|
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Thơ Văn Trần Yên Hoà & Bằng hữu
Họa sĩ Ngọc Dũng, 1959
Tôi có cung thiên di mùa hè. Mà thiên di về hướng đông kia. Sau Boston, là Virginia, tôi trở lại Virginia. Gặp lại gia đình, gặp lại bạn cũ, nhìn lại thành phố đã đón chúng tôi những ngày đầu khi từ trại tị nạn Bataan, Phi Luật Tân qua vào mùa đông 1985. Đời sống như một mũi lao được phóng đi, đi tới, đi tới mãi, cho đến khi rơi cắm phập xuống một nơi nào đó trên mặt đất. Những người lớn già đi, những đứa trẻ lớn lên, những đứa bé chào đời. Và trái đất vẫn quay, quay, quay. Virginia với Springfield, Falls Church, Annandale, và Hoa Thịnh Đốn với những bảo tàng viện, tháng Tư mùa hoa Đào, những trận tuyết đông trắng trời trắng đất.
Hẹn Lê Thiệp ở quán phở sáng sớm, chúng tôi đến thăm chị Ngọc Dũng. Ngôi nhà gọn gàng, ngăn nắp. Sân trước, vườn sau cỏ xanh. Phòng khách nhỏ, ấm. Những bức tranh trên tường mang một chữ ký: Ngọc Dũng. Như anh vẫn còn ở với chị và chúng ta.
Ngọc Dũng, một con người thâm trầm, lặng lẽ và khiêm tốn biết bao.
Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Duy Thanh, những người bạn lâu năm của anh từ thời Hà Nội-Sài Gòn tuổi trẻ, và giờ đây, những năm tháng sau cùng ở hải ngoại Lê Thiệp, Nguyễn Xuân Nghĩa, Nguyễn Thiên Ân là những người gần gũi với anh nhất.
Mấy lần xuống Cali, hồi ở Nam cũng như sau này ở Bắc, bao giờ anh cũng gọi hỏi tôi có ở nhà không anh sẽ đến chơi. Thường anh mang cho mấy bức vẽ để minh hoạ cho tờ Văn. Có lần anh đưa tôi một bao thư khá nhiều bức vẽ mực đen bảo tôi chọn trước để dành dùng từ từ, cái còn lại để anh mang cho tờ Thế Kỷ 21. Khi Nguyên Sa in tập thơ, thi sĩ Áo Lụa Hà Đông hỏi tôi tìm cho anh ít minh hoạ, tôi gọi họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi và điện thoại xin phép Ngọc Dũng đưa trước một ít bức cho Nguyên Sa. Sau đó tôi đưa số điện thoại của Ngọc Dũng và Khôi cho Nguyên Sa. Khi tập thơ in xong tôi thấy có mấy minh hoạ tuyệt đẹp của Ngọc Dũng và Nguyễn Trọng Khôi và Nguyên Khai. Có một điều thắc mắc - mà đến nay tôi vẫn chưa hiểu tại sao - là có vẻ như Nguyên Sa không quen biết Ngọc Dũng nhiều, mặc dù theo chỗ tôi biết hai anh phải là những bạn từ thời Sáng Tạo.
Tôi không được là người gần gũi với Ngọc Dũng như Thiệp, Nghĩa và Ân; tôi cũng không phải là tay sành rượu để có thể đôi khi đối ẩm cùng anh - như trước kia tôi chưa từng là bạn rượu của Mai Thảo - nhưng bao giờ nói chuyện với Ngọc Dũng, tôi cũng cảm thấy dễ dàng, nhẹ nhàng, tin cậy và gần gũi, như thể anh là một ông anh ruột thịt của tôi. Gặp được một người như anh trong đời tôi thật hiếm quý.
Ngọc Dũng có một khuôn mặt hồng hào, một mái tóc hơi cứng rơi thẳng xuống trán, đôi mắt lành và nụ cười hiền. Tôi không ngờ thời trẻ anh có mái tóc đẹp, cái dáng vóc rất tài tử như James Dean. Hôm Lê Thiệp chở tôi đến thăm chị Ngọc Dũng, nhìn những bức tranh của anh, những nét vẽ hiền, êm ả, rất ít màu nóng, in hình như tâm hồn anh đã quyết đinh đường nét và màu sắc trong tranh anh.
Chuyên đi miền Đông của tôi ngoài việc mừng hôn lễ của cháu Cleo, nơi duy nhất tôi đến thăm là ngôi nhà anh Ngọc Dũng.
Có nhiều cách thế để sống trong đời - xông tới, chinh phục, chiếm hữu, hoà hợp... nhưng cách mà tôi lâu nay vẫn nghĩ là đúng cho cá nhân tôi chính là cách tôi đã nhìn thấy nơi anh Ngọc Dũng.
Tôi rất yêu phong thái và nhân cách của Ngọc Dũng. Tôi ao ước phải chi mình có được một phần ung dung tự tại của anh. Nhưng nhân cách lâu phải chuyện một sớm một chiều mà có được.