1. Head_
    Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Hơn nửa thế kỷ hội họa Việt Nam qua phòng triển lãm Mùa Xuân 93 (Trần Hồng) Ad-21 Ad-21 (Google - QC3) (Học Xá)

      20-10-2020 | HỘI HỌA

      Hơn nửa thế kỷ hội họa Việt Nam qua phòng triển lãm Mùa Xuân 93

        TRẦN HỒNG
      Share File.php Share File
          

       

      • Lần đầu tiên, một cuộc triển lãm quy mô tại hải ngoại, quy tụ họa sĩ từ Âu Châu, Canada và khắp các tiểu bang Hoa Kỳ • 32 họa sĩ, 3 điêu khắc gia, hơn 50 tác phẩm hội họa và điêu khắc • Đủ các trường phái, từ Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương tới các họa sĩ Việt tốt nghiệp tại Mỹ • Đủ các kỹ thuật hội họa từ sơn mài, lụa, đến độc bản và etching • Một công trình triển lãm gây ngạc nhiên cho giám đốc bảo tàng viện Bowers.

       

      Từ trái qua: (Hàng 1) Nguyễn Thị Hợp, Suzie Vương, Bé Ký, Lê Chi,

      Dương Văn Hùng, Hồ Anh, Nghiêu Đề, Khánh Trường, Hồ Thành Đức.

       (Hàng 2) Nguyễn Đồng, Lại Hữu Đức, Ngô Bảo.

      (Hàng 3) Nguyễn Thành Cung, Nguyễn Văn Trung, Lê Đình Điểu,

      Nguyễn Thượng Hiệp, Nguyên Khai, Duyên Hà (Lê Phục Thủy), và Nguyẫn Văn Thành.

      Phía trước là hoa phong lan của N'go Orchids.

      Phía sau là tranh của Ngô Bảo, Nguyễn Siên, Hiếu Đệ, Nguyễn Đồng và Nguyễn Thị Hợp.

      (Ảnh của Lý Kiến Trúc, chụp ngày 19-1-1993).


      Tới giờ thì cuộc Triển Lãm Mùa Xuân 1993 do Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ tổ chức đã bế mạc, nhưng tôi vẫn còn giữ nguyên những cảm giác mạnh khi đi xa trên 50 tác phẩm nghệ thuật của hơn 30 họa sĩ và điêu khắc gia trưng bày tại đây.

       

      Đó là không kể những chậu lan duyên dáng và giá trị của một nhà trồng lan quốc tế, làm tăng vẻ trang nhã của phòng tranh.

       

      Cảm giác mạnh đầu tiên là phòng Triển Lãm Mùa Xuân 93 tập trung tác phẩm của các họa sĩ từ nhiều nơi trên thế giới. Từ Pháp có Lê Tài Điển, Nguyễn Cầm, Thái Tuấn, Đan Mạch có Nguyễn Siên, Canada có Nguyễn Quốc Tuấn. Phạm Thế Trung, và từ các tiểu bang trên đất Hoa Kỳ: Illinois, Massachusetts, Virginia, Michigan, Utah, Texas, Maryland... Và tất nhiên, rất nhiều họa sĩ ở California.

      Một cuộc triển lãm tranh, tượng Việt Nam có tính cách "quốc tế" như vậy mà tổ chức được ở bên ngoài quê hương chúng ta thật là một dịp hiếm có. Đó là một cơ hội họp mặt “ta lại gặp ta" đầy hứng khởi, với không khí vui vẻ, tưng bừng khi các họa sĩ, điêu khắc gia và thân hữu của Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ gặp nhau tại phòng tranh.


      Cảm giác mạnh thứ hai, là người xem tranh được chứng kiến sự hiện diện của hơn nữa thế kỷ hội họa Việt Nam trong một cuộc trưng bày.


      Mặc dầu không đủ đại điện của hết thảy các thế hệ họa sĩ Việt Nam, nhưng phòng tranh có họa phẩm của những lớp đầu trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương ở Hà Nội, như họa sĩ Nguyễn Siên, Thái Tuấn, của bậc thầy trường Quốc Gia Mỹ Thuật Gia Định như họa sư Ngô Bảo, tốt nghiệp École des Beaux Arts ede Marseille, cho đến các lớp họa sĩ tu nghiệp và tốt nghiệp tại Pháp khác như Lê Tài Điển, Nguyễn Cầm, Thái Bá, hoặc tại Mỹ như Chung Thanh Thủy, Bich Thủy Reed, Suzie Vương, Nguyễn Việt, Lê Chi...


      Rất nhiều người trong số này đã từng triển lãm tranh tại nhiều nơi trên thế giới: Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Ba Lan, Algeria, Canada, Nhật Bản, Ấn Độ, Đài Loan, Phi Luật Tân, Nam Dương, Thái Lan, Lào, Sri Lanka, Mã Lai Á và Ba Tây. Trên đất Mỹ họ đã trưng bày tranh tại phòng triển lãm các trường đại học và bảo tàng viện, đặc biệt là cuộc triển lãm lưu động sắp tới kéo dài ba năm của bảo tàng viện Smithsonian, Washington DC.


      Phần lớn các họa sĩ tham dự triển lãm tốt nghiệp từ các trường Mỹ Thuật, nhưng cũng có nhiều họa sĩ tự đào luyện, và tự tạo cho mình một chỗ đứng trong làng hội họa và điêu khắc


      Sự hiện diện rộng rãi như vậy dẫn tới một cuộc họp mặt hết sức phong phú của các thể họa (styles). Tôi như cô bé Alic đi lạc vào thế giới Huyền Diệu, từ những nét vẽ rất cổ điển đượm màu ấn tượng trong bức Nguyệt Cầm của họa sĩ Nguyễn Siên tới sự thực hiện có vẻ cực đoan trong tác phẩm Quê Hương Là Hơn Cả của Lê Chi.


      Tác phẩm của Lê Chi, một họa sĩ hoàn toàn học và tốt nghiệp hội họa tại Hoa Kỳ, không phải là sơn mài, sơn dầu, lụa, hay ấn họa, mà là một tác phẩm hỗn hợp (mixed media), đắp nổi, màu sắc dữ dội, với một mái tranh, những người lính plastic và cả một cậu bé nhựa rung lên bằng “pin". Mặc dầu sinh trường tại Mỹ, toàn bộ họa phẩm của Lê Chi thể hiện một quê hương quằn quại chiến tranh,


      Người xem tranh cũng được thưởng thức những nét vẽ và màu sắc hết sức Á Đông trong hai họa phẩm Tuổi Con RồngMẹ Con của Hồ Anh, những bức màu nước trên lụa đặc biệt Việt Nam của Chung Thanh Thủy (Hoa Dâm Bụt), Bích Thủy Reed (Cầu Nguyện), Nguyễn Mal Phương, cũng như những hình dạng và bố cục phảng phất lối vẽ của họa sĩ tiền bối Mai Trung Thứ trong ba bức tranh của Nguyễn Thị Hợp và Nguyễn Đồng (Đầu Năm Khai Bút, Hội Tết, và Hái Lộc Đầu Năm).


      Trong loại này, tôi thích nhất là bức Thênh Thang Đồng Nội của Nguyễn Mai Phương (Utah), màu nước trên lụa, vẽ hai em bé ngả nghiêng thả diều trong một khung tranh chật chội, nhưng vẫn mang lại cho người coi cái cảm giác rộng rãi, phóng khoáng của trẻ mục đồng nơi thôn dã.



         Lối Mòn Cỏ Nhạt Màu Sương
      (Thái Tuấn)

      Người ta cũng tìm thấy lại nét lãng mạn theo phong thái nhóm Sáng Tạo ngày xưa trong tác phẩm Lối Mòn Cỏ Nhạt Màu Sương của Thái Tuấn.


      Trong khuynh hướng trừu tượng người xem tranh được thưởng thức sự phối hợp vững chải của màu sắc, đường nét Tây Phương trong bối cảnh, và nội dung Việt Nam qua hai bức Chăn Trâu của họa sư Ngô Bảo. Cạnh đó là những bức trừu tượng của Lê Tài Điển (Bố Cục), Nguyễn Cầm (Vết Chim Bay), Cao Bá Minh (Giao Hưởng Màu Cam), và hai bức của Nguyễn Quốc Tuấn (Bến Trăng).


      Tôi rất yêu bức Bến Trăng của Nguyễn Quốc Tuấn, với một vầng trăng trắng, một cánh thuyền vàng, trời nước mênh mang xanh đậm và những nét đen dọc ngang chằng chịt của một bến thuyền trong trí tưởng.


      Một trong những thích thú của người đi xem Triển Lãm Mùa Xuân 93, là được thấy sự chuyển đổi, tiến tới, của những họa sĩ quen thuộc trong nhóm Họa Sĩ Trẻ ở Việt Nam ngày xưa, mà ngày nay tất cả đều đã ở tuổi lưng chừng đồi 40, 50.


      Nguyên Khai với bức sơn dầu Giọt Nước, bước hẳn ra ngoài sở thích cố hữu của anh là thiếu nữ và ngựa. Với bức Ngày Và Đêm, Nguyên Khai đang chuyển sang thể họa độc bản (bản vẽ ấn hoa duy nhất), với nội dung và đường nét rất mới, thể hiện cuộc sống rất "Hoa Kỳ.


      Hồ Thành Đức từng rất thành công với những họa phẩm giấy dán (collage), nay vẫn đi mạnh trên đường đó với bức Tình Yêu, kèm theo một bức sơn mài Bát Âm. Bé Ký thì đã rời hẳn thể phác họa đơn sơ để sang lối vẽ đầy đặn, mặc dù vẫn không dứt bỏ những nét đặc thù cũ của Bé Ký.


      Đặc biệt, Bé Ký (Mẹ Con, Hoa Sen) và Nghiêu Đề (Vườn Quê Hương, Huyền Thoại), cũng như nhiều họa sĩ Việt Nam khác sang tới Mỹ, đều sử dụng những chất liệu sơn mài (lacquer) mới của tây phương để tạo nên những màu sắc rất mới không thể có trong sơn mài Việt Nam, như màu xanh. Riêng họa sĩ Hiếu Đệ rất quen thuộc ở Sài Gòn, định cư tại Michigan, Hoa Kỳ, thì vẫn giữ những màu đỏ cũ, và vỏ trứng trắng, và xà cừ, trong hai tác phẩm Cô Gái Miền TâyChợ Đình Làng.


      Trong số các Họa Sĩ Trẻ (giờ thì không trẻ lắm) có tranh tại cuộc Triển Lãm Mùa Xuân 93, có lẽ tôi thích nhất Đinh Cường. Anh định cư tại Virginia từ năm 1989. Trước 75, anh có nhiều bức ấn tượng đượm mầu lãng mạn của một quê hương Việt Nam thơ mộng và một xứ Huế tình tứ. Nhưng từ khi tới Mỹ, tôi thấy các tác phẩm của anh sắc, đậm, và sâu hơn, như có những nét cào cấu đâu đó. Tôi bày tỏ ý nghĩ này khi gặp anh ở Virginia, Đinh Cường cười, nói "cũng phải có thay đổi chứ".


      Ta tìm thấy sự chuyển đổi này trên hai tác phẩm trừu tượng Đinh Cường trưng tại phòng tranh: Đá ChẻChim Lạ. Riêng nhan đề của hai bức tranh cũng đã nói lên tâm trạng dồn nén của người nghệ sĩ trên một vùng đất xa xôi với tâm hồn mình. Nhất là bức Chim Lạ, với một bóng chim đậu hờ lên một mảnh đại lục nào đó của nửa vành địa cầu có vầng trăng nhìn xuống. Nét vẽ mạnh, màu sắc nóng và đối chọi.


      Nói về sơn dầu, không thể không nhắc tới Khánh Trường, người nghệ sĩ tài hoa về cả văn, thơ, họa, có đặc điểm mà ai cũng biết là anh sống rất thật với cuộc đời và lòng người. Trước đây Khánh Trường đã có một cuộc triển lãm gây xôn xao dư luận Quận Cam với toàn bộ họa phẩm thiên về tình dục gồm những hinh người nữ khỏa thân.


      Nhưng lần này Khánh Trường mang tới phòng Triển Lãm Mùa Xuân 93 một Bông Hồng Trắng rất hiền hòa. Họa phẩm sơn dầu này trông tưởng như đơn giản với những tảng màu đen, đỏ, lớn và phẳng, nhưng những nét dao vẻ như chém xéo, như xẻ dọc lên nền màu đỏ, tỏ lộ một tâm hồn không bình dị trong những nét cọ quện trắng: bông hồng của anh...


      Vẽ kỹ thuật, cả hai họa sĩ đứng riêng hai cõi là Nguyễn Văn Mộch, và Nguyễn Việt.


      Nguyễn Văn Mộch dùng bút lửa đốt vẽ những nét rất tỉ mỉ lên gỗ để tạo thành họa phẩm Trường Xưa. Với một bố cục vững chãi và cổ điển, Trường Xưa ghi lại cảnh lớp học của thầy đồ già với các chú học trò để chỏm bỏ quanh. Chất liệu, đường nét, bố cục đó khiến Trường Xưa thực sự là tiêu biểu cho những gì rất Việt Nam một thời đã qua.


      Nguyễn Việt là một họa sĩ thành công trong môi trường hội họa Hoa Kỳ. Ngoài tài năng riêng, một phần sự thành công này có lẽ nhờ vào kỹ thuật và thể vẽ của anh. Tốt nghiệp Quốc Gia Cao Đẳng Mỹ Thuật Việt Nam, nhưng theo học nhiều năm về hội họa tại Hoa Kỳ, Nguyễn Việt là một trong số rất ít họa sĩ Việt đi được vào “giòng chính” (main stream) của Mỹ.


      Hai bức Trầm Tich 1Trầm Tích 2 trưng bày tại phòng triển lãm được Nguyễn Việt dùng kỹ thuật gọi là “sculpture etching", dịch nôm không trọn nghĩa là “ép nổi”. Họa sĩ đắp bột giấy lên một bức trạm nổi. Bột giấy khô lại thành một tờ với nhiều hình khối theo cảm hứng của hoa sĩ. Màu sắc vẽ trên đó hoàn tất họa phẩm.


      Trầm Tích 1Trầm Tich 2 đưa ta trở về với cuộc sống và khung cảnh thực tại của nghệ thuật mới đang vây quanh chúng ta, trên đất Mỹ.


      Chính vì những gập ghềnh, khó khăn trên con đường đi vào nhịp sống nghệ thuật của miền đất lưu vong này, nên những cánh chim trên đất lạ, những họa sĩ và điêu khắc gia Việt Nam, đã rất mừng vui gặp nhau trong cuộc Triển Lãm Mùa Xuân 93, "ta lại gặp ta”. Như một khách xem tranh nói rằng: “Tôi đã đi xem nhiều cuộc triển lãm, nhiều phòng tranh và nhiều bảo tàng tại Mỹ, mà không bao giờ hội nhập được. Bước vào phòng tranh Triển Lãm Mùa Xuân 93, tôi gặp được tầm hồn mình, tìm lại được quê hương mình."


      Một người xem tranh khác nói rằng khi tổ chức cuộc Triển Lãm Mùa Xuân 93 này, Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ quả thực đã làm công việc “chúng ta đi mang theo quê hương”.


      Trong buổi cắt băng khai thạc ngày 9-1-93, ông Peter Keller, giám đốc Bowers Museum ở Santa Ana, tỏ га rất ngạc nhiên, không ngờ cộng đồng người Việt hải ngoại lại có một lớp họa sĩ tài năng phong phú như vậy. Và ông càng ngạc nhiên hơn khi được biết cuộc Triển Lãm Mùa Xuân 93 được sửa soạn trong vòng chưa tới bốn tháng, với một nguồn tài nguyên hầu như không có gì. Ông Peter Keller cho hay thông thường một cuộc triển lãm như vậy (với nhiều họa sĩ từ khắp nơi về tham dự) phải sửa soạn khoảng hai, ba năm.


      Ông ngỏ ý với Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ và việc sẽ cộng tác tổ chức một cuộc triển lãm tác phẩm của các họa sĩ Việt Nam tại Bowers Museum, trong vòng... hai, ba năm tới.


      Về phương điện điêu khắc, có năm bức tượng của ba điêu khắc gia được trưng bảy.


      Lại Hữu Đức là một nghệ sĩ và nhiều môn: nhiếp ảnh, hội họa và điêu khắc, Trong cuộc Triển Lãm Hội Họa Mùa Xuân 93 này, điêu khắc gia Lại Hữu Đức đóng góp hai bức Trầm LặngHòa Điệu bằng "minh ngọc thạch" (alabarter).



          Trầm tư (Nguyễn Ngọc Nhâm)

      Nguyễn Ngọc Nhâm trưng bày hai tác phẩm bằng xi măng đắp Cùng VaiSầu Viễn Xứ. Sầu Viễn Xứ mô tả dáng người ngồi gục xuống với những vòng quấn vào nhau trong một mầu đậm u sầu nặng chĩu.


      Tác phẩm điêu khắc của Dương Văn Hùng, Bà Ô, là hình khối một người nữ đắp bằng giấy bồi màu trắng với nhiều màu nước vẽ trên đó.


      Sau hết, phải nói rằng phòng tranh Triển Lãm Mùa Xuân 93 đẹp hẳn lên với vườn lan do họa sĩ Ngô Bảo trình bày.


      Chính vì mức độ công tác rộng rãi của các họa sĩ với nhiều thể họa và tài năng khác nhau, nên việc phê bình phòng Triển Lãm Mùa Xuân 93 là một việc phức tạp và khó khăn. Cho nên đây không phải là một bài phê bình, mà chỉ là ghi lại những cảm giác riêng tư của một người yêu tranh khi đi xem phòng tranh giá trị này.


      Triển Lãm Mùa Xuân 93 do Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ tổ chức, tại Little Sài Gòn, Westminster, California, từ 9 tới 30-1-93.


      Trần Hồng

      Nguồn: Tạp chí Thế Kỷ 21 số 47, Tháng 3-1993

      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022


      Cùng Tác Giả

      Cùng Tác Giả:

       

      - Hơn nửa thế kỷ hội họa Việt Nam qua phòng triển lãm Mùa Xuân 93 Trần Hồng Tường thuật

    3. Chuyên Mục Hội Họa (Học Xá) Ad-31 Ad-31 = QC_250-250 (Học Xá)

       

      Hội Họa

       

      William Alexander & Họa Phẩm Về Đàng Trong

      (Nguyễn Duy Chính)

       

      Họa sĩ và Nhiếp ảnh gia:

       

      Nhiếp ảnh gia:

      Nguyễn Cao Đàm, Trần Cao Lĩnh,

      Nguyễn Ngọc Hạnh, Hương Kiều Loan

       

      Trường Vẽ Gia Định (truongvegiadinh.blogspot)

       

      Link (Nhiếp Ảnh)
  2. © Hoc Xá 2002

    © Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com)