1. Head_

    Dê Húc Càn

    (1.10.1934 - 21.11.1987)
    Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Tranh Dân Gian, Tranh Tết (Huỳnh Hữu Ủy) Ad-21 Ad-21 (Google - QC3) (Học Xá)

      21-1-2017 | HỘI HỌA

      Tranh Dân Gian, Tranh Tết

        HUỲNH HỮU ỦY
      Share File.php Share File
          

       

      Tinh túy văn hóa của một dân tộc, trong chiều hướng nào đó, là những vết tích lưu dấu từ sinh hoạt uyển chuyển của cảnh quần cư. Đất nước Việt Nam, một địa cư được bao trùm bởi tinh thần văn hóa thào mộc (civilization du vegetal), nên đã bao đời qua, có lẽ từ thuở xa xăm nào đã khởi dụng cho mãi đến ngày nay một đời sống thôn dã cực thinh. Cùng cảnh nông thôn vận chuyển nhịp nhàng, con người cất tiếng ca hát với tha nhân và vũ trụ, với thiên nhiên và cành đời trong một niềm rung động cộng sinh.


      Cũng như các xã hội nông nghiệp Á Đông khác, tiếng hát lời ca đó là dòng sông tươi mát chảy băng qua thời gian, chảy băng qua không gian, nảy sinh tự nhiên từ đời sống đồng ruộng, giữa các cuộc đình đám hội hè, là những hội mùa xuân, hội mùa thu, ấy chính là nguồn nước ca dao, lục bát, khởi phát cùng thuở lập quốc, tưới mát cả mấy ngàn năm lịch sử và còn nuôi sống vỗ về mỗi tâm hồn chúng ta hôm nay.


      Chúng ta có thể dễ dàng nhìn nhận với một nhà nghiên cứu văn học rằng, đời dân tộc ta vốn là một bài hát liên tiếp không ngừng, hát lúc giải trí, hát lúc cần lao, là những bài tình ca đối đáp nam nữ giữa các hội mùa. Mùa xuân với tiếng hát nồng nhiệt của nam giới, mùa thu mà bàn lai vẫn là mùa cổ điển của trai gái, mùa xa xưa của ái ân thì tiếng hát nữ giới càng véo von bất tận, dường như chan chứa bao nhiêu nhớ thương tư mùa xuân trước, từ giữa mùa hạ đã cùng nhau canh tác, cấy cày, cùng nhau gặt hái và làm việc hộ đê (l).


      Ở đây, chúng ta lưu ý đến những hội hè, lễ tiết và những lời ca hát giao duyên trai gái, như một nhận định của nhà Đông phương học Henri Maspéro: "Những hội hè ấy, nều thiếu thì mùa màng không tốt, lúa không mọc. Chính vào lúc ta cần xua đuổi khí độc của mùa đông đi, rồi mới có cuộc phối hợp ngoài trời, giữa thanh niên và thiếu nữ. Sự phối hợp của họ có mục đích như khích động sự phát triển khí dương xuân" (2).



            Cào cỏ, khắc gỗ đầu thế kỷ XX,
          Album Henri Oger.

      Dân tộc ta càng đặc biệt hơn, phải phấn đấu không ngùng nghỉ, phấn đấu với thiên nhiên và một lịch sử nghiệt ngã từ mấy nghìn năm, nên tiếng hát lời ca đó là những giây phút cần yếu giải thoát con người khỏi một thực tại đời quá nhọc nhằn lao khổ, cuộc phấn đấu trường sinh do thế cũng đượm mùi thân ái, sâu sắc và nhân bản hơn. Với những nghệ sĩ vô danh trong bóng tối của đồng ruộng và lịch sử, những bài hát đó đã kết họp cùng nhau trong một trường ca tràn đầy sức sống, ý tình, vừa dũng cảm, vừa thơ mộng, là những bài tình ca kết tập với những thiên anh hùng ca của một cuộc đấu tranh hào hùng, chất phác mà diễm lệ, châu ngọc. Những bài hát đó còn được ghi lại bằng sắc mầu trên trang giấy dó quét điệp thơm mùi gỗ mới, cùng thơm mùi cỏ hoa bát ngát trên đồi. Những bài hát đó là ca dao còn được vẽ thành tranh mộc bản, hay còn gọi là tranh dân gian theo thuật ngữ ngày nay, là hòa điệu của hương đồng nội, ngôn ngữ thiên nhiên và mối tình người giản phác. "Các bức tranh đó được tung ra khắp nẻo tựa như những chuỗi cười ròn rả hồn nhiên, nổi lên giữa ruộng lúa xanh tươi bát ngát. Đó là thứ ca dao không phải bằng lời nhưng bằng đường nét và màu sắc" (3).


      Bởi tính chất đặc biệt vừa nói, thường thi tranh mộc bản vẫn bày ra thế giới sắc màu đầm ấm, tươi vui, phong phú vào những dịp lễ tết đầu năm. Khắp các làng mạc, thôn xóm, từ chợ quê cho đến các khu phố lớn, người ta bày bán khắp nơi, góp thêm vẻ rực rỡ, vui mừng, ấm áp, để đón xuân mới, chúc phúc chúc lộc cho mọi người, mọi nhà nên cũng thường gọi là tranh Tết. Những bức tranh Tết ấy được gọi là tranh mộc bản vì được in bằng những bảng gỗ, người ta khắc hình tượng muốn in lên bảng gỗ, rồi lại in trên giấy hàng loạt, hàng ngàn, hàng vạn tấm. Có thể dùng bảng gỗ ấy mà in mãi hoài từ đời này sang đời khác, truyền lại cho con cháu như là di sản của gia đình, tổ tiên (4).


      Nhìn qua lịch sử nghệ thuật dân tộc, tranh mộc bản trong dòng biến chuyển sinh tử của nó đã đóng giữ một vai trò quan trọng bởi tính chất đơn thuần và độc đáo Việt Nam. Theo các nhà nghiên cứu sử nghệ thuật thì tranh mộc bản cùng với nghề in mộc bản đã có một truyền thống lâu dài, xuất hiện từ thế kỷ XI-XIV, từ đời Lý (1010-1225), đời Hồ (1400-1414) và được phát triển mạnh mẽ về mọi phương diện dưới đời Lê (l533-l788), song hành với việc in tiền giấy và những thời kỳ mà đạo Phật được thịnh hành (5).


      Điều ấy chỉ là chuyện dễ hiểu, khi mà kỳ thuật ở lĩnh vực này phát triển thì cũng ảnh hướng hỗ tương đến các lĩnh vực khác, khi một thế lực tinh thần có ảnh hưởng mạnh mẽ thì cũng dễ trùm lên các hoạt động nhân sinh khác trong xã hội. Sáng kiến in tiền giấy của Hồ Quý Ly và kỹ thuật khá tiến bộ bấy giờ đã ảnh hưởng dây chuyền đến việc in các tranh dân gian. Việc phát triển đạo Phật đòi hỏi nhu cầu ấn hành kinh sách, cũng như cần ấn hành các tranh thờ như Phật Bà Quan Âm, Phật Thích Ca, hoặc có tính cách tôn giáo như tranh Thập Điện, hay được vẽ minh họa và diễn nghĩa từ các giáo thư, kinh điển. Tranh dân gian cũng tựa vào đó mà phát triển mạnh mẽ, sâu rộng và phổ cập trong cuộc sống nhân dân.



            Lý ngư vọng nguyệt (Cá chép trông trăng), tranh Hàng Trống.

      Trải qua bao nhiêu thế kỷ, nhũng bức tranh chất phác, giản dị ấy đã là một phần máu thịt, một phần hơi thở nồng ấm và thân thiết của cuộc sống dân tộc. Từ làng Đông Hồ (Bắc Ninh, Hà Bắc), những bức tranh ấy lan tỏa khắp nơi trên châu thổ sông Hồng, phổ cập nơi đất kinh kỳ, đi lên mạn ngược, đi vào tận các vùng phía Bắc Trung Bộ. Ngày nay, chỉ còn đọng lại nơi chúng ta như những kỷ niệm dân tộc học sâu sắc, nhưng cách đây không bao lâu, vào khoáng vài ba mươi năm về trước , những bức tranh ấy, những tờ tranh lá mít khổ nhỏ 15x25cm, những tờ tranh phá ba khổ vừa 26x36cm, hoặc 25x45cm, những tờ tranh khổ lớn (tranh tứ bình, tranh truyện) vẽ đàn gà, đàn lợn, gà trống cất tiếng gáy, cá chép trông trăng, em bé ôm quả đào tiên, thất đồng, đám cưới chuột, đấu vật, hứng dừa, cảnh chợ quê... những bức tranh ấy không thể nào thiếu vắng nơi từng mỗi nhà, là lời cầu ước, chúc tụng cuộc sống hạnh phúc, thịnh vượng, sung mãn trước thềm năm mới, đấy chính là một trong những ký hiệu đặc biệt của Xuân và Tết. Cùng với tiếng lanh canh trước gió của chiếc khánh sành trên cây nêu trước ngõ, cùng với câu đối đỏ, bánh chưng xanh, thịt mỡ dưa hành, là những bức tranh Tết.

      Đì đẹt ngoài sân tràng pháo chuột

      Om sòm trên vách bức tranh gà

      Chúng ta thử sống lại giữa cảnh tượng một phiên chợ Tết ngày xưa nơi miền quê, giữa bao nhiêu màu sắc tươi rực hồn hậu, linh hoạt và ngộ nghĩnh, rất hiển nhiên là chẳng thể thiếu vắng bảng màu điểm xuyết của những bức tranh Tết. Có thể theo dấu những ghi chép mộc mạc mà không kém phần tài tình của Đoàn Văn Cừ vào những năm cuối thập niên 30 và đầu 40, trước thời chiến tranh Pháp-Việt, để hoài cảm những kỷ niệm ấm áp đã mất, và nhất là để sống và hiểu được sâu hơn thế giới của những bức tranh Tết (6).


      Khắp miền trung châu Bắc Bộ, những màu sắc dân dã của tranh Tết, màu hoa hiên, hoa hòe, xanh chàm, đỏ cánh sen, màu điệp trắng lấp lánh, xanh lá cây, đỏ thắm... thực gần gũi, ấm áp và cần yếu biết bao đối với cuộc sống nhân dân, những màu sắc ấy đã nhập vào trong cuộc đời bình thường của đình đám, hội hè, những phiên chợ Tết, những ngày đầu xuân, làm nồng nàn và rực ấm cuộc sống nhân sinh. Là những màu gạch non, hoa lý, hoa cà, đỏ thắm của bộ áo tứ thân quan họ, của giải nón quai thao, thắt lưng và chiếc yếm các thiếu nữ, của chiếc áo the, áo lụa các cụ già vào những ngày lễ tiết. Là màu sắc tưng bừng, sặc sỡ trên các con giống bằng bột, trên đồ chơi bằng giấy cho trẻ con như chiếc đèn xếp, đèn kéo quân, đèn cá chép hóa rồng, đầu sư tử, voi giấy, ngựa giấy, ông tiến sĩ giấy, v. v... Và cũng là máu sắc rực rỡ, xôn xao trên các hàng vàng mã, trên mâm bồng ngũ quả, trên đĩa bánh in gói giấy ngũ sắc bày nơi bàn thờ gia tiên. Quả khó tưởng tượng được ngày Tết mà thiếu tranh Tết vậy.


      Như thế, loại hình nghệ thuật này có một truyền thống khá sâu sắc, đã chắt lọc, thẩm thấu, bền vững qua thời gian và lịch sử đất nước. Tết đến, dù thế nào đi nữa thì dưới mái tranh nghèo, trên tấm phên đất vừa quét lại một làn vôi mới, cũng được dán lên một vài tấm tranh gà lợn giản dị nhưng vui tươi, ấm áp, tỏa hẳn ra một không khí lạc quan, yêu đời.


      Mới đây, nhân tết Nhâm Ngọ (2002), nhà văn Tô Hoài có bài viết ngăn Hồi ức tranh Tết trên báo xuân Tuổi Trẻ xuất bản ở Sài-Gòn. Ngòi bút Tô Hoài thực là tài hoa, giản dị mà tài tình đã mang lại cho người đọc nhiều hình ảnh xưa của đất nước rất đẹp và đầy cảm xúc. Chúng tôi trích lại ở đây một đoạn để mọi người cùng thưởng thức, cùng bồi hồi sống lại phần nào những điều đã mất, đã trở thành dĩ vãng:

      Tết đến, nhà nhà dán tranh treo từ cổng vao. Mỗi năm lại mua tranh mới. Qua tết, tranh long ra hay bị bóc đi cũng không ai để ý, tết sang năm lại mua. Chỉ có tranh bộ khổ rộng, bức một như tranh Kim kê độc lập (con đại bàng xòe cánh, co chân đứng một mình), tranh Cá chép đớp trăng và tranh nhị bình (hai bức), tứ bình (bốn bức) treo thành bộ như Mai, Lan, Cúc, Trúc, tranh Bốn cô tố nữ, các tranh này to bản, bồi giấy dày, chơi nhiều năm mới bỏ.


      Ngoài cổng và hai bên cánh cửa dán tranh Tiến tài, Tiến lộc, tranh Văn tinh Thiên ất, tranh Phúc Lộc Thọ, văn thì cầu tài, cầu lộc, võ thì các ông tướng trong tranh đứng trông coi nhà cửa bình yên.



           Lợn đàn với đồ hình âm dương,
      tranh Đông Hồ.

      Từ nhà bếp lên nhà ngang, hai đầu hồi, chỗ thì tranh gà, gà mái mẹ và lũ gà con núp dưới bụng mẹ. Tranh Gà trống Kim hoàng oai vệ, mặt vằn đỏ, mình vàng thật dữ, thật đẹp, đủ tướng ngũ quí: mào đỏ, cựa sắc. Kìa tranh Đàn lợn, tranh Lợn ỷ lưng lợn béo núc ních in vòng tròn âm dương nửa xanh lơ nửa lam. Tranh Phú Quý (bé ôm đào, bé bế con vịt), tranh Vinh Hoa (bé ôm con gà trống), tranh Thất đồng (bảy bé hái quả). Tranh tiền thì dán la liệt từ cột bếp lên nhà ngang. Nền giấy đỏ vẽ từng hàng chi chít những đồng tiền kẽm. Chỗ nào cũng gặp tiền, những tiền là tiền, nhà ta giàu có phong lưu đến nơi rồi!" (7).

      TRANH ĐIỆP ĐÔNG HỒ


      Làng Đông Hồ (Bắc Ninh, Hà Bắc) nằm giữa một trọng điểm văn hóa của miền Bắc đất nước, nổi bật lên giữa khu vực các đình chùa cổ xây dựng từ các thời Lý, Trần, Lê: Chùa Bút Tháp, Phật Tích, Đình Bảng, Chùa Dâu, Bách Môn, Tiêu Sơn, Phù Ninh, Mãn Xá, Thổ Hà, Từ Sơn... Bắc Ninh là đất đai của nhiều danh lam và dấu tích lịch sử Phật giáo, nơi đây các thiền phái đầu tiên đã được định hình và phát triển, do thế chúng ta có thể quyết đoán là các nghệ nhân ở địa phương đã tiếp thu kỹ thuật in kinh, in các minh họa trong sách Phật, cùng với nghệ thuật chạm trỗ trên đình chùa, in thành tranh thờ là tranh trang trí ngày Tết. Sách Thiền Uyển Tập Anh (viết vào thời Trần) đã ghi rõ: nhà sư Tín Học (mất năm 1l90) quê ở làng Chu Minh, phủ Thiên Đức, tức vùng ven sông Đuống thuộc Bắc Ninh, trụ trì ở một ngôi chùa trên núi Không Lộ, thuở trước gia đình sư đã đời đời sinh sống bằng nghề khắc bảng gỗ, ván in (8). Vậy thì nghề in tranh của làng Hồ ít ra cũng phải có khoảng trên dưới mười thế kỷ nay rồi. Đến Bắc Ninh, có một điều rất thú vị là mỹ thuật và âm nhạc dân gian nổi tiếng đều đã chọn đất này mà tụ tập, sinh hoạt, hát ca và tồn tại. Đến bên kia bờ sông là làng Hồ với những nét tươi trong của tranh gà lợn, để rồi cùng lúc vương vấn mãi trong lòng lời ca quan họ mở hội giữa tháng Giêng ta của những liền em-liền chị làng Lim.

      Quê hương ta lúa nếp thơm nồng

      Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong

      Màu dân tộc sang bùng trên giấy điệp.

      .....

      .....

      Ai về bên kia sông Đuống

      Cho ta gởi tấm the đen

      Mấy trăm năm thấp thoáng mộng bình yên

      Những hội hè đình đám.

      .....

      .....

      Bao giờ về bên kia sông Đuống

      Anh lại tìm em

      Em mặc yếm thắm

      Em thắt lụa hồng

      Em đi trẩy hội non sông

      Cười mê ánh sáng muôn lòng xuân xanh.

      Hoàng Cầm (Bên Kia Sông Đuống)


           Một cảnh lao tác của nhà nông,
      tranh Đông Hồ.

      Lâng Đông Hồ nằm về phía hữu ngạn sông Đuống (tên ngày xưa là Thiên Đức), sát cạnh bến đò Hồ. Ngày trước mang một cái tên mộc mạc hơn là Đông Mái hay Kiêu Mại, gọi nôm na là làng Mái, nhiều lúc cũng gọi là làng Hồ, thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh xưa, nay là Hà Bắc. Cũng như bao nhiêu làng mạc Việt Nam khác, những mái nhà tranh ẩn núp đơn sơ dưới lũy tre làng, bên bờ ruộng xanh tươi mát mắt, hương của rơm rạ và cây lá, hoa trái trong vườn thơm ngào ngạt một mùi vị đầm ấm, lắm khi đến độ xôn xao và nồng nàn, những hương tầm xuân, bưởi, chanh, cam quít, sầu đông... gợi một mối tình làng mạc, quê hương rất bình thường mà thân yêu. Nhưng làng Mái có một sinh hoạt riêng, nếp sinh hoạt đặc biệt ấy không biết từ bao nhiêu đời rồi, là in những bức tranh dân gian đậm đà sắc thái đất nước, tung ra khắp nẻo vào dịp Tết đến, nên cũng từ lâu lắm đã trỏ thành một phần tâm hồn, tinh thần và tình cảm của mỗi người dân Việt.

      Hỏi cô thắt lưng bao xanh

      Có về làng Mái với anh thì về

      Làng anh có lịch, có lề

      Có ao tắm mát, có nghề in tranh.

      Trong làng có khoảng trên dưới 200 gia đình bà con nông dân, thì dường như hầu hết đều kiêm thêm nghề in tranh khắc gỗ. Vẽ tranh khắc gỗ, rồi in lên giấy với kỹ thuật thủ công, tuy ít nhiều có phiền tạp nhưng cơ bản là vẫn thô sơ, mộc mạc. Người nghệ sĩ dân gian ấy có thể rất tài hoa nhưng trước hết anh ta là một dân cày, thêm vào đấy là một người thợ thủ công, với tính cách ấy, anh ta đã đưa được vào trong tranh, biểu hiện được ở đấy những tình cảm, tư tưởng, những mơ ước, niềm vui, lòng hy vọng, hay vẽ lại chính cảnh đời chung quanh của quần chúng nông dân của làng mạc Việt Nam, nghĩa là cuộc đời và tâm hồn của dân tộc ta, theo một cách khá giản phác, thực thà nhưng không phải là kém sâu sắc. Dưới mỗi mái nhà tranh làng Hồ dường như đều là một xưởng sản xuất tranh Tết. Người cha trong gia đình có thể là trưởng xưởng, lo việc "ra" tranh, "ra" những mẫu mới hoặc chỉnh lý những mẫu tranh cũ, rồi khắc bản gỗ chuẩn bị cho việc in ấn. Bà mẹ, các cụ già, các thiếu nữ và trẻ nhỏ thì chuyên chú vào việc in tranh, tô màu, bôi sửa, bồi tranh. Và tranh thì phơi la liệt khắp nhà, trên bàn ghế, chỏng nằm, trên giây phơi, sào tre, hoặc trãi khắp cả mặt đất, hong tranh khắp sân nhà. Tràn ngập tranh là tranh, những bức tranh màu sắc rất dân dã, rực rỡ, ấm áp, rất nồng nàn, đằm thắm và gần gũi biết bao!


      Huỳnh Hữu Ủy

      Mỹ Thuật Việt Nam Ngày Xưa
      (Văn Mới, 2013)

      Chú thích:

      (1) Phạm Văn Diêu. Văn Học Việt Nam trang 169, NXB Tân Việt, 1960.

      (2) Dẫn theo Nguyễn Đăng Thục. Tư Tưởng Việt Nam, Lịch Sử Triết Học Đông Phương IV, trang 77, NXB Khai Trí, 1964.

      (3) Thái Tuấn "Loại Tranh Mộc Bản Việt Nam," Câu Chuyện Hội Họa, trang 138. NXB Cảo Thơm, 1967.

      (4) Số lượng tranh dân gian sản xuất ở miền Bắc hàng năm lên đến 2 triệu tờ trước năm 1945, là con số ước tính của Maurice Durand. Con số này giám xuống chỉ còn hơn khoảng 300 ngàn tờ vào năm 1957 (Dẫn theo Nguyễn Khắc Ngữ trong Kỹ Thuật và Mỹ Thuật Tranh Mộc Bản Việt Nam).

      (5) CF.NXB Mỹ Thuật. Tranh Tượng Dân Gian Việt Nam. Hà Nội 1959.

      (6) Đề nghị xem lại bài thơ Chợ Tết của Đoàn Văn Cừ.

      (7) Tô Hoài. "Hồi Ức Tranh Tết". Giai Phẩm Xuân Tuổi Trẻ Tết Nhâm Ngọ 2002, trang 49.

      (8) Về nghề in mộc bản, như sách Thiền UUyển Tập Anh cho biết thì đã xuất hiện rất sớm, như vậy có lẽ vào khoảng cuối triều Lý giữa thời kỳ mà Phật Giáo đương phát triển cực độ. Tuy nhiên, trên phương diện thư tịch học, chúng ta cũng phải chú ý đến bộ Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí cửa Phan Huy Chú được xem là một bộ bách khoa toàn thư đầu tiên của Việt Nam lại ghi rằng: Ông tổ nghề này là Lương Như Họ, hiệu Tường Phu, người làng Hồng Liễu, huyện Gia Phúc (đời cổ gọi là Trường Tân, năm Hồng Thuận đời Lê đổi làm Gia Phúc, gần đây lại đổi làm Gia Lộc), phủ Hạ Hồng (sau này đổi là Ninh Giang), thuộc tỉnh Hải Dương. Đỗ Thám Hoa đầu tiên triều Lê, sau hai lần phụng mạng đi sứ Trung Quốc vào năm 1443 và 1459, thấy người Tàu khắc mộc bản, khi về nước đã bắt chước kỹ thuật học được ở nước ngoài mà dạy người trong làng in kinh sử. Dân làng Liễu Tràng cùng huyện cũng học nghề ấy và từ đấy về sau, ông được thờ làm tiên sư của nghề này.

      Sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư cũng cho biết thêm mấy sự kiện quan trọng. Năm Hưng Long thứ 3 (1295), vua Trần Anh Tông đã cho tiếp nhận bộ Đại Tạng Kinh và cho chép lại đề khắc in, đấy là quyển sách in đầu tiên được ghi rõ trong sử sách. Đến năm Hưng Long thứ 7 (1299) thêm 2 quyển sách được san định và ấn loát là Phật Giáo Pháp Sự Đạo Trường Tân VănCông Văn Cách Thức. Rất đáng tiếc là 2 quyền sách này đều đã thất truyền.

      Và chúng ta cũng cần nhớ, dưới đời Hồ (1400-1414), Hồ Quý Ly đã từng cho in tiền giấy Thông bảo hội sao, vẽ hình Rồng, Kỳ Lân, Rùa, Phượng Hoàng, hình sóng nước và rong biển, sự kiện này tỏ rõ là kỹ thuật in mộc bản lúc đó đã cao lắm rồi.

      Căn cứ vào các sử liệu trên, chúng ta thấy rằng nghề in mộc bàn tại nước ta, xuất hiện rất sớm vì nhu cầu ấn hành kinh Phật, nhưng mãi đến thế kỷ XV, sau những học hỏi của Lương Như Học tại Trung Hoa, nghề này mới phát triển mạnh do đòi hỏi ấn loát các kinh điển về Nho Giáo dưới đời Lê Thánh Tông, nghề này do thế mới bắt đầu canh tân và thay đổi để trở nên tinh vi hơn nhiều.


      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022


      Cùng Tác Giả

      Cùng Tác Giả:

       

      - Họa sĩ Victor Tardieu Huỳnh Hữu Ủy Nhận định

      - Họa sĩ Lê Văn Miến Huỳnh Hữu Ủy Nhận định

      - Vài Dáng Ngựa Trong Nền Mỹ Thuật Cổ Truyền Việt Nam Huỳnh Hữu Ủy Khảo luận

      - Đôi Nét Về Văn Cao Của Hội Họa Huỳnh Hữu Ủy Nhận định

      - Họa Sĩ Lê Văn Tài Huỳnh Hữu Ủy Nhận định

      - Họa Sĩ Bửu Chỉ Huỳnh Hữu Ủy Nhận định

      - Nguyễn Đăng Thường: Từ Văn Chương Đến Nghệ Thuật Tạo Hình Huỳnh Hữu Ủy Nhận định

      - Tình Tự Dân Tộc Và Dòng Thơ Kháng Chiến Huỳnh Hữu Ủy Nhận định

      - Tranh Khắc Gỗ Dân Gian và Các Tác Phẩm Văn Học Cổ Huỳnh Hữu Ủy Biên khảo

      - Nguyễn Đức Sơn: Một Đỉnh Thơ Kỳ Dị Và Cô Độc Huỳnh Hữu Ủy Nhận định

    3. Chuyên Mục Hội Họa (Học Xá) Ad-31 Ad-31 = QC_250-250 (Học Xá)

       

      Hội Họa

       

      William Alexander & Họa Phẩm Về Đàng Trong

      (Nguyễn Duy Chính)

       

      Họa sĩ và Nhiếp ảnh gia:

       

      Nhiếp ảnh gia:

      Nguyễn Cao Đàm, Trần Cao Lĩnh,

      Nguyễn Ngọc Hạnh, Hương Kiều Loan

       

      Trường Vẽ Gia Định (truongvegiadinh.blogspot)

       

      Link (Nhiếp Ảnh)
  2. © Hoc Xá 2002

    © Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com)