|
Nhật Ngân(24.11.1942 - 21.1.2012) | Phan Nhự Thức(4.2.1942 - 21.1.1996) | Trương Đình Quế(.0.1939 - 21.1.2016) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Thái Tuấn, Sep 1992,
Orléans, France
Thái Tuấn hiền hòa mà sôi nổi, dường như trong ông có hai luồng "khí": hạo nhiên và vô vi, như một Công Trứ nằm trong Trang Tử. Đang hồn nhiên ngây thơ như đứa bé với chòm tóc bạc Tin Tin trước gió; mắt Thái Tuấn sáng rực lên khi bàn đến hội họa, khi tranh luận về cái đẹp, về nguồn cội nghệ thuật, về mối tương quan giữa hội họa và chữ nghĩa. Thái Tuấn, Phạm Tăng là hai họa sĩ có những tra vấn sâu sắc về họa hình, họa lý. Thái Tuấn, Mai Thảo không chỉ là những người cùng chung một thế hệ mà còn chung một phong cách: không khoan nhượng về ý chí, tư tưởng, nhưng nhân nhượng trước mọi nhỏ nhoi, toan tính của con người.
Tranh Thái Tuấn khởi đi từ thân chất ấy, một nghệ sĩ nhàn du, rong chơi, hòa với đời với mộng: Họa sĩ tài tử. Tranh Thái Tuấn gồm những nét đơn, màu đơn, đến gần như tuyệt đối. Ông hay nhắc đến bức tranh trắng của Malevitch, bởi cái trắng ấy gần với tâm hồn ông và cũng là đỉnh nghệ thuật mà ông muốn đạt: cõi không. Như Mai Thảo, cũng đã "tôi không". Cái trắng ấy cũng là cái đơn mạc mà Trang Tử thường nhắc nhở: nghệ thuật tiến tới sự đơn giản tột cùng là đạt. Nhưng màu trắng, theo Kandinsky lại "gợi sư yên lặng đầy quyền uy ẩn giấu", và đó cũng là sự im lặng của Thái Tuấn trong tranh: màu trắng được giấu kỹ dưới những nền khác như xanh lá cây, xanh lơ, xanh tím, chỉ thỉnh thoảng mới lộ ra như một thứ quyền uy vắng mặt. Đó cũng là con người Thái Tuấn: dưới sự tĩnh lặng, hồn nhiên, ngây thơ là một sức mạnh, một định thần, một ý chí.
Hỏi về nền xanh trong tranh, ông trả lời: "Việc sử dụng màu xanh của tôi, do một thời kỳ tôi chỉ còn rất nhiều màu xanh; cứ sử dụng mãi rồi quen thuộc nắm vững được tính chất và khả năng của nó. Vả chăng tôi không thành công với những màu sắc lộng lẫy chói chan". (Trả lời phỏng vấn của chúng tôi trên RFI, năm 1991). Như vậy là tình cờ mà Thái Tuấn đến với màu xanh và ở lại, nhưng mọi ở lại đều có nghĩa: màu xanh trong tranh Thái Tuấn sau tình cờ là bản chất. Vẫn dựa vào kinh nghiệm Kandinsky một đời dùng màu, thì xanh lơ có nghĩa là: yên bình, trang nghiêm, ơ thờ; xanh ve: tĩnh lặng, ôn hòa, thụ động. Thái Tuấn có những "chất" ấy và ông "nhả" ra trong tranh.
Mỗi họa sĩ tạo ra thế giới của riêng mình. Thế giới của Thái Tuấn là thế giới phụ nữ. Thái Tuấn hay vẽ đàn bà, đúng ra ông vẽ một người đàn bà. Người ấy là cô Thái lúc chưa chồng, là bà Tuấn thời mới cưới. Hầu như tất cả những hình vóc phụ nữ trong tranh đều bước ra từ một dánh nét: người vợ. Chung tình. Khuôn mặt trái xoan, dáng dấp dỏng cao ấy chính là chị như chúng tôi thường gọi trong chỗ thân tình. Những năm 90, tóc chị đã trắng mà tôi vẫn mường tượng được mái tóc huyền của chị thủa trước; mái tóc mà họa sĩ đã khắc vào tác phẩm để lại với đời. Mắt trong tranh thường là hai nét đơn: một hình thuyền cho dáng mắt, một dấu huyền cho lông mày đủ tượng trưng cả một vùng "cửa sổ của linh hồn". Mắt ấy không hoàn toàn là của chị mà có "giao lưu": có con ngươi Thái Tuấn nằm trong thuyền chị.
Đôi mắt hiền dịu, đoan trang nhưng tiềm ẩn một thứ quyến rũ, buồn bã đến từ cõi khác. Cái buồn bã ấy, tôi đã thấy ở người chị dâu Hồ Dzếnh trong Chân trời cũ, ở Cô hàng xén của Thạch Lam, ở chị Trúc của Nguyễn Bính ... ở những bà Tú Xương xưa và nay. Thái Tuấn không vẽ Mai nửa chừng xuân, vì Mai "phải" là khuôn giăng đầy đặn; không vẽ Loan, vì Loan "phải" là sắc sảo; không vẽ Mùi, vì Mùi hơi "đĩ ngầm". Những người đàn bà trong tranh Thái Tuấn là hình chiếu từ chị, của chị, về chị, trên nền những năm tháng cũ. Tranh Thái Tuấn kiệm nét, chỉ vài vệt mà gây ám ảnh khôn nguôi. Vóc dáng nữ thường không có mũi: để người xem vẽ nốt những đường dang dở. Chính ở chỗ đó mà tác phẩm có sức ẩn hiện, biến thiên, khiến mỗi người có thể hình dung ra một hình bóng, một tâm sự, một bối cảnh riêng tư, thảng như:
- Trên nền năm tháng cũ, hình ảnh chị dâu tôi vẫn đứng, buồn bã với manh áo màu chàm cũ, mắt nhìn từ quãng trời xa về, bóng hoàng hôn mơ hồ ôm trùm lên sự vật.
- Người đàn bà buồn khổ sàng từng hạt tấm xuống nong, trong khi trời chiều sàng từng giọt hoàng hôn xuống tóc. - Gió tồi bận bịu trong chùm tre, một tấm lửa lung lay châm loe vào bóng đêm bất tận. (Hồ Dzếnh) - Tâm vội vã bước mau. Trước đình, sân gạch rộng đầy bóng tối và yên lặng, con sấu đá vẫn phục yên trên bệ ngoài, hình dáng quen thuộc quá. Bỗng cô dừng lại; cô xuýt va phải một người ở ngõ rẽ ra. (Thạch Lam)
Không gian nhá nhem, buồn bã, tĩnh lặng của Thạch Lam, Hồ Dzếnh nằm trong khí và hồn tranh, dù ông vẽ rạng đông, Orléans, hay một cánh rừng xa vắng. Cái không gian nhá nhem xanh ấy, dù hiện hữu hay không, luôn luôn bao trùm lên những người đàn bà trong tranh, như một thứ không gian huyền ảo, một thứ tâm gian u hoài, như thể họ bước ra từ Hồ Dzếnh, Thạch Lam, để ẩn hiện trên nền ký ức muôn thủa của những bóng tịch dương, những hồn thu thảo. Xem tranh Thái Tuấn là đọc hồn Thái Tuấn mở ra trong nét vẽ.
Những nhận thức độc đáo của Kandinsky về màu sắc, trở thành độc đáo: đúng là xanh lam, xanh lục, ở đây, khởi dậy những nét ơ thờ, buồn bã trong tâm hồn những người đàn bà tần tảo lúc nhá nhem, dưới mảnh trời chiều đang "sàng từng giọt hoàng hôn xuống tóc".
Nhưng người phụ nữ trong tranh Thái Tuấn không chỉ dừng lại ở tâm gian u buồn điền dã Hồ Dzếnh - Thạch Lam, mà tiến dần về thành thị. Lên tỉnh, nàng gợi dư âm tiếng đàn "dìu muôn tiếng tơ" Nguyễn Văn Tý (như bức Khúc giao hưởng, 1994); hoặc nàng buông lỏng khăn san Cát Tường Đoàn Chuẩn, nhưng là một Cát Tường Đoàn Chuẩn đã di cư, đã chuyển sang màu lụa trắng Nguyên Sa, dưới nắng Sàigòn anh đi mà chợt mát (Khăn quàng, 1992; Thiếu nữ, 1993); đôi lúc nàng là Phạm Duy ngày xưa Hoàng thị (Nữ sinh, 1992). Đặc biệt hai bức tuyệt đẹp Để em làm gió (1992) và Trăng sầu (1994), người con gái đã chuyển sang tâm thức hương xưa, nguyệt cầm Cung Tiến, nhưng vẫn lưu trữ cả một vòm trời Bắc Ninh quan họ. Thái Tuấn có một bức vẽ về di tản tựa đề Quê người (1995): cô gái "đội gạo" đứng chơ vơ giữa trời, nước, bên một chùm cao ốc: váy Đình Bảng buông chùng cửa Mahattan, hay váy Giang Nam, hồn Đình Bảng? Sau Minh hương Hồ Dzếnh, chúng ta đã Việt hương được hơn nửa thế kỷ rồi ...
Không gian Thái Tuấn là không gian chiều tàn, dù vẽ bình minh như Sương sớm (1992), nhưng vẫn hoàng hôn, vẫn nghìn cây chìm trong bóng tối, vẫn những u hoài, buồn bã địu kéo nhau đi. Thế giới Thái Tuấn dường như vô tình, tiền định đã nằm trong thơ Hồ Dzếnh:
Có một nghìn cây rũ rượi buồn,
Một nghìn sông rét, vạn hoàng hôn.
Dăm thân thiếu nữ gầy như trúc
Đứng chịu tang trời đổ bóng đơn.
Thế giới chị trong tranh Thái Tuấn như thế, đã trở thành một định mệnh, một thời đoạn, một tâm cảnh, một ký ức nội tâm dấy lên từ tiềm thức. Chị là cái cớ để vẽ. Chị cũng là niềm tin độc nhất về hiện hữu, khi con người bơ vơ, nghi ngờ tất cả, cả đến sự hiện hữu của chính mình: Chị là cõi trọ, an toàn, miên viễn.
Thái Tuấn vẽ một số chân dung, có thể chia làm hai loại: chân dung màu sắc và chân dung đường nét. Những bức chân dung màu sắc chẳng qua chỉ là một trạng thái tâm hồn của họa sĩ. Một hôm Phạm Duy nhờ Thái Tuấn vẽ bức chân dung để in trên bìa một tập nhạc sắp xuất bản, tranh vẽ xong, Phạm Duy chê xấu không in. Phạm Duy chê cũng đúng thôi, đúng quá là khác, bởi vì Thái Tuấn "lạc đề", ông có vẽ Phạm Duy đâu: Phạm Duy nào gầy yếu, xanh xao đến thế. Thái Tuấn vẽ cái gầy của chính mình, cái xanh xao của núi rừng Việt Bắc, cái ngã nước của những ngọn đồi trọc kháng chiến, cái lãng mạn tử thần của đoàn quân du ca đầu không mọc tóc.
Loại chân dung vẽ bằng đường nét của Thái Tuấn, biểu hiện hơn, thể hện chỗ quyết liệt trong cá tính Thái Tuấn: đi đến cùng, muốn đạt cái khó nhất. Loại chân dung này thuộc giai đoạn thử nghiệm cuối cùng của họa sĩ: vẽ trên vi tính. Vừa mới về kỹ thuật vừa diễn tả được điều mà ông ấp ủ suốt đời: "tiết kiệm tối đa hình sắc, gạt bỏ những cái dư thừa" để đạt tới cái đơn giản tột cùng trong hội họa.
Gặp gỡ Thái Tuấn, luôn luôn có tranh luận sôi nổi về nghệ thuật, kể cả khi đã bị mất giọng, ông vẫn hùng biện đến khản cổ. Nhưng sau những buổi như thế, ông thường viết cho chúng tôi những "lời bàn thêm" về nghệ thuật của mình, có thể là những điều ông "quên" chưa nói hết trong khi tranh luận. thỉnh thoảng ông gửi kèm cho một bức tranh vừa phác trên giấy. Một lá thư không đề ngày, khoảng Tết năm 2003-2004 thì phải, ông viết:
... Hồi này tôi nổi hứng vẽ lại sơn dầu. Sơn cọ ba năm bị bỏ rơi đã mốc meo. Vẽ trên vi tính phần vì lười phần vì tò mò. Không ngờ do đó thay đổi cái nhìn về hình sắc.
Ước muốn chính vẫn là tiết kiệm tối đa hình sắc. Không chủ trương như cách của môn phái lập thể; kiểu thức hóa sự vật, cũng không như môn phái trừu tượng phủ định sự vật.
Con đường của tôi là tước bỏ, gạn lọc những dư thừa, làm trở ngại cho sự thưởng ngoạn. Chủ trương sự cô đọng, để đạt tới cái trừu tượng không chỉ ở việc cầm cọ; mà khi cầm viết cũng vậy. Tôi bước vào sinh hoạt nghệ thuật cùng lúc với viết, cọ.
Tranh mới kỳ này gần như không màu.
Cuộc sống, cái điều buồn nhất, là không biết mình sinh ra để làm gì.
Có lần tôi than thở: Bị sinh ra mà chẳng ai hỏi ý kiến.
Bà mẹ tôi nghe được; hỏi lại: Chưa có mày thì tao hỏi ai? Cho dù có muốn hỏi cũng đợi mày lớn khôn biết ăn nói. Thì lúc ấy đã quá muộn. Cũng vẫn là một sinh vật. Kéo sợi tơ hay kéo cái mạng nhện - cũng là công việc như nhau. Thiên tai sẽ xóa sạch, chẳng phân biệt.
Rốt cuộc tự tìm cách an ủi, bằng những giá trị mà lòng mình vẫn ngờ vực.
Tranh buồn, thơ buồn, nhạc buồn là như vậy vẫn chỉ một nội dung, một dấu hỏi.
Năm hết, Tết đến lại nhớ lời chúc của xụ Tú Xương. Chẳng dám chúc gì."
Một buổi khác, ông gửi cho bức chân dung Trịnh Công Sơn, với những dòng:
Trịnh Công Sơn
qua nét vẽ Thái Tuấn
Orléans, 16/1/2004
"Năm 84, ngày tôi rời khỏi đất nước; buổi chiều hôm đó người nghệ sĩ này đến thăm. Anh hát nhiều bài để tiễn chân tôi. Trong đó có bài ở trọ. Anh có nói đùa là tôi đi ở trọ. Xúc động bởi tình bạn bè anh dành cho tôi.
Sang tới Pháp, nhớ đến anh tôi đã nhiều lần phác họa một bức chân dung. Nhưng vẫn thấy chưa được. Trong năm nay, một buổi chiều nghe lại nhạc của anh ấy. Có bài như một lời chia tay.
Từ những lời ca của bản nhạc. Tôi đã chuyển được sang vóc dáng con người nghệ sĩ yêu mến. Nay gửi tặng anh chị.
Buổi chia tay trong một buổi chiều Sàigòn và buổi chia tay vĩnh biệt sau này của anh.
Băng nhạc thu lại buổi chiều tiễn biệt ở Sàigòn tôi đã tặng cho anh Phạm Duy".
Tôi không quen in những trao đổi riêng tư với các nghệ sĩ trên báo, lần này ngoại lệ, mong được họa sĩ tha thứ vì những gì ông vẽ và viết chưa chắc đã có phương tiện nào khác gửi đến người đọc, người xem.
Mãi mãi, chân dung Trịnh Công Sơn sẽ còn gây sửng sốt, bởi Thái Tuấn đã vẽ được cái chết của một nghệ sĩ: Sơn nhắm mắt, thiền. Sơn tiến tới cõi ngoài. Như không, Sơn đi vào vĩnh cửu.
Nhưng bức tranh tôi quý nhất, là bức ông gửi cho cùng với bức thư ngày 1/6/2004 (cả tranh và thư in kèm với bài viết này) xin tạm đặt tên là Kiếp nghệ sĩ. Theo tôi, đây là bức chân dung kỳ ảo: Thái Tuấn vẽ chính mình mà như có hồn Nguyễn Trãi, Thái Tuấn vẽ nỗi buồn trong kiếp nghệ sĩ: vai quẩy nhạc (sáo), tay cầm cái đẹp (hoa), mặt hề, mắt khóc, môi nhếch như cười, lệ nhỏ bên trong.
Viết về ông phải kiệm lời bởi ông thường chắt nét.
- Nói chuyện với dịch giả Trần Thiện Ðạo Thụy Khuê Phỏng vấn
- Giáo Sư Nguyễn Văn Trung Thụy Khuê Nhận định
- Trí Thức Và Văn Nghệ Miền Nam Đứng Trước Văn Hóa Và Triết học Tây Phương Thụy Khuê Phỏng vấn
- Lê Thị Lựu, ấn tượng hoàng hôn (1911-1988) Thụy Khuê Nhận định
- Paris, người Việt và tranh Lê Tài Điển Thụy Khuê Nhận định
- Trần Thị Ngh., Lạc Đạn và mười truyện ngắn Thụy Khuê Khảo luận
- Võ Đình: Tâm, Thân, Văn Và Vẽ Thụy Khuê Phỏng vấn
- Không gian sông nước trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư Thụy Khuê Khảo luận
- Giới thiệu tác phẩm Nguyễn Chí Thiện, Trái tim hồng của Trần Phong Vũ Thuỵ Khuê Giới thiệu
- Hoàng Cầm treo cổ kịch thơ của mình Thụy Khuê Khảo luận
• Thư Gửi Người Bạn Họa Sĩ Già Ở Orléans (Nguyễn Hưng Quốc)
• Thái Tuấn, Vài Nét Thấy Người Phụ Nữ Việt (Viên Linh)
• Thái Tuấn (Thụy Khuê)
• Vĩnh biệt họa sĩ, nhà phê bình Mỹ thuật Thái Tuấn (Trịnh Cung)
• Những ngày cuối cùng của họa sĩ Thái Tuấn (Hàm Anh)
• Phỏng vấn Thái Tuấn (Nguiễn Ngu Í)
(cothommagazine.com/)
(Nguyễn Xuân Sơn)
Thái Tuấn thiếu nữ, nét thơ trong họa phẩm
(Luân Hoán)
Họa Sĩ Thái Tuấn (Mai Thảo)
Họa Sĩ Thái Tuấn (art2all.net)
Sau phút cuối cùng! Tại nhà cố họa sĩ Thái Tuấn (1918 – 2007) (Thái Kim Lan)
• Một nhà sưu tập tranh (Thái Tuấn)
• Họa sĩ Nguyễn Gia Trí (Thái Tuấn)
• Con thuyền giấy (Thái Tuấn)
• Gửi Em (Thái Tuấn)
• Buổi chiều đẹp (Thái Tuấn)
• Họa sĩ Phạm Cung, người luôn ký ngược (Hà Đình Nguyên)
• Đỗ Duy Ngọc và ảnh nghệ thuật đen-trắng (Diễn Đàn Thế Kỷ)
• Phan Nguyên - Mượn Dấu Thời Gian (Song Thao)
• Họa sĩ Victor Tardieu (Huỳnh Hữu Ủy)
• Họa sĩ Hồ Hữu Thủ qua đời (Diễn Đàn Thế Kỷ)
• Họa sĩ Vị Ý với ước nguyện không thành (Việt Dương)
• Nguyễn Trọng Khôi: Huyền ảo cao nguyên đá (Nguyễn Trọng Chức)
• Tưởng niệm Victor Tardieu (Ngô Kim Khôi)
• Nguyễn Trọng Khôi – Đam mê và Sáng tạo (Trương Vũ)
• Khánh Trường và Những Tấm Lòng (Nguyên Hòa)
William Alexander & Họa Phẩm Về Đàng Trong
(Nguyễn Duy Chính)
Họa sĩ và Nhiếp ảnh gia:
Nhiếp ảnh gia:
Nguyễn Cao Đàm, Trần Cao Lĩnh,
Nguyễn Ngọc Hạnh, Hương Kiều Loan
Trường Vẽ Gia Định (truongvegiadinh.blogspot)
- Hương Kiều Loan, nỗi đam mê (Đỗ Dung)
- Đôi Dòng Lịch sử Nhiếp Ảnh Nghệ Thuật Việt Nam trước 1975 (Khôi Trần)
- Trò chuyện cùng GS Lê Văn Khoa nhân triển lãm nhiếp ảnh tại Houston (Băng Huyền)
- Nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Hạnh, tác giả bức ảnh Vá Cờ, qua đời (Đỗ Dzũng)
- Ảnh Siêu Thực (Trần Cao Lĩnh)
- Xem Triển Lãm Nhiếp Ảnh Của Nguyễn Cao Đàm (Đông Nguyên)
- Động Tĩnh Trong Ảnh (Trần Cao Lĩnh)
- Một Thời Nhiếp Ảnh Nghệ Thuật (Nguyễn Cao Đàm)
Nhớ Thầy (Thu An)
Nhiếp Ảnh Gia Nguyễn Cao Đàm, Bóng Tối Và Ánh Sáng (Nguyễn Ngọc Dung)
Nguyễn Cao Đàm, Người thầy của nhiều thế hệ nhiếp ảnh Việt Nam (cbs.com)
Vinh danh và ngưỡng mộ (hoivietanh.net)
Ảnh Trần Cao Lĩnh (vnthuquan.net)
Sài Gòn 1950-1975 (SafeShare.TV)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |