|
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Thơ Văn Trần Yên Hoà & Bằng hữu
Họa sĩ Trần Thị Hà
Giới thiệu của Giao Chỉ, San Jose
Nhân dịp liên lạc qua mấy bài báo, tôi hỏi cô Hà, "cháu làm nghề gì?" Cô trả lời rằng, "cháu vẽ tranh". Tôi tò mô hỏi rằng "nghề vẽ của cháu ra sao?" Cô đáp rằng "đây là câu chuyện rất dài, bác có thực sự muốn biết không?". Bác muốn biết thật, cháu hãy viết ra đi".
Bây giờ, tôi có trong tay bút ký tự truyện của một nữ hoạ sĩ Việt Nam. Tôi rất lấy làm hân hạnh đọc văn của một họa sĩ. Là người kém kiến thức về hội hoạ, bút ký này giúp tôi rất nhiểu. Xin giới thiệu để quý vị thưởng lãm luôn một lần cả văn lẫn hoạ. Cảm thông với niềm đam mê của một nghệ sĩ dùng sắc màu đưa hình ảnh trần gian vào cõi vô cùng để gọi là tác phẩm.
Những tác phẩm của nữ hoạ sĩ Việt Nam Trần Thị Hà xếp bên cạnh các bức họa danh tiếng cùng loại cũng là một sự cố ý rất thú vị.
Bác Giao Chỉ kính,
Hầu như hoạ sĩ nào cũng liệt kê thành tích của mình. Đã bao nhiêu lần triển lãm tranh, vẽ được bao nhiêu tranh, khả năng về hội hoạ ra sao? Cháu cũng vậy, nhưng để trả lời câu hỏi của bác Giao Chỉ, cháu sẽ viết tâm sự của một người đam mê hội họa, như vậy sẽ dễ dàng hơn là viết về tiểu sử và thành tích.
Cháu là người say mê vẽ từ hồi còn học tiểu học. Mỗi khi rảnh rỗi cháu thường lấy viết chì, viết bic, viết chì màu ra vẽ trên giấy. Cháu hay vẽ người, hoa, chó, mèo, con gà, con vịt, trái cây, cây cối... quanh nhà. Ai đến nhà chơi thấy hình cháu vẽ cũng nói với mẹ cháu rằng sao không cho cháu đi học vẽ. Mẹ cháu cũng thấy cháu ham vẽ quá vì trẻ con đâu có chịu ngồi yên một chỗ lâu như vậy. Vì vẽ có khi ngồi một, hai tiếng là chuyện bình thường. Mấy năm sau, mẹ tìm được một cô giáo đến nhà dạy. Học mỗi ngày chúa nhật được hai năm thì trong nhà có tang. Chị cháu bị bệnh chết. Đó là cú sốc rất lớn đối với một đứa bé gái nhỏ nhất nhà như cháu. Ba cháu nói, dòng họ nhà mình ai lập gia đinh cũng toàn con trai, chỉ có một đứa con gái. Ba có được hai đứa con gái, giờ chỉ còn một. Từ ý nghĩ, chị chết để cho mình được sống làm cho cháu rất buồn.
Khi bước chân lên trung học cũng là lúc phải học hành chăm chỉ, nên không có nhiều thời gian dành cho vẽ. Chuyện vẽ đành phải xếp lại. Chỉ những khi rảnh rỗi thì vẽ lai rai. Ngày chủ nhật, vào mùa hè, sau khi thi học kỳ xong cháu lại vẽ và nghe nhạc. Cháu tốt nghiệp sư phạm, trở thành cô giáo dạy Việt Văn. Đi dạy được mười năm thì cháu xin nghỉ để trở lại với niềm say mê hội họa của mình vì ý tưởng vẽ lúc nào cũng tuôn chảy trong đầu. Cháu đến trường Đại học Mỹ thuật để xem các lớp học vẽ ra sao. Dự định sẽ thi vào, nhưng cuối cùng cháu quyết định tự học theo cách của mình. Đó là học ở các phòng tranh, vì ở đây có nhiều họa sĩ, mỗi họa sĩ có một phong cách vẽ khác nhau. Cháu đến Hội Mỹ thuật học vẽ căn bản và các lớp chuyên ngành sáng tác. Cùng lúc đó cháu mời những vị thầy có lối vẽ hay về hướng dẫn tại nhà. Bao nhiêu tiền đổ hết vào tranh. Hết tiền mua sơn dầu, vải, dụng cụ thì xin ông xã. Nhà của cháu chỗ nào cũng tranh là tranh và vật liệu hội họa.
Nhiều lúc nhìn người ta làm nhà hàng, làm nails, làm văn phòng hay công xưởng gì đó, cháu cũng muốn làm gì đó để có thu nhập hàng tháng. Vì nghề vẽ không có thu nhập ổn định mà mình chỉ biết vẽ thôi. Mà vẽ thì đâu có bán được tranh hàng ngày. Cháu muốn đi làm việc để kiếm tiền nuôi tranh mà không biết làm nghề gì. Cháu ước gì có riêng một phòng tranh. Có ai giúp đỡ minh phát triển thêm ra. Mình chỉ tập trung vào vẽ thôi. Cháu say mê vẽ đến độ quên ăn, quên uống, quên hết mọi vật diễn ra chung quanh. Khi chỉ có một mình mình với thế giới sáng tạo và nghe nhạc hòa tấu. Chồng cháu hay nhắc: "Bé đã ăn gì chưa? Uống nước chưa? Buổi trưa có ngủ một chút không?". Những bà bạn người Mỹ rất yêu quý cháu, họ hay điện thoại nhắc "Tran đã ăn gì chưa, đói bụng không? Tôi tới chở đi ăn hambuger nghe? Đi đâu không, tôi tới chở đi. Tran relax đi, có đi chơi Dominoes không? Tran đi nhà thờ không, đi siêu thị không, đi festival không, tôi tới chở đi..."
Hôm nay, thêm một ngày nữa lại đến. Cháu lại loay hoay với vẽ, viết truyện và tiếp tục trả lời câu hỏi của bác Giao Chỉ đây.
Bác Giao Chỉ biết không, cháu nhớ lại cái ngày đầu tiên bước vô lớp học sơn dầu. Cháu biết ngay đây là con đường cháu đã chọn và không bao giờ có thể bước ra được nữa. Sau buổi học đầu tiên đó, cháu ra về mà trong lông vui sướng, hạnh phúc dâng trào. Buổi trưa hôm đó buồn ngủ quá mà cháu không ngủ được, vì cứ nhắm mắt lại là trong đầu lại hiện ra bức tranh mà mình đang vẽ. Nào là màu sắc, bông hoa, xếp đặt ra sao... Lời thầy giảng như thế nào cứ tuôn chảy ra trong đầu liên tục không chịu dừng lại, Cháu bật dậy nhìn bức tranh treo trên tường mà mỗi ngày phải mang đi mang về. Cháu muốn vẽ tiếp mà không được vì phải chờ qua một ngày cho ráo sơn. Muốn vẽ quá mà không có khung vải để vẽ một bức khác. Cháu đi ra ngoài ngay để mua luôn mười canvas. Về đến nhà là vẽ ngay lập tức và vẽ luôn tới khuya năm bức tranh. Khi mắt điều tiết quá nhiều làm cho mỏi mệt thì mới chịu đi nghỉ. Buốt tối, trước khi đi ngủ lại nghĩ đến tranh, đi tới đi lui ngắm nghía những bức tranh, suy nghĩ về chúng rất lâu rồi mới đi ngủ. Sáng ra lật đật ăn uống rồi vác balô trên vai, tay cầm bức tranh. Trong balô chứa nào cọ, son dầu, dầu cá, sách vở, dầu rửa cọ, nước uống... Thấy vậy mà rất nặng.
Bức vẽ ở lớp phải mang đi mang về mỗi ngày cho tới khi hoàn tất thì những bức vẽ ở nhà cũng gần xong luôn! Chao ơi, mệt lắm nhưng đam mê rồi, biết làm sao đây! Ngày mưa cũng như ngày nắng, cháu luôn đến lớp sớm nhất để xếp bàn ghế, xếp chỗ ngồi học. Trưa về đến nhà ăn uống xong lại vẽ tiếp cho tới tối, ngày nào cũng vậy. Vẽ xong bức nào cháu thấy hạnh phúc bức đó cho dù nó đạt hay không. Bởi vì khi chấp nhận bước vô con đường hội họa, cháu biết đây là con đường đi rất dài. Cháu thường mời những người quen biết đến coi tranh, người thì khen, người thì ngạc nhiên, người không quan tâm, người im lặng không có ý kiến. Cháu cũng thường mời thầy giáo đến góp ý. Cháu nghe nói ai yêu thích tranh thì mời đến nhà coi để cho ý kiến. Chê hay khen gì cháu cũng đều đón nhận. Cháu cũng mời những người nước ngoài đến coi tranh. Có bức nào cho coi bức đó để lắng nghe những lời nhận xét, sự cảm nhận của họ coi khác với người Việt ra sao. Cháu mời những người hiểu về tranh lẫn những người không rành về tranh, từ người già đến trẻ con. Coi như cháu vừa học vẽ mà vừa "triển lãm" cho mọi người coi tranh luôn để lắng nghe những ý kiến. Cháu rất cần những lời nhận xét chân thành và không ngại mất lòng.
Ở trường, chịu đựng mùi sơn dầu có mấy tiếng thôi, còn ở nhà mới là vấn đề! Ai mới bước vô phòng vẽ của cháu cũng kêu lên: "Trời ơi!", có người vừa kêu lên vừa bước ra ngay lập tức vì không chịu nổi mùi sơn nồng nặc. Suốt ngày cháu ngồi trong phòng vẽ nên đầu tóc, quần áo dính sơn và toàn là mùi sơn. Gia đinh cháu cũng phái chịu đựng theo. Tranh cháu vẽ càng nhiều thì dị ứng sổ mũi càng nặng hơn. Cháu buồn quá mà không muốn dừng lại một chút nào. Có người nói "Tại sao phải chịu đựng như vậy chứ? Nếu là tôi, tôi sẽ dẹp ngay, sổ mũi quanh năm làm sao nhì chịu đựng được!" Cháu bỏ hết sơn cọ đi để mua sơn của các hãng nổi tiếng như Anh, Pháp, Đức, Mỹ để vẽ. Rồi cả nhà cháu cũng quen dần với mùi sơn dầu, không thấy ai than phiền về mùi sơn nữa. Còn cháu vẫn bị dị ứng. Phải uống thuốc mỗi ngày, thuốc này mất tác dụng thì đổi thuốc khác. Thật là chán quá bác Giao Chỉ ạ! Cháu không biết phải làm sao vì đã đam mê với hội họa rồi, không làm sao mà thoát ra được nữa. Nếu dứt ra sẽ đau khổ biết chừng nào! Ngày tháng rồi cũng trôi qua, hết ngày, hết tháng, hết năm... Nhìn lại chặng đường đã đi qua cùng với sơn dầu và dị ứng, cháu đã đi một đoạn đường khá là dài. Bây giờ không còn dị ứng với sơn dầu nữa. Thuốc dị ứng không phải mua thường xuyên như nhiều năm trước đây. Con đường hội họa rộng mở thênh thang phía truớc, cháu vẫn tiếp tục bước đi.
Cháu vẽ tất cả các thể loại. Cháu kể cho bác Giao Chỉ nghe tất cả những gì cháu biết về hội họa trong khả năng và tóm lược rất vắn tắt. Cũng xin nói thêm, đam mê thì nhiều, kiến thức khiêm tốn và khả năng trình bày giới hạn. Cháu nhớ đâu nói đó, không phải là giáo sư dạy vẽ với bài bản đầy đủ.
- Tĩnh vật (Still Life)
Tĩnh vật là vẽ những gì mình nhìn thấy trước mặt. Xếp đặt những gì mình muốn vẽ, nhìn nó và vẽ. Ví dụ như muốn vẽ bình hoa, cây trái, vật dụng gì đó mà mình muốn vẽ. Nhìn chung là vẽ sao cho giống thật nên còn gọi là vẽ tả thực.
- Vẽ Người (People)
Vẽ người là khó nhất vì vẽ sao cho giống và có hồn trong đó. Gọi là thổi hồn vào bức tranh. Khi người xem thấy bức tranh vẽ người có nét buồn, vui, dữ tợn hay sự đau khổ, sự cô đơn, có hoạt động... Người ta gọi là bức tranh có hồn.
- Trừu tượng (Abtract)
Tranh trừu tượng là tranh mà người hoạ sĩ thường có cảm xúc trước, sau đó mới tìm đến một lối tạo hình cao hơn. Cám xúc của người họa sĩ dâng trào, không có chỗ bắt đầu và cũng không có nơi kết thúc. Có khi cảm xúc bay bổng, hòa điệu hay vần vũ như cơn lốc xoáy. Những vết cọ có thể mạnh mẽ, ngang dọc hay nhẹ nhàng, lả lướt thể hiện tâm trạng, cá tính của người họa sĩ trong lúc sáng tác. Người họa sĩ để cho cảm xúc của mình dâng trào ra cùng sắc màu và đường nét mà không dựa vô một khuôn mẫu có sẵn hay một vật trung gian nào cả. Hội họa chuyển tải được sức mạnh, những bí ẩn trong tâm hồn người nghệ sĩ.
Hoạ sĩ vẽ bằng cảm giác, những nét đậm nhạt là ngôn ngữ không có âm thanh. Màu sắc là tiếng nói trực tiếp từ tâm hồn người nghệ sĩ. Vì vậy mà cùng một ý tưởng, cùng một đề tài nhưng mỗi họa sĩ thể hiện một cách khác nhau, không ai giống ai. Họa sĩ vẽ theo cảm nhận của mình, người thưỏng lãm tranh có cảm nhận của họ. Vì vậy mà cùng một bức tranh nhưng sự cảm nhận, sự thưởng thức của mọi người lại khác nhau. Đó là sự độc đáo của tranh trừu tượng. Người nghệ sĩ đã tạo thuộc sự rung cảm vô bức tranh và được sự đồng cảm của người yêu nghệ thuật.
Bức tranh "The Moon Light" cháu vẽ theo lối trừu tượng, Cổ của cô gái được kéo dài ra, mặt để trắng vì muốn nói đến ánh trăng. Trăng thuộc về âm nên vẽ cô gái. Mặc dù cô gái không cười nhưng khi nhìn vào thấy tươi vui, trong sáng. Mắt nhìn chỗ khác nhưng không xác định nhìn cái gì. Nhà báo Trà Nguyễn nói ánh mắt cô gái như thôi miên. Mái tóc được đẩy hết ra phía sau cho thấy phần trắng của khuôn mặt và cổ, vì vậy mà có tên là "Ánh Trăng". Phần nền phía sau cô gái có nhiều màu sắc, ý muốn nói đó là muôn hình vạn trạng của cuộc sống.
- Lập thể (Cubism)
Trong tác phẩm của họa sĩ thì đời sống được mổ xẻ, phân tích và được kết hợp lai trong một hình thức trừu tượng. Tranh lập thể đã tạo ra một trường phái hội họa mới hơn. Nó đã hình thành một cuộc cách mạng về hội hoạ và điêu khắc ở Châu Âu vào đầu thế kỷ 20. Chủ nghĩa lập thể do Georges Braque và Pablo Picaso khởi xướng năm 1906 tại khu Montamandre ở Paris. Sau đó được các họa si khác phổ biến một cách nhanh chóng.
- Tranh ấn tượng (Impression)
Tranh ấn tượng làm cho người xem không thể quên được vì nó tác động mạnh vào người xem tranh. Tranh ấn tượng là lối vẽ không tuân theo một khuôn mẫu nào và cũng không theo một trật tự nào.
Bức tranh "The Two Ways" là bức trắng đen vẽ hai người, một nam, một nữ. Họ không nhìn về một hướng, mỗi người nhìn một hướng khác nhau. Có người vừa nhìn bức tranh này liền nói "Thấy dễ sợ!" Bức tranh này vẽ chính diện cô gái, cô gái nhìn thẳng vào người xem tranh, chỉ nhìn bằng một con mắt thôi nhưng con mắt ấy nhìn theo người xem tranh dù người ấy đứng ở mọi góc độ. Đó là điều đặc biệt của bức tranh.
- Tranh phong cảnh (Landscapes)
Tranh phong cảnh thì không có gì đặc biệt hay khó hiểu vì nhìn vào tranh là nhận ra ngay đó là tranh phong cảnh. Người họa sĩ vẽ theo tâm trạng hoặc theo cảnh thật nên có thể vẽ màu sắc chính xác của thiên nhiên nhưng cũng có thể vẽ màu gì tùy thích, tùy tâm trạng đang buồn hay đang vui.
Ngày nào không vẽ là một ngày cảm thấy sốt ruột, cảm giác như người lười biếng, người trốn việc trong khi công việc đầy ắp cần phải làm. Đó là cảm giác rất kỳ lạ! Từ trong máu của cháu là tranh, là sáng tác, lúc nào cũng tuôn trào những ý tưởng mà mình sẽ vẽ. Trong đầu có quá nhiều đề tài cần lấy ra để vẽ, không làm sao mà vẽ cho hết. Tay có lúc rất đau phải bó lại, một đôi lúc rất mỏi mệt nhưng chưa bao giờ cháu nghĩ rằng mình sẽ ngừng vẽ. Sau này già, nếu còn cầm muỗng ăn cháo được là còn cầm cọ để vẽ.
Con đường hội họa không đơn giản cũng không hề dễ dàng một chút nào để thành công hay để nổi tiếng. Cũng có những cạnh tranh không lành mạnh và làm khó cho nhau. Nhưng cháu đã chọn con đường này làm niềm vui và hạnh phúc với nó rồi nên không ngại bất cứ chông gai nào. Tiếp tục sáng tác một cách mạnh mẽ và không ngừng tìm tòi thêm những sáng tạo mới.
Cảm xúc của cháu rất nhiều, nhất là đối với cái đẹp của vạn vật. Khi nhìn ngắm chúng, mình muốn đưa vào tranh ngay lập tức. Thấy được cái đẹp tuyệt vời của rừng cây, một cây, một cành cây, hay chỉ là một chiếc lá cũng có thể đưa vào tranh và thưởng thức cái đẹp độc đáo của chúng. Hoa hay loài vật cũng vậy. Một vườn hoa hay chỉ một bông hoa, một cánh hoa thôi cũng có thể là một ý tưởng được hình thành và biến thành những bức tranh. Đưa vạn vật vào với tranh để chúng được tồn tại trong khoảnh khắc đó mãi mãi. Cái đẹp của muôn loài là vô cùng tận, và người họa sĩ mang những điều tuyệt vời đó vào trong tranh. Người họa sĩ rất nhạy cảm với cái đẹp và nghệ thuật.
Hội họa cũng như những ngành nghề khác, cũng có những cạnh tranh không lành mạnh và làm khó cho nhau. Ai thật sự yêu nghề, chịu được sự dài bơi, không ngừng nghỉ chăm chút cho lòng yêu nghệ thuật và nhất là máu nghệ sĩ luôn tuôn trào thì tranh sẽ tồn tại để làm đẹp cho đời.
Về việc bán tranh, cháu lo tự lực, đơn phương miệt mài, lay hoay một mình. Ai biết thì mời cháu đi triển lãm hoặc tự mình tìm đến. Cách đây mấy năm có một bà họa sĩ Mỹ, là giáo sư dạy vẽ 17 năm. Bà có hai gallery ở Down town. Hai người bạn Mỹ chở cháu và một số tranh tới cho bà coi. Bà rất thích tranh ấn tượng, trừu tưọng, lập thể và hoa. Hai người bạn Mỹ nói bà tới studio của cháu để coi thêm. Bà đã đến và chọn 40 bức tranh để tổ chức triển lãm, bà nói sẽ in 2,000 brochures. Bà hẹn đến gallery của bà để ký hợp đồng, một hợp đồng bán tranh in một năm, một hợp đồng bán tranh bản gốc sáu tháng. Bà ấy viết trong cuốn sổ là chùng ta sẽ làm việc cùng nhau. Cháu rất vui. Mang hợp đồng về nhà đọc tới gần sáng! mới thấy rằng người ta nắm đằng cán hết tất cả mọi thứ. Mình lệ thuộc hoàn toàn mà không kiểm soát được công việc của họ. Chồng cháu nói không thể ký hợp đồng được, cháu buồn quá nên đã khóc. Anh ấy an ủi "Tại vì em chưa gặp đúng người".
Thời gian mà cháu vẽ một loạt tranh Phật là có lý do. Lúc đó mẹ của cháu ở giai đoạn cuối của một đời người. Mẹ bỏ ăn, nằm thở yếu ớt trên giường. Cháu là người chăm sóc trực tiếp hàng ngày suốt nhiều năm mẹ bị gãy xương hông và đùi. Một hôm mẹ nói rằng "Nói đứa nào khỏe khỏe, nói nó bế lên." Cháu hỏi "Bế lên để làm gì?" "Bế lên để đặt xuống đất". Chao ơi, cháu không ngờ mẹ hiểu được cái chết đang đến gần và chấp nhận nó. Điều dễ sợ nhất là đối diện với cái chết. Chỉ khác nhau là đón nhận nó trong tâm trạng thế nào mà thôi. Cháu đến ngay giá vẽ, bỏ bức tranh đang vẽ phong cảnh xuống, cháu bắt đầu vẽ Phật. Gương mặt Phật từ bi, mãn nguyện, không có gì phải bận lòng, mĩm cười, buông bỏ hết mọi thứ bụi trần, nét mặt an lành, bình yên, tha thứ... Cháu mong cho mẹ cháu được giải thoát trong tất cả ý nghĩa đó. Vì vậy mà những bức tranh Phật được đặt tên: Forgiving, Left, Zen, Mediattion, Be pleased, Quite, Metempsychosis, v.v...
Quan niệm của cháu về hội họa là phải học hoài, đừng bao giờ dừng lại ở cái mình đang có. Phải luôn làm mới vì sáng tạo nghệ thuật là vô cùng tận, không bao giờ có điểm dừng.
Người đàn ông làm hội họa thuận lợi hơn rất nhiều so với phụ nữ. Sáng ra họ có thể đi uống cà phê cùng bạn bè, chiều có thể nhậu nhẹt, chuyện nhà có vợ con lo. Khi có cảm hứng thi vẽ. Phụ nữ mà vẽ tranh thì có rất nhiều thứ khó khăn vây quanh. Cháu xin nói về trường hợp của mình.
Sáng sớm đưa con đi học, đi mua thức ăn rồi về nhà vẽ tranh. Đang vẽ thì tới giờ phải nấu cơm. Nấu cơm xong thì chồng con về đến nhà. Dọn dẹp xong thì tới giờ nghỉ trưa một chút rồi lại vẽ tranh. Vẽ được mấy tiếng lại tới giờ nấu cơm chiều. Xong lại dọn dẹp, chồng con coi tivi, học hành con mình thì vẽ.
Người ta nói phụ nữ muốn vẽ tranh phải rời xa cái bếp. Điều này rất đúng bác Giao Chỉ ạ! Vì cứ lay hoay cơm nước, chợ búa thì không còn thời gian để vẽ. Đã có rất nhiều lần mê vẽ để cháy nồi thịt kho, cá chiên cháy khét vì cứ vừa nấu cơm vừa vẽ. Mỗi lần cầm cọ vẽ là tâm hồn đặt hết vào tranh, quên hết mọi thứ trên đời. Khát quá mới đi uống nước, đói quá mới đi tìm cái gì đó ăn cho nhanh gọn.
Vừa ăn mà vừa nhìn bức tranh đang vẽ! Nếu không nhìn thì cũng vừa ăn vừa nghĩ đến nó. Có nhiều lần vẽ đến nửa đêm. Có nhiều lần đang ngủ thì thức giấc, đi qua phòng vẽ và vẽ luôn đến sáng. Có những bức tranh chỉ một buổi là xong, có nhũng bức mấy tháng mới xong vì đang vẽ dở dang lại bỏ qua một bên đi vẽ bức mới, sau quay lại vẽ tiếp. Có những bức vẽ xong lại bỏ đi, sau đó vẽ chồng lên bức tranh khác. Thường thường cháu không vẽ từng bức mà vẽ hàng loạt. Do vậy mà trong studio lúc nào cũng có hàng trăm canvas để khi muốn vẽ là có để vẽ ngay không phải chạy đi mua.
Tiền bạc, niềm vui, nổi buồn trút hết vào tranh. Vì vậy mà mỗi bức tranh đều chuyên chở tâm tư, tình cảm ở trong đó.
Tuần những tuần lễ đầu tiên Thầy nói "Học vẽ phải mất từ năm đến bảy năm. Ai không kiên nhẫn thì không theo nổi đâu!". Thầy khác nói rằng "Học vẽ mà không có đam mê, không có năng khiếu thì đừng học. Học như vậy tốn tiền, mất thì giờ!", Thầy khác nói rằng "Vẽ nhiều vào, vẽ càng nhiều càng tốt!"
Cháu nghĩ, vẽ mười bức tranh mà được khen một bức đã là hạnh phúc. Vẽ một trăm bức mà được chọn mười bức là hạnh phúc tăng lên gấp mười.
Thời gian của một người công nhân được tính bằng giờ, một giờ được bao nhiêu tiền. Người họa sĩ vẽ tranh thì đổ công sức, tiền bạc, thời gian, ý tưởng, lòng say mê của mình vào tranh mà không thể tính được cụ thể như vậy. Người ca sĩ hát hay, mặc quần áo đẹp, được khán giả vỗ tay, được lãnh tiền. Còn người họa sĩ vẽ tranh thì đổ hết sức lực, thời gian, ý tưởng, lòng say mê của mình vào tranh mà không thể tính được cụ thể như vậy. Người ca sĩ hát trên sân khấu, dược mặc quần áo đẹp, được khắc giả vỗ tay, được trà tiền. Côn người họa sĩ làm việc thầm lặng, trong thế giới riêng của mình. Thành quả là những bức tranh đã miệt mài trong nhiều tháng, nhiều năm được mang ra trình lâng cho người yêu nghệ thuật thưởng lãm. Nếu được khen ngợi chân tình, nếu đúng là hay, là đẹp thì không có gì diễn tả được niềm hạnh phúc này.
Một hôm có một người Mỹ đến nhà, cháu mời ông xem tranh. Nhìn tranh một vông rồi ông dừng lại ở hai bức tranh mới vẽ xong hình nền, chuẩn bị vẽ hoa lên. Ông nói: Oh! Hoàn hảo, ký tên vô nữa là xong! Cháu nói đó chỉ mới là hình nền thoi, ông nói: "Không, đừng vẽ nữa, tôi thấy Thượng đế ở trong đó!"
Cảm nhận của mọi người rất khác nhau, không ai giống ai cả. Người thì thích tranh hoa, cảnh; người thì thích tranh khỏa thân; người giàu tưởng tượng hay chọn tranh trừu tượng, v...v... Cùng một bức tranh mà có hàng trăm sự cảm nhận khác nhau. Đó là sự độc đáo của hội họa.
Bán tranh thì bán ở những lần triển lãm cá nhân hoặc triển lãm chung. Tham gia các hoạt động từ thiện của nhà thờ, chùa hoặc các tổ chức từ thiện khác. Họ mời họa sĩ tham gia bán tranh gây quỹ. Tùy tổ chức ra sao, tranh bán được sẽ ủng hộ hết hoặc ủng hộ mấy chục phần trăm để họa sĩ còn có thể sống và sáng tác tiếp. Cũng có thế ký gởi ở gallery, khi bán sẽ chia phần trăm.
Tranh của cháu âm thầm đi khắp nơi. Bán nhiều nhất là tranh in rồi mới tới bản gốc. Hàng ngàn tranh in đi khắp noi. Thật là vui khi thấy tranh của mình treo ở nhà của khách hàng. Có những người rất dễ thương, họ treo tranh ở nhà họ hoặc ở văn phòng làm việc rồi chụp hình gởi cho mình
Họa sĩ Việt Nam có nhiều người vẽ rất tốt nhưng họ không sống được với nghề mà phải làm thêm một nghề khác. Có người nghèo khổ, sống đạm bạc nhưng vẫn giữ được nghề cho tới khi mắt mờ, chân tay yếu. Đó là điều rất đáng được trân trọng và ngưỡng mộ. Nhưng cũng có rất nhiều người bỏ cuộc. Đó là điều rất đáng tiếc cho cuộc đời của họ và công chúng yêu nghệ thuật. Họa sĩ Phạm Cơ khi còn sinh thời có nói trong lần triển lãm chung lần cuối cùng ở California rằng: "Hà, làm sao để làm cho người Việt mình yêu tranh của người Việt và biết chơi tranh".
Cháu ước mơ chúng ta có một viện bảo tàng chuyên sưu tầm tranh của họa sĩ Việt Nam để lưu giữ các tác phẩm hội họa có giá trị. Cháu cám ơn bác Giao Chỉ đã quan tâm đến hội họa và một phần đời của một người đam mê hội họa. Kính chúc bác Giao Chỉ nhiều sức khỏe để tiếp tục cống hiến nhiều điều hủu ích cho cộng đồng người Việt.
- Nghề Vẽ Của Tôi Trần Thị Hà Bút ký
• Cái tên Khánh Trường! (Trần Yên Hòa)
• Họa sĩ Phạm Cung, người luôn ký ngược (Hà Đình Nguyên)
• Đỗ Duy Ngọc và ảnh nghệ thuật đen-trắng (Diễn Đàn Thế Kỷ)
• Phan Nguyên - Mượn Dấu Thời Gian (Song Thao)
• Họa sĩ Victor Tardieu (Huỳnh Hữu Ủy)
• Họa sĩ Hồ Hữu Thủ qua đời (Diễn Đàn Thế Kỷ)
• Họa sĩ Vị Ý với ước nguyện không thành (Việt Dương)
• Nguyễn Trọng Khôi: Huyền ảo cao nguyên đá (Nguyễn Trọng Chức)
• Tưởng niệm Victor Tardieu (Ngô Kim Khôi)
• Nguyễn Trọng Khôi – Đam mê và Sáng tạo (Trương Vũ)
William Alexander & Họa Phẩm Về Đàng Trong
(Nguyễn Duy Chính)
Họa sĩ và Nhiếp ảnh gia:
Nhiếp ảnh gia:
Nguyễn Cao Đàm, Trần Cao Lĩnh,
Nguyễn Ngọc Hạnh, Hương Kiều Loan
Trường Vẽ Gia Định (truongvegiadinh.blogspot)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |