|
Nhật Ngân(24.11.1942 - 21.1.2012) | Phan Nhự Thức(4.2.1942 - 21.1.1996) | Trương Đình Quế(.0.1939 - 21.1.2016) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Thơ Văn Trần Yên Hoà & Bằng hữu
Họa sĩ Văn Đen (1919-1988)
(Ảnh: Đinh Cường)
Chỉ cần hai cái siêu thuốc bằng sành dân dã dùng để sắc thuốc bắc, với bố cục chặt, màu sắc với chất liệu sơn dầu đậm đặc, xù xì, ngã về sắc độ tím than để nói lên cái tro bụi bám đầy, màu huyết dụ và màu vàng đất, nhìn ấm mà ảm đạm… Văn Đen đã đoạt Huy Chương Vàng tại cuộc Triển Lãm Mùa Xuân năm 1960, thời Đệ Nhất Cộng Hoà Miền Nam. Từ đó uy tín, tài năng sáng tạo của anh được chú ý nhiều hơn nữa. Tôi rất quý mến anh, là một họa sĩ người miền Nam, xuề xoà, luôn mặc chiếc áo trắng cụt tay bỏ ngoài quần, mang đôi dép lẹp xẹp, miệng luôn ngậm điếu thuốc trễ xuống, có lúc anh ngậm ống vố, khuôn mặt hiền với nhiều tư lự …
Và nếu Paul Cézanne với Les joueurs de cartes – những người chơi bài – thì Văn Đen với Tam nhân ẩm tửu – ba người uống rượu – làm nhớ cái không khí nhộn nhịp ở một đoạn đường Tổng Đốc Phương – Chợ Lớn, nơi có con hẻm rẽ vào nhà anh. Anh không có ở nhà thì ra cái quán cóc nhỏ góc ngã tư bên kia đuờng thế nào cũng thấy anh đang uống rượu cùng những người bạn lao động, bình dân, những ly xây chừng nhỏ… và tất nhiên anh kéo vào ngồi cho được. Tôi đã có những buổi ngồi cùng anh ở cái quán đó… trò chuyện cùng nhau dăm ba điều về tranh sơn dầu. Anh cũng mê mà tôi cũng mê cái chất liệu này…
Tam Nhân Ẩm Tửu (Sơn dầu Văn Đen)
Anh nói:
”Mỗi họa sĩ là một nhà sáng tạo. Vì nếu đứng trước một phong cảnh hay một con người hay một cảnh vật, họa sĩ chỉ chú trọng họa lại cho đúng từ đường tơ kẽ tóc, từng khóm cây cụm lá, từ máng hoa gốc cây, từ khoé mắt làn tóc, cái cái đều phải giống nhu bức tranh muôn màu của Tạo Hóa đã dựng nên, thì họa sĩ đã đi sai con đường mình. Công việc đó đã dành riêng cho các nhà nhiếp ảnh mà ngày nay với những máy móc tinh vi và phim màu bén nhạy, những cảnh vật ấy đều được ghi lại một cách hoàn mỹ không một sai chạy …Họa sĩ phải là một nhà sáng tạo dùng các cảnh vật như một ngữ vựng để làm ra một đề án khác. Hay nói một cách khác, cảnh vật chỉ là một cái cớ cho họa sĩ dựa lấy để bộc lộ tâm hồn mình …linh hồn bức họa tiết lộ qua trung gian trí thông minh và trí tưởng tượng, là hai nguyên động lực chính cho sự sáng tạo …Tôi rất thích làm việc ban đêm, nếu cần tôi phải thức đến hai, ba giờ khuya để được thanh tịnh mà sáng tác. Tôi ít khi vẽ ngoài trời, tôi chỉ đi tìm cảnh vật để lấy đề tài và nghiên cứu kỹ càng tại chỗ, trở về xưởng làm phác họa …Vẽ xong, tôi lại ngắm và suy xét, nghiên cứu thêm để bỏ những chỗ nào rườm rà và làm nặng bức tranh. Tôi bớt, bớt mãi cho tới khi nào còn lại những gì là của bức tranh thiệt thọ.” (Vựng tập Triển Lãm bộ sưu tập tranh sơn dầu của gia đình – Bảo tàng Mỹ Thuật TPHCM 1- 1995).
Mẹ, Sơn dầu Văn Đen
Ngoài là giáo sư dạy môn sáng tác sơn dầu tại trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Gia Định, anh còn có nhiều môn đệ tìm đến với riêng anh, cùng đi vẽ ngoài trời mỗi cuối tuần. Anh chỉ vẽ tận tình và xem như những ngưòi bạn. Chúng tôi có nhiều kỷ niệm về anh, năm 1970 trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế, giám đốc khi ấy là Vĩnh Phối (tốt nghiệp khóa 1959 Cao Đẳng Mỹ Thuật Gia Định, tốt nghiệp Học viện Mỹ Thuật La Mã 1961-1963), tôi làm trưởng khoa sơn dầu, Tôn Thất Văn trưởng khoa lụa. Tôi có đề nghị phòng giáo vụ trường mời các giáo sư ở Sài Gòn ra dạy thêm cho sinh viên khoa sơn dầu để có một tầm nhìn rộng hơn, gồm các anh Văn Đen, Hiếu Đệ, Trần Kim Hùng. Vậy mà giờ đây các anh đều đã mất…. Nhà văn Phạm Thành Châu, hiện ở tại Virginia, trong tập truyện Nhớ Huế, có đoạn ghi lại:
Nhà họa sĩ Đinh Cường ở phía sau trường Mỹ Thuật. Khi chúng tôi xuống xe, đã thấy trước sân nhà ông mấy vị ngồi quanh một cái bàn nhỏ, tay cầm ly rượu, im lặng như mấy pho tượng. Tôi được giới thiệu đó là những họa sĩ Văn Đen, Hiếu Đệ … Đinh Cường rót cho tôi ly rượu, tôi cầm và ngồi xuống bên họ. Ngồi một lát, tôi chán đòi về. Lúc đó ông ta mới nhờ tôi sáng mai, chủ nhật, đưa giùm mấy bạn từ Sài Gòn ra đi xem lăng tẩm, chùa chiền. Tôi nhận lời nhưng báo trước là xe tôi tệ lắm, sợ mất uy tín mấy ông thôi…Nguyên nhân khi về làm phó quận Quảng Điền thì không có phương tiện cho ông phó (là tôi) đi công tác. Tay quận trưởng mới lôi chiếc xe jeep phế thải từ thời thế chiến thứ hai ra, kêu thợ sửa lui cui mấy ngày thi xe nổ máy, nhưng cái trần thì mục rã, thành một lỗ trống hoác phía trên không có tiền sửa. …Sáng hôm sau, khi tôi đưa chiếc xe cà tàng đó đến thì các ông đứng sẵn ở đấy trố mắt ra mà trầm trồ, coi bộ khoái chí lắm. Khi xe chạy, các ông chen nhau đứng lên, thò đầu qua cái trần xe thủng, nhìn phố xá, nói cười hí hửng như trẻ con …” (Phạm Thành Châu – Nhớ Huế – Thư Ấn Quán tái bản 2005, trang 197)
Văn Đen, người nghệ sĩ tài hoa, người sống hết mình cho hội họa, yêu thích âm nhạc, anh mê đàn vĩ cấm, anh quý cây violon của anh như nguời bạn, trong đêm khuya, với những Tristesse Chopin, Sernade Schubert …anh đủ thả hồn mình bay bổng cùng với những vết cọ bệt màu lên bố vẽ …Những bức tranh nổi tiếng của anh, ngoài Cái siêu đất, còn có Thổi chai, Rước đèn, Tam nhân ẩm tửu… Ngoài những bức tĩnh vật, phong cảnh đồng quê, anh còn vẽ nhiều về Mẹ, anh thương yêu mẹ vô cùng. Tôi càng quý anh thêm về tình gia đình, anh sống nghiêm túc, giản dị, luôn đứng về phiá những người lao động – thế giới nghệ thuật đầy nhân tính của anh. Một nhân cách lớn.
Tôi gặp anh lần cuối, năm 1987, khi đưa vợ chồng người bạn từ Paris về vào thăm và mua thêm tranh anh. Có thể nói bộ sưu tập về tranh Văn Đen của Thiên Hương – Christian Pedelahore (một kiến trúc sư khá nổi tiếng ở Paris hiện nay) là quý và đầy đủ nhất …Chỉ một năm sau đó anh mất, vì chứng bệnh ung thư thanh quản, cùng bệnh như nhà văn Thanh Nam, như họa sĩ Bùi Xuân Phái …Thương tiếc anh biết chừng nào. anh thọ 69 tuổi .
Virginia, May 12, 2015
– Văn Đen tên thật Dương Văn Đen, sinh năm 1919 tại Cầu Kè tỉnh Cần Thơ.
– 1937 Tốt nghiệp trường Sư Phạm Sài Gòn, dạy tiểu học ở Bà Rịa, Cần Thơ.
– Học khóa huấn luyên viên thể dục thể thao, làm huấn luyện viên thể dục thể thao trường Trung Học Hồ Ngọc Cẩn – Gia Định.
– 1950 – 1953 Sinh viên dự thính trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Paris
– 1952 Triển lãm lần đầu tại Galerie Conti – Paris
– 1961 Thành viên hội đồng giám khảo các giải hội họa – Sài Gòn
– 1964 – 1988 Giáo sư trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Gia Định (sau 1975 là trường Đại Học Mỹ Thuật)
– Văn Đen mất ngày 2 tháng 12 năm 1988 tại Sài Gòn, thọ 69 tuổi.
- Khi nhận và đọc Không Hẹn Mà Đến của Huyền Chiêu-Khuất Đẩu nhớ nhà ga Ninh Hòa Đinh Cường Thơ
- Họa sĩ Trương Thị Thịnh - Người phụng hiến cho nghệ thuật Đinh Cường Hồi ức
- Mùa thu nhớ thi sĩ Bích Khê (1916 -1946) Đinh Cường Khảo luận
- Nguyễn Trọng Khôi và những viên đá cuội Đinh Cường Nhận định
- Đoạn Ghi Nhớ Đỗ Long Vân Đinh Cường Thơ
- Tạ Tỵ, Người Họa Sĩ Luôn Ưu Tư Về Những Cái Mới Đinh Cường Nhận định
- Văn Đen, Tiếng Vĩ Cầm Trong Chiều Tà Và Màu Nâu Đất Buồn Đinh Cường Khảo luận
- Từ Bức Chạm Gỗ Xưa "Mèo Ngoạm Cá" Tới Vài Nét Về Điêu Khắc Cổ Việt Nam Đinh Cường Khảo luận
- Tìm Lại Nét Đẹp Trong Tranh Dân Gian Việt Nam Đinh Cường Khảo luận
- Kỷ niệm 13 năm ngày mất nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị Đinh Cường Hồi ức
• Điểm Nối Kết Giữa Hai Khuynh Hướng Cũ Và Mới: Họa Sĩ Văn Đen (Huỳnh Hữu Ủy)
• Văn Đen, Tiếng Vĩ Cầm Trong Chiều Tà Và Màu Nâu Đất Buồn (Đinh Cường)
• Phỏng vấn họa sĩ Văn Đen (Nguiễn Ng. Í)
9 bức tranh sơn dầu của Văn Đen
• Họa sĩ Phạm Cung, người luôn ký ngược (Hà Đình Nguyên)
• Đỗ Duy Ngọc và ảnh nghệ thuật đen-trắng (Diễn Đàn Thế Kỷ)
• Phan Nguyên - Mượn Dấu Thời Gian (Song Thao)
• Họa sĩ Victor Tardieu (Huỳnh Hữu Ủy)
• Họa sĩ Hồ Hữu Thủ qua đời (Diễn Đàn Thế Kỷ)
• Họa sĩ Vị Ý với ước nguyện không thành (Việt Dương)
• Nguyễn Trọng Khôi: Huyền ảo cao nguyên đá (Nguyễn Trọng Chức)
• Tưởng niệm Victor Tardieu (Ngô Kim Khôi)
• Nguyễn Trọng Khôi – Đam mê và Sáng tạo (Trương Vũ)
• Khánh Trường và Những Tấm Lòng (Nguyên Hòa)
William Alexander & Họa Phẩm Về Đàng Trong
(Nguyễn Duy Chính)
Họa sĩ và Nhiếp ảnh gia:
Nhiếp ảnh gia:
Nguyễn Cao Đàm, Trần Cao Lĩnh,
Nguyễn Ngọc Hạnh, Hương Kiều Loan
Trường Vẽ Gia Định (truongvegiadinh.blogspot)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |