1. Head_

    Dê Húc Càn

    (1.10.1934 - 21.11.1987)
    Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Từ Trò Chơi Đến Nghệ Thuật Làng Gốm (Huỳnh Viết Tư) Ad-21 Ad-21 (Google - QC3) (Học Xá)

      27-11-2021 | HỘI HỌA

      Từ Trò Chơi Đến Nghệ Thuật Làng Gốm

        HUỲNH VIẾT TƯ
      Share File.php Share File
          

       

      Bọn chúng tôi lũ trẻ trâu nhà quê chính gốc rạ, sinh ra và lớn lên bên bờ hạ lưu sông Thu Bồn. Cái ăn thì đã có sản vật trong vườn, trên đồng, ngoài bãi bồi. Cứ sắn khoai cõng những hạt gạo, rau cỏ quanh vườn, cái lụi, cái nấu canh, cái thì ăn sống... theo kiểu "đói ăn rau, đau uống thuốc". Cá, tôm, hến, ốc dưới sông nước lợ nên thịt rất ngon, cứ rứa mà xúc, mà đánh bắt... Trời cho cũng đắp đổi qua ngày để lớn khôn. Riêng cái chơi thì tự do, thích gì chơi nấy. Học buổi sáng, buổi chiều dẫn trâu, bò ra gò, ra bãi để nó tự đi ăn, cắt cỏ phần ăn tối cho nó xong rồi tổ chức chơi các trò chơi dân gian. Cắt bông lau trắng làm cờ, bắt chước Đinh Bộ Lĩnh ngày xưa, bày trận mạc đánh trận giả, rước vong gọi hồn, trốn tìm, cởi quần áo giặt rồi vắt trên cành cây tra ở bờ sông, ào xuống nước tắm truồng nơi dòng Thu Bồn, thi nhau bơi qua bãi bên kia sông...


      Chơi chán chê lại rủ nhau đi hái trộm bắp, dưa, ổi, mận... Sau khi no cái bụng, muốn đá banh thì tìm lá chuối khô, giấy vụn quấn lại thành trái banh, rủ nhau quần thảo ngoài bãi, trên bến. Muốn chơi diều thì tìm tre vót nan, tìm giấy dán, tìm dây nhợ nối lại cho dài, cuộn vào lon sữa Ông Thọ để xả dây cho diều bay vào bầu trời mơ ước. Cánh diều mềm mại, uyển chuyển khi lên, lúc lượn lờ theo gió. Một thằng đang ngồi trên lưng trâu, ngẫu hứng, lấy ống sáo đang lận lưng ra ung dung thổi, tiếng sáo vi vu trầm bổng, càng làm cho con diều mơ ước tuổi thơ trong mỗi chúng tôi bay lên cao. Khi trời sáng trăng ra bãi thả diều, thấy diều đang lượn lờ, đùa giỡn cùng chú Cuội, còn chúng tôi chờ đợi, hy vọng da diết chị Hằng bước ra khỏi cây đa cho chúng tôi nhìn chút xíu...


      Nhưng nhớ nhất vẫn là trò lấy đất sét ngoài bờ sông, lặn lội đi tìm loại đất sét vàng, dẻo mà kết dính bền, để nắn đủ các loại hình thù ngộ nghĩnh: chén bát, chim chóc, trâu bò, bồng binh để tết nhận lì xì... Cứ rứa, chân tay, người ngợm lấm lem bùn đất mà thích, mà vui.


      Ngày nay cuộc sống càng hiện đại, nhưng vẫn còn một nơi lưu giữ được một làng quê, làng nghề ngày xa xưa ấy. Để khi tìm về tuổi thơ đầy ắp kỷ niệm được ngắm nhìn lại, hiểu thêm về các sản phẩm từ đất sét làm ra gốm của những con người bình dị, gắn bó máu thịt với làng quê, từ đời này qua đời khác. Họ đã trở thành những nghệ nhân điêu luyện, từ đôi bàn tay tác tạo nhiều sản phẩm gắn bó cuộc sống đời thường của người nông dân tay lấm, chân bùn, làm chúng tôi nhớ lại những tràng cười lanh lảnh, giòn tan đầy thích thú ngày xưa, không kìm nén nỗi xúc động khi mình làm xong một sản phẩm, cũng có hỏng, có khi trở thành hình thù quái dị... Đất sét là hồn quê. Xa quê lâu rồi mà lòng vẫn nhớ cái thời ăn ngủ cùng đất sét của làng, nhớ cái nghề gốm truyền thống tổ tiên, ông bà để lại.


      Hội An là một đô thị nhỏ bé nằm trong tầm nhìn, ngửa bàn tay ra vẽ chỉ mấy con đường ngang dọc “Thượng chùa Cầu, hạ Âm Bổn", thêm các ngóc, ngách, hẻm, kiệt... Rứa là xong, là thuộc làu, có đi xa lâu năm cũng nhớ như in trong đầu, thật là kỳ lạ! Phố cổ trầm mặc nhìn xuống dòng sông Hoài, tự soi bóng mình dưới đáy sông, lung linh sắc màu ẩn dụ. Nơi du khách tìm đến bằng tâm hồn hoài cổ. ngơ ngác với những góc phố tường rêu, những mái ngói âm dương nâu sẫm, đã nhuộm màu thời gian, nổi cộm lên lớp lớp rêu phong, cỏ mọc um tùm, hư ảo như lạc bước vào vườn cổ tích...


       

      Phố cổ Hội An (Ảnh: yesvietnam.vn)

      Bao quanh cổ thị, được điểm tô vẻ đẹp tĩnh lặng, dân dã, thanh bình với cảnh vật và dòng Thu Bồn uốn lượn làm nao lòng người, những làng nghề hàng trăm năm tuổi như gốm Thanh Hà, mộc Kim Bồng, rau sống Trà Quế, bắp Cẩm Nam, hoa trái Cẩm Hà, Cẩm Châu, làng chài Cẩm An, An Hội, Cồn Chài...Đường vào làng bình yên bốn mùa đến ngỡ ngàng, với các vườn rau, hàng cau, vườn bắp thẳng hàng, làng hoa cây cảnh đủ sắc màu, mang hương quê dịu êm mà ngào ngạt đến nao lòng trong từng nhà, từng con đường, từng con người, rồi bỡ ngỡ đón những mùa sang. Nằm lẫn trong các mái ngói cũ kỹ mà ẩn nấp bên trong là những con người đang âm thầm, miệt mài đôi tay, dồn cả tâm trí và tâm hồn để thổi vào đất sét, làm nên những sản phẩm - tác phẩm gốm với nét độc đáo về một vùng miền mà địa lý, văn hóa và con người như đã được tạo hóa lập trình sẵn.


      Có lẽ trên từng cung đường, từng góc phố đều gợi lên hình bóng quá khứ phồn thinh mà phố thị cổ Hội An và làng gốm Thanh Hà, xứ Quảng Nam tồn tại ngót năm trăm năm. Ở đó nặng nợ những tấm lòng quê kiểng và sự hoài cổ về những làng nghề đã tạo nên dấu ấn và sự tự hào của con người xứ Quảng Nam.


      Phục sinh một làng gốm cổ


      Tương truyền, vào cuối thế kỷ XV, đầu thế kỷ XVI, những vị tiền hiền các tộc Lê, Phạm, Bùi, Nguyễn Viết, Nguyễn Văn, Nguyễn Đức, Nguyễn Kim, họ là nông dân, thợ thủ công làm gốm, gạch, ngói từ Thanh Hóa, Nghệ An đến ấp Thanh Hà lập làng làm nghề gốm. Từ buổi sơ khai, đồ dùng của đại bộ phận dân cư chủ yếu là đồ gốm, sứ, đất nung. Người dân đã tiếp tục truyền thống ông cha, khai thác địa thế thuận lợi tại chỗ, có nguồn nguyên liệu là loại đất sét tốt để làm gốm và phát triển nghề nghiệp. Làng gốm cổ Thanh Hà hiện nay thuộc khối 5, phường Thanh Hà, phía nam giáp sông Thu Bồn, phía tây giáp xã Điện Phương huyện Điện Bàn, phía bắc giáp sông Lai Nghi - một nhánh rẽ nho nhỏ Thu Bồn, cách trung tâm phố cổ Hội An chừng 3 kilomet.


      Năm 1516, nghề gốm buổi ban đầu sản xuất tại làng Thanh Chiêm - nay là khối phố 6 phường Thanh Hà, sau đó dời lên Nam Diêu tại khối phố 5 phường Thanh Hà. Nam Diêu có nghĩa là lò gốm phía nam. Hiện nay tại Nam Diêu còn miếu thờ tổ làng nghề. Trải qua hàng mấy thế kỷ, làng gốm cổ Thanh Hà đã phát triển mạnh mẽ, cung cấp các sản phẩm gốm phục vụ nhu cầu sinh hoạt và xây dựng, như gạch gói để xây dựng các công trình kiến trúc trong phố cổ Hội An, cho quanh vùng và nhiều nơi khác xa hơn. Sản phẩm làng gốm cổ Thanh Hà đã được ghi danh trong phần thổ sản Quảng Nam ở sách Đại Nam nhất thống chí do Quốc sử quán Triều Nguyên xuất bản cách đây hơn một trăm năm.


      Nghề gốm sứ đã trở thành một trong những nghề truyền thống tại Hội An, một trong những yếu tố quan trọng góp phần làm Hội An nổi tiếng. Các tài liệu và hiện vật khảo cổ đã cho thấy cách đây hàng ngàn năm, nghề thủ công sản xuất công cụ bằng gốm đã phát triển trong đời sống dân cư bản địa, lúc bấy giờ là dân tộc Chămpa. Người dân làng gốm cổ Thanh Hà tiếp tục công việc người xưa đã làm, suy nghĩ, tiếp biến và phát triển hơn trong nhiều thế kỷ trước. Nếu miền Bắc Việt Nam tự hào với gốm Phù Lãng, Bát Tràng thì Thanh Hà- một trong các làng gốm cổ nhất Việt Nam, chính là niềm kiêu hãnh của người dân xứ Quảng Nam, nổi tiếng với những sản phẩm gồm đất nung, sau này đã phát triển rộng khắp các nơi,


       

      Những chiếc bình, ấm hoa văn tinh xảo (Ảnh: vinpearl.com)

      Trong hai thế kỷ XVII và XVIII, các sản phẩm gốm của làng Thanh Hà đã tạo được uy tín trên thị trường, trở thành một trong những mặt hàng chủ yếu cung cấp cho các thương gia khắp nơi đến giao thương tại cảng thị Hội An. Đặc biệt Thanh Hà chính là nơi sản xuất và cung cấp gạch, ngói lợp cho các ngôi nhà cổ, khi Hội An trở thành cảng thị quốc tế cách nay hàng trăm năm mà chất liệu vẫn trơ gan cùng năm tháng.


      Hiện nay trong làng gốm, nhà nào cũng có một không gian gốm. Không gian gốm được trưng bày từ trong nhà ra ngoài sân, dọc theo các lối đi. Trừ những tháng Mười, tháng Mười Một âm lịch hàng năm, thường hay có lụt, làng gốm phải tắt lửa lò, thời gian còn lại, người thợ gốm vẫn miệt mài sản xuất. Khi đến đây du khách thỏa sức lựa chọn, tha hồ chiêm ngưỡng các sản phẩm dùng trong đời sống hàng ngày như nồi, niêu, chum, vại, vật liệu làm nhà kỷ vật lưu niệm, các tiểu cảnh để trang trí trong nhà, ngoài vườn, làm tăng vẻ đẹp và duyên dáng cho không gian kiến trúc. Những vật dụng trang trí nhỏ hơn như bình hoa, chậu cảnh, tò he, lồng đèn, những chiếc lọ hoa nhiều kiểu xinh xắn, những bình trà, bình rượu, những chiếc ấm, bồng binh, những chum, lu, hũ, cá và cả những con vật thân thương, gần gũi với con người như trâu, bò, mèo, chó...


      Nghệ nhân cao tuổi trong làng hiện nay là bà Nguyễn Thị Được đã sống vắt qua hai thế kỷ. Bà Được làm nghề khi mơi 13 tuổi, nói ít, làm nhiều và say mê với nghề nghiệp, bà đã truyền nghề cho nhiều thế hệ ở cái làng này. Từ đôi bàn tay khéo léo và điêu luyện, người làng gốm cổ đã cho ra đời những sản phẩm được ưa chuộng, Gốm Thanh Hà chủ yếu là gốm sành nâu, thỉnh thoảng có gốm tráng men. Sản phẩm phong phú, đa dạng: hũ sáu, hũ năm, hũ tư, hẹp miệng, rộng miệng, con chỏi, báo bầu, các loại chậu, xuốt bài ròi - một vật dụng dùng uống nước...  . nhiều sản phẩm nhỏ xinh như bình vội ăn trầu, chân đèn, tò he, tu huýt, ngói âm dương, ngói vẩy cá...


      Nhiều thế kỷ trôi qua, nghề làm gốm và gạch ngói Thanh Hà nổi tiếng không chỉ ở xứ Quảng mà còn lan rộng ra khắp nơi.Trong sách Phủ biên tạp lục, học giả Lê Quý Đôn đã đề cập đến gốm “Cochi" tức Giao Chỉ, được người nướcngoài rất ưa chuộng có gốm Thanh Hà. Kể từ thế kỷ XVII, công việc xây dựng đô thị cổ Hội An đã phát sinh thêm nghề làm gạch, ngói rất thịnh hành ở Thanh Hà. Khi nhà Nguyễn - chọn Phú Xuân - Huế làm kinh đô, nhiều nghệ nhân làng gốm Thanh Hà được gọi mời ra Huế, sung vào đội thợ lành nghề để xây dựng cố cung. Có những người được phong hàm Chánh ca, Bát luyện, thịnh vượng nhất là ở thế kỷ XVII - XVIII.


      Cùng nhịp với sự phát triển cảng thị Hội An,  người làm nghề gốm Thanh Hà chuyên chở hàng hóa từ vùng quê này đi khắp đó đây. Nồi, ấm, trã, cối nhỏ, khạp, chum, vại...là những vật dụng quen thuộc được sản xuất từ những vạt đất sét dọc bờ Thu Bồn. Ngói cong “âm dương”, gạch đỏ cung cấp cho các ngôi nhà cổ Hội An và khu vực lân cận.


       

      Gốm Thanh Hà mang màu nâu đỏ đặc trưng của phù sa sông Thu Bồn (ảnh: vntrip.vn)

      Đồ gốm Thanh Hà đặc biệt, bởi được làm từ loại đất sét màu nâu, dẻo và có độ kết dính cao. Đất sét được bồi đắp, đã được chọn lọc tự nhiên và hinh thành từ sông Thu Bồn là nguyên liệu làm ra các sản phẩm gốm Thanh Hà. Khi đến phố cổ Hội An, người ta thấy màu chủ đạo là nâu, vàng, đỏ thẫm. Màu gạch nâu xây tường, màu mái ngói đỏ thẫm được làm từ làng gốm hòa quyện, trộn lẫn với màu gỗ tự nhiên, tạo nên một phong màu đặc trưng, hài hòa cho các ngôi nhà cổ, chùa chiền, đình làng, nhà thờ, cổng tam quan...


      Trải qua bao biến đổi, bãi bồi đã hóa thành cồn dâu, làng gốm Thanh Hà cũng thăng trầm khốc liệt. Nhưng rồi cái nghề đi đôi với cái nghiệp, những nghệ nhân và cả con cháu của họ nhiều lớp người kế tục nhau, đã gắn bó cả cuộc đời với đất sét và lửa nung như một cái nghiệp.Họ đã rất vất vả, vượt qua gian khó, có lúc tưởng chừng bó tay vì thị trường đã thay đổi, để giữ lại cái nghề gốm cổ truyền thống, khi mà các vật dụng kim loại chiếm ưu thế trong đời sống con người. Họ chỉ còn biết đợi chờ ngày “phục sinh”, lúc thời thế đổi thay.


      Rồi cái ngày chờ mong ấy đã đến, khi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (United Nations Educational Scientific and Cultural Organization - UNESCO) công nhận đô thị cổ Hội An là “Di sản văn hóa thế giới”, làng gốm cổ Thanh Hà trở thành điểm đến thu hút du khách trong và ngoài nước. Người làng gốm như bừng tỉnh sau mùa đông mưa gió u ám, các sản phẩm mỹ nghệ được bổ sung, làm phong phú cho làng nghề, đáp ứng thị hiếu và nhu cầu của khách hàng như ngói lợp các loại, mặt nạ gốm, phù điêu, gạt tàn, tò he, lồng đèn đất nung, các vật trang trí cho cỗng ngõ, hàng rào, nhà vườn, cho những hòn giả sơn, các vật kỷ niệm khác đang thịnh hành...


      Quy trình biến cục đất sét không hồn thành những sản phẩm có hồn


      Từ những ngày đầu, để tạo nên một sản phẩm gốm rất vất vả. Không thể kể về thời gian của quá trình làm nên một sản phẩm hoàn thiện như hiện nay, biết bao nhiêu sản phẩm đã méo mó, bị cháy sém, bị nứt nẻ do biến dạng, do giãn nở không đều... Đến nay quy trình làm ra một sản phẩm gốm Thanh Hà đã hình thành ổn định. Một sản phẩm đạt yêu cầu chủ yếu nhờ vào: nhất liệu, nhì nung, tam hình, tứ trí.


      Liệu: đầu tiên là chọn mẫu đất sét để khai thác, tinh lọc, đem về xử lý, loại bỏ các tạp chất, rồi ủ để giữ độ ẩm. Trước khi tạo ra sản phẩm phải nhồi, đánh cho đất chín rồi mới nặn. Có những sản phẩm tinh xảo, đòi hỏi đất phải rất mịn thì phải công phu hơn, lọc đất 2 - 3 lần để loại bỏ tạp chất. Khi đất đã được luyện kỹ, chia thành từng phần mới bắt đầu tạo dáng. Muốn tạo dáng trước tiên phải chuốt. Khi chuốt phải có hai người, thường do phụ nữ đảm nhận nhờ tính kiên nhẫn, cẩn thận, dịu dàng. Một người đứng một chân còn chân kia đạp bàn xoay, hai tay cùng lúc làm con đất. Người còn lại, là kỹ thuật chính, lấy con đất đặt lên bàn xoay, cuốn thành hình sâu kèn rồi dùng cái sò, vòng, giẻ thấm nước để tạo dáng sản phẩm.


      Khi đã tạo dáng xong đem ra ngoài nắng phơi. Phơi gốm se lai xong, một người sẽ dập hoa văn hay trang trí tuy theo loại sản phẩm. Đối với sản phẩm có đáy bầu, sau khi phơi se lại, được đưa vào bàn xoay lần thứ hai đem úp ngược lại, rồi dùng một dụng cụ uốn cong thành cái vòng tròn để làm cữ như là thước so. Khi tạo dáng sản phẩm dùng cái cữ đó để so, cho đến khi sản phẩm tròn như cái cữ mới thôi. Sau đó chọn lựa, kiểm tra sơ bộ sản phẩm có bị nứt hay lỗi trước khi đưa gốm vào lò nung.

       

      Nung: sau khi nặn thành sản phẩm, phải phơi nắng một ngày rồi cắt gọt, làm nguội để tạo ra những hoa văn, hoạ tiết mới, đưa vào lò nung trong vòng mươi bốn giờ, canh củi lửa - theo dõi nhiệt độ bằng mắt theo kinh nghiệm cho vừa, tránh sơ suất, khi “cái sẩy nảy cái ung", dù chỉ một lúc cũng khiến cả mẻ hỏng. Nên phải xem khói trong lò đã bay hết chưa mới bắt đầu tăng nhiệt, nhìn bằng mắt của người thợ có kinh nghiệm cho đến độ thì nghỉ lửa. Nếu tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn, sản phẩm khi ra lò sẽ có màu đặc trưng của gốm Thanh Hà. Người thợ dùng "gốm thăm” đưa vào trong lò kéo sản phẩm ra để thử. Nếu đạt yêu cầu thì nghỉ lửa, phá cửa lò cho rộng ra nhưng vẫn để sản phẩm nguyên trong lò cho nguội dần dần, khoảng mười hai giờ sau cho ra lò hẳn, tiếp tục khâu trang trí thành thành phẩm.



      Bàn tay tài hoa của người nghệ nhân làng gốm Thanh Hà (ảnh: vntrip.vn)

      Tạo hình dáng cho sản phẩm: từ khâu làm đất, đất sét được đưa lên bàn xoay để tạo hình dáng sản phẩm gọi là khâu “chuốt” gốm. Qua đôi bàn tay nhào nặn đến khi thành sản phẩm gốm đều phải tỉ mẩn, công phu. Đây là khâu khó nhất của quy trình làm gốm, nên chỉ người thợ có tay nghề, có khả năng mới đảm nhiệm. Người thợ Thanh Hà luôn khéo léo, sáng tạo, có lòng yêu nghề, tập trung tinh thần vào từng hòn đất sét để sáng tạo nên những sản phẩm mang dấu ấn cá nhân. Hoa văn được thể hiện trên các sản phẩm gốm rất đa dạng và phong phú, những chủ đề thường gắn với thiên nhiên và đời sống con người, như mây trời, sông, suối, núi, rừng, chim thú... Các họa tiết hoa văn không phức tạp mà khiêm nhường, bình dị tạo nên nét riêng cho gốm Thanh Hà.


      Trang trí: kỹ thuật pha chế men, màu, nghệ thuật vẽ trang trí trên sản phẩm làm cho màu sắc sản phẩm phong phú và đa dạng. Phơi gốm se lại mới dập hoa văn trang trí, đối với sản phẩm có đáy bầu, sau khi phơi se lại thì được đưa vào bàn xoay lần thứ hai úp ngược lại rồi tạo dáng. Sau này, để phù hợp với nhu cầu và gu thẩm mỹ của khách hàng, người làng gốm du nhập thêm kỹ thuật pha chế của người Trung Hoa:


      Trường phái Quảng Đông: sử dụng men có nhiều màu sắc, hoa văn trang trí đẹp, cách điệu và trang nhã. Sản phẩm gồm các loại tượng, chậu, đôn...


      Trường phái Triều Châu: sử dụng men màu xanh trắng có nét vẽ đa dạng, phong phú, hoa văn bình dị như phong cảnh tự nhiên, cây thú...


      Trường phái Phúc Kiến: sử dụng men màu nâu đen, da lươn, hoa văn trang trí đơn giản, tạo hình đa dạng... Sản phẩm tiêu biểu là đồ dùng hằng ngày như chén, bát, lu, vại, chậu, hũ, chum, bình hoa, chậu cảnh, hình thù các con giống... với nhiều kiểu dáng đa dạng và phong phú về màu sắc.


      Làng gốm Thanh Hà trở thành một bảo tàng sống, một nguồn tư liệu quý giá cho các nhà khoa học nghiên cứu tìm hiểu về nghề gốm cổ truyền Việt Nam và vùng Đông Nam Á. Du khách được chứng kiến quá trình sáng tạo ra những sản phẩm mà các nghệ nhân tài hoa và khéo léo đã biến cục đất sét vô hồn thành những sản phẩm - tác phẩm yêu thích, được tự tay sáng tác, làm ra các sản phẩm theo trí tưởng tượng riêng mình, mua được những sản phẩm lưu niệm từ chính nơi sản xuất, chính mình làm ra, trong hành trình về với Di sản văn hóa Thế giới - Hội An. Hiện nay nhà nước Việt Nam đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm gốm Thanh Hà. Từ đây, làng nghề có chính danh với thương hiệu của mình, phân biệt các sản phẩm làm nhái trên thị trường, có đà vươn xa khắc nơi.


      Các làng sản xuất hiện nay nằm trong vùng dân cư, các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường, do khói nung gốm bằng đốt củi theo kiểu sản xuất thủ công truyền thống. Nên việc đầu tư các lò gốm kỹ thuật cao, với trang thiết bị hiện đại là cần thiết, cải tiến quy trình kỹ thuật sản xuất cho các công đoạn bằng lò nung điện, ga, sử dụng mô tơ thay vì phải quay tay, bơm phun để sơn màu, tạo mẫu.... cần được chú trọng để khỏi ảnh hưởng đến môi trường, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả, biến sản phẩm - tác phẩm thành thương phẩm dịch vụ, để đời sống người làng nghề được cải thiện hơn nữa.


      Làng gốm cổ Thanh Hà còn tuân thủ các quy trình sản xuất gốm truyền thống không khuôn mẫu tạo hình, không tráng men hay sử dụng hóa chất... tất cả chỉ dựa vào bàn tay khéo léo người thợ. Mỗi nghệ nhân một tính cách, tính tình, tạo ra một phong cách khác nhau, họ mặc sức thổi hồn vào đất, tạo nên nét riêng biệt trong các sản phẩm gốm. Khi đến với làng, người ta như tìm được một kho tư liệu sống, bởi sản phẩm được chắt lọc từ tình yêu quê hương đất me, từ cảm xúc cá nhân và bàn tay tài hoa người thợ. Từ đây sản phẩm đã có mặt khắp nọi, góp phần phát triển kinh tế địa phương, quảng bá hình ảnh du lịch Hội An và văn hóa xứ Quảng Nam. Khi ngắm nhìn những bức tranh bằng đất sét được các nghệ nhân làng gốm cố Thanh Hà làm thủ công, du khách bỗng nhiên dâng lên niềm cảm xúc, như chìm đắm trong không gian cũ xưa cách nay hàng thế kỷ.


      Lễ hội và bảo tồn nhiều giá trị văn hoá truyền thống


      Hằng năm vào ngày mồng Mười tháng Bảy âm lịch, tại khu miếu Tổ nghề gốm Nam Diêu, người dân làng gốm Thanh Hà trang trọng tổ chức lễ giỗ tổ nghề, nhằm tri ân công đức tổ tiên đã gầy dựng, truyền nghề cho con cháu. Đây cũng là dịp để quảng bá hình ảnh du lịch Hội An, người dân, du khách có dịp tham gia và tham quan di tích miếuNam Diêu, đình Xuân Mỹ. Phân lễ, vẫn được bảo tồn hàng trăm năm qua, là hoạt động văn hóa tinh thần của cộng đồng cư dân làng Thanh Hà, vẫn luôn diễn ra sôi nổi, mang màu sắc đậm tính dân gian, với nhiều nghi thức cổ truyền, được chính các nghệ nhân, người thợ gốm và nhân dân trong làng thực hiện.


      Ngay từ sáng sớm, phần lễ chính là lễ Tổ, đoàn rước thần chủ đã diễn hành qua khắp các ngả đường làng. Đội hình lân, sư tử, dàn bát âm, nghi trượng, kiệu thần chủ, kiệu lư hương bằng gốm cùng hơn một trăm nam phụ lão ấu đi từ miếu Nam Diêu về đình Thanh Chiêểm, nơi được cư dân thờ tự để tế lễ, tôn vinh và ngưỡng vọng công đức các vị tổ nghề. Ban cổ lễ do các bộ lão chủ trì, điều hành theo nghi thức truyền thống. Trong văn tế các vị đại diện cho lớp con cháu sinh sau, khơi gợi lên niềm tự hào của bao thế hệ người làng Nam Diêu, Thanh Chiêm, Bộc Thuỷ...


      Mọi người lòng thành, tâm niệm tri ân công đức tổ nghề, các vị thần bổn xứ, các vị anh linh, liệt sĩ,... cầu quốc thái dân an, nhà an lành, làng nghề phát triển, mùa màng bội thu. Sau phần lễ tế chấm dứt, người làng Thanh Hà, nhất là các bậc lớn tuổi mặc áo vải, khăn hoa theo nghi thức lễ hội cổ truyền, cùng mời du khách vui hội với các trò chơi dân gian, xem các nghệ nhân trổ tài thi chuốt gốm và nặn con thổi tò he. Người thắng cuộc được tặng một sản phẩm bằng gốm. Ngoài ra còn có thi tạo mẫu, nấu cơm niêu, đập nồi, kéo co, cõng nàng về dinh, lái buôn xuất sắc, bịt mắt đánh trống,... Sôi nổi nhất là hội đua thuyền, hô hát bài chòi, hát bội. Lễ hội diễn ra liên tục từ đêm trước đến tận tàn ngày hội hôm sau, thu hút đông đảo dân làng và du khách mười phương.


      Đặc biệt, trong lễ tế xuân ngày mồng Mười tháng Giêng có tục tống Long Chu, đưa ra sông Thu Bồn thả nhằm trừ điềm xấu, cầu an cho cộng đồng cư dân. Sau đó vào ngày Mười hai, Mười sáu tháng Giêng, thợ gốm ở hai phố Trung Lương, Trung Hòa tổ chức cúng Ngũ Hành Tiên Nương tại miếu phố. Ngoài ra, Thanh Hà đang còn lưu truyền hệ thống từ ngữ chuyên dụng về nghề gốm, những tập quán tín ngưỡng, tập quán sản xuất đặc trưng. Nhìn chung những di sản phi vật thể của làng nghề gốm Thanh Hà đang được bảo tồn tốt, phản ảnh đời sống sinh hoạt tinh thần phong phú một làng quê, làng nghề lâu đời.


      Thuở trước lúc thịnh, làng gốm Thanh Hà với 30 bàn xoay, 100 lò nung nghi ngút khói, hàng trăm người thợ, thầy làm việc tất bật mỗi năm trong sáu tháng nắng ráo. Hiện nay ở làng gốm Thanh Hà chỉ còn 8 lò nung gốm với 23 gia đình, trong đó có 5 gia đình làm gốm truyền thống với 6 bàn xoay chuốt gốm, 13 gia đình làm con thổi, 5 gia đình làm gốm mỹ nghệ, 95 thợ gốm, gồm thợ làm đất, thợ chuốt, thợ đẩy, thợ lò, lái buôn gốm. Trong đó, hiện có 8 nghệ nhân lành nghề ở độ tuổi từ bảy mươi tuổi trở lên đang nắm giữ kinh nghiệm chế tác sành, các tri thức dân gian chế tác gồm truyền thống bằng bàn xoay, nung gốm bằng lò bầu như các vị Bùi Liêu, Ban Sáu, Nguyễn Vinh, Nguyễn Cử, Nguyễn Sao, Lê Phát,... Riêng nghề sản xuất gạch ngói có 74 gia đình với 455 lao động tập trung ở khối phố 3, 4, 5, 6 phường Thanh Hà. Hằng năm sản xuất khoảng 400.000 sản phẩm. Đây là những đối tượng trung tâm, quan trọng để làm cơ sở cho việc bảo tồn và phát huy làng nghề.


      Theo Quy chế Bảo tồn và quản lý làng gốm Thanh Hà của thành cổ Hội An ban hành, quần thể di tích làng gồm có 166 di tích gồm các đình làng, miếu, nghĩa trùng, nhà thờ tộc, nhà cổ, lò gốm, phế tích, lò gạch, giếng, thuộc ba loại giá trị kiến trúc. Trong đó di tích loại I gồm có 32 di tích tín ngưỡng hoặc nhà có kiểu dáng, kết cấu kiến trúc truyền thống  hoặc bảo tồn được hệ mái ngói âm dương. Di tích loại II có 92 di tích, gồm những nhà có mái lợp ngói 22viên/ mét vuông, được xây bằng vật liệu truyền thống như gạch, vôi, kiểu dáng mặt tiền theo kiểu truyền thống, có niên đại xây dựng vào thời kỳ trước khi đổi mới 1986. Di tích loại III có 42 nhà. gồm các công trình xây, đúc theo kiểu hiện đại hoặc nhà tạm.


      Trong số 166 di tích, có các di tích tín ngưỡng có giá trị đặc biệt như đình làng Xuân Mỹ xây dựng vào cuối thế kỷ XVIII, được công nhận là di tích cấp quốc gia vào năm 1993. Khu miếu Tổ nghề gốm Nam Diêu được công nhận là di tích cấp tỉnh năm 2008, gồm có các miếu Thái giám xây năm 1843, miếu Tổ nghề xây năm 1866, miều Âm Linh xây năm 1898. Miếu Sơn Tinh, miếu ấp Bộc Thủy làng Thanh Hà xưa, được đưa vào danh sách các di tích được tỉnh Quảng Nam bảo vệ. Về kiến trúc nhà ở, có những di tích mà giá trị phản ánh sự phát triển nghề gốm như di tích nhà ông Lê Bàn là nhà vườn, ba gian, được xây dựng vào cuối thế kỷ XIX bởi một lái buôn gốm giàu có trong làng gốm lúc bấy giờ là ông Lê Từ. Đây là ngôi nhà vườn có giá trị kiến trúc đặc trưng, tiêu biểu cho loại hình nhà ở nông thôn thế kỷ XIX.


      Ngoài ra, vào giữa thế kỷ XX, có nhiều hộ làm gạch khá giả, đã xây dựng nhiều nhà ở một tầng, có mặt tiền mang kiểu dáng Pháp nhưng vẫn bảo tồn mái ngói âm dương. Về các di tích lò gốm, lò gạch sản xuất của làng nghề, thợ gốm đã xây dựng nên nhiều kiểu lò khác nhau để nung cho từng loại sản phẩm. Hiện nay, làng gốm đang có 5 lò gốm truyền thống hình bầu đang sử dụng và một phế tích lò gốm. Ngoài ra còn có khoảng 20 lò nung gốm mỹ nghệ, nung con thổi là lò ngửa, có kết cấu nhỏ. Đặc biệt, hiện còn 2 phể tích lò gạch, chứng minh cho một giai đoạn nghề làm gạch phát triển ở giai đoạn nửa cuối thế kỷ XX.


      Nhìn chung, di sản vật thể làng gốm Thanh Hà có quy mô nhỏ nhưng đa dạng, phản ánh đầy đủ các thiết chế một làng quê, làng nghề qua nhiều giai đoạn. Xem xét tổng quan, các đối tượng bảo tồn di tích làng gốm Thanh Hà là một công tác thiết thực, nhằm bảo tồn tốt một làng nghề, làng quê có lịch sử lâu đời đang còn hoạt động, còn lưu giữ được nhiều giá trị văn hoá truyền thống. Qua đó, góp phần phục vụ cho công tác quảng bá, phát huy, kiểm kê di sản văn hoá vật thể và phi vật thể đô thị cổ Hội An.


      Công viên Đất nung Thanh Hà một bảo tàng sống đầy bản sắc Việt


      Từ trước đến nay khi đến du lịch Quảng Nam, thông thường người ta chỉ nghĩ đến phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn, những làng nghề xung quanh đô thị cổ gọi mời, như nghề trồng hoa cây cảnh ở Cẩm Hà, khu sinh thái Thuận Tình, các nhà vườn ở Cẩm Châu, ẩm thực, đặc sản ở Cẩm Nam, làng mộc Kim Bồng, bãi biển An Bàng, Cửa Đại Chiêm, làng rau Trà Quế,... mà có thể chưa biết một địa điểm mới, khá thú vị và hấp dẫn là công viên Đất nung Thanh Hà - một bảo tàng gốm có một không hai trên cả nước, với nhiều khu vực chợ, triển lãm, bảo tàng trưng bày các sản phẩm gốm độc đáo. Trong đó đặc biệt nhất, có lẽ là thế giới thu nhỏ, nơi tái hiện sinh động các công trình kiến trúc nổi tiếng của Việt Nam với những kỳ quan thế giới bằng gốm.


      Ý tưởng ban đầu xây dựng công viên Đất nung Thanh Hà của một người thanh niên làng gốm, mong muốn nối nghiệp tổ tiên, niềm đam mê lớn lên từ những ngày còn tuổi thơ vọc đất sét bên bờ Thu Bồn đã thôi thúc. Khi đã tốt nghiệp Trường Đại học Kiến trúc tại thành phố Sài Gòn, trở thành một kiến trúc sư giỏi, đang có công ăn việc làm ổn định. Việc giữ gìn, bảo tồn và phát triển nét văn hóa truyền thống hiếm có ở quê nhà, đưa đồ gốm Thanh Hà ra thị trường rộng lớn trên cả nước và thế giới trở thành mối quan tâm của anh. Phải xây dựng được một công viên trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm gốm cho xứng tầm một làng nghề gốm cổ đã tồn tại hàng trăm năm.


      Anh gác bỏ tất cả những thành quả đang gặt hái thuận lợi ở một trung tâm kinh tế lớn nhất nước, trở về làng với tâm huyết thực hiện ý tưởng đời mình. Có lẽ người đời đã tổng kết đúng: “Vạn sự khởi đầu nan”, anh vấp phải sự phản đối kịch liệt từ dân làng, nhất là những bậc già làng có tay nghề lâu năm. Họ e ngại sự mạo hiểm của anh sẽ ảnh hưởng đến sự ổn định từ bao đời nay, đến số phận những con người từng gắn bó máu thịt từ đất sét và lửa nung nhưng với cách làm thủ công, hiệu quả thấp, gây ô nhiễm môi trường bởi khói bụi.

       

      Số tiền đầu tư lớn, xây dựng ở một vùng quê nhỏ, liệu làng nghề với công nghệ được cải tiến, với sản lượng cao, có đủ sức thu hút sự quan tâm của khách và sức mua của thị trường. Và, đây là điều nghiệt ngã nhất, số phận đồ gốm đã làm ra từ bao đời nay sẽ đi về đâu? Nhưng anh không nản lòng, bởi kết quả sẽ làm cho làng nghề phát triển, tạo cơ hội việc làm cho người dân trong làng tốt hơn, đời sống cư dân sẽ khá giả, gia đình người thợ bớt nhọc nhằn, người làng gốm ấm no, hạnh phúc.


      Dự án Công viên Đất nung Thanh Hà được khởi công trên khoảng đất trống, có diện tích rộng gần 5.800 mét vuông ngay tại làng nghề, sau bốn năm xây dựng, năm 2015 đã khánh thành và đi vào hoạt động. Công viên bao gồm hai tòa nhà chính, biểu tượng cho hai loại lò nung gốm làng Thanh Hà. Tòa nhà bên trái giống như cái "lò úp", là khu bảo tàng gốm, trưng bày các hiện vật trong quá trình phát triển từ xa xưa đến nay của làng nghề. Tòa nhà bên phải giống như cái “lò ngửa", là nơi trưng bày các sản phẩm gốm Thanh Hà và một số làng nghề khác trong nước, như Bát Tràng, Phù Lãng, Vĩnh Long...


       

      Công viên gốm lớn nhất Việt Nam – sức hút của làng gốm Thanh Hà (ảnh: vntrip.vn)

      Công viên Đất nung Thanh Hà được đánh giá là công viên gốm lớn nhất, đồng thời cũng là bảo tàng gốm độc nhất trong cả nước. Không gian công viên được cấu trúc gồm chín khu riêng biệt: khu lò gốm, khu bảo tàng,sản phẩm làng nghề, khu chợ đất nung, khu thế giới thu nhỏ, khu vườn sắp đặt, khu trại sản xuất, khu gốm Sa Huỳnh - Chăm, khu các làng nghề truyền thống và khu triển lãm. Giữa công viên là một hồ nước bao quanh cái sân tròn rộng lớn nhìn giống như chiếc bàn chuốt, có một cây cầu gỗ bắc ngang qua, để nhớ lại chuyện đời xưa, ông cha đã lợi dụng sức nước, củi được khai thác từ trên núi rừng đầu nguồn sông Thu Bồn, kết lại thành từng bè chuyển về làng để cho vào lò nung gốm. Trong công viên trưng bày rất nhiều hình ảnh, tư liệu, phẩm vật về nghề làm gốm Thanh Hà. Tại đây thường tổ chức nhiều chương trình triển lãm và hoạt động văn hóa đặc sắc các vùng miền trong cả nước.


      Người xem hình dung đây là bảo tàng sống, với cây đa, bến nước, sân đình, các loại hình văn hoá, tín ngưỡng, tôn giáo... Công viên Đất nung Thanh Hà có kiến trúc rất độc đáo, thiết kế với yêu cầu thẩm mỹ cao, không gian được bố trí hài hòa, thân thiện, phù hợp với quy mô trong không gian chung làng gốm, sử dụng nguyên vật liệu tại chỗ để xây dựng. Bộ mặt làng gốm đã thay đổi hẳn, đồ gốm làng nghề đa dạng hơn và mang một tầm vóc lớn và rộng hơn, một sức sống mới đầy triển vọng.


      Điều hấp dẫn nhất khách tham quan là những tác phẩm thu nhỏ, mô phỏng các kỳ quan thế giới và nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng Việt Nam. Tất cả đều được tạo ra từ đất sét nung và đôi tay tài hoa của những nghệ nhân Thanh Hà. Du khách sẽ bất ngờ khi gặp nhà hát Opera Sydney soi bóng xuống nước, các Kim tự tháp Ai Cập, đấu trường Colosseum, tháp nghiêng Pisa bên cạnh Nhà Trắng, tượng Nữ thần Tự Do - một tác phẩm điêu khắc cách tân cổ điển ở New York tái hiện, thể hiện ý chí và lòng khát khao của loài người. Nhà thờ Đức Bà ở Sài Gòn sánh cùng cung điện Buckingham - một dinh thự của vua hoặc nữ hoàng Vương quốc Anh ở London, nơi ở chính thức và nơi làm việc chính của hoàng gia, đền Taj Mahal - niềm tự hào của Ấn Độ, một đất nước có tình hữu nghị lâu đời với nhân dân Việt Nam, biểu tượng cho tình yêu vĩnh hằng và là một trong bảy kỳ quan thế giới...


      Hiện nay công viên Đất nung Thanh Hà, mỗi ngày đã đón hàng trăm khách đến tham quan. Trong đó có nhiều họa sĩ, kiến trúc sư, nhà điêu khắc và rất nhiều nghệ nhân từ các vùng miền tìm cảm hứng sáng tác, các nhà nghiên cứu gốm, sứ, khoa học, lịch sử, văn hóa, văn chương và các nghệ sĩ tên tuổi...


      Làng Thanh Hà đã trở nên nhộn nhịp. Tại đây du khác có thể tham quan, chụp ảnh hoặc ngồi thư giãn trong không gian đất trời, cây cối yên bình mà đầy ấn tượng, luôn bị thu hút bởi màu đỏ của gạch, màu vàng rộm đất nung, màu xanh cây cỏ, những hàng tre tỏa bóng, dặt dìu những âm thanh kĩu kịt trong nồm nam cơn gió thổi, ùa vào từ từ dòng sông đến mát rười rượi. Hòa mình vào cảnh vật nên thơ, hữu tình cùng đất trời, bên dòng Thu Bồn trầm tích và trầm tư, đón nhận hình ảnh, không gian công viên, đưa vào lòng và phản chiếu lung linh huyền ảo... Trong phút mơ màng, bỗng như thấy mình lạc vào khu vườn gốm đất nung từ những thế kỷ xa xôi về trước, những làng gốm nổi tiếng như Chu Đậu, Thanh Hà đất nước Đại Việt - Việt Nam, Mỹ Nghiệp, Sa Huỳnh đất nước Chămpa.


      Ngoài việc phát triển nghề dựa vào du lịch, những nghệ nhân và doanh nhân làng gốm Thanh Hà tìm hướng đi vững chắc cho sản phẩm, như sản xuất các sản phẩm dòng gốm mỹ nghệ tinh xảo, có chất lượng cao từ bàn tay khéo léo và đầu óc thông minh, sáng tạo của những người thợ gốm Thanh Hà; sản xuất và cung cấp nhiều loại gạch xây, ngói lợp đúng tiêu chuẩn, hợp quy cách và chất lượng cao, phục vụ công tác trùng tu, phục dựng, bảo tồn, xây dựng các công trình kiến trúc cổ là Di sản Văn hóa Thế giới ở Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, Huế và các nơi khác, xây dựng các khu nhà giả cổ phục vụ ngành dịch vụ - du lịch đang phát triển tại Quảng Nam và các nơi khác.

       

      Đến với gốm Thanh Hà, khi ngắm nhìn cảnh quan nên thơ và cầm trên tay những sản phẩm gốm tinh tế, du khách mới có thể cảm nhận được hết vẻ đẹp và giá trị mỗi sản phẩm được làm ra là tinh hoa của vùng đất và tâm hồn người thợ gốm. Cho đến nay Thanh Hà vẫn còn trung thành với cách sản xuất gốm thủ công truyền thống, như một cách lưu giữ lại những tinh hoa của làng nghề, đẹp đẽ mà gần gũi, quý phái mà chân thật của những sản phẩm đất nung, hiền khô như đất mẹ mà mê hoặc, mà đắm say lòng người. Làng gốm cổ Thanh Hà - Hội An không đơn thuần là một địa điểm du lịch làng nghề mà còn là một bảo tàng sống, nơi lưu giữ những tư liệu quý giá, có một không hai, một nét đẹp truyền thống và đầy bản sắc Hội An và dân tộc Việt.

      Huỳnh Viết Tư

      (Nguồn: Tạp chí Ngôn Ngữ Số 5, Xuân Canh Tý 2020)

      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022


      Cùng Tác Giả

      Cùng Tác Giả:

       

      - Từ Trò Chơi Đến Nghệ Thuật Làng Gốm Huỳnh Viết Tư Biên khảo

    3. Chuyên Mục Hội Họa (Học Xá) Ad-31 Ad-31 = QC_250-250 (Học Xá)

       

      Hội Họa

       

      William Alexander & Họa Phẩm Về Đàng Trong

      (Nguyễn Duy Chính)

       

      Họa sĩ và Nhiếp ảnh gia:

       

      Nhiếp ảnh gia:

      Nguyễn Cao Đàm, Trần Cao Lĩnh,

      Nguyễn Ngọc Hạnh, Hương Kiều Loan

       

      Trường Vẽ Gia Định (truongvegiadinh.blogspot)

       

      Link (Nhiếp Ảnh)
  2. © Hoc Xá 2002

    © Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com)