|
Dê Húc Càn(1.10.1934 - 21.11.1987) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Họa sĩ Phấn Nguyễn Barker
Xin các bạn hãy tưởng tượng với tôi: Một cánh đồng xanh bao la, màu xanh của những cây mạ non. Đây là cảnh sắc bạn sẽ được chứng kiến trước khi bước vào cổng làng Từ Châu, cách Hà Nội chừng 20 cây số. Đây là nơi tôi được sinh ra đời.
Hầu hết người trong làng là nông dân. Gia đình tôi cũng có ít ruộng đất và một con trâu với cặp mắt hiền từ. Mẹ tôi qua đời khi tôi bảy tuổi, chị tôi lúc đó 10 tuổi và em gái thì 4 tuổi. Tôi đã chẳng khóc, chẳng có một xúc cảm gì hết, tôi còn không muốn mặc bộ quần áo tang may bằng vải sô. Chắc là tôi đã không biết gì về chuyện chết chóc. Đó là năm 1953.
Năm 1955, khi đất nước chia đôi, cha tôi bán hết thóc lúa, gom góp tất cả tiền nong dành dụm được từ xưa, với vài bộ quần áo trên vai, cùng ba đứa con bỏ cửa nhà ruộng nương di cư vào nam.
Sau nhiều năm di chuyển, chúng tôi dọn về Củ Chi, cùng với một gia đình nữa cất một căn nhà vách đất. Cha tôi bắt đầu dạy học, và cưới một bà vợ người Hải Dương. Bấy giờ tôi mới bắt đầu cảm thấy thiếu mẹ.
Năm 61 cha tôi xin được làm cảnh sát ở Ty Biên Hòa. Sau vài lần tôi thi vào trường công và bị rớt, cha tôi đề nghị tôi thi vào L' École des Arts Appliqués de Biên Hòa, hiện là trường Mỹ Thuật Trang Trí. Nhìn lại quá khứ tôi thấy đây thật là một điều tạo hóa đã sắp xếp. Vì điểm đậu cao, được học bổng nữa.
Sau bốn năm tôi muốn được học lên Cao Đẳng Mỹ Thuật nhưng gia đình không cho phép. Tôi trở lại học Ngô Quyền theo lớp đệ tam rồi đệ nhị. Các bạn gái tôi lần lượt lấy chồng, tôi cảm thấy trống trải hết sức. Lại bị bà mẹ kế cằn nhằn luôn: "Như người ta có phước thì có vài con rồi." Tôi cảm thấy mình là kẻ vô phước, cô đơn lại bị ế chồng mặc dù mới có 21 tuổi.
Chiến tranh đã lan tràn đến gần miền đô thị. Phi trường Biên Hòa bị pháo kích hầu như mỗi tuần. Lính Mỹ tràn đầy đường phố, trà đình tửu quán mọc lên như nấm. Cuộc sống của tôi và những người xung quanh bị xáo trộn vô kể.
Vì áp lực gia đình, với một bằng đánh máy và vài câu tiếng Anh, tôi tìm được một việc làm trong phi trường Biên Hòa, là thư ký đánh máy cho không quân Hoa Kỳ. Tôi bắt đầu theo học lớp Anh văn, năm sau tôi được bổ nhiệm thông dịch viên. Tôi thường làm việc tình nguyện ngày Chủ nhật cho các cha tuyên úy. Một ngày kia họ hỏi tôi có muốn đi sang Mỹ du học không? Thật là điều ngạc nhiên và thích thú vô cùng.
Một năm sau tôi đến Phoenix, Arizona. Tôi bắt đầu học ở trường Đại học Thương Mại Lamson. Hai năm sau tôi sang học ở Đại học Phoenix, rồi Đại Học Tiểu Bang Arizona. Tôi dạy mỹ thuật ở tiểu học ba năm. Và sau đó lập gia đình. Chồng tôi là một kỹ sư điện.
Chồng tôi rất thành công trong việc sáng chế máy móc vì thế chúng tôi dọn sang California để được gần công ty sản xuất. Miền Bắc California khá lạnh, thế là chúng tôi dọn sang ở Hawaii (1983).
1985, sau 16 năm xa cách, tôi được gặp tại gia đình ở tiểu bang Oklahoma. Sáu tháng sau, cha tôi qua đời. Ba năm trong trại cải tạo đã cướp hết sinh lực ông.
Tôi đến Hawaii từ năm 1983, định cư tại hòn đảo lớn nhất trong quần đảo Hawaii. Hòn đảo này có núi lửa vẫn đang hoạt động. Như các bạn đã từng nghe nói, Hawaii là nơi nghỉ mát nổi tiếng trên thế giới.
Cảnh vật chung quanh tôi gây biết bao cảm hứng, từ những cành hoa bé nhỏ đến những bông hoa vĩ đại, từ bãi cát trắng đến những tảng nham thạch đen. Tôi thường dùng kiểu bình phong vì kiểu này giúp tôi thực hiện được những bức tranh lớn, việc chuyên chở lại dễ dàng hơn.
Một trong những chất liệu về ngành tạo hình tôi thích dùng là vải. Đây là một chiếc áo tôi may cho nữ thần núi lửa - bà Pelé. Tôi lấy một miếng vải satin màu đen, xếp lại rồi bỏ vào một thau gỗ nhỏ. Tôi lấy thuốc tẩy pha với nước xong ngâm miếng vải vào dung dịch này, thuốc tẩy sẽ lấy màu đen và bên dưới là màu vàng lộng lẫy. Tôi đệm bông gòn và khâu để những đường nét đặc biệt được nổi lên. Tôi cũng có vẽ một loạt tranh về những con đường mòn chung quanh vùng công viên Kilauea. Công viên ở Mỹ thường rất là rộng lớn, nhiều khi nó chiếm nguyên cả một khu rừng. Một trong những cái thú của tôi là được đi dạo trong những con đường mòn ở công viên này, tôi thường ví những con đường mòn đó như những con đường đời của tôi, lúc lên lúc xuống, lúc thăng lúc trầm, tương lai có thể đem đến cho ta những điều kỳ thú và cũng có thể đem đến những thất vọng.
Vẽ, hết hoa, hết biển, tôi lại đặt một thử thách khác. Bây giờ tôi muốn vẽ những bức tranh thật lớn, ghi lại khung cảnh vùng núi Waimea Canyon ở hòn đảo Kauai. Sau đó tôi có vẽ một loạt tranh mà đề tài là sự phản chiếu ở mặt nước. Có lẽ tôi bắt đầu nhìn sâu vào đời mình, nhìn lại hay cũng có thể là hồi tưởng trở lại quá khứ.
Năm 1990, có một nhà bác học đến Kona, nơi tôi cư trú. Ông ta diễn thuyết về môi sinh. Ngày trước ông là một nhà bác học làm việc trong một phòng thí nghiệm chuyên về vũ khí chiến tranh. Nay ông đã nghỉ việc và trở nên một nhà giáo dục, ông hiện tham gia vào chương trình giáo dục trẻ em: "Dạy cho chúng biết nếu chúng không săn sóc trái đất này, một ngày nào đó, nhân loại cùng cả trái đất sẽ bị tiêu diệt bởi những hành động vô trách nhiệm."
Ông hướng dẫn chúng tôi vào một cuộc quán tưởng, tôi thấy mình ngồi trên một dòng suối, tiếng nước róc rách chảy, gió thổi nhè nhẹ, nắng vàng tươi, cảnh đẹp như thiên đường.
Ông đề nghị chúng tôi đàm thoại với Đấng Tạo Hóa. Tôi bắt đầu có những cảm xúc khi nghĩ rằng mình chưa làm một việc gì giúp cho việc bảo tồn môi sinh. Nước mắt giàn dựa, tôi nghĩ mình phải làm một cái gì đó để tỏ lòng biết ơn Đấng Tạo Hóa đã cho tôi thật nhiều ân huệ trong cuộc đời.
Tôi chợt nghĩ, mình có thể vẽ cảnh rừng này và khi triển lãm tất cả mọi người đến coi sẽ có những cảm nghĩ về sự quan trọng của rừng mưa nhiệt đới ở Hawaii nói riêng và rừng mưa nhiệt đới trên thế giới nói chung. Ít nhất là tôi có thể nêu ra một vấn đề khiến họ suy nghĩ. Khi nhìn những bức tranh họ thấy rừng đẹp quá và sẽ muốn bảo tồn rừng mưa này.
Đây là bức tranh tôi đặt là "Ngày xửa ngày xưa", bức tranh này nhắc nhở tôi rằng một HẠT GIỐNG nhỏ bé, rơi giữa đường tách của nham thạch, với một chút may mắn, một vài giọt mưa hay hạt sương, chút nắng. Hạt Ohia sẽ mọc mầm và trở nên một cây Ohia, rồi sẽ lớn lên giữa một rừng mưa nhiệt đới. Và bức tranh "Cảm thương về mưa rừng": trong rừng cây cối mọc một cách dung hòa, cây già đổ xuống để làm nền móng cho cây non, cây nhỏ dựa vào cây lớn, che chở lẫn nhau mà phát triển.
Năm 91 tôi có dự định bày một cuộc triển lãm ở Trung Tâm Mỹ Thuật Vùng Núi Lửa, một phòng triển lãm thường có rất nhiều khách từ khắp các nơi trên thế giới.
Tôi lại bắt đầu loay hoay, không biết vẽ gì bây giờ, bờ biển, hoa lá, rừng cây, tôi cũng chán rồi vì tất cả không còn là thử thách như trước, tuy bán rất chạy. Bản thân tôi thích thử thách. Ngày giờ đã cận, một phần tôi muốn đề nghị với họ đình hoãn cuộc triển lãm, một phần tôi tự nghĩ cứ yên trí, đề tài sẽ đến và tôi sẽ sáng tác được.
Hình như trong tiềm thức tôi có một cái gì chuyển động, như dung nham trong lòng đất, đang chờ đợi cơ hội để vươn tung lên mặt đất. Ý tưởng thay đổi nhiều hướng từng lấp ló trong mấy năm nay rồi, và giờ đây tôi không thể từ chối được nữa.
Trong lúc đang loay hoay tìm tòi, lục lọi, tôi giở một tờ báo. Một bài báo nói về những loại côn trùng sống trong rừng mưa nhiệt đới do một nhà vạn vật học viết, ông ta kể về hai loại bươm bướm, một loại tên là Kamehameham, đặt theo tên của một ông vua nổi tiếng của Hawaii trong thời đế quốc.
Một tia sáng vọt lên trong đầu tôi, tại sao không vẽ rừng mưa và núi lửa qua cặp mắt của một con bươm bướm? Hay hơn nữa của một con sâu, trong một đêm nào đó sắp sửa biến dạng thành con bướm? Thế là tôi đến thư viện tìm sách đọc về sự hóa thân của bươm bướm. Tôi nhận thấy giữa chúng ta và bươm bướm có rất nhiều điểm tương đồng.
Loạt tranh trừu tượng tiêu biểu, với thuốc nhuộm trên giấy, là kết quả của sự trưởng thành của tôi về cả hai mặt nghệ thuật và tâm linh. Tôi đã tu thân và tu tính trong bao năm nay - truy tìm bản thân - gột bỏ lần lớp vỏ bên ngoài và bây giờ tôi có thể tự mình mà không phải hổ thẹn. Tôi thấy mình như một con sâu đang sắp sửa biến dạng. Như một con sâu đang trải qua một thời kỳ biến dạng thay hình, đau đớn, sợ hãi, để trở thành con bươm bướm. Và vì thế nghệ thuật của tôi, và chính bản thân tôi bắt đầu chuyển qua một hình thức mới.
Trong bức Bươm Bướm Biến Hóa, tôi muốn miêu tả con bươm bướm non còn nằm trong kén, sợ hãi không dám ra: "Có cánh thì có cánh nhỡ mình không bay được thì sao?" Biết bao lần tôi đầy mặc cảm không đủ tài năng, không đủ trí óc.
Qua bức Biển Cả Thì Thào, tôi nghĩ đêm đó trong rừng sẽ có những vũ điệu ăn mừng vì sự biến chuyển trong vũ trụ: một con sâu đã trở thành một con bướm.
Tôi đến nước Mỹ năm 1969. Sau 15 năm đầu tôi thường nằm mơ về Việt Nam. Những giấc mơ ấy thường đầy sợ hãi và buồn phiền. Hầu hết trong những giấc mơ này, nỗi sợ hãi hiện diện là tôi bị giữ lại ở Việt Nam. Trong bao nhiêu năm, tôi thề là sẽ không bao giờ trở lại Việt Nam vì đó là một nơi chết chóc và đau thương.
Vào năm 1990 gì đó, tôi bắt đầu có ý nghĩ trở về Việt Nam, tôi muốn về để tìm đề tài vẽ. Tôi nghĩ tới nghệ thuật với tình yêu quê hương, tôi sẽ có thể tạo nên những bức tranh đẹp. Va người Mỹ sẽ có những cảm xúc khác về Việt Nam thay vào những ý nghĩ Việt Nam chỉ là một chiến địa.
Đầu năm 1992 tôi trở về Việt Nam. Đây là một chuyến đi có ý nghĩa nhất trong đời tôi và cũng là một cuộc hành trình tâm linh. Chuyến đi này đã giúp tôi nối lại mối quan hệ với bà chị ruột. Về miền Bắc nhìn lại nơi tôi ra đời và viếng thăm ngôi mộ của mẹ tôi, một ngôi mộ sơ sài, một đống đất, một cây thánh giá không đủ để che mưa che nắng. Sau 37 năm trời, vùng đất mẹ đã xảy ra biết bao nhiêu thay đổi.
Tôi dẫn bà chị và cháu Thủy đi Hà Nội, đi Huế. Một vài hình ảnh từ đầu làng tôi ở miền Bắc cứ ở mãi trong trí tôi. Trời lúc này rất lạnh, những nông phu cấy lúa chẳng những họ không có giầy dép mà còn đứng cả buổi dưới nước. Một mặt tôi thấy rất nhiều thay đổi. một mặt khác lại không có gì thay đổi, vẫn màu mạ non, vẫn gàu sòng tát nước, vẫn người nông phu vác cày.
Trên đường vào cổng làng, chúng tôi gặp một anh trai trẻ, anh nói sẽ đưa chúng tôi đến nhà chú tôi. Chị tôi mừng đến nỗi không cầm lòng được, thấy ai ngoài đường cũng hỏi han.
Biết bao là xúc cảm! Tôi thấy chị tôi nắm tay một bà cụ rất thân thiết và cảm động. Tôi không thể hình dung một ngày không xa lắm trong quá khứ, những người thân yêu của họ đã coi nhau như kẻ thù, đã đánh trận và đã chết trong cuộc chiến Bắc-Nam.
Đây là ngôi trường cũ nơi tôi học mẫu giáo, và bên kia bờ ao, ngôi nhà thờ cổ kính có nóc chuông cao chót vót, nơi tôi đã được rửa tội, chịu lễ lần đầu, nơi tôi đã từng đi lễ sáng chiều và cũng là nơi cha xứ đã cử lễ an táng cho mẹ tôi. Giờ đây trông cô đơn và lạnh lẽo làm sao! Tự nhiên tôi muốn biến nó thành một vật bé nhỏ để tôi có thể ôm vào lòng, và nói: "Ngôi nhà thờ cao chót vót ơi, ta thương nhà ngươi lắm, nhà ngươi sẽ luôn luôn ngự trị trong ta."
Đây là ngôi nhà nơi tôi ra đời, ngôi nhà này ông nội đã để lại cho cha tôi vì là con trưởng. Có bốn anh em thì ba người di cư vào Nam.
Cô bạn tôi hỏi chú:
"Tại sao chú không vào Nam với anh em?"
Chú nói:
"Anh và hai em đi rồi, tôi nghĩ phải ở lại để chăm sóc nhà cửa ruộng nương của ông bà để lại."
Chú tôi có nói thêm sau khi anh em và những người làng đi rồi, chú như người mất hồn, trong mấy năm đầu chú không làm ăn được gì hết. Thế rồi giọng chú nhỏ dần lại, lẩm bẩm những gì không biết, có lẽ chú muốn hình dung lại cảnh gia đình anh chị em xum họp. Ngày đó sẽ không bao giờ trở lại và chỉ có thể tìm lại trong ký ức mà thôi.
Sau vài tiếng đồng hồ viếng thăm gia đình chú, chúng tôi ghé thăm mộ của mẹ tôi, chị tôi đốt nhang rồi đọc kinh cầu nguyện. Tôi đứng bên ngoài như một kẻ xa lạ, tình cảm quá căng thẳng, tôi chỉ biết là tôi muốn ra khỏi nơi này, tôi cảm thấy mình có thể nổ tung ra được. Hình ảnh ngôi mộ của mẹ tôi ám ảnh tâm trí tôi vô kể.
Trở về Hawaii, tôi không còn tự chủ được nữa. Đau đớn, hối hận, phẫn nộ, tuyệt vọng rồi hoang mang... biết bao cảm xúc lẫn lộn trong tôi. Suốt một năm trời tôi hì hục suốt ngày trong phòng vẽ, khởi đầu biết bao nhiêu là xê-ri mới, nhưng chỉ được vài ngày lại chán nản rồi bỏ lửng.
Tôi có vẽ, sơn và may hai cái chăn bông, tôi nghĩ sự êm ái của nệm bông sẽ xoa dịu những vết thương lòng đang xâu xé tim tôi. Nhưng chỉ thấy màu sắc của nó tượng trưng cho trái tim rướm máu của tôi, những đường chỉ như những sợi dây thắt vào tim tôi, màu sắc hỗn loạn như tâm trí hỗn loạn của tôi.
Đầu năm 1993, tôi bắt đầu cảm thấy bình thường trở lại và bắt đầu một loạt tác phẩm mới, tôi không biết loạt tác phẩm này sẽ đi đến đâu, nhưng tôi có những hình ảnh rất rõ ràng trong tâm trí. Thêm vào đó là một tinh thần làm việc rất hăng hái. Có nhiều điều kỳ diệu liên hệ đến loạt tác phẩm này. Có thể xem đó như là những sự trùng hợp ngẫu nhiên hay phép lạ.
Phấn Nguyễn Barker: Bài Thơ Cho Mẹ Tôi (trong loạt tác phẩm Màu Trắng Khăn Tang), mixed media, 1993.
Loạt tác phẩm này, Màu Trắng Khăn Tang, diễn tả những xúc cảm bế tắc, không phân giải được, liên hệ đến quê hương đất mẹ của tôi. Màu Trắng Khăn Tang cũng là tiếng khóc thương cho những linh hồn của kẻ đã chết trong trận chiến Việt Nam, và cũng có mục đích hàn gắn những vết thương lòng - của tôi và của những người khác - mà chiến tranh đã gây ra.
Tôi muốn thực hiện trong buổi khai mạc một cuộc triển lãm các tác phẩm nghệ thuật được treo trên tường hoặc dựng đứng trên bục gỗ. Một tác phẩm sẽ được dùng như một bàn thờ. Sẽ có hương nhang sẵn sàng cho khách đốt và cầu nguyện trước bàn thờ. Sẽ có người đứng ngoài cửa trao cho khách chiếc khăn tang trắng nếu họ muốn để tang và thương khóc cho người thân yêu.
Thoạt đầu tôi muốn Màu Trắng Khăn Tang, là một sự thanh lọc tâm linh của riêng tôi. Thế rồi tôi hình dung cảnh mọi người đến tham dự buổi khai mạc triển lãm, tôi thấy họ qua "cửa sổ" của những tác phẩm, tôi chợt nhận ra rằng họ là một thành phần của những tác phẩm nghệ thuật này. Tôi tự hỏi mình: Vậy thì những nỗi đau đớn, những ưu phiền, những bế tắc của họ thì sao đây? Về chiến tranh Việt Nam hay về bất cứ cuộc chiến tranh nào khác?
Tôi lại tự hỏi: Thế chúng ta không phải cùng chung một tâm linh, một ý thức, một nhân loại, một thế giới hay sao? Vậy thì chúng ta phải có cùng chung một nỗi đau đớn, một ưu phiền, một bế tắc tâm linh. Khi chúng ta tu thân và tu tính, hàn gắn vết thương lòng cửa mình, chúng ta gián tiếp hàn gắn vết thương của nhân loại.
Tôi vừa ở Việt Nam về, với hành lý mang về là một tinh thần thương yêu và hòa bình của người dân Việt Nam, của các bà mẹ, những người phụ nữ Việt Nam, những em bé trên đất mẹ mến yêu. Hôm nay tôi được hân hạnh gieo rắc tình thương này ở đây, như những hạt Ohia trên nham thạch, chúng ta sẽ không có được rừng nhiệt đới, nhưng chúng ta sẽ có cây Hòa Bình, và Tình Thương sẽ là những đóa hoa.
California, 25-02-1994
* Phát biểu cửa họa sĩ Phấn Nguyễn Barker ở câu lạc bộ hội VAALA (Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ), California, ngày 25-02-1994.
- Phấn Nguyễn Barker sinh năm 1946 ở Từ Châu, Bắc Việt.
- Sống ở Mỹ từ năm 1969
- 1961-1965 theo học trường Mỹ Nghệ Biên Hòa.
- Năm 1978 tốt nghiệp về mỹ thuật ở viện Đại Học Tiểu Bang Arizona.
- Hiện sinh sống ở Kailua-Kona, Hawaii.
- Hột Giống Hòa Bình Phấn Nguyễn Barker Phát biểu
• Đỗ Duy Ngọc và ảnh nghệ thuật đen-trắng (Diễn Đàn Thế Kỷ)
• Phan Nguyên - Mượn Dấu Thời Gian (Song Thao)
• Họa sĩ Victor Tardieu (Huỳnh Hữu Ủy)
• Họa sĩ Hồ Hữu Thủ qua đời (Diễn Đàn Thế Kỷ)
• Họa sĩ Vị Ý với ước nguyện không thành (Việt Dương)
• Nguyễn Trọng Khôi: Huyền ảo cao nguyên đá (Nguyễn Trọng Chức)
• Tưởng niệm Victor Tardieu (Ngô Kim Khôi)
• Nguyễn Trọng Khôi – Đam mê và Sáng tạo (Trương Vũ)
• Khánh Trường và Những Tấm Lòng (Nguyên Hòa)
• Hồ Hữu Thủ - Người Đi Tìm Chân Tướng Sự Vật (Nguyễn Viện)
William Alexander & Họa Phẩm Về Đàng Trong
(Nguyễn Duy Chính)
Họa sĩ và Nhiếp ảnh gia:
Nhiếp ảnh gia:
Nguyễn Cao Đàm, Trần Cao Lĩnh,
Nguyễn Ngọc Hạnh, Hương Kiều Loan
Trường Vẽ Gia Định (truongvegiadinh.blogspot)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |