|
Duy Thanh(11.8.1931 - 24.11.2019) | Tuệ Sỹ(15.2.1943 - 24.11.2023) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Hồi tưởng những năm tháng êm đềm xưa cũ, ngày Tết quả thực rực rỡ vui tươi với hội hè đình đám khắp nơi, từ trung tâm của cả nước là kinh thành đến các nơi đô hội sầm uất, cho đến các thôn làng xa xôi, từ miền đồng bằng, trung du, đến các vùng rẻo cao hẻo lánh.
Trên bức "Du Xuân đồ" của làng tranh Đông Hồ mô tả cảnh hội xuân, chúng ta cũng đã từng đọc thấy mấy dòng phụ chú:
Thái bình mở hội xuân
Nô nức quyết xa gần
Nhạc dâng ca trong điện
Trò thưởg vật ngoài sân.
Đó chỉ mới là đôi nét gợi ý với lễ nghi truyền thống, tế tự, âm nhạc, vũ thuật. Chúng ta có thể kể ra vô số lễ thức, tập tục, trò vui chơi ngày Tết, trên bộ dưới nước, như thổi cơm thi, thi dệt cửi, thi cày, thi cấy, đánh cờ người, đấu vật, đấu gậy, đấu kiếm, kéo co, đua thuyền, đánh đu, hát quan họ, hát ả đào, bài tới, bài chòi, bịt mắt bắt dê, bắt trạch, đánh phết, tung còn, múa mo, hát sắc bùa...
Mùa xuân của đất nước sống nhờ nghề nông quả là mùa của nghỉ ngơi, vui chơi, bù đắp cho quanh năm suốt tháng lao nhọc vất vả, thức khuya dậy sớm với việc nông tang:
Tháng giêng ăn Tết ở nhà
Tháng hai đình đám, tháng ba hội hè
Nhà nghiên cứu văn hóa và cổ sử Nguyễn Toại đã nhận định khi nhớ lại hội hè đình đám xưa:
"Đình đám hội hè diễn xa tại các làng nước ta từ cổ thời. Đình đám hội hè bao gồm đủ cả các việc tế lễ, rước sách, để thờ thần và các trò chung gọi là "bách hí" để cho dân xem, dân dự, để dân có dịp vui vầy trong mùa xuân vào lúc việc đồng áng có phần rỗi rãi. Quanh năm làm lụng vất vả, đầu tắt mặt tối, chân lấm tay bùn, chỉ có hội hè mùa xuân là người dân ta mới có dịp trông thấy mũ áo, cờ quạt, vẻ màu rực rỡ; có dịp nghe thấy trống kèn đàn sáo, vui tai, vui mắt và bản thân mới có dịp mặc quần lành áo tốt mà khoe xinh khoe đẹp với xóm giềng.
Nói đến đình đám, là nói đến việc họp ở đình. Có đình thì mới có đám. Đám là tụ họp, là tế lễ, là ăn uống, là trò vè...
Mọi sự tế lễ hội hè tại mỗi làng trong mùa xuân thường diễn ra ở đình, ở trung tâm đó, mọi việc cử hành đều có chủ đích là thờ thần" (1).
Như vậy, chung quanh ngôi đình, trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng của làng xã Việt Nam xưa, chúng ta thấy pha trộn nhiều màu sắc và hình ảnh rực rỡ tươi thắm vào những ngày tết đến. Tín ngưỡng, thần linh và tập tục vui chơi hòa trộn vào nhau. Ở bên trong ngôi đình là nơi dân làng thờ thần, các vị phúc thần, thần nhà trời, thần sông, thần biển, thần núi, cũng có thể là nhân thần tức là những người lúc sinh thời có nhiều công lao với đất nước, hoặc cũng có nơi những vị thần này chính là người bản quán của làng, khai canh ra làng hay đã góp nhiều công đức tô bồi cho làng. Ở bên trong đình là hương khói và tế lễ, bước ra ngoài sân là cờ xí ngũ sắc tung bay với những trò chơi dân dã. Chúng ta thấy những đám tụ tập chơi bài bạc mà tranh dân gian cũng đã ghi nhận và chép lại trông thực vui mắt với cảnh xóc dĩa, đánh lú, đánh xúc xắc, hoặc đánh tổ tôm điểm.
Chúng ta hãy chú ý đến hai bức tranh được ước đoán là đã được vẽ mẫu rồi sản xuất hàng loạt từ đầu thế kỷ, thực hết sức linh hoạt với cảnh tượng bịt mắt bắt dê, đu đôi bắt trạch. Hai người tham dự cuộc chơi, trên mình mang chiếc áo lá chàằm tơi, nơi chân đeo cái chuông nhỏ, đang quờ quạng đuổi bắt con dê. Trên mình con dê cũng khoác cái tơi lá và cột cái chuông nhỏ ở cổ. Người tham dự trò chơi phải bịt mắt lại và chỉ nghe theo tiếng chuông leng keng và tiếng sột soạt của cái áo tơi lá mà đuổi bắt con dê. Tiếng leng keng từ cái chuông nhỏ trên mình dê nghe rất vui tai, thêm vào đó, trong vòng vây để chơi còn có đào một cái hố, nên khi mò mẫm vồ bắt con dê, người đuổi bắt có thể sụp vào cái hố bất thần, gây thêm nhiều tiếng cười dòn cho ngày hội xuân càng thêm rộn rã.
Bức đu đôi bắt trạch là một cảnh tượng linh hoạt gợi ngay được những ngày hội hè xưa cũ. Ở một góc tranh vẽ hai người nam nữ đang vừa ôm nhau vừa bắt trạch. Họ cùng thò tay vào trong cái chum để bắt con trạch trơn trợt. Chỉ thò một tay vào chum, tay kia có thể làm một vài cử chỉ tinh nghịch hồn nhiên mà người tham dự trò chơi ở chung quanh cũng dễ đồng tình. Phần chính của bức tranh vẽ một đôi trai gái đang cùng dún mình trên chiếc bàn đu, khi người này dún thì người kia ngưng, bên dún bên thả, và càng dún thì đu càng lên cao từng nhịp vun vút.
Dún mình như thể dún đu
Càng dún càng dẻo, càng đu càng mềm
(Ca dao)
Cây đu có thể nói là một biểu tượng của mùa xuân dân tộc. Không hội xuân của một làng quê nào ở Bắc Bộ mà lại thiếu bóng dáng lành mạnh thanh nhã và tình tứ của cây đu. Nữ Sĩ Hồ Xuân Hương ghi nhận bức tranh Xuân ấy với chữ và nghĩa thực hết sức tài tình và tinh tế, rất giản dị nhưng quả là đã đạt đến cao điểm của nghệ thuật ngôn từ.
Trai đu gối hạc, khom khom cật,
Gái uốn lưng ong, ngửa ngửa lòng,
Bốn mảnh quần hồng bay phất phới,
Hai hàng chân ngọc duỗi song song.
Đôi trai gái dún đu đang bay bổng trên không trung, chiếc áo the của anh trai làng như đang quấn quít với dải áo cánh sen, lá mạ hay nâu non của người thiếu nữ. Trên đỉnh cột đu thường thì bao giờ cũng co hai lá cờ đuôi nheo bay phất phới, như mừng vui với các đôi trai gái phơi phới tuổi xuân, nồng nàn sức sống.
Bàn đu theo đà nhún mà bổng lên cao, cao dần; theo nhịp điệu chân tay đều đều mà lên thực mạnh, rồi lên ngay gần ngọn đu. Người nhún đu khi bay ngang với ngọn đu thì sẽ ngưng nhún, mặc cho bàn đu vẫn chuyển động, đưa từ ben này sang bên kia, và rồi đu sẽ từ từ hạ xuống.
Chính khi bay ngang ngọn đu, người nhún đu sẽ với tay để giật giải thưởng được cột trên chiếc sào ngang, trong tiếng hoan nghênh cổ vũ của mọi người. Giải thưởng thường rất đơn giản, chỉ là vài thước nhiễu điều, nhiễu hoa hiên, mấy chục quả cau chum chum với gói chè tàu, nhưng hết sức hào hứng, rạo rực khi giật được giải giữa bầu trời xuân. Đánh đu là một nghệ thuật, vì phải dún cho thực đẹp, bắt mắt, thanh nhã, mà cũng là một môn thể thao dân tộc để rèn luyện sức khỏe, đòi hỏi người tham dự phải có tinh thần và thể lực tốt. Những đôi nam nữ trai gái đua tài đua sắc trước đông đảo bà con của làng xã, rồi sau những ngày hội xuân không biết đã có bao nhiêu cặp dún đu chung ấy đã thành vợ thành chồng.
Đánh đu và bắt trạch không những chỉ là trò vui chơi, mà rõ ràng cũng chứa đựng ý nghĩa của hẹn hò, trao duyên trai gái. Dưới ánh sáng dân tộc học, chúng ta cũng dễ nhận ra ở đấy dấu vết mờ nhạt của tín ngưỡng phồn thực, cầu cho sự sinh sôi nảy nở vào những thời xa xưa của sơ sử (2).
Chúng ta vẫn nhắc đến mấy tấm tranh dân gian có ghi những hoạt cảnh hội hè đình đám ngày tết. Ngoài tranh dân gian, chúng ta cũng có thể tìm lại các đề tài này trên một chất liệu khác, mạnh mẽ và sẽ gây được nhiều thích thú hơn là những mảnh chạm khắc đục đẽo nơi các đình làng đền miếu từ một vài thế kỷ trước còn lưu lại đến ngày nay.
Hãy thưởng lãm bức chạm khắc một cảnh đua thuyền ở đình Cam Đà, huyện Ba Vì, Hà Nội, khoảng thế kỷ 17-18. Dáng thuyền có hình cong cong như một chiếc thuyền rồng, phía đằng trước là một người ngồi để điều khiển toàn bộ cuộc bơi chèo, phía đằng sau là một người khác đang cầm giữ bánh lái, phần giữa là các người tham dự cuộc đua đang ra sức bơi mái chèo để đẩy chiếc thuyền vun vút đi tới. Thực hết sức linh hoạt và sống động. Tính điển hình trong cách tạo hình ở đây rất đặc biệt, không chú ý chút nào đến các chi tiết mà chỉ còn là nét phác vẽ tổng thể để gợi ý, với hình khối, đường cong và đường thẳng hòa hợp rất mạnh. Cách tạo hình dễ làm chúng ta liên tưởng đến các hình ảnh và hoa văn trang trí trên các trống đồng từ thời Hửng Vương, mà từ đó chúng ta cũng đã từng suy luận là người Việt cổ chèo thuyền rất giỏi, biết vận dụng thủy binh tinh nhuệ, và để phù hợp cũng như khích lệ cuộc sống sông nước ấy là những cuộc đua thuyền tổ chúc hàng năm vào những ngày hội, ngày tết. Trong lịch sử dân tộc, đua thuyền là trò chơi ngày xuân nhưng cũng là cách luyện tập quân sĩ chiến đấu trên sông nước. Ngày nay, chúng ta còn tìm thấy hình ảnh về những cuộc đua thuyên trên nhiều con sông và ao hồ lớn ở nhiều nơi khắp nước. Như ỏ hồ Hoàn Kiếm, Bảy Mẫu, Hồ Tây ở Hà Nội, trên sông xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, Bình Trị Thiên, trên dòng sông chảy qua làng Sình ở Huế...
Chúng ta thử xem một bức chạm khắc khác mô tả cảnh tượng một buổi hát ả đao. Các nhân vật được đục đẽo nổi bật lên trên một tấm ván ngang, hẹp và dài. Hai người nghệ sĩ trình diễn đang say mê và duyên dáng chơi đàn và sáo. Đào nương ăn mặc chải chuốt, mang hoa tai, vấn khăn trùm mái tóc, tay mang vòng trang sức, đang thanh nhã mời nước quan viên. Người quan viên tham dự cuộc hội diễn thì đang phe phẩy chiếc quạt trông thư thái và phong lưu. Để bố cục cho đầy bề rộng của bức chạm khắc, tác giả đặt vào giữa hai nhân vật đang chơi đàn sáo một cái tráp đồ nghề của ban nhạc, phía bên trái của người chơi sáo là pho tượng con kỳ lân. Tất cả đều đầy đặn, đúng như cách bố cục dân gian xưa nay. Tất cả đều được cách điệu. Phải nhận là khá sống động, rất đẹp, và rất gần với cách tạo hình hiện đại. Có phải chính cái mộc mạc, giản dị mà chắc khỏe ấy đã gây được nhiều hứng thú cho chúng ta, gần gũi với chúng ta, mặc dù đó là sản phẩm của những người nghệ sĩ không để lại chút tên tuổi nào cách đây đã hơn ba thế kỷ.
Chọi trâu. Gỗ, nửa sau thế kỷ XVII. Đình Liên Hiệp, Quốc Oai, Hà Tây. Bảo Tàng Mỹ Thuật Việt Nam
Trong cùng cách ghi nhận đó, chúng ta dễ dàng tìm lại những hình ảnh hội hè đình đám xưa, những cổ tục và trò chơi ngày tết qua các chạm khắc đình làng khác, như nơi trò chơi chồng người (đình Tây Đằng, Hà Tây, thế kỷ XVI), Đá cầu (Thố Tang, Vĩnh Phú, thế kỷ XVII). Người múa (Đình Thổ Hà, Hà Bắc, thế kỷ XVII), Chọi gà (Đình An Hòa, Nam Hà, nửa sau thế kỷ XVII), Chọi trâu (Đình Liên Hiệp, Hà Tây nửa sau thế kỷ XVII)...
Chọi gà. Gỗ, nửa sau thế kỷ XVII. Đình An Hòa, Thanh Liêm, Nam Hà.
Bảo Tàng Mỹ Thuật Việt Nam
Nhớ lại đình đám hội hè, hình ảnh tổng thể bao giờ cũng là một tập hợp của những màu sắc thực ấm áp. Đời sống ấy ngày nay đã thay đổi nhiều; với lớp ngươi khoảng trên sáu, bảy mươi tuổi, có lẽ bất kỳ ai cũng có thể gợi lại ít nhiều nơi ký ức mình những ngày đẹp đẽ đã mất ấy.
Trung tâm cửa đình đám là ngôi đình, nhưng cũng cần để ý thêm là bên cạnh đình còn có chợ. Chợ có thể ở gần đình, hay xa đình, thì cũng đều là những trung tâm chủ yếu của làng mạc, thôn xã một thời đã qua. Có dịp khảo sát lại các sinh hoạt ấy, kể như chúng ta đã nắm được nhiều phần của lề thói và tập tục xưa. Trò chơi, cờ xí, âm nhạc và màu sắc rộn ràng quanh sân đình, đầu ngõ xóm hay nơi sân chợ quả là tưng bừng, đầm ấm vào mấy ngày tết nhất.
Góp thêm vào bảng màu linh hoạt ấy là đồ chơi của trẻ con. Thử đọc lại đoạn văn sau của một người rất am hiểu về những hình thái sinh hoạt của đất Thần Kinh thuở trước, chép lại vài nét về một góc chợ tết Gia Lạc của Huế xưa, một khu chợ chỉ họp vào ba bữa tết, thực sự không phải là để mua bán mà cốt làm nơi giải trí, vui chơi, đờn ca xướng hát, đánh bài bạc nho nhỏ như bài vụ, bài chòi, hát rao thai..., và các cụ, các bà, các cô thì có dịp khoe chút màu sắc tươi thắm nơi áo quần đỏ điều, nguyệt bạch, hồng hồng lục lục, hoa lý, hoa cà, nói tắt lại đây chính cũng là một hội xuân đặc biệt ở chốn kinh sư:
"Có những đồ chơi trẻ con, cách đây hơn nửa thế kỷ, ngày nay có lẽ không còn ai sản xuất. Những con tu huýt bằng đất, những cái chong chóng, cái lùng tung bằng giấy ngũ sắc vừa đẹp mắt vừa vui tai, nửa xu một cái, trẻ em sẵn tiền lì xì tha hồ chọn lựa. Tượng hình thú vật, như rồng cọp ngựa voi, chim cá, quả bồng, trái phật thủ bằng bột sắn, tô màu rực rỡ, là những thứ đồ chơi người lớn thường mua cho trẻ em. Đồ chơi được con nít thèm thuồng nhất là con gà bằng đất, cũng tô màu sặc sỡ khá đẹp, có tiếng gáy nhờ cái "lưỡi gà" gắn nơi mỏ hay sau đuôi, phát ra tiếng gáy te-te-tò-toe liên tu bất tận từ chợ phiên về tới nhà chưa hết" (3)
Đồ chơi của trẻ con là một loại nghệ thuật dân gian đặc sắc. Những con giống băng bột hay bằng đất, giản dị và rất đẹp, có lẽ vì cách đơn giản hóa hình thể, cùng lối tô màu mộc mạc đã tạo nên được một phong cách dân tộc. Rất tiếc là những thứ ấy chẳng thể nào giữ gìn được lâu bền, mà chỉ một vài ngày là hư hỏng, gãy đầu, gãy cánh. Thử tưởng tượng nếu chúng ta có được một nhà bảo tàng đặc biệt để lưu giữ những thứ đồ chơi loại này, rồi dần dà sẽ bổ túc thêm vào bằng những sản phẩm liên hệ, như những đồ trang trí nhỏ bằng đất nung, rất đặc biệt là những đồ vàng mã mà màu sắc sống sít, tươi rói rất vui mắt.
Đồ vâng mã có thể xem là một loại điêu khắc dân gian đặc biệt, với các hình người, nhà cửa, thuyền bè, xe ngựa đồ đạc dùng trong nhà, áo mão, cân đai, hia mũ, giày dép... thường được làm bằng khung tre rồi phất giấy bồi ra ngoài, đôi khi có đắp thêm chút đất như ở khuôn mặt các hình nhân. Cũng nên hiểu qua chút gốc gác của tục lệ này. Tập tục đốt vàng mã là do từ bên Tàu truyền qua nước ta. Bắt nguồn từ lòng mê tín của người xưa, tin rằng người chết chưa chết hẳn, mà linh hồn sẽ vẫn tồn tại ở một thế giới khác, vì vậy, khi chôn người chết, người ta sẽ chôn theo nhiều thức dùng để người quá cố sử dụng ở cõi âm, những thứ ấy gọi là minh khí. Cũng do chính tập tục mê tín ấy mà ngày nay, chúng ta có được nhiều tài liệu vô cùng quý giá từ các cuộc khai quật trên các cổ mộ, vừa là sử liệu để soi sáng quá khứ thực đầy sống động, vừa là những tác phẩm mỹ thuật vô giá của người xưa. Hàng ngàn di vật tìm lại ở khu mộ Tần Thủy Hoàng ở Tây An, tức kinh đô Tràng An thời xưa, là những chứng cứ về loại này.
Ở bên Tàu, dưới các thời phong kiến chuyên quyền độc đoán như từ đời Hoàng Đế (2926 trước Thiên Chúa giáng sinh) rồi qua các triều đại: Đường, Ngu, Chu, Hán..., khi tổ chức đám táng cho một ông vua thì các người khiêng linh xa cũng sẽ phải bị chôn chung vào trong lăng mộ của vua, nghĩa là phải theo hầu hạ nhà vua bên kia thế giới. Tập tục đó đã bị Khổng Tử bài bác, lên án là vô nhân đạo. Dần dà, những ngươi bị hy sinh ấy được thay thế bằng những hình nộm bằng gỗ hay bằng rơm, rồi bằng đất nung, đồ gốm. Cho đến năm 105, Thượng thư bộ Lễ Vương Du đã có sáng kiến làm ra những thứ vàng mã bằng giấy do chế biến từ vỏ cây dó để cúng kiến lúc cử đám (4). Vàng mã đã trở thành một tập tục gắn liền với tang ma, cúng kiến, giỗ tết liên quan đến người quá vãng hay thần linh; ngày nay tuy đã giảm bớt nhiều, và với tiến hóa chung, chúng ta có thể thấy trước là cũng đã sắp đến thời tàn rụi, tuy nhiên nó vẫn còn là một tục lệ quen thuộc ở nước ta.
Cũng như đồ chơi dành cho trẻ con, đồ vàng mã thực rất đẹp với cách tạo hình và màu sắc riêng biệt, được thực hiện với nghệ thuật tinh xảo. Điều này cũng dễ hiểu, bởi vì nơi cửa hàng vàng mã, những người thợ mã ấy chính thực sự là những nhà nghệ sĩ tạo hình của một thời vang bóng. Ở đó, có nhiều người chỉ là thợ thủ công, bắt chước rồi quen tay mà làm, nhưng cũng có người thực sự tài năng và đầy tinh thần sáng tạo. Chúng ta còn nhớ là các họa sĩ chuyên nghiệp thời trước đều được gọi chung là "thợ mã". Có lẽ cũng chính vì tinh thần và định kiến xã hội ấy mà chúng ta chẳng thừa hưởng được gì nhiều về một di sản mỹ thuật của tiền nhân.
Ngày nay, tuy đã quá trễ, nhưng chúng ta cũng cần quyết tâm xây dựng một nhà bào tàng để giữ gìn những sản phẩm ấy, bởi vì nhờ đó mà các thế hệ về sau sẽ có thêm cơ sở để hiểu biết nhiều điều về một loại hình thái sinh hoạt tinh thần đặc biệt của một thời đã qua. Viện Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội cũng đã có nhiều lưu tâm về lĩnh vực dân gian, những bộ sưu tập về đồ chơi trẻ con và hàng vàng mã thì dường như chưa có gì cả.
Chúng ta vừa ôn lại đôi chút kỷ niệm về đình đám hội hè xưa, những cổ tục và trò chơi ngày tết qua mỹ thuật dân gian, từ tranh dân gian, điêu khắc dân gian, đến đồ chơi của trẻ con, đồ vàng mã... Tất cả hầu như đã chìm vào quá khứ của một thời nào. Vài chục năm qua, ruộng dâu hóa biển, đất nước đổi thay quá nhanh chóng, ghi lại đôi chút hình ảnh cũ cũng là một cách lưu dấu vết tích về sau.
Garden Grove, Tết Bính Tý 1996
Chú thích:
(l) Nguyễn Toại. "Nhớ lại hội hè đình đám". Nghiên cứu Việt Nam, tập 1, Huế, 1973.
(2) Xem thêm: Từ Chi, "Từ một vài trò diễn trong lễ hội làng", trong Kỷ yếu Viện Bảo Tàng Mỹ Thuật Hà Nội, số 7, 1991. Nhà dân tộc học Từ Chi, trong bài viết ngắn này, đã đưa ra một vài trường hợp về trò diễn để đối chiếu và giải thích việc thờ phụng liên quan đến tính dục để cầu phồn thực, đây là những lễ thức thuộc các tín ngưỡng cổ của người Việt vào thời chưa tiếp nhận nền văn minh Trung Hoa, ở đây chúng ta có thể gặp những nét gần như điển hình cua các tín ngưỡng thời nông nghiệp sơ kỳ rơi rớt lại.
(3) Dã Oanh, Chợ Gia lạc trong giai phẩm Tiếng Sông Hương, Dallas, 1994.
(4) CF. Thái Văn Kiểm. "Gốc tích và cổ tục nghề nghiệp Việt Nam" phần viết về Giấy vàng bạc trong Đất Việt Trời Nam, nhà xuất bản Nguồn Sống. Sài Gòn 1960, trang 238.
- Họa sĩ Victor Tardieu Huỳnh Hữu Ủy Nhận định
- Họa sĩ Lê Văn Miến Huỳnh Hữu Ủy Nhận định
- Vài Dáng Ngựa Trong Nền Mỹ Thuật Cổ Truyền Việt Nam Huỳnh Hữu Ủy Khảo luận
- Đôi Nét Về Văn Cao Của Hội Họa Huỳnh Hữu Ủy Nhận định
- Họa Sĩ Lê Văn Tài Huỳnh Hữu Ủy Nhận định
- Họa Sĩ Bửu Chỉ Huỳnh Hữu Ủy Nhận định
- Nguyễn Đăng Thường: Từ Văn Chương Đến Nghệ Thuật Tạo Hình Huỳnh Hữu Ủy Nhận định
- Tình Tự Dân Tộc Và Dòng Thơ Kháng Chiến Huỳnh Hữu Ủy Nhận định
- Tranh Khắc Gỗ Dân Gian và Các Tác Phẩm Văn Học Cổ Huỳnh Hữu Ủy Biên khảo
- Nguyễn Đức Sơn: Một Đỉnh Thơ Kỳ Dị Và Cô Độc Huỳnh Hữu Ủy Nhận định
William Alexander & Họa Phẩm Về Đàng Trong
(Nguyễn Duy Chính)
Họa sĩ và Nhiếp ảnh gia:
Nhiếp ảnh gia:
Nguyễn Cao Đàm, Trần Cao Lĩnh,
Nguyễn Ngọc Hạnh, Hương Kiều Loan
Trường Vẽ Gia Định (truongvegiadinh.blogspot)
Nhớ Thầy (Thu An)
Nhiếp Ảnh Gia Nguyễn Cao Đàm, Bóng Tối Và Ánh Sáng (Nguyễn Ngọc Dung)
Nguyễn Cao Đàm, Người thầy của nhiều thế hệ nhiếp ảnh Việt Nam (cbs.com)
Vinh danh và ngưỡng mộ (hoivietanh.net)
Ảnh Trần Cao Lĩnh (vnthuquan.net)
Sài Gòn 1950-1975 (SafeShare.TV)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |