|
Dê Húc Càn(1.10.1934 - 21.11.1987) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Giữa những ngày tàn cuối năm, cùng với lễ lạc chuẩn bị đón Tết Nguyên Đán, cộng đồng người Việt hải ngoại đã có nhiều hoạt động gây được nhiều cảm xúc, để lại nhiều dư vang nơi mỗi chúng ta, những đứa con lưu lạc sinh sống phương xa.
Một trong những sinh hoạt văn hóa đáng kể ấy ở Nam California là phòng tranh đầy hương sắc của Nguyễn Đồng & Nguyễn Thị Hợp. Giữa bảng màu của hai nhà họa sĩ quen biết, những đóa "vương giả chi hoa" tuyệt đẹp như những cánh hồ điệp hay những mảnh ngọc thạch lay động nhẹ của nhà trồng lan Ngô Bảo, tất cả đều như rất hòa hợp để góp thêm một nét thanh sắc kỳ ảo vào khu vườn xuân.
Nhân cuộc triển lãm này, chúng ta hãy thử tiến đến gần hơn với Nguyễn Đồng & Nguyễn Thị Hợp, thưởng thức tranh của họ cũng như nhìn lại quá trình hoạt động nghệ thuật của họ đôi chút.
NGUYỄN ĐỒNG là một thành viên chủ lực của Hội Họa Sĩ Trẻ trước đây, sinh hoạt bền bỉ với hội này từ những ngày đầu cho đến ngày tan rã vào năm 1975, đã có nhiều nỗ lực đáng kể để góp phần tạo nên vẻ mặt tạo hình mới mẻ và hiện đại của Sàigòn.
Sinh năm 1940 ở Cần Thơ, Nguyễn Đồng theo học ban Triết ở Đà Lạt và tốt nghiệp Đại học Đà Lạt năm 1965. Thời niên thiếu, vì thích mỹ thuật nên đến học vẽ với họa sĩ Nguyễn Cường. Về sau cũng có theo học dở dang ở Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Gia Định, rồi được tu nghiệp thêm về đồ họa (Graphics) ở Manila. Khi về làm việc ở Trung Tâm Học Liệu thuộc Bộ Giáo Dục trên đường Trần Bình Trọng gần Chợ Lớn, anh đặc trách hẳn về mỹ thuật cho trung tâm này, rồi đã sống toàn phần như một họa sĩ chuyên nghiệp: Làm đồ họa, vẽ minh họa, thiết kế trang trí, sáng tác tranh, thỉnh thoảng cũng viết nghiên cứu và phê bình mỹ thuật cho vài tờ báo và tạp chí ở Sàigòn như Tin Sáng, Hiện Đại, Trình Bày, Văn, Tiền Tuyến. Triển lãm lần đầu tiên năm 1965, rồi tiếp tục sinh hoạt thường xuyên với Hội Họa Sĩ Trẻ ở Sàigòn cho đến năm 1975.
Những năm theo học ban Triết đã trang bị cho anh nhiều vốn liếng tư tưởng. Khi nhập vào hội họa, tư tưởng được vận động để trở thành đường nét và màu sắc trên mặt bố, bay lượn trên giá vẽ. Đó là những tra vấn và đối thoại với cuộc đời và số phận con người, và như vậy nghệ thuật chính là một cách thế hiện hữu ở đời. Nguyễn Đồng đã phát biểu trong kỳ bày tranh chung với Hội Họa Sĩ Trẻ năm 1969: "Từ cảm tính đến tạo hình, tác phẩm là một sự ngưng đọng thành sự vật, sự ngưng đọng của tình cờ, một thứ tiếng nói không lời, một vật chết. Nhưng lạ thay, nó vẫn nặng trĩu ý nghĩa, không ngừng toát hơi thở tinh thần, như triển nở của bông hoa. Trong giới hạn của chỉ một đưa-đến-gần một lý tưởng luôn luôn còn là xa lạ, nó vẫn đi xa không ngớt, như một dấn thân làm cung cách hiện hữu cho con người ở đời" (In trong vựng tập triển lãm)
Với một cách nhìn như thế, chúng ta không lạ gì khi hội họa của Nguyễn Đồng trước năm 1975 ở Sàigòn phần nhiều là những lời bày giải rối rắm của Triết học. Mặc dù vậy, khi hiện lên trên mặt bố, trên khung vải hay với những phác thảo bằng bút sắt trên giấy, những hình ảnh ẩn chứa nhiều thao thức thời đại ấy đã mang lại cho chúng ta nhiều cảm giác thơ mộng rất hiện đại. Ví dụ là bức sơn dầu Khỏa thân, bố cục và chai xì dầu, người phụ nữ khỏa thân ngồi, nhìn nghiêng, chiếm lấy hết khoảng 2/3 tấm tranh theo chiều dọc bức tranh, nơi khoảng trống trước mặt là một chai xì dầu. Mặc dù đơn giản, bố cục tranh rất chặt chẽ. Tất cả thế giới bức tranh đưa lại càng trở nên sâu thẳm hơn với toàn một màu xanh rêu sậm xuống và những đường viền xanh đen nổi bật lên rất mạnh. Hoặc với phác thảo Em bé treo ngược và bố cục ngả tư đã gây nơi tôi nhiều xao xuyến mỗi lần nhìn ngắm. Là hình ảnh một đứa bé bị treo ngược trên một hàng rào kẽm giữa một không gian chia cắt thành bồn mảnh. Nét vẽ nhuần nhuyễn và tài hoa của họa sĩ đã đặt chúng ta trước một đối đầu lớn, giữa một tình thế đầy hoang mang, ác mộng của một thời đại tàn khốc và bão táp.
Năm 1979, Nguyễn Đồng vượt thoát khỏi bầu khí khắc nghiệt ở quê nhà, định cư cùng gia đình ở Tây Đức. Năm 1980, anh bày triển lãm ở viện bảo tàng địa phương Heimatmuseum, thành phố Buchholzid, rồi liên tục triển lãm ở Paris và một vài thành phố khác ở Đức như Munich, Bonn, Munchen. Năm 1985, tái định cư ở Hoa Kỳ, là giám đốc mỹ thuật của cơ sở xuất bản "Người Việt," tiếp tục tham dự các sinh hoạt mỹ thuật của cộng đồng Việt Nam, thường chủ yếu tổ chức ở phòng sinh hoạt Thế Kỷ của cơ sở Người Việt, ở các trường đại học, hoặc các nhà bảo tàng địa phương như cuộc triển lãm vào tháng 6 năm 1996 ở Bảo tàng Châu Á Thái Bình Dương vùng Los Angeles.
Hội họa giai đoạn sau này của Nguyễn Đồng đã thay đổi rất nhiều, không còn chất chứa những tư tưởng cầu kỳ của thời tuổi trẻ ở Sàigòn nữa. Anh vẽ giản dị, phần nhiều chỉ còn là những hình ảnh của một thời bình yên êm đềm và ấm áp nào đó của đất nước của thời quá vãng: cảnh đồng quê một đêm trăng, con trâu đầm mình giữa đồng cỏ, một ngõ xóm thôn dã Nam Bộ, thiếu nữ làm việc trong mùa lúa chín. Những con chim được cách điệu, gần như là những nét thanh lọc hình thể, tuy vẫn còn níu kéo vào hình ảnh thực nên đã trở thành những bóng dáng bán trừu tượng. Những con chim ấy đang ríu rít giữa một đầm sen nở rộ hương hoa.
Về chim và hoa này, có lẽ Nguyễn Đồng ít nhiều đã cảm nghiệm và rút tỉa được từ cái đẹp giản dị mộc mạc của những bức chạm khắc gỗ dân gian xưa của đất nước; và trong cuộc sống lưu lạc hiện nay, một cách vô thức hay hữu ý nhưng rất khéo léo mà chuyển hóa vào tranh của mình và đã làm biến mất những dấu vết của ngọn nguồn anh tiếp thụ. Rồi một bức tranh khác nữa, vẽ một khung cửa sổ, bên ngoài là những đám mây xanh xám bềnh bồng trên những ngọn cây đã rụng hết lá vào lúc đổi mùa, phía bên trong khung cửa, một đĩa ngũ quả và ngọn nến cắm trên chân đèn đang leo lét cháy sáng. Bức tranh dường như gợi lên nhiều điều về một quê nhà xưa cũ trong trí nhớ, mơ hồ như những đám mây khói lờ lững trôi qua trên một dòng sông ký ức.
Phòng tranh Nguyễn Đồng & Nguyễn Thị Hợp càng như đầy hương sắc xuân và dân tộc với những bức tranh lụa tươi mát, hài hòa, rất chín tới của Nguyễn Thị Hợp.
NGUYỄN THỊ HỢP tốt nghiệp Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Sàigòn năm 1964, bày phòng tranh riêng năm 1966 ở Đài Bắc, thành viên của Hội Họa Sĩ Trẻ từ năm 1968. Đã tham dự nhiều cuộc triển lãm thường niên ở Sàigòn, Paris, Cộng Hòa Liên Bang Đức và Hoa Kỳ. Tranh lụa mượt mà, thanh thoát và đầy cá tính của bà, với đề tài chủ yếu về trẻ thơ, phụ nữ và tình yêu, được công chúng yêu chuộng mỹ thuật rất lưu ý với nhiều thiện cảm sâu sắc.
Nguyễn Thị Hợp cũng trình bày và minh họa cho một số ấn phẩm, truyện nhi đồng, kinh điển Phật giáo, nhiều tác phẩm đặc biệt của Thiền sư Nhất Hạnh, sách khảo cứu xuất bản ở Việt Nam, Nhật Bản, Đức, Gia Nã Đại, Thụy sĩ, Thụy Điển v.v... Có rất nhiều ấn phẩm trong số này cũng có thể xem là những công trình để đời của bà.
Trước năm 1977, cứ mỗi mùa Tết đến, ở California lại xuất hiện bộ tranh lịch Tết của Nguyễn Thị Hợp, đã mang lại cho từng mỗi nhà người Việt xa xứ những hình ảnh thân thiết, êm đềm và thanh bình của quê nhà của một thời nào. Hiện nay, cùng với chồng là họa sĩ Nguyễn Đồng, bà là người chăm sóc phần mỹ thuật cho nhật báo Người Việt, tạo nên được một vẻ mặt rất đặc biệt cho cơ quan ngôn luận này, một tiếng nói hàng đầu của người Việt hải ngoại trên khắp thế giới. Nhờ vào phần nào những phương tiện truyền thông mạnh mẽ hiện nay như sách vở, nhật báo, tạp chí, các bản tin của những cơ sở làm ăn lớn như Pacific Bell, các tập niên giám hằng năm tung ra khắp bốn phương trời, hội họa của Nguyễn Thị Hợp đã đến với vô số người xem, tạo nên một dấu ấn khá sâu đậm trong lòng người Việt khắp nơi.
Tranh lụa của Nguyễn Thị Hợp rất vững chãi về bố cục và hình họa, càng rất đầm ấm, linh hoạt với một hòa sắc tươi sáng mà đậm đà, tạo nên được một phong cách riêng biệt rất thơ mộng và dân tộc, góp thêm vào dòng tranh lụa đã hình thành vững chắc từ hơn nửa thế kỷ vừa qua với các nhà danh họa Lê Văn Đệ, Tô Ngọc vân, Mai Trung Thứ, Lê Phổ, Lê Thị Lựu, Nguyễn Phan Chánh, Vũ Cao Đàm, Nguyễn Tường Lân.
Người ta vẫn thường nói một cách rất máy móc rằng không cần phải vẽ, phải ghi chép những hình ảnh đặc trưng của Việt Nam như chiếc áo dài, đôi guốc mộc, dải yếm màu hoa hiên, mái nhà tranh, ao bèo, bụi chuối, con trâu bên luống cày mới là dân tộc, nhưng vấn đề quan trọng nhất vẫn là cách nhìn, thủ pháp và kỹ thuật của người họa sĩ. Kỹ thuật tuyệt luân, tâm hồn hài hòa sẽ giúp cho người vẽ xây dựng được tác phẩm đầy rung cảm, mang lại cho người xem cái đẹp không "quê mùa" chút nào mà còn vô cùng tinh tế, thanh nhã, gợi cảm và sâu sắc. Đó chính là điều Nguyễn Thị Hợp đã làm được. Bà sống, rung cảm, thực hiện, và đã mang lại cho giới thưởng ngoạn Việt Nam và thế giới một vẻ đẹp chân chất mà lại rất tươi mát, kỳ ảo, quyến rũ. Hình ảnh không lộ ra một cách buông tuồng mà lúc nào cũng như e ấp, phong kín, giản dị mà vẫn kiểu cách, tao nhã.
Chẳng còn phải nghi ngờ gì nữa, một số tác phẩm lụa mới gần đây của Nguyễn Thị Hợp đã đưa bà đến chỗ ngồi của những nhà danh họa bậc nhất về lụa của đất nước. Họa sĩ vẽ lụa thì rất nhiều, nhưng vẽ cho đạt, uyển chuyển, nhẹ nhàng, không sống sượng thì quả là khó lắm, và cũng có thể nói rằng những họa sĩ lụa đạt được như vậy chỉ mới đếm được trên mười đầu ngón tay kể từ những năm 30 cho đến ngày nay.
Tranh lụa Nguyễn Thị Hợp là một tổng hợp của nhiều tính cách và kỹ thuật, tiếp thu nhiều kỹ pháp tạo hình của phương Đông, hợp thêm vào với kỹ thuật tả thực của Châu Âu, nhưng tất cả là đều để đưa đến một điểm chung: tan biến tất cả để tạo nên một bút pháp hoàn toàn riêng biệt của mình. Đường nét sắc sảo, tỉ mỉ, công phu nhưng đã yan nhòa để chỉ còn đầy một không khí giản dị, kín đáo. Màu sắc thì bao giờ cũng nhẹ nhàng và mong manh. Tất cả đã hòa hợp cùng nhau, màu và nét, mang lại cho chúng ta một không khí thanh nhã, nhẹ nhàng của những giấc mơ bình dị, tràn đầy cốt cách dân tộc.
Tranh lụa của Nguyễn Thị Hợp càng trở nên mong manh hơn nhờ vào cách giặt lụa, gột rửa màu nhiều lần, như cách các họa sĩ vẽ lụa ở Sàigòn vẫn thực hiện trong khoảng 30 năm trở lại đây. Gột rửa màu hết sức cẩn thận, có lẽ cũng ít người vẽ lụa thực hiện công phu đến như vậy, cho đến lúc màu ăn vào từng thớ lụa và trở thành trong suốt và rực rỡ. Bàn tay nhẹ nhàng, tài hoa, thanh thoát của họa sĩ đã công phu từng chút để hìến tặng cho chúng ta một thế giới mỹ lệ tuyệt vời mà lúc nào cũng vô cùng đơn giản, bình dị.
Ví dụ, với bức tranh "Mẹ con" là hình ảnh một người phụ nữ ngồi cho con bú vào một buổi chiều mùa hè với các mảng màu hồng sậm, vàng, xanh nước biển chìm sậm xuống cùng những đường sơn màu nâu nhạt. Nguyễn Thị Hợp đã nói về bức tranh này trong cuộc triển lãm lớn giới thiệu về mỹ thuật Việt Nam do viện Smithsonian tổ chức mấy năm trước đây: "Hình ảnh mẹ con là một chủ đề tôi ưa chuộng. Tôi đã thực hiện tác phẩm này do sự gợi hứng từ hình ảnh một người phụ nữ miền quê đi chợ về vào một buổi chiều oi bức đang ngồi cho con bú. Một cảm xúc tràn đầy, hạnh phúc hài hòa là điều tôi tìm cách diễn tả ở đây."
Tất cả cái thế giới thực trước mắt đều đã trở nên rất mong manh. Cái thực vạm vỡ, mạnh khỏe, rắn chắc dường như đã biến mất để trở thành những nét và màu vô cùng nhẹ nhàng, như rất dễ vỡ tan. Vậy nhưng nó vẫn là rất thực. Có phải đó chính là cái đẹp mà tranh lụa của Nguyễn Thị Hợp đã mang lại cho chúng ta?
Những bức tranh đẹp nhất của Nguyễn Thị Hợp trong vài năm vừa qua, là những tuyệt tác về lụa của nền hội họa Việt Nam đương đại dường như đều chứa đựng tính cách ấy, ví dụ là những bức tranh vẽ các thiếu nữ ngồi đọc sách trong một khu vườn thơm ngát hương hoa và quả chín, những trái cam vàng đến óng ả đầy tràn và nặng trĩu giữa các tàn lá xanh tươi, hay tranh vẽ các bé thơ nô đùa giữa một khu vườn xuân. Đặc biệt nhất có lẽ là tranh vẽ phụ nữ khỏa thân, phần nhiều là phụ nữ miền quê mạnh khỏe, đầy sức sống nhưng đã trở nên rất thanh thoát và bay bổng. Đó là một người đàn bà khỏa thân trần đang đầm chân trong một chậu nước ở một vùng quê Nam Bộ, hay cũng vậy mà lại đang gật gà trong một giấc ngủ buổi trưa hè.
Chúng ta hãy thưởng lãm một bức khác, có lẽ là đẹp nhất trong loại tranh này, bức "Khỏa thân và măng cụt." Người đàn bà khỏa thân ngồi trên chiếc ghế đỏ, sát ngay cạnh chiếc ghế là một giỏ nan đầy trái măng cụt. Góc bên phải bức tranh, cánh cửa sổ đang mở. Màu đỏ sậm đầm ấm của màu măng cụt hợp với màu đỏ của toàn chiếc ghế, càng đậm đà hơn vì những đường viền đen chung quanh cái ghế và giỏ trái cây. Từ những mảng đỏ trung tâm ấy, màu đỏ đầm ấm lan tỏa nhẹ nhàng lên toàn bức tranh, nhẹ nhàng phơn phớt lên má, lên môi, lên ngực của người phụ nữ, rồi sậm xuống mà ngả sang màu tím hơi bầm trên nền tranh và bên ngoài khung cửa sổ. Màu đỏ tràn đầy ấy cũng rất hòa hợp với mảng màu xanh dương ngả sậm của khoảng nền nhà bên dưới. Những chuyển sắc nhẹ nhàng, rồi các mảng màu liên kết cùng nhau, mảng màu đỏ hợp với màu ngà trên lụa, họa sĩ vẽ thêm màu tím than, rồi xanh dương ngã sậm. Tất cả đã dừng lại trong một sự thăng bằng và điều hòa tuyệt khéo.
Về hình họa, chúng ta dễ dàng thấy ngay Nguyễn Thị Hợp đã nắm vững những nguyên tắc sâu sắc về hình thể, hơn thế nữa bà cũng có rất nhiều kinh nghiệm về bóng dáng người đàn bà khỏa thân, tuy thế bà đã lọc lựa lại để chỉ còn là những nét rất mong manh, mơ hồ của riêng mình. Cái đẹp tươi mát ấy không là một sao chép cứng nhắc của hiện thực, mà đó là một sự thanh lọc tao nhã chuyển đi từ ấn tượng đến dã thú và hồn nhiên. Nói cho đúng hơn, đó là một hòa hợp của màu và nét, qua một số thủ pháp hội họa tập hợp lại của phương Đông và phương Tây, dung nạp tất cả để biến thành bút pháp của mình, hội họa của Nguyễn Thị Hợp là một hòa hợp rất tinh vi cái thực và cái thần của hiện thực, đó là một hòa sắc rất Nguyễn Thị Hợp, và chính vì vậy cũng rất là Việt Nam.
Chúng ta vừa xem qua một số tác phẩm của Nguyễn Đồng & Nguyễn Thị Hợp, cũng nhân đấy đã đi ngược trở lại một phần quãng đường hoạt động nghệ thuật của họ trong những năm tháng vừa qua. Nhiều năm sau này, có lẽ do nhu cầu sinh kế gay go trong cuộc sống nơi đất khách, Nguyễn Đồng & Nguyễn Thị Hợp có thực hiện chung một số đồ họa, nhưng thực sự cũng không có gì đáng kể lắm, vì đó chỉ là những phác thảo của Nguyễn Thị Hợp, rồi cả hai người cùng chuyển thành tranh sơn dầu lớn, tô màu sầm sậm xuống cho có vẻ thô mộc đôi chút mà thôi. Điều đáng kể nhất của hai họa sĩ này, là mỗi người một bút pháp và đã đóng góp bút pháp riêng biệt của họ qua nhiều tác phẩm vào nền nghệ thuật đương đại của chúng ta, góp phần làm phong phú và tươi đẹp một nền nghệ thuật còn non trẻ nhưng đã hình thành và bắt đầu có tiếng nói, trong nước, trong khu vực, cũng như đang mở rộng trên thế giới.
(*) Viết nhân dịp phòng tranh Nguyễn Đồng & Nguyễn Thị Hợp mở cửa ở Phòng Sinh hoạt báo Người Việt trong hai ngày 11 và 12 tháng 12 năm 1998. Phòng triển lãm này cũng có kết hợp bày một số tranh của cháu Nguyễn Đan Chi, con gái của Nguyễn Đồng & Nguyễn Thị Hợp và hoa của vườn lan Ngô-Bảo.
- Họa sĩ Victor Tardieu Huỳnh Hữu Ủy Nhận định
- Họa sĩ Lê Văn Miến Huỳnh Hữu Ủy Nhận định
- Vài Dáng Ngựa Trong Nền Mỹ Thuật Cổ Truyền Việt Nam Huỳnh Hữu Ủy Khảo luận
- Đôi Nét Về Văn Cao Của Hội Họa Huỳnh Hữu Ủy Nhận định
- Họa Sĩ Lê Văn Tài Huỳnh Hữu Ủy Nhận định
- Họa Sĩ Bửu Chỉ Huỳnh Hữu Ủy Nhận định
- Nguyễn Đăng Thường: Từ Văn Chương Đến Nghệ Thuật Tạo Hình Huỳnh Hữu Ủy Nhận định
- Tình Tự Dân Tộc Và Dòng Thơ Kháng Chiến Huỳnh Hữu Ủy Nhận định
- Tranh Khắc Gỗ Dân Gian và Các Tác Phẩm Văn Học Cổ Huỳnh Hữu Ủy Biên khảo
- Nguyễn Đức Sơn: Một Đỉnh Thơ Kỳ Dị Và Cô Độc Huỳnh Hữu Ủy Nhận định
• Hành Trình Nghệ Thuật 50 Năm: Nhìn Lại Và Hồi Tưởng Với N Đồng-NT Hợp (Huỳnh Hữu Ủy)
• Xem tranh Nguyễn Đồng & Nguyễn Thị Hợp (Huỳnh Hữu Ủy)
• Ngọn Lửa Pilot Vẫn Liên Tục (Nguyễn Đồng)
• Đỗ Duy Ngọc và ảnh nghệ thuật đen-trắng (Diễn Đàn Thế Kỷ)
• Phan Nguyên - Mượn Dấu Thời Gian (Song Thao)
• Họa sĩ Victor Tardieu (Huỳnh Hữu Ủy)
• Họa sĩ Hồ Hữu Thủ qua đời (Diễn Đàn Thế Kỷ)
• Họa sĩ Vị Ý với ước nguyện không thành (Việt Dương)
• Nguyễn Trọng Khôi: Huyền ảo cao nguyên đá (Nguyễn Trọng Chức)
• Tưởng niệm Victor Tardieu (Ngô Kim Khôi)
• Nguyễn Trọng Khôi – Đam mê và Sáng tạo (Trương Vũ)
• Khánh Trường và Những Tấm Lòng (Nguyên Hòa)
• Hồ Hữu Thủ - Người Đi Tìm Chân Tướng Sự Vật (Nguyễn Viện)
William Alexander & Họa Phẩm Về Đàng Trong
(Nguyễn Duy Chính)
Họa sĩ và Nhiếp ảnh gia:
Nhiếp ảnh gia:
Nguyễn Cao Đàm, Trần Cao Lĩnh,
Nguyễn Ngọc Hạnh, Hương Kiều Loan
Trường Vẽ Gia Định (truongvegiadinh.blogspot)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |