|
Dê Húc Càn(1.10.1934 - 21.11.1987) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Họa sĩ Thanh Trí
(1939 - 29.1.2023)
Mồng hai Tết Quý Mão 2023 năm nay, trời Sacramnento – Cali ấm lên sau những ngày mưa bão nặng nề. Như thường lệ mọi năm, chúng tôi ghé thăm những người Việt thân tình và ít ỏi trong thành phố Mỹ thủ phủ tiểu bang California nầy; trong đó, anh chị Huyên – Thanh Trí là… cặp đôi hoàn hảo trong “top list” đầu tiên. Gõ cửa nhà, đợi và gõ tiếp nhưng vẫn không có tiếng trả lời, chúng tôi bâng quơ nhìn những bụi cây và khóm hoa trước nhà chị. Một chút buồn buồn trên cây cỏ như phảng phất vẻ tiêu sơ theo trực giác cảm nhận không biết vì thời tiết khắc nghiệt vừa qua hay bởi một tin buồn đang đến (?!)
Rồi hôm nay – 30 -1- 2023 – chị HD gọi cho biết tin chị Thanh Trí vừa mới qua đời và anh Huyên cũng đang nằm viện. Thì ra, khi chúng tôi đến thăm nhà Anh Chị ngày Tết đầu năm mới thì cả hai anh chị đều không khỏe và không có nhà…
Những năm gần đây trở lại, chị Thanh Trí đã đầu tư hết thời gian để sáng tạo nghệ thuật. Nhà chị phòng trong, phòng ngoài được biến thành một Art Gallery trưng bày tranh của chị. Càng cao tuổi, thế giới của chị càng hòa nhập và thăng hoa với vũ trụ sắc màu hội họa; chuyện nhân gian bên ngoài nhạt mờ đi dần vào quá khứ. Chị ăn trường trai và quán niệm sự biến ảo đường nét Tâm và Cảnh như một thiền sư không chấp có cũng chẳng chấp không trong vắng lặng.
Chị đã im lặng ra đi. Bằng hữu của chị vẫn thường gọi chị là “Nàng Thơ không có tuổi” vì gặp chị bao giờ cũng với nụ cười và dáng vẻ trang đài rất Huế. Xin được nhắc lại đôi nét về chị qua sự ghi nhận của các văn nghệ sĩ trong cộng đồng Văn Học Nghệ Thuật Việt Nam.
Diễn Đàn Họa Sĩ Việt Nam ghi những nét tiêu biểu về tiểu sử Thanh Trí:
Họa sĩ Thanh Trí tên thật Nguyễn Thị Thanh Trí, sinh năm 1939 tại Huế. Tốt nghiệp ưu hạng khoá 1 năm 1961 trường Quốc Gia Cao Đẳng Mỹ thuật Huế. Tốt nghiệp khoá Sư phạm hội họa quốc Gia Cao Đẳng Mỹ thuật Sài Gòn năm 1962. Hai mươi bốn năm dạy hội họa tại các trường: Nữ Trung Học Nha Trang, Hàn Thuyên Nha Trang, Nguyễn Du Sài Gòn, Văn Hiến Sài Gòn, và các lớp hội họa. Năm 1987 đến Hoa Kỳ. Định cư tại Sacramento, California, Hoa Kỳ.
Thời gian đầu hành nghề họa sĩ tự do (free lance artist Seller’s Permit). Tiếp tục tu nghiệp về hội họa và tốt nghiệp Design Drafting năm 1993 tại Cosumnes River College Sacramento.
Thanh Trí là họa sĩ vẽ nhiều loại: Màu nước trện lụa, trên giấy; màu dầu trên bố canvas, gỗ. Tranh sơn mài.
Đã tham dự trên 26 cuộc triển lãm chung và cá nhân tại Việt Nam và nhiều quốc gia.
Đã được các giải thưởng:
- Tha League of Carmichael Artist Presents: Sắc Lặng (Silence Color)
- Sacramento Fine Art Center: Lão Già (Old Man)
- California Art League: Phản Chiếu (Reflection)
- The League of Carmichael Artist: Sắc Màu Thiên Nhiên (The Nature’s Color)
Năm 2004, tác phẩm Tranh và Thơ Thanh Trí xuất bản và đăng ký tại Thư viện Quốc Gia Hoa Kỳ.
http://www.art2all.net/tranh/thanhtri/phan2_tieusu.html
Nhà phê bình văn học nghệ thuật Đặng Tiến nhận định về nét độc sáng của nghệ thuật tạo hình trong tác phẩm hội họa của Thanh Trí bằng biểu tượng “chiết tự” khá thú vị:
Hai nét chính trong tranh Thanh Trí là thanh tú và trí tuệ. Hai từ “thanh” và “trí” kết hợp ở đây là do tình cờ, một hạnh phúc của ngôn ngữ.
Thanh tú: thanh là trong sáng; tú là tươi đẹp, mà còn có nghĩa là thêu, vẽ, bằng ngũ sắc. Màu sắc thiên nhiên và nhân tạo làm nên bản chất của hội họa. Thanh tú vượt qua vẻ tao nhã trong mỹ nghệ, vươn đến những cảm xúc mãnh liệt hay xoáy xuống đáy uẩn khúc của tâm tư để làm nên nghệ thuật.
Trí tuệ là vế thứ hai, như thành phần đối xứng thường gặp trong thiên nhiên trên một chiếc lá chẳng hạn. Trí tuệ nơi đây là một suy tưởng, hay nhiếu ý nghĩ đồng quy, bồi đắp vào quá trình hình thành một bức tranh. Trí tuệ là thành tố, có khi đến trước, như gợi hứng, nhưng nó chưa phải là nội dung như người xem có thể hiểu lầm. Nội dung bức tranh là tổng thể họa phẩm, tạo nên rung cảm cho người xem, có khi vượt qua dụng tâm và dự đoán của tác giả. (Đặng Tiến. Damau.Org – Paris, 11.05.2009)
Và khoảng hai mươi năm trước, khi cỏn cộng tác sinh hoạt văn học nghệ thuật với chị Thanh Trí tại Sacramento, tôi đã viết giới thiệu về Chị và được chị tâm đắc đón nhận. Bức tranh Đàn Hoa Một Cõi mà chị tặng trong dịp đó vẫn con treo trên tường trước bàn viết của tôi hôm nay. Và bài viết của tôi về chị vẫn đang luân lưu trên các trang mạng.
http://www.art2all.net/tranh/thanhtri/phan10_tkd.html
Thuở đó, tôi đã viết về chị:
Khái niệm hội họa Việt Nam mang dấu ấn lâu dài, từ thời minh họa hoa văn trên trống đồng dựng nước đến sự kế thừa những đường nét mộc mạc của tranh dân gian. Nhưng lịch sử thành văn của nền hội họa Việt Nam có cột mốc thời gian từ năm 1925. Đấy là thời điểm mà họa sĩ Victor Tardieu, người Pháp và họa sĩ Nguyễn Nam Sơn đứng ra thành lập Trường Mỹ Thuật Đông Dương đưa tới sự nở rộ của các tài năng hội họa Việt Nam.
Nếu trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương có Lê Thị Lựu, nữ họa sĩ đầu tiên của Việt Nam nổi tiếng tài sắc; Trương Thị Thịnh, thủ khoa khóa đầu tiên của trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Gia Định; thì trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế có Thanh Trí, nữ họa sĩ đậu ưu hạng khoá đầu tiên (1957-1961) mà Đinh Cường, một họa sĩ nổi tiếng cùng thời đã “minh họa” như một nàng thơ Liêu trai: “người của một thời áo lụa vàng và tóc gió thôi bay…” 1
Thanh Trí, người nữ họa sĩ của xứ Huế chính thức bước vào ngành hội họa vào lứa tuổi hai mươi. Trong một khung cảnh văn hóa đậm tính nông nghiệp Việt Nam, nghệ thuật và đời thường không cưu mang nhau thành một thể mà cặp kè nhau như hai đối tác song hành. Thanh Trí làm giáo sư để phục vụ nhu cầu đời sống gia đình và làm họa sĩ để thể hiện nhu cầu sáng tạo. Đời thường thì có giới hạn mà nghệ thuật thì vô cùng nên Thanh Trí đã dồn tụ hết khả năng và tinh lực của đời mình vào sáng tạo nghệ thuật. Trong những bước thăng trầm nhất của cuộc sống, Thanh Trí có thể đã buông bỏ nhiều thứ thiết thân nhưng chưa bao giờ buông tay với nghệ thuật; thậm chí đã có điều tâm nguyện rằng:
“Nếu kiếp sau có trở lại làm người, cũng chỉ xin được làm người họa sĩ!” 2
Thế giới màu sắc của Thanh Trí chỉ là phương tiện giới hạn để ghi dấu cái vũ trụ tâm thức — hành trình của màu là hành trình của tâm tưởng — khoan hòa, thuần hậu của riêng mình. Dù được thể hiện qua những tác phẩm màu nước, màu dầu, sơn mài, lụa, vải, gỗ, giấy… thì Thanh Trí vẫn thể hiện rất rõ nét cái hồn nghệ thuật nhất quán và giàu ấn tượng cảm xúc về con người và tạo vật.
Ấn tượng sâu đậm nhất trong toàn bộ tác phẩm của Thanh Trí là tranh lụa. Họa sĩ đã tận dụng tối đa ưu thế của thể loại tranh giàu chất Á Đông, mượt mà nhưng bí ẩn, để từ đó thổi những cảm xúc thẩm mỹ của suối nguồn tình cảm vào tranh lụa. Lụa là nàng nghệ thuật dịu dàng nhưng khó tính. Nàng kén chọn từ người ươm dệt, người vẽ tranh đến người thưởng ngọan. Nhưng bằng tài năng và tâm huyết của chính mình, Thanh Trí đã biểu đạt một cách tự nhiên, đầy sức lay động về những đề tài thắm đượm tình người, tình yêu và tình quê hương đất nước. Thanh Trí đã sử dụng những “gam” màu khó nhất trong tranh lụa là màu xanh lam nhạt và màu… mơ phai – như hư mà thật, như vỡ bờ mà ấp ủ để hoà quyện những ý niệm viễn mơ vào hiện thực. Các họa phẩm như Yếm Hoa, Đốt Lò Hương Ấy, Giặt Lụa, Minh Tâm, Suối Bataan Philippines…4 là những biểu hiện điển hình. Nét độc đáo nhất trong tranh lụa của Thanh Trí không tìm thấy ở các họa sĩ tranh lụa khác là màu trắng nguyên sơ. Màu trắng ròng của lụa tạo một cảm giác ngọc ngà,
Trong tác phẩm sưu tập tranh (Album of Paintings) của Thanh Trí xuất bản năm 2004 tại Hoa Kỳ, một tác phẩm “Tranh Thơ” được in ấn cẩn trọng cũng như trình bày rất trang nhã và mỹ thuật. Với Tranh Thơ, người yêu tranh sẽ có cơ hội vừa xem tranh vừa đọc những vần thơ cảm tác mượt mà của tác giả. Họa và thơ quấn quýt nhau trong dòng nghệ thuật của Thanh Trí. Đó là khái niệm “thi trung hữu họa” đầy quyến rũ trong quan niệm mỹ thuật Á Đông mà một nhà thơ đã hình tượng hóa rằng: “Trong thơ có họa mơ đồng cổ. Trong họa đầy thơ nhớ Nguyễn Du…” ! Thanh Trí vừa phóng bút lên màu, vừa làm thơ nên có lẽ vừa nhớ người thơ, vừa mơ đồng cổ trong tiến trình sáng tạo!
Cư sĩ Thanh Trí (xin được gọi chị là Cư sĩ thay vì Họa sĩ) đã đem cả tài hoa và tấm lòng thuần hậu để làm đẹp thế giới sắc màu tâm ảnh. Nhân ảnh có thể phôi pha theo ngày tháng; nhưng tâm ảnh vẫn là dáng vẻ mà người họa sĩ đã bắt gặp, ghi dấu một lần và mãi mãi. (http://www.art2all.net/tranh/thanhtri/phan10_tkd.html)
Ôi, đã 18 năm qua mà tưởng như mới hôm qua!
Nếu hôm nay có viết về họa sĩ Thanh Trí thì lời kết để tiễn biệt chị cũng sẽ là lời tôi đã nói với Chị, làm chị vui. Cái vui hai mươi năm trước là niềm vui hội ngộ và cái vui bây giờ là niềm vui chia ly, dẫu niềm vui trông ra là một ngấn lệ… nhưng ngày ấy chị em đã cười tíu tít khi anh Huyên vừa nói vừa cười:
Nhân sinh thất thập cổ lai hy,
Tám mươi dẫu có ra đi vẫn cười!
An lạc, lên đường và nương về cõi Phật chị nhé.
Sacramento, ngày 31 tháng 1 năm 2023
Trần Kiêm Đoàn
1 Đinh Cường: Thanh Trí Tranh Thơ 2004
2 Thanh Trí: Tâm Sự Với Bằng Hữu
4 Những từ in đậm và nghiêng dùng trong bài viết nầy là tên những họa phẩm của Thanh Trí
- Họa Sĩ Thanh Trí Về Với Sắc Màu Vĩnh Cữu Trần Kiêm Đoàn Tưởng niệm
- Hoài niệm Đinh Cường Trần Kiêm Đoàn Hoài niệm
- Ân Tình Mẹ Trần Kiêm Đoàn Thơ
- Việt Kiều Trần Kiêm Đoàn Truyện ngắn
• Họa Sĩ Thanh Trí Về Với Sắc Màu Vĩnh Cữu (Trần Kiêm Đoàn)
- Thanh Trí 1939 - 2023 (art2all.net)
(phannguyenartist)
(cothommagazine.com)
- Giới thiệu nữ họa sĩ Thanh Trí
(Đặng Tiến)
- Họa sĩ THANH TRÍ giữa thế giới sắc màu tâm ảnh (Trần Kiêm Đoàn)
(Phương Anh Trang)
- Cảm nghĩ về họa sĩ Thanh Trí
(Nhiều tác giả)
- Tiểu sử (art2all.net)
- Họa sĩ Thanh Trí (art2all.net)
- Sắc Màu
- Ký Họa
• Đỗ Duy Ngọc và ảnh nghệ thuật đen-trắng (Diễn Đàn Thế Kỷ)
• Phan Nguyên - Mượn Dấu Thời Gian (Song Thao)
• Họa sĩ Victor Tardieu (Huỳnh Hữu Ủy)
• Họa sĩ Hồ Hữu Thủ qua đời (Diễn Đàn Thế Kỷ)
• Họa sĩ Vị Ý với ước nguyện không thành (Việt Dương)
• Nguyễn Trọng Khôi: Huyền ảo cao nguyên đá (Nguyễn Trọng Chức)
• Tưởng niệm Victor Tardieu (Ngô Kim Khôi)
• Nguyễn Trọng Khôi – Đam mê và Sáng tạo (Trương Vũ)
• Khánh Trường và Những Tấm Lòng (Nguyên Hòa)
• Hồ Hữu Thủ - Người Đi Tìm Chân Tướng Sự Vật (Nguyễn Viện)
William Alexander & Họa Phẩm Về Đàng Trong
(Nguyễn Duy Chính)
Họa sĩ và Nhiếp ảnh gia:
Nhiếp ảnh gia:
Nguyễn Cao Đàm, Trần Cao Lĩnh,
Nguyễn Ngọc Hạnh, Hương Kiều Loan
Trường Vẽ Gia Định (truongvegiadinh.blogspot)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |