1. Head_

    Lam Phương

    (20.3.1937 - 22.12.2020)

    Lưu Trung Khảo

    (.0.1931 - 22.12.2015)

    Nguyễn Hiến Lê

    (8.1.1912 - 22.12.1984)

    Nguyễn Đình Nghĩa

    (5.10.1940 - 22.12.2005)
    Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Nhớ Về Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam Trước 1975 (Trịnh Cung) Ad-21 Ad-21 (Google - QC3) (Học Xá)

      18-02-2013 | HỘI HỌA

      Nhớ Về Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam Trước 1975

        TRỊNH CUNG
      Share File.php Share File
          

       

      Không phải cuộc triển lãm các tác phẩm mới nhất của bảy thành viên cốt cán cũ của Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam (HSTVN)trước 1975 mang tên Trùng Phùng vừa được Viet Art Gallery tổ chức tại thành phố Houston-Texas từ ngày 27 tháng 10, 2012 là cuộc triển lãm lần đầu dành cho Hội HSTVN sau 37 năm ngày nước Việt Nam Cộng Hòa bị "giải phóng" bởi người cộng sản Việt Nam, mà trước đó 10 năm, Gallery Vĩnh Lợi ở Sài Gòn cũng đã thực hiện một cuộc họp mặt  nghệ thuật như thế. Tuy nhiên lần trùng phùng này, sự thiếu vắng nhiên khuôn mặt nghệ sĩ nổi bật có phần nhiều hơn do mất mát và đau yếu vì tuổi cao, như Nghiêu Đề (mất năm 1998), Mai Chửng (mất năm 2001), Dương Văn Hùng thi lực suy yếu nghiêm trọng... và một số khác do điều kiện tổ chức chưa thể qui tụ đầy đủ được.

      Tại phòng triển lãm Việt Art Gallery, Houston-Texas, 26 tháng 10, 2012. (Hình Trịnh Cung)

      Từ trái qua: Nguyên Khai, Nguyễn Trung, Hồ Hữu Thủ, Trịnh Cung,

      Nguyễn Phước, Đinh Cường, Nguyễn Lâm.


      Dẫu sao, cuộc triển lãm của bảy họa sĩ đã ngoài thất tuần, bốn đến từ Việt Nam gồm có Nguyễn Trung, Nguyễn Lâm, Hồ Hữu Thủ và Trịnh Cung và ba ở Hoa Kỳ gồm có Đinh Cường (Washington DC), Nguyên Khai (Orange County-California) và Nguyễn Phước (San Antonio-Texas) tại Viet Art Gallery, Houston đã được đông đảo người Việt yêu tranh ở Houston nồng nhiệt đến xem.


      Và cuộc triển lãm này không chỉ dừng lại ở đó mà vào ngày 9 tháng 11, 2012, Đại Học UCLA cũng tổ chức một buổi thuyết trình về Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam do họa sĩ Trịnh Cung trình bày cho sinh viên khoa South East Asian Studies. Và một sự kiện khác rất ngẫu nhiên trùng hợp với những hoạt động vừa nêu có liên quan tới Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam cũ, đó là ngày 18 tháng 11 vừa rồi, buổi ra mắt sách "Những Mảng Rời" tại Việt Báo Gallery của họa sĩ Lê Tài Điển, một thành viên kỳ cựu của Hội HSTVN, đến Quận Cam-Cali từ Paris. Đây là thời điểm hồi sinh đáng ngạc nhiên của một trào lưu nghệ thuật đã làm nên một bộ mặt mới, hiện đại cho Sài Gòn trong điều kiện khắc nghiệt của chiến tranh Việt Nam thuở ấy. Từ cảm hứng nối tiếp cảm hứng như thế, hôm nay, Người Việt Xuân 2013 có bài "Nhớ Về Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam Trước 1975" do chúng tôi, Trịnh Cung, thực hiện.


      1. Bối cảnh ra đời


      Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam ra đời tháng 11 năm 1966 trong bối cảnh xã hội miền Nam Việt Nam đang ở những năm đầu của nền Đệ Nhị Cộng Hòa. Cuộc chiến chống cộng sản Bắc Việt bắt đầu leo thang từ sau khi các tướng lãnh lật đổ nền Đệ Nhất Cộng Hòa năm 1963, đẩy xã hội Miền Nam vào một thời kỳ chính trị-kinh tế nhiều bất ổn với các cuộc tranh giành quyền lực của các phe phái chính trị.


      Sự hiện diện ngày càng đông của quân đội Mỹ chẳng những không giúp nền Đệ Nhị Cộng Hòa chiến thắng cộng sản Bắc Việt mà còn trở thành hình ảnh bị phía Hà Nội dùng để vận động sự ủng hộ của thế giới với chiêu bài "chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước." Sự hiện diện đông đảo của quân đội Mỹ cũng là một tác nhân gây ra những biến đổi không lành mạnh cho xã hội miền Nam, làm bùng nổ sự phản kháng trong giới trí thức trẻ từ Huế đến Sài Gòn bằng các hoạt động khác nhau, từ đối lập hợp pháp trong Quốc Hội đến các hình thức văn nghệ phản chiến, thiên tả trong âm nhạc, báo chí, văn học và nghệ thuật. Dù các thực thể này đã được nhào nặn bởi bàn tay cộng sản hay tự phát, chúng cũng là những tác nhân góp phần dẫn tới cái kết quả chiến thắng cho phía "bên kia" và thảm họa cho phía "bên này," vào ngày 30 tháng 4, 1975.


      2. Lý do thành lập Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam


      Có lẽ do sự xuất sắc của một số họa sĩ trẻ, tuổi từ 22 đến 30, từng đoạt những giải thưởng mỹ thuật quan trọng của quốc gia như Giải Hội Họa Mùa Xuân bắt đầu từ năm 1959, Giải Mỹ Thuật Quốc Tế Sài Gòn Lần Thứ Nhất vào năm 1962, và Giải Văn Học & Nghệ Thuật Tổng Thống vào năm 1966 (?) mà hai nhân vật, Bác Sĩ Nguyễn Tấn Hồng (nay đang định cư ở Canada), và họa sĩ Ngy Cao Uyên (nay đang định cư ớ vùng Hoa Thịnh Đốn), đã khởi xướng việc qui tụ lại những tài năng trẻ và thành lập Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam.


      Hình chụp trước trụ sở Hội Họa Sĩ Trẻ (triển lãm tranh Cù Nguyễn). Từ trái qua:
                  Cù Nguyễn, Nguyên Khai, Dương Nghiễm Mậu, Tô Thùy Yên, Nguyễn Trung, Vị Ý. (Hình Trịnh Cung)


      Hai ông, Ngy Cao Uyên, sĩ quan Bộ Tư Lệnh Không Quân, và cũng là một họa sĩ nổi tiếng lúc bấy giờ, cùng với ông Nguyễn Tấn Hồng, một trí thức yêu hội họa, bộ trưởng Bộ Thanh Niên, đóng vai mạnh thường quân của hội. Theo trí nhớ của họa sĩ Cù Nguyễn, cuộc họp ban đầu để bàn về việc lập hội gồm có Bác Sĩ Nguyễn Tấn Hồng, các họa sĩ Ngy Cao Uyên, Vị Ý, Cù Nguyễn, Âu Như Thụy và nhạc sĩ Phạm Duy. Thế nhưng khi họp để chính thức thành lập hội tại nhà Bác Sĩ Nguyễn Tấn Hồng trên đường Phan Thanh Giản, Quận 3, Sài Gòn, ngoài ông Nguyễn Tấn Hồng chỉ có chúng tôi, gồm các họa sĩ và điêu khắc gia Ngy Cao Uyên, Hiếu Đệ, Cù Nguyễn, Nguyễn Trung, Nghiêu Đề, Nguyễn Phước, Nguyễn Lâm, Mai Chửng, Đinh Cường, Hồ Thành Đức và tôi, Trịnh Cung. Lúc đó là tháng 11 năm 1966. Họa sĩ Ngy Cao Uyên được bầu làm chủ tịch lâm thời của hội, Nguyễn Trung và Mai Chửng giữ vai phó, tôi làm tổng thư ký, các anh còn lại là ủy viên ban chấp hành. Kể từ đó, tất cả chúng tôi đều là thành viên sáng lập Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam, và những cuộc họp ban chấp hành thời kỳ chưa có trụ sở riêng đều diễn ra tại nhà Bác Sĩ Nguyễn Tấn Hồng.


      Nhớ lại những ngày đầu tiên ấy, trừ Bác Sĩ Nguyễn Tấn Hồng và họa sĩ Ngy Cao Uyên, cả hai đều đã khá già dặn và có sự nghiệp, họa sĩ Hiếu Đệ là lớp đàn anh, chúng tôi còn lại đều rất trẻ, trên dưới 25 tuổi. Trừ Ngy Cao Uyên và Cù Nguyễn là hai họa sĩ tự học, còn lại đều là sản phẩm một nửa hoặc toàn phần của hai trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Gia định và Huế. Phần đông chúng tôi đều thích sống tự do dù có bấp bênh, sớm có xu hướng nghệ thuật hiện đại và đã gặt hái hầu hết các giải thưởng hội họa quốc gia quan trọng, nên tạo được sự chú ý của dư luận văn nghệ.


      Có lẽ vì thế, sự tập họp này mang ý nghĩa của sự ra đời một thế hệ nghệ sĩ tạo hình tài năng mới của Việt Nam, mở ra một dòng chảy mỹ thuật trẻ mà tham vọng của nó đã được bày tỏ trong hai trích đoạn dưới đây của hai nhận định được coi như tuyên ngôn nghệ thuật của chúng tôi. Đó là bài nhận định được phổ biến nhân cuộc triển lãm ra mắt Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam vào tháng 1 năm 1967 tại trụ sở của hội, và bản tuyên ngôn của hội phổ biến nhân cuộc triển lãm vào tháng 11 năm 1973 tại gallery La Dolce Vita thuộc khách sạn Continental.


      Lần thứ nhất:


      " Sau Hiệp Định Genève, cũng như vận mệnh đất nước, hội họa Việt Nam phân chia thành hai vùng ảnh hưởng. Một ở Miền Bắc, bị gò bó bởi những đòi hỏi phi nghệ thuật của chủ thuyết hiện thực xã hội, thật ra chỉ là một kỹ thuật nửa ấn tượng nửa cổ điển. Một ở Miền Nam, luôn luôn đổi mới để theo kịp đà tiến của những khuynh hướng đi đầu và nuôi tham vọng hình thành một hội họa tổng hợp đặc biệt giữa kỹ thuật Tây Phương và tinh thần Đông Phương.

      Tuy nhiên, vì hoàn cảnh chiến tranh kéo dài, vì sự thiếu sót những cơ cấu sinh hoạt và nhất là sự chia rẽ giữa những họa sĩ, hội họa Miền Nam Việt Nam đang trải qua một cơn khủng hoảng trầm trọng..."

      (trích Catalogue Triển Lãm Ra Mắt của Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam, 18 đến 24 tháng 1, 1967 tại trụ sở của hội)


      Lần thứ hai:


      "Nhận thấy nghệ thuật Việt Nam, nói riêng là hội họa và điêu khắc, trong hơn nửa thế kỷ nay, kể từ ngày có trường Mỹ Thuật Đông Dương do người Pháp thành lập tại Hà Nội, vẫn chưa đáp ứng được với thực trạng Việt Nam. Cảm hứng nghệ thuật có thể nói là quá nghèo nàn vì chủ nghĩa buông thả, vì chủ nghĩa cá nhân chật hẹp không tương xứng với hoàn cảnh Việt Nam với những vấn đề vô cùng lớn lao và phong phú.

      Những kiểu cách sai lầm từ trước tới nay vẫn chưa được mổ xẻ; hoặc dùng những đặc tính gọi là Á Đông để làm căn bản nghệ thuật mà thật ra chỉ là những hình thức lệ thuộc Tàu, Nhật... hoặc nhờ cậy vào nghệ thuật Âu Châu, đặc biệt là trường phái Paris, lấy nó làm tiêu chuẩn để suy luận và làm việc, nhốt gọn nghệ thuật Việt Nam trong cái giỏ 'thuộc dịa' nên những công trình thực hiện chỉ là cái gì thứ yếu đối với nghệ thuật Tây Phương."

      (trích Brochure đề ngày 10 tháng 11, 1973 cho cuộc triển lãm tại Gallery La Dolce Vita)


      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022

      3. Tham vọng nghệ thuật?


      Đúng vậy, đây là một tham vọng quá lớn và đường dài. Nó rất chính đáng nhưng lại không thực tế trong một đất nước còn nhiều hạn chế, những thành tựu nghệ thuật của Việt Nam chỉ mới nhen nhúm, còn rất lâu mới cắt bỏ được khỏi cái cuống rốn của nghệ thuật phương Tây, và xã hội ngày càng bộc lộ bất ổn do chiến tranh ý thức hệ khốc liệt. Nhìn kỹ, đặc biệt với tuyên ngôn lần thứ hai phổ biến năm 1973, không còn sự phân biệt và phê phán mỹ thuật hiện thực xã hội chủ nghĩa của miền Bắc, mà tập trung vào thái độ khước từ những chuẩn mực mỹ thuật Tây phương và ngoại lai như Tàu, Nhật. Các họa sĩ kêu gọi sự quay về, sự đứng lên cho hội họa riêng biệt Việt Nam, một cách dứt khoát:


      "Từ bỏ chủ nghĩa buông thả, chủ nghĩa cá nhân chật hẹp, giải thoát tư tưởng khỏi phòng vẽ tù túng để cùng sống cái sức sống Việt Nam."

      "Theo đuổi khuynh hướng nghệ thuật tân kỳ nhất, ở gần chúng ta nhất: khuynh hướng đã có sẵn ngay trong lòng chúng ta, ngay trong lòng quần chúng Việt Nam."


      Rõ ràng đây là một tuyên ngôn có nội hàm chính trị giành lại "độc lập" cho nghệ thuật Việt Nam, được khéo léo bọc trong chiếc vỏ "chủ nghĩa dân tộc" do một vài cá nhân của hội chủ ý đưa vào.


      4. Tự do hoạt động hay công cụ chính quyền?


      Theo tôi, không có mối quan hệ nào giữa Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam và nhà nước dân chủ thời đó. Hay nói đúng hơn, hội là một tổ chức độc lập có tư cách pháp nhân như luật định, ngoài ra không có một ràng buộc nào khác như phải làm công cụ chính trị cho chế độ. Thậm chí, văn nghệ sĩ không nhất thiết có cùng một quan niệm chính trị-văn hóa-xã hội với chính quyền. Hơn nữa, đối lập ôn hòa là một hoạt động chính trị được hiến pháp bảo vệ, vì thế, sau ngày 30 tháng 4, 1975, cá nhân tôi mới vỡ ra một điều quan trọng là đã có tính đa cực chính trị thực sự trong các thành viên cốt cán của Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam.


      Tuy nhiên, không phải vì thế mà nhà chức trách không "dòm ngó" hành vi của mọi cá nhân và hội đoàn theo cách riêng của họ, nhất là trong trường hợp Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam, với hơn một nửa là thành phần đang trong tình trạng bị gọi nhập ngũ, có quan hệ với các văn nghệ sĩ phản chiến và sinh viên thiên tả.


      5.Về ngôi nhà trụ sở của hội


      Trụ sở của hội nằm trên đường Lê Thánh Tôn của thành phố Sài Gòn, khoảng giữa Công Lý và Nguyễn Trung Trực, rộng chừng 150 mét vuông được làm bằng gỗ thông sơn trắng theo một kiểu kiến trúc hiện đại đơn giản. Số gỗ có được do chúng tôi đổi tranh cho sư đoàn 5 Không Quân trong Tân Sơn Nhất. Gỗ do Mỹ viện trợ cho Không Quân xây dựng doanh trại đồn trú. Đây là sáng kiến của họa sĩ Ngy Cao Uyên, lúc đó là thiếu tá sĩ quan kỹ thuật của Không Quân, và cũng là người kết nối để chúng tôi thực hiện hoàn hảo "phi vụ" này.


      Hầu như chúng tôi tự lo mọi thứ từ thiết kế đến hướng dẫn thi công, và kết quả là có một ngôi nhà không chỉ đáp ứng nhu cầu triển lãm nghệ thuật mà còn đẹp một cách trẻ trung, văn minh. Người gần như quán xuyến việc xây dựng trụ sở là họa sĩ Hồ Thành Đức. Chính vì quá hấp dẫn nên ngôi nhà tức khắc trở thành điểm hẹn cho những ai yêu hội họa, và cuối cùng là nơi tạm trú qua đêm an toàn của bằng hữu nghệ sĩ mỗi khi không thể về nhà mình.


      Cũng cần nói thêm về địa điểm của trụ sở hội, đó là mảnh đất có thể gọi là "linh thiêng" nằm trong tứ giác Gia Long, Công Lý, Lê Thánh Tôn và Nguyễn Trung Trực ngay giữa trung tâm thành phố. Thời Pháp thuộc đây là Khám Lớn Sài Gòn, nơi giam cầm ngoài những tội phạm xã hội, còn biết bao người yêu nước thuộc nhiều thế hệ mưu đồ chống thực dân để giành độc lập cho đất nước. Khám Lớn đã bị chính quyền Quốc Gia phá bỏ trước 1954, sau đó đã xây một tòa nhà hai tầng ở góc Gia Long và Nguyễn Trung Trực để làm Trường Đại Học Văn Khoa, còn lại là khu đất rất rộng trên đó có ba dãy nhà tiền chế, năm 1966 được chính quyền cho phép dùng làm trụ sở của Chương Trình Phát Triển Sinh Hoạt Thanh Niên Học Đường (CPS). Tại địa điểm này vào cuối thập niên 1960, Bộ Giáo Dục đã khởi công xây dựng Thư Viện Quốc Gia, cổng hướng ra đường Gia Long. Vào khoảng năm 1966, bộ phận chính của trường Đại Học Văn khoa đã dời đến đường Cường Để, trường cũ chỉ còn vài lớp, trước khi nhường lại toàn bộ tòa nhà cho Giám Sát Viện. Các sinh hoạt chính yếu của khu này trong các năm 1966 đến 1968 đều do CPS tổ chức, kể cả Quán Văn là nơi lần đầu tiên giới thiệu các ca khúc của Trịnh Công Sơn trong cung cách sinh hoạt của giới trẻ, với các tiếng hát Lệ Thu, Khánh Ly. Ngoài trụ sở của Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam, trong miếng đất này vào thời gian ấy còn có Đoàn Văn Nghệ Nguồn Sống, cho nên nói chung không khí tại đây luôn luôn trẻ trung, đầy tinh thần văn nghệ chứ không có sự va chạm giữa các xu hướng chính trị khác nhau có thể ngấm ngầm xảy ra tại các trường đại học.


      Sau vụ Mậu Thân 1968, chính quyền đã san bằng trụ sở của hội; cũng may, vào thời điểm này, chúng tôi không ai có mặt ở đây, mọi người về ăn Tết gia đình và kẹt lại vì bom đạn nổ khắp nơi khi Việt Cộng thực hiện các cuộc tấn công. Việc phá bỏ các nhà xây dựng tạm bợ trên mảnh đất này là để thực hiện một dự án lớn có tầm mức quốc gia, là Thư Viện Quốc Gia.


      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022

      6. Và sau đó


      Hình như chúng tôi cảm nhận cái phần lỗi thuộc về phía hội khi đã để nó thành chỗ cư ngu bất hợp pháp cho một số thân hữu có vấn đề chính trị. Ngoài ra, chúng tôi cũng không có giấy phép chính thức xây cất trụ sở trong khuôn viên mảnh đất lịch sử này, do đó không có đủ pháp lý để khiếu nại, nhất là người chủ tịch hội lúc ấy là họa sĩ Nguyễn Trung còn đang ở trong tình trạng không hợp lệ về quân dịch. Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam chính thức bị rút giấy phép hoạt động ngay sau đó.


      Tình huống này đặt Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam vào tình trạng không còn nơi hội họp và triển lãm. Chủ tịch hội lúc đó là họa sĩ Nguyễn Trung, nhiệm kỳ 1971-1973, không có tư cách pháp nhân nộp đơn xin tái lập hội. Ban chấp hành hội phải họp lưu vong tại các quán café, thường là tại quán La Pagode trên đường Tự Do vào mỗi sáng Chủ Nhật. Cuối cùng, để vượt qua bế tắc này và cũng nhân dịp ban chấp hành hội mãn nhiệm kỳ, chúng tôi bầu nhà điêu khắc Mai Chửng làm chủ tịch nhiệm kỳ 1973-1975. Tôi và Nguyễn Phước là hai phó chủ tịch. Nghiêu Đề làm tổng thư ký đứng ra điều hành hội, với giấy phép mới do Mai Chửng và tôi là hai công dân đang thi hành quân dịch đứng đơn xin hoạt động trở lại.


      Dù hoạt động hợp pháp, chúng tôi không tài nào dựng lại một trụ sở riêng đẹp và thuận lợi như ngôi nhà đã bị ủi sập năm 1968. Vẫn họp hành theo kiểu du mục, từ quán café đến Hội Văn Nghệ Sĩ Quân Đội trên đường Nguyễn Du, triển lãm thì được sự trợ giúp đặc biệt của họa sĩ Philippe Franchini (người Pháp, hiện sống ở Paris), chủ nhân khách sạn Continental. Franchini đã giành gallery La Dolce Vita trong khách sạn Continental, gallery sang trọng bậc nhất Sài Gòn cho đến thời điểm tháng 4 năm 1975, để bày tác phẩm do Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam tuyển chọn, trong khoảng thời gian từ 1973 cho đến khi miền Nam sụp đổ.


      7. Nhìn lại


      Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam lúc mới thành lập, như đã trích dẫn nhận định bên trên, phê phán mỹ thuật hiện thực xã hội chủ nghĩa của Miền Bắc và muốn hội họa miền Nam đi theo xu hướng tiến bộ của mỹ thuật Tây phương, xây dựng cho mình một nền mỹ thuật vừa hiện đại vừa lộng lẫy tinh thần Đông phương. Đó là một quan niệm rõ ràng có lập trường chống cộng và thân Tây phương, được soạn thảo bởi ban chấp hành nhiệm kỳ đầu (1967-1971) do họa sĩ Này Cao Uyên làm chủ tịch.


      Xu hướng này một phần dựa trên những thành tựu mỹ thuật mà Sài Gòn đạt được từ việc tổ chức thành công cuộc triển lãm mỹ thuật quốc tế lần thứ nhất tại công viên Tao Đàn năm 1962, với 21 quốc gia tham dự, trong đó có sự góp mặt của các nền mỹ thuật hàng đầu thế giới như Ý, Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha... Tiếp theo, tác phẩm của chúng tôi là lựa chọn gần như duy nhất của mỹ thuật Việt Nam cho các kỳ triển lãm mỹ thuật quốc tế lưỡng niên ở Paris, Tunisi, Sao Polo... Mặt khác, dưới thời Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa, ở miền Nam đã nổi lên một thế hệ nghệ sĩ tạo hình trẻ tài năng với những quan niệm sáng tạo mới, có tác phẩm thường chiếm giải thưởng hội họa quốc gia hàng năm cao nhất và nhiều nhất (giải thưởng Hội Họa Mùa Xuân).


      Sau này nghĩ lại, quả thật những người như tôi hồi đó quá non nớt về chính trị, hồn nhiên sống theo dòng đời. Theo đuổi nghệ thuật như yêu đắm đuối một người con gái đẹp, càng chạy theo nàng lại khám phá ra nàng đẹp hơn, càng quyến rũ hơn, mà không hề biết nghệ thuật còn có thể có mục đích chính trị, xô đẩy con người vào bi kịch và thảm họa nhân danh điều này điều nọ.


      Hội Hoạ Sĩ Trẻ Việt Nam chưa có ý định đưa ra một lý thuyết hội họa nào kể cả trường phái. Nếu có chăng thì chỉ mới manh nha một chủ trương kiểu trong hai tuyên ngôn đã đề cập ở trên.


      Chính vì thế mà bạn đã thấy nhiều người trong chúng tôi không chỉ chịu ảnh hưởng một bậc thầy Tây phương mà tùy từng giai đoạn khám phá ra những điều mới về tạo hình và kỹ thuật ở họ. Cá nhân tôi trong 10 năm đầu kể từ khi vào trường mỹ thuật (1959) đã có những danh họa "đi qua đời tôi" là Van Gogh, Gauguin, Modigliani và Marc Chagall. Đó là một giai đoạn "tầm sư học đạo", rất quan trọng trước khi tìm ra chính mình đối với một họa sĩ trẻ lúc bấy giờ như chúng tôi.


      Mặt khác, ngoài một ít thành tựu sáng tạo hiện đại đã đạt được, lịch sử đất nước đã khiến cho tham vọng nghệ thuật của chúng tôi phải chết yểu khi đã đặt Việt Nam trong tay của chủ nghĩa cộng sản như đã và đang diễn ra. Dẫu sao, không ai giết được nghệ thuật trừ chính mình tự giết nó, và cũng do đó mà nghệ thuật của chúng tôi vẫn sống còn cho đến hôm nay dù người ta đã xóa sổ cái tên hành chính của Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam.


      Hội HSTVN là tập hợp đầu tiên và duy nhất các tài năng trẻ ấy của miền Nam, kéo dài gần một thập niên, cho đến ngày miền Nam sụp đổ. Sự ngồi lại với nhau ấy đã gây nên một chất men mới trong sáng tác của anh em, mặc dù thời cuộc và chiến cuộc luôn luôn vẫn là nỗi ám ảnh không tránh được trong thái độ chính trị lẫn trong sáng tác của các thành viên trong hội.


      Mỗi người đã sống và sáng tác theo cảm nhận chủ quan của mình, một cách tự do, và nói chung đã đóng góp các sáng tạo nghệ thuật trong cái thời sung mãn nhất của đời mình, là Tuổi Trẻ, như tên của hội đã gọi. Góp tất cả các thành tựu nghệ thuật ấy lại, chúng ta có tài sản nghệ thuật của cả một thời, trong đó hẳn nhiên phải có sự gạn lọc rất công bình của thời gian. Bây giờ, sau trên dưới 40 năm, tất cả các họa sĩ đã có một thời còn trẻ ấy, khi nhìn lại đoạn đường đã cùng nhau đi qua, hẳn có thể mỉm cười với ký ức bao nhiêu điều sôi nổi của thời xuân xanh, và độ lượng hơn khi nghĩ về các khuynh hướng có thể rất khác nhau của một thời kỳ có thể nói là phức tạp nhất của đất nước Việt Nam cận đại.


      Điều đáng hãnh diện hơn hết của tất cả các thành viên Hội HSTVN, hay rộng hơn, của nền nghệ thuật tạo hình Việt Nam, chính là tài năng nở rộ trong một thời kỳ của cả một lớp người trẻ tuổi, mà nguyên nhân sâu xa nhất không thể bác bỏ được, chính là quan niệm tự do và khai phóng trong công tác đào tạo của chế độ miền Nam. Các thành tựu của những họa sĩ, điêu khắc gia trẻ trong thời kỳ ấy thực sự là những đóa hoa đầy hương sắc, mà Hội HSTVN như là cả một bó hoa lớn rực rỡ tập hợp các tài năng. Đó là kết quả và chứng tích của một nền giáo dục xứng đáng, trong một xã hội nhân bản.


      Câu chuyện Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam của thập niên 1960s, 70s ngoài việc đóng góp một số tài sản sáng giá cho gia tài nghệ thuật tạo hình nước nhà, ngoài việc là một kỷ niệm sâu sắc cho các thành viên của nó, vẫn còn có một ý nghĩa nào đó tích cực cho đất nước Việt Nam hiện tại.


      Trịnh Cung

      (Tháng 11 năm 2012)
      Người Việt, Giai Phẩm Xuân Quý Tỵ, 2013

      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022


      Cùng Tác Giả

      Cùng Tác Giả:

       

      - Lê Chiều Giang và ‘Không Đứng Mãi Trong Tranh’ Trịnh Cung Tản mạn

      - Hoạ sĩ Nguyễn Lâm phục chế một tác phẩm sơn mài của nhà danh hoạ Nguyễn Gia Trí Trịnh Cung Nhận định

      - Xem ‘Việt Nam, Quá Khứ là Mở Đầu’ của Tiffany Chung Trịnh Cung Nhận định

      - Tôi đã vẽ như thế nào sau ngày 30 tháng Tư 1975? Trịnh Cung Hồi ức

      - Lâm Triết, ngôi sao hội họa hiện đại Việt Nam một thời vừa tắt Trịnh Cung Tạp luận

      - Nghệ thuật tạo hình Việt Nam hiện đại của Huỳnh Hữu Ủy Trịnh Cung Nhận định

      - Xem và Đọc Lại Duy Thanh Trịnh Cung Khảo luận

      - Nhớ Về Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam Trước 1975 Trịnh Cung Tạp bút

      - Những Kỷ Niệm Về Lê Thành Nhơn Trịnh Cung Nhận định

      - Hồn Sài Gòn trong từng món đồ cũ Trịnh Cung Tạp bút

    3. Link (Hội Họa Sĩ Trẻ VN) Ad-31 Ad-31 = QC_250-250 (Học Xá)

       

      Bài viết về Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam

       

      Nhớ Về Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam Trước 1975

       (Trịnh Cung)

      Tản Mạn Về Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam (Nguyên Khai)

      Ngọn Lửa Pilot Vẫn Liên Tục (Nguyễn Đồng)

      Các Thành Viên Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam (Người Việt)

      Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam, một thời nhớ lại

       (Phan Nhiên hạo phỏng vấn)

       
      Chuyên Mục Hội Họa (Học Xá) Ad-31 Ad-31 = QC_250-250 (Học Xá)

       

      Hội Họa

       

      William Alexander & Họa Phẩm Về Đàng Trong

      (Nguyễn Duy Chính)

       

      Họa sĩ và Nhiếp ảnh gia:

       

      Nhiếp ảnh gia:

      Nguyễn Cao Đàm, Trần Cao Lĩnh,

      Nguyễn Ngọc Hạnh, Hương Kiều Loan

       

      Trường Vẽ Gia Định (truongvegiadinh.blogspot)

       

      Link (Nhiếp Ảnh)
  2. © Hoc Xá 2002

    © Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com)