|
Dê Húc Càn(1.10.1934 - 21.11.1987) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Nhiếp ảnh gia Lại Hữu Đức
Chúng ta đều biết rằng nhiều điểm nghệ thuật của nhiếp ảnh cũng có thể tìm thấy trong hội họa. Những nguyên tắc căn bản của bố cục (composition) trong nhiếp ảnh và hội họa đều chú trọng đến sự biến đổi (variation) và lập lại (repetition) của các đường nét, hình dạng, mảng, màu sắc, sắc độ, v.v… để đạt được ba yếu tố cần thiết cho một tác phẩm giá trị: đơn giản (simplicity), hài hòa (harmony) và cân bằng (balance). Vì thế mà có nhiều nhiếp ảnh gia lỗi lạc cũng đã từng là họa sĩ. Nhưng một nghệ sĩ trong bộ môn nghệ thuật tạo hình (visual art) có khả năng kiêm toàn ba lãnh vực nhiếp ảnh, hội họa, và điêu khắc là một trường hợp ít thấy. Đó là trường hợp của nhiếp ảnh gia, kiêm họa sĩ và điêu khắc gia Lại Hữu Đức.
Lại Hữu Đức với nhiếp ảnh
Bắt đầu chụp ảnh từ năm 1940, ông chính thức bước vào nhiếp ảnh nghệ thuật từ năm 1963. Ông là một trong số những người có công đầu trong việc thành lập Hội Ảnh Nghệ Thuật Việt Nam (HANTVN). Ông đã từng là Tổng Thư Ký, Phó Hội Trưởng của HANTVN, Trưởng Ban Tổ Chức kỳ thi ảnh quốc tế tại Sàigòn vào năm 1974, Giám Khảo trong Hội Đồng Giám Khảo về bộ môn nhiếp ảnh cho giải Văn Học Nghệ Thuật của Tổng Thống VNCH từ năm 1970 đến 1974, giám khảo của các kỳ thi nhiếp ảnh quốc tế tại Sàigòn vào các năm 1971, 1972, và 1974.
Trong sinh hoạt nhiếp ảnh hiện nay, ông Đức thường trầm lặng và khiêm tốn; nhưng ông là một trong những nhiếp ảnh gia Việt Nam đã thật sự có nhiều huy chương và tước hiệu nhiếp ảnh quốc tế: huy chương vàng LISBOA của Bồ Đào Nha, huy chương bạc FLAP Bordeaux của Pháp, huy chương đồng NANTE của Pháp, huy chương đồng CHILÉ (Nam Mỹ), huy chương đồng Montesson của Pháp, v.v... Về tước hiệu thì có Danh Dự Hội Viên (Honorable Fellowship) của hội National Photographic Art Society of Sri Lanka (Colombo); Cao Đẳng Hội Viên (Fellowship) của các hội Photographic Society of New York và Mongkok Photographic Club LTB Hồng Kông, Trung Đẳng Hội Viên (Associateship) của Royal Photographic Society of Great Britain, v.v...
Hướng dẫn viên của các khóa nhiếp ảnh nghệ thuật
Tuy năm nay đã 73 tuổi, ông Đức có sức khỏe rất tốt và tinh thần minh mẫn như còn ở lứa tuổi 50. Nhanh nhẹn, vui vẻ, tập thể dục mỗi ngày, và thường xuyên đến các trường Đại Học để nghiên cứu học hỏi thêm về nghệ thuật. Liên tục từ nhiều năm nay ông là một giảng viên cột trụ của các lớp nhiếp ảnh nghệ thuật do HANTVN tổ chức tại Orange County. Các bài giảng “Xây Dựng Một Tác Phẩm Nhiếp Ảnh” và “Ảnh Chân Dung Nghệ Thuật” của ông đều là những đề tài nhiếp ảnh nghệ thuật cao cấp trong các khóa nhiếp ảnh cấp II và cấp III. Khi còn ở quê nhà, ông đã từng hướng dẫn các khóa nhiếp ảnh trên Truyền Hình Sàigòn, cho Hội Ảnh KBC, chương trình Bách Khoa Bình Dân, v.v…
Xuất bản và nhập cảng sách nhiếp ảnh
Là chủ nhân của nhà sách Việt Bằng ở Sàigòn, Lại Hữu Đức đã nhập cảng các bộ sách nhiếp ảnh và hội họa có giá trị của Pháp và Mỹ về Việt Nam để cho các người chụp ảnh và họa sĩ ở trong nước lúc bấy giờ có tài liệu nghiên cứu và tham khảo. Ngoài ra ông Đức cũng đã xuất bản và phát hành bộ sách “Nhiếp Ảnh Nghệ Thuật” của các nhiếp ảnh gia Nguyễn Cao Đàm và Trần Cao Lĩnh. Nhờ bộ sách này mà nhiếp ảnh nghệ thuật đã được quảng bá sâu rộng trong đại chúng Việt Nam hơn. Đặc biệt, ông đã sang Pháp học về xuất bản và khai thác thương mại ngành sách vào những năm 1962-1963 tại Paris.
Ông cũng đã đóng góp nhiều bài viết về nhiếp ảnh nghệ thuật cho tạp chí Ảnh Nghệ Thuật và báo Kịch Ảnh ở Việt nam trước năm 1975, và cho nguyệt san Thế Kỷ 21 hiện nay ở Mỹ. Tôi rất thích bài “Đường Nét Trong Bố Cục” của ông đăng trong tạp chí Ảnh Nghệ Thuật vào năm 1970 tại Sàigòn. Các loại đường nét thường dùng trong bố cục như: đường thẳng, đường gãy, đường cong theo các chiều ngang, dọc, chéo đã được giới thiệu với ý nghĩa và sự gợi cảm của riêng mỗi loại. Bố cục cân đối và bố cục không cân đối được phân tích cặn kẽ với những trường hợp áp dụng điển hình. Bố cục theo mẫu những chữ cái C, G, I, J, L, S, U, Z, v.v… được trình bày và minh chứng bằng những hình ảnh thật đẹp. Đây là một bài nghiên cứu công phu, một tài liệu giá trị về bố cục trong nhiếp ảnh.
Trong số đặc biệt về nhiếp ảnh của Thế Kỷ 21, số 25 tháng Năm 1991, bài “Nhớ Lại Cảnh Xưa” của Lại Hữu Đức là một bài viết duyên dáng và đầy cảnh sắc cho nhiếp ảnh.
Đây là một đoạn văn trong bài này khi ông tả cảnh Chapa, một nơi nghỉ mát gần biên giới Việt Hoa: “Nhìn ra xa ngắm cảnh, đường mòn uốn khúc, khi ẩn nơi rừng thông cao ngất, khi hiện nơi đồi cỏ xanh rì. Dòng suối chảy nước trong suốt. Bên bờ hoa rừng đỏ thắm lấp ló trong đám lá xanh, gió thổi thông reo, phong cảnh thiên nhiên thật tuyệt vời…” Chỉ trong vài hàng mà ta đã thấy biết bao đường nét, hình dạng, ánh sáng, màu sắc, các cạnh khi ẩn khi hiện, v.v… được phối trí trong một bố cục vững chãi. Tôi mong ông Đức viết nhiều hơn nữa về nhiếp ảnh. Tôi tin rằng ông sẽ có nhiều đóng góp cho nghệ thuật nhờ vào trình độ và kiến thức đa ngành (interdisciplinary) của ông.
Triển lãm nhiếp ảnh nghệ thuật
Lại Hữu Đức đã tham gia nhiều cuộc triển lãm nghệ thuật quốc gia và quốc tế tại Sàigòn trước năm 1975. Từ năm 1978 ông đã hằng năm triển lãm chung với các bạn ảnh HANTVN tại nhiều nơi ở Mỹ. Ảnh của Lại Hữu Đức phần lớn là ảnh trắng đen gồm chân dung nghệ thuật, ảnh phóng sự, ảnh phong cảnh, ảnh chụp vội vàng (snap shot) với đề tài phong phú, nhiều dân tộc tính và có gía trị nghệ thuật rất cao.
“Têm Trầu”, chụp với ánh sáng hẹp, là ảnh chân dung bối cảnh (environmental portrait) của một bà già với vẻ mặt phúc hậu bình thản đang để hết tâm hồn vào việc têm miếng trầu ngon. Trong tấn hình “Bà Cháu”, một bà lão tóc bạc mặc áo bà ba đứng khuất một nửa người sau vách nhà bằng gỗ và một tay đang dìu đứa cháu trai, với vẻ mặt ngây thơ bỡ ngỡ, ra phần ánh sáng. Người xem ảnh có thể thấy, ngoài tình bà thương cháu, ý niệm “tre già măng mọc” của sự chuyển tiếp thế hệ được nói lên ở đây. “Ni Cô”, được chụp với ánh sáng Rembrandt, là hình một sư nữ đang lần chuỗi tụng kinh, vẻ mặt trầm lắng như đang thoát khỏi thực tại và đang thả hồn theo lời kinh cầu nguyện.
Trong các ảnh chân dung nghệ thuật, kỹ thuật ánh sáng hẹp và ánh sáng Rembrandt đã là sở trường của Lại Hữu Đức. Ông đã triệt để khai thác ánh sáng cửa sổ để nhấn mạnh các đường cong và thu hẹp những khuôn mặt tròn đầy.
Đáng chú ý nhất là kỳ triển lãm cá nhân “Ảnh Phong Cảnh Việt Nam” của Lại Hữu Đức vào tháng Ba năm 1991 tại khu thương xá Phước Lộc Thọ, Sàigòn Nhỏ, với 28 tác phẩm trắng đen khổ lớn từ 16”x20” đến 40”x50” và 30”x60”. Tất cả đều là ảnh phong cảnh Việt Nam mà ông Đức đã chụp tại quê nhà trong vài thập niên trước năm 1975 và mang được âm bản sang đây. Hàng ngàn người, Việt và dân bản xứ, đã có dịp thưởng thức những tác phẩm nhiếp ảnh nghệ thuật này trong suốt hai tuần lễ.
Người Huế chắc đã thấy lòng nao nao xúc động khi nhìn lại cảnh sông Hương lững lờ uốn khúc dưới cầu Trường Tiền, thuyền đò rải rác trên sông và chợ Đông Ba nằm bên bờ sông trong tác phẩm “Huế”. Tấm hình này, được chụp từ trên máy bay trực thăng, cho người xem thấy phố xá, nhà cửa, đường sá với cây cảnh hai bên bờ sông Hương. Những chiếc đò trên dòng Hương giang thơ mộng đã là đề tài phong phú cho nhiều văn nhân thi sĩ, trong đó có bài thơ “Lời Kỹ Nữ” của Xuân Diệu với mấy câu kết được nhiều người biết đến: “Xao xác tiếng gà. Trăng ngà lạnh buốt. Mắt run mờ kỹ nữ thấy sông trôi. Du khách đi. Du khách đã đi rồi”. Huế đẹp, Huế thơ đã gợi nguồn cảm hứng dạt dào để cho “Dạ Lai Hương” được sáng tác, một bản nhạc đẹp và thanh khiết nhất trong nhạc Phạm Duy. Tuy nhiên, nỗi buồn thắm thiết sẽ đến với những người Huế khi nhìn tác phẩm nhiếp ảnh “Hoàng Hôn Trên Sông Hương” của Lại Hữu Đức. Một chiếc thuyền nhỏ đơn độc màu đen nhẹ nhàng rẽ nước đi trên sông Hương trắng xóa, để lại hai luồng sóng nước biệt ly lan rộng về phía sau dưới cảnh mây chiều phiêu bồng trôi nổi. Bên phải là bờ cỏ thấp, bên trái và trước mặt là núi đen dợn sóng nhấp nhô. Nhìn hình này, những ai đã kinh nghiệm biệt ly và dang dở cuộc tình nơi cố đô Huế chắc sẽ nhớ tới những lời ca trong “Hẹn Một Ngày Về” của Lê Hữu Mục: “Huế lờ lững sông Hương, năm tháng còn vương lời ai mong chờ. Huế là tiếng dịu êm, cô lái bên sông còn vang lời thơ… Trầm ngâm thuyền mang thương nhớ qua sông, chập chùng trời mây bay trong mênh mông… Gỡ tay vướng mà đi, sông núi biệt ly, người xa kinh kỳ…”. Có lẽ vì những cảnh tình kỷ niệm ấy mà trong suốt hai tuần lễ triển lãm, hai tác phẩm này đã được hỏi mua nhiều nhất!
Đồi Cát Ở Mủi Né
Ảnh Lại Hữu Đức
Đặc biệt nhất trong cuộc triển lãm này, theo tôi, là những hình đồi cát mà Lại Hữu Đức đã chụp ở Mũi Né. Mũi Né nằm giữa Phan Thiết và Phan Rang, cách Phan Thiết chừng 20 cây số. Nhiều nhiếp ảnh gia Việt Nam đã đoạt các giải thưởng và huy chương nhiếp ảnh quốc tế với các hình đồi cát chụp tại đây. Tôi đã có dịp thưởng thức khá nhiều hình đồi cát của các nhiếp ảnh gia, kể cả Ansel Adams và Edward Weston; nhưng những hình đồi cát của Lại Hữu Đức đã cho tôi nhiều cảm xúc mạnh mẽ và lưu giữ trong trí tôi thật rõ nét. Đó là các tác phẩm “Rượt Bắt”, “Đường Xa”, Đi Chợ”, Về Chợ” và “Đồi Cát”.
"Đồi Cát" trông như một giải lụa trắng nõn uốn khúc theo chiều ngang của tấm hình, nổi bật trên nền đen của các lũng cát sâu; phần cuối cồn cát ở phía trên bên phải dợn sóng nhấp nhô làm cho giải lụa càng dịu mềm óng ả. Hình ảnh này khiến tôi nhớ đến câu thơ của thi sĩ Bàng Bá Lân: “Êm đềm sóng lụa trôi trên lúa”, và ở đây xin phép đổi chữ “lúa” thành chữ “cát”: “Êm đềm sóng lụa trôi trên cát”. Một con chó nhỏ đuổi theo em bé đang chạy vào giữa tấm hình làm tăng phần sinh động. Nếu “Thần Phong” đã tạo nên những cồn cát với nét đẹp đặc thù thì ”Thần Thái Dương” đã trang điểm và tôn vinh vẻ đẹp ấy thêm lên bằng ánh sáng ban mai ấp áp.
Nhìn thật kỹ và nhìn đi nhìn lại nhiều lần hai tác phẩm “Đi Chợ” và “Về Chợ” tôi chợt nhớ đến một vài ý của nhiếp ảnh gia Ngô Đình Cường khi viết về đồi cát Mũi Né: “Bạn có thể tưởng tượng đến một anh thợ bánh mì nặn những cục bột lớn đặt lên trên mặt bàn với lối bố cục vững vàng của một nhiếp ảnh gia. Chỗ nào kém đẹp anh thợ lại dùng dao thẻo bớt đi một miếng, tạo thêm một bệt đen thẩm mỹ tài tình” hoặc là “Cồn Cát? Đó là phép lạ của gió biển. Là một điêu khắc gia tài tình không khi nào chịu giữ lại những đường nét mà một tuần trước đây mình đã tạo ra”. Thật khó tưởng tượng được tài khéo léo của “điêu khắc gia” gió biển, đã tô bồi đẽo gọt những đồi cát thành những đường nét và hình thể đẹp kỳ lạ tuyệt vời. Một vài người đàn bà địa phương với áo bà ba đen và nón lá trắng, gánh hai cái thúng đen, thoăn thoắt bước đi trên đồi cát trắng, làm cho hai tác phẩm này thêm đậm nét văn hóa Việt Nam.
Nhiếp ảnh gia Lại Hữu Đức đã tạo ra được một ảnh phong (photographing style) riêng, với các đề tài đa dạng mà phần lớn mang nhiều dân tộc tính trong lối bố cục cổ điển rất vững chắc. Ảnh phong cá biệt ấy là kết quả của cái nhìn độc đáo trong nhiếp ảnh và một tâm hồn phóng khoáng yêu nghệ thuật, biết quí và đặt giá trị nghệ thuật lên trên những câu chấp thông thường. Riêng về bố cục trong ảnh của Lại Hữu Đức, ngoài sự biến đổi và lập lại mà ông thường sử dụng, tôi đã tìm thấy ba yếu tố tập trung (focus), mạch lạc (coherence) và thuần nhất (unity), đây là ba yếu tố chính yếu cho bố cục của một bài văn mà tôi đã chủ trương đưa vào nhiếp ảnh. Những hình ảnh vừa đề cập trong cuộc triển lãm nói trên là một số tác phẩm tiêu biểu của Lại Hữu Đức về cảnh đẹp và các sinh hoạt quen thuộc của đồng bào trên quê hương yêu dấu, nơi mà tình cảm thương nhà nhớ nước trong lòng mỗi người Việt tha hương vẫn mãi mãi nhớ về.
Lại Hữu Đức với hội họa và điêu khắc
Mặc dầu rất thích vẽ từ những năm tiểu học nhưng Lại Hữu Đức đã chỉ tự tìm tòi học hỏi về hội họa, cho mãi đến năm 1978 ông mới chính thức học Art tại Georgia. Tuy nhiên các ngành Interior Design và Architect Drafting đã chiếm rất nhiều thì giờ khiến ông vẫn chưa sáng tác được nhiều trong những năm đó. Từ khi về hưu và dời về nam California vào năm 1986 ông đã dành nhiều thì giờ cho việc học hội họa và điêu khắc tại các trường đại học địa phương. Nhờ tài năng và kinh nghiệm sẵn có về nhiếp ảnh nghệ thuật, Lại Hữu Đức đã nhanh chóng trình làng nhiều tác phẩm hội họa và điêu khắc xuất sắc trong nhiều cuộc triển lãm chung với các nghệ sĩ Việt và Mỹ tại California và nhiều tiểu bang khác.
Mỗi lần ghé thăm Lại Hữu Đức thì hầu như tôi đều có dịp thưởng thức một vài họa phẩm mới của ông được treo ngay ở phòng khách. Nét vẽ linh động, màu sắc hài hòa, bố cục vững chắc với đề tài gần gũi cuộc sống hằng ngày là những điểm đặc trưng dễ nhận thấy trong tranh của Lại Hữu Đức. Một con thỏ nhỏ màu trắng, ở cạnh phía bên phải tấm hình, đang bị ôm giữ dưới nách một nam thanh niên cao lớn khỏe mạnh đứng xoay lưng về phía người xem tranh. Đó là bức tranh màu nước khổ rộng với tựa đề “Áp Bức” mà tác giả đã trưng bày tại một cuộc triển lãm ở khu Sàigòn Nhỏ trong tháng Tám 1992. Họa phẩm “Hoàng Hôn Trên Biển” có lẽ đã được thực hiện với nguồn cảm hứng khi Lại Hữu Đức xem lại những ảnh chiều về trên biển mà ông đã chụp ở Việt Nam với cảnh “trên sông khói sóng cho buồn lòng ai” (Tản Đà).
Hai tác phẩm mới nhất tôi được Lại Hữu Đức cho xem là “Chiều Tà” và “Vội Vàng”. Chiều Tà được bố cục theo hình chữ Z với hình ảnh của một dãy nhà nằm dưới chân đồi, khói lam chiều nhẹ tỏa khi mặt trời vừa khuất sau những cụm cây. Đặt biệt tôi rất thích bức tranh “Vội Vàng” diễn tả một người đàn bà bận rộn, đang vai mang tay xách bước đi thật nhanh, năng động (dynamic) nhịp nhàng với màu sắc hài hòa dịu nhẹ.
Ông Lại Hữu Đức với tác phẩm điêu khắc Uyên Ương Trầm Lặng. Photo by Đông Nguyên
Tôi đã rất ngạc nhiên và thích thú khi lần đầu tiên xem các tượng điêu khắc bằng đá cẩm thạch của Lại Hữu Đức mà ông đã triển lãm chung với các điêu khắc gia Mỹ. Tiêu biểu là các tác phẩm “Hòa Hợp” (Harmony) với hai con cá hòa nhịp bơi bên nhau, “Tương Phản” (Contrast) với một con cá đổi chiều bơi đột ngột như muốn đùa giỡn với một con cá khác đang bơi bên cạnh, “Uyên Ương Trầm Lặng” (Quiet Couple) đặc trưng về những đường cong mỹ thuật của anh chị cò thầm lặng, “Cô Đơn” (Lonely), nặn bằng đất nung, là tượng một cô gái ngồi xếp chân về phía sau, mắt buồn nhìn xuống, để lộ những đường cong tuyệt mỹ của thân người trong chiếc áo dài dân tộc, pho tượng “Xuân Sắc” (Spring Girl) là hình ảnh của một mỹ nhân ngồi xoay lưng về phía trước, mặt úp vào hai tay khoanh tròn tựa lên một tảng đá, chân xếp thoải mái về một bên, và suối tóc xuân buông xõa “chảy xuống đời làm sóng lênh đênh”.
Khi nhận xét về nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam trước năm 1975 và hiện nay tại hải ngoại, Lại Hữu Đức cho rằng:
“Trong thập niên 1960 và những năm đầu của thập niên 1970 có rất nhiều mặt của nhiếp ảnh nghệ thuật (như ảnh chân dung, ảnh phong cảnh, ảnh phóng sự, ảnh kỹ thuật, dương bản, ảnh phân sắc độ, kỹ thuật chạy sáng, texturing, vignetting, v.v…) đã được khai thác với kết quả là nhiều tác phẩm xuất sắc đã mang về cho nhiếp ảnh Việt Nam những thành tích sáng chói. Tuy nhiên đường lối sáng tác thời đó còn gò bó trong lề luật khuôn khổ và đề tài thường được sắp xếp dàn dựng. Phương tiện (phim, giấy, máy ảnh, tài liệu và các lớp huấn luyện về nhiếp ảnh, v.v…) đã không được đầy đủ. Bây giờ các bạn ảnh ở hải ngoại có nhiều điều kiện và phương tiện hơn để học hỏi những cái mới cái hay của nhiếp ảnh thế giới. Mặc dù các bạn ảnh trẻ bây giờ chưa đi vào nhiều mặt như nhiếp ảnh Việt Nam trước đây, nhưng khuynh hướng sáng tác có phần rộng rãi và dễ dàng hơn. Các bạn ảnh hải ngoại sáng tác theo rung cảm tự nhiên của tâm hồn họ, cái gì làm đề tài cũng được miễn là tác phẩm đẹp và có khả năng gây cảm xúc cho người xem ảnh”.
Ông có ý kiến rằng các bạn ảnh trẻ ở hải ngoại vẫn nên giữ tâm hồn Á Đông của mình khi thực hiện tác phẩm, không có nghĩa là tự hạn chế mình vào lối đường chật hẹp một chiều và đốt cháy khả năng sáng tạo.
- Lại Hữu Đức Trong Nhiếp Ảnh, Hội Họa và Điêu Khắc Đông Nguyên Nhận định
- Xem Triển Lãm Nhiếp Ảnh Của Nguyễn Cao Đàm Đông Nguyên Khảo luận
- Hương Kiều Loan, nỗi đam mê (Đỗ Dung)
- Đôi Dòng Lịch sử Nhiếp Ảnh Nghệ Thuật Việt Nam trước 1975 (Khôi Trần)
- Trò chuyện cùng GS Lê Văn Khoa nhân triển lãm nhiếp ảnh tại Houston (Băng Huyền)
- Nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Hạnh, tác giả bức ảnh Vá Cờ, qua đời (Đỗ Dzũng)
- Ảnh Siêu Thực (Trần Cao Lĩnh)
- Xem Triển Lãm Nhiếp Ảnh Của Nguyễn Cao Đàm (Đông Nguyên)
- Động Tĩnh Trong Ảnh (Trần Cao Lĩnh)
- Một Thời Nhiếp Ảnh Nghệ Thuật (Nguyễn Cao Đàm)
Nhớ Thầy (Thu An)
Nhiếp Ảnh Gia Nguyễn Cao Đàm, Bóng Tối Và Ánh Sáng (Nguyễn Ngọc Dung)
Nguyễn Cao Đàm, Người thầy của nhiều thế hệ nhiếp ảnh Việt Nam (cbs.com)
Vinh danh và ngưỡng mộ (hoivietanh.net)
Ảnh Trần Cao Lĩnh (vnthuquan.net)
Sài Gòn 1950-1975 (SafeShare.TV)
• Đỗ Duy Ngọc và ảnh nghệ thuật đen-trắng (Diễn Đàn Thế Kỷ)
• Phan Nguyên - Mượn Dấu Thời Gian (Song Thao)
• Họa sĩ Victor Tardieu (Huỳnh Hữu Ủy)
• Họa sĩ Hồ Hữu Thủ qua đời (Diễn Đàn Thế Kỷ)
• Họa sĩ Vị Ý với ước nguyện không thành (Việt Dương)
• Nguyễn Trọng Khôi: Huyền ảo cao nguyên đá (Nguyễn Trọng Chức)
• Tưởng niệm Victor Tardieu (Ngô Kim Khôi)
• Nguyễn Trọng Khôi – Đam mê và Sáng tạo (Trương Vũ)
• Khánh Trường và Những Tấm Lòng (Nguyên Hòa)
• Hồ Hữu Thủ - Người Đi Tìm Chân Tướng Sự Vật (Nguyễn Viện)
William Alexander & Họa Phẩm Về Đàng Trong
(Nguyễn Duy Chính)
Họa sĩ và Nhiếp ảnh gia:
Nhiếp ảnh gia:
Nguyễn Cao Đàm, Trần Cao Lĩnh,
Nguyễn Ngọc Hạnh, Hương Kiều Loan
Trường Vẽ Gia Định (truongvegiadinh.blogspot)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |