|
Nhật Ngân(24.11.1942 - 21.1.2012) | Phan Nhự Thức(4.2.1942 - 21.1.1996) | Trương Đình Quế(.0.1939 - 21.1.2016) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Họa sĩ Khánh Trường
Tôi từng gặp họa sĩ Khánh Tường hai lần. Lần đầu trong một buổi gặp mặt thân hữu năm 1990 ở California. Lần sau, năm 1992, cũng trong lúc có đông đảo các bạn khác ở Canada. Từ đó đến nay chưa gặp lại. Chỉ đôi ba lần liên lạc với nhau, một cách vội vã ngắn gọn, qua điện thoại và thư từ.
Nói rõ ra, ông Khánh Trường và tôi không biết nhau nhiều, không “thân”, không “đi lại”. Ấy mà chúng tôi cùng chia sẻ đôi điều hiếm hoi: chúng tôi là những người cầm cọ vẽ mà chúng tôi cũng là những người yêu cầm bút viết. Ông Khánh Trường thua tôi về tuổi tác nhưng hơn tôi ở chỗ ngoài vẽ và viết còn có sức gồng mình vất vả mấy năm nay với nghiệp làm báo. Càng vất vả vì báo của ông lại là báo văn học nghệ thuật.
Họa phẩm Khánh Trường, tôi chỉ được biết qua năm ba bức tranh in lại. Nhưng tôi nghĩ rằng ông say mê hội họa hết mình vì một bài viết của chính ông, Bức Tranh Không Bao Giờ Vẽ (Hợp Lưu số 10, tháng 4 & 5, năm 1993), bài viết ông tặng họa sĩ Rừng. Đọc bài viết đó thấy rõ ông Khánh Trường thật lòng yêu hội họa. Tôi nói vậy vì tôi biết có khá nhiều người tuy rằng tiếng gọi là họa sĩ nhưng chẳng thấy thiết tha cho lắm với hội họa. Thường xuyên cầm cọ, sử dụng màu sắc, sản xuất những cái gọi là họa phẩm, không nhất thiết là có một tấm lòng yêu hội họa mãnh liệt và sâu xa.
Đọc bài đó cũng thấy rõ ông Khánh Trường có nhiều khổ tâm về hội họa. Ông bứt rứt băn khoăn về cái vẽ. Ông vất vả tìm tòi.
“Mấy mươi năm, đã vài trăm bức tranh được vẽ, đã gấp đôi gấp ba số tranh ấy là những phác thảo, về đủ mọi đề tài (…) Vẽ một góc phố hoang tịch trong màu chiều với các chi tiết đặc thù như thế nào khó khăn gì, nhất là đề tài tứng bám rễ trong đầu suốt thời gian dài, đến thuộc lòng, đến có thể đưa lên khung bố từng nhát màu, ở từng vị trí mà không cần nhiều đắn đo cân nhắc. Những cái chưa vẽ, hoặc sẽ không bao giờ vẽ, sẽ mãi mãi là nỗi ám ảnh triền miên trong đầu của mỗi họa sĩ. Nó là phần sâu kín nằm dưới đáy tiềm thức dù đã được biểu hiện cụ thể qua vài hình ảnh nào đó”.
Nổi bật trong bài viết của Khánh Trường là ý niệm của ông về người họa sĩ chiêm nghiệm, tìm tòi, tiến dần về cái thấy của mình, nhưng rồi tìm mãi, đi mãi, nghĩa là trầy vi tróc vảy mãi,
rốt cuộc, bức tranh chưa vẽ hoặc sẽ không bao giờ vẽ mãi mãi là niềm khát vọng khôn nguôi. Và bởi mang lấy nghiệp vào thân, hắn không ngừng tìm cách lấp đầy khát vọng đó bằng hành động đày ải chính mình, giữa một vòng tròn khép: vẽ, tìm kiếm – tìm kiếm, vẽ – vẽ, tìm kiếm. Cứ thế, từ buổi đầu chập chững “vọc sơn” cho đến lúc tay run mắt mờ, hắn không thể không nhận ra sự thật buồn bã này: Những cái hắn vẽ chỉ là những bản nháp, những phác thảo cho một tác phẩm nào đó của tương lai.”
Tranh của họa sĩ Khánh Trường
Đến đây, phải nói là tôi “có vấn đề” với ông Khánh Trường. Trong một bài viết trước đây ba năm, tôi có ví cái công việc sáng tạo với quá trình… thụ thai và sinh nở của người nữ. Bây giờ hãy nói thêm: không phải cứ phận làm mẹ mang nặng đẻ đau thì rồi đâu vào đó, mẹ tròn con vuông, vui vẻ cả nhà. Sáng tác gia, biết bao người mang nặng đẻ đau nhưng không phải ai cũng được may mắn suông sẻ. Đẻ non, đẻ ngược, đẻ con tật nguyền, đẻ con tử sản. Có khi con không hề hấn gì thì mẹ lại vượt cạn muôn trùng hiểm nguy: băng huyết, hậu sản, tử vong v.v… Ông KT “không ngừng tìm cách lấp đầy khát vọng” sanh đứa con lý tưởng (vẽ bức tranh chưa vẽ) “bằng hành động đày ải chính mình giữa một vòng tròn khép”.
Tôi thương ông vất vả như tôi thương tất cả những ai đeo đuổi công việc sáng tác từng nếm mùi cay đắng, thất bại, khổ đau. Nhưng tôi cũng “có vấn đề” với ông vì tôi nghĩ rằng chính ông là người đang làm khổ lấy mình. Tôi không đề nghị ông chấm dứt công việc bất tận “vẽ, tìm kiếm – tìm kiếm, vẽ – vẽ, tìm kiếm”. Tôi chỉ muốn nói về một cái nhìn khác.
Tôi sinh trưởng ở cố đô Huế. Chế ngự kho tàng hình ảnh trong trí nhớ thời niên thiếu là thành quách đền đài, chùa chiền miếu mạo. Nhớ về quê hương là nhớ về những cảnh tượng hùng vĩ thâm u, là nhớ đến cái không khí đoan nghiêm cẩn mật. Từ cửa Ngọ Môn sừng sững uy nghi cho đến ngôi miếu nát trong khu vườn hoang lạnh. Từ chùa Thiên Mụ trên đồi cao hoang tĩnh cho đến những cái “trang” nhỏ nằm rải rác chốn bụi bờ. Ấn tượng sâu đậm của một thế giới với nhiều màu sắc vốn rực rỡ nhưng đã phai nhòa, những bài biện huê dạng nhưng đổ nát. Quá khứ có mặt ở đây, hương sắc mà điêu tàn, cao sang mà áo não. Có lẽ vì thế mà ở tuổi mưới bốn mưới lăm tôi đã yêu mê mệt câu thơ Huy Cận: Trên thành son nhạt. - Chiều tê cúi đầu...
Cái “thành son nhạt” kia không phải chỉ là bóng dáng rơi rớt của chốn thần kinh, nơi chôn rau cắt rốn của bản thân tôi. Xa cách quê hương từng lục địa, từng đại dương, người họa sĩ trẻ mấy chục năm về trước đã lắm lúc, cọ vẽ trong tay, thả hồn về thành Qui Nhơn, trấn Gia Định, về năm cửa ô Hà Nội, những nơi chốn chưa bao giờ thấy tận mắt. Cũng như mấy chục năm sau ở Paris, một Trần Vũ tưởng tượng ra những mái ngói âm dương “phố cổ Hội An”, người họa sĩ trẻ năm xưa đã có lúc hình dung Lạc Long Quân, mắt sáng như sao ngồi cạnh bà Âu Cơ nghiêng nghiêng mặt ngọc… Rồi có khi nghe tiếng hú vang trời, trống đồng dồn dập, khi thì thấy “Non Kỳ quạnh quẽ trăng treo / Bến Phì gió thổi đìu hiu mấy gò”… “Thành son nhạt” uy nghi, lẫm liệt, mà cũng bi thiết, thê lương. “Thành son nhạt” là hình ảnh và sắc màu khai quật từ vô thức cộng đồng, sàng lọc, giũa mài, đẽo gọt, gắn ráp thành hình tượng, hình tượng cá biệt do tâm tư bản thân người nghệ sĩ mà lại biểu hiện sắc thái của cả một giống nòi.
Mấy chục năm trên đường lưu lạc hội họa, tôi đã “đi hoang” khá nhiều. Ở Paris, tôi khoái cái duyên, cái “joie de vivre” của trường phái Paris. Ở New York tôi mê cái ngang tàng, cái bung phá của trường phái New York. Ở San Francisco, tôi chịu cái khúc chiết, cái khoan hòa của trường phái Bay Area. Nhưng ở đâu, đi đâu, tôi cũng nhớ về, khắc khoải nhớ về cái “thành son nhạt” kia. Đúng như KT đã viết trong bài nọ:
“Tóm lại, nghệ thuật trước tiên và mãi mãi là chuyến tàu tốc hành vun vút tiến về tương lai, chạy xuyên qua nhiều cảnh thổ, nhưng luôn luôn được định hướng bởi hai đường ray là mạch ngầm chảy trong cơ thể. Mạch ngầm đó, cũng giống như mọi dòng chảy khác, tất nhiên phải khởi từ một nguồn cội. Đối với chúng ta, nguồn cội kia chẳng phải nơi chốn nào xa lạ: Việt Nam.”
Họa sĩ Võ Đình
Ông KT viết như thế chứ chỉ qua vài họa phẩm của ông in lại thôi cũng dễ dàng thấy được ông không phải là một họa sĩ trong dòng “tình tự dân tộc” và “màu sắc quê hương”, trong nghĩa khai thác những biểu tượng sáo mòn được đám đông ưa chuộng. Ông “đã và còn khổ sở ngày đêm vì khát vọng thành tựu một bức tranh “để đời” vẫn nằm hoài trong dự tính!”. Trong tâm tưởng ông, cái miếu hoang ở cuối “góc phố thoi thóp trong màu chiều nhá nhem” là hình ảnh đọng lại trong tiềm thức của đứa con một “dân tộc luôn triền miên trong chiến tranh, đói nghèo, và thù hận”. Và ông ước ao một ngày vẽ được trọn vẹn nỗi ám ảnh ấy.
Tôi nghĩ rằng nếu bức tranh KT vẽ bây giờ không (hay chưa) biểu hiện những nổi ám ảnh của ông, bởi vì ông chưa “dọn mình” đầy đủ để những ám ảnh ấy có chổ mà thoát thai. Nếu ông đã sẵn sàng mỗi khi cầm cọ chấm màu đưa lên mặt tranh, đương nhiên đó là lúc ông trở về với cái miếu hoang ở góc phố kia. Ông có thể vẽ bất cứ gì (đề tài) nhưng rốt cuộc ông chỉ vẽ những gì trong tâm tưởng (bút pháp). Bức tranh chỉ là một sản phẩm. Chính sự sống của cái vẽ mới là nghệ thuật. Và nghệ thuật thì luân lưu vô cùng. Với điều kiện là người nghệ sĩ chân thành hết mình trong sự sống của cái vẽ.
Đã từ lâu, lâu lắm, chẳng những tôi thôi không vẽ những gì vẫn được gọi là “tình tự dân tộc” và “màu sắc quê hương” mà tôi còn từ bỏ cả hình thể ngoại vật của một không gian ba chiều. Vậy mà mới hôm kia, một vạt màu trong bức tranh gần đây làm cho tôi ngẩn ngơ. Tôi không chủ tâm tạo thành vạt màu đó, vậy mà nó lại hiện ra, và bây giờ nó có mặt cùng tôi. Tôi sực nhớ, và tôi lục tìm được một số Văn Học cũ, có bài của Trần Vũ, trích dẫn một đoạn ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường (số 74, tháng 6 năm 1992):
“Thỉnh thoảng, tôi vẫn còn gặp trong những ngày nắng đem áo ra phơi, một sắc áo cưới của Huế ngày xưa, rất xưa: màu áo điều lục với loại vải vân thưa, màu xanh tràm lộng lên một màu đỏ ở bên trong, tạo thành một màu tím ẩn hiện.
Đọc lại đoạn văn này, tôi càng ngẩn ngơ. Cái “thành son nhạt”, nó ẩn náu lâu nay ở đâu để bây giờ chui vào tranh tôi? bằng cách gì? để bây giờ lại hiện ra dưới “màu xanh tràm lồng lên một màu đỏ ở bên trong, tạo thành một màu tím ẩn hiện"? Ngẩn ngơ hồi lâu rồi tôi tự trả lời là tôi không biết, và tôi cũng chẳng cần biết.
Tranh mộc bản của họa sĩ Võ Đình
Tôi chỉ biết rằng lúc tôi cầm cọ (hay dao, hay… đinh, dạo sau này tôi thường sử dụng một cây đinh lớn, loại dùng đóng máng nước, dài chừng mười lăm phân tây!) tôi sống hết mình, sống trọn vẹn, sống với tất cả ý thức và tâm thức, của chính tôi, sống với sự hiện hữu của những vật vô tri tôi có trong tay. Cứ như thế tôi vẽ, và những gì đã tạo tác nên tôi, những gì đem lại cho tôi hoan lạc và khổ đau, cấu xé và an tịnh, tất cả được thể hiện trùng trùng và phong vũ nội tâm chuyển hóa thành hình tượng. Những hình tượng không sao chép, không mô tả, không khuôn rập, không “Đông”, không “Tây”, không “cổ”, không “kim”, nhưng thật, thật và viên mãn tự thân. Cứ như thế, cái tôi nhỏ nhoi này làm tròn phận sự là chất liệu đã tạo nên dân tộc tôi, hơn thế nữa, tạo nên Con Người, như một khúc xoắn siêu vi DNA đã mang đủ trong mình tất cả bản sắc của một sinh vật toàn diện. Tôi không khát vọng một ngày nọ tôi sẽ vẽ được “bức tranh trong đầu”. Bởi vì ngày nào tôi cũng vẽ nó.
Thay vì, như ông KT, dằn vặt với một nỗi “khát vọng khôn nguôi” vì “bức tranh không bao giờ vẽ”, tôi muốn nói rằng chúng ta, dù muốn dù không, luôn luôn vẽ bức tranh đó mỗi khi cầm cây cọ trong tay và vẽ hết mình. Không phải vẽ “những chi tiết đặc thù” (…) từng bám rễ trong đầu suốt thời gian dài, đến thuộc lòng. Mà là vẽ với tất cả con người của mình, tất cả tâm thức. Chúng ta đọc sách, thấy người xưa “ăn chay nằm đất”, “đốt trầm hương”, vân vân, để chuẩn bị đón nhận những gì cực kỳ trọng đại trong đời. Ngày nay, trước khi huơ tay vẽ lên khung tranh, thiển nghĩ chúng ta cũng nên sửa soạn cho một cuộc lên đường của thân tâm. Có thể bức tranh được vẽ ra không chứa đựng những “chi tiết đặc thù” đã ám ảnh khôn nguôi người họa sĩ. Nhưng nhất định nó không phải là “những bản nháp, những phác thảo cho một tác phẩm nào đó của tương lai”.
Dù muốn dù không, bức tranh được vẽ ra là hiện thân từ một sinh kiếp của “bức tranh trong đầu”. Một hiện thân toàn vẹn. Không phải cho tương lai, mà cho bây giờ. “Tác phẩm nào đó của tương lai” hình thành mỗi lần bàn tay làm công việc vẽ. Từng nét, từng màu, từng hình tượng. Ví như tôi hút không khí vào buồng phổi, tôi thở, là cho bây giờ. Ngày mai, tháng sau, năm sau, tôi còn hiện hữu cũng là nhờ ở hơi thở hôm nay.
Có người hỏi đại danh họa Pháp Edgar Degas (1834 – 1917) khi nào thì biết rằng một bức tranh vẽ xong, Degas trả lời: không bao giờ xong, vẽ hoài rồi đến lúc phải bỏ đi thôi. Degas dùng từ abandonner: từ bỏ, rời bỏ, bỏ bê, bỏ hoang, bỏ phế. Vẽ hoài rồi không tiếp tục nữa, không gọi là hoàn tất, phải dứt ngang, đoạn tuyệt, bỏ.
Nói vậy, chứ ai đã từng biết chiêm ngưỡng tranh Degas đều biết rằng họa phẩm của ông không phải là những công trình thiếu sót, hụt hơi. Nét bút Degas uyển chuyển, sắc bén, chính xác. Màu sắc Degas, nghệ thuật bố trí của Degas dung dị, viên mãn. Vậy sao lại có chuyện coi như chưa vẽ xong, mà lại bỏ, không vẽ tiếp? Giai thoại Degas này đã ám ảnh tôi trong bao năm trời, từ thuở còn ở tuổi hai mươi. Bây giờ thì tôi biết là tại làm sao. Thì ra cái vẽ nó không ở trong bức tranh, trong tấm vải, trong mảnh giấy. Cái vẽ nó nằm trong tâm mình. Khi cái tâm cho là đầy, là đủ, thì cái tranh được coi như hoàn tất. Nghĩa là đến lúc phải ngừng, phải “bỏ”. Thêm nữa là thừa.
Có một cái gì nghe như phi lý ở đây: vẽ một bức tranh đến một lúc nào đó phải biết từ bỏ nó đi? Như thế mới có được "bức tranh vẽ mãi không rồi". Đúng vậy, bởi vì “bức tranh một ngày sẽ vẽ”, hay “bức tranh không bao giờ vẽ” là những ảo ảnh, những bức tranh ma. Chỉ “bức tranh vẽ mãi không rồi” mới là có thật.
Như đã nói ở trên, “tôi không đề nghị ông KT chấm dứt công việc bất tận: vẽ, tìm kiếm – tìm kiếm, vẽ – vẽ, tìm kiếm”. Tôi không đề nghị vì lẽ đương nhiên: Không còn tìm kiếm và làm việc (vẽ) người họa sĩ không còn sống với hội họa nữa. Thủ công, trang trí là những nghệ thuật có giá trị riêng, và đáng yêu đáng kính nếu ở một trình độ cao. Trang trí như cổ Ai Cập, Ấn Độ, thủ công như Ba Tư, Thổ và ngay cả ở Đông Á, thủ công và trang trí truyền thống Nhật - Hoa, đã đạt đến siêu đẳng. Duy có điều mỉa mai: (Vẽ) trang trí ở trình độ cao trở thành hội họa, trong khi hội họa thấp kém chỉ còn là “trang trí”. Hội họa không dẫm chân lên đường mòn mặc dù hai bên đường có nhiều hoa thơm cỏ lạ. Hội họa đi tới và khám phá không ngừng.
Tuy rằng tôi không đề nghị ông KT thôi tìm kiếm, tôi vẫn thắc mắc về chuyện tìm kiếm cái gì, và tìm kiếm thế nào. Lẽ dĩ nhiên đây là thế giới riêng tư của mỗi nghệ sĩ, giống như quan niệm cá nhân về lý tưởng và hạnh phúc. Thế giới riêng tư này, chúng ta chỉ có thể trình bày, biểu lộ. Chúng ta không có quyền và không thể ép buộc người khác có cùng quan điểm và mục tiêu. Điều mà chúng ta có thể nhận định rõ ràng là hoàn cảnh chung, mẫu số chung, của chúng ta. Hoàn cảnh đặc thù của những kẻ cầm cọ có cội nguồn và quá khứ ở Việt Nam, bất luận hiện đang ở trong hay ngoài nước. Hoàn cảnh đó có những sắc thái và điều kiện đặc thù mang tính quyết định về sự chọn lựa hướng đi của chúng ta. Con không chê cha mẹ khó, chó không chê chủ nghèo. Chúng ta không thể, và không muốn, thoát ra khỏi định mệnh đó.
Chúng ta cầm cọ vẽ dưới sức nặng khủng khiếp của năm trăm năm hội họa Tây phương và gấp đôi thời gian đó, hội họa Trung Quốc. Cho nên chúng ta không có cách gì sáng tạo, nói cách khác, cấu tác một hiện hữu khác của chính ta mà không phải là ta, nếu chúng ta không biết rõ chính mình. Tôi muốn nói rằng đó mới thật sự là tìm kiếm. Sự tìm kiếm thông thường – bút pháp, kỹ thuật – chỉ là kết quả của sự tìm kiếm bản thân. Picasso, sinh trưởng ở Tây Ban Nha, sống và vẽ suốt đời ở Pháp, từng nói: “Je ne cherche pas, je trouve”. Ý rằng tôi không tìm kiếm chi cả, tôi tìm được thôi à! Chúng ta không dễ gì nói được câu đó. Chúng ta còn phải tìm kiếm dài dài. Tìm kiếm với tất cả sự kiên nhẫn và an nhiên. Không uất hận. Không thành kiến. Không mặc cảm. Và quan trọng hơn cả, không gian lận. Chúng ta ưa nói rằng nước Việt Nam ta có bốn ngàn năm văn hiến. Nếu trái đất và nhân loại còn hiện hữu bốn ngàn năm nữa, chúng ta còn có những bốn ngàn năm để những thế hệ tương lai tha hồ thẩm định và phê phán sự tìm kiếm của chúng ta.
Cũng ở trong đại gia đình cầm cọ, tôi đọc bài của ông KT và tôi cảm thương, muốn đưa ra một cái nhìn khác. Tôi không nghĩ là khó hiểu nếu cái nhìn này chỉ có giá trị với tôi mà thôi và không giúp ích được gì cho người khác. Không khó hiểu nhưng vẫn là đáng tiếc.
Ở đây không có vấn đề đúng hay sai. Ở đây chỉ có người họa sĩ đối diện với chính mình. Một mình trong phòng vẽ, cách biệt với tất cả, người họa sĩ có thể coi khung vải (hay tờ giấy, tấm gỗ…) trước mặt như một vật thể trong không gian. Có sự chờ đợi và thách đố. Giản dị hơn, anh hay chị ta cũng có thể lặng lẽ coi đó như một tấm gương. Một tấm gương lớn phản chiếu toàn thân.
- Nỗi Băn Khoăn Của Một Người Cầm Bút Võ Đình Tạp luận
- Xem Tranh Võ Đình Khảo luận
- Bức Tranh Vẽ Mãi Không Rồi Võ Đình Khảo luận
- Trường hợp Đỗ Quang Em Võ Đình Khảo luận
- Người Mẫu Võ Đình Truyện ngắn
• Đọc “Cùng nhau đất trời” của Khánh Trường (Song Thao)
• Khánh Trường và Những Tấm Lòng (Nguyên Hòa)
• Khánh Trường, Người Kết Nối Muôn Phương (Trần Thị Nguyệt Mai)
• Phỏng vấn họa sĩ Khánh Trường v/v bộ 44 Năm VHVN Hải Ngoại (Du Tử Lê)
• Khánh Trường, Sức Mạnh Của Im Lặng (Đinh Cường)
• Họa Sĩ Khánh Trường 2015: Nét vẽ Đất Tinh Khiết (Phan Tấn Hải)
• Bức Tranh Vẽ Mãi Không Rồi (Võ Đình)
Đầu Xuân Xem Tranh Thiền Khánh Trường (trietvan.com)
- Họa sĩ Khánh Trường nói về bộ ‘44 Năm Văn Học Việt Nam Hải Ngoại’ (Du Tử Lê)
- Khánh Trường, Những Hò Hẹn Bất Ngờ Với Định Mệnh (Du Tử Lê)
- Văn xuôi Khánh Trường, đau đớn (của tác giả), hạnh phúc (của người đọc) (Du Tử Lê)
- Khánh Trường, 'đáo bỉ ngạn,' hay, một trường hợp rũ sạch, thăng hoa kỳ diệu qua mầu sắc? (Hồ Huấn Cao)
- Họa Sĩ Khánh Trường 2015: Nét Vẽ Đất Tinh Khiết (Phan Tấn Hải)
- Tranh Khánh Trường: nét vẽ chân phương thiền ý (Phan Tấn Hải)
- Tác Giả, Với Chúng Ta – Phỏng vấn Họa sĩ Khánh Trường (Lê Quỳnh Mai)
- Nói chuyện với Nhà văn / Họa sĩ Khánh Trường (Đỗ Lê Anh Đào)
- Họa phẩm trong thơ Khánh Trường (Hà Khánh Quân)
- Hợp Lưu 12 năm, trang tôn kinh huyền hoặc hậu hiện đại (Trần Vũ)
- Đi thăm họa sĩ Khánh Trường và cô giáo cũ (Nguyễn Tài Ngọc)
• Làm Báo Văn Học Ở Hải Ngoại (Khánh Trường)
Khánh Trường, Hợp Lưu và hợp... tuyển
• Họa sĩ Phạm Cung, người luôn ký ngược (Hà Đình Nguyên)
• Đỗ Duy Ngọc và ảnh nghệ thuật đen-trắng (Diễn Đàn Thế Kỷ)
• Phan Nguyên - Mượn Dấu Thời Gian (Song Thao)
• Họa sĩ Victor Tardieu (Huỳnh Hữu Ủy)
• Họa sĩ Hồ Hữu Thủ qua đời (Diễn Đàn Thế Kỷ)
• Họa sĩ Vị Ý với ước nguyện không thành (Việt Dương)
• Nguyễn Trọng Khôi: Huyền ảo cao nguyên đá (Nguyễn Trọng Chức)
• Tưởng niệm Victor Tardieu (Ngô Kim Khôi)
• Nguyễn Trọng Khôi – Đam mê và Sáng tạo (Trương Vũ)
• Khánh Trường và Những Tấm Lòng (Nguyên Hòa)
William Alexander & Họa Phẩm Về Đàng Trong
(Nguyễn Duy Chính)
Họa sĩ và Nhiếp ảnh gia:
Nhiếp ảnh gia:
Nguyễn Cao Đàm, Trần Cao Lĩnh,
Nguyễn Ngọc Hạnh, Hương Kiều Loan
Trường Vẽ Gia Định (truongvegiadinh.blogspot)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |