1. Head_

    Nhật Ngân

    (24.11.1942 - 21.1.2012)

    Phan Nhự Thức

    (4.2.1942 - 21.1.1996)

    Trương Đình Quế

    (.0.1939 - 21.1.2016)
    Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Giấy gói lửa, gói mong manh - nghệ thuật điêu khắc giấy Đinh Trường Giang (Trangđài Glassey-Trầnguyễn) Ad-21 Ad-21 (Google - QC3) (Học Xá)

      12-3-2022 | HỘI HỌA

      Giấy gói lửa, gói mong manh - nghệ thuật điêu khắc giấy Đinh Trường Giang

        TRANGĐÀI GLASSEY- TRẦNGUYỄN
      Share File.php Share File
          

       

      TỪ MỘT TẤM THIỆP XUÂN


      Nhẹ nhàng. Linh động. Thú vị. Sống động. Chiết lọc. Sáng tạo. Mềm mại. Thiền.


      Đó là những cảm nhận đầu tiên tôi có được khi xem trang web https://giangdinh.com/diagrams/ của kiến trúc sư Đinh Trường Giang (ĐTG), trưởng nam của Hoạ sĩ Đinh Cường.



      THIỆP CHÚC TẾT NHÂM DẦN 2022

      Đinh Trường Giang thực hiện (30.1.2022)

      Nguồn: https://tranthinguyetmai.wordpress.com/


      Mấy hôm Tết Nhâm Dần, tôi tình cờ thấy thiệp xuân của ĐTG trên trang blog của Thi sĩ Trần Thị Nguyệt Mai. Hoạ sĩ Đinh Trường Chinh, một người bạn mới quen, cho tôi biết, đó là anh trai của mình, và giới thiệu cho tôi webiste. Tôi chột dạ, sợ mình... lỡ lời rồi, vì Hoạ sĩ Đinh Cường có hai con trai, mà tôi đã gọi trai út của ông là “Đinh-Cường Chinh." Vậy có thiếu sót đối với trưởng nam của ông không? Lỡ ĐTG cũng... vẽ giống thân phụ thì tôi… mắc tội thiên vị mất. May cho tôi! ĐTG đi hẳn hướng khác, tôi đỡ áy náy. Nhưng rồi khi coi website thì tôi thấy thú vị quá, nên phải viết bài này.


      Tác giả có giải thích về tấm thiệp Tết bên trên, kèm theo một cái smiley, “Nhắc đến thiệp Tết con Cọp, nhiều bạn bè thắc mắc có ý nghĩa gì. Lời thưa: mỗi người nên… tưởng tượng ra chú Cọp của chính mình.” Nghe rất lý thú, nhưng phần tôi thì không cần tưởng tượng ra chú Cọp của chính mình, vì tôi có một con Cọp bằng da bằng thịt năm nay vừa đúng một giáp. Một con cọp đủ làm tôi… đừ rồi, tưởng tượng làm chi ra thêm một chú nữa? Vả lại, tôi là cốt mèo, là cô con cọp. Tôi không thể nhìn ra con cọp trong chính mình được, vì như vậy, tự... xuống một bậc. Không thèm!


      Trở lại chuyện origami, tôi không phải là chuyên gia về nghệ thuật xếp giấy Nhật Bản. Nhưng các con tôi thích xếp. Tôi cũng đã mấy bận tốn tiền mua giấy hoa Nhật về cho con chơi. Trong nhà lúc nào cũng treo đầy những hình xếp, từ máy bay, hoa tuyết, chim chóc, thú vật, đến… piano giấy. Lần con trai lớn làm mấy trăm ngôi sao kết hợp giấy hoa hai màu khác nhau, tôi phải ngồi cắt giấy đến nhừ cả tay. Cho nên, những cảm nhận ghi lại trong bài này là từ góc nhìn của một người yêu cái đẹp và một bà mẹ có con thích origami. Khi bốn mẹ con mới vào thăm trang https://giangdinh.com lần đầu, các con tôi cứ trầm trồ tấm tắc khen, mê mẩn nhìn. “Con thích con cáo đỏ!” “Con thích con chim cú!” “Ôi, con chim này đẹp quá!” Những con người, hình thể, và sinh vật được ĐTG xếp bằng giấy như đang nói chuyện với chúng tôi, làm chúng tôi thích thú.


      Không chỉ xem website, bốn mẹ con tôi còn được nghe vài câu chuyện ngắn ĐTG kể chuyện giấy-kể-chuyện (A simple fold, a thousand words | Giang Dinh | TEDxIndianapolis). Anh ngại mình có “thick accent,” nhưng các con tôi vốn quen nghe người di dân nói chuyện, vì từ nhỏ tôi đã cho con làm quen với những môi trường đa sắc tộc tại Nam California, “thủ đô” của một thế giới đại đồng. Vợ chồng tôi cũng là di dân, nên mấy đứa nhỏ cũng hay sửa dùm Ba nó cái vụ phát âm tiếng Anh hoài. Khổ cái, tụi nó coi video xong mà đòi bái sư thì tôi phải chở con đi xuyên bang để kiếm orgamist ĐTG cũng mệt!


      Origamist ĐTG sinh năm 1966 tại Huế, Việt Nam. Anh học kiến trúc khi còn ở quê hương và khi sang Mỹ. Anh đã thiết kế origami từ năm 1998, và hiện đang sống tại Virginia, Hoa Kỳ. ĐTG đã tham gia nhiều cuộc triển lãm ở các nước trên thế giới, như Tây Ban Nha, Đài Loan, Đức, Israel, Croatia, Áo, và nhiều tiểu bang tại Hoa Kỳ. Thừa hưởng di sản của thân phụ Đinh Cường, ĐTG cũng là một hoạ sĩ tạo hình tài hoa, nhưng đam mê chính vẫn là origami. Vì tôi yêu thích hội hoạ Đinh Cường nên có duyên gặp con cái của ông. Coi như là người đã khuất nối kết người còn sống với nhau.


      TĨNH MÀ ĐỘNG


      Nghệ thuật xếp giấy của ĐTG làm tôi nhớ đến hai người mà tôi rất yêu thích, là nhà vật lý Robert Lang và kiến trúc sư Kenzō Tange, vì tôi thấy có những sự tương đồng giữa tác phẩm của họ và nghệ thuật origami của ĐTG. Mười một năm trước, tôi làm quen với các tác phẩm origami của Robert Lang qua bài viết “The Mind-Bending Artistry of Robert Lang,” số tháng 6, 2011, (https://stanfordmag.org/contents/the-mind-bending-artistry-of-robert-lang), của Greta Lorge, trong tờ báo mà Đại học Stanford gởi về tận nhà cho cựu sinh viên. Ông Robert Lang bắt đầu theo đuổi origami tại Đại học Stanford hồi đầu thập niên 1980, và đã xuất bản sách đầu tay “The Complete Book of Origami” năm 1988. Ông nổi tiếng với phương pháp xếp theo hình học (geometric origami) gọi là Sonobe, và đã cho ra đời hơn 500 kiểu origami nguyên thuỷ. Theo bài báo năm 2011, các tác phẩm của ông có giá từ $200 đến $1,500; và khoảng $500 đến $3,000 cho những tác phẩm đặt theo yêu cầu. Một điểm nổi bật nhất tôi nhận thấy trong nghệ thuật của Robert Lang là cấu trúc phức tạp và nhiều tầng trong mỗi tác phẩm.


      Nếu Robert Lang tuân thủ những nếp gấp và độ chính xác của hình thể đến mức tối đa, thì ĐTG đã làm nhẹ đi những nếp gấp để làm cho những tác phẩm của mình trở nên sống động thật sự. Hơn nữa, sự khác biệt lớn nhất chính là sự đơn giản trong lối xếp giấy của ĐTG. Những nếp gấp không còn lệ thuộc vào hình thể toán học, mà phản ánh thực tế cái hiện thân của những sinh vật đang được tạo thành. Đây là điều khác biệt giữa hai nhà origamist. Mỗi người một phong thái, nên cũng khó lòng so sánh kỹ càng được, nhưng cả hai đều mang đến sự đa dạng cho nghệ thuật origami. Tác phẩm của Robert Lang vì nhiều tầng nên tác phẩm có sự chắc chắn và mạnh mẽ. Cứng và tĩnh. Đó là origami theo phong thái truyền thống: gãy gọn, rõ ràng, đứng nét. Còn người kiến trúc sư Việt ĐTG đã đẩy origami của mình đi một bước lạ và khác, tạo nên những đột phá mới và sự đa dạng trong nghệ thuật xếp giấy.



       SOARING: A red-tailed hawk with a 24-inch wingspan folded from Japanese kozo paper. (Photo: Timothy Archiald; Crease pattern courtesy Robert J. Lang).
      Nguồn: Đại học Stanford.

      Ông Kenzō Tange, một kiến trúc sư trứ danh của Nhật, sinh ngày 4 tháng 9, 1913 – mất ngày 22 tháng Ba, 2005. Ông đoạt giải Pritzker Prize cho kiến trúc năm 1987. Kenzō Tange có ảnh hưởng sâu rộng trên nền kiến trúc hiện đại của Nhật Bản. Những kiến trúc, ý tưởng, và bài giảng của ông đã để lại dấu ấn sâu đậm trên bề mặt Tokyo và thế giới. Tôi thích kiến trúc của Kenzō Tange ở chỗ nó mềm mại, uyển chuyển. Cấu trúc được thả lỏng. Những đường cong có thể làm chủ cho sự vận hành của một toà nhà. Nét đặc thù của Tange là tạo ra những kiến trúc đơn giản từ những khái niệm phức tạp. (https://www.rethinktokyo.com/2018/08/22/japanese-architect-kenzo-tange).


      Ở một cách nào đó, origami của Đinh Trường Giang có một điểm tương đồng với kiến trúc Kenzō Tange. Đó là sự thả lỏng của chất liệu và đường nét. Và cả hai kiến trúc sư đều chú tâm đến sự đơn giản trong thiết kế của mình, nhưng lại diễn đạt được những điều phức tạp. Sự thả lỏng của chất liệu và hình thể mang đến nét mềm mại, tính linh động, và tạo ra sự chuyển động trong kiến trúc và tác phẩm. Nghệ thuật origami mang chữ ký ĐTG không đơn thuần là chuyện xếp giấy, vì ở đây, nếp gấp đã được thả lỏng, biến hình. ĐTG đã làm cong nếp gấp và thổi khí vào những đường cong đó, nên tác phẩm trở nên nhẹ nhàng, linh động, mềm mại. Tác phẩm, do đó, không còn bị gò bó trong nếp gấp hay kẹp lại trong một tư thế động. Tác phẩm của ĐTG cử động, kể chuyện, và thở. Thiền dĩ động. Vì sự mềm mại trong nghệ thuật tạc giấy của ĐTG nên trong cái tĩnh vẫn lấp lánh cái động, mà cái động ấy lại thong dong trong một khoảnh khắc được ấn định và đóng dấu. Tĩnh mà động, động mà tĩnh. Một cõi trôn ốc vô biên của tâm thức thiền.


       

      Credit: Jean-Pierre Dalbéra/Flickr/CC BY 2.0 licensed under.
      Nguồn: https://www.rethinktokyo.com/

      NGƯỜI BẠN GIẤY


      Vậy kiến trúc sư ĐTG đã đến với nghệ thuật origami như thế nào? Anh cho biết, “Khoảng năm 1973-1974, khi tôi đang học tiểu học, ba mẹ mua cho tôi mấy cuốn sách dạy xếp origami. Sau 1975 - mất hết - tôi chỉ còn nhớ được vài mẫu origami cổ điển. Rồi gia đình tôi sang Mỹ năm 1989. Năm 1996, tôi đến một hiệu sách và thấy lại cuốn sách được ba mẹ mua cho hơn 20 năm về trước! Đó là cuốn "Thế giới của origami" của Isao Honda. Như gặp lại một người bạn xưa!”


      Một người bạn giấy. Quen từ tuổi thơ. Giờ gặp lại ở nơi xa. Và niềm đam mê lại dâng tràn. “Và từ đó, thú vui ngày thơ lại trỗi dậy. Tôi mua nó cùng một quyển khác của Kunihiko Kasahara và lại bắt đầu chơi với giấy! Sau đó tôi tham gia Origami USA (OUSA), Hội của những người yêu thích origami tại Mỹ, có trụ sở ở New York, và khám phá thêm nhiều sách hướng dẫn về origami, và thường xuyên tham dự các hội thảo, triển lãm về nghệ thuật này. Sau khoảng hai năm, tôi bắt đầu sáng tác những tác phẩm riêng của mình.”


      ĐTG không xếp origami như người ta. Vậy anh dùng những loại giấy nào? Anh bật mí, “Hầu hết tác phẩm của tôi được xếp ướt với giấy vẽ màu nước hay giấy làm bằng tay, đều là những loại giấy rất dày so với giấy xếp origami thông thường." Chất liệu có lẽ là một điểm nổi bật trong nghệ thuật ĐTG. Giấy là chính, nhưng có khi, từ những tác phẩm giấy, anh lại tạc đồng. Như con gấu mộng mơ. “Một khởi đầu nhỏ nhoi" theo lời tác giả (https://giangdinh.com/dep/):


      The dreaming bear is the first try at bronze casting from original origami

      Still small, yes

      But it is a start…


       

      playing cat. Đinh Trường Giang.


      Với sự đa dạng của chất liệu là giấy, từ nhăn, phẳng, trơn, nhám, màu, hay trắng, ĐTG kết hợp ý tưởng với cử động, thao túng đường nét và cách diễn đạt gợi hình. Con mèo đang chơi “playing cat" là sự kết hợp tài tình giữa hai màu đen-trắng và những cử động nhẹ nhàng, thoát ý. Nhưng có một chất liệu vô hình mà hữu thể, đó là sự đơn giản. Khác với Robert Lang và giống với Kenzō Tange, ĐTG chọn sự đơn giản trong sáng tạo, làm cho tác phẩm của anh thật nhẹ nhàng trong mọi ý nghĩa. Như một cách thiền với giấy. “Để gió cuốn đi,” như trong bài hài cú anh viết tháng 11 năm 2011. Qua khối óc và đôi tay của ĐTG, giấy mặc lấy linh hồn. Giấy hoá thân thành những sinh vật đa dạng. Giấy biết nói và cử động. Giấy kể chuyện.


      GIẤY GÓI LỬA, GÓI MONG MANH


      ĐTG là một người kín đáo. Anh ít nói. Tác giả của những truyện tranh không lời. Nhưng ít ai biết, ĐTG cũng là một người ít lời mà nhiều tâm sự. Khi tôi liên lạc để tìm hiểu về loại giấy anh dùng để sáng tác, kiến trúc sư ĐTG đã cho tôi nhiều bất ngờ. Anh tiết lộ, đánh máy chỉ bằng… hai ngón tay. Tôi ngạc nhiên: người làm được nhiều việc như ĐTG mà chỉ… gõ có hai ngón thôi. Sao hay quá vậy? Hơn nữa, trước giờ tôi cứ tưởng cái vụ này là độc quyền của Nhà thơ Du Tử Lê, mà tôi gọi là “độc chiêu nhị chỉ.” Khi Chú Lê qua đời, thì tôi cứ tưởng chiêu này đã thất truyền. Nay không ngờ lại gặp truyền nhân của môn phái này. Ngạc nhiên thứ hai, là khi tôi xem bài nói chuyện TEDx của ĐTG, thì thấy anh hơi… ốm (https://www.youtube.com/watch?v=YY_EjYpHBwM). Tôi hỏi, bộ anh Giang kén ăn hay sao mà ốm rứa? Hay là muốn giống Thầy Tuệ Sỹ? Anh nói, bây giờ so với tên trên youtube kia có lẽ còn ốm hơn nữa, dù không nối gót Thầy Tuệ Sỹ. Tuy ĐTG nói vậy, nhưng tôi nghĩ, anh không nối gót Thầy ở thiền viện, mà nối gót Thầy ở ngay thiền phòng nhà mình, hiển lộng qua cái Thiền tính trong sáng tác origami của anh. Nhưng ngạc nhiên lớn nhất vẫn là sự vui vẻ, thân thiện, chân tình mà ĐTG dành cho tôi trong lần đầu trò chuyện. À, ĐTG là người thích kể chuyện bằng cả giấy mà! Thích trò chuyện âu cũng là điều dễ hiểu!


      Circle of Life. Đinh Trường Giang.


      Ừ, thì không theo Thầy Tuệ Sỹ, nhưng cũng giống lắm. Giống ở cái ốm. Mà ốm quá thì lấy sức đâu mà tạc giấy? Giờ tôi mới nghiệm ra: người ốm nên tác phẩm cũng mỏng manh. Tôi dặn, “Nhưng ốm mà phải khoẻ nghe!” Anh Giang cười mỉm chi, “Thì ốm nên mới chọn giấy thay vì da, đồng, hay gỗ. Mà kiếp người cũng mong manh đó thôi.” Phải rồi, kiếp người cũng mong manh đó thôi. Như câu chuyện Mẹ-Con-Mẹ mà anh tạc trong series “Circle of Life” bên trên. Từ một người thiếu nữ, rồi làm mẹ, rồi con lớn lên, mẹ đi về cõi khuất khi người con giờ cũng làm mẹ.


      ĐTG không chỉ chơi với giấy. Anh còn chơi với lửa. Lửa đam mê. Như anh kể, “Đối với tôi, origami đồng nghĩa với nghệ thuật điêu khắc giấy. Cảm hứng có thể đến từ nhiều nguồn, từ điêu khắc hiện đại đến hội họa, tranh thiền tông, đồ họa, từ các tác phẩm của các nghệ sĩ origami cũng như từ những gì tôi được đọc, được xem, được nghe...”


      Giấy gói lửa. Gói mong manh. Mong manh đời người. Như tác phẩm có sự chuyển động của thời gian, từ ngày Mẹ bế Con, đến khi Con làm Mẹ và Mẹ lìa cõi thế. Đời người, rồi cũng như một tiếng hú qua đồi... “Ai cũng phải qua bốn mùa…” Không hẳn vậy. Đôi khi một đời người còn chưa đủ một phần Xuân lại đã phải qua đi. Như cô bé Ukraine sáu tuổi chết dưới làn đạn của quân Liên Xô xâm lược một ngày đầu tháng Ba, 2022. Mong manh hoà bình. Như bầu trời Ukraine đang xanh trong bỗng tối sầm, đổ nát, tang hoang khi tên quỷ đỏ độc tài Putin xua quân đi đánh chiếm. Mong manh lời nguyện cho chiến tranh chấm dứt. Như trái tim cậu bé 11 tuổi, phải rời bỏ Mẹ và bà ở lại quê miền đông Ukraine, đi tản cư một mình qua xứ lạ. Mong manh một niềm hy vọng của người dân khắp nơi trên thế giới, thương cho những đứa trẻ vô tội phải gánh chịu can qua, binh lửa. Thương cho người dân Ukraine không dưng chịu cảnh cửa nát, nhà tan.


      MƠ HOÀ BÌNH


      unfold war, make peace. Đinh Trường Giang.


      Chiến tranh làm ĐTC gợi nhớ một tác phẩm origami 2008. Đen và trắng. Ác và thiện. Hai mặt của một hình vuông. ĐTG tư lự, “Origami nói chung vẫn rất ít tác phẩm có chiều sâu. Nếu chỉ là những con thú, những bông hoa, thì vẫn đẹp, vẫn hay, nhưng còn gì khác?” Và người hỏi đã trả lời bằng những tác phẩm.


      Trong những ngày cuối tháng Hai 2022, khi Nga xô quân xâm chiếm Ukraine, ĐTG trôi theo nỗi buồn vời vợi của một triết gia. Buồn cho tình đời, cho cách con người đối xử với nhau. Một nỗi buồn à la mode Nguyễn Xuân Hoàng. Tôi chạnh nhớ tác giả “bụi và rác,” người đã từng tâm sự với tôi những nỗi buồn này trong những năm cuối đời của ông. Phải chăng nỗi buồn nhân tình thế thái là cái ách chung của những triết nhân? Nhưng triết nhân ĐTG đi tìm cứu cánh trong… giấy. Từ trong nỗi buồn, giấy thở niềm cảm thông, tìm cách gấp lại chiến tranh, mở ra hoà bình, như một trong những tác phẩm mới nhất ở trên.


      Cầu nguyện hoà bình. Đinh Trường Giang.


      Giấy. Giấy gói những mong manh, man mác. Giấy gói tâm tư của một đời người. Mời bạn bước vào cõi giấy Đinh Trường Giang ở đây: https://giangdinh.com.


      Trangđài Glassey-Trầnguyễn

      Nguồn: diendantheky.net

      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022


      Cùng Tác Giả

      Cùng Tác Giả:

       

      - Giấy gói lửa, gói mong manh - nghệ thuật điêu khắc giấy Đinh Trường Giang Trangđài Glassey Nhận định

      - Hành trang Việt ngữ: Sổ Tay Chính Tả và bộ Việt Sử Bằng Tranh Trangđài Glassey Giới thiệu

      - Giáo sư Lưu Trung Khảo: Lương Sư Cứu Quốc Trangđài Glassey Tạp luận

      - Tiếng Việt, quê hương giữa thế giới: 40 năm tiếng Việt hải ngoại Trangđài Glassey Tạp luận

      - 40 Năm Văn Học Miền Nam Thất Thủ: Thế hệ Hậu Chiến khước từ Thân phận mồ côi Trangđài Glassey Khảo luận

      - Ann-Phong tại Ann-Home: Ngọn Gió nghệ thuật Việt tại Anaheim Trangđài Glassey Giới thiệu

      - “Sự thật ấm lòng” về Nhà văn – nhà binh Phan Nhật Nam Trangđài Glassey Giới thiệu

    3. Chuyên Mục Hội Họa (Học Xá)

       

      Hội Họa

        Cùng Mục (Link)

      Họa sĩ Phạm Cung, người luôn ký ngược (Hà Đình Nguyên)

      Đỗ Duy Ngọc và ảnh nghệ thuật đen-trắng (Diễn Đàn Thế Kỷ)

      Phan Nguyên - Mượn Dấu Thời Gian (Song Thao)

      Họa sĩ Victor Tardieu (Huỳnh Hữu Ủy)

      Họa sĩ Hồ Hữu Thủ qua đời (Diễn Đàn Thế Kỷ)

      Họa sĩ Vị Ý với ước nguyện không thành (Việt Dương)

      Nguyễn Trọng Khôi: Huyền ảo cao nguyên đá (Nguyễn Trọng Chức)

      Tưởng niệm Victor Tardieu (Ngô Kim Khôi)

      Nguyễn Trọng Khôi – Đam mê và Sáng tạo (Trương Vũ)

      Khánh Trường và Những Tấm Lòng (Nguyên Hòa)


      William Alexander & Họa Phẩm Về Đàng Trong

      (Nguyễn Duy Chính)

       

      Họa sĩ và Nhiếp ảnh gia:

      Danh Mục Tác Giả: Cùng Chỉ Số (Link-2) André Maire,  Ann Phong,  Bé Ký,  Bùi Xuân Phái,  Bửu Chỉ,  Cao Bá Minh,  Choé,  Dương Phước Luyến,  Dương Văn Hùng,  Duy Liêm,  Duy Thanh,  E Gras,  Hiếu Đệ,  Hồ Hữu Thủ,  Hồ Thành Đức,  

       

      Nhiếp ảnh gia:

      Nguyễn Cao Đàm, Trần Cao Lĩnh,

      Nguyễn Ngọc Hạnh, Hương Kiều Loan

       

      Trường Vẽ Gia Định (truongvegiadinh.blogspot)

       

  2. © Hoc Xá 2002

    © Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com)