|
Lam Phương(20.3.1937 - 22.12.2020) | Lưu Trung Khảo(.0.1931 - 22.12.2015) | Nguyễn Hiến Lê(8.1.1912 - 22.12.1984) | Nguyễn Đình Nghĩa(5.10.1940 - 22.12.2005) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
PIETÀ, Oil on canvas, 1979
(tranh Lê Thành Nhơn)
Lê Thành Nhơn là một họa sĩ lớn, nghệ sinh lạc của Việt Nam và Australia. Nhơn có cá tính bản lĩnh phi thường, lao động sáng tạo, rất kiên trì không mệt mỏi, tạo hình độc đáo với gôut thẩm mỹ thích sáng tác những tác phẩm đồ sộ, vĩ đại có tính chất hùng tráng trong không gian hoành tráng, qua đó phản ánh khí chất nội lực mạnh mẽ của anh. Nhơn dáng thể lực cao khỏe (trên lm70), đẹp trai, có dáng dấp của một hiệp sĩ, tính tình rất hòa nhã khiêm tốn, lịch thiệp, rất được nhân tâm, luôn luôn là trung tâm quần tụ bạn bè thân thích và những người ái mộ nghệ thuật của anh.
Sự nghiệp của Lê Thành Nhơn tại Việt Nam trước 1975 (1) gồm có:
1 Pho tượng Phật: đồ sộ cao 6 mét, đúc ximăng, năm 1970, nay đặt ở chùa Huệ Nghiêm Phú Lâm, thành phố Hồ Chí Minh. Pho tượng có phong cách độc đáo, có tính cách điệu cao từ đường nét đến khối thể, mảng chắc khỏe, nhìn nếp áo vẫn mềm mại, uyển chuyển, nét mặt từ bi, mũi cao, mắt đọng bóng, tai dài, miệng môi dày phần nào liên tưởng đến nét Âu-Á như những pho tượng Hy Lạp - Phật giáo.
Sự điêu luyện ở đây là sự tạo bóng bằng đường nét thẳng khoẻ, đơn giản hiên đại diễn đạt biểu cảm tâm linh của nghệ sỹ Việt Nam. Khác hẳn tượng phật Dahasu ở Kamakura Nhật Bản và những tượng Phật của Trung Quốc, Ấn Độ, Tích Lan.
2. Chân dung thiếu nữ:
Trước đây anh để tên Mẹ Việt Nam bằng xi măng trắng cao 2.8m ở Tp HCM. Bằng hình tượng một phụ nữ trẻ đẹp, duyên dáng, mộc mạc như một cô gái nam bộ miệt vườn xinh xắn, tạo khối mảng chắc khoẻ, mắt to mũi miệng nếp tóc mềm mại, cổ cao. Tước khi có trọng bệnh tác giả có nhã ý tặng cho Huế.
3. Chân dung cụ Phan Thanh Giản (1971-/972):
Cao khoảng 4.5m tạo hình một chân dung với vòng đai tròn phù điêu như hào quang, tác giả diễn tả tâm lý nhân vật bi hùng bất khuất, trầm cảm đầy khí tiết của một vị quan nhà Nguyễn uất ức vì Pháp chiếm Lục Tỉnh Nam bộ, biểu hiện nhíu mày và râu dài. Tác phẩm này tôi không biết ở đâu. Thời điểm này tôi thấy trong xưởng còn có một số chân dung các danh nhân, nghĩa quân bất khuất chống Pháp...
Trước ngày 30/4 anh đang trưng bày tại thương xá Eđen nay là đường Trần Phú mấy phòng cụm tượng đài Hùng Vương dựng nước, nhiều mô hình tượng, những bức vẽ phác hoạ, đặc biệt mô hình hai bàn chân giao chỉ giao nhau làm thành một cổng chào đồ sộ với phù điêu diễn tả nội dung. Đây là nhóm tượng đài do Viện đại học cộng đồng Duyên Hải Nha Trang đặt hàng, anh sẽ thực hiện. Tôi có cung cấp cho anh nhiều tài liệu thời đại đồ đồng, văn hoá Hùng Vương để anh phác thảo (rất tiếc nay đã thất lạc).
4. Chân dung Quan Thế Âm:
Chất liệu đồng, cao 1.6m, đặt ở trung tâm Liễu quán Huế. Đây là tác phẩm bằng đồng đầu tiên của Nhơn do các bác nghệ nhân tạo thành, đúc rất điêu luyện theo kỹ thuật ở Phường Đúc truyền thống Huế. Tượng diễn tả Phật Bà Quan Âm bằng hình tượng điển hình như một nhân vật phụ nữ hiền từ, gợi tả nét từ bi biểu hiện trên khuôn mặt. Mũ quan âm thể hiện như tóc của nữ hoàng Ai Cập.
5. Chân dung Phan Bội Châu (1974-1975):
Cao 450 x 350 x 250cm, bằng đồng hiện đặt tại nhà thờ cụ Phan ở Bến Ngự Huế.
Lê Thành Nhơn có nguyện vọng thể hiện những tác phẩm của mình bằng đồng, một chất liệu vĩnh cửu, quý, với kỹ thuật đúc đồng điêu luyện, chuyên nghiệp nhất Việt Nam theo phương pháp thủ công truyền thống đạt hiệu quả thẩm mỹ cao và về Huế anh đã đạt được nguyện vọng đó. Theo tôi nghĩ Nhơn rất tâm đắc với tuyệt tác này. Tác phẩm này tác giả đã miêu tả được chiều sâu thần thái của một sĩ khí yêu nước biểu hiện trên nét mặt, trán uyên bác, chòm râu dài của một nhà chí sĩ thông thái, thâm sâu Nho học. ở nét nhíu lông mày đôi mắt quắc lên sáng ngời đầy khí tiết của một sĩ phu luôn luôn vì dân vì nước nhưng chưa toại nguyện sự nghiệp giải phóng độc lập dân tộc khỏi ách xiềng xích của thực dân Pháp. Hai mảng phù điêu hai bên mà ý đồ tác giả muốn biểu đạt 2 giai đoạn, mảng bên trái trong bóng tối tức là sự tù đày áp bức xiềng xích nô lệ bị sự thống trị ngoại xâm, mảng bên phải tác giả muốn biểu đạt những ước vọng hoà bình hạnh phúc ấm no trong độc lập dân tộc nhưng rất tiếc, ước mơ đó không được toại nguyện và cụ Phan trở thành ông già Bến Ngự bị quản thúc.
Với kỹ thuật tay nghề điêu luyện tài ba, lao động sáng tạo nghệ thuật có phương pháp một cách chững chạc nghiêm túc ròng rã suốt một năm trời không mệt mỏi, suốt mùa đông lạnh buốt lẫn mùa hè nóng bức dưới một láng trại cao rộng như một công trường thủ công thời cổ đại Ai Cập với bao thợ thầy và sinh viên giúp việc bên cạnh gốc cổ thụ tại trường Cao Đẳng Mỹ thuật Huế; với cây trường kiếm thần kỳ dài hơn một mét là dụng cụ thay thế bay, dao của các nhà điêu khắc anh vạch mảng hình cắt gọt, miết mài, nhấn nhá, sâu nông tạo bóng của một tác phẩm ngoài trời cần khí âm dương. Như một hiệp sĩ với đường kiếm bay bướm diệu kỳ thỉnh thoảng tác giả đứng xa vừa tầm nhìn tổng quan sâu lắng suy tư những ý đồ để biểu đạt độc đáo chiều sâu tư tưởng của tác phẩm, thật sự là một quá trình lao động trí óc, chân tay và cái tâm của người nghệ sĩ lớn, như tôi thường gọi anh là Michellangelo-Nhơn. Anh thường có thói quen thích yên tĩnh để làm việc từ 5 giờ chiều đến suốt đêm.
Thỉnh thoảng chúng tôi có những buổi hội ngộ văn nghệ ca nhạc gặp mặt thân mật bạn bè tri kỷ giải trí vui chơi ca hát động viên nhà nghệ sĩ lớn bên lửa trại, nướng chiên gà, quay lợn sữa nhấm nháp whisky chống gậy (sở thích của Sơn) hoặc nốc chừng chục két bia Con Hổ thâu đêm suốt sáng quên lãng sự giá buốt của đêm đông và sự mệt nhọc vất vả của Nhơn.
Với đôi mắt lim dim mỉm cười duyên dáng của nhạc sĩ thiên tài Trịnh Công Sơn cùng cây đàn ghi ta tấu lên những ca khúc của Sơn với giai điệu êm đềm sâu lắng, thỉnh thoảng có giọng ca mê hồn của Khánh Ly, giọng trầm hùng đầy chất sử thi huyền thoại của Bửu Ý trầm mặc, một học giả, nhà mỹ học say đắm tác phẩm. Nhà mạnh thường quân kỹ sư Hồ Đăng Lễ và chị Dạ Thảo phụ hoạ phấn khởi lịch thiệp mời rượu bạn bè cùng Đinh Cường, Tôn Thất Văn vui nhộn phụ hoạ thơ ca, Đặng Ngọc Vịnh vui tươi đi đi lại lại, Phạm Nhuận hào hoa phong nhã đôn đốc đồ đệ nướng chóng chín lợn sữa, gà quay cho các thực khách. Bác Phạm Đăng Trí nghiêm nghị ngậm ống píp phì phà khói, gạt gù khen ngợi Nhơn, Đỗ Kỳ Hoàng, Hồ Hoàng Đài, Lê Hữu Nguyên đồng tham dự.
Trần Viết Ngạc nhà sử học hùng biện luôn luôn muốn góp ý kiến ý đồ tư tưởng để tác giả diễn đạt. Tôi đạo diễn bước vòng quanh đôn đốc vui nhộn thật là một không khí nhân văn trữ tình lạc quan yêu đời. Ngoài ra còn có rất đông bạn bè, văn nghệ sĩ, các giáo sư trí thức yêu nghệ thuật và một số sinh viên do đó tác giả không bao giờ quên những kỷ niệm đẹp trong cuộc sống của giới văn nghệ.
Nghệ thuật điêu khắc và hội hoạ của Lê Thành Nhơn mang tính nhân văn triết lý sâu sắc, tổng hợp nhiều luồng, tư tưởng phương Đông tiềm ẩn trong tâm hồn của anh, như vũ trụ quan, ngũ hành của Nho giáo. Chất thiền từ bi bác ái thể hiện trên những tác phẩm kết hợp chất lãng mạn yêu đời, yêu vẻ đẹp con người và thiên nhiên. Một con người đã đạt được chất "đạo" của Lão Tử quả là sự siêu phàm của một nghệ sỹ. Tác phẩm của anh rất hiện đại, phù hợp với gôut thẩm mỹ quốc tế, hình thức biểu đạt của anh có tính chất hoành tráng, bộc lộ tâm tư cá tính nội lực mãnh liệt của Nhơn. Nghệ sỹ Lê Thành Nhơn thật sự là một nhân tài của đất nước và nhân loại. Nếu anh còn sống chắc anh sẽ sáng tạo nhiều tác phẩm bất hủ tuyệt vời hơn nữa. (2)
Huế, ngày 11 tháng 11 năm 2002.
Vô cùng thương nhớ Nhơn
Chú thích:
1. Tòa soạn lược bỏ phần nói về sự nghiệp của Lê Thành Nhơn tại Úc sau năm 1975 vì đã có một số tác giả khác tại Úc viết rồi.
2. Đây là bài phát biểu của Vĩnh Phối (nguyên giám đốc trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế trước 1975) tại cuộc tọa đàm tưởng niệm Nghệ Sĩ Lê Thành Nhơn, ngày 16 tháng 11 năm 2002, tại Trường Đại Học Mỹ Thuật Huế. Tòa soạn lược bỏ một số đoạn để tránh bị trùng lặp với các bài viết khác trong số báo này.
- Sự Nghiệp Lê Thành Nhơn Vĩnh Phối Nhận định