|
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Thơ Văn Trần Yên Hoà & Bằng hữu
Huỳnh Hữu Ủy
sơn dầu Lương Văn Tỷ, 2011
Ngựa là một hình tượng thân thuộc trong nền nghệ thuật cổ truyền dân tộc. Khác với thế giới, từ thời tiền sử ngựa đã là đối tượng của những nghệ sĩ nguyên thủy, thì ở Việt Nam, bóng dáng ngựa xuất hiện có hơi muộn màng. Có lẽ phải đợi đến thời điểm đất nước tự chủ sau một ngàn năm dài Bắc thuộc, ngựa mới có mặt. Sau những triều đại phong kiến phát triển hùng mạnh Lý, Trần, Lê, hình tượng ngựa ngày càng trở nên phong phú, đa dạng về cả chất liệu, đề tài, bút pháp. Chạm khắc trên gỗ, đục đẽo trên đá, trên đồng, đồ gốm, đất nung, tranh mộc bản, và đến ngày nay đã trở thành một đề tài khá trữ tình trong nền nghệ thuật mới, mà điển hình nhất có lẽ là dáng ngựa cực kỳ thơ mộng của Trịnh Cung nơi tác phẩm Trên vùng an nghĩ, đã in một dấu ấn sâu đậm giữa nền nghệ thuật Việt Nam hiện đại.
Công trình kiến trúc và tạo hình rất danh tiếng vào buổi đầu của thời nước nhà độc lập là chùa Phật Tích, bị tàn phá qua bao nhiêu đổi dời, ngày nay dù đã hoang phế, sụp đổ vẫn còn để lại nhiều vết tích, đánh dấu một thời kỳ phát triển nghệ thuật đầy tài năng và trí tuệ. Tài liệu thư tịch cùng những di vật cho ta thấy nhiều mặt của vấn đề. Năm 1937, 1940 và 1943, L. Bezacier cũng đưa ra nhiều tài liệu mới sau các cuộc khai quật tại chỗ (1). Trên công trình lớn này được xây dựng năm 1057 (thế kỷ XI), giữa nhiều vết tích chạm trỗ, đục đẽo rất hấp dẫn, kỳ lạ, ngay nơi bậc cửa bằng đá đi lên chùa, nơi rìa ngoài những bậc cửa, đăng đối nhau, chúng ta bắt gặp bóng dáng con ngựa giữa các loài thú khác là sư tử, voi, trâu, tê giác. Tất cả mười con thú này đều được đặt nằm trên tòa sen, cao xấp xỉ nhau là 1m20, riêng chiều dài hình dáng ngựa đo đúng 1m50. Con ngựa ấy chỉ là một bộ phận nhỏ hòa hợp giữa toàn bộ nền nghệ thuật Phật giáo rất thịnh đạt lúc bấy giờ.
Sang đến đời Lê Sơ (1427-1527) là thời kỳ cực thịnh của chế độ phong kiến tập quyền, Nho giáo là nền tảng và cương thường để trị nước. Điêu khắc thời kỳ này so với thời Lý-Trần trước đó đã có những bước phát triển mới vượt khỏi truyền thống Phật giáo, chủ yếu còn nhằm phục vụ những công trình gắn liền với giai cấp thống trị đương thời. Nơi các khu lăng mộ ở vùng Lam Kinh (Thanh Hóa) nơi phát tích của nhà Lê, các nhà nghiên cứu nghệ thuật tạo hình truyền thống đặc biệt chú ý đến những tác phẩm điêu khắc gồm các tượng người, thú, rùa đội bia. Các tượng này đều là dấu tích của những công trình kiến trúc đồng dạng, mô thức chung bao giờ cũng gồm phần mộ, hai dãy tượng đứng đối xứng nhau trên một trục đường thẳng vẫn thường được gọi là “thần đạo” và một cái bia đá (2). Nơi khu di chỉ này, như lăng Lê Thái Tổ (xây dựng năm 1433), lăng Lê Thánh Tông (1498), lăng bà Nguyễn Thị Ngọc Huyên (1505), lăng Lê Hiến Tông (1504), chúng ta còn gặp những con ngựa đá đứng chầu hầu ở đây. Nhìn chung, những tượng đá ấy có kích thước không lớn, tượng người và thú đều chỉ cao khoảng 1m10 và 0m60 (3). Vào thời kỳ đầu, tượng ngựa Vĩnh Lăng (lăng Lê Thái Tổ) trông rất buồn cười, lùn tịt, ngô nghê, chỉ phảng phất một chút dáng ngựa như trong cách nhìn của trẻ con, dén những lăng mộ về sau ngày càng hoa mỹ hơn, vừa gần với hiện thực vừa mang tính cách điệu của nghệ thuật trang trí. Ngựa đá ở lăng mộ Lê Hiến Tông đã đạt được vẻ hoàn chỉnh của một pho tượng trang trí ở một nơi tôn kính, với đủ yên cương, nai nịt hẳn hoi.
Giòng nghệ thuật chính thống của nhà nước phong kiến tiếp tục di động đến thế kỷ 19, chúng ta sẽ gặp lại những con ngựa đá ấy trong quần thể kiến trúc đẹp để và thơ mộng của mỹ thuật Huế. Nơi lặng tâm của các vị vua triều Nguyễn, giữa những cảnh trí rất hài hòa của thiên nhiên và kiến trúc, đôi lúc rất lặng lẽ, đôi lúc tỏa ra những nét tráng lệ, những tượng ngựa đá đặt trước sân bái đình, cạnh tượng voi và tượng các quan văn, quan võ lớn bằng người thật, đã góp phần hoàn tất cái đẹp nghiêm chỉnh và mẫu mực riêng biệt nơi đây. Thuộc mỹ thuật Huế, có lẽ chúng ta cũng nên nhắc đến bóng dáng ngựa giữa bao nhiêu hình ảnh tươi đẹp khác của tổ quốc, khắc chạm trên Cửu Đỉnh, đặt trước sân Thế miếu trong Hoàng thành. Trên bộ Cửu đỉnh vĩ đại tượng trưng cho đế quyền, được đúc bằng đồng và hoàn chỉnh năm 1837 dưới triều Minh Mạng, chúng ta sẽ gặp thấy trên mỗi đỉnh là những hình chạm nổi vô cùng kỳ thú (4). Trên Anh đỉnh, con ngựa cũng được ghi nhận là một trong những con vật thân thiết và hữu ích ấy, dáng vẻ rất hiện thực và sống động. Và trên Huyền đỉnh, chúng ta sẽ thích thú thưởng lãm một cỗ xe tứ mã, hai con ngựa trước được trang bị đầy đủ mã cụ (harnais), được gắn sẵn sàng yên cương, lục lạc, hình ảnh cỗ xe này tuy đầy vẻ cổ kính nhưng cũng không kém phần linh hoạt.
Có dịp làm một cuộc kiểm kê di sản mỹ thuật của ông cha, chúng ta sẽ thấy phong cách ngựa đá nơi lăng mộ Lê Hiến Tông và các lăng tẩm triều Nguyễn được nhân rộng và lập lại khắp nơi trên các miền đất nước, đặc biệt là ở Bắc bộ và Trung bộ, tạc bằng gỗ, đá, hoặc đắp bằng vôi vữa để thờ ở các đình miếu mà dường như làng nào cũng có, có khi cao lớn bằng ngựa thực, cũng có khi thu nhỏ lại cho thích hợp với nơi thừa tự. Chỉ với cơ bản ấy, nghệ nhân lúc đắp tạc, vẽ vời, cũng có thêm thắt, thay đổi đôi chút tùy vào cách chấm phá của riêng mình. Vào đầu thế kỷ XX, trong bộ Album Kỹ thuật của dân An Nam (Technique du Peuple Annamite), nhà khảo cứu trẻ tuổi Henri Oger có ghi chép hình ảnh một con ngựa gỗ trong một đền thờ thần nào đấy ở vùng đồng bằng Bắc bộ. Pho tượng được kéo đi trong một đám rước thần, được ghi chép theo lối ký họa, khá hấp dẫn, ngày nay đã trở thành một kỷ niệm quý báu đối với chúng ta về mặt phong tục cũng như mỹ thuật.
Ngựa hồng, tranh Đông Hồ
Đúng là với dáng ngựa đó, tra khớp bạc, lục lạc đồng đen, kiều khấu được thêu thùa rực rỡ, chiếc yên mang dáng con chim phượng hoàng sãi cánh, chúng ta sẽ gặp lại vẻ đẹp gần gũi ấy nơi các tượng gốm nhỏ Bát Tràng, loại trang trí nội thất. Hoặc cũng gần như thế, nơi tranh vẽ Ngựa Hồng của mộc bản dân gian Đông Hồ, bốn vó trong thế chuyển động, tàn lọng đi theo, cờ phướn tung bay, những nôn bông ngũ sắc rạng rỡ. Cùng với không khí và phong cách ấy, trong trí nhớ của chúng ta về hình ảnh êm đềm của những phong tục thời quá vãng, cũng như trong trí nhớ của những nhà nghiên cứu nghệ thuật hẳn rằng vẫn còn lưu dấu vết tích về những con ngựa nơi những cửa hàng vàng mã, dễ dàng gặp thấy khắp nơi, đặc biệt là ở hai trung tâm cố đô Hà Nội và Huế vài ba mươi năm trước. Đỏ rực một màu rất tươi tắn, ấm áp, vui mắt, được trang trí thêm những mảng giấy trỗ ngũ sắc và trang kim lấp lánh. Những con ngựa giấy dán bồi trên nang tre ấy, đã một thời gian dài nằm bên cạnh những tiền giấy, vàng hương, nón giấy, hài giấy, thuyền giấy, áo mũ đại trào, ngày nay sắp mất dần hết dấu tích, các viện bảo tàng nghệ thuật và dân tộc học của chúng ta cũng nên kịp thời lưu tâm gìn giữ lại, vớt vát được chút gì hay chút đó.
Trong công trình nghiên cứu, ghi chép, thực hiện những phiên bản về điêu khắc dân gian thế kỷ XVI, XVII và XVIII của Viện Bảo Tàng và Viện Nghiên Cứu Nghệ Thuật Hà Nội, tiến hành dưới sự chỉ đạo của họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung trước đây, chúng ta cũng đã từng có dịp thưởng thức những dáng ngựa rất thơ mộng, tươi mát và sinh động. Một ví dụ điển hình là ảnh tượng ngựa trên phù điêu Người, voi, ngựa ở Đình Chẩy, Nam Hà, thế kỷ XVII. Nét chạm rất chắc tay, tuôn trào một nguồn cảm hứng chân thật, nói như Nguyễn Đỗ Cung là “kết quả một quá trình hấp thụ, cố kết cao độ giữa tình cảm sâu xa với những hình thức biểu hiệu.” (5) Nhận xét này của Nguyễn Đỗ Cung là một phát biểu chung về điêu khắc dân gian Việt Nam ngày xưa, thuộc ba thế kỷ 16-17-18, tuy nhiên khi đứng trước phù điêu Người, voi, ngựa, chúng ta cũng sẽ nhận thấy là nhận xét ấy rất thích hợp với tác phẩm mỹ thuật dân gian này, biểu lộ một cái đẹp giản dị, tự nhiên, vượt qua những qui thức và ước lệ.
Những hình tượng ngựa trong kho tàng nghệ thuật của đất nước không phải đều cách điệu (stylisé) như chúng ta vừa gặp. Cũng còn những dáng ngựa khác rất hiện thực. Như nơi bức Quang Trung (tranh làng Hồ) vẽ nhà anh hùng áo vải, mặc áo vô tướng, tay cầm giáo, tướng mạo lẫm liệt, cởi con ngựa chiến màu đỏ, oai phong, Con ngựa đã được khảo sát kỹ, gần như đã qua cả một cuộc khảo sát cơ thể học kỹ lưỡng, nên rất sinh động, dễ gợi nhớ đến những dáng ngựa rát mực tài tình của danh họa Hàn Cán. Hoặc trên những tác phẩm điêu khắc kiệt xuất thế kỷ XVII ở chùa Bút Tháp (Hà Bắc), đặc biệt đáng kể là bức chạm khắc năm con ngựa trên lan can thành cầu đá ở trung tâm chùa, nối liền hai cụm kiến trúc Nhà Thượng Điện và Tòa Cửu Phẩm. Một bầy năm con ngựa đang cùng nhau đùa giỡn, có con thong dong nghỉ ngơi, có con nằm ngửa cọ lưng trên mặt đất, bốn vỏ tung lên trời, có con đang tung chân sau lên đùa nghịch đá vào con khác. Điểm xuyết vào bức phù điêu là những lá cỏ hoang dại làm đầy đặn hết mọi chỗ trống. Chúng ta nên nhớ là những bức phù điêu này rất hiếm hoi giữa những công trình điêu khắc thế kỷ XVII, chính là tiếp tục truyền thống đục đẽo, khắc tạc trên đá của mỹ thuật Đại Việt Lý-Trần, ngày nay được các nhà nghiên cứu đánh giá cao vì đã tạo nên một vẻ đẹp rất sống động và độc đáo, rất sinh lực và hiện thực (6). Hoặc trên công trình kiến trúc đình làng Đình Bảng (thế kỷ XVIII), trên hàng lan can ngay chính gian giữa, cạnh những chạm khắc Tùng Lộc và Sư tử hí cầu, bức chạm nổi tám con ngựa vẫn quen gọi là Bát mã quần phi là một tác phẩm hết sức đáng lưu ý. Tám con ngựa liên hoàn nối tiếp nhau, mỗi con trong một thế riêng, con thì đang phi nước kiệu, con khác ở trong thế chồm mình lấy đà để lao về phía trước. Có con đang nghỉ ngơi, cúi xuống gặm cỏ, có con như đang ngẩng đầu lên nghe ngóng điều gì, và con khác nữa thì đang nhởn nhơ tung tăng thoải mái. Cả bầy ngựa đều rất đẹp, chắc khỏe, rắn rỏi, cơ bắp đầy đặn, thân hình cân đối, hài hòa, hiện ra trong những động thái tự nhiên, nghĩa là đã được xem xét, khảo sát, chọn lọc kỹ lưỡng qua một cảm quan thẩm mỹ vững chắc.
Và rất gần gũi với chúng ta, nơi ngôi chùa Nghĩa Nhuận Hội Quán thờ Quan Võ Đế ở quận 5 Sài Gòn, pho tượng ngựa thờ ở đây quả đã mang lại nhiều thích thú cho người thưởng ngoạn; cái đẹp ở đây chính là cái thực, là cái thực nhưng đã biết tô chuốc thêm lên. Người tạc tượng là một nghệ nhân chuyên về điêu khắc gỗ dân gian, nhưng rõ ràng đây cũng là một nghệ sĩ rất nghiêm túc trong sáng tạo nghệ thuật, rất chắc tay trong tạo dáng, đạt đến tính điển hình cao, và hẳn nhiên là có nhiều hiểu biết sâu sắc về cơ thể học. Chẳng lạ gì khi chúng ta nghe ông Vương Hồng Sển trầm trồ: “Tượng Xích-thố-mã bằng gỗ sơn mài, trông y như thiệt, không chùa nào có tượng khéo hơn, lạ là thời nay còn nghệ sĩ có biệt tài như vầy nên cũng mừng.” (7)
Duyệt lại toàn bộ những bóng dáng, phong cách về ngựa trong nền nghệ thuật tạo hình Việt Nam, cả hai giòng chính thống và dân gian, chúng ta thấy rõ ràng ở giòng thứ hai thuộc về nhân dân, khi gặp mùa nở rộ (đặc biệt ở thế kỷ XVI, XVII, XVIII) đã tuôn trào một âm điệu rộn ràng, vui tươi, bay nhảy, phóng khoáng, đầy sức sống chân thực, vô cùng tươi mát và sinh động. Có thể dẫn thêm ở đầy một chút tỉ dụ điển hình là hình ngựa trên gạch nung chùa Đậu (Thường Tín, Hà Sơn Bình, thế kỷ XVI), hay dáng ngựa nhẹ nhàng uyển chuyển giữa hoa cỏ trên bia đá chùa Linh Quang (Hải Phòng) chạm khắc năm 1709, tỏ rõ một sự phóng khoáng bay bổng giữa tình cảm sâu xa, rồi phát lộ bởi một hình thức biểu hiện vững vàng, chắc nịch mà thực rất thanh nhã.
Tất nhiên, rất nhiều nơi khó mà có một sự phân biệt rạch ròi giữa hai giòng nghệ thuật ấy, nhưng dù thế nào người nghệ sĩ dân gian từ hơi thở nồng nàn của cuộc sống đã bước vào tác phẩm nghệ thuật một cách rất tự nhiên, nên đã thoát khỏi những qui cách hẹp hòi cố hữu. Ngày nay, đối với chúng ta, cả hai giòng nghệ thuật ấy đều đã tập hợp thành một trong lòng một nền văn hóa thống nhất, cho nên tất cả những dáng ngựa ấy dù ở nơi đâu, đều có chỗ đứng đẹp đẽ trong ký ức dân tộc, không những là vốn liếng của hôm nay mà còn là một phần hành trang tài bồi cho cả ngày mai.
Tết con Ngựa, năm 2002
Chú thích:
(1) L. Bezacier rất có công trong các cuộc khai quật khảo sát tại chỗ ở chùa Phật Tích (tức chùa Vạn Phúc ở làng Phật Tích, huyện Tiên Du, Bắc Ninh, cách Hà Nội 28 cây số) vào các năm 1937, 1940 và 1943, Bezacier có một cái nhìn đối chiếu rất hay khi phát biểu về những di vật ở chùa Phật Tích, "Biểu lộ ảnh hưởng của mỹ thuật Ấn Độ truyền qua miền Trung Á, gặp mỹ thuật Trung Hoa và mỹ thuật Chăm". Tuy nhiều, Bezacier đã kết luận sai lầm là di tích này thuộc về mỹ thuật Đại La do thái thú Cao Biền (Kao Pien) dựng khoảng năm 866-870. Ngay từ năm 1944, Nguyễn Đỗ Cung đã phê bình về kết luận này, và ngày nay chúng ta đã có đủ chứng cớ để có một cái nhìn tổng thể vững chắc về mỹ thuật thời nhà Lý mà chùa Phật Tích là vết tích rực rỡ bậc nhất.
Xin xem thêm:
- Nguyễn Đỗ Cung: Nhân đọc quyển “Essais Sur l’Art Annamite”, Mỹ Thuật Đại La hay Mỹ Thuật Lý, Thanh Nghị, số 96 (1944).
- Triển lãm cổ tích Việt Nam, phần viết về chùa Vạn Phúc (Phật Tích, Bắc Ninh) trong Dân Việt Nam (Le peuple Vietnamien) Viện Đông Phương Bác Cổ (L’Ecole Francaise d’Extrême – Orient) xuất bản, Hà Nội, số 2 tháng 12-1948.
(2), (3) CF Mỹ thuật thời Lê sơ, phần viết về điêu khắc của Nguyễn Tiến Cảnh, Nxb Văn Hóa, Hà Nội, 1978.
(4) Trên bộ Cửu Đỉnh (mỗi đỉnh mang một tên riêng theo chữ trong miếu hiệu các vua nhà Nguyễn), chúng ta sẽ gặp thấy 162 hình ảnh tượng trưng khí thiêng sông núi, như mặt trời, mặt trăng, các tinh tú, các thực thể địa lý quan trọng trong nước, các động vật và thực vật hữu ích cùng nhiều vật dụng thường ngày trong sinh hoạt của nhân dân. Rất rõ ràng là 162 hình ảnh này chắc chắn chứa đựng hàm ý về một xứ sở thống nhất, hùng cường và qui về một mối.
Xin xem thêm:
- Huỳnh Hữu Ủy: “Những hình ảnh chạm khắc trên cửu đỉnh ở Huế”, Văn Lang, số 4 tháng 12. 1992.
- R.P Barnouin. "Les bas reliefs des Urnes dynastiques de Hue". Bulletin de la Société des Etudes Indochinoises. 3ème trimestre, Saigon, 1974.
(5) Việt Nam Điêu Khắc Dân Gian, Thế kỷ XVI, XVII, XVIII, Nxb Ngoại Văn, Hà Nội, 1975.
(6) Hà Bắc Ngàn Năm Văn Hiến. Phần viết về chùa Bút Tháp, tập I. Các di tích lịch sử, kiến trúc và nghệ thuật. Ty Văn Hóa Hà Bắc xb, 1973.
(7) Nghĩa-Nhuận hội quán được thành lập năm 1872 do ông Đỗ Hữu Phương (1840-1914) chủ súy xây dựng. Pho tượng ngựa này được cúng chùa vào năm 1952. C.F. Vương Hồng Sển. Saigon năm xưa, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh tái bản năm 1997, trang 208-209.
- Họa sĩ Victor Tardieu Huỳnh Hữu Ủy Nhận định
- Họa sĩ Lê Văn Miến Huỳnh Hữu Ủy Nhận định
- Vài Dáng Ngựa Trong Nền Mỹ Thuật Cổ Truyền Việt Nam Huỳnh Hữu Ủy Khảo luận
- Đôi Nét Về Văn Cao Của Hội Họa Huỳnh Hữu Ủy Nhận định
- Họa Sĩ Lê Văn Tài Huỳnh Hữu Ủy Nhận định
- Họa Sĩ Bửu Chỉ Huỳnh Hữu Ủy Nhận định
- Nguyễn Đăng Thường: Từ Văn Chương Đến Nghệ Thuật Tạo Hình Huỳnh Hữu Ủy Nhận định
- Tình Tự Dân Tộc Và Dòng Thơ Kháng Chiến Huỳnh Hữu Ủy Nhận định
- Tranh Khắc Gỗ Dân Gian và Các Tác Phẩm Văn Học Cổ Huỳnh Hữu Ủy Biên khảo
- Nguyễn Đức Sơn: Một Đỉnh Thơ Kỳ Dị Và Cô Độc Huỳnh Hữu Ủy Nhận định
William Alexander & Họa Phẩm Về Đàng Trong
(Nguyễn Duy Chính)
Họa sĩ và Nhiếp ảnh gia:
Nhiếp ảnh gia:
Nguyễn Cao Đàm, Trần Cao Lĩnh,
Nguyễn Ngọc Hạnh, Hương Kiều Loan
Trường Vẽ Gia Định (truongvegiadinh.blogspot)
Nhớ Thầy (Thu An)
Nhiếp Ảnh Gia Nguyễn Cao Đàm, Bóng Tối Và Ánh Sáng (Nguyễn Ngọc Dung)
Nguyễn Cao Đàm, Người thầy của nhiều thế hệ nhiếp ảnh Việt Nam (cbs.com)
Vinh danh và ngưỡng mộ (hoivietanh.net)
Ảnh Trần Cao Lĩnh (vnthuquan.net)
Sài Gòn 1950-1975 (SafeShare.TV)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |