1. Head_

    Nhật Ngân

    (24.11.1942 - 21.1.2012)

    Phan Nhự Thức

    (4.2.1942 - 21.1.1996)

    Trương Đình Quế

    (.0.1939 - 21.1.2016)
    Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Nhân Nghĩ Về Hội Họa (Thanh Tâm Tuyền) Ad-21 Ad-21 (Google - QC3) (Học Xá)

      13-2-2019 | HỘI HỌA

      Nhân Nghĩ Về Hội Họa

        THANH TÂM TUYỀN
      Share File.php Share File
          

       

      Tặng DT, ND, TT.


          Nhà thơ Thanh Tâm Tuyền
           (1936 - 2006)

      Hội họa mới bây giờ là trừu tượng vô hình dung (non-figuratisme) trong ấy lại chia làm nhiều đường lối khác nhau nhưng vì không thuộc phạm vi chuyên môn của tôi nên tôi không nhớ hết. Các họa sĩ cất công tìm tòi mọi cách thức phô diễn cho thật trung thành với tâm hồn mình. Không những họ chỉ thay đổi màu sắc đường nét hình thể - những nguyên tố căn bản của tác phẩm hội họa - mà họ muốn thay đổi đến tận gốc cái nghề vẽ như chế tạo thứ sơn riêng hoặc không dùng bút vẽ lại dùng ống tiêm hay những hòn bi lăn "cầu âu" hay dàng bàn chân, bàn tay v.v... Một họa sĩ Pháp ở ngay Saigon đã cho tôi biết có khi ông dùng sơn nhà cửa để vẽ tranh, có khi ông vẽ bằng cách nhúng chân vào thùng nước vôi rồi nhảy lên trên mặt vải đặt nằm dưới sàn và ông bảo đó cũng là những biểu hiện có nhiều sắc thái giá trị.


      Trong những phòng triển lãm của các bạn tôi, trước những bức tranh trừu tượng của Duy Thanh và Ngọc Dũng, nhiều khán giả đã thành thực nhờ tôi giảng nghĩa cho họ hiểu. Nếu lẩn tránh không được, tôi đành thú thực rằng tôi cũng mù tịt như họ vậy. Những người ấy được dịp khoái trá bảo rằng: thơ tự do mà cũng không hiểu nổi tranh lập thể sao? Tôi không muốn phê bình ở đây cái thái độ độc đoán ném tất cả những gì mình không ưa về cùng một phía. Tôi chỉ muốn lưu ý sự nguy hiểm tai hại cho nghệ thuật - cho văn hóa - là sự quá đơn giản trong tư tuởng kết quả của trí thức ấu trĩ.

      *

      Tôi nói thẳng là tôi không đồng ý về hội họa trừu tượng vô hình dung. Không phải tôi sẽ lên giọng một nhà trí thức tiến bộ để tuyên bố đó là sản phẩm của một thứ tinh thần bế tắc hoang mang, một thứ quái thai của xã hội trụy lạc. Giả thử là như vậy chăng nữa thì vấn đề cũng không phải là gạt bỏ dễ dàng quá thế đâu. Tư tưởng nghệ thuật nào chẳng xây dựng trên những điều kiện xã hội, nhưng đó chỉ là điểm khởi đầu không phải điểm tận cùng. Nghệ phẩm mang trong nó những điều kiện ấy để thành hình và đời sống của nó bắt đầu khi thoát khỏi được những điều kiện ấy. Nói như  Malraux thì bảo nghệ phẩm là  những hóa thân (métamorphoses) qua thời gian. Do đó hội họa mới là ý muốn giải thoát ra khỏi một tình trạng bế tắc khủng hoảng của các họa sĩ.


      Ý muốn khi đã thể hiện thành tác phẩm - một loại hành động - là tích cực, nghĩa là trong một giới hạn nào người nghệ sĩ đã tự vượt khỏi tình trạng khủng hoảng trong nội tâm. Bởi vậy không thể vô lý phán đoán người ta ở một chỗ mà người ta đã vượt qua. Tất nhiên tôi loại bỏ những người coi và làm tắc phẩm như những hành vi điên rồ vô ý thức.


      Tôi đặt câu hỏi họa phái trừu tượng muốn đạt tới điều gì?

      Câu trả lời thứ nhất: người ta muốn diễn tả những trạng thái tâm hồn một cách trực tiếp và trung thành, hình thể ngoại vật là những chướng ngại cần tiêu trừ, sự phối hợp đường nét và sắc màu thuần túy sẽ gây những xúc động cũng thuần túy không cần lý trí của người xem tranh. Sự thực thì thế nào? Người ta phải nhận rằng giữa tâm hồn của họa sĩ và tấm vải nhằng nhịt màu sắc kia là hai thế giới cách biệt không có một giây liên lạc nào bền vững ngoài sự xúc động thoáng qua mà ngay chính họa sĩ sẽ quên đi về sau này. Rồi sự xúc động đã được thể hiện bằng cách trừu tượng ấy lại một lần nữa chuyển vào tâm hồn người xem - một thế giới cách biệt nữa - thì hỏi nó có còn trung thành với tác giả hay không. Mỗi người cảm theo một cách, không sao hết, chỉ làm giàu tác phẩm mà thôi. Tôi không thể công nhận lý lẽ ngụy biện ấy. Không gì thất bại và xỉ nhục cho một tác giả bằng, người ta hiểu sai lạc ý nghĩa tác phẩm của mình. Tận gốc rễ câu trả lời thứ nhất của họa phái trừu tượng biểu tỏ một quan niệm quá giảa đơn về nghệ thuật. Tôi cho không có cái định nghĩa nghệ thuật văn chương nào ấu trĩ hơn là cái định nghĩa này: văn chương nghệ thuật là sự phô diễn những xúc động ở trong lòng của con người. Định nghĩa ấy dẫn đến trong hội hoa, họa phái trừu tượng vô hình dung, trong văn chương, một thứ văn chương lải nhải tình cảm (sentimentalism) - dù là tình cảm lành mạnh đi lên và gì gì nữa - Nghệ thuật là hành động siêu việt hóa con người trong chính đời sống thực của nhân loại. Những tác phẩm tầm thường là những tác phẩm chịu trói trong những cái vụn vặt tủn mủn hời hợt của đời sống.


      Nhưng cũng từ đó tôi phải xét câu trả lời sau này của họa phái trừu tượng: người ta muốn đạt đến cái thực tại của sự vật (essence des choses): người ta không muốn bị đánh lừa bởi cái hình tượng, người ta muốn bắt được cái chân tướng cái en-sol của mỗi vật vị thế giới hiện tượng đã bị khoa học xâm chiếm. Tôi hoàn toàn biểu đồng tình với cái ý muốn tốt đẹp ấy vì giá trị của nhà nghệ sĩ trong đời sống này là sự cố gắng không ngừng trong công cuộc tìm kiếm chân tướng của sự vật chung với các ngành hoạt động khác của nhân loại như khoa học triết lý đạo giáo. Nhưng tôi bác bỏ cách tim kiếm của họ phải trừu tượng vì nó vô ích, vô lý và phản nghệ thuật Chân tướng của sự vật không ở ngoài sự vật, nổ ở ngay trong mỗi sự vật và nó biến đối với sự vật.


      Không phải vì kỹ thuật khoa học văn minh có thể chế ra những máy chụp hình tinh vị tô màu như thực nền hội họa phải chạy trốn vào trừu tượng. Máy ảnh có thể chụp đúng hình thể của sự vật nhưng không thể bộc lộ được chân tướng của sự vật. Và nên nhớ rằng nghệ thuật không phải là triết lý: triết lý là tìm tòi chân tướng sự vật bằng cách xây dụng trừu tượng của lý trí; nghệ thuật là cách xây dựng cụ thể của đời sống. Do đó trong danh từ nghệ thuật tự nó đã loại trừ danh từ trừu tượng. Không thể bao giờ có nghệ thuật trừu tượng, nghệ thuật trừu tượng là nghệ thuật nghèo nàn phải tự lừa dối cũng như không có triết lý nào là triết lý thực tế, triết lý thực tế là triết lý phàm tục vô giá trị.


      Hoa sĩ trừu trường còn có thể coi tác phẩm của mình là một hành động nổi loạn không chấp nhận xã hội, đời sống. Nghệ phẩm là sự chống đối bi đát của những người cố gắng tự do với những lực lượng mù quáng muốn chế ngự khuôn đúc con người, đó là lời nguyền rủa hằn học ném lên thành màu sắc hay đó cũng là thứ tự do vô lý nhưng thuần túy nhất. Nổi loạn là không chấp nhận đời sống hiện tại khi thấy trong cái đời sống ấy minh bị đày ra ngoài, thay đổi nó để trong đời sống sắp tới đây minh được quyền sống. Nổi loạn là một hành động đòi được gia nhập đời sống: kẻ nô lệ nổi loạn đề đòi quyền sống như những người tự do. Như thế nổi loạn là điều kiện sáng tạo. Nếu nổi loạn chỉ là sự phá hoại thuần túy thì người ta không thể không nhận rằng sự phá hoại thuần túy nhất là hủy diệt ngay đời sống bản thân của mình, nghĩa là tự tử.


      Hội họa trừu tượng là một hủy thể thuần túy. Người xem không tìm thấy ý nghĩa nào ngoài sự đổ vỡ hoàn toàn của mọi hình thể, sự rối loạn vô định của đường nét. Nghệ phẩm bao giờ cũng là tiếng nói của một người nhất định nói với những người sống chung. Tiếng nói ấy cần thiết cho người nói cũng như người nghe. Nó phải là giọng của một người - có thể ấm áp, có thể gay gắt - không vô nghĩa điên khủng. Cẩn thận là đôi khi một người muốn gói ghém sự thật đã lấy giọng điên khùng để nói nhưng hắn chỉ giả bộ điên chứ không điên thật. Lời nói của người điên vô giá trị. Tôi tìm nghe lời nói của người cùng chịu đày ải như tôi, cũng chối từ cái thế giới vô nhân đạo này và đưa nhau tìm về cái đời sống của loài người, hội họa trừu tượng dẫn tôi đến nơi xa vắng vĩnh viễn loài người. Các nhà nghệ sĩ "chính thống" sẽ kêu rằng tôi đã hạ giá nghệ thuật khi bắt nó phải theo đuổi một mục đích. Nếu nô lệ hóa bắt nghệ thuật phục vụ một mục đích ở trên nó, phân biệt với nó - dù đó là một lý tưởng cao thượng đến bực nào - tôi cũng là người không bao giờ chấp nhận. Nghệ thuật chỉ là phương cách đạt đến đời sống nhân loại. Đời sống nhân loại không phải ở thế giới siêu nhiên không phải ở thế giới tương lai, nó là hiện tại phải sửa đổi. Nghệ thuật không phải là cách siêu thoát khỏi đời sống, cũng không phải là sự phủ nhận hiện tại bằng một tương lai không tưởng, nó vùng vẫy trong hiện tại và mang theo hiện tại cùng với sự phóng tới của chính nó.


      Tôi biết những nhà nghệ sĩ chân chính đều ao ước tạo thành những tác phẩm bất hủ, những tác phẩm vượt ngoài không gian và thời gian. Điều ao ước ấy không có gì đáng chê trách. Chỉ đáng chê trách khi điều ao ước ấy bị mang rao bán làm một thứ chiêu bài che đậy cho những người đã tách lìa khỏi hiện tại và nghệ thuật chỉ còn là hình thức nghèo nàn. Tác phẩm bất hủ là điều ao ước thầm kín của mỗi nghệ sĩ, nhưng sự trở thành của tác phẩm vượt ngoài ý muốn của tác giả. Rêu rao một thứ nghệ thuật ngoài không gian và thời gian là tự lừa dối mình và lừa dối người. Khi mang điều ao ước thầm kín không thể thổ lộ nói trên của người nghệ sĩ ra làm một khẩu hiệu là chứng tỏ sự kiêu ngạo của kẻ nông cạn. Vì làm một tác phẩm mà nhắm một mục đích ngoài tác phẩm ấy là làm nghèo nàn tác phẩm. Một tác phẩm được tạo thành với chủ đích vượt ngoài thời gian và không gian chỉ là thứ đời sống hời hợt ở trên bề mặt. Tác phẩm đi vào lòng hiện tại không phải sẽ vô giá trị với thời gian và không gian trái lại nó có thể đạt được tới bề sâu của đời sống. Nhưng nói như thế không phải tôi nghĩ các nghệ sĩ phải sáng tác với những đề tài hợp thời, đời sống hiện nghi các nghệ sĩ phải sáng tác với những đề tài hợp thời.


      Đời sống hiện tại không phải chỉ giản lược trong một vài vấn đề chính trị kinh tế xã hội hay triết lý. Đời sống này là tấn thảm kịch, tấn thảm kịch ấy không hề in những bản đồng dạng vào tâm hồn mọi người, mỗi người sống tấn thảm kịch ở một phương diện khác nhau. Tấn kịch biến dạng vô lường ở nhà nghệ sĩ, nên không bắt buộc tác phẩm là bản dịch trực tiếp của một vấn đề nào đó. Bởi vậy tôi không thể nào đồng ý với một nhà phê bình gần đây đã phân tích các tác phẩm của các nhà văn Việt Nam bằng cách tìm ở trong ấy những ý tưởng triết lý thịnh hành của Sartre và Camus. Trừ những tác phẩm mô phỏng cóp nhặt không kể làm gì, mỗi tác phẩm đứng đắn là một đời sống độc đáo mà nhà phê bình phải tìm thấy những nét phân biệt - Nhà phê bình phải nhận ra những tác phẩm của hiện tại và những tác phẩm ở trong hiện tại.


      Tóm lại nghệ thuật không trói mình trong hiện tại cũng không bay trên một cõi vô hình. Nó lấy đà từ hiện tại để ôm theo hiện tại trong cuộc hành trình tìm về đời sống nhân loại.


      *


      Trở về hội họa trừu tượng, chúng ta có thể công nhận nó là một nghệ thuật trang trí có giá trị. Quang cảnh các phòng khách, các tửu quán sang trọng, vải vóc của phụ nữ nhờ màu sắc và bố cục phóng túng của hội họa trừu tượng trở nên mỹ thuật hơn xưa. Nhưng nếu chúng ta nói điều ấy với các họa sĩ trừu tượng họ sẽ không bằng lòng. Như thế có nghĩa là hội họa trừu tượng muốn mình là một thứ gì cao thượng hơn là một món trang điểm tầm thường. Hội họa trừu tượng muốn được nhận là nghệ thuật đúng với ý nghĩa của danh từ. Nhưng tôi đã chứng minh ở trên hội họa trừu tượng lạc đường và tự nó đánh rơi nó xuống hàng nghệ thuật trang trí. Chỉ trừ khi bằng tầm mắt thiển cận người ta khăng khăng cho rằng mục đích của nghệ thuật là làm đẹp là tô điểm - làm dáng - cho đời sống. Với quan niệm này hội họa là vẽ thế nào cho đẹp (?), văn chương là viết thế nào cho hay (?).


      Tôi thấy khỏi cần phải biện luận tìm hiểu đến cùng xem như thế nào gọi là đẹp, như thế nào gọi là hay, để gạt bỏ quan niệm trên. Người ta ai cũng phải nhận rằng nghệ thuật không phải chỉ cốt làm đẹp. Nghệ thuật là hình thức biểu diễn đời sống, mục đích là đạt đến đời sống thực. Tôi nhắc lại không phải đời sống lý tưởng - thật đẹp - chưa có và không có, đó là đời sống đã nhập thể trong hình thức là hiện tại. Giá trị của nghệ thuật được sánh với khoa học triết học là ở chỗ nó cũng là một ngành hoạt động tinh thần của loài người theo đuổi mong bắt gặp đời sống biến động không ngừng của nó.


      Vì nghĩ nghệ thuật chỉ là đẹp nên người ta đã chẳng ngớt lời ca tụng những họa sĩ, văn sĩ tý hon là những thiên tài của nghệ thuật. Tôi không chổi rằng trước những họa phẩm, những đoạn văn của trẻ em tôi cũng thấy vui mắt vui tai. Nhưng gán cho các em danh từ nhà nghệ sĩ quả là oan uổng và tội nghiệp cho các em ấy. Vì khi các em vẽ hay viết, các em hồn nhiên như chơi đùa không có một chủ tâm. Trừ trường hợp đặc biệt được một bậc đàn anh dẫn dắt (!) các em có chủ ý làm nghệ thuật, lập tức bức vẽ bài văn của các em sẽ hỏng ngay. Giản dị lắm, nghệ thuật không phải là một trò đùa của trẻ con. Tôi bảo thủ lập trường này của tôi nên chẳng khi nào tôi trả lời thư của các học sinh gửi đến tỏ ý muốn viết văn. Tôi nghĩ có thể dùng nghệ thuật - tập vẽ, tập viết, tập nhạc - làm phương tiện giáo dục tâm hồn trẻ em nhưng khuyến khích trẻ em làm nghệ thuật với bộ mặt nghiêm chỉnh là đầu độc chúng.


      Vì nghĩ văn chương là cốt viết cho "hay", người ta đã viết những tác phẩm giá trị ở những đoạn tả cảnh tả tỉnh thật tinh vi tế nhị, một thử văn chương có thể đặt tên là văn chương của bài tập đọc, luận màu cho học trò. Những đoạn văn như thế có thể được trích giảng trong lớp. học hết đời này đến đời khác làm kiểu mẫu, nhưng nếu chỉ có ngần ấy thôi không hơn nữa, không thể bảo tác giả những đoạn văn Ấy là những nhà văn có giá trị được. Tôi nghĩ rằng toàn bộ tác phàm của một nhà nhà văn có giá trị được. Tôi nghĩ rằng toàn bộ tác phẩm của một nhà vẫn phải hợp thành khuôn mặt của nhà văn ấy, thời gian qua đi rất xa hằng vài thế kỷ có khi người ta không đọc tác phẩm của nhà văn ấy nữa - nhưng khuôn mặt kia vẫn không phai mờ luôn luôn hiện diện, đó là một nhà văn giá trị vậy.


      Tôi rất kính trọng những nhà văn thành thực không muốn thần thánh hóa công việc làm của mình, chỉ coi việc viết sách là một nghề như những nghề đứng đắn khác trong xã hội. Nhưng tôi không chịu được những người giả bộ ngây thơ coi việc viết văn là một nghề - chỉ cần làm tốt, làm đẹp - để che đậy cái thái độ tách lìa khỏi hiện tại của họ. Tôi công nhận nghệ thuật là một nghề như mọi nghề khác khi tôi hiểu rằng muốn làm được nghệ thuật người ta cũng cần học hỏi luyện tập như tập sự bất cứ nghề gì. Đến đó thôi. Khi những nhà nghệ sĩ chân chính để bảo đảm sự thành thực của tác phẩm đã mang sinh mệnh chính minh ra thách đố thì lúc ấy nghệ thuật không còn là một nghề nữa, nó là hành động siêu việt của nhân loại trong cuộc tìm kiếm đời sống chính đỉnh. Và kẻ thống trị khi xử tội các nhà nghệ sĩ chân chính ấy, đã công nhận nghệ thuật là tiếng nói trung thành của đời sống nhân loại mà chúng muốn bóp nghẹt, hủy diệt. Những kẻ thống trị bao giờ cũng hài lòng với các nghệ sĩ quay mặt lại với hiện tại với đời sống - có thể là chỉ dám nhìn hiện tại bằng con mắt giả - vì đó là những đồng lõa của chế độ. Nghệ thuật không nhắm vào làm cho đẹp, nghệ thuật muốn chiếm được sự thật cụ thể. Nghệ thuật không tô son vẽ phấn cho đời sống, nghệ thuật bắt đời sống phải hiện nguyên hình.


      Đời sống không bao giờ xua đuổi nghệ thuật, chỉ có những kẻ muốn mang nghệ thuật ra khỏi đời sống, để dễ bề thao túng đời sống. Nên mỗi tác phân phải là một hành động đòi gia nhập - một chặng trên đường trở về đời nhân loại - không phải là một hình thức bỏ trốn.


      Thanh Tâm Tuyền

      Sáng Tạo số 26, tháng 11, 1958

      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022


      Cùng Tác Giả

      Cùng Tác Giả:

       

      - Nhân Nghĩ Về Hội Họa Thanh Tâm Tuyền Tạp luận

    3. Chuyên Mục Hội Họa (Học Xá) Ad-31 Ad-31 = QC_250-250 (Học Xá)

       

      Hội Họa

       

      William Alexander & Họa Phẩm Về Đàng Trong

      (Nguyễn Duy Chính)

       

      Họa sĩ và Nhiếp ảnh gia:

       

      Nhiếp ảnh gia:

      Nguyễn Cao Đàm, Trần Cao Lĩnh,

      Nguyễn Ngọc Hạnh, Hương Kiều Loan

       

      Trường Vẽ Gia Định (truongvegiadinh.blogspot)

       

      Link (Nhiếp Ảnh)
  2. © Hoc Xá 2002

    © Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com)