|
Lam Phương(20.3.1937 - 22.12.2020) | Lưu Trung Khảo(.0.1931 - 22.12.2015) | Nguyễn Hiến Lê(8.1.1912 - 22.12.1984) | Nguyễn Đình Nghĩa(5.10.1940 - 22.12.2005) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Thơ Văn Trần Yên Hoà & Bằng hữu
Nhiếp ảnh gia
Phạm Văn Mùi
(1907 - 1992)
Ngày 25-11-1992 Cụ Phạm Văn Mùi, nhiếp ảnh gia niên trưởng của làng ảnh nghệ thuật Việt Nam đã ra đi vĩnh viễn, tại Westminster, California.
Cụ Phạm-Văn Mùi ra đi, không những là một cái tang riêng cho ngành ảnh nghệ thuật quốc ngoại và quốc nội, mà còn là một cái tang chung cho ngành văn học nghệ thuật Việt Nam nói chung nữa. Sự nghiệp nhiếp ảnh của Cụ bắt đầu từ 1923, đến nay là gần 70 năm, quả là một cây đại thụ trong làng ảnh Việt Nam. Không những là một nhiếp ảnh gia nổi danh, Cụ còn là một họa sĩ tài hoa và là một thi sĩ với tâm hồn ái quốc nhiệt thành nữa.
Khi được tin Cụ mất, chúng tôi báo tin cho các bạn bè xa gần, nhưng tuyệt nhiên không một ai lại nghĩ rằng Cụ có thể ra đi một cách đột ngột như vậy. Hội Ảnh Nghệ Thuật Việt Nam tại hải ngoại đang dự tính tổ chức một buổi nói chuyện để Cụ đàm đạo cùng các nhiếp ảnh gia trẻ của Hội.
Mới cách đây hai tuần, nhiếp ảnh gia Bùi Quý Lân có nhã ý mời Cụ Phạm Văn Mùi, cùng các nhiếp ảnh gia Nguyễn Ðức Hồng, Nghiêm Vĩnh Cần, Lê Ngọc Minh, Phương Châm, Cao Thanh Sơn (1)... dùng điểm tâm tại Tiểu Sài Gòn, Cụ đã nhận lời, nhưng sáng hôm đó, 14-11-92, khi đến đón, Cụ cảm thấy hơi mệt nên kiếu từ. Tuy mệt, nhưng Cụ cũng dậy tiếp chuyện với các bạn ảnh đến thăm, một cách vui vẻ.
Trước đó một tháng, ngày 3-10-92, chúng tôi được tháp tùng Cụ lên thăm một bạn ảnh cố tri của Cụ là Cụ Võ An Ninh. Trên đường đi, chúng tôi đã dừng xe dọc đường mấy lần để Cụ đi tản bộ ngắm cảnh Dana Point từ núi nhìn xuống và đi thăm cổ thành San Diego... Nơi nào Cụ cũng có những nhận xét có thể ứng dụng vào việc xây dựng tác phẩm nhiếp ảnh hay hội hoạ rất xác đáng và sâu sắc... Khi đàm đạo cùng Cụ Võ, Cụ chứng tỏ một trí nhớ phi thường, hình ảnh dù nhỏ nhặt cách mấy hay chỉ thoáng qua, từ những năm 40-50, Cụ cũng nhớ rành mạch và kể lại vanh vách... Khi nói chuyện cùng các nhiếp ảnh gia đàn em, lời nói của Cụ lúc nào cũng điềm đạm, cởi mở, thân tình... cố vấn mà không dạy dỗ, khuyên nhủ mà như vỗ về, tạo niềm kính mến trong lòng tất cả những người quen biết Cụ, bất kể thân hay sơ.
Cụ Phạm Văn Mùi là một tấm gương sáng cho tất cả các nhiếp ảnh gia đàn em noi theo. Cụ đứng ngoài tất cả các bon chen, nhỏ nhặt, ganh ghét, tị hiềm... Có những khi có người làm Cụ bực mình, Cụ cũng không nổi giận, Cụ lấy sách ra đọc hay làm một việc gì khác. Cụ không bao giờ sẵng giọng hay chỉ trích một ai. Cụ có cái tinh thần của một nhà Nho chân chính.
Ảnh của Cụ luôn luôn có hai điều nổi bật là kỹ thuật cao và nội dung sâu sắc. Bố cục trong ảnh của Cụ gần như hầu hết là bố cục cổ điển, vững chãi và bay bướm. Cụ để ý, chăm xóc từng chút chi tiết nhỏ và bố cục của Cụ lúc nào cũng "có hậu" (đây là chữ của Cụ). Chi tiết nhỏ đó, có thể là cái kéo của cô gái ngồi khâu, được đặt sao đó một cách hết sức vô tình, để đường nét của bố cục không bị đứt quãng, để con mắt của khách thưởng lãm "quay vào" tác phẩm.
Dạy học trò, Cụ hướng dẫn lớp lang, thứ tự, giản dị để ai cũng học và hành được... Ngoài ra, ai có vấn đề gì về nhiếp ảnh mà tìm đến Cụ là Cụ sẵn sàng giúp đỡ, giảng giải, làm giúp và còn cho mượn tài liệu đem về đọc. Có người mượn tài liệu của Cụ rồi "quên" không mang trả; tài liệu Cụ tìm tòi, ghi chú, viết tay... khi mất, không có gì thay thế được ! Có những bạn ảnh thiếu điều "ăn dầm nằm dề" ở nhà Cụ.
Có người nhận xét là con người của Cụ có cái gì tương phản. Cụ làm một nghề rất khô khan, ngày ngày vật lộn với chữ và số là nghề kế toán trưởng ở bộ Tài Chánh, vậy mà tâm hồn Cụ thì rất là bay bướm, Cụ chụp ảnh rất lả lướt, vẽ vời rất tài hoa và thơ văn thì rất lai láng... Cụ hướng dẫn học trò cũng vậy : về kỹ thuật nhiếp ảnh, rất khô khan, về mỹ thuật trong ảnh, rất nên thơ... Lời nói của Cụ lúc nào cũng nhẹ nhàng, thân mật.
Cụ Phạm Văn Mùi sinh năm 1907 tại Hà Ðông. Cụ bắt đầu gian díu với nhiếp ảnh từ 1923, thời đó ở Việt Nam chưa có nhiếp ảnh gia tiền phong, không có sách nhiếp ảnh tiếng Việt, không có trường, có lớp dạy nhiếp ảnh... Cụ phải tìm hiểu, dò dẫm qua sách báo Pháp ngữ... rồi tự vạch lấy đường mà đi, thành ra con đường Cụ đi là con đường dài hơn, gian khổ hơn và cũng tốn tiền hơn con đường nhiếp ảnh mà chúng ta đi ngày nay. Khám phá của Cụ, Cụ không thèm "dấu nghề", đem chỉ lại cho đàn em. Một số người ảnh nhờ Cụ mà trở thành nổi tiếng.
Năm 1952, tại Phòng Gương, Nhà Hát Lớn Hà Nội, Cụ cùng một số bạn ảnh khác thành lập Hội Nhiếp Ảnh Việt Nam, hội ảnh đầu tiên của Việt Nam.
Cụ được bầu làm chủ tịch. Hai mươi mốt nhiếp ảnh gia tiền phong đó là : Trịnh Văn Bách, Phạm Ngọc Chất, Nguyễn Văn Chiêm, Ðỗ Văn Cương, Nguyễn Cao Ðàm, Nguyễn Lê Giang, Nguyễn Ðạo Hoan, Nguyễn Ðức Hồng, Ðỗ Huân, Tchen Fong Ku, Bùi Quý Lân, Bàng Bá Lân, Lê Văn Lễ, Tchen Fou Li, Phạm Văn Mùi, Võ An Ninh, Trịnh Ðình Phượng, Dương Quỳ, Trần Lê Sinh, Nguyễn Trọng Sơn và Lỗ Vinh.
Năm 1954, đất nước chia đôi, Hội Nhiếp Ảnh Việt Nam và đa số sáng lập viên dời vào miền Nam. Ở miền Nam, Cụ giảng dạy nhiếp ảnh tại trường Bách Khoa Bình Dân, các lớp nhiếp ảnh tại Hội Việt Mỹ, lớp nhiếp ảnh chuyên nghiệp của Hội Chủ Nhân Các Nhà Nhiếp Ảnh Việt Nam (đào tạo nhiếp ảnh gia nhà nghề). Sau 1975, Cụ là cố vấn Hội Nhiếp Ảnh thành phố Saigon, dạy nhiếp ảnh tại Hội và Nhà Văn Hoá Thanh Niên thành phố. Học trò của Cụ lên tới con số mấy nghìn người.
Cụ viết nhiều bài hướng dẫn về nhiếp ảnh, gần đây nhất, loạt bài về kỹ thuật ảnh chân dung và phong cảnh căn bản in trên nguyệt san Nắng Mới, xuất bản tại Montréal, Canada. Cụ cũng là tác giả tập sách "Kỹ Thuật Ðặc Biệt Trong Nhiếp Ảnh Nghệ Thuật", cuốn sách viết về kỹ thuật nhiếp ảnh đặc biệt đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam, xuất-bản năm 1988, hiện vẫn được dùng để huấn luyện công tác phòng tối đặc biệt tại Việt Nam.
Cụ cũng đoạt nhiều huy chương cao quý ở những trung tâm nhiếp ảnh quốc tế như: Huy chương vàng tại Pakistan (1962), Chile (1962), Brasil (1963), Pháp (1964), huy chương bạc tại Pháp (1962), Singapore (1963), huy chương đồng tại Ý (1963), giải danh dự tại Hong Kong (1961, hai giải), Singapore (1964) và một số bằng tưởng lệ danh dự... Hình ảnh của Cụ đã được triển lãm tại Việt Nam nhiều lần, xuất hiện trên biết bao nhiêu sách báo Việt ngữ cũng như ngoại ngữ... Hiện tại, Cụ đang sửa soạn cho in một tập ảnh cùng với thơ do Cụ sáng tác, bằng tiếng Việt, Anh, Pháp và chuẩn bị một cuộc triển lãm ở California.
Cụ có một danh dự hiếm có là một bộ ảnh của Cụ được viện bảo tàng Brasil trưng bày thường trực tại Rio de Janeiro.
Cụ Phạm Văn Mùi đã ra đi, vĩnh viễn; gia đình Cụ mất đi một người Ông, một người Cha thân yêu, học trò của Cụ mất đi một bậc Thầy khả kính, mất đi một tấm gương sáng về thuật chuyên môn cũng như về thuật sử thế, bạn bè của Cụ mất đi một người bạn thân tình, làng ảnh nghệ thuật mất đi một cột trụ, nền văn học nghệ thuật mất đi một cây đại thụ và Mẹ Việt Nam mất đi một người Con, trong bẩy mươi năm qua, đã không ngừng làm rạng danh Mẹ trên ảnh trường quốc tế...
GHI CHÚ:
1. Nhiếp ảnh gia Cao Thanh Sơn bị tai nạn xe hơi tại Fountain Valley, California ngày 28-12-1992 và mất ngày 17-1-1993 tại Santa Ana.
- Nhiếp-Ảnh-Gia Phạm-Văn-Mùi Không Còn Nữa Vnuspa Tạp ghi
- Hương Kiều Loan, nỗi đam mê (Đỗ Dung)
- Đôi Dòng Lịch sử Nhiếp Ảnh Nghệ Thuật Việt Nam trước 1975 (Khôi Trần)
- Trò chuyện cùng GS Lê Văn Khoa nhân triển lãm nhiếp ảnh tại Houston (Băng Huyền)
- Nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Hạnh, tác giả bức ảnh Vá Cờ, qua đời (Đỗ Dzũng)
- Ảnh Siêu Thực (Trần Cao Lĩnh)
- Xem Triển Lãm Nhiếp Ảnh Của Nguyễn Cao Đàm (Đông Nguyên)
- Động Tĩnh Trong Ảnh (Trần Cao Lĩnh)
- Một Thời Nhiếp Ảnh Nghệ Thuật (Nguyễn Cao Đàm)
Nhớ Thầy (Thu An)
Nhiếp Ảnh Gia Nguyễn Cao Đàm, Bóng Tối Và Ánh Sáng (Nguyễn Ngọc Dung)
Nguyễn Cao Đàm, Người thầy của nhiều thế hệ nhiếp ảnh Việt Nam (cbs.com)
Vinh danh và ngưỡng mộ (hoivietanh.net)
Ảnh Trần Cao Lĩnh (vnthuquan.net)
Sài Gòn 1950-1975 (SafeShare.TV)
• Họa sĩ Phạm Cung, người luôn ký ngược (Hà Đình Nguyên)
• Đỗ Duy Ngọc và ảnh nghệ thuật đen-trắng (Diễn Đàn Thế Kỷ)
• Phan Nguyên - Mượn Dấu Thời Gian (Song Thao)
• Họa sĩ Victor Tardieu (Huỳnh Hữu Ủy)
• Họa sĩ Hồ Hữu Thủ qua đời (Diễn Đàn Thế Kỷ)
• Họa sĩ Vị Ý với ước nguyện không thành (Việt Dương)
• Nguyễn Trọng Khôi: Huyền ảo cao nguyên đá (Nguyễn Trọng Chức)
• Tưởng niệm Victor Tardieu (Ngô Kim Khôi)
• Nguyễn Trọng Khôi – Đam mê và Sáng tạo (Trương Vũ)
• Khánh Trường và Những Tấm Lòng (Nguyên Hòa)
William Alexander & Họa Phẩm Về Đàng Trong
(Nguyễn Duy Chính)
Họa sĩ và Nhiếp ảnh gia:
Nhiếp ảnh gia:
Nguyễn Cao Đàm, Trần Cao Lĩnh,
Nguyễn Ngọc Hạnh, Hương Kiều Loan
Trường Vẽ Gia Định (truongvegiadinh.blogspot)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |