dân quê nhắm xác định một mẫu gốc “làng truyền thống” trong lòng cộng đồng làng xã. Một kế hoạch khảo cứu liên ngành gọi là “Chương trình Làng xã” đã được tiến hành bốn năm một số làng “kinh” đồng bằng sông Hồng và vùng trung du. Thường được xem như sự kết tụ những đơn vị trọn bộ và chuyên nhất, làng trình bày một bộ mặt khác khi xét đến góc độ trao đổi, tính năng động trong cuộc cấu tạo và biến đổi những không gian xã hội và chính trị. Thay thế cho truyền thống người dân quê bén rễ vào đất đai tổ tiên là một thực tế phức tạp và phong phú hơn là phát xuất từ một quần chúng di động, luôn thay đổi, thuyên chuyến tùy theo thời cơ. Từ những năm 1980, quan hệ chính phủ - dân quê thay đổi, những danh nhân chư thần trong miếu đền hết còn được trọng vọng. Sử gia Olivier Tessier cũng như những khảo viên khác nhận thấy trong các công tác thiếu một chỉ thị biến đổi xã hội và chính trị là thủy lực. Dễ hiểu là 80% dân chúng Việt Nam sống trong một dãy dài đồng bằng từ bắc vào nam, sống với nước, từ nhiều thế kỷ luôn khởi công những cách thức quản lý nước. Trong cuộc “nam tiến” từ thế kỷ XV đến thế kỷ XX, người Việt tràn ngập những vùng đồng bằng ven biển để sau cùng khai khấn miền đồng bằng sông Cửu Long trong Nam, nói chung là một cuộc chiếm đóng đất đai để phát triển ruộng nương, ngành trồng lúa nước. Chương trình “Việt Nam, một xã hội ruộng nước”, bắt đầu từ 2008, không còn muốn xem thủy lực như là một đối tượng kỹ thuật nữa mà là một dữ kiện gần như bẩm sinh cấu thành tính đồng nhất nền văn minh Việt Nam. Từ đấy có thể xem thủy lực như là một chiếc cầu nối giữa nam và bắc qua các thời đại lịch sử, bất chấp những đảo lộn chính trị, những cuộc chiến tranh tàn khốc đã nối tiếp nhau từ hai thế kỷ nay. Không phải tình cờ mà tố quốc được ta gọi là “đất nước”.
Cũng ở ngoài Bắc, miền thượng du, còn được chú trọng là cuộc tìm hiểu các tảng đá khắc huyện Sa Pa tương tự những đá khắc Thung lũng các Kỳ quan (Vallée des Merveilles) ở Pháp (Võ Quang Yến, Chim Việt Cành Nam – chimviet. free.fr. 56 08.2014). Trong thung lũng Mường Hoa thuộc các xã Lao Chải, Hầu Thào, Tả Van, Sử Pán có một bãi đá rộng 8km2 với hơn 159 tảng đá granit có dấu chạm khắc. Theo người Mông quanh hai xã Hầu Thảo và Tả Vạn, nguồn gốc bãi đá được giải thích trong một truyền thuyết qua mối tình bất hạnh của một đôi trai gái không cùng bộ tộc, vì chiến tranh chống nhau, phải chạy trốn đến nguồn suối Kim Hoa và hóa đá ở đấy.
Ngày nay tại chỗ có ba tảng đá mang tên Hòn Bố lớn nhất (6x15m), Hòn Mẹ, Hòn Con. Trên mình tất cả ba đều có hình vẻ kỳ quặc, khó hiểu. Nhiều giả thuyết cho đó là những bức tranh, những bản đồ khu vực của người Mông xưa hay của những chiến trận một thời trước. Trong những bức tranh có thể tưởng tượng nhận ra núi non, mặt trời, sông suối, ruộng bậc thang. Có người nhận thức ngay cả những hình người với những tư thế, dáng điệu khác nhau (11 kiểu), những họa tiết giống như cổ tự! Bãi đá được nhà khoa học người Pháp Jean Bartherlier phát hiện năm 1924.
Năm sau, EFEO tại Hà Nội đã cử nhà nghiên cứu Victor Goloubew và một số cộng sự lên Sa Pa tiến hành cuộc khảo cứu quy mô lớn. Từ 2005, trở thành Di tích Quốc gia, bãi đá được ghi vào một chương trình khảo cứu liên hợp EFEO và Sở văn hóa tỉnh. Được hai sử gia Philippe Le Failler và Trần Hữu Sơn hướng dẫn, những đội lẫn lộn cán bộ trẻ địa phương, chuyên gia từ Hà Nội lên, cùng nhau thiết lập một bản thống kê cặn kẽ có hệ thống: quy định, khuôn rập, tư liệu... để đi đến một bản kê toàn bộ những hình thể. Năm 2012, EFEO Việt Nam đã cho xuất bản một cuốn catalô, thêm vào một bản hệ thống loại hình của Philippe Le Failler nêu cao ưu thế những kiểu trổ nhắm mục đích họa đồ. Tuy cuộc khảo cứu chưa xác định được chính xác niên đại cùng tác giả của những vết khắc công phu nầy, công tác đã rất cần thiết để khai khẩn đồng thời bảo vệ một di thể quý giá nằm trong vùng du lịch đang bị những kế hoạch làm nhà máy điện đe dọa ngoài những tai biến thiên nhiên và sự xói mòn của thời gian.
Vào miền Nam, gần đây thôi cuộc khảo cứu về khoa học xã hội và nhân văn được tiếp tục tuy Louis Malleret, nhân viên EFEO từ 1937, khởi đầu một chương trình quy mô rộng lớn từ những năm 1949-1956. Kết quả là sự phát hiện Vương quốc Phù Nam, di chỉ khảo cổ Óc Eo (Võ Quang Yến, Diễn Đàn Forum diendan. org, 08.2013). Kết hợp với những nhà khảo cứu Việt Nam từ 1990, cuộc khảo cứu mở rộng ra về nguồn gốc và tài liệu lịch sử, di sản (trùng tu khoa bảo tàng, đặc biệt Viện lịch sử Tp Hồ Chí Minh), văn hóa bình dân qua những cuộc điều tra điền dã. Một mặt được đặc biệt chú trọng là nền văn minh sông nước, những tác động giữa các công trình văn hóa và các dữ kiện thiên nhiên, thủy văn trong Đồng bằng sông Cửu Long, khảo cứu cộng tác với Viện khoa học Xã hội Việt Nam. Mục đích được nhắm là công việc quản lý nước, điều hòa môi trường bên lề những biến đổi văn hóa xã hội. Từ lâu sử gia Pascal Bourdeaux, người đã từng làm việc lâu năm với nhà văn miệt vườn Sơn Nam, hiện công tác ở EFEO Tp Hồ Chí Minh, theo dõi lịch sử xã hội Phật giáo Hòa Hảo trong phong trào hiện đại đạo giáo ở Việt Nam và ở Đông Nam Á (sêmine ở EFEO Paris: Nhập môn các tôn giáo miền Đông Nam Á, sử quan và khoa học luận). Khảo cứu về đạo Cao Đài phải kể tên nhà dân tộc học Jeremy Jammes, tác giả một luận án xuất sắc về Cao Đài, đã từng cộng tác với EFEO, hiện làm Phó giám đốc Viện Khảo cứu Đông Nam Á hiện đại IRASEC ở Bang-kok. Tìm hiểu công trình sử liệu và phân tích nguồn gốc dựa lên những kết quả thực địa, những nhà khảo cứu thành công thuật lại sự xuất hiện và quá trình triển phát một xã hội địa phương tiến hóa đồng bộ với các sự bố trí, kiềm chế, quản lý hệ thống các kênh nước. Từ đấy xuất phát những cơ sở một nền kinh tế địa phương hướng dẫn quan tâm đến những thủ tục cúng bái (bà Chúa Xứ), nghi lễ tôn giáo (Hòa Hảo), ngay cả đến tôn thờ anh hùng (Nguyễn Trung Trực). Song song, cũng được khảo sát những nguồn lịch sử văn hóa và văn chương (biên khảo của Sơn Nam, sách chép tay Nguyễn Đình Chiểu) liên quan đến cuộc khảo cứu nhân loại học và kỹ thuật thủy lực canh nông, góp phần với văn hóa bình dân địa phương thành một nền văn minh sông nước.
Viện Bảo tàng Cernuschi luôn theo dõi mối liên lạc nối liền nước Pháp và Việt Nam. Với cuộc triển lãm này, viện trình bày ra công chúng những công tác đã thực hiện của EFEO đồng thời chương trình khảo cứu hiện tại và trong tương lai. Đây là một dịp hiếm có cần thiết cho người Việt nói chung, đồng bào Việt sống xa nước nói riêng, hơn cả người Pháp, theo dõi một phần nào tình hình khảo cứu ở Việt Nam trong tinh thần hợp tác Pháp Việt.
Võ Quang Yến
Xô thành những ngày cuối thu 2014
Tham khảo và tài liệu: Objectif Vietnam - Photographies de l'Ecole Française d'Extrême-Orient, Musée Cernuschi, Paris Musées, les musées de la Ville de Paris, 2014.
- Trường Viễn Đông Bác Cổ Võ Quang Yến Nhận định
- Thương Nhớ Anh Lê Ngộ Châu Võ Quang Yến Tạp bút
William Alexander & Họa Phẩm Về Đàng Trong
(Nguyễn Duy Chính)
Họa sĩ và Nhiếp ảnh gia:
Nhiếp ảnh gia:
Nguyễn Cao Đàm, Trần Cao Lĩnh,
Nguyễn Ngọc Hạnh, Hương Kiều Loan
Trường Vẽ Gia Định (truongvegiadinh.blogspot)
Nhớ Thầy (Thu An)
Nhiếp Ảnh Gia Nguyễn Cao Đàm, Bóng Tối Và Ánh Sáng (Nguyễn Ngọc Dung)
Nguyễn Cao Đàm, Người thầy của nhiều thế hệ nhiếp ảnh Việt Nam (cbs.com)
Vinh danh và ngưỡng mộ (hoivietanh.net)
Ảnh Trần Cao Lĩnh (vnthuquan.net)
Sài Gòn 1950-1975 (SafeShare.TV)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |