|
Duy Thanh(11.8.1931 - 24.11.2019) | Tuệ Sỹ(15.2.1943 - 24.11.2023) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Họa sĩ Nguyễn Gia Trí
Ngay từ khi tôi được trả tự do vào năm 1987, sau gần 13 năm “cải tạo” tại nhiều trại tập trung từ Nam chí Bắc, tôi vẫn không quên hỏi thăm tin tức về bác Nguyễn Gia Trí và tìm đủ mọi cách để được gặp lại ông. Tôi chỉ biết chắc chắn là ông vẫn sống với bà vợ rất đảm đang hiền thục, cũng tại căn nhà cũ mà tôi đã vài ba lần cùng bác Nhất Linh và anh Tường Hùng ghé thăm ông và xem tranh sơn mài và sơn dầu, tại cái atelier bề bộn của ông. Chẳng biết hai bác có sinh hạ được mụn con nào không và liệu bác có được phép của chính quyền cộng sản tiếp tục vẽ và bán tranh cho các khách hàng quốc tế hay không nữa.
Tôi còn nhớ mang máng căn nhà cũ bác ở là tại một ngõ hẻm ăn thông ra đường Lê Đình Khôi, trên khúc dẫn đến phi trường Tân Sơn Nhất. Đã có lần cùng các anh Ngy Cao Uyên và Cung Trầm Tưởng, khi hai bác tổ chức một phòng triển lãm. Phòng triển lãm, vì tổ chức ngay tại atelier đồng thời là nhà riêng, chỉ với mục đích là để bạn hữu thưởng thức 5 bức sơn mài, trong đó có hai pan-nô một lớn một vừa, trước khi chúng được bác Trí giao hàng cho Phủ Tổng Thống, thời Ngô Đình Diệm, để đổi lấy 1 triệu 8.
Rõ ràng chỉ với những chất liệu rất khó xử lý đó, bác Trí đã tạo được một thế giới màu sắc-chất liệu vừa cụ thể sờ mó được, đồng thời lại hư ảo khó nắm và không thật. Bác Trí đã chỉ ra cho cái bọn cầm cọ trẻ chúng tôi biết là nếu nhìn thật kỹ thật sát, người thưởng ngoạn mới thấy không phải chỉ có đơn giản một lớp mầu làm nền cho bức sơn mài. Cái bề sâu thu hút đến chóng mặt của sơn mài lại còn bao gồm nhiều lớp nhiều tầng sâu đè lên nhau và xen kẽ với nhau. Qua những tầng sâu khác nhau này, ấn hiện những vân, những khối, những nét gợi ý lạ lùng. Tôi đã tò mò hỏi bác, về kỹ thuật làm sao bác tạo được cái chiều sâu thăm thẳm nhiều tầng lớp như vậy, thời bác đã dừng bàn tay thon gầy vuốt ve cái mặt phẳng bóng nhẵn đều mặt của sơn mài, như khi ta ve vuốt một cái gì cụ thể có thật, chứ không phải là ảo ảnh được tạo nên bởi các luật tắc tối sáng đậm nhạt, khối và phối cảnh cổ điển. Bác cho biết cái thú lớn và sâu sắc của người làm sơn mài là khi cầm miếng bọt bể để mài kiên nhẫn trên mặt bức họa, và từ từ hiện lên dưới những ngón tay của họa sĩ là những hình thể, các vân, các nét, lạ mới và hấp dẫn. Tùy theo độ mài mạnh nhẹ, vờn chỗ này miết chỗ kia, vừa là tùy theo hứng vừa là một sự chọn lựa đãi lọc, họa sĩ vừa khám phá ra vừa sáng tạo trong một tiến trình triền miên không dứt đoạn. Đây cũng là tất cả cái thú rất thể chất rất sensuel của chất liệu sơn mài.
Chúng tôi có hỏi sau khi giao hàng đợt này, bác có còn dự án lớn lao nào khác không. Bác đã cười cười tiết lộ với giọng tiếc rẻ, bác có vẽ một phác thảo cho một đồ án gồm bốn bức tường của một đài tưởng niệm các anh hùng dân tộc, gồm nhiều pan-nô sơn mài cỡ lớn. Đề cập tới kích thước của đồ án này, khuôn mặt xương xương của bác đầy hứng khởi và như tỏa sáng. Ông chỉ tiếc là chi phí dự trù cho đồ án này lên đến hơn 5 triệu đồng, một số tiền rất lớn vào thời điểm này, nên chế độ đương thời đã từ chối không đặt ông làm. Cơ hội bỏ lỡ này đã làm ông mất đi cái may mắn thực hiện một đồ án nghệ thuật có lẽ là quy mô và để đời nhất của cuộc đời họa sĩ làm sơn mài của bác Trí.
Tôi và anh Ngy Cao Uyên nghe bác nói mà cũng tiếc hùi hụi và đều ý thức là không giống như sơn dầu, sơn mài đòi hỏi nhiều nhiều cân vàng lá để dát và sơn ta nguyên chất mà bác Trí phải nhập cảng từ Phú Thọ miền Bắc qua trung gian Hồng Kông, nên cũng rất đắt giá, và càng đắt giá hơn với một danh họa cả đời đến lúc đó chưa bao giờ giầu có khá giả. Theo bác, bác không thú gì dùng sơn mài nhập từ Nhật Bản, vì thói quen từ lâu của ông đối với sơn ta Phú Thọ và còn về phẩm chất thua kém của sơn Nhật nữa. Bác cũng chú thích là nếu làm sơn mài thật kỹ, thật đúng cung cách cổ truyền, họa phẩm sẽ tồn tại được vài trăm năm mà vẫn giữ được cái óng chuốt tráng lệ và diễm ảo của chất liệu.
Về chuyện họa sĩ Phạm Tăng có được bác Trí tặng riêng một bức sơn mài cỡ nhỏ họa đức Thiên Chúa đóng đinh trên cây Thánh giá. Phạm Tăng, một danh họa Việt sống ở bên Ý, chuyên vẽ sơn dầu và cũng được nhiều nhà phê bình cho là có phong thái sáng tác theo đường lối hay trường phái Nguyễn Gia Trí. Nhiều họa phẩm của Phạm Tăng đã được triển lãm tại Ý và được các bảo tàng viện lớn mua và theo những nhà phê bình quốc tế, ông đã có những bức họa trừu tượng với những khối mầu vàng, son và đen thể hiện được cái thế giới huy hoàng huyền ảo của các cung đình Á Đông.
Ông Phạm Tăng đã mang bức sơn mài hiếm hoi bác Trí họa Đức Jesus tham dự một cuộc triển lãm quốc tế, tổ chức ngay tại La Mã, trong đó các họa sĩ danh tiếng thuộc nhiều quốc tịch, theo nhiều trường phái và phong cách hội họa cổ truyền, nhưng cùng chung một đề tài là Đức Ki Tô trên Thánh giá. Họa phẩm của bác Trí đã được Ban Giám Khảo tặng huy chương danh dự cao quý nhất và được treo ở chỗ danh dự khi các họa phẩm trúng giải được triển lãm. Được báo tin, bác Trí đã viết thư ngay cho Phạm Tăng trách móc khá nặng, nào là vì quý bạn bác đã tặng tranh, nhưng đâu có phải để Phạm Tăng tự ý mang triển lãm mà không xin phép bác Trí. Bác Trí trách bạn mà ít đả động đến cái danh dự rất lớn quốc tế đã dành cho tranh bác. Rõ ràng đây là một giai thoại càng làm nổi bật cái tinh thần tự tín tự trọng của một họa sĩ, ý thức sâu sắc và trọn vẹn về tài năng hiếm có của mình.
Tôi cũng đã bộc lộ cái niềm thú vị rất phức tạp mà họa phẩm của bác đã mang lại cho tôi, bằng lời nói phát biểu nồng nhiệt. Tôi cũng như trước đây đã lâu, chỉ khiến bác Trí tủm tỉm cười, đầy khoan dung pha với chút trìu mến. Trong cuộc đời viết văn và cầm cọ tài tử của tôi, tôi luôn được hưởng sự cưng chiều của hầu hết những nhà văn nhà thơ họa sĩ lão thành, như các bác NL, ĐĐT, VHC, NGT. Có lẽ các vị đều coi tôi là một thứ ngựa đen trái chứng, bề ngoài không ra làm sao, nhưng khi hứng bất tử lại chạy rất hay.
Vì thế, nên đối với họa sĩ lớn mà tôi rất khâm phục tài năng như bác Trí, tôi vẫn hay tự cho mình cái quyền được thẳng thắn phê bình, phân tích cái hay cái đẹp và kỹ thuật làm sơn mài của bác, thoải mái và không chút mặc cảm. Giữa những người cầm cọ với nhau, những lần tái ngộ, chúng tôi đã dành hầu hết thời gian, để hỏi nhau và bàn về họa, làm như mấy chục năm xa cách và 12 năm tù đầy của tôi, hình như không hề xấy ra. Bác Trí đã còn chiều tôi lục lọi và chỉ ra cho tôi thấy một số bức họa vừa và nhỏ, với phong cách trừu tượng mà bác đang làm.
Tôi cũng đã nhớ lại khi tôi trầm trồ về những nét vẽ các tà áo của các vũ công và nữ nhạc công, ngồi đứng múa trong những bộ điệu, dáng ngồi đứng khác nhau, và đặc biệt chú ý đến những nét sổ ngang bay bướm thật uyển chuyển và mạnh bạo của những vũ công, và nói thẳng ra là không ai vẽ áo quần của phụ nữ Việt tuyệt như bác. Tôi cũng tò mò hỏi bác làm cách nào ghi lại những nét gấp của các tà áo và nếp quần hay như vậy. Bác tủm tỉm cười cho biết bác đã phải nhờ người mẫu ngồi xệp xuống đất và xếp đi xếp lại các tà áo và nếp quần theo nhiều cách thế thay đổi, còn bác thời phải trèo lên một cái thang quan sát hầu những bức phác thảo bắt được trung thành các nếp bay lượn của quần áo. Bác Trí đã chỉ vào một nữ nhạc công ngồi gõ xênh và chú thích khi vẽ phác thảo người này, đứng từ trên thang nhìn xuống để vừa quan sát vừa vẽ phác thảo, bác đã trượt chân ngã và trẹo cả một cánh tay và đã phải bó bột mấy tháng mới khỏi. Tôi bật lên cười, vừa khâm phục vừa ngạc nhiên. Thật không ngờ vào cái tuổi 80, lòng yêu nghề đã còn khiến ông chịu một tai nạn quả thật hi hữu như vậy.
Tôi còn hỏi bác bức pan-nô gồm 9 mảnh ghép lại họa các vũ công và nữ nhạc công ngồi đứng múa trong khung cảnh một khu vườn nhiều cây đại trên một nền gồm các hàng cột và những nét cong của một mái chùa, hoặc là một cung đình nào đó, theo bác thời bao giờ bác mới coi là hoàn tất, thời ông đã nhắc đi nhắc lại với nhiều tiếc rẻ ngậm ngùi là chỉ cần ít cân vàng, để bác có thể giát lên các hàng cột và mái là xong. Nhưng, làm sao với tình cảnh một họa sĩ già và nghèo như ông, đào đâu ra tiền để mua vài cân vàng như vậy. Bác cho biết đôi khi cũng bán được một vài bức sơn mài nhỏ, phải nói là với nhiều khó khăn lén lút, để đổi lấy vài chục cây vàng, thật chẳng thấm thía gì với số cân vàng bác phải có tối thiểu, để có thể hoàn tất theo cách thế bác cho là đạt được tầm mức nghệ thuật cao mà bác luôn luôn đặt ra cho chính mình.
Ông cũng nhắc đi nhắc lại là ông nhất định phải làm xong bức pan-nô này để trao cho khách đặt hàng là ông Bùi Kiện Tín. Chuyện ông muốn giữ chữ tín với khách hàng, dù qua bao nhiêu biến động đổi đời, tôi cho thật là điều đáng quý, nhất là lại từ một họa sĩ danh tiếng quốc tế như bác Trí. Tuy nhiên cho đến nay, bác đã không thể tìm được tung tích ông Tín. Còn các đại biểu của Bộ Văn Hóa Hà Nội và các Bảo Tàng Viện ở Hà Nội lẫn Sài Gòn, Thành Ủy thành phố HCM, cứ kéo nhau đến làm phiền bác.
Chợt tôi bật hỏi bác Trí là ngoài những họa phẩm cổ điển và bán trừu tượng, dạo này bác thực sự có vẽ bức nào hoàn toàn trừu tượng hay không, thời bác kéo tôi lại gần chiếc bàn gỗ lớn và chỉ cho tôi xem một bức sơn mài chỉ lớn bằng một chiếc mặt bàn uống nước trà bác đang làm dở dang. Tôi tò mò ngắm khá kỹ lưỡng bức sơn mài có một thể tài và kỹ thuật phải nói là vượt ra ngoài lối vẽ những bức tôi đã được xem của bác từ trước đến nay: một thân cây với những nét gỗ chạy dọc từ trên xuống dưới, tạo cho người xem ấn tượng đó là chất gỗ của một loại cây già cỗi. Tuy nhiên, khi tôi đeo kính và cúi nhìn sát bức sơn mài, tôi mới khám phá ra nổi lên theo những thớ gỗ là những con mối đang bò lổm ngổm. Bác Trí liếc nhìn tôi cười, rồi lên tiếng giải thích là cả một đời họa sĩ làm sơn mài như bác, kẻ thù truyền kiếp và đồng thời là mối đe dọa thường xuyên của bác là những con mối. Mối chui vào các thớ gỗ và ăn đục nát hết ruột gỗ của các bức sơn mài xếp ở một góc nhà hoặc treo trên tường ở vài chỗ khuất, và một ngày đẹp trời nào đó, họa sĩ chợt khám phá ra là các bức họa đó đã bị hủy hoại đến độ vô phương cứu chữa. Bao nhiêu tâm huyết công phu tiêu ma. Thật đau xót và chỉ còn biết than thở và oán hận cái loài mối kẻ thù truyền kiếp.
Tôi không biết nên phá lên cười hay ái ngại trước cái vẻ bực bội trên khuôn mặt thường thường vẫn giữ được cái vẻ an nhiên tự tại của bác. Cái loài mối đục ruột những bức họa của bác thật ghê gớm. Trong đời sống thực, qua bao nhiêu thập niên, đã có biết bao nhiêu loài mối, mối-người, đã đục nát các công trình nghệ thuật của các họa sĩ? Tôi cũng hỏi đùa bác liệu bọn cộng sản có thể coi như một loài mối, một kẻ thù của bác, cứ lăm le đục ruỗng sự sáng tạo của bác, bằng những rình rập áp chế, cưỡng đoạt quấy nhiễu, dưới đủ mọi hình thức? Bác gật gù, cười xòa đồng ý với tôi.
Sau khi được bác Trí hướng dẫn xem một vòng xưởng vẽ của bác, chúng tôi lên nhà trên để cùng bác gái và nhà tôi uống trà và hàn huyên tiếp. Sau những trao đổi về đời sống gia cảnh và những người quen biết và họ hàng gần xa, câu chuyện tự nhiên chuyển sang việc đối chiếu kinh nghiệm về các phương pháp tra tấn và cực hình của hai thời kỳ Pháp thuộc và Cộng thuộc. Tôi cũng nhắc lại chuyện bác bị bọn Tây lai Sở Liêm Phóng quay điện và đánh đập quá đau đớn, nên đã đâm đầu vào tường chảy cả máu đầu và cũng thuật lại cho hai bác nghe cái chuyện tôi bị cùm chéo chân ở Trại Xuân Phước, chỉ vì cái tội dạy Anh văn cho một số bạn tù và làm thơ tiếng Anh đọc cho anh em cùng nghe. Tôi cũng đã tuyệt thực và la hét phản đối mấy ngày đêm liền và giả điên giả khùng, cho đến khi chân bị thối, ruồi bò lên lung tung, rồi bị hoại thư. Tôi nhớ cũng đập đầu vào tường rầm rầm và cuối cùng tên trại trưởng phải đến đích thân tháo cùm cho tôi và đưa tôi đến nằm ở bệnh xá mất hơn bốn tháng mới tập tễnh chống nạng đi lại được. Ấy là không kể cái chuyện vì bệnh xá chẳng có thuốc trụ sinh hay thuốc mê, nên bác sĩ Châu, một bạn tù trước phụ trách giải phẫu cho các binh sĩ Cộng Hòa, đã phải đục cắt vết thối ở cổ chân tôi cả tháng trời. Tôi đã phải chịu đựng cái cảnh phần nào giống ông Quan Công, khi ông đưa tay bị tên độc cho Hoa Đà đục cắt.
Bác Trí dùng bàn tay khô với những ngón thon dài, sờ sờ vào vết sẹo ở cổ chân tôi, vẻ mặt đăm chiêu suy nghĩ. Quả thật, tôi đâu ngờ cái bàn tay của một danh họa đã sáng tác ra 20 họa phẩm nổi tiếng, đã lại đụng chạm vào da thịt tôi, và mang đến cho tôi một cảm giác rùng mình khó tả. Thế là hai thế hệ nghệ sĩ chúng tôi đều đã trở thành nạn nhân của nhiều chế độ. Chẳng hiếu cái lòng oán hận của chúng tôi, chìm sâu trong từng tế bào thớ thịt, liệu có biến thành những loài mối vô hình, rồi ra sẽ đục ruỗng tâm cảm của chúng tôi hay không? Sự đục ruỗng này liệu có lợi hay hại cho tiềm năng sáng tạo của chúng tôi trong những ngành nghệ thuật khác nhau? Thật là những câu hỏi khó tìm được câu trả lời.
Tôi cứ nấn ná hoài trong cái thế giới sơn mài huyền ảo của bác Trí và rồi câu chuyện giữa chúng tôi lại trở lại với hội họa. Tôi có nhắc với bác và trầm trồ về một bức sơn mài mà tôi nhớ bác họa một cô gái mặc áo dài ngồi trên võng. Bức này trước năm 75 bác Tư gái (bà Hoàng Đạo), nể nang lắm mới nhượng cho ông Nguyễn Ngọc Linh với cái giá 5 triệu đồng và bức họa này đã theo ông Linh sang Hoa Kỳ, không nằm trong số các “tài sản quốc gia”. Tôi đã thú vô kể những gam và mảng mầu trắng và vàng của bức họa, dùng toàn những màu tươi và nhạt, ít những mảng nâu đen, với vài nét đỏ rất hợp với cái nền của áo dài. Tất cả là tươi sáng óng ả và tuyệt đẹp.
Tôi cũng hỏi bác Trí là sau 75 ở Sài Gòn các bác Thế Lữ và chú Xuân Diệu có tìm đến gặp bác lần nào không, thời bác lắc đầu trả lời không và cho biết dù họ có tìm đến, bác sẽ cũng không tiếp, vị họ đã chính thức lên tiếng tự thú và sám hối về những liên hệ và những hoạt động sáng tác của họ trong khuôn khổ nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Vì vậy, thật chẳng có gì đáng nói thêm về tư cách nghệ sĩ của những con người này.
Vợ chồng tôi đã nán lại hàn huyên với hai bác Trí cho đến tận chiều mới từ bi ra về.
Trong thời gian tiếp tục sống ở Đà Lạt, chờ ngày được định cư tại Mỹ tôi đã vài lần được tiếp các phóng viên và nhà văn Hoa Kỳ, phải nói là rất thú vị và bổ ích.
Có một lần qua sự giới thiệu của nhà văn nữ Laura Palmer, tôi có tiếp một nhiếp ảnh gia của tờ National Geographic. Ông này đến tìm tôi để nhờ tôi viết thư giới thiệu, hầu ông có thể được diện kiến bác Trí, để phỏng vấn và chụp hình toàn bộ họa phẩm sơn mài của bác. Bà Laura Palmer đã có lần phỏng vấn tôi và Phan Nhật Nam tại nhà của vợ chồng CVT và Đằng Giao, để viết bài cho mục Coming to terms with Vietnam của tờ New York Daily News.
Tôi đã vui vẻ viết ngay thư giới thiệu ông ta với bác Trí, và nghĩ dù chuyện gì xảy ra cho ông và các họa phẩm vô giá của ông, việc ghi lại bằng hình ảnh những tác phẩm của ông, hầu quốc tế biết tới và đánh giá được giá trị của những bức họa ông cặm cụi làm sau năm 75.
Một lần khác, một vị Giám Đốc một Folk Art Museum của California cũng lên Đà Lạt, nhờ tôi giới thiệu ông với bác Trí, hầu có thể mua được bức pan-nô lớn của bác, với cái giá có thể lên tới cả triệu đô la, mặc dầu tôi đã cho ông biết vì các họa phẩm của bác Trí được cộng sản xếp hạng là tài sản quốc gia nên những cố gắng của ông tìm cách mua và mang họa phẩm của bác Trí ra nước ngoài thật khó khăn, nếu không nói là một điều không thể thực hiện được. Tuy nói thế, tôi vẫn viết thư giới thiệu ông ta, chỉ với hậu ý đế ông có dịp chiêm ngưỡng những họa phẩm tuyệt đẹp của bác Trí.
Trong những lần về Sài Gòn để làm thủ tục xuất ngoại, tôi và các anh Cung Trầm Tưởng, Như Phong, Đằng Giao, đã nhiều lần ghé đến thăm bác Trí, mang chút không khí vui vẻ hứng khởi của giới văn nghệ sĩ đến chơi cái xưởng vẽ bề bộn của ông. Quả thật đó là những buổi gặp gỡ khó quên, giữa những nghệ sĩ nhiều lớp tuổi, thuộc nhiều ngành nghệ thuật. Chúng tôi đã kéo ông ra sân chụp ảnh lia lịa. Có lần theo yêu cầu của bác, anh Như Phong và CVT đã bê đến cả một nồi giả cầy, món ăn bác khoái khẩu. Tuy cố gắng làm đủ mọi cách để làm bác vui, nhưng chúng tôi đều mơ hồ cảm thấy, với sức khỏe càng ngày càng suy yếu của bác, có lẽ chẳng bao lâu nữa chúng tôi không còn được cái may mắn, được trải qua những giây phút thật quý, trong cái thế giới của hội họa mà bác là một biểu tượng sống động và cụ thể nhất.
Trước khi cùng gia đình lên phi cơ sang Mỹ, và định cư tại một tiểu bang Miền Đông, tôi vẫn thường được thư của cặp ĐG-CVT, thông báo cho tôi thường xuyên về những biến chuyến trong đời sống và sức khỏe của bác Trí. Sau khi tôi đến Mỹ, ĐG-CVT vẫn tiếp tục gửi thư cho tôi. Bẵng đi một thời gian tôi không nhận được thư từ của CVT-ĐG, thời một hôm CVT gửi cho tôi một lá thư báo tin buồn về bác Trí. Theo CVT bác Trí đã dần dần đi xa đi sâu vào cái thế giới của lãng quên. Bác đã mất dần ý niệm về thời gian, lẫn lộn cá dĩ vãng hiện tại và đôi khi cũng chẳng ý niệm được mình đang sống ở đâu và cũng chẳng nhận ra được những người thân sống bên cạnh bác. CVT còn gửi kèm một bức hình chụp bác Trí, ngồi trên một chiếc ghế bành mây, tay nắm chặt một cái gậy chống, khuôn mặt đờ đẫn sợ hãi. Tóc đã bạc hết bù rối và miệng hé ra như muốn nói một điều gì ấm ức.
Thân hình bác gầy ốm thu nhỏ đi nhiều và theo CVT, bác cứ luôn luôn kêu lên đòi "về nhà” “về nhà”, vì có lẽ bác cho rằng nơi mình ở, một căn phòng rộng rãi đầy ánh sáng, trong căn nhà khang trang bác gái mới cho xây cất lại trên chiếc nhà và atelier cũ. Bác Trí không còn dám thò chân xuống đất, cứ co chân lên ghế, vì bác cứ thốt ra như than thở, bác ghét cái mầu vàng đen mà bác bảo là chói mắt và trông thật khó chịu của sàn đá hoa bóng lộn. Có thể đối với bác, bác chỉ coi là “ở nhà” khi ngồi trong cái xưởng vẽ bề bộn, lỉnh kỉnh gỗ và phảng phất mùi sơn ta, với cái nền đất lổn nhổn những mảnh gỗ vụn, đôi khi còn đọng cả những vũng nước.
Thật mỉa mai! Bác Trí Trai vẫn ở trong nhà của mình, khá sang trọng mà bác gái, vì cần tiền để sinh sống và chăm sóc điều trị thuốc men cho chồng, đã chịu bán bức pan-nô gồm 9 mảnh ghép lại cho Bảo Tàng Viện của thành ủy thành phố HCM, với cái giá tiền sau bẩy trăm triệu bạc VN, tương đương với một trăm nghìn đô la Mỹ. Theo báo chí ở Sài Gòn, bức pan-nô sơn mài của danh họa quốc tế Nguyễn Gia Trí, đã đạt tới một cái giá có lẽ cao nhất trong lịch sử hội họa Việt Nam.
Bác Trí đâu có ý thức những gì đã xảy đến cho bức pan-nô của bác, vì đối với bác, đó là một bức bác phải hoàn tất, phải có ít cân vàng để giát cho xong, rồi sẽ giao cho chủ nhân là ông Bùi Kiện Tín. Hơn nữa, trong cái trí óc đã lẫn lộn của bác, về nhà là trở về cái xưởng vẽ quen thuộc của ông, cái thế giới bác đã tạo đựng lên và yêu mến qua gần sáu thập niên làm sơn mài cầm cọ, cái thế giới bác không thể sống nếu không có nó. Bác chỉ yên tâm cảm thấy được che chở, nếu được trầm mình mãi trong cái thế giới của hội họa, của cái đẹp, cái thế giới độc nhất bảo vệ bác chống lại sự đe dọa xâm nhập của những chiếc áo vàng, những con người từ Bắc vào, chỉ tìm đến săn đuổi bác, cướp đoạt của bác những bức họa, ý nghĩa đích thực của cuộc sống của bác.
Tôi đã ngồi ngắm bức hình chụp bác Trí rất lâu, xúc động và xót xa. Tôi tự hỏi không biết bác thực sự nghĩ gì vào cái khoảng thời gian mà bác lơ lửng ở giữa sự tỉnh táo và quên lãng, giữa cái thế giới quen thuộc và thân yêu của hội họa và cái thế giới trần trụi tàn nhẫn cứ rình rập xâm lấn và hủy hoại cuộc sống của một nghệ sĩ đích thực? Trong sự xúc động trầm và kéo dài, tôi đã cặm cụi viết một truyện ngắn về một danh họa già trong tình trạng nửa mơ nửa tỉnh, hiện tại và dĩ vãng lẫn lộn và trộn lẫn với nhau, và đặt tên là “Về Nhà”.
Tôi đã cố gắng vận dụng tâm trí đế nhập vai, và dựng lại những cảm nghĩ và xúc động mông lung của danh họa đó, chỉ tha thiết tìm về nhà, cái giấc mộng tha thiết của một đời người tận tụy cho nghệ thuật.
Tôi cũng vẽ một bức phác thảo theo phong cách Á Đông, để minh họa cho truyện ngắn này khi gửi đăng một số báo. Tôi nghĩ tôi đã vẽ không dở lắm và tôi lại nhớ đến những lời khuyên thật rộng lượng của bác Trí, đối với một người cầm cọ rất tài tử là tôi.
Chị Nguyễn Thị Vinh, một người đã từng lưu vong với bác NL, và bác Trí sang Quảng Châu, và đã cũng từng ngồi làm mẫu cho bác Trí, đã viết thư cho tôi và khen truyện ngắn tôi viết thật hay và cảm động, nhưng tò mò hỏi có phải những dữ kiện tôi nêu trong truyện đều là sự thật 100 phần trăm? Tôi đã trả lời là tất cả những dữ kiện tôi nhắc tới đều là sự thật 100 phần trăm, sự thật mà tôi biết về bác Trí.
Còn chuyện nhập vai để mô tả tâm trạng nứa mơ nửa tỉnh của ông, tôi đã phải vận dụng đến óc tưởng tượng và lòng cảm thông của một nhà văn, và dĩ nhiên chỉ có một giá trị rất tương đối, âu cũng không vượt quá giá trị sáng tạo nhất định của một tác phẩm nửa thật nửa hư cấu, dựa vào cuộc đời và thân phận của một danh họa.
Tuy nhiên, riêng phần tôi, mãi mãi tôi sẽ chẳng bao giờ có thể cả quyết là với khả năng của một nhà văn, tôi có thể soi sáng được phần nào cái khối im lặng mà bác Trí đã bao bọc lấy đời sống và thái độ luôn luôn dè dặt, khi phải phát biểu về nghệ thuật của mình, về những ý nghĩ đích thực của ông về hội họa, nói chung, và các họa phẩm của người khác, sự dè dặt và kín đáo của ông cả trong cách thế sống ở đời.
Quả thật sự im lặng của bác thật dày đặc và nếu ta thoáng thấy được con người thật của ông, thời cũng chẳng qua cũng tương tự như ta vừa bước vào một xưởng vẽ ngổn ngang các họa phẩm, chìm trong bầu không khí mờ ảo mung lung. Mắt ta cũng còn có thế thoáng thấy xa xa một góc, những khối mầu vàng, son, đen thẫm, và dọc ngang chạy các nét sổ bay bướm huyền ảo, các đường vỏ trứng, tất cả cái kỳ diệu của vài bức họa đang làm dở dang. Đó là những bức họa đang được hình thành, đầy bí ẩn và mời gọi của thiên tài Nguyễn Gia Trí, luôn luôn đơn giản và cụ thể mà lại sâu thăm thẳm, cái bề sâu hun hút của chất liệu sơn mài, mà nhìn soi mói ta mới càng thấy ẩn hiện các hình thể huyền ảo tuyệt vời của chất liệu thơ thật Á Đông, mà chỉ những ngón tay thon gầy của danh họa mới có thể dựng lên và cống hiến, cho đời, cho nghệ thuật.
- Vài Kỷ Niệm Về Nguyễn Gia Trí Duy Lam Hồi ức
- Me Tôi Duy Lam Truyện ngắn
- Viết về Tạp Ghi Văn Nghệ của Nguyễn Mạnh Trinh Duy Lam Nhận định
• Vài Kỷ Niệm Về Nguyễn Gia Trí (Duy Lam)
• Họa sĩ Nguyễn Gia Trí nói về sáng tạo (Nguyễn Xuân Việt)
• Nguyễn Gia Trí, bậc đạo sư của sơn mài nghệ thuật (Hoàng Hưng)
• Họa sĩ Nguyễn Gia Trí (Thái Tuấn)
• Một Chân Dung Lớn Của Nền Mỹ Thuật Việt Nam Thế Kỷ XX: Nguyễn Gia Trí (Huỳnh Hữu Ủy)
Tiểu sử (Wikipedia)
Nguyễn Gia Trí: Người họa sĩ đã nhìn ra khả năng kỳ diệu của sơn mài (Đinh Cường)
Chuyện Về Bức Tranh Cuối Cùng Của Họa Sĩ Nguyễn Gia Trí (Đoàn Thanh Liêm)
• Đỗ Duy Ngọc và ảnh nghệ thuật đen-trắng (Diễn Đàn Thế Kỷ)
• Phan Nguyên - Mượn Dấu Thời Gian (Song Thao)
• Họa sĩ Victor Tardieu (Huỳnh Hữu Ủy)
• Họa sĩ Hồ Hữu Thủ qua đời (Diễn Đàn Thế Kỷ)
• Họa sĩ Vị Ý với ước nguyện không thành (Việt Dương)
• Nguyễn Trọng Khôi: Huyền ảo cao nguyên đá (Nguyễn Trọng Chức)
• Tưởng niệm Victor Tardieu (Ngô Kim Khôi)
• Nguyễn Trọng Khôi – Đam mê và Sáng tạo (Trương Vũ)
• Khánh Trường và Những Tấm Lòng (Nguyên Hòa)
• Hồ Hữu Thủ - Người Đi Tìm Chân Tướng Sự Vật (Nguyễn Viện)
William Alexander & Họa Phẩm Về Đàng Trong
(Nguyễn Duy Chính)
Họa sĩ và Nhiếp ảnh gia:
Nhiếp ảnh gia:
Nguyễn Cao Đàm, Trần Cao Lĩnh,
Nguyễn Ngọc Hạnh, Hương Kiều Loan
Trường Vẽ Gia Định (truongvegiadinh.blogspot)
- Hương Kiều Loan, nỗi đam mê (Đỗ Dung)
- Đôi Dòng Lịch sử Nhiếp Ảnh Nghệ Thuật Việt Nam trước 1975 (Khôi Trần)
- Trò chuyện cùng GS Lê Văn Khoa nhân triển lãm nhiếp ảnh tại Houston (Băng Huyền)
- Nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Hạnh, tác giả bức ảnh Vá Cờ, qua đời (Đỗ Dzũng)
- Ảnh Siêu Thực (Trần Cao Lĩnh)
- Xem Triển Lãm Nhiếp Ảnh Của Nguyễn Cao Đàm (Đông Nguyên)
- Động Tĩnh Trong Ảnh (Trần Cao Lĩnh)
- Một Thời Nhiếp Ảnh Nghệ Thuật (Nguyễn Cao Đàm)
Nhớ Thầy (Thu An)
Nhiếp Ảnh Gia Nguyễn Cao Đàm, Bóng Tối Và Ánh Sáng (Nguyễn Ngọc Dung)
Nguyễn Cao Đàm, Người thầy của nhiều thế hệ nhiếp ảnh Việt Nam (cbs.com)
Vinh danh và ngưỡng mộ (hoivietanh.net)
Ảnh Trần Cao Lĩnh (vnthuquan.net)
Sài Gòn 1950-1975 (SafeShare.TV)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |