|
Nhật Ngân(24.11.1942 - 21.1.2012) | Phan Nhự Thức(4.2.1942 - 21.1.1996) | Trương Đình Quế(.0.1939 - 21.1.2016) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Thơ Văn Trần Yên Hoà & Bằng hữu
Hội Họa Sĩ Trẻ cỏ một phòng triển lãm nằm trong khu đất phía sau trường Đại Học Văn Khoa Sài Gòn. Trước đây, khu đất này là văn phòng của CPS, rồi đến Nguồn Sống.
Họa sĩ Nguyên Khai
Khoảng năm 1966, Bác Sĩ Nguyễn Tấn Hồng (bác sĩ Không Quân của Tướng Lưu Kim Cương) có ý muốn lập một hội sinh hoạt về hội họa. Ông qui tụ được các họa sĩ: Ngy Cao Uyên, Nguyễn Trung, Mai Chửng, Trịnh Cung, Nguyễn Phước, Hồ Thành Đức và tôi (Nguyên Khai). Kết quả là hội được thành lập khoảng tháng 11 năm 1966 (tôi còn nhớ tháng 11 vì trong tập vựng của hội, bìa sau có in hình con bọ cạp). Họa sĩ Ngy Cao Uyên được bầu làm chủ tịch. Nhu cầu có một trụ sở và nơi triển lãm được mọi người nghĩ đến. Vấn đề tiền thuê mướn cũng được đặt ra.
Tôi còn nhớ một hôm tôi và anh Hồ Thành Đức đến trường Văn Khoa gặp anh Phạm Quốc Bảo (khi đó làm chủ tịch sinh viên) chúng tôi nói với anh: "Còn miếng đất nào không cho tụi này xây trụ sở hội". Anh dẫn chúng tôi ra sân sau của trường, chỉ vào miếng đất còn trống: "Tụi bây cứ lấy khu đất đậu xe này đi mà xây". Chúng tôi lại họp hội và B.S. Nguyễn Tấn Hồng bảo ở trong Tân Sơn Nhất có nhiều chỗ, để xin Tướng Lưu Kim Cương. Sau đó chúng tôi được gỡ, tôi không nhớ tiền anh em đóng góp bao nhiêu, anh Đức tìm được một anh bạn làm thợ nghề xây cất, thế là bắt tay vào việc. Tiêu chuẩn của hội là một phòng để bày tranh và một phòng hội họp, chứa tranh, nền xi măng, tường gỗ, lợp mái tôn, dài khoảng 30 mét x 25) mét).
Hội cử tôi và anh Đức trông coi việc xây cất, nhiều khi thiếu tiền trả công thợ, tôi và anh Đức phải chạy vạy bán tranh để trả. Trụ sở xây gần hai tháng mới xong. Cần phải có điện nước! Anh thợ bảo: "Cần xin giấy phép để bắt điện, nước". Tôi và anh Đức nháy nhau cười: "Có giấy phép mà, cứ bắt đi". Anh thợ yêu cầu chúng tôi đứng dưới cột đèn để anh leo lên cây câu dây. Hai anh em vừa đứng vừa run, nếu cảnh sát đến là chúng tôi "dọt". Điện nước xong, đến khâu làm cổng ra vào, lề đường phía trước phải đập phá để có lối vào hội. Anh thợ lại bảo phải có giấy phép công lộ? Chúng tôi lại nhìn nhau, cười: "Có rồi". Tôi và Đức lại phải đứng ở lề đường để cho anh thợ phá lề. Hội xây xong ai cũng trầm trồ: "Đẹp như Tòa Bạch Cung". Khánh thành là một cuộc triển lãm của hội gồm có các anh: Ngy Cao Uyên, Hiếu Đệ, Mai Chửng, Nguyễn Trung, Hồ Thành Đức, Trịnh Cung, Đinh Cường, Hồ Hữu Thủ, Cù Nguyễn, Nghiêu Đề, Nguyễn Phước và tôi (Nguyên Khai).
Hôm khai mạc có ông Tướng Kỳ, Tướng Lưu Kim Cương và Bác Sĩ Nguyễn Tấn Hồng (Tướng Lưu Kim Cương và Bác Sĩ Nguyễn Tấn Hồng là ân nhân của hội. Hội chúng tôi không bao giờ quên) cùng nhiều văn nghệ sĩ. Sinh hoạt của hội ngoài triển lãm thường trực còn có triển lãm cá nhân, như T.L. của Cù Nguyễn Đỗ Mai Lan và có một cuộc triển lãm lớn quy tụ các hội viên của hội gồm khoảng 50, 60 bức tranh được chọn triển lãm.
Tôi còn nhớ phòng hội thường được anh em văn nghệ sĩ lui tới, như Dưỡng Nghiễm Mậu, Du Tử Lê, Tô Thùy Yên, Cung Trầm Tưởng, Vị Ý, v.v. và cả anh Đỗ Ngọc Yến và Trịnh Công Sơn (Trịnh Công Sơn là khách thường trú của hội). Tôi, hai anh em Sơn và Tịnh thường treo mùng ngủ giữa hội. Có một buổi sáng tôi và Hồ Thành Đức ra hội sớm, Sơn còn ngủ bên trong. Chúng tôi đứng trước lan can của hội thì bỗng nghe một tiếng ầm dữ dội, tưởng Việt Cộng pháo kích. Hai chúng tôi liền nằm sát xuống đất nhìn phía sau. Một lỗ hổng lớn xuyên qua cửa chính của hội, chúng tôi liền nói "Chết Sơn rồi, nó ngủ trong đó". Chạy vào, một cảnh rùng rợn, một chiếc xe Hoa Kỳ đen lao vào xuyên luôn tường phía sau, phía dưới là chăn màn gối của Trịnh Công Sơn. Trịnh Công Sơn may mắn thoát chết nhờ đã thức dậy, và đang lúc rửa mặt đánh răng. Chiếc xe dừng lại nhờ bị cản bởi hòn non bộ của Hội Nguồn Sống.
Chiếc xe lao vào là xe của Tòa Đại Sứ Mỹ. Tòa Đại Sứ có tìm đến hội để xin bồi thường nhưng không ai dám nhận (vì bất hợp lệ trốn lính).
Một hai năm sau tất cả khu đất phía sau đều bị đuổi, để xây Thư Viện Quốc Gìa.
Và văn phòng hội bị mất từ đấy!
ĐINH CƯỜNG
Năm qua là cái duyên kỳ lạ với Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam:
Việt Art Gallery tại Houston tổ chức cuộc triển lãm tao phùng của bảy trong số những thành viên Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam, gồm Nguyễn Trung, Trịnh Cung, Nguyễn Lâm, Hồ Hữu Thủ (từ Sài Gòn qua), Nguyễn Phước, Nguyên Khai, Đinh Cường (tại Mỹ).
Buổi khai mạc với tiếng hát Lệ Thu làm nhớ những đêm xưa Sài Gòn. Người thi sĩ cùng thời, Tô Thùy Yên đã viết lời giới thiệu cho tâp brochure: “Mọi thành tựu của người nghệ sĩ, cụ thể là một bức tranh hay một bài thơ, cùng lắm cũng chỉ là một thành tựu tạm bợ nhất thời để rồi vứt bỏ, quên đi, không luyến lưu, cũng như mọi trạm đến của người tu sĩ cũng chỉ là một chặng đường đang vượt qua, vượt qua nữa, không ngừng..."
Tôi đã về từ thuở thanh xuân cho đến nay tuổi đã già, qua nhiều hoàn cảnh và nơi chốn vẫn với tất cả tấm lòng thành. Tôi cũng thấy mình còn may mắn và hạnh phúc.
NGUYỄN ĐÌNH THUẦN
Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam là những người tiên phong trong giai đoạn khai mở những ý tưởng và kỹ thuật mới, sự tân kỳ của bố cục cũng như sắc màu, khác hẳn của thời gian trước (1945-1960).
Tập hợp của nhóm phần đông là những họa sĩ tốt nghiệp trường Quốc Gia Cao Đẳng Mỹ Thuật và đã đoạt được huy chương của triển lãm Mỹ Thuật Toàn Quốc, như Đinh Cường, Trịnh Cung, Nguyễn Trung, Đỗ Quang Em, Hồ Hữu Thủ, Nguyễn Lâm, Hồ Thành Đức, Âu Như Thụy, Nghiêu Đề, Lê Tài Điển, Cù Nguyễn, Nguyễn Phước... Cũng nên nhắc vài điêu khắc gia trong nhóm, như Mai Chửng, Dương Văn Hùng...
Hội đã ghi được dấu ấn sâu sắc trong nền hội họa miền Nam nói riêng và nền mỹ thuật Việt Nam nói chung.
Hiện nay, thuần túy trong nỗ lực sáng tác của họ là những gì đã thành tựu, một kỹ thuật nhuần nhuyễn của kinh nghiệm tích lũy nhiều năm, chúng ta khó bắt gặp được một chiều hướng mới mẻ hơn. Điều đáng nói hôm nay là chưa thấy một hoặc nhiều nhóm tài năng trẻ sớm phát lộ như thành viên của Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam cách đây mấy mươi năm, lúc họ là những người trong hạn tuổi 20.
TRỊNH CUNG
Nhiều người trong chúng tôi không chỉ chịu ảnh hưởng một bậc thầy Tây phương mà tùy từng giai đoạn khám phá ra những điều mới về tạo hình và kỹ thuật ở họ. Cá nhân tôi trong 10 năm đầu kể từ khi vào trường mỹ thuật (1959) đã có những danh họa “đi qua đời tôi” là Van Gogh, Gauguin, Modigliani và Marc Chagall. Đó là một giai đoạn “tầm sư học đạo” rất quan trọng trước khi tìm ra chính mình đối với một họa sĩ trẻ lúc bấy giờ như chúng tôi.
NGUYỄN TRUNG
“Hội Họa Sĩ Trẻ” trước tiên là hội của tình bạn, cho đến giờ vẫn tồn tại tình bạn đó. Tôi nhớ họa sĩ Nguyễn Lâm thiệt thà, mỗi lần họp anh đều làm đồ nhậu, rất ngon cho cả nhóm. Những thành viên trong hội đến gần được với nhau chỉ duy nhất nhờ tinh thần sáng tạo. Làm việc trong sự tìm tòi, đưa thành quả sáng tạo của mình cho nhau coi, rồi giới thiệu cho công chúng thấy vui hơn nhiều. Hội viên chỉ đếm trên đầu ngón tay, vật chất nghèo nàn, nhưng quy tụ được nhiều người tài.
NGUYỄN LÂM
Thập niên 1970, họa sĩ trẻ trên dưới 30 tuổi sáng tác rất hăng say và luôn luôn đổi mới thật sướng mắt. Bây giờ trên 70 tuổi, các “lão họa sĩ trẻ” càng vẽ càng thấy trẻ trung hơn, giống như “thuốc bắc 3 chén còn lại 6 phân,” xem quá đã, điển hình như trong cuộc triển lãm gần đây ở Houston, Texas.
HỒ HỮU THỦ
Hội Họa Sĩ Trẻ, từ ngày thành lập đến nay, trải qua bao nhiêu thăng trầm thời cuộc, từ ngày trụ sở đầu tiên của hội tan rã, rồi trụ sở phải di động tại nhà một số anh em họa sĩ, rồi biến cố năm 1975, thành viên của hội mỗi người một nơi. Tuy xa cách nhau, tinh thần của hội vẫn tồn tại trong mỗi người, mỗi người một phong cách, sáng tạo hội họa trong sự thuần khiết của nghệ thuật và trên hết là sự đoàn kết, tôn trọng, thương yêu lẫn nhau giữa các anh em nghệ sĩ. Có thể nói, Hội Họa Sĩ Trẻ là một tập hợp của Duyên Trời Đất.
NGUYỄN THỊ HỢP
Nhà tôi, anh Nguyễn Đồng, rủ tôi gia nhập Hội Họa Sĩ Trẻ. Tôi nhận lời vì thấy ngoài anh Nguyễn Trung và Mai Chửng thuộc lớp đàn anh, còn lại các anh Nguyên Khai, Nguyễn Lâm, Hồ Hữu Thủ, Hồ Thành Đức, Đinh Cường, Nghiêu Đề đều là bạn cùng khóa ở trường Quốc Gia Cao Đẳng Mỹ Thuật, rất thân tình nên không e ngại. Đây cũng là lý do thúc đẩy tôi sáng tác tranh trở lại. Có lẽ tôi là thành viên cuối cùng và nữ duy nhất vào hội, tham dự một triển lãm của hội ở Alliance Francaise, và lần triển lãm cuối cùng ỏ Gallery La Dolce Vita trong Continental Hotel, Saigon.
CÙ NGUYỄN
Hội Họa Sĩ Trẻ ra đời cách đây gần 50 năm, bạn bè tham gia đến nay có những người đã ra đi vào cõi Vĩnh Hằng. Phần còn lại có bạn được sắp vào tuổi cố lại hy nhưng vẫn còn hăng say sáng tạo. Đó là điều đáng mừng. Riêng tôi, hội họa là niềm vui trong cuộc sống. Lòng đam mê đó sẽ giúp tôi đi trọn con đường mình đã chọn.
NGHIÊU ĐỀ
"... Hội Họa Sĩ Trẻ mà Nghiêu Đề là khuôn mặt tươi sáng trong đó, đã tập hợp được những tiếng nói sôi nổi nhất đế phất cao lá cờ tự do sáng tạo, là một vinh dự rất đặc biệt của miền Nam khi nhìn lại con đường đất nước đã đi qua sau 1954.”
(Trích từ “Mấy Ấn Tượng và Kỷ Niệm Với Nghiêu Đề” của Huỳnh Hữu Ủy)
MAI CHỬNG
Hội Họa Sĩ Trẻ có thổ coi là đợt sóng thứ ba của hội họa Việt Nam, mà hai đợt sóng trước phải kể đến, đợt đầu tiên gồm lứa của Nguyễn Gia Trí, Bùi Xuân Phái, Tô Ngọc Vân, Tạ Tỵ... đợt thứ hai là lứa Ngọc Dũng, Thái Tuấn, Duy Thanh... Hội Họa Sĩ Trẻ có thể nói là hiện tượng duy nhất trong hội họa Việt Nam, quy tụ được khá nhiều hội viên, làm việc độc lập với nhau, không một ai ảnh hưởng ai, và cũng không bị chính quyền chi phối."
(Trích “Người Họa Sĩ Không Bao Giờ Già" của Hoàng Khởi Phong)
- Tản Mạn Về Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam Nguyên Khai Tạp bút
Nhớ Về Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam Trước 1975
(Trịnh Cung)
Tản Mạn Về Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam (Nguyên Khai)
Ngọn Lửa Pilot Vẫn Liên Tục (Nguyễn Đồng)
Các Thành Viên Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam (Người Việt)
Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam, một thời nhớ lại
William Alexander & Họa Phẩm Về Đàng Trong
(Nguyễn Duy Chính)
Họa sĩ và Nhiếp ảnh gia:
Nhiếp ảnh gia:
Nguyễn Cao Đàm, Trần Cao Lĩnh,
Nguyễn Ngọc Hạnh, Hương Kiều Loan
Trường Vẽ Gia Định (truongvegiadinh.blogspot)
Nhớ Thầy (Thu An)
Nhiếp Ảnh Gia Nguyễn Cao Đàm, Bóng Tối Và Ánh Sáng (Nguyễn Ngọc Dung)
Nguyễn Cao Đàm, Người thầy của nhiều thế hệ nhiếp ảnh Việt Nam (cbs.com)
Vinh danh và ngưỡng mộ (hoivietanh.net)
Ảnh Trần Cao Lĩnh (vnthuquan.net)
Sài Gòn 1950-1975 (SafeShare.TV)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |