|
Nhật Ngân(24.11.1942 - 21.1.2012) | Phan Nhự Thức(4.2.1942 - 21.1.1996) | Trương Đình Quế(.0.1939 - 21.1.2016) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Họa sĩ Nguyễn Phước
Ngày còn ở trong nước, tôi thường có thói quen viếng thăm xưởng vẽ của những người bạn họa sĩ, thói quen ấy là một cái thú đặc biệt, vài tuần mà chưa trở lại một studio nào đó là như thiếu vắng cái gì. Xưởng vẽ của Nguyễn Phước từ bao nhiêu năm rồi đã trở thành một cái gì thân thuộc, với cái hấp lực rất đặc biệt, mặc dù rất lặng lẽ, tịch tĩnh và đối với tôi luôn luôn là một bí ẩn kỳ lạ.
Ít có một họa sĩ nào như thế, trong cái không gian nhỏ bé chỉ hơn trăm mét vuông, anh dựng nên một thế giới riêng biệt, tươm tất, tinh sạch. Tranh của anh có lúc rất mạnh với lửa, mặt trời, thủy triều và màu đỏ hung hãn, nhưng trong xưởng vẽ ấy thì lúc nào cũng mang lại cho người đến thăm viếng một sự bình an, yên tĩnh lạ thường. Nơi ấy, ngồi uống những chén trà trong buổi nhàn đàm thực là tuyệt diệu. Những tách trà lúc nào cũng tinh sạch, không một vết bụi, dù đó là một cái tách men sứ trắng tinh đến từ phương Tây, hay là chén trà nhỏ hạt mít xanh lam đời Thanh, hay ngay cả là cái chén gốm thô mộc do chính tay anh làm. Ngồi uống trà ngay trên sàn nhà, cạnh một hồ nước nhỏ ngay bên trong nhà. Hồ nước nhỏ ấy do chính tay anh làm, trồng những cây cỏ nhỏ, nuôi rêu phong, thả vài con cá bé tí teo tung tăng bơi lượn, rất riêng biệt của Nguyễn Phước, không phải là non bộ, giả sơn như cung cách trước đây người ta vẫn làm, không phải là bonsai và càng không phải là đá và thác nước của phương Tây. Vậy mà thực là kỳ lạ, chút cây cỏ, dương xỉ và rêu xanh ấy lại giúp cho chúng ta cảm giác thanh thản như đang hòa mình vào thiên nhiên rộng lớn bên ngoài, một thứ thiên nhiên thực sự là thiên nhiên, chưa có chút ô nhiễm vấy bẩn nào. Cũng có lúc những người khách của chủ nhân được mời dùng trà bên một cái bàn gỗ thấp, ngồi trên mấy cái chõng tre nhỏ thực xinh xắn. Và ngồi ở chỗ nào thì cũng thế cả, đều rất nhẹ nhàng, khinh khoái. Nơi xóm Chi Lăng - Phú Nhuận ồn ào xa mã ấy, vậy mà bước vào nhà Nguyễn Phước, đóng cửa lại, là chúng ta sống hẳn ở một thế giới khác. Giữa cái xô bồ của giới nghệ sĩ, có lẽ Nguyễn Phước là người duy nhất sống và làm việc trong không khí riêng tư lặng lẽ ấy. Cái tinh sạch, tươm tất, tử tế, rất giản dị ấy, sẽ dẫn chúng ta đến thế giới nghệ thuật của Nguyễn Phước, nghiêm trang, cẩn trọng và chu đáo. Màu sắc của Nguyễn Phước bao giờ cũng rất tinh sạch, trong vắt, không có chút gì cáu bẩn, dù là để mô tả một vết cáu bẩn cũng vậy.
Jazz Với Khúc Blues Đen
Bên Bờ Hồ (sơn dầu, Nguyễn Phước)
Cách đây khoảng hơn 25 năm, lúc còn trẻ hơn thì có khác đôi chút, ồn ào hơn đôi chút, thời của sự hung hãn, nhào lộn trên những tảng màu trừu tượng, những đường nét uốn lượn đôi lúc rất thô, những vệt màu cứng cáp, mạnh khỏe và thách thức, nhưng dù là như thế thì lúc nào cũng rất mịn màng, tinh tế. Trải qua bao nhiêu cuộc biển dâu, đời sống đổi thay đến độ khốc liệt, và vào các năm ở đỉnh cao của sự khốn khó 1978-80, khi bao nhiêu nghệ sĩ tài năng đều trở thành thợ vẽ, cố bươn chãi để tồn tại thì tôi thấy Nguyễn Phước vẫn làm việc rất nghiêm trang, vẽ tranh với một thái độ chăm chút, cẩn mật và tranh của anh lúc nào cũng như có một điều gì đấy rất sâu thẳm bên trong. Tranh của Nguyễn Phước lúc nào cũng là hội họa thực sự, màu sắc và đường nét của anh có tiếng nói của nó. Những hình, nét và màu nói tiếng nói của nó, chứ không phải chỉ là tư tưởng lên tiếng.
Khi tranh sơn mài là một nhu cầu của thị trường vào các năm 80, Nguyễn Phước cũng không tránh khỏi làm tranh sơn mài, và chính vào giai đoạn đó, Nguyễn Phước đã đưa vào trong nghệ thuật đương đại của chúng ta một phong cách mới của sơn mài, rất điêu luyện về kỹ thuật và rất hiện đại về bút pháp. Có thể đặt sơn mài của Nguyễn Phước bên cạnh sơn mài của Nguyễn Gia Trí để trưng bày hai phong cách sơn mài điển hình và tuyệt diệu nhất của nghệ thuật sơn mài Việt Nam.
Trong cuộc triển lãm mới nhất vào năm 1994 ở Sài Gòn với năm người bạn họa sĩ khác trong nhóm Hội Họa Sĩ Trẻ trước đây, anh đã nói đôi điều với người đến xem tranh:
Tôi vào đời rất sớm. Học trường mỹ thuật ở tuổi 13, lòng ham muốn mãnh liệt đã thôi thúc tôi vẽ không ngừng. Tôi đã làm đủ mọi nghề: vẽ chân dung, đồ họa, trang trí v.v... Ngoài việc học ở trường mỹ thuật ra, tôi dã tìm học ở những tác phẩm và một số ít sách vở hội họa nghèo nàn mà tôi có được quanh quẩn ở Sài Gòn.
Cuộc sống thật là khắc nghiệt. Nếu không vì niềm vui lớn đang chờ đợi ở phía trước thì tôi khó vượt qua được những thất vọng và ngang trái. Tất cả khó khăn dần dần qua đi. Đôi khi tôi đã ném chúng vào tác phẩm của tôi, và vì lòng yêu nghề, tôi đã giải bày chúng như những chứng nhân một cách trật tự, công bằng và vị tha.
Tôi cũng yêu bầu không khí tĩnh lặng, cần mẫn ở xưởng vẽ. Nó ban cho tôi niềm vui trong lành sau khi đem hết khả năng thể hiện những gì đẹp nhất qua tác phẩm. Nhìn ngắm tác phẩm đẹp mới vẽ xong là phần thưởng cao quý nhất mà tôi có được cũng như sự thanh thản và tự do. (*)
Những lời lẽ thực thà này của Nguyễn Phước, tôi cho là rất đạt. Nói giản dị và sống cũng giản dị là một điều rất khó làm, vì cái giản dị bao giờ cũng là điểm tới sau cùng của mọi phức tạp, cầu kỳ. Mà hơn thế nữa, đằng sau cái giản dị của Nguyễn Phước, những điều làm được, nói cho chính xác ở đây, là các tác phẩm thực hiện được lại thực là đẹp, thanh nhã, mênh mông và sâu sắc, hình thành từ cái giản dị kia thì quả là tuyệt vời, đáng cho chúng ta phải suy gẫm.
Nguyễn Phước theo đuổi nghề mỹ thuật rất sớm. Năm 1956, mới 13 tuổi, anh vào học trường Trang Trí Mỹ Thuật Gia Định. Năm 1960, tốt nghiệp trường Trang Trí, anh vào học tiếp Cao Đẳng Mỹ Thuật Sài Gòn cho đến lúc ra trường năm 1965 . Những năm theo học lúc tuổi còn nhỏ ở Trường Trang Trí, về sau này sẽ rất hữu ích cho con đường nghệ thuật suốt đời anh. Nó giúp cho anh chắc tay, đưa được cái khéo léo nề nếp của nghề thủ công vào nghệ thuật, đó chính là cái cơ bản kỹ thuật đáp ứng được cho những đòi hỏi lớn hơn của tâm hồn, của sáng tạo. Nghệ thuật cần cái tay và cái đầu. Xem thử trường hợp Salvador Dali thì chúng ta sẽ thấy ngay điều ấy. Họa sĩ Việt Nam, tôi thấy thường là được cái này thì mất cái kia. Ở Nguyễn Phước, anh có được cả hai ưu điểm ấy, tinh thông nghề nghiệp thì sẽ thành đạt trong sự nghiệp chỉ là chuyện dễ hiểu mà thôi.
Nhớ nhà
(sơn dầu, Nguyễn Phước)
Đang học ở trường mỹ thuật, anh đã tổ chức được một cuộc triển lãm ở Phòng Thông Tin Đô Thành năm 1963; và sau đó là các cuộc triển lãm liên tục vào các năm 1965, 1966, 67, 70 tại cơ sở Pháp Văn Đồng Minh Hội trên đường Gia Long. Anh cũng tham dự vô số các cuộc triển lãm chung với các tác giả khác như Triển Lãm Mùa Xuân 1960, 61, 63, Triển Lãm Mùa Thu 1962, Triển Lãm Mỹ Thuật Quốc Tế ở viên đình Tao Đàn 1962, tham dự triển lãm thường niên của Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam 1966, 67, 73, 74; tranh treo thường xuyên tại ga-lơ-ri La Dolce Vita. Trước 1975, đã được Phủ Văn Hóa chọn để tham dự Triển Lãm Mỹ Thuật Quốc Tế Tunis, 1969, Triển Lãm Mỹ Thuật lưỡng niên tại Paris lần thứ 4 năm 1965, Triển Lãm Mỹ Thuật tam niên lần thứ I, Ấn Độ, năm 1968. Sau 1975, tham dự Triển Lãm Mỹ Thuật quốc tế Bảo Tàng Quốc Gia Singapore năm 1992, và cũng vào năm 92 đã tham dự chương trình Văn Hiến Á Châu, phòng tranh Notices, cũng ở Singapore. Cũng nên biết thêm: Trong cuộc Triển Lãm Mùa Thu năm 62 do Văn Hóa Vụ tổ chức, anh đã được tặng thưởng huy chương đồng cho bức Con Bò vẽ bằng bột màu, và trong kỳ Triển Lãm Mùa Xuân năm 1963, được tặng thưởng huy chương bạc cho bức sơn dầu Quán Tím, một huy chương đồng cho bức Nhà Sàn (sơn dầu).
Từ phòng tranh đầu tiên cách đây hơn 30 năm, Nguyễn Phước đi qua nhiều thời kỳ cho đến nay trông có vẻ vẫn còn mãi mê tìm kiếm chứ chưa chịu dừng lại. Anh đúng là một tài năng đặc biệt của nền nghệ thuật tạo hình Việt Nam hiện đại. Có nhiều biến chuyển, đi từ cực này đến cực khác và ở điểm nào Nguyễn Phước cũng đạt được những thành tựu lạ lùng. Ở mỗi thời kỳ, anh đều có những ấn chứng riêng, tỏa ra sự độc đáo đặc thù riêng.
Vào thời kỳ còn rất trẻ của những năm 1965, 66, 67, Phước cũng rớt vào cái tham lam, ôm đồm như bao nhiêu nghệ sĩ trẻ khác mới bước vào đời nghệ thuật, anh muốn chuyên chở hết cái ý thức của anh về cuộc đời, về con người và thế giới vào trong tranh. Mà lúc ấy, trào lưu tư tưởng hiện sinh cũng đang vây bủa thanh niên trí thức miền Nam, chúng ta có thể tìm thấy nhiều dấu vết ấy trong tranh Nguyễn Phước. Nó bày ra cho người xem cái ý thức về sự cô đơn, với hình ảnh con người méo mó trong hiện tại, về một thiên nhiên hoang vu bên ngoài. Thời kỳ này, tranh Nguyễn Phước hầu hết là vô hình dung, với nhiều màu vàng nâu, khác với màu xanh xám của Thái Tuấn hay xanh đen của Nguyễn Trung. Bức Âm Thanh Sa Mạc trong phòng triển lãm tháng 10-1966, toàn là một màu vàng, vàng nâu đậm, vàng xanh đen, gợn lên những đường vạch chi chít, như muốn đưa chúng ta vào một miền đất mênh mông, hoang mạc, buồn thảm và vắng lặng.
Cô Dâu, 1966
(sơn dầu, Nguyễn Phước)
Từ 1963 đến 1967, Nguyễn Phước đã đi qua ba chặng đường, từ biểu tượng, trừu tượng rồi chuyển đổi qua siêu thực. Bức Cô Dâu vẽ năm 1966 có thể xem là điển hình của bút pháp siêu thực còn pha màu sắc biểu tượng, từ cái thực của cuộc đời anh đã làm cho nó biến dạng đi, sâu tối hơn, bí ẩn và thơ mộng hơn.
Rồi năm 1970 anh lại đột nhiên trở lại với hội họa trừu tượng, những đường nét và các mảng màu được tinh lọc đến cùng, tế nhị, nhuần nhuyễn, mịn màng. Tôi còn nhớ một chút kỷ niệm, khi đưa anh bạn họa sĩ trẻ người Pháp tên là Thierry Arnauld (vẫn lang bang đi chơi hàng ngày với tôi ở Sài Gòn, với Huỳnh Kim Ngọc và Nguyễn Khắc Vinh) đến xem một phòng tranh của Hội Họa Sĩ Trẻ bày ở La Dolce Vita, anh ta đã ngẩn ngơ trước một bức trừu tượng của Nguyễn Phước. Bức tranh rất giản dị, chỉ là hai mảng màu đỏ cắt vào nhau nơi một góc tam giác trên một tấm nền trắng, dễ gợi nên liên tưởng về hình tượng một người phụ nữ khỏa thân như trong tranh Modigliani. Anh bạn họa sĩ ấy đã lui tới sau đó bao nhiêu lần để xem lại mãi tấm tranh ấy. Vào thời điểm này, một người bạn thân của Nguyễn Phước là nhà thơ Lý Minh cho rằng Phước đã bước vào con đường thiền tâm đằng sau những áng mây sắc màu của nghệ thuật trừu tượng. Nguyễn Trung - một họa sĩ tài năng mà cũng là một nhà viết tiểu luận nghệ thuật sắc bén - khi đi vòng quanh các phòng tranh, đã ghi chú trong sổ tay của mình một nhận xét của Lý Minh: "Nguyễn Phước đang đi vào thế giới của chính mình, của những cuộc đối diện đàm tâm và của những vị thiền sư già sau bức tường rêu bát ngát." Quả có nhiều phần đúng như thế, bởi vì với lối sử dụng màu một cách đạm bạc, cũng như với cách bố cục không gian rộng bao bọc quanh những chủ đề giản dị gần như lẫn vào trong không gian ấy, khiến người xem dễ nghĩ tới không khí của những bức thủy mặc thời Minh.
Nguyễn Phước nói rằng anh cố gắng dẹp bỏ lý trí để đi tới cảm xúc thuần túy khi sáng tác, anh muốn quên sự hiểu biết và tri thức, để đi tìm con người thật của chính mình và thể hiện nó trên tác phẩm. (Lời phát biểu trong vựng tập triển lãm, tháng 10 năm 1970). Trên 20 bức tranh nơi phòng triển lãm này ở Pháp Văn Đồng Minh Hội, mà đặc biệt là những bức mới nhất có sắc xanh nhạt, gam màu lạnh, đã nói lên phần nào điều đó, và đã đưa người xem đến thế giới trong sáng của tình cảm thuần phác, chân thật, giản dị và tự nhiên của anh.
Tiếp Nhận
(sơn dầu, Nguyễn Phước)
Hội họa hiện nay của Nguyễn Phước chính là một tổng hợp những chặng đường trước kia anh đã trải qua. Ngôn ngữ biểu tượng, trừu tượng và siêu thực đều rất hữu ích trong cách bày tỏ hiện nay. Quả là hết sức khó để tìm ra một tên gọi cho chính xác, nhưng có thể khẳng định ngay rằng bút pháp hiện nay của Nguyễn Phước là một tiếng nói rất độc đáo và đầy tính sáng tạo. Không phải chỉ là trong phạm vi hội họa Vlệt Nam, mà cả trong tình hình của nghệ thuật thế giới, đặt Nguyễn Phước cạnh bất kỳ tác giả nào chúng ta vẫn nhận ra được bút pháp riêng biệt của anh. Nếu bút pháp là hình thái bên ngoài để chứa đựng thể tính bên trong, thì cả hai mặt phải tương ứng và hòa hợp với nhau mới có thể tạo nên một thứ nghệ thuật thực sự được.
Ở Nguyễn Phước, với suốt một đời công phu nghiên cứu, nghiêm cẩn với cái đẹp, luôn luôn tu dưỡng đời sống nội tâm, lúc này rõ ràng là anh đã mang lại được cho chúng ta một cái gì đó rất hoàn thiện. Tranh của Nguyễn Phước vẫn cứ rất giản dị, với những không gian phẳng dẹt, những mảng màu trong, không chú ý đến kỹ thuật sáng-tối như tranh cổ điển, và như vậy tự nó là những quầng sáng tự tỏa ra ánh sáng, và thực lạ lùng là luôn luôn quyến rũ người xem một cách đầy huyễn hoặc. Nghệ thuật của Nguyễn Phước hiện nay là một loại nghệ thuật có hình (L' art figuratif) dù là hình ảnh không có thực đi nữa mà chỉ là ảo ảnh hay trí tưởng tượng, nên rất dễ gần gũi với mọi người. Thế giới của Nguyễn Phước vẫn đầy vẻ kín đáo, sâu lắng mà rất giản dị và tự nhiên. Các đề tài, nội dung của tranh rất đơn giản nhưng dường như lúc nào cũng đưa chúng ta vượt qua cái trước mắt để tiến vào một đất đai mới. Đất đai ấy, dù là siêu hình, siêu thực, siêu nhiên chăng nữa, nhưng rõ ràng vẫn cứ là rất thực, bởi vì đó là cái thực của tấm lòng khát khao vươn đến cái đẹp. Không cần nhiều lời chú giải rườm rà, chỉ xem mấy tấm tranh mới gần đây như Chiều Tàn Cuối Năm, Nhớ Bài Thơ Tỳ Bà Hành, Cúng Thập Loại Chúng Sinh, Tiếp Nhận, Sợi Tóc Bạc, Tiếng Vang, chúng ta sẽ cảm ngay được cái đẹp mênh mông anh mang lại.
Chiều Tàn Cuối Năm
(sơn dầu, Nguyễn Phước)
Bức Nhớ Bài Thơ Tỳ Bà Hành là ba mảng hình dẹt vẽ một nhà thủy tạ, một con ngựa trắng, một chiếc đàn tỳ bà mầu hồng hoàng, ba mảng hình là ba cụm đơn lẻ nổi lên trên một tấm nền đen nhưng hơi bợt bạc vì có pha màu trắng, ba hình thể là ba tĩnh vật (ngay cả con ngựa cũng là tĩnh vật, vì nó giống như con ngựa bằng gốm, chỉ còn là một tượng trưng hay biểu ý) hòa hợp nhau trong một thế giới tịch mịch toàn vẹn. Hay nơi bức Chiều Tàn Cuối Năm, với một thiếu phụ nằm nghiêng, lấy dọc theo chiều dài sau lưng, bên cạnh một cây đàn nguyệt trơ trọi. Tất cả đã rực lên trong ánh chiều tà cô tịch của một ngày cuối năm. Toàn bức tranh là một màu đỏ nhưng không đỏ rực vì đã pha nhiều màu trắng vào, làm cho ánh sắc không chói chang, mà như chìm lặng trong một bầu khí mênh mông xa vắng. Thực là hài hòa trong một tiết điệu giản dị mà sâu sắc biết ngần nào. Những suy gẫm về cái hư ảo, phù phiếm, biến đổi, những nỗi buồn dằng dặc của kiếp người, và lớn hơn hết là cái kỳ diệu của tự nhiên được Nguyễn Phước ghi nhận qua con mắt riêng thực tinh tế và tuyệt diệu.
Nguyễn Phước đã tìm ra được cái hài hòa vô cùng sâu sắc giữa những điều rất đơn giản, bình dị. Cái giản dị, cũng có thể nói là một trong những chuẩn mực thẩm mỹ của Nguyễn Phước. Chính trên cái nền tảng giản dị ấy, anh luôn luôn nỗ lực tìm ra một đường lối riêng biệt của mình. Luôn luôn tự do trên giá vẽ, tự do thực sự theo nghĩa là độc lập trong bút pháp, không bị ràng buộc với quá khứ cũng như với chung quanh. Một lời nói thêm để kết thúc bài viết, ở Sài Gòn hiện nay, chúng ta rất may là có hai nơi giữ gìn rất nhiều tranh quý của Nguyễn Phước, thứ nhất là Đại Chủng Viện Cường Để với những tác phẩm gợi hứng từ đề tài tôn giáo, và một nơi khác nữa là bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga, nhà sưu tập đã có con mắt rất tinh, nên đã giữ được biết bao nhiêu là tranh quý của Nguyễn Phước. Chính nhờ những nơi như vậy mà về sau này chúng ta sẽ còn nhiều tác phẩm quý, không để bị thất lạc hầu hết ở nước ngoài.
Garden Grove tháng 8-1994
(*) In trong vựng tập "36 tác phẩm mới Trịnh Cung, Đỗ Quang Em, Nguyễn Lâm, Nguyễn Phước, Hồ Hữu Thủ. Bảo tàng mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, 1994".
- Họa sĩ Victor Tardieu Huỳnh Hữu Ủy Nhận định
- Họa sĩ Lê Văn Miến Huỳnh Hữu Ủy Nhận định
- Vài Dáng Ngựa Trong Nền Mỹ Thuật Cổ Truyền Việt Nam Huỳnh Hữu Ủy Khảo luận
- Đôi Nét Về Văn Cao Của Hội Họa Huỳnh Hữu Ủy Nhận định
- Họa Sĩ Lê Văn Tài Huỳnh Hữu Ủy Nhận định
- Họa Sĩ Bửu Chỉ Huỳnh Hữu Ủy Nhận định
- Nguyễn Đăng Thường: Từ Văn Chương Đến Nghệ Thuật Tạo Hình Huỳnh Hữu Ủy Nhận định
- Tình Tự Dân Tộc Và Dòng Thơ Kháng Chiến Huỳnh Hữu Ủy Nhận định
- Tranh Khắc Gỗ Dân Gian và Các Tác Phẩm Văn Học Cổ Huỳnh Hữu Ủy Biên khảo
- Nguyễn Đức Sơn: Một Đỉnh Thơ Kỳ Dị Và Cô Độc Huỳnh Hữu Ủy Nhận định
• Đôi Điều Ghi Nhận Về Họa Sĩ Nguyễn Phước (Huỳnh Hữu Ủy)
• Nguyễn Phước (Học Xá)
Đi San Antonio thăm Nguyễn Phước (Đinh Cường)
Họa sĩ NGUYỄN PHƯỚC ( truongvegiadinh.blogspot.com)
• Họa sĩ Phạm Cung, người luôn ký ngược (Hà Đình Nguyên)
• Đỗ Duy Ngọc và ảnh nghệ thuật đen-trắng (Diễn Đàn Thế Kỷ)
• Phan Nguyên - Mượn Dấu Thời Gian (Song Thao)
• Họa sĩ Victor Tardieu (Huỳnh Hữu Ủy)
• Họa sĩ Hồ Hữu Thủ qua đời (Diễn Đàn Thế Kỷ)
• Họa sĩ Vị Ý với ước nguyện không thành (Việt Dương)
• Nguyễn Trọng Khôi: Huyền ảo cao nguyên đá (Nguyễn Trọng Chức)
• Tưởng niệm Victor Tardieu (Ngô Kim Khôi)
• Nguyễn Trọng Khôi – Đam mê và Sáng tạo (Trương Vũ)
• Khánh Trường và Những Tấm Lòng (Nguyên Hòa)
William Alexander & Họa Phẩm Về Đàng Trong
(Nguyễn Duy Chính)
Họa sĩ và Nhiếp ảnh gia:
Nhiếp ảnh gia:
Nguyễn Cao Đàm, Trần Cao Lĩnh,
Nguyễn Ngọc Hạnh, Hương Kiều Loan
Trường Vẽ Gia Định (truongvegiadinh.blogspot)
- Hương Kiều Loan, nỗi đam mê (Đỗ Dung)
- Đôi Dòng Lịch sử Nhiếp Ảnh Nghệ Thuật Việt Nam trước 1975 (Khôi Trần)
- Trò chuyện cùng GS Lê Văn Khoa nhân triển lãm nhiếp ảnh tại Houston (Băng Huyền)
- Nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Hạnh, tác giả bức ảnh Vá Cờ, qua đời (Đỗ Dzũng)
- Ảnh Siêu Thực (Trần Cao Lĩnh)
- Xem Triển Lãm Nhiếp Ảnh Của Nguyễn Cao Đàm (Đông Nguyên)
- Động Tĩnh Trong Ảnh (Trần Cao Lĩnh)
- Một Thời Nhiếp Ảnh Nghệ Thuật (Nguyễn Cao Đàm)
Nhớ Thầy (Thu An)
Nhiếp Ảnh Gia Nguyễn Cao Đàm, Bóng Tối Và Ánh Sáng (Nguyễn Ngọc Dung)
Nguyễn Cao Đàm, Người thầy của nhiều thế hệ nhiếp ảnh Việt Nam (cbs.com)
Vinh danh và ngưỡng mộ (hoivietanh.net)
Ảnh Trần Cao Lĩnh (vnthuquan.net)
Sài Gòn 1950-1975 (SafeShare.TV)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |