|
Nhật Ngân(24.11.1942 - 21.1.2012) | Phan Nhự Thức(4.2.1942 - 21.1.1996) | Trương Đình Quế(.0.1939 - 21.1.2016) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Thơ Văn Trần Yên Hoà & Bằng hữu
Khảo sát nền nghệ thuật Huế, chúng ta sẽ gặp thấy nơi đây biết bao nhiêu điều kỳ lạ, với một quần thể kiến trúc đồ sộ, với điêu khắc hội họa, khảm sành (mosaique), đúc đồng, tượng gỗ, tượng đá, đồ pháp lam, đồ sứ men lam, tranh thêu... đã tập hợp thành một di sản tinh thần vô giá của dân tộc. Giữa những di vật ấy, chín đỉnh đồng lớn (Cửu Đỉnh) đặt trước sân Thế Miếu trong Hoàng thành chắc chắn là những tuyệt tác nghệ thuật, hơn thế nữa còn có thể xem đấy chính là biểu tượng của nền văn hóa đặc sắc này.
Trước khi xem xét đến Cửu Đỉnh và những hình ảnh chạm khắc trên ấy, có lẽ chúng ta cũng nên biết qua về nghề đúc đồng ở Huế.
Suốt 3 thế kỷ nay, nghề đúc đồng được phát triển và đã tạo thanh một truyền thống lớn đáng kể. Từ thế kỷ 17, một người Bồ đào nha tên là Joao da Crus qui tụ nhiều thợ đúc Việt Nam, rồi lập một lò đúc đồng theo kiểu Tây phương ở làng Thọ Dực, gần đồi Long Thọ, thuộc ngoại ô kinh thành Huế, đã đúc nhiều súng lớn cho các Chúa Nguyễn. Trung tâm đúc đồng này ngày càng phát triển, thường được người địa phương quen gọi là Phường Đúc và đến nay vẫn còn hoạt động. Gắn liền với lịch sử và nghệ thuật Huế, Phường Đúc đã lưu danh cổ kim với những sản phẩm thường được nhắc nhở: những vạc đồng (vasques en broze), súng đồng, cổng đồng (portiques en bronze), nhũng con nghê đồng (Kim nghê, tức là một tên gọi khác theo tiếng Huế để chỉ con kỳ lân), chuông đồng, khánh đồng...
Các vạc đồng đều được đúc giữa thế kỷ 17, dưới thời Chúa Nguyễn Phúc Tần (l648-1687), hiện nay ớ Huế còn có 10 chiếc và để rải rác nhiều nơi như 2 chiếc trước điện Cần Chính trong Tử Cấm Thành (Cité pourpre interdite), một chiếc ở trong khuôn viên lăng Đồng Khánh. Mỗi chiếc vạc nặng khoảng 1500 kg, cao 1m84, đường kính 2m22, trên miệng vạc có 3 quai đúc theo hình sợi thừng bện lớn, trên thân vạc được trang trí những hình ảnh cây lá, hoa cỏ và thú vật. Mỗi vạc được đúc thường là vào một dịp trọng đại nào đó của chính quyền Đàng Trong, như để kỷ niệm một chiến thắng quân sự, một thắng lợi chính trị v.v...
Ở chùa Thiên Mụ hiện nay còn lưu giữ 2 văn vật bằng đồng rất danh tiếng là một Đại hồng chung nặng hơn 2.000 kg do Chúa Nguyễn Phúc Chu cho đúc để dâng cúng vào chùa năm 1710, một cái khánh đồng xuất hiện còn sớm hơn, đúc năm 1677 thời Chúa Nguyễn Phúc Tần, trên hai mặt khánh có khắc hình nhị thập bát tú rất mỹ thuật.
Sau khi thống nhất đất nước, vua Gia Long đã ra lệnh thu thập tất cả những vật liệu, khí mảnh bằng đồng của nhà Tây Sơn ở thành Phú Xuân để đúc thành 9 khẩu đại bác rất lớn; mỗi khẩu dài đến 5m20, nặng khoảng 10 tấn, có tên là Xuân, Hạ, Thu, Đông, Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ được nhà vua phong tước "Thần Oai Vô Địch Thượng Tướng Quân", nên cũng thường gọi là "Cửu Vị Thần Công". Chín khẩu Thần công này đặt ngay trước Hoàng thành, chính là để biểu tỏ uy quyền hiển hách của một triều đại vậy. Sau 9 khẩu thần công này, còn có hàng ngàn khẩu khác, dạng tương tự nhưng nhỏ hơn, cũng được đúc dưới thời Nguyễn, hiện nay chúng ta có thể gặp thấy đây đó như ở trước sân Di luân Đường (trường Quốc tử giám cũ), trước sân Viện bảo tàng Khải Định (nay là Nhà bảo tàng Mỹ thuật Huế).
Đề cập đến các sản phẩm bằng đồng thời Nguyễn thì, trước và sau hết, phải nói đến Cửu Đỉnh, bởi vì chính đây mới là đỉnh cao của nghệ thuật và kỹ thuật đúc đồng thời kỳ này.
Cửu Đỉnh được khởi đúc tư năm Minh Mạng thứ 16 (l835), đến năm 1837 mới hoàn tất, mỗi đỉnh mang tên chữ từ trong miếu hiệu các vua nhà Nguyễn, từ Thế Tổ Cao Hoàng đế trở xuống: Cao, Nhân, Chương, Anh, Nghị, Thuần, Tuyên, Dụ, Huyền, đặt trước sân Thế Miếu, ứng theo thứ tự các án thờ bên trong.
* Cao Đỉnh đặt ứng với án thờ Thế Tổ Cao Hoàng đế (vua Gia Long).
* Nhân Đỉnh đặt ứng với án thờ Thánh Tổ Nhân Hoàng đê (vua Minh Mạng).
* Chương Đỉnh đặt ứng với án thờ Hiển Tổ Chương Hoàng đế (vua Thiệu Trị).
* Anh Đỉnh đặt ứng với án thờ Dực Tông Anh Hoàng đế (vua Tự Đức).
* Nghị Đỉnh đặt ứng với án thờ Giản Tông Nghị Hoàng đế (vua Kiến Phúc).
* Thuần Đỉnh đặt ứng với án thờ Cảnh Tông Thuần Hoàng đế (vua Đồng Khánh).
* Tuyên Đỉnh đặt ứng với án thờ Hoằng Tôn Tuyên Hoàng đế (vua Khải Định).
* Dụ Đỉnh.
* Huyền Đỉnh.
Theo lề luật của nhà Nguyễn, các vua bị phế truất hoặc xuất bôn thì lúc chết vẫn chưa có miếu hiệu. Vì vậy, các vua Hàm Nghi, Thánh Thái, Duy Tân là phế đế và xuất đế, bị Pháp lưu đày rồi qua đời ở đất khách, riêng vua Thành Thái về sau thì được phép hồi hương và chết ở miền Nam, mặc dù bài vị của những vì vua ái quốc này đã được dưa về thờ ở Thế Miếu nhưng vẫn không được đặt ứng với Dụ Đỉnh và Huyền Đỉnh. Cũng nên biết thêm, bài vị vua Hàm Nghi và Thành Thái được rước về thờ ở đây dưới thời chính phủ Ngô Đình Diệm và vua Duy Tân thì mới được đưa về gần đây vào năm 1987.
Triều Minh Mạng là thời kỳ đất nước Việt Nam thống nhất hùng mạnh, lãnh thổ vững chãi, đầy uy thế với lân bang. Có lẽ bất kỳ ai cũng đều thấy rõ: vị Hoàng đế của thời kỳ này là một người tuyệt đối theo Khổng giáo và là một nhà bác học thông tuệ của xứ sở (1). Cho nên rất dễ hiểu là cùng với đền đài cung điện đẹp đẽ, tráng lệ được xây dựng. nhà vua cho đúc Cửu Đỉnh, có lẽ phần nào cũng bắt chước vua Hạ Vũ - Hoàng đế Trung hoa xưa - lấy kim khí từ chín châu, đúc Cửu Đỉnh tượng trưng cho chín châu, làm vật báu của nước để truyền lại đời sau. Đặc biệt nhất là để xác định đế quyền của dòng họ trước Trời, Đất và Người. Vẻ đồ sộ, uy nghiêm do hình dáng và sức nặng của đỉnh biểu hiện sự bền vũng lâu dài của triều đại, trong cách nhìn của chế độ phong kiện thì chính đấy cũng là tượng trưng thiêng liêng của sinh mệnh Tổ quốc.
Phái tưởng tượng đến cách làm việc của những người thợ đúc, mới thấy được công trình này vĩ dại như thế nào: đúc mỗi đỉnh phải dùng 60 lò nấu đồng góp lại, mỗi lò chỉ nấu chảy được từ 3 đến 4 chục kí-lô, khuôn để lật ngược, đồng đổ vào một chân đỉnh. Đúc xong đỉnh rồi sẽ gắn thêm đôi quai và các hình chạm nổi. Các hiệp thợ hàng trăm người được huy động, làm việc liên tục trong ba năm và phải sử dụng một khối lượng đồng thau nặng đến hơn 20 tấn để hoàn tất công trình này (2).
Trên mỗi đỉnh đều có ghi trọng lượng, mỗi đỉnh nặng từ 2 đến 2.5 tấn, theo Khâm định Đại nam hội điển sự lệ, trọng lượng và kích thước của các đỉnh như sau:
- Cao Đỉnh nặng 4.307 cân ta, cao 5 thước 5 phân, miệng rộng 3 thước 3 tấc 5 phân.
- Nhân Đỉnh nặng 4.160 cân ta, cao 4 thước 7 tấc 5 phân, miệng rộng 3 thước 3 tấc 3 phân.
Các đỉnh sau đây cao và rộng như Nhân Đỉnh:
- Chương Đỉnh nặng 3.472 cân ta
- Anh Đỉnh nặng 4.261 cân ta
- Nghị Đỉnh nặng 4.206 cân ta
- Thuần Đỉnh nặng 3.229 cân ta
- Tuyên Đỉnh nặng 3.421 cân ta
- Dụ Đỉnh nặng 3.341 cân ta
- Huyền Đỉnh nặng 3.201 cân ta
Một cân ta bằng chừng 0kg600, một thước ta bằng 0m40 (3).
Kinh Vĩnh Tế, Cao Đỉnh
Ngoài mấy điểm vừa đề cập ở trên, Cửu Đỉnh ở Huế ngày nay đã là một vết tích lớn của nền văn hóa, nghệ thuật dân tộc có lẽ do chính hiệu quả sâu sắc của những hình chạm khắc trên đó. Trên chín đỉnh đồng vĩ đại này, chúng ta sẽ thấy 162 hình ảnh tinh xảo, phân bố đều cho các đỉnh, mỗi đỉnh chứa đựng 18 hình ảnh chạm khắc nổi, tập hợp thành một bức tranh toàn cành tươi đẹp của tổ quốc Việt Nam, là một bức tranh hoành tráng rất hiện thực nhưng lại bắt sâu vào phần thiêng liêng của sông núi, tạo nên một vẻ đẹp hài hòa kỳ diệu, theo một cách nói nào đó thì các đỉnh tạo thành một bản tài liệu biểu tỏ kiến thức bách khoa của các vị nho sĩ thông thái trong triều đình Huế năm 1835, tài liệu còn nguyên vẹn dưới mắt chúng ta trong khi những tài liệu khác hoặc đã bị tiêu hủy hoặc đã bị nhiều phần sai lạc (4). Đấy là hình ảnh trời, đất, trăng, sao, các hiện tượng thiên văn, khí tượng, các thực thể địa lý quan yếu trong nước như sông, núi, biển, đèo, các động vật, thực vật, chim chóc, hoa lá, những vật thể gắn liền với cuộc sống như xe cộ, ghe thuyền, binh khí. Tất cả những hình ảnh ấy đã gắn bó bền chặt cùng nhau, cả trên bề mặt lẫn chiều sâu, có khi là tiêu biểu của vẻ đẹp vương giả, cung đình nhưng có khi lại rất dân gian, thân thuộc với cuộc sống ngoài chốn đồng nội, thảo dã.
Chúng ta hãy thử liệt kê tất cả các hình ảnh ấy ở đây.
Cây Ngô Đồng, Nhân Đỉnh
Trên Cao Đỉnh có hình tượng con rồng, chim trĩ, bông tử vi, củ hành, cây lúa, cây mít, núi Thiên Tôn (Thanh Hóa), sông Bến Nghé, mặt trời, kinh Vĩnh Tế, biển Đông, cây gỗ lim, con ba ba, cây trầm, con cọp, súng đại bác, thuyền nhiều dây (đa tác thuyền, trois~mâts).
Trên Nhân Đỉnh là tập họp các hình tượng: cây ngô đồng, chim công, hoa sen, cây bòn bon, lúa nếp, gỗ kỳ nam, núi Ngự Bình, sông Hương, mặt trăng, sông Phả Lại (con sông đào phía đông nam thành Huế), biển Nam Hải, cá voi, con đồi mồi, con beo, súng đại bác đặt trên bánh xe (luân xa pháo), thuyền có tầng lầu (lâu thuyền), cây rau hẹ.
Trên Chương Đỉnh có hình ảnh: con gà trống, bông lài, rau kiệu, cây đậu xanh, quả đậu khấu, cây xoài, biển Tây, sông Gianh, Ngũ hành tinh (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ), sông An Cựu, núi Thương Sơn (gần Huế), cây bồ hòn, tê giác, súng điểu thương, thuyền chiến, cá sấu, rùa thiêng.
Chim Hạc, Anh Đỉnh
Trên Anh Đỉnh là các hình ảnh: con ve, bông hồng, chim hạc, cây cau, cây nghệ, cây tô hợp (styrax), núi Hồng Lĩnh, sông Lô, sao Bắc đẩu, sông Mã, sông Ngân hà (voie lactée), con ngựa, cây thị, con trăn, đạn bươm bướm (hồ điệp tử, boulet chainé), lá cờ, cây dâu.
Trên Nghị Đỉnh: cây mai, con đuông dừa, hoa hải đường, cây đậu ván, cây quế, cây huỳnh đàn, cửa biển Thuận An, sông Bạch Đằng, sao Nam đẩu, sông Vàm Cỏ, cửa ải Quảng Bình, cá tràu (cá lóc), con voi, chim uyên ương, thuyền đi biển, cây giáo, cải bẹ xanh.
Chim Hoàng Anh, Thuần Đỉnh
Trên Thuần Đỉnh: cây đào, chim hoàng oanh, hoa quỳ (hướng dương), cây đậu nành, rau húng, cỏ sa nhân, cửa biển Cần Giờ, sông Thạch Hãn, gió, sông đào Vĩnh Định (Quảng Trị), núi Tản Viên, cá rô, con bò tót, gỗ sao, thuyền đua, lưỡi gươm, con trai.
Trên Tuyên Đỉnh có các hình ảnh: chim két, cây trắc bá, cây đậu phụng, hoa sói, cây nhãn, tổ chim yến, sông Lam (Nghệ An), núi Đại Lĩnh (giữa Phú Yên và Khánh Hòa), đám mây, sông Hồng, núi Duệ (phía đông nam Huế), con sam, con vích, con lợn, chiếc thuyền với 6 cặp tay chèo, cái nỏ, cây gừng.
Trên Dụ Đỉnh: chim anh vũ, cây thông, cây dâm bụt (ketmie), cây đậu trắng, cây trầu, cây lê, cửa biển Đà Nẵng, sông Vệ (Quảng Ngãi), sấm chớp, sông Vĩnh Điện (Quảng Nam), cửa ải Hải Vân, con cá núc, con dê, con hến, cây phạng (faux de combat), thuyền ô, cây tía tô.
Cây Vải, Huyền Đỉnh
Trên Huyền Đỉnh: cây mộc lan (magnolia), chim đầu sói (marabout), cây bông vải, cây nam sâm, cây tỏi, trái vải, sông Thao (Việt Trì), núi Hoành Sơn (giữa Hà Tĩnh và Quảng Bình), cơn mưa, sông Tiền sông Hậu, cầu vồng (arc-en-ciel), con cà cuống, con lộc mã (cerf hybride), cây nhựa sơn, súng phun lửa, con mãng xà, xe tứ mã.
Xem qua những chạm khắc trên, có lẽ tất cả chúng ta dễ dàng đồng ý rằng chính đây là một cuộc triển lãm bao gồm những tác phẩm mỹ thuật rất tinh tế với nhiều kỹ xảo, tinh thần khoa học, lại xây dựng trên đời sống trí tuệ và tâm linh của cả một dân tộc mà cho đến ngày nay giá trị ấy càng được xác định hơn. Tâm hồn của đất nước truyền thống hiển hiện tài tình qua một số phạm trù: vũ trụ, thiên nhiên, lịch sử, tất cả đã tập họp cùng nhau để ngợi ca tổ quốc hoa gấm, nước biếc non xanh giàu đẹp vững bền. Những hình ảnh được lựa chọn từ khắp ba miền đất nước, rất cụ thể và hiện thực mà lại cũng là rất thiêng liêng, chúng ta dễ dàng cảm được ở đây cái tinh anh, tú khí của một nước Đại Nam thống nhất và thịnh vượng.
Như đánh giá của một nhà nghiên cứu về Huế: Cửu Đỉnh là kiệt tác của nghệ thuật và kỹ thuật đúc đồng Việt Nam vào thế kỷ XIX tại Huế, cũng là mẫu mực về sự chan hoà giữa nghệ thuật chính thống và nghệ thuật dân gian. Có thể xem đây là thành tựu vượt bực của văn hóa Phú Xuân, một sáng tạo kỳ diệu của văn hóa nghệ thuật Việt Nam truyền thống (5). Ý kiến này khá xác đáng, xem xét kỹ bộ Cửu Đỉnh vĩ đại, chúng ta sẽ thấy rằng đây không phải chỉ là sản phẩm của tầng lóp quý tộc phong kiến mà đúng là một công trình chung của dân tộc, là một thành tựu do nhiều người góp sức vào, của nhà cầm quyền, giới trí thức, những nhà nghệ sĩ tạo hình và của biết bao nhiêu người thợ khéo đến từ nhiều nơi.
Nếu người chủ xướng công trình là vua Minh Mạng (1820-1840) thì phải công bằng mà nói, chúng ta phải nhìn nhận là cách nhìn của nhà vua rất phóng khoáng, cởi mở, có một cái nhìn bao trùm lên toan giang sơn cẩm tú, chứ không chỉ hẹp hòi trong vẻ đẹp thanh tao vương giả và những biểu tượng cung đình cứng nhắc. Thế cho nên, bên cạnh hình tượng con rồng uy nghi, bên cạnh vầng nhật nguyệt và những chòm sao thiêng liêng, cạnh móng cầu vồng bảy sắc rạng rỡ kỳ lạ trên bầu trời, cạnh những giống chim quý như trĩ mà có nhà nghiên cứu cho là tiền thân của loài phượng hoàng phương đông (chim trĩ có tên khoa học là Rheinardia Ocellata chỉ sống ở triền núi phía đông dãy Trường Sơn), cao nhã như chim hạc, lộng lẫy như chim công, kiểu cách như anh vũ, vàng anh, chúng ta bắt gặp những hình ảnh dân giả biết bao như những con cá rô, cá tràu, con heo, con đuông dừa, con sam, con cà cuống, củ hành, củ nghệ, rau tía tô, rau húng, bụi rau hẹ, cây lúa, cây đậu phụng.
Cạnh sản vật và phong thổ tự nhiên là những công trình lao động sáng tạo của nhân dân như kinh Vĩnh Tế là một điển hình đặc sắc. Con kinh đào nối liền Châu Đốc-Hà Tiên với số nhân công trên 80 ngàn người, với bao nhiêu gian khổ hy sinh, phải lao nhọc dai dẳng trên 5 năm trời để được như sách Đại Nam Nhất Thống Chí nhận xét: "Từ ấy đường sông lưu thông. Từ kế hoạch trong nước, việc phòng giữ ngoài biên cương cho tới sinh hoạt buôn bán của nhân dân đều được tiện lợi vô cùng" (6).
Vừa nhắc tới con kinh Vĩnh Tế, chúng ta rất dễ liên tưởng đến biết bao nhiêu dòng sông khác, rồi cùng với kinh đào, sông đào do con người góp sức kiến tạo, họp nhau lại mà tạo thành một hệ thống sông nước trên toàn xứ sở, đôi lúc cũng hùng tráng, lắm khi thơ mộng, đẹp đẽ và thuận lợi vô cùng cho cuộc sống. Phải luôn nhớ rằng Việt Nam là tụ điểm của ba con sông lớn nhất Á Châu: Dương Tử, Hồng Hà, Cửu Long, chúng ta được thừa hưởng một cuộc sống phong túc, một nền văn hóa phong phú, đẹp đẽ trên bờ những dòng sông lớn nhỏ. Trên Cửu Đỉnh không quên điều đó, sông và núi là xương cốt và da thịt của tổ quốc thì riêng về sông, chúng ta bắt gặp hình bóng của sông Bến Nghé, sông Hương, sông Phả Lại (sông đào phía Tây thành Huế), sông Gianh, sông An Cựu, sông Lô, sông Mã, sông Bạch Đằng, sông Vàm Cỏ, sông Thạch Hãn, sông đào Vĩnh Định (Quảng Trị), sông Lam, (Nghệ An), sông Hồng, sông Vệ (Quảng Ngãi), sông Vĩnh Điện (Quảng Nam), sông Thao (Việt Trì), sông Tiền sông Hậu. Ở đây là chín con rồng vùng vẫy trên sông Tiền sông Hậu, là phù sa cuồn cuộn tô bồi cho châu thổ Hồng Hà, là dòng Hương thom ngát mà một thời nào đã qua Cao Bá Quát còn thấy nó như dáng đứng của một thanh kiếm dựng giữa trời xanh (Trường giang như kiếm lập thanh thiên). Là Bạch Đằng giang hào khí ngất ngây, sông Gianh uất hận chưa nguôi, sông Lô hùng tráng của một thời kháng Pháp, là "sông Mã gầm lên khúc độc hành."
Trong chiều hướng như đã nhìn thấy ở trên, chúng ta có thể lần lượt phân tích tất cả 162 hình ảnh trên Cửu Đỉnh để thấy được cái đẹp đẽ dàn trải mênh mông khắp nơi, vừa rất hiện thực mà lại vừa đầy tính biểu tượng của đất nước thân yêu tươi đẹp. Cảm động và tự hào biết bao khi đứng trước một di sản tôn quý và thiêng liêng như thế của ông cha, chắc chắn nó sẽ góp thêm một phần vào sức mạnh tiềm tàng của xứ sở trước ngưỡng cửa của cuộc sống hôm nay và cả ngày mai.
Chú thích:
(1) "Một người tuyệt đối theo Khổng giáo và nhà bác học" để chỉ vua Minh Mạng là chữ dùng của giáo sư Georges Condominas khi đề tựa cho tập luận án tiến sĩ đệ tam cấp "Nước Đai Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa" của Yoshiharu Tsuboi. CF. Bản dịch của Nguyễn Đình Đầu, Ban Khoa Học Xã Hội Thành Ủy T.P Hồ Chí Minh xb năm 1990.
(2) Tham khảo:
- Cố Đô Huế của Thái Văn Kiểm. Phần viết về Thế Miếu, trang 53-55. Văn Hóa Tùng Thư, Bộ Quốc Gia Giáo Dục xb năm 1960.
- Chín cái đỉnh lớn ở Huế, báo cáo của Lê Văn Hảo trong Những phát hiện về Khảo cổ học năm 1979, trang 241-243, Viện Khảo Cổ Học xuất bàn.
Ở đây, chúng tôi thấy có một điểm cần lưu ý, là nhiều tác giả từ trước đến nay vẫn cho rằng các hình chạm khắc được gắn vào thân đỉnh khi đỉnh đã được đúc xong. Tuy nhiên, theo ông Mai Khắc Ứng, một nhà nghiên cứu về Huế hiện đang ở Huế thì sau nhiều thời gian quan sát và nghiền ngẫm tại chỗ, ông tin chắc rằng những mảng chạm khắc này phải được đúc cùng một lượt với thân đỉnh. Ông Ứng có công bố một bài viết về vấn đề này trên tạp chí Sông Hương khoảng năm 1988, tiếc là chúng tôi hiện không có số báo ấy trong tay để ghi chú rõ ở đây.
(3) Thái Văn Kiểm trích dẫn theo sách Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ, sđd, trang 55.
(4) R. P. Barnouin. Les bas-reliefs des urnes dynastiques de Huế. B.S.E.I, 3e trimestre, 1974.
(5) Lê Văn Hảo, Huế giữa chúng ta, Nxb Thuận Hóa, 1984.
(6) Dẫn theo Thoại Ngọc Hầu và cuộc khai phá miền Hậu Giang của Nguyễn Văn Hầu, chương Đào Kinh Vĩnh Tế Hà. Hương Sen xb, Saigon, 1972.
- Họa sĩ Victor Tardieu Huỳnh Hữu Ủy Nhận định
- Họa sĩ Lê Văn Miến Huỳnh Hữu Ủy Nhận định
- Vài Dáng Ngựa Trong Nền Mỹ Thuật Cổ Truyền Việt Nam Huỳnh Hữu Ủy Khảo luận
- Đôi Nét Về Văn Cao Của Hội Họa Huỳnh Hữu Ủy Nhận định
- Họa Sĩ Lê Văn Tài Huỳnh Hữu Ủy Nhận định
- Họa Sĩ Bửu Chỉ Huỳnh Hữu Ủy Nhận định
- Nguyễn Đăng Thường: Từ Văn Chương Đến Nghệ Thuật Tạo Hình Huỳnh Hữu Ủy Nhận định
- Tình Tự Dân Tộc Và Dòng Thơ Kháng Chiến Huỳnh Hữu Ủy Nhận định
- Tranh Khắc Gỗ Dân Gian và Các Tác Phẩm Văn Học Cổ Huỳnh Hữu Ủy Biên khảo
- Nguyễn Đức Sơn: Một Đỉnh Thơ Kỳ Dị Và Cô Độc Huỳnh Hữu Ủy Nhận định
William Alexander & Họa Phẩm Về Đàng Trong
(Nguyễn Duy Chính)
Họa sĩ và Nhiếp ảnh gia:
Nhiếp ảnh gia:
Nguyễn Cao Đàm, Trần Cao Lĩnh,
Nguyễn Ngọc Hạnh, Hương Kiều Loan
Trường Vẽ Gia Định (truongvegiadinh.blogspot)
Nhớ Thầy (Thu An)
Nhiếp Ảnh Gia Nguyễn Cao Đàm, Bóng Tối Và Ánh Sáng (Nguyễn Ngọc Dung)
Nguyễn Cao Đàm, Người thầy của nhiều thế hệ nhiếp ảnh Việt Nam (cbs.com)
Vinh danh và ngưỡng mộ (hoivietanh.net)
Ảnh Trần Cao Lĩnh (vnthuquan.net)
Sài Gòn 1950-1975 (SafeShare.TV)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |