|
Dê Húc Càn(1.10.1934 - 21.11.1987) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Họa sĩ Nguyễn Anh
(1914 - 2000)
Trong số các họa sĩ lớp trước, Nguyễn Anh là người làm việc nhiều, điềm đạm, chững chạc, đã phổ được sự rung cảm thành bút pháp và màu sắc một cách khá vững chắc. Tốt nghiệp thủ khoa Trường Mỹ Thuật Đông Dương năm 1935, sau đó học thêm ở Trường Quốc Gia Cao Đẳng Mỹ Thuật Paris năm 1947-1950, lại có cơ hội nghiên cứu về nghệ thuật tạo hình và đã tổ chức triển lãm tại nhiều quốc gia ở Châu Âu như Pháp, Ý, Bỉ, Đức, và Châu Mỹ như Brazil và Hoa Kỳ. Có tranh bày tại Viện Bảo Tàng Vatican. Sau Lê Văn Đệ có một thời kỳ ông đảm trách chức vụ Giám Đốc Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Gia Định.
Nguyễn Anh với phong thái riêng, đã chọn lựa thế giới sắc màu của một họa sĩ ấn tượng, tuy nhiên cũng đôi khi ông đẩy tới biểu tượng, ghi nhận sắc bén, tinh tế và phát lộ bằng những biểu cảm mạnh mẽ. Thường thì ông đi tìm đề tài ở những cảnh vật giản dị chung quanh, những cảnh tượng thiên nhiên, một đại lộ, một công trường, cảnh bên bờ biển, đàn dê giữa đồng cỏ xanh, vài đứa trẻ đang nô đùa, hồ sen đang mùa hoa, cảnh mặt trời lặn...
Ngay cả chọn đề tài chứ chưa nói đến bút pháp, cũng không cần cầu kỳ nữa, như các họa sĩ ấn tượng trước đây đi tìm đề tài trong cuộc sống thường ngày gần gũi chung quanh. Một Claude Monet được gợi hứng để vẽ nên từ Những người phu khuân than ở bến Argenteuil (1927) hay Một cảnh đi săn. Một Jongkind vẽ Đại lộ Port Royal dưới trời tuyết, một Boudin vẽ Những chiếc thuyền mắc cạn, Caillebotte vẽ Một vai cầu, và Sisley sống động với Con đường miền ngoại ô Paris.
Buổi chiều đi qua đường, bắt gặp người hành khất mù đang đánh đàn bên vỉa phố, gửi tiếng hát và tấm lòng đau đớn đến người đời, ông rung cảm trước cảnh tượng cô liêu rất thương tâm của một kiếp người, và lúc trở về đứng trước tấm bố trắng đã căng ra, ông thực hiện bức tranh Hành khất mù. Trong phòng tranh bày vào tháng 2-1971 ở Pháp Văn Đồng Minh Hội (trên đường Lý Tự Trọng bây giờ), giữa hơn 40 bức, nhiều tấm vẽ cảnh sinh hoạt miền biển nổi bật lên, rất đẹp, màu sắc hòa hợp thanh nhã, đường nét rất phóng túng nhưng được che dấu với một vẻ ngoài trầm lặng, là những cảnh Lưới về, Phơi buồm, Dũ lưới, Bãi biển Long Hải...
Ông quan sát rất kỹ cảnh ở biển, nhìn ngắm, chiêm nghiệm và sống suốt một mùa hè trên bãi biển để vẽ tranh. Cảnh vật mở ra đầy lòng yêu mến cùng với hơi thở hào hoa phả vào của tâm hồn nghệ sĩ. Biển, núi, mây, trời, ánh sáng, đặc biệt nhất là ánh sáng với những sắc độ mờ ảo lay động của một lối nhìn ấn tượng. Từ kỹ thuật rút ra của trường phái ấn tượng, ông nghiên cứu để đi đến một bút pháp của mình: ánh sáng lan tỏa khắp trong tranh ông không quá lay động như Monet với kinh thành Venise năm 1908, hay với cảnh Mặt trời lúc hừng đông bày lần đầu tiên năm 1874 ở một phòng tranh trên đại lộ Capucines, Paris.
Như ở bức Dũ lưới, mấy người dân chài đang đem lưới dũ sau khi đánh cá ở biển khơi trở về. Một vài tấm lưới được phơi trên những cây sào cắm trên nền cát vàng sẫm. Những dãy núi đàng sau xa xanh lục ngả sang xám, trên biển nước xanh biếc, dưới sắc trời vàng rán. Vài chiếc thuyền, vài căn lều rải rác trên bãi cát. Con người ở đây đã được thanh lọc để chỉ còn lại là những tảng sơn chấm phá, dựa vào tác dụng của ánh sáng tạo nên.
Tắt lại một lời, thiên nhiên, cảnh vật, thực tại và con người, tất cả cùng hợp nhau lại như những ấn tượng ghi nhận qua tri giác họa sĩ, sẽ tiến đến một cái nhìn toàn diện để tạo thành một thế giới êm ái, ổn định. Những ấn tượng Nguyễn Anh ghi nhận cũng sẽ trở thành ấn cảm của chính người thưởng ngoạn khi đứng trước tranh ông.
HỌA SĨ NGUYỄN ANH, là một trong những họa sĩ cao niên trong giới hội họa nhưng sức sáng tạo rất dồi dào và phong phú. Hồi trung tuần Tháng Giêng 1971 ông đã mở cuộc triển lãm cá nhân tại trụ sở Hội Việt Mỹ Saigon trưng bày 40 tác phẩm; gồm nhiều đề tài khác nhau. Với bút pháp điêu luyện và màu sắc tươi tắn, họa sĩ đã sáng tác nhiều họa phẩm linh động.
Họa sĩ Nguyễn Anh tên thật là Nguyễn Văn Anh, sinh năm 1914 tại Saigon, đã tốt nghiệp thủ khoa Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Hà Nội năm 1935. Ông đã từng là giáo sư hội họa Trường Trung Học Chasseloup-Laubat năm 1936 và Trường Trung Học Trang Trí Mỹ Thuật từ năm 1937 đến 1946. Ông tu nghiệp tại Trường Quốc Gia Cao Đẳng Mỹ Thuật Ba-Lê năm 1947-1950 (Altelier Jean Dupas). Ông được giải thưởng "Prix Hallmark de Peinture", Ba-Lê năm 1949. Ông cũng được học bổng của Cơ quan Quốc tế UNESC0 ngành Mỹ Thuật Tạo Hình tại Âu Châu năm 1959-1960. Ông cũng là giáo sư Trường Quốc Gia Cao Đẳng Mỹ Thuật Saigon từ 1962 đến 1967, và đảm nhiệm chức vụ giám đốc trường này năm 1967-1968. Ông là giáo sư hội họa Đai Học Kiến Trúc từ năm 1968.
Họa sĩ Nguyễn Anh từng dự nhiều cuộc triển lãm ở trong nước và ngoại quốc. Năm 1934 tại Hà Nội; tại Salon d'Été, năm 1942, ở Saigon Triển Lãm Quốc Tế, năm 1948 tại Đông Kinh (Nhật Bản); tại Cité Universitaire, Galerie Cambacérès, Galerie de l'Élysée, Ba-Lê, Pháp; dự triển lãm Mỹ Thuật Tôn Giáo năm 1950 tại La Mã; triển lãm tranh lụa và sơn mài năm 1952, tại Saigon, dự triển lãm lưu động tại Hoa Kỳ, năm 1958; triển lãm tranh lụa và sơn mài tại Palais des Congrès năm 1960 tại Bruxelles, Bỉ; tổ chức cứu trợ nạn nhân chiến cuộc Tết Mậu Thân 1968 tại Saigon, triển lãm tranh sơn dầu tại Hội Việt Mỹ và tại Pháp Văn Đồng Minh Hội Saigon hồi đầu năm 1971. (Trường Vẽ Gia Định)
Nguồn: truongvegiadinh.blogspot.com, artnet.com, mutualart.com
- Họa sĩ Victor Tardieu Huỳnh Hữu Ủy Nhận định
- Họa sĩ Lê Văn Miến Huỳnh Hữu Ủy Nhận định
- Vài Dáng Ngựa Trong Nền Mỹ Thuật Cổ Truyền Việt Nam Huỳnh Hữu Ủy Khảo luận
- Đôi Nét Về Văn Cao Của Hội Họa Huỳnh Hữu Ủy Nhận định
- Họa Sĩ Lê Văn Tài Huỳnh Hữu Ủy Nhận định
- Họa Sĩ Bửu Chỉ Huỳnh Hữu Ủy Nhận định
- Nguyễn Đăng Thường: Từ Văn Chương Đến Nghệ Thuật Tạo Hình Huỳnh Hữu Ủy Nhận định
- Tình Tự Dân Tộc Và Dòng Thơ Kháng Chiến Huỳnh Hữu Ủy Nhận định
- Tranh Khắc Gỗ Dân Gian và Các Tác Phẩm Văn Học Cổ Huỳnh Hữu Ủy Biên khảo
- Nguyễn Đức Sơn: Một Đỉnh Thơ Kỳ Dị Và Cô Độc Huỳnh Hữu Ủy Nhận định
• Đỗ Duy Ngọc và ảnh nghệ thuật đen-trắng (Diễn Đàn Thế Kỷ)
• Phan Nguyên - Mượn Dấu Thời Gian (Song Thao)
• Họa sĩ Victor Tardieu (Huỳnh Hữu Ủy)
• Họa sĩ Hồ Hữu Thủ qua đời (Diễn Đàn Thế Kỷ)
• Họa sĩ Vị Ý với ước nguyện không thành (Việt Dương)
• Nguyễn Trọng Khôi: Huyền ảo cao nguyên đá (Nguyễn Trọng Chức)
• Tưởng niệm Victor Tardieu (Ngô Kim Khôi)
• Nguyễn Trọng Khôi – Đam mê và Sáng tạo (Trương Vũ)
• Khánh Trường và Những Tấm Lòng (Nguyên Hòa)
• Hồ Hữu Thủ - Người Đi Tìm Chân Tướng Sự Vật (Nguyễn Viện)
William Alexander & Họa Phẩm Về Đàng Trong
(Nguyễn Duy Chính)
Họa sĩ và Nhiếp ảnh gia:
Nhiếp ảnh gia:
Nguyễn Cao Đàm, Trần Cao Lĩnh,
Nguyễn Ngọc Hạnh, Hương Kiều Loan
Trường Vẽ Gia Định (truongvegiadinh.blogspot)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |