|
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Thơ Văn Trần Yên Hoà & Bằng hữu
1. Thư Họa Trong Một Bức Tranh Phù Tang
Bức tranh treo trên vách phòng làm việc của tôi chỉ là bản chụp trên lụa của một nguyên tác Nhật Bản, nhưng tôi vẫn thích vì những nét độc đáo của nó. Hình vẽ trên nền đen một phụ nữ còn trẻ đang ngồi trên tấm thảm tatami, bộ áo kimono kiểu cung đình, lớp vàng lớp đỏ rực rỡ loà xoà trên mặt đất. Tóc thắt lại thành bím chảy dài xuống như một dòng suối mượt mà. Trước mặt, mấy cành dương liễu rủ phất phơ, hoa anh đào bay trong gió. Trên đầu, mấy dòng chữ thảo lắc rắc mưa hoa... Nhìn toàn bộ, bức tranh đẹp một cách hoà hài, bừng lên sức sống của mùa xuân và của tuổi xuân.
Nữ thi sĩ Komachi, thư họa của Hokusai, vẽ năm 1810
(theo sách Richard Lane, tài liệu Thư viện Khởi Hành)
Có lần tôi đem bức hoạ ra khoe với một ông bạn nhà văn, được ông phê một câu xanh rờn: "Cô gái này mặt đần đần làm sao ấy!" làm tôi cụt hứng, hết dám nói năng. Ông ta nói cũng đúng, người Nhật thường vẽ người theo một khuôn sáo ước định, như vẽ phụ nữ thì nét mặt phải bầu bĩnh, nhìn thoáng qua đã biết là dễ bảo, hiền như cục đất và nhất là có nết đẹp là không biết... tự mình suy nghĩ. Như vậy người đẹp mà 'trông đần đần' là lý tưởng rồi còn gì! Quan niệm của họ là như vậy, nhưng thực tế ra sao thì chỉ có họ biết mà thôi!
Nhưng cái mà tôi muốn khoe với ông bạn, không phải là cách vẽ cô gái, mà là cái độc đáo của bức tranh, là lấy mầu đen làm nền, là sự cân bằng giữa trọng tâm của bức hoạ là cô gái ngồi gốc liễu và đối trọng của nó là dòng chữ thảo như hoa rơi lất phất.
Điểm đặc sắc nhất của bức tranh chính là mấy hàng thư họa. Hình như tác giả không cần người thưởng ngoạn đọc bài thơ, mà chỉ muốn họ thưởng thức mùa xuân đang lồng lộng qua hoa bay và chữ rơi trên lụa. Thư pháp quả thực đẹp tuyệt vời, tuy rằng toàn bài thơ, tôi chỉ đọc được mấy chữ đầu viết lối khải là Thanh Thiếu Nạp Ngôn. Trong các chữ còn lại, tôi còn nhận ra được hai ba chữ Nhật hiragana đọc là 'nô' và có nghĩa là 'của', còn kỳ dư là... lá rụng hoa bay. Đi hỏi mấy người Trung Hoa có học xem họ có biết hơn tôi không, thì họ cũng lắc đầu trả lời: 'Đây là chữ viết tắt, đọc không ra...' Cũng chả có gì là lạ: bài thơ Thanh Thiếu Nạp Ngôn viết thảo theo kiểu nhà nghệ sĩ Nhật Bản này đã trở thành một bức họa trừu tượng gồm những nét ngòng nghèo cái dài cái ngắn dính kết nhau thành chùm, trông rất ư là mỹ thuật nhưng hoạ chăng chỉ có mấy cụ đồ mới đoán ra được là chữ gì, còn học viết chân phương bằng tự điển như Vô Ngã tôi thì làm sao mà mò ra?
Nhưng cũng phải nói là hoạ sư đã cẩn thận cho biết trước mình muốn nói gì, qua đầu đề viết một cách chân phương. Không biết bài này có giống bài Trạng Nguyên Thi của Trung Quốc khuyên người trẻ chớ nên để phí ngày xanh không? Có điều là người phụ nữ trong tranh vẽ có lẽ là một công nương quyền quí bậc nhất của Phù Tang, nên không biết hoạ sư khuyên cái gì cho hợp thời? Chẳng lẽ lại là những lời tán thưởng khuôn sáo như:
Tóc mây cài trâm ngọc
Đuổi bắt bướm uyên ương
Hoa điêu đầm nghiên mục,
Đề quạt gửi người thương.
.....???
Trở về với bức hoạ. Cách đem chữ viết tô điểm cho tranh như nói trên là một sáng kiến độc đáo của người Trung Hoa. Họ đã thành công đến nỗi một bức tranh tuy đẹp nhưng không có đôi dòng chữ cảm đề thì người ta vẫn thấy có một cái gì thiếu vắng. Nếu thích phân tích tâm lý, thì ta sẽ thấy là cảm giác bất toàn này có hai nguyên nhân, thứ nhất là bất toàn về phương diện cấu trúc, thứ hai là bất toàn về phương diện tâm lý.
(Nguồn: tài liệu Thư viện Khởi Hành)
Đúng vậy, khi ngắm bức tranh, người thưởng ngoạn thường sống bằng trí tưởng trong khung cảnh tạo nên bởi bức vẽ. Có thể nói bức tranh là một thế giới có thực về phương diện cảm quan. Khi đề thơ lên tranh, nhà thơ đã tạo ra một sự cân bằng mới trong cấu trúc bức vẽ: bên này là vật thể, cỏ cây, hoa lá, con người, bên kia là dòng chữ nhẩy múa. Mặt khác, đối lại sức nặng của vật thể là sự bay bổng của tâm tư, là chiều sâu của suy tưởng. Cho nên, trong khi hình vẽ đưa người thưởng ngoạn vào một thế giớí "thực tại" trong trí tưởng thì dòng thơ lại đưa họ vào cõi mơ.
Ở đây, sự phối hợp thư họa với hội hoạ thành công nhiều hay ít nhờ một lối viết đặc biệt là chữ thảo phối hợp với nghệ sĩ tính của người viết. Nói một cách rõ ràng hơn, cái đẹp của chữ thảo, mót phần nhỏ nhờ bản thân của chữ Nho, nhưng phần lớn nhờ bản chất nghệ sĩ của người viết. Như vậy, cái đẹp của chữ Nho qua phép thảo thư, mang nặng cá tính của người viết.
2. Lịch Sử Của Thư Họa
Ở đây, có một câu hỏi ngoài lề là: Có lối việt nào làm lộ rõ cái đẹp nội tại của chữ Nho không? Có, đó là lối viết tiểu triện.
Nhưng tại sao phải viết bằng chữ triện chứ không bằng chữ khải? Mà lại là tiểu triện chứ không phải là đại triện? Muốn biết, chúng ta hãy đi ngược dòng lịch sử của chữ Nho. (1)
Nguyên khoảng bốn ngàn năm trước đây, tổ tiên người Hoa đã ghi lại các việc trọng đại của quốc gia họ bằng cách vẽ hình trên mai rùa (giáp ) và xương thú (cốt ). Hình vẽ hồi đó đơn giản, số lượng cũng không nhiều, người đời sau gọi nó là giáp cốt văn. Người có trách nhiệm ghi lại các sự kiện như vậy là một chức quan không có quyền hành nhưng lại được các vua chúa trọng vọng, đó là các sử quan.
Về sau, thay vì xương thú, mai rùa, người ta viết chữ trên thẻ tre rồi bó lại từng bó, gọi là sách (Chữ "sách" là hình vẽ một bó thẻ xâu lại bằng hai sợi giây). Dụng cụ để viết là một cái ống tre đựng mực, đầu vót nhọn. Mực theo một khe nhỏ rỉ xuống từ từ (chữ Duật = bút là hình vẽ một bàn tay cầm một cái ống | có hai nét nằm ngang tượng trưng cho khe hở.)
Vật dụng để viết đơn sơ chỉ có thế nên càng ngày càng có nhiều người biết viết. Để có thể ghi lại đủ mọi thứ chuyện, người ta không ngừng chế ra những chữ mới và vì thế, số lượng chữ tăng lên rất nhanh. Trong các chữ mới, có chữ được chế theo đúng nguyên tắc lục thư, có chữ được chế một cách bừa bãi, hoặc có chữ đã có rồi nhưng lại bị viết sai... Để chỉnh đốn lại tình trạng loạn chữ này, vào TK 8 tr. CN, một sử quan họ Trứu đã lọc lựa các chữ hiện hữu, chỉ giữ lại một số rồi qui định lại cách viết. Đó là chữ triện mà ngày nay người ta còn dùng để khắc các con dấu lớn, nên được gọi là chữ đại triện.
Sự thanh lọc văn tự này cũng chỉ giữ cho cách viết được đúng tiêu chuẩn trong một thời gian, rồi sau đó những chữ viết sai hay chế tạo ẩu lại dần dần xuất hiện. Những chữ này được gọi là kỳ tự (chữ kỳ dị). Để chấn chỉnh lại tình trạng hỗn tạp này, khoảng bốn trăm năm sau, tể tướng Lý Tư đời Tần Thuỷ Hoàng, một lần nữa lại lọc lựa văn tự và qui định lại cách viết. Ông này là học trò của Tuân Tử, một nhà tư tưởng cách mạng trong nhóm bách gia chư tử thời Tiên Tần. Áp dụng chủ trương cách mạng của thầy vào lãnh vực văn học, Lý Tư đã đơn giản hoá cách viết, làm cho chữ vừa dễ viết vừa dễ nhìn.
Nguyên là chữ đại triện rườm rà một cách vô ích, chẳng hạn như nét nằm ngang trong giáp cốt văn, cách viết đại triện biến nó thành một nét gẫy khúc chữ chi, người sau đã đơn giản nó đi: từ nay, nét nằm ngang là một vạch thẳng nằm ngang, nét sổ là một đường thẳng đứng, bỏ hết hoa hoè hoa sói. Lối viết mới không khác chữ giáp cốt văn bao nhiêu, nên có cái vẻ đẹp cổ kính của nó. Lý Tư đã tiêu chuẩn hoá cách viết này.
Cách viết này ngày nay còn được dùng để khắc các con dấu nhỏ (tiểu triện), nên được gọi là chữ tiểu triện.
Sau vụ cải cách chữ viết và đốt sách của Tần Thuỷ Hoàng, chữ đại triện đã bị chìm vào quên lãng, nên về sau, có người trông thấy chữ đại triện đã gọi nó là chữ nòng nọc (khoa đầu văn). Nhưng chữ tiểu triện, như là một lối viết phổ thông, cũng không tồn tại được lâu dài.
Số là cũng vào thời kỳ đó, nhà Tần có sai một đại tướng là Mông Điềm đi đánh Hung Nô. Người Hung Nô sống giữa bầy dê, một loại thú có lông dài. Nhìn thấy dê, Mông Điềm chợt nẩy ra một sáng kiến lạ, là buộc lông dê thành một túm nhọn đầu, nhúng vào mực để viết. Chữ viết kiểu này có nét mảnh. nét mập, hình dạng của chữ cũng thay đổi theo. Từ đó nẩy sinh ra một lối viết mới, đó là chữ khải như ta vẫn thấy bây giờ.
Rất nhanh, chữ khải đã trở thành lối viết chính thức của chính quyền và dần dần thay thế cho chữ tiểu triện. Tại sao? Vì bút lông có thể dùng để viết mà cũng có thể dùng để vẽ: biến ảo vô chừng, nên loại bút này hợp với bản chất nghệ sĩ cửa người Trung Hoa. Họ được dịp tung hoành, để hồn mình hoà vào trong nét chữ. Từ đó sinh ra một lối viết chữ mới, đó là chữ THẢO (viết tháu). Với cách viết này, tâm tính cũng như tài hoa của người viết hiện ra trong nét chữ một cách rất rõ ràng.
Khi đạt tới đỉnh cao của nghệ thuật, chữ viết trở thành một bức họa trừu tượng, đó là thư hoạ.
3. Sự Kỳ Diệu Của Thư Họa
Các tu sĩ Phật giáo tu tập thiền định theo đường lối mà đức Phật hay các tổ sư đã chỉ dậy nên không ai biết rằng thư hoạ, khi phát huy đến tận cùng khả năng của nó, có thể đưa người ta vượt qua ngưỡng cửa thiền để tới định, như chuyện đã xảy ra với giảng sư về thiền (2) Ketsuki Sekida (3).
Kết quả kỳ diệu này chưa ai từng nói tới nên đáng để ta đem ra thảo luận ở đây.
THIỀN, ĐỊNH VÀ THƯ HOẠ
"Thiền định" thường được dùng như là một từ kép để chỉ phép luyện tập tâm linh của Đông phương nên ta có cảm tưởng 'thiền' và 'thiền định' chỉ là một thứ. Thực ra 'thiền' và 'định' tuy có liên hệ chặt chẽ với nhau, nhưng đó là hai hoạt động tâm linh khác hẳn nhau: Thiền là con đưòng đưa tới định, muốn tới định thì phải thiền, nhưng thiền không bắt buộc đưa tới định.
Nhưng thiền là gì? định là gì?
THIỀN
Về phương diện phương pháp, Thiền là buộc sự chú tâm vào một 'cái gì đó', chẳng hạn như vào một điểm, vào một hình tượng cụ thể hoặc vào một ý niệm trừu tượng (thiền quán). Ý niệm đó có thể là một đề tài triết học (tham công án hoặc tham thoại đầu,) cũng có thể là một đề mục siêu hình (như quán chữ 'Không').
Buộc sự chú tâm vào một một đề tài, cũng gọi là quán tưởng (transcendental meditation), là để đề tài ngay trước mặt như để ngắm nghía mà không suy luận, để đề tài tự nó thấm vào trong siêu thức, trái với suy tưởng hoặc trầm tư mặt tưởng (meditation) là suy nghĩ sâu xa về đề tài. Chẳng hạn, khi quán chữ 'không', ta sẽ để cho đầu óc trống rỗng, ta sẽ đắm mình vào trong trống rỗng chứ không phải là suy tư về sự trống rỗng (tức là về chữ 'không').
Về phương diện thực tiễn, mỗi môn phái thiền thường có một kỹ thuật riêng để giúp người ta tập trung tư tưởng và tạo nên sự chú tâm (như quán hơi thở, quán âm thanh 'Úm ma ni', quán luồng hóa xả, v.v...).
Mục đích của sự chú tâm là phát triển khả năng nhận thức bằng trực giác, trực kiến, trực thị, tức là nhận thức siêu giác quan. Sự phát triển có thể từ từ (tiệm ngộ) mà cũng có thể đột biến (đốn ngộ), tuỳ cách tu tập của môn phái.
Về phương điên cứu cánh, thiền phát triển khả năng nhận thức siêu giác quan. Khi khả năng này bừng nở, thế giới của ý thức sụp đổ trong một cơn địa chấn tâm thức. Biến động tâm linh này được gọi là kiến tính (kenshô), ngộ (satori), hoặc là 'mở con mắt bát nhã' (pháp nhãn). Lúc đó người ta sẽ nhìn thấy chiều sâu của sự vật, tức là bản chất đằng sau hiện tượng, cái mà các thiền sư gọi là 'bản lai diện mục' hoặc 'vạn vật đồng nhất thể', và các đạo sĩ Du Già gọi là 'sự hợp nhất vương giả' với đấng Sáng Tạo (rajah yoga).
Ngộ mở ra một thế giới tâm linh, gọi là cảnh giới, an lạc phi thường mà người thường không biết được.
ĐỊNH
Định, cũng được gọi là Tam-Muội - phiên âm tiếng Phạn samădhi - là khả năng trụ lại bằng tâm thức trong cảnh giới vừa nói trên (4).
Nói một cách ngắn gọn nhưng không chính xác cho lắm, thiền là con đường và định là cái đích. Vậy thiền và định rõ ràng là hai cái khác nhau.
Về phương diện sinh lý học, thiền và định có tác dụng hoàn toàn khác nhau trên sự hoạt động của các cơ năng của con người.
Các trắc nghiệm khoa học cho thấy là trong khi tham thiền (tức là trong lúc quán tưởng - Transcendental Meditation), não bộ người phát ra những luồng sóng alpha có biên độ lớn đặc biệt và tần số rất thấp, có khi thấp đến độ biến thành sóng theta. Sự hấp thụ khí oxy, nhịp thở, nhịp đập của trái tim, v.v... tất cả cũng đều thấp hẳn xuống (5).
Còn Định tuy chưa được khảo cứu một cách khoa học, nhưng văn học Phật giáo (6) cũng như của phái Du-già (7) đều cho biết là khi nhập định, nhịp thở hạ thấp đến gần như ngưng thở. Người nhập đinh không còn tri giác, cơ thể cũng không có phản ứng với các kích thích. Từ đó suy luận ra là não bộ, đặc biệt là phần vỏ não (cerebral cortex) đã ngưng nghỉ gần như hoàn toàn, đưa tới sự đình chỉ tri giác và sự suy tư, trong khi hệ limbic (limbic system hoặc R-complex) (8) làm việc ở mức tối thiểu để duy trì sự sống.
Ở đây ta cũng nên nói qua về phương pháp tu tập Thiền Định của Phật Giáo Nguyên Thuỷ. Theo văn học Phật giáo thì có vô số con đường đưa đến sự giải thoát trong đó có pháp môn Minh Sát Tuệ (9). Tại Thái lan, Cam Bốt, miền Nam Việt Nam..., các tu sĩ đã áp dụng phương pháp này theo một đường lối riêng, căn cứ trên lời dậy của đức Phật là 'phải sống tỉnh giác', nghĩa là khi đi thì biết là mình đang cất chân lên, đặt chân xuống, khi nằm thì biết là thân mình đang chạm xuống giường, khi thở thì biết rằng bụng mình đang phồng lên xẹp xuống, v.v... (10)
Đi vào thực tế, các sư phái Tăng Già Khất Sĩ bắt đầu việc tham thiền bằng cách quan sát sự phồng lên xẹp xuống của bụng, sự đụng chạm của cơ thể với các vật xung quanh... và cuối cùng là quan sát sự biến hiện của tư tưởng nổi lên trong não bộ...
Kết quả thực tiễn của phương pháp này là biến các hoạt-động vô ý thức thành những hoạt động có ý thức để từ đó, chỉ huy được các hoạt động vô ý thức của các cơ năng trong thân thể con người, như nhịp đập của trát tim chẳng hạn.
Cứ từng bước một tập luyện như thế, sẽ có lúc tu sĩ chi phối được sự hoạt động của não bô, đê cho tư tưởng xuất hiện hay không xuất hiện. Khi không cho tư tưởng xuất hiện trong một thời gian dài là lúc thiền sư nhập định.
Như vậy trong phép minh sát tuệ của Thái Lan, Cam Bốt, Nam Việt, tu thiền cũng là tu định.
Trở lại vấn đề thiền định của Bắc Tông. Mỗi sư tổ của một môn phái Bắc tông lại đề ra một phép thiền riêng cho môn phái, nhưng không vị nào đưa ra phương pháo để nhập định. Vì thế chuyện tu tập thiền và định của thiền sư Ketsuki Sekida đúng là hy hữu.
Câu chuyện bắt đầu khi mới mười ba tuổi, Sekida được một ông thầy dậy cho thư phép (ll). Để viết cho chữ được đẹp, cậu ngưng thần, nín hơi thở theo một cách nào đó, để hồn mình hoà vào từng nét bút. Thế rồi đột nhiên tiếng ồn ào của chúng bạn trong phòng nhỏ dần rồi biến mất, cậu chìm vào trong một vắng lặng tuyệt đối. Rồi thấy mình chống gậy, trầm tư trước tháp Babel hoang phế soi ánh trăng xuông...
Một lúc sau, như tỉnh lại sau cơn mơ, lòng đầy hoan lạc, an bình, như đã tới Đào Nguyên... Nhìn xuống tờ giấy thì thấy mấy chữ đã được viết xong, rất đẹp.
Sekida giải thích là bí quyết nhập định nằm trong cách thở (12) và viết chữ theo thư phép cũng giống như vẽ trúc ở chỗ phải điều tiết hơi thở theo một cách riêng mà ông gọi là phép thở 'trúc pháp' (bamboo method of breathing) (13)
Nắm được bí quyết nhập định, Sekida thường kiếm một chỗ vắng để tìm lại 'chốn Đào Nguyên trong tâm thức'.
Nhưng càng lớn lên, Sekida càng thấy thế giới thực tại bẩn thỉu, bần tiện, giới của người lớn và quyết không để mình nhiễm bẩn bởi cõi đời ô trọc...
Rồi dần dần bị ám ảnh bởi cái chết, rồi sợ chết, sợ một cách kinh khủng. Tai lúc nào cùng nghe văng vẳng có tiếng nói "Mi phải chết". Hoá ra Sekida bị bệnh tâm thần mà không ai biết.
Sekida tìm cách trốn cái chết, 'nhưng làm sao trốn được cái chết?', cậu bé liền tìm đọc Kinh Thánh, vì cậu vốn là một tín đồ Ki-tô giáo thuần thành. Nhưng Kinh Thánh cũng không có câu giải đáp.
Tuyệt vọng, Sekida bèn thử ngồi xếp bằng tròn và mặc tưởng thì thấy lòng bình yên trở lại. Cậu ta nghĩ là thiền có lẽ là câu giải đáp bèn quyết chí tìm thầy học thiền. Nhờ gặp được một sư phụ đạo hạnh cao siêu, Sekida đã 'chứng ngộ' ngay trong buổi tọa thiền đầu tiên và nỗi sợ chết tự nhiên tan biến. Từ đó, Sekída chuyên cần tu tập thiền định và đã trở thành một thiền giả bậc thầy. Sau đó, trong sáu mươi năm, Sekida đã truyền bá cách tu tập thiền định của mình ra nhiều nơi trên thế giới.
Chuyện tầm sư và chứng ngộ của Sekida cũng đầy những tình tiết ly kỳ, kể lại cũng thú vị.
Sư phụ của Sekida là một thiền sư lừng danh ở Kyoto, được hội Thíền gia ở tỉnh nhà mời đến để mở một khoá thiền. Cậu đến gặp sư phụ lúc trời còn đang tối, trong một thiền đường sâu thăm thẳm. Bóng thiền sư hoà lẫn bóng đêm ở cuối phòng. Nghe Sekida xưng tên và xin thụ giáo, thiền sư đang nhập định mở hé mắt nhìn Sekida. 'Tôi không thể nào quên đuơc cử động của đôi mắt cũng như ánh sáng chúng phát ra....', cậu ta kể lại. 'Đó không phải là mắt của con người mà của thiên định'. Thiền sư giơ một bàn tay ra và bảo: 'Hãy nghe tiếng vỗ của một bàn tay'. Lát sau, ông rụt tay lại và nhắm mắt thiền định tiếp.
Sekia đột nhiên thấy phấn khởi lạ thường. Cậu tìm đến đền Taishi-do gần thiền viện để toạ thiền cho được yên tĩnh và nhập định. Khi tiếng cồng báo giờ thọ trai vẳng lên thì cậu tỉnh lại, trời đã gần trưa. Cơn gió nhẹ thổi vào phòng làm dãy đèn lồng ở mái hiên đong đưa trong gió. Cậu kể lại: "Đột nhiên tôi cảm thấy chóng mặt, rung rinh như đang động đất. Rồi đồi núi, thiền viện, đền thờ tôi đang ngồi trong đó, tất cả sầm sập đổ xuống vực sâu. Mấy con chim đang bay cũng gẫy cánh rơi xuống đất.
Trên con đê ngăn nước lụt, một hòn đá lăn xuống, đụng chân đê, thế là con đê vỡ tung, hàng ngàn hàng vạn tấn nước ào ào đổ xuống, nhận chìm cả thành phố duới biển nước..."
Cơn thảm hoạ vừa ập xuống, thực ra chỉ xẩy ra trong tâm thức của Sekida. Lập tức bao nhiêu nỗi lo sợ, bao nhiêu thăc mắc tan biến như tuyết dướiu ánh nắng: Sekida đã chứng ngộ.
Tiếng cồng vẫn văng vẳng vang lên, cậu bèn đứng dậy trở về thiền viện, trong nguời mỏi mệt như sau một cơn bệnh nặng. Đến trước thiền phòng, cậu dừng chân, quay lại nhìn ra cửa tam quan, thấy hai người nằm gối đầu lên thềm đá. Cậu nghĩ thầm: 'Chắc họ là hai cha con bị phong cùi đến xin bùa của nhà chùa'. Bức hoạ thần hộ pháp Pindola treo bên cạnh cậu bỗng lên tiếng: 'Đúng là họ bị cùi! Nếu cậu đã giác ngộ, hẳn cậu cũng có lòng đại bi như bồ tát Quan Thế Âm... Cậu cũng có thể làm như Hoàng Hậu Komyo dùng mồm hút máu mủ ở những vết lở loét của họ. Cậu có làm được không?' Sekida thấy tởm quá, co rúm người lại. Tiếng thần Pindola lại thì thầm: 'Thế thì cậu đâu đã giác ngộ!' Sekida cúi đầu, thú nhận: 'Ngài nói đúng! Tôi chưa giác ngộ!' Và đúng như cậu ta nhận định,'ngộ' chỉ là nhìn thấy chân lý một cách lờ mờ, không phải là 'giác ngộ'.
Lời đối thoại với thần linh chỉ xẩy ra trong tâm thức của Sekida, nhà Phật nó là ma chướng.
ĐỊNH VÀ ĐẠI ĐỊNH
Cần phải nói thêm là Sekida phân biệt ra hai loại định, một là sơ định (positive samădhi), hai là đại định (absolule samădhi). Theo ông, bí quyết 'trúc pháp' mà ông ta tình cờ nắm được hồi mười ba tuổi chỉ giúp ông nhập sơ định, nhưng sau đó, ông đã phải mất ba mươi năm mới tìm ra bí quyết để nhập đại định...
Trường hơp biết nhập định trước khi biết tham thiền như Sekida đúng là hy hữu, nhưng không phải là độc nhất. Vì trước ông hai ngàn năm trăm năm đã có một người đã biết nhập định trước khi tập thiền, đó là Thái Tử Tất Đạt Đa, khi ấy cũng mới mười ba mười bốn tuổi...
LỜI BÀN THÊM
Trước khi tìm ra con đường đi của mình, Đức Phật đã học thiền định với hai đạo sĩ du già. Vị thứ hai dậy ngài thiền 'Phi Tưởng Phi Phi Tưởng xứ' là thiền tối cao vào thời bấy giờ, nhưng tới được cảnh giới này cũng không phải là giải thoát nên Ngài không hài lòng. Câu chuyện này cho thấy rằng đạo Phật và đạo Du Già có mối uyên nguyên với nhau. Cho nên một số điều mà văn học Phật giáo không nói rõ, ta có thể tìm hiểu thêm nơi đạo Du Già. Ở đây, ta muốn tìm hiểu thêm về định và cảnh giới khi nhập định.
Trong cuốn 'Tự Truyện của Một Du Già', đạo sư Ram Gopal giải thích về việc nhập định như sau (14): '... Trong hai mươi lăm năm, mỗi ngày tôi nhập định hai mươi giờ. Tôi không cần ngủ, vì lúc nào tôi cũng ở với Thượng Đế...
Khi ngủ, các cơ bắp thư giãn, nhưng tim, phổi và hệ tuần hoàn vẫn luôn luôn hoạt động, không nghỉ ngơi, [còn] trong [trạng thái] siêu ý thức, tất cả các cơ quan nội tạng đều trong ngưng nghỉ, chúng tiếp nhận sinh lực từ năng lượng vũ trụ... [Vì thế] ngủ không cần thiết đối với tôi.'
Lời giải thích trên cho biết:
a) Khi nhập đại định, phổi ngưng thở, tim ngưng đập, thân thể không còn cảm giác với thế giới thực tại.
b) Cảnh giới của định là thế giới của tâm thức nhưng cũng là thế giới của các thần linh; nhập định là bước vào cảnh giới của thần linh.
c) Thân thể không còn cảm giác, nhưng người nhập định vẫn nhận biết thế giới thực tại bằng siêu giác quan, như lời tường thuật bởi đạo sư Yogananda (15):
Sư phụ đập nhẹ trên ngực tôi, về chỗ trái tim.
Thân thể như bị trời trồng, không cựa quậy gì được; hơi thở bị rút ra khỏi lồng ngực như bị hút bởi một thỏi nam châm vĩ đại; thần trí thoát ra khỏi cơ thể, qua từng lỗ chân lông. Da thịt cảm giác như đã chết nhưng trong sự tỉnh thức hoàn toàn, tôi biết mình vẫn sống. Bản ngã không còn giới hạn trong thân thể mà hao gồm tất cả những nguyên tử xung quanh... Tôi nhìn thấy rễ cây cỏ qua làn đất trong mờ mờ, thấy nhựa cây đang bị hút vào rễ.
Trước đây nhãn quan chỉ nhìn thấy trước mặt thì nay thì nhìn thấy một vòm cầu rộng lớn. Phía sau đầu, tôi nhìn thấy người ta đang đi lại trên đường Rai Ghat Lane... Một con bò trắng đủng đỉnh đi về phía đạo viện... Khi nó đã khuất sau bức tường gạch ở cuối sân, tôi vẫn nhìn thấy nó một cách rõ ràng...
Giải thích các khả năng siêu nhiên khi nhập định, thiền sư Sekida giả thiết là trong cơn đại định, thời gian và không gian không còn nữa. (16).
CHÚ THÍCH:
1. Phạm Khắc Hàm, Triết lý Lý Đông A - Triệt Lý Tổng Thể Duy Nhân - Phụ Lục, Chương Triết Lý Truyền Thống trong Chữ Nho - Lược Sử Chữ Nho, trg 292-296.
2. Ketsuki Sekida theo Ki-tô giáo và trong sáu chục năm trời, ông dậy toạ thiền ở nhiều nơi trên thế giới: Nhật, Honolulu, Luân Đôn... Có thể gọi ông là Thiền Sư với ý nghĩa giảng sư về Thiền.
3. Ketsuki Sekida; Zen Training - Method & Philosophy; New York: Weatherhill, 1987.
4. Ketsuki Sekida; sđd, chương Samădhi, trg. 62-65, 91-97
5. Bloomfield, Harold H. - Cain, Michael Peter - Jaffe, Dennis T. - Kory, Robert B.; TM Discovering Innner Energy and Overcoming Stress, pp. 90- 113; N.Y.: transcendental Meditation - Dell Publication Co., 1075.
6. Chang Chen Chi; Thiền Đạo Tu Tập; chương 'Tự Truyện của Năm Thiền Sư, Trg. 188-235.
7. Restak, Richard M.; The Brain - The Last Frontier, pp. 51-71.
8. Thích Nữ Tuệ Dung, Minh Sát Tuệ; nguyên tác 'What is Buddhism?' của Frank Tullius; www.buddhanet.net/budsas/uni/u-minhtue/minhtue01.htm
Trương Văn Huấn; 16 Tuệ Minh Sát;
www.buddhismtoday.com/viet/thien/012-thienminhsat.htm.
9. Paramahansa Yogananda; Autobiography of an Yogi.
10. Nărada Măha Thera; Đức Phật và Phật Pháp; bản dịch của Kim Khánh, trg. 768-770.
Phép Minh Sát Tuệ của Thái Lan, Cam Bốt, Nam Việt... chính là phép Niệm Thân (Kăyănupassană), một trong phép Tứ Niệm Xứ của Phật Giáo Nguyên Thuỷ.
11. Ketsuki Sekida, sđd, chương 'A Personal Narrative', trg 207-222.
12. Ketsuki Sekida, Sđd, chương 'Breathing in zazen', trg 53-59 và chương 'Counting and Following the Breath', trg 60-65.
13. Ketsuki Sekida, sđd, chương 'Working ơn the Mu', trg. 68-69.
14. Parahansa Yogananda, sđd, trg. 163.
15. Paramahansa Yogananda, sđd. Trg 166-167.
16. Ketsuki Sekida, sđd, trg. 221. [trích dẫn: Perhaps I was feeling in the background of my mind that in one's samadhi, time and space fell off].
- Tuyển Dịch Thơ Văn Cổ Phạm Khắc Hàm Biên khảo
- Sự Diệu Kỳ Của Thư Họa Phạm Khắc Hàm Biên khảo
- Gọi Hồn Thiên Cổ Phạm Khắc Hàm Tạp luận
- Gió Bão Ngoại Giao Thời Thịnh Trần và Vị Sứ Thần Lỗi Lạc Đinh Củng Viên Phạm Khắc Hàm Khảo luận
- Thanh Bình Dưới Bóng Cờ 'Thiên Triều?' Phạm Khắc Hàm Nhận định
- Quá Phong Khê, Một Bài Thơ Kỳ Tuyệt Phạm Khắc Hàm Khảo luận
- Phạt Tống Lộ Bố Văn của Lý Thường Kiệt Phạm Khắc Hàm Khảo luận
- Đặng Dung, Bậc Anh Hùng Lỡ Vận và bài thơ "Cảm Hoài" Phạm Khắc Hàm Biên khảo
William Alexander & Họa Phẩm Về Đàng Trong
(Nguyễn Duy Chính)
Họa sĩ và Nhiếp ảnh gia:
Nhiếp ảnh gia:
Nguyễn Cao Đàm, Trần Cao Lĩnh,
Nguyễn Ngọc Hạnh, Hương Kiều Loan
Trường Vẽ Gia Định (truongvegiadinh.blogspot)
Nhớ Thầy (Thu An)
Nhiếp Ảnh Gia Nguyễn Cao Đàm, Bóng Tối Và Ánh Sáng (Nguyễn Ngọc Dung)
Nguyễn Cao Đàm, Người thầy của nhiều thế hệ nhiếp ảnh Việt Nam (cbs.com)
Vinh danh và ngưỡng mộ (hoivietanh.net)
Ảnh Trần Cao Lĩnh (vnthuquan.net)
Sài Gòn 1950-1975 (SafeShare.TV)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |