|
Duy Thanh(11.8.1931 - 24.11.2019) | Tuệ Sỹ(15.2.1943 - 24.11.2023) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Nhận cái mail của người bạn gửi cho bài viết về tranh của Phạm Bình Chương, tôi nhớ đến cuộc triển lãm của một nhóm họa sĩ trẻ ở Hà Nội đã xem trên mạng hồi năm ngoái.
Xem lại tài liệu thì thấy Pham Bình Chương thuộc nhóm “già hơn”, không khác nhau nhiều ở tuổi tác nhưng ở quá trình sáng tạo. Lại có dịp tìm hiểu về tranh của một họa sĩ Việt Nam ở trong nước rất đáng chú ý.
Ngõ Đông Thái -
Phạm Bình Chương
Theo Lam Thu trong bài “Ngõ nhỏ phố nhỏ Hà Nội” (1) thì Pham Bình Chương đã vẽ có hơn 100 bức tranh về phố cổ Hà Nội trong vòng 5 năm trở lại. Tìm trên mạng, những bài viết về tranh Pham Bình Chương từ tháng 8 vừa qua đến nay, tôi chỉ tìm được hơn 20 bức. Chỉ xin nói về những bức tranh này.
Phần lớn các bài viết hay phỏng vấn đều quy tụ vào một điểm khen nhất định và duy nhất: tranh của Pham Bình Chương giống y như thật, như là chụp hình vậy. Pham Bình Chương là trưởng Nhóm Hiện thực (thành lập tháng 11.2014), theo trường phái Hiện thực nhưng (may mà) không phải Hiện thực XHCN!
Ấn tượng đầu tiên khi nhìn vào tranh của Pham Bình Chương là những bức tường, những góc tường loang lở, những dẫy nhà xây thời thuộc địa, cầu thang ọp ẹp hay những hành lang dài và cũ kỹ… , tôi liên tưởng ngay tới Maurice Utrillo (1883-1955) và Montmartre.
Utrillo là họa sĩ hiếm hoi sinh ra ở Montmartre, vẽ Montmartre và nổi tiếng về những bức họa này của ông trong khi hầu hết các họa sĩ vẽ Montmartre và đền Sacré-Coeur nơi khu vực đó đều đến từ các nơi khác.
Những mảng tường trắng xám của Montmartre đầu thế kỷ XX đã trở thành dấu ấn của người họa sĩ này như một đặc điểm của Paris vậy. Tranh đường phố của của Utrillo rất ít khi vẽ người, cũng như tranh của Pham Bình Chương, thường chỉ có một bầu trời mùa Thu hay mùa Đông của Paris, xám xịt và ảm đạm, bao trùm tất cả, khung cảnh và tâm thức của người vẽ cũng như người thưởng ngoạn!
Nhưng có một điểm khác biệt cơ bản, không thể nào không thấy, đó là các vệt nắng trong tranh của Pham Bình Chương.
Ông đã đợi chờ, nhìn thấy, ghi lại qua ảnh chụp, phác họa hay giữ trong ký ức… (1) họặc cũng có thể là cái thủ pháp tài tình, thêm vào một ít nắng, đúng lúc và đúng chỗ, không tình cờ chút nào ! Chỉ có họa sĩ mới biết được điều này, nhưng nghĩ cho cùng, biết cũng chẳng làm gì trong cuộc đời đầy ẩn dụ này. Tranh như thế là nó như thế, cái cảm nhận là tùy ở mỗi người.
Vệt nắng trong tranh của Pham Bình Chương luôn luôn để lại những cái bóng, của tàng lá cây, của cánh cửa sổ, một vật dụng gì ở gần đó, nó không xuất hiện trong tầm mắt, trên võng mô, nhưng nó biểu hiện sự hiện hữu của nó một cách gián tiếp, không trực nhận được bằng nhãn quan mà qua trực giác.
Nói đến trường phái Hiện thực cũng không thể không nhắc đến hoạ sĩ Mỹ Edward Hopper (1882-1967) ở đầu thế kỷ XX. Ông không vẽ phong cảnh kiểu như phái Ấn tượng, mà phần lớn vẽ nhà cửa, đường xá, kiến trúc… như Pham Bình Chương vẽ Hà Nội. Người trong tranh của Hopper cũng ít khi xuất hiện. Thản hoặc, nếu có, họ chăm chú làm một công việc gì đó như xem sách, đọc báo, ngồi bên tách cà phê, mới từ nhà ga đến hay sắp sửa lên đường ?… , dường như họ hoàn toàn không liên hệ gì đến khung cảnh chung quanh cả. Sự có mặt của họ chỉ để diễn bầy hoàn cảnh cô đơn và tâm trạng cô độc, xa lạ với chính mình.
Con người trong tranh của Pham Bình Chương cũng thế, ẩn hiện trước những bức tường cổ, trên con đường đá trơn ướt, chỉ làm tăng thêm vẻ cô liêu, hoang vắng, khắc khoải đến nao lòng… trong toàn thể bố cục.
Hopper muốn diễn đạt sự tha hóa của con người, như bị nuốt chửng bởi xã hội máy móc, lạnh lùng, hoàn toàn bị đô thị hoá và kỹ nghệ hoá hồi đầu thế kỷ XX ở Mỹ… , nhưng ông đã vẽ theo thời đại của ông. Pham Bình Chương thì không vậy. Ông vẽ chuyện xưa, vẽ phố cổ Hà Nội mà ngày nay, với nhiều người, nó chỉ là một thứ hoài niệm cuối mùa của một thời đã qua. Nhưng sự lôi cuốn trong tranh của Pham Bình Chương chính là cái phong thái trình bầy một sự thật đã bị bỏ quên.
Nắng Tháng Năm –
Phạm Bình Chương
Trong số tranh ít ỏi của Pham Bình Chương mà tôi được xem, nếu có thể được coi như là tiêu biểu, thì ông đã thật sự có nhiều thử nghiệm. Từ những góc cạnh khác nhau để nhìn cảnh vật, vẽ theo mặt phẳng (plan) của những bờ tường cũng có, vẽ theo viễn cảnh (perspective) như các họa sĩ Hoà Lan hồi thế kỷ XVII để tả ngõ hẹp cũng có và ông cũng không ngần ngại gì để hiện thực hết cỡ (gọi là “cực đoan”) khi vẽ một chiếc xe hơi mới tinh, láng cóong đậu trước mấy căn nhà nơi phố cổ. Khác với hoạ sĩ TMT, người đã vẽ một cái xe thể thao của Đức (Porsche) mà theo thiển ý, tôi chắc bức tranh này chỉ làm cho hãng xe đó là vui lòng nhất, xe trong tranh của Pham Bình Chương đậu kế một vũng nước bên lề đường, phản chiếu hình ảnh lộng lẫy của nó trong cái nghèo nàn, ảm đạm…, thật khó nói nên lời!
Về mầu sắc, Pham Bình Chương luôn luôn để mầu nắng, mầu ánh sáng dẫn bức tranh. Lá bàng tùy theo mùa, khi xanh, khi đỏ, nhưng cái vệt nắng để lại những bóng cây in hình trên tường, trên mái nhà… mới là yếu tố chủ động. Nó là tiếng gọi của hoài niệm, của ký ức. Ký ức được khêu gọi và làm sống lại. Hồi tưởng không phải là chuyện lập lại (playback) những chuyện xưa cũ mà là chuyện tái tạo (re-creation), nó mang cái tâm thức bây giờ và ở đây trong khoảnh khắc người ta nhớ lại. (2)
Cụ thể là ở hải ngoại, nghe kể chuyện vượt biên, nghe các bác lớn tuổi kể lại thời cầm súng, chinh chiến… có cảm tưởng như họ kể chuyện mới xẩy ra hôm qua chớ không phải chuyện đã… 40 năm về trước!
Xem tranh phố cổ lặng yên của Pham Bình Chương, tôi nghĩ đến Ban Mai và quyển “Vết chân dã tràng” của cô viết về nhạc Trịnh Công Sơn (xuất bản 2008), một thời đã làm các viên chức nhà nước trên nhiều từng lớp luống cuống, cho in hay không cho in, in rồi, có thu hồi hay không ?! Tranh của Pham Bình Chương không thấy vẽ các thành qủa vẻ vang của “đảng ta” từ 40 năm nay trên cả nước (loại chưa xây xong đã xập !) mà chỉ đưa ra một khung cảnh Hà Nội có thật, cũ kỹ nhưng vẫn còn đó, những cửa sổ đóng kín, những bức tường u ám, rêu phong ảm đạm… Nếu sống trong thời Nhân văn – Giai phẩm thì Pham Bình Chương đủ tội phản động, trí thức tiểu tư sản, chưa thay đổi thành phần, không kiên định lập trường cách mạng… , cho theo cụ Phan Khôi lâu rồi !
May mà thời buổi này, Bộ Chính trị, Ban Tuyên giáo, cả guồng máy của “đảng ta” còn bận tranh giành quyền lực lẫn nhau, cũng như bận đếm tiền, chuyển tiền, mua nhà ở ngoại quốc, lo cho con cái du học v.v… nên ba cái hoài niệm quá khứ lẻ tẻ này ai thèm để ý làm gì ?! Trừ khi tranh của Pham Bình Chương bán mỗi tấm vài chục ngàn đô ở ngoại quốc thì đám quan chức, đại gia mới (có thể) để ý để… đầu tư nhưng đạt được đến cái nhận thức này thì còn lâu lắm khi người ta chỉ biết có ngà voi, sừng tê giác như những thứ status symbol vô thượng !
Chắc phải có sự yên lặng của thân xác, sự im lặng của ngôn từ và sự tĩnh lặng của tâm thức mới có thể cảm được bản chất của hiện thực trong tranh Pham Bình Chương, thật tự nhiên và giản dị. (3)
Kể cũng lạ là mới hơn 40 tuổi (Pham Bình Chương sinh năm 1973), ông có cái tài và cái tâm cảm để dẫn người Hà Nội 1954 trở lại quá khứ trong ngày hôm nay, có lẽ cũng vì sự hoài cảm nằm ngoài ý niệm về thời gian.
Bởi vậy mới nhờ hai câu thơ của Vũ đình Liên như đã dẫn.
15/9/2015
Chú thích:
(1) VN Express – 25/Aug/15 – Lam Thu – Ngõ nhỏ phố nhỏ Hà Nội trong tranh Pham Bình Chương
(2) Asterios Poyp – tác giả: David Maczzucchelli – 2009
(3) Thư viện Hoa Sen – 02/Sep/15 – Hoang Phong – Ghi chú về Phật Giáo Tây Tạng
Nguồn: Nguyễn T. Long giới thiệu tranh tải xuống từ Internet
- Xem tranh phố cổ Hà Nội Nguyễn T. Long Giới thiệu
• Đỗ Duy Ngọc và ảnh nghệ thuật đen-trắng (Diễn Đàn Thế Kỷ)
• Phan Nguyên - Mượn Dấu Thời Gian (Song Thao)
• Họa sĩ Victor Tardieu (Huỳnh Hữu Ủy)
• Họa sĩ Hồ Hữu Thủ qua đời (Diễn Đàn Thế Kỷ)
• Họa sĩ Vị Ý với ước nguyện không thành (Việt Dương)
• Nguyễn Trọng Khôi: Huyền ảo cao nguyên đá (Nguyễn Trọng Chức)
• Tưởng niệm Victor Tardieu (Ngô Kim Khôi)
• Nguyễn Trọng Khôi – Đam mê và Sáng tạo (Trương Vũ)
• Khánh Trường và Những Tấm Lòng (Nguyên Hòa)
• Hồ Hữu Thủ - Người Đi Tìm Chân Tướng Sự Vật (Nguyễn Viện)
William Alexander & Họa Phẩm Về Đàng Trong
(Nguyễn Duy Chính)
Họa sĩ và Nhiếp ảnh gia:
Nhiếp ảnh gia:
Nguyễn Cao Đàm, Trần Cao Lĩnh,
Nguyễn Ngọc Hạnh, Hương Kiều Loan
Trường Vẽ Gia Định (truongvegiadinh.blogspot)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |