1. Head_

    Dê Húc Càn

    (1.10.1934 - 21.11.1987)
    Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Một Thời Nhiếp Ảnh Nghệ Thuật (Nguyễn Cao Đàm) Ad-21 Ad-21 (Google - QC3) (Học Xá)

      05-04-2014 | HỘI HỌA

      Một Thời Nhiếp Ảnh Nghệ Thuật

        NGUYỄN CAO ĐÀM
      Share File.php Share File
          

       


         Nhiếp ảnh gia
        Nguyễn Cao Đàm
        (1916 - 2001)

      LTS: Ông Nguyễn Cao Đàm, một trong những nhiếp ảnh gia quốc tế của Việt Nam được thế giới kính nể qua nhiều tác phẩm chiếm những giải thưởng nhiếp ảnh cao quý nhất của nhiếp ảnh gia nghệ thuật quốc tế. Ông được mời làm hội viên danh dự của nhiều hội ảnh được kính nể trên thế giới. Tên của ông, trong làng ảnh quốc tế được gắn liền với những tước vị danh dự Nguyễn Cao Đàm, A.R.P.S, Hon F.KORTRIJK, Hon S.E.A.P.S.

      Với nhiếp ảnh Việt Nam, ông là một trong số 21 nhiếp ảnh gia sáng lập hội ảnh Việt Nam ở Hà Nội năm 1952. Ông đã cùng với những nhiếp ảnh gia quốc tế khác của Viết Nam như Nguyễn Văn Mùi, Trần Cao Lĩnh... đào tạo nhiều lớp nhiếp ảnh gia quốc tế khác cho làng ảnh Việt Nam thời Việt Nam Cộng Hoà. Ông đã cùng người bạn ảnh Trần Cao Lĩnh (đã từ trần) viết nhiều cuốn sách và cột mục báo về nhiếp ảnh nghệ thuật. Ông và gia đình cư ngụ tại Úc Đại Lợi.

      Sau 75, tôi có nhiều ngày tháng bị gác máy nghỉ chụp, cái máy rọi cũ kỹ cũng phải bán đi sau mấy vụ đổi tiền để đổi ra rau, ra gao... để sinh sống cùng vợ con. Nằm trên chiếc võng đong đưa, nhìn lên trần nhà màng nhện bắt đầu giăng tơ, tôi tha hồ mà ôn lại bước đường đã qua, có thì giờ để tìm hiểu bản thân đồng thời nhằm giải đáp câu hỏi: "Tại sao mình lại đa mang vào cái nghiệp nhiếp ảnh này, và vì đâu nền nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam đã bộc phát để có 15 năm sáng chói trên nền trời nhiếp ảnh nghệ thuật quốc tế?


      Cũng như đa số thanh niên lúc ấy, tôi được ăn học tại Hà Nội, một đô thị tương đối văn minh, nhưng tôi cũng có một tuổi thơ ở trong lũy tre xanh, ngày ngày đánh bi, đánh đáo, thả diều, đi câu, chạy nhảy với bạn bè ở ngõ xóm, tắm ở cầu ao làng làm bằng vài thân cây tre ghép lại, cái ao phơi ra một khoảng nước, lúc đục, lúc trong. Tiếng động nông thôn là tiếng hò trâu cày ruộng, là tiếng chim gáy ở cành tre vắt vẻo, là tiếng võng đưa kẽo kẹt, là tiếng bà ru cháu ngủ à ơi... Mùi vị là mùi thơm phảng phất của hoa bưởi, hoa cau... là cái nồng nồng của bùn, là cái khét khét của khói lam chiều, cái thơm ngát của mùa lúa chín...


      Một buổi chiều tan học ở trường Hàng Vôi Hà Nội, một anh bạn rủ tôi vào xem cuộc triển lãm ảnh ở Hội quán Trí Tri, phố Hàng Quạt. Có nhiều ảnh trưng bày, nhưng trong đó có một tác phẩm đã làm tôi rung động đến sửng sốt, đó là tác phẩm chụp mấy chiếc lá súng sau cơn mưa, nhìn ở một góc cạnh trái sáng, những giọt mưa còn đọng trên chiếc lá, trong vắt như những hòn bi thủy tinh mà tôi đang có trong túi. Tôi nhìn xem tác giả là ai? Phạm Ngọc Chất, một người Việt như tôi. Tôi nhìn lại bức ảnh kỹ hơn. Những giọt nước trái sáng, sao mà long lanh đến thẽ...


      Tôi tự hào cho người mình, quê mình. Tôi thấy người mình cũng có khả năng tột bực. Tác phẩm này hơn hẳn những tấm bưu ảnh bày bán ở Goddar, mang tên tác giả Nadar(1) mà tôi vẫn phục tài. Tác phẩm này làm tôi rung động mãnh liệt, tôi thấy đó là tôi với hết nghĩa của nó. Mà có gì đâu, chỉ vài cái lá súng và vài giọt nước... Làng tôi là một vùng nhiều nước, lá súng có rất nhiều, mà sao bao lâu nay tôi không để ý đến... Mà vùng quê tôi còn nhều thứ đẹp nữa, nào đình, nào chùa, nào cau, nào tre, nào cây đa quán nước, nào đàn gà con quấn quít quanh gà mẹ, nào đàn trâu về chuồng trong trời mây bảng lảng theo nhịp tiếng chuông thu không...


      Tôi bắt đầu cầm máy.

      Bước đầu cầm máy của tôi thật gian nan. Tôi loay hoay với những nút bấm đầy rắc rối. Tôi đã xem cuốn sách chỉ dẫn của nhà sản xuất đến gần như thuộc lòng, cuốn sách chỉ dẫn cho tôi cách sử dụng các bộ phận, đây là nút bấm tốc độ, kia là nút bấm khẩu độ... Tôi loay hoay mãi, cuốn sách chỉ dẫn không hé mở tí nào đến ý nghĩa, đến công dụng của nó. Cách điều hợp giữa khẩu độ và tốc độ tuyệt nhiên không có... Cho đến lúc tôi mua cuộn phim, trong đó có một bản chỉ dẫn khá chi tiết, lúc ấy, chân trời mù mờ của tôi mới le lói có chút tia sáng.


      Xin trở về với thời gian này, vào những năm 1925-26, sách ảnh chưa có, lớp ảnh chưa có, thầy ảnh chưa có, mà số người' cầm máy cũng chẳng hiểu có bao nhêu... chỉ biết năm thì mười họa, vào những dịp chợ Tết hay chợ phên, thỉnh thoảng lắm mới có một người đeo toòng teeng trên vai một cái ảnh, với một dáng điệu oai phong như một ông tướng ra trận!


      Chiếc máy mượn được của ông bác tôi, tôi đâu có dám đeo trên vai lượn phố, mà được gói kín cẩn thận, đem về làng vào một ngày nghỉ học. Đề tài của tôi tất nhiên là cái lá súng trái sáng. Chân dung đầu tiên của tôi là đứa cháu gái kháu khỉnh, con anh tôi. Cuốn phim hỏng quá nửa vì thiếu ánh sáng hay thừa sáng, nhất là những chiếc lá súng nhìn trái sáng vào một ngày nắng lửa mùa hè... đưa đi hiệu ảnh Hương Ký tráng in không có hình. Hỏi, thì được cho biết phim tráng ra đen như mực. Người đứng quầy trả trình còn giơ cuốn phim, chỉ cho tôi rồi bảo: "Cậu chụp thừa sáng thế này thì in làm sao được!".


      Tôi cứ mò mẫm, lần lần, rồi cũng ra thôi. Cho đến một ngày thật đẹp trời, tôi có một tấm ảnh, một tuyệt phẩm không tiền khoáng hậu, một thể hiện siêu phàm đối với tôi. Đó là một tấm ảnh tôi bấm được trong ao trước nhà, có ba con vịt trắng lội quanh một chiếc lá sen, vào đúng lúc cả ba con cùng châu đầu vào tâm của chiếc lá, như ba thi nhân ngồi quanh một mâm rượu. Tôi đắc chí lắm và tôi ôm lấy tấm ảnh lớn chưa bằng bàn tay vào lòng, ấp ủ nó như ấp ủ một người tình trong mấy ngày liền!


      Lần lần tôi chụp được đúng, mặc dầu không có quang kế. Thời ấy đã làm gì có posemètre, thì chụp nhều hóa quen, tôi có pose mắt! Dần dần, tôi mở đề tài ra hơn là ba con vịt... tôi bay nhẩy trong quê hương nhỏ bé là cái làng im lìm sau lũy tre xanh của tôi... rồi tôi bay nhẩy trong cái quê hương rộng lớn hơn, là đất nước thân yêu của tôi.


      Trong niềm suy tưởng miên man, tôi buông chân xuống đẩy cho cái võng đu đưa... té ra chân tôi đã mỏi, gót tôi đã mòn, đầu tôi đã bạc... Bấm đốt ngốn tay, tôi mới chợt nhận ra, thấm thoát, tôi đã say sưa cầm máy được gần nửa thế kỷ!


      Tôi là người ham mê sáng tác. Cảnh với người quanh tôi làm tôi mê man. Tôi ngắm, tôi bấm, tôi suy nghĩ, tôi rung động, tôi gửi gấm, tôi tính toán... tôi ham mê tốc độ, cả đời cầm máy của tôi, tôi không có lấy một cuốn album sưu tập những gì tôi đã thể hiện. Tôi không phải là nhà sưu khảo phê bình. Tôi tự nhủ, thì giờ để làm việc ấy, thà vác máy lên vai, ì ạch cái xe Vespa cọc cạch ra ngoại cảnh rộng lớn để tìm kiếm, để ghi nhận còn hơn... Việc nghiên cứu xin để dành lại cho các bậc cao minh hơn mình làm.


      Thế mà... 1975 ập tới. Tôi không còn được tiếp tục niềm say mê ấy nữa. Nhưng cái nghiệp nhiếp ảnh vẫn ám ảnh tôi, bỏ sao được... Tôi tự nhủ, nếu không được cầm máy nữa thì tôi nghĩ vậy."


      Câu hỏi thứ nhất tôi đã tự giải đáp ở phần trên: "Tại sao và vì đâu tôi đã ngụp lặn trong ngành nghệ thuật này gần trọn đời mình?"

      Trong dòng suy tưởng, tôi còn một suy tưởng thứ hai: "Tại sao và vì đâu nền nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam bén rễ nhanh, phát triển mạnh, chỉ trong vòng chưa đầy hai mươi năm mà chúng ta đã có một chỗ ngồi trong nền văn nghệ sáng chói ở trong nước và một chỗ đứng có hạng ngoài quốc tế?"


      Những nguyên nhân xét ra rất nhiều, nhưng có thể qui tụ vào ba điểm chính yếu: người ảnh với khả năng và sự đam mê, ngoại cảnh với môi trường sáng tạo thuận lợi và sự ích thích nuôi dưỡng từ bên ngoài. Có thể kể đó là một vốn liếng thêm hai động cơ thúc đẩy: một hạt giống trong một mảnh đất mầu mỡ, có mùa mưa thuận gió hòa cho hạt giống ấy bén rễ, nẩy nở, vươn cành xanh lá.


      Động cơ thúc đẩy đó là sách vở, là lớp học, là các cuộc triển lãm, là các nhóm, các hội... đã được đề cập đến rộng rãi và nhều lần, bữa nay tôi chỉ nói đến cái hạt giống và mảnh đất màu mỡ chưa được, hoặc ít được đề cập tới.


      Nói về năng khiếu nhiếp ảnh, có thể nói không mấy sai là người Việt chúng ta rất có năng khiếu. Năm 1952, trong cuộc triển lãm đầu tiên do người Việt đứng ra tổ chức tại Nhà Hát Lớn Hà Nội, số người có ảnh trưng bày là 22. Việc hô hào ngắn ngủi, hữu hạn, với phương tiện truyền thông eo hẹp lúc ấy, số nghệ sĩ độc lập sống tản mát, không qui tụ được đầy đủ! Mười năm sau, chỉ mười năm sau thôi, năm 1962, những cuộc triển lãm ảnh đã được thực hiện vô cùng phong phú, cuộc triển lãm nào cũng không dưới ba trăm người tham dự, bất kể nhóm nào, hội nào đứng ra hô hào và tố chức. Có lúc con số còn cao hơn!


      Trên trường quốc tế rộng lớn, những cuộc triển lãm lừng danh ở Âu, ở Á, ở Mỹ, ở Phi... không cuộc triển lãm nào vắng mặt Việt Nam. Số huy chương và bằng tưởng lệ nườm nượp kéo về Đông Nam Á: trong đó Trung Hoa và Việt Nam lần lượt dẫn đầu. Cuộc tranh tài giữa Trung Hoa và Việt Nam nhiều lúc thật ngang ngửa. Có thể nói rằng ở Đông Nam Á Châu có ba dân tộc có duyên với nhiếp ảnh nghệ thuật, là Việt Nam, Trung Hoa và Nhật Bản. Còn nhiều quốc gia khác nữa như Phi Luật Tân, Mã Lai, Tân Gia Ba... nhưng, lần giở những trang tổng mục, chúng ta thấy ngoài người Việt ra, là tên người Hoa (ở những quốc gia trên), còn người địa phương thì tương đối hiếm, mình có thể nói rằng trong dòng máu người Việt khả năng tiếp thu và phát trển nhiếp ảnh rất nhanh, rất mạnh... Sở dĩ được như vậy là vì chúng ta được thừa hưởng một nền văn hóa phong phú, đa dạng, trong sáng, đầy hình ảnh, đầy màu sắc, dí dỏm, trữ tình và sâu sắc.


      Trước hết, ngôn ngữ của chúng ta là ngôn ngữ thật trong sáng, lối nói của chúng ta nhều ẩn dụ và đầy hình ảnh, dù là trừu tượng, chúng ta dùng một hình tượng rất dễ hiểu đi trước rồi mới tiếp đến ý tưởng cần giải bầy:


      - Bao giờ bánh đúc có xương,

      Bao giờ dì ghẻ mới thương con chồng.


      - Nhiễu điều phủ lấy giá gương

      Người trong một nước phải thương nhau cùng.


      - Cá không ăn muối cá ươn

      Con cãi cha mẹ trăm đường con hư.


      - Thuận vợ thuận chồng, tát biển đông cũng cạn.


      Những hình ảnh dễ hiểu đương nhiên ai cũng phải công nhận, mở đầu cho vế sau cũng đương nhiên là đúng. Lối nói của chúng ta là lối nói ăn ảnh, hoặc nói cách khác, người ảnh nhìn ngoại cảnh dễ tìm ra nội dung tiềm ẩn nào đó mà mình muốn diễn đạt.


      Nhà cửa, đồ đạc, cách trang trí trong nhà, vừa giản dị, ở vào một thế liên lập, liên hoàn đến trở thành thành ngữ dân gian: vườn rau ao cá, sân gạch bể cạn, cây đa bến nước... đó là những bố cục có sẵn, vừa chặt chẽ, vừa điển hình...


      Nét thơ mộng của chúng ta có thừa. Kho tàng ngôn ngữ của chúng ta đầy ắp tục ngữ, ca dao, thơ lục bát, giọng hát, câu hò... đến độ người ngoại quốc đã phải thốt lên: "Mỗi người Việt Nam là một thi sĩ!".


      Chúng ta còn có truyền thuyết Con Rồng Cháu Tiên, Phù Đổng Thên Vương oai hùng, Trương Chi Mỵ Nương đa tình, có Hòn Vọng phu hóa đá... nói lên lòng chung thủy son sắt một lòng...


      Nói về đề tài sáng tác, quanh nhà chúng ta, quanh ngõ chúng ta, quanh làng chúng ta, quanh đất nước chúng ta... đâu đâu cũng là một kho đề tài vô tận.


      Về cây trái, cây tre, cây cau vươn lên cao... cây bưởi, cây cam tỏa cành tỏa lá, tỏa trái vàng trái đỏ, xòa xuống bờ ao, bờ lạch... Y phục thì thật đơn giản nhưng không kém phần tha thướt, uyển chuyến, vừa dễ may lại vừa dễ mặc. So sánh cái áo dài của phụ nữ Việt Nam với cái Sarong Ấn Độ, cái Kimono Nhật Bản chúng ta thấy ngay sự mềm mại và ưu thế của chiếc áo dài.


      Chiếc nón lá của chúng ta thật là tuyệt diệu. Cái chóp nhọn nâng con người cao lên, nhẹ nhàng. Cái vành nón tròn tỏa rộng như che đậy, như ấp ủ khuôn mặt phụ nữ dịu dàng, diễm lệ... Mưa che mưa, nắng che nắng, đưa bàn tay thon thon lên cầm vành nón, che nụ cười duyên, để lộ ra đôi mắt bồ câu, liếc sắc như một đường gươm... đến tuổi tác như chúng tôi đây, mà cũng còn thấy xiêu lòng...!


      Những ai muốn tìm đường nét, khối mảng, xin mời đến những vùng, những điểm, đường nét... khối mảng lên ngôi. Thích đường cong cong có hàng liễu rũ, có vòm lá dừa cuốn tròn, có mái đình, mái chùa... Mái chùa Tây phương là một kiến trúc tuyệt diệu, những đầu nao rướn lên như nhảy, như múa một vũ điệu xoắn xuýt, dẻo dai, uyển chuyển.


      Ở vùng Việt Bắc, nhiều khu đồi đất nằm như bát úp, đồi nào cũng có ruộng bậc thang xếp lớp, từ xa nhìn lại ta hình dung ra những trái bưởi xanh khổng lồ vừa được gọt vỏ, những khoanh vỏ gọt vẫn còn xếp lớp chưa được gỡ ra... Vào mùa lúa chín, màu xanh chuyển sang màu vàng... rồi tới mùa mưa, cấy cày, ruộng bậc thang biến thành những mảnh gương xếp lớp, phản chiếu trời mây, lốm đốm những chấm đen của trâu cầy, của người cấy, nhỏ như đàn kiến di động chậm chạp.


      Ai thích đường thẳng đứng, đâu đâu cũng có lũy tre, hàng cau... Trồng thành vườn, thành xóm là cau Bà Điểm. Thân cau mảnh mai đứng thẳng tắp thành hàng thành lối, lại mang trên ngọn vài tàu lá xòe ra như bàn tay đong đưa theo gió vẫy gọi mây về... Có thì giờ đi xa, xin mời ra Tam Kỳ, xin mời uống dừa trầm mặc, soi bóng xuống mặt nước phẳng lặng, như những thiếu nữ đứng soi gương hong tóc.


      Những gì tôi vừa miêu tả, ta hãy quên đi tên gọi của chúng, gọi chúng là những hình, những dáng, những vẻ... những gì hiện trong khung nhắm máy ảnh của chúng ta, như ở vào một thế độc lập, liên lập, liên hoàn chặt chẽ cho bố cục của một tác phẩm, còn bối cảnh làm nền cho ảnh sinh hoạt, cho ảnh chân dung, cái background cần thiết. Còn nhiều thứ khác nữa chưa được đề cập tới như dòng sông uốn lượn, như núi non chập chùng, như biển cả mênh mông, như mây chiều sương sớm... rất ư là quê hương Việt Nam.


      Nói đến dân tộc Việt Nam, đó là một dân tộc cần cù, siêng năng, thức khuya, dậy sớm, hiếu hoà, hiếu học, trọng tình, trọng nghĩa, vô cùng cởi mở... Người ảnh đeo bị máy lên vai, nhìn ra xung quanh, thấy đồng bào mình ai cũng là bạn, nhờ gì được nấy, sẵn sàng đứng vào vị thế mình muốn, đi vào chỗ nào mà ảnh gọi là điểm mạnh trong bố cục... muốn cầy, muốn cuốc, muốn gánh muốn gồng nặng nề cũng chiều ngay. Người ảnh không phải tiếc rẻ cảnh này tĩnh quá vì không có người, không sợ hoạt cảnh kia thiếu một thiếu nữ duyên dáng nở nụ cười bẽn lẽn và quyến rũ.


      Trong những sáng Chủ Nhật chúng tôi đi thực tập ở Bà Điểm, ở Thủ Đức, ở An Phú Đông... hoặc những chuyến đi săn ảnh xa như Đà Lạt, Mũi Né... nơi nào cũng gặp được sự tiếp tay, tiếp sức trọn vẹn của đồng bào trong những tác phẩm nói về sinh hoạt địa phương, về đức tính và dáng vẻ hết sức thân thương. Chúng tôi bắt gặp, không phải tìm kiếm đâu xa, mà đầy rẫy quanh mình những em bé thơ ngây, hồn nhiên, ngây ngô như Bờm, khôi ngô vạm vỡ như một Đinh Bộ Lĩnh ngồi trên mình trâu cờ lau tập trận.


      Những ai đi tìm chân dung độc đáo sẽ được sướng thỏa với những nếp nhăn cuồn cuộn trên lưng, trên mặt ông già biển, nước da sạm như đồng hun, những bà mẹ quê hiền hậu ngồi khâu vá trên thềm nắng lọt, những em bé mang tên Thơm, tên Lụa... vừa nhặt gạo vừa đưa võng cho giấc ngủ ngon lành của thằng Cu em.


      Cho nên ta không lấy làm lạ khi thấy những tài năng nẩy nở. Cho nên rất dễ hiểu tại sao nhiếp ảnh Việt Nam phong phú, mang nhều chất thơ và nội dung sâu sắc, đến nỗi làm ngác nhiên mọi giới, mọi người. Cho nên ta có thế hiểu là đương nhiên nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam bén rễ nhanh, nẩy mầm chóng, lên cành, lên lá xum xuê, xanh tốt, đâm hoa kết trái nhanh chóng, nhanh chóng như người đi hia bảy dậm, chỉ trong hai mươi năm ngắn ngủi, nhiếp ảnh Việt Nam đã thực sự trưởng thành, bởi vì đã hội đủ cả ba yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa... tạo được một chỗ ngồi trong lòng mọi người. Và một chỗ đứng trong làng nhiếp ảnh nghệ thuật quốc tế.


      Trong những ngày tháng còn ở Việt Nam, chúng tôi trông ngóng về phía các bạn hải ngoại, nơi các bạn có phương tiện dồi dào, có tự do sáng tác... chúng tôi mong rằng ngày nào, khi về lại được quê hương thí món quà ảnh nghệ thuật chắc phải đưa về hàng đầu.


      Xin nhắn nhủ và gửi gấm các bạn ảnh trẻ, phải làm sao hay hơn, giỏi hơn, thành công hơn thế hệ chúng tôi để đem lại vinh quang cho ngành nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam. Xin cảm ơn tất cả các bạn.


      Nguyễn Cao Đàm

      (Ngày Nay Minnesota số 124, 15.8.1994)


      Chú thích:


      (l) Nadar là bút hiệu của Gaspar Féliz Tournachon (1820-1910), người Pháp, vừa là nhà báo vừa là nhiếp ảnh gia, nổi tiếng với những tác phẩm chụp chân dung và phong cảnh.


      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022


      Cùng Tác Giả

      Cùng Tác Giả:

       

      - Nhiếp-Ảnh-Gia Nguyễn Mạnh Đan Nguyễn Cao Đàm Nhận định

      - Một Thời Nhiếp Ảnh Nghệ Thuật Nguyễn Cao Đàm Nhận định

    3. Link (Nhiếp Ảnh) Ad-31 Ad-31 = QC_250-250 (Học Xá)
      Chuyên Mục Hội Họa (Học Xá)

       

      Hội Họa

        Cùng Mục (Link)

      Đỗ Duy Ngọc và ảnh nghệ thuật đen-trắng (Diễn Đàn Thế Kỷ)

      Phan Nguyên - Mượn Dấu Thời Gian (Song Thao)

      Họa sĩ Victor Tardieu (Huỳnh Hữu Ủy)

      Họa sĩ Hồ Hữu Thủ qua đời (Diễn Đàn Thế Kỷ)

      Họa sĩ Vị Ý với ước nguyện không thành (Việt Dương)

      Nguyễn Trọng Khôi: Huyền ảo cao nguyên đá (Nguyễn Trọng Chức)

      Tưởng niệm Victor Tardieu (Ngô Kim Khôi)

      Nguyễn Trọng Khôi – Đam mê và Sáng tạo (Trương Vũ)

      Khánh Trường và Những Tấm Lòng (Nguyên Hòa)

      Hồ Hữu Thủ - Người Đi Tìm Chân Tướng Sự Vật (Nguyễn Viện)


      William Alexander & Họa Phẩm Về Đàng Trong

      (Nguyễn Duy Chính)

       

      Họa sĩ và Nhiếp ảnh gia:

      Danh Mục Tác Giả: Cùng Chỉ Số (Link-2) André Maire,  Ann Phong,  Bé Ký,  Bùi Xuân Phái,  Bửu Chỉ,  Cao Bá Minh,  Choé,  Dương Phước Luyến,  Dương Văn Hùng,  Duy Liêm,  Duy Thanh,  E Gras,  Hiếu Đệ,  Hồ Hữu Thủ,  Hồ Thành Đức,  

       

      Nhiếp ảnh gia:

      Nguyễn Cao Đàm, Trần Cao Lĩnh,

      Nguyễn Ngọc Hạnh, Hương Kiều Loan

       

      Trường Vẽ Gia Định (truongvegiadinh.blogspot)

       

  2. © Hoc Xá 2002

    © Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com)