|
Dê Húc Càn(1.10.1934 - 21.11.1987) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
• Hôn • Buổi Sáng Mùa Đông • Sáng Nay
• Mưa Về Trưa • Bỗng Nhiên Thơ • Đi Thật Xa
Tranh tự họa của
Đinh Trường Chinh
Một trong những họa sĩ có tranh được chọn làm bìa sách nhiều ở hải ngoại, phải kể đến họa sĩ Đinh Trường Chinh.
Nhiều người nói tranh của Chinh đẹp nhưng buồn. Cũng có người thích tranh Chinh vì nỗi đơn độc, hoài xứ, trong trẻo mà đau đời vương vất trong đó như những câu thơ của Chinh.
“… căn nhà có thể sẽ cháy xém ngày mai.
hay ngập úng trong nước.
tất cả sẽ tro tàn
cái rương ký ức dưới tầng hầm
đã mất chìa khóa lâu lắm rồi
đừng ngoái nhìn lại nữa…”
(trích ĐI THẬT XA- Đinh Trường Chinh)
Tháng Giêng, cách đây bảy năm, là tháng mà chúng ta chia tay người cha tài hoa của Đinh Trường Chinh, họa sĩ Đinh Cường. Theo nhận định của thi sĩ Chân Phương, Đinh Cường là người họa sĩ đã có hàng trăm bức họa biểu hiện tượng trưng giá trị, được cho là đã làm giàu cho tâm linh và mỹ thuật Việt Nam. Ông sanh năm 1939 tại Thủ Dầu Một, VN, học sinh trường Pétrus Ký Sài Gòn, tốt nghiệp Trường Mỹ Thuật Huế năm 1963 và tốt nghiệp trường Mỹ Thuật Quốc Gia, Sài Gòn năm 1964, từng giảng dạy tại trường Đồng Khánh, và sau đó là Trường Mỹ Thuật Huế. Từ năm 1989, ông cư ngụ tại Burke, Virginia, Hoa Kỳ. Ông đã 25 lần tổ chức triển lãm độc lập và 21 lần tham dự các cuộc triển lãm tập thể trong suốt thời gian từ năm 1965 tới 2006, từng đoạt huy chương bạc liên tiếp hai năm 1962, 1963 tại Triển Lãm Mùa Xuân, Sài Gòn.
Giống cha, cũng có bìa Chinh lãnh cả phần trình bày. Giống cha, Chinh cũng có làm thơ. Giống cha, Chinh vẽ khác nhiều chân dung nghệ sĩ mình có cơ hội tiếp cận. Càng giống cha hơn, Đinh Trường Chinh khá âm thầm trong đời riêng, ném hết tài hoa vào tác phẩm. Chinh có hai cô con gái đang tuổi lớn tên Thơ và Tranh. Chúng ta đang sống trong thời đại của những người trẻ tuổi ấy. Có lẽ ngay bây giờ cũng đã khá trễ khi có những trao đổi thêm với Đinh Trường Chinh, để hiểu thêm ít nhiều về một nghệ sĩ vẫn miệt mài sáng tạo, cơ hồ như thời gian và không gian chưa bao giờ là lực cản cho nỗi đau đời trút vào nghệ thuật của mình.
Nguyễn Thị Minh Ngọc (NTMN): Xin Đinh Trường Chinh (ĐTC) tự giới thiệu về mình trong ba dòng?
ĐTC: - Đinh Trường Chinh là tên thật, sinh năm 1970, trong lúc cuộc "chinh (chiến)” đang "trường (kỳ)", và chưa có lối thoát.
- Sinh ra ở một nhà thương nhỏ ở đường Đinh Công Tráng (gần tiệm bánh xèo), rồi lớn lên, đi học, đi chơi quanh vùng Tân Định, Sài Gòn cho đến khi định cư và tiếp tục đi học, đi làm ở tiểu bang Virginia, Hoa Kỳ.
- Đam mê vẽ tranh và làm thơ nên đã “đâm” một phần đời không nhỏ vào hai việc "thiêu thân" này, tuy vẫn chưa được đào tào chính quy một ngành nghệ thuật nào cả. Có hai cô con gái tên Thơ (20 tuổi) và Tranh (17 tuổi).
NTMN: Xin bạn cho biết 7 điểm khác nhau và giống nhau giữa ĐTC là Đinh Cường, người cha họa sĩ cực kỳ nổi tiếng của bạn.
ĐTC: Nếu để hai "bức ảnh" con người nghệ thuật của bố tôi – họa sĩ Đinh Cường – cạnh con-người-nghệ-thuật tôi, thì có lẽ mọi người sẽ thấy ra nhiều hơn 7 điểm khác nhau rất nhiều. 7 điểm sơ lược:
- Đinh Cường là họa sĩ chuyên nghiệp và trở thành giáo sư hội họa.
- Đinh Cường vẽ rất đẹp (trong mắt tôi) và vẽ thành công ở nhiều thể loại khác nhau.
- Đinh Cường là người quản giao và quen biết rất nhiều bạn bè trong ngành nghề cũng như những người ngoại đạo.
- Đinh Cường là người trầm tính và ít nói.
- Đinh Cường vẫn là người ảnh hưởng nhiều bởi văn hóa Đông Phương của thế hệ ông (ông sinh năm 1939).
- Đinh Cường khá chậm chạp với kỹ thuật.
- Đinh Cường không biết nấu ăn.
Tôi (ĐTC) không có, có ít hơn, hoặc ngược lại với 7 điểm trên.
NTMN: Bạn thấy màu nào gần gũi với bạn nhất? Bạn có kỵ màu nào không? (không tránh hẳn nhưng né tối đa)? Cũng về màu, bạn có những thời kỳ mang tên màu sắc (hay hình ảnh người mẫu nữ nào đó) khác nhau không?
ĐTC: Màu sắc ít nhiều đi liền với một giai đoạn sáng tác nào đó, và giai đoạn sáng tác lại đi đôi với tuổi tác (cả tuổi tác vật lý và tuổi nghề). Màu sắc cũng gắn liền với tính cách con người bạn trong việc làm nghệ thuật.
Xem lại những bức vẽ "ngây thơ" của mình hơn 30 năm trước, tôi thấy tôi ít có khái niệm về màu sắc lúc ấy. Xa hơn chút nữa, tôi thường là đứa trẻ "vét màu" của Bố tôi. Thời ở Sài Gòn, Bố và tôi sống riêng biệt một phần lớn thời gian trong xưởng vẽ của Bố tôi, cuối một con hẻm ở Tân Định. Đó là thời sáng tác khá sung mãn của Bố, có những ngày ông vẽ tranh thâu đêm suốt sáng, bên cạnh bạn bè đến uống rượu khuya khoắt (tôi vẫn luôn ngồi quanh đó... học bài). Sau những ngày đêm vẽ miệt mài như vậy thì màu nặng trên palette luôn còn dư – và như thế bất đắt dĩ tôi trở thành đứa trẻ vét hết màu còn dư trên palette để vẽ tranh cho mình, nghĩa là có màu nào vẽ màu đó. Thời ấy, khoảng 15–20 tuổi, tôi vẽ rất nhiều và vẽ vô tư. Một hôm, họa sĩ Đỗ Quang Em thấy tranh tôi vẽ quanh phòng và nói một câu: "cháu đã dần dần có khái niệm về màu quý và biết cách pha màu trầm, quý". Lúc ấy, trong tôi bắt đầu mơ hồ có khái niệm về màu: làm sao cho nó đừng quá sống, quá tươi, quá "bùn", quá dơ... Qua tranh Nguyễn Trung, tranh Đỗ Quang Em, tranh Bố tôi treo đầy chung quanh tôi, khái niệm về cách dùng màu của tôi hình thành dần và tôi tự quan sát làm sao cho tranh mình có sự hài hòa về màu sắc. Hầu hết tôi học được về "màu" từ những câu chuyện bàn luận về hội họa, về tranh của Bố tôi và các bạn ông trong studio luôn đầy người đó.
Kể câu chuyện dài dòng này chỉ để nói điều: tôi không gần gũi một màu nào nhất định hay kỵ một màu nào cả, mà chỉ có ý thức làm sao tạo ra một "màu" riêng cho cách dùng màu của mình. Càng vẽ, càng thấm sâu trong hội họa, thì màu sắc mình "pha" dường như trầm đi, màu "quý" hơn trước, cố gắng làm màu sạch hơn trước, hài hòa hơn trước.
Hơn nữa, tôi tin rằng tác phẩm phần lớn phản ánh từ chính con người, tâm tính bạn. "Tạng nghệ thuật" của bạn thế nào thì sáng tác của bạn sẽ thể hiện lên khá rõ ràng. Vì thế, "màu" của bạn pha lên tác phẩm cũng bật ra một phần từ cái tạng sáng tác đó, của thời điểm đó. Một người bạn nhạc sĩ đã từng nói với tôi một câu làm tôi suy nghĩ: "khi nghe một nốt đàn được chơi xuống bởi một nhạc sĩ, tôi có thể thấy được một phần nào tính cách con người ấy".
Không như Picasso với những thời kỳ "xanh", "hồng", tôi vẽ lung tung, không/chưa định hình được thời kỳ riêng của mình.
NTMN: Qua facebook, các friends thường thấy bạn khoe hình và sinh hoạt với hai ái nữ Thơ và Tranh, nếu bạn có điều kiện có thêm người con thứ ba, bạn sẽ gọi tên cô/cậu đó là gì?
ĐTC: Dạ, chắc sẽ gọi là Mây. Mây là một tên trung tính và thích hạp với những người đã lỡ xem "thơ" và "tranh" là hai hàng "thiết yếu" trong đời sống tinh thần.
Hội họa và thi ca là quá đủ để quần bạn đuối hết một đời. Có thể đã là quá đủ.
NTMN: Bạn có thể cảm nhận được thế hệ lưu vong gốc Việt mang màu sắc, căn tính ra sao, dựa theo cá nhân bạn?
ĐTC: Tôi sinh hoạt nghệ thuật trong một giai đoạn, đúng hơn là một thế hệ, hầu như không còn khái niệm rõ ràng về Tổ Quốc. Hơn nữa, thế hệ "lưu vong" gốc Việt hiện nay đã khác nhiều với thế hệ "lưu vong" gốc Việt trước 1975, sau năm 1975, khác với cả thế hệ "lưu vong" những năm 80's, 90's ...
Qua thời gian, chúng ta sống trong một mặt bằng thế giới mà khái niệm về tổ quốc như chỉ còn là một khái niệm về gốc gác để... thờ khi có dịp. "Quê hương" làm gì còn là chùm khế ngọt để nhớ về. Vì thế, căn cước của người vẽ, người viết gốc Việt là những gì họ thể hiện lên tác phẩm và hy vọng đó là những tác phẩm được sinh ra vì mục tiêu nghệ thuật trước tiên chứ không phải vì cuộc chiến Việt Nam, vì quê hương, hay vì một quá khứ nào đó, v.v… Những thứ ấy có thể là chất liệu tốt nhưng không nên là lý do để sáng tác của bạn soi về.
Đó là tôi nói về hoàn cảnh chung hiện nay của nghệ sĩ gốc Việt ở hải ngoại, sau hơn 40 năm từ biến cố 1975 – một thế hệ hầu hết đã dành hơn phần cuộc đời ở nước ngoài nhiều hơn phần đời ở quê hương (hoặc thậm chí sanh đẻ ở ngoài nước).
Căn cước của người nghệ sĩ chính là tác phẩm của họ. Tác phẩm đó được đón nhận như thế nào trong cộng đồng nghệ thuật mà nó được phổ biến đến sẽ làm thành căn tính của người nghệ sĩ tạo ra chúng. Tôi cảm được câu trả lời của Linda Lê: "Tôi có cảm tưởng tôi cưu mang một xác chết. Rõ ràng, đó là Việt-nam mà tôi mang trong tôi, như một đứa trẻ chết." khi được hỏi về nỗi hoài nhớ đến nơi chốn bà sinh ra trong những gì bà viết ra. Tôi cũng không muốn mang một cái xác như thế trong sáng tác. Tôi nghĩ người nghệ sĩ ở nơi chốn nào rồi cũng sẽ có những ưu tư, ray rứt về nơi chốn ấy, ngay cả nơi bạn được sinh ra và lớn lên. Ở Mỹ có những vấn đề của Mỹ, Việt Nam có những vấn đề riêng của Việt Nam. Lắm lúc nghĩ, người nghệ sĩ có lẽ là những người "vô tổ quốc", hay luôn "thiếu quê hương" vì ở đâu rồi họ cũng sẽ băn khoăn về cái gốc gác, căn cước nghệ thuật của chính mình – họ luôn "lưu vong" với chính họ, có khi "lưu vong" luôn trên mảnh đất quê hương... Vì thế, sự xê dịch của địa lý không còn quan trọng nữa mà chỉ là sự xê dịch trong tâm thức người làm nghệ thuật mới là điều đáng nghĩ đến.
NTMN: Tranh không đủ, sao bạn còn níu vào Thơ để vịn vào? Những nghệ sĩ Việt và Thế Giới nào khi bạn tiếp cận (trực tiếp hay gián tiếp) đã truyền cho bạn những năng lượng tích cực (hay tiêu cực), tác động đến sáng tạo của bạn?
ĐTC: Thơ, tranh là những phương tiện để truyền đạt nghệ thuật. Có những lúc chúng ta bị "mắc kẹt" với phương tiện này nhưng lại truyền tải lên được một phương tiện khác. Màu sắc có thể làm thành bài thơ và một bài thơ cũng có thể vẽ thành một bức tranh mang đầy màu sắc hội họa. Cũng có khi, thơ là âm bản và tranh là dương bản của cùng một ý tưởng, và ngược lại. Mọi phương tiện nghệ thuật thường có thể bổ sung cho nhau.
Tôi có gặp và nói chuyện với Ocean Vương một lần – tôi thấy ngay hình dáng anh, cách nói chuyện của anh, và dĩ nhiên những gì anh viết ra đã là một bức tranh đầy thi tính. "On Earth We're Briefly Gorgeous". Tất cả đều là một cái đẹp đến với chúng ta trong thoáng chốc, trong sát na, thì "chữ" hay "màu" có lẽ đều như nhau. Ocean là một người mang nhiều tư tưởng độc đáo và có sự sáng tạo đích thực. Những người như anh cho tôi nhiều tác động tích cực trong sáng tác. Dĩ nhiên là còn quá nhiều những nghệ sĩ khác. Pierre Soulages, một họa sĩ Pháp mới mất năm nay, 102 tuổi, chẳng hạn. Ông sáng tác cho đến năm cuối cùng, cũng là một nghệ sĩ điển hình sáng tạo không ngừng. Điều đó dễ dàng đem đến động lực cho những người sáng tạo khác. Linda Lê, cũng là một tác giả tôi ngưỡng mộ. Tôi nghĩ họ làm nghệ thuật và đưa nghệ thuật đến được công chúng, chứ không viết, vẽ "vì công chúng" hay vì tâm lý người đọc/người xem. Có lẽ vì tôi vẽ tranh, làm thơ thuộc loại không chuyên nghiệp và sáng tác trong một môi trường nghệ thuật không có sự tiếp cận đông đảo từ "công chúng", nên tôi dễ dàng để nói và thực hiện điều này hơn. Tôi nghĩ một nghệ sĩ thành công là người cân bằng được cả hai yếu tố nghệ thuật và có được sự đón nhận của công chúng.
Một điểm phụ chú: người sáng tác thường được truyền năng lượng từ thế hệ mình. Lúc tôi cùng vài bạn nhà thơ thực hiện cuốn "26 nhà thơ đương đại Việt Nam", tôi cảm nhận được ngay cái năng lượng tích cực từ thế hệ sáng tác của mình – họ không ít thì nhiều tác động đến sáng tác tôi. Nhưng nói cho cùng, "thế hệ" có thể chỉ làm một đòn bẫy, điều cốt lõi cuối cùng, bạn phải tự độc lập để đi tiếp con đường nghệ thuật của riêng mình...
NTMN: Nếu chọn vài bức tranh hay bài thơ nào mà bạn thích nhất, bạn sẽ chọn bài và bức nào?
ĐTC:
HÔN
(bài thơ cho Hong Kong 2020)
hãy hôn vào ban mai
dù ban mai sẽ tắt
hãy hôn vào hoàng hôn
dẫu hoàng hôn sẽ phai
hãy hôn nhau bằng mắt
hôn bằng cánh tay đôi
không được hôn bằng môi
vẫn hôn bằng tim đập
hãy hôn vào tự do
tự do nung trong lửa
hãy cùng nhau mở cửa
hãy là nước vô bờ
hãy hôn vào giấc mơ
giấc mơ từ sự thật
hãy hôn vào sự thật
sự thật, từ giấc mơ
BUỔI SÁNG MÙA ĐÔNG
Như mùa đông được nuôi bằng ánh lửa
ánh lửa được nuôi từ que diêm trong túi áo tôi.
Sáng nay tôi chỉ còn khói,
những ý nghĩ trĩu
và vết màu
run hoảng đổ.
Sáng nay, tôi chỉ còn thấy
đáy bàn chân mình
mọc lên nhiều gai nhọn
những con mắt ướt trôi lướt qua.
Bầy bồ câu chắc không về
trước sân nhà thờ.
Sáng nay
gió tắt thở.
Tôi vẫn không tin
đến kiếp sau
không tin, cả lời cầu nguyện.
Hãy bù nhau ngay những hôm nay
tri ân những ân cần
nuốt hết những người bạn.
Như đám mây kia không bao giờ thấy lại
giòng nước sông Seine vẫn chảy qua cầu
như mặt trời
loang vỡ trên ý nghĩ tôi
màu đỏ lạnh
chỉ một lần thôi.
Cả chiếc bóng này
thả xuống mặt đường
trầy xước
cho những bàn chân
dẫm lên, rồi
vĩnh viễn ra đi.
SÁNG NAY
sáng nay tôi nghe được tiếng chim hát
trên cành cây
nghe mùi lá mục
đun giữa cánh rừng
mùi của cơn mưa đêm qua còn sủng ướt
nghe cả màu nắng đang thắp trên
những tầng rừng ấy
sáng nay
tôi không còn lười thở.
sáng nay. tôi mới nghe lại
tim có ba nhịp
nghe mơ hồ
một tiếng kêu tên mình
đâu đó giữa đường sớm
từ quán cà phê dưới giàn hoa giấy cũ
lúc 6:32 sáng
hay có lẽ chỉ là tiếng vọng âm từ 25 năm trước.
theo bản đồ Google thì quán ấy
cách xa nơi tôi đang đứng 14471.22 km
từ ngôi nhà cũ tôi băng đến khoảng 2 quãng đường.
nơi đó bạn có thể nghe được mỗi sớm
bảy tiếng chuông nhà thờ
mỗi tiếng chuông mang một màu âm thanh
khác nhau.
hôm nay tôi vừa nghe được tiếng chim hót
mùi lá / mùi mưa / mùi khói đun
trên đường về
băng qua một cánh rừng
một con suối.
nơi tôi ở chỉ có thế
chỉ có thế
nhưng khi ngước nhìn lên
có thể chúng ta đang cùng thấy chung một cụm mây
đang trôi chậm từ hướng tây sang hướng đông
nếu biết vậy tôi đã gửi đám mây ấy mang giùm
sang phía bên kia
tất cả
mùi lá / tiếng chim / màu của cơn mưa đêm qua
đến nơi đang cách xa tôi hơn 14471.22 km đường bay
quán cà phê có giàn hoa giấy
trước khi thành phố mở cửa đêm
tràn vào tiếng động và sự ồn ã.
đó chỉ là lúc tôi vừa ngồi dậy
sau một đêm-không-hề-ngủ
hoặc giả, bị đánh thức bởi cái nhớ nào đó
khi tôi leo chậm lên một ngọn đồi
ném nỗi buồn mình thật xa
vào gió.
MƯA VỀ TRƯA
mưa về ngang bến sông
bài thơ buồn giữa ngọ
ta tìm nơi trú gió
lạc giữa ngày khan âm
trưa vắt ngang hồn sai
một bài thơ rất lạ
tâm nào vừa rụng trái
cho chữ nghĩa la đà
mưa về qua xóm ngái
hương đất nồng phiêu diêu
bài thơ nằm vụng dại
thất giạt giữa khe chiều
BỖNG NHIÊN THƠ
Dẫu là một ngày rất cạn
vẫn thả về em những chuỗi cười trong
phá tan giấc ngủ giữa đêm
cuộc sống chợt bùng như giấc mơ của nến.
Dẫu là một ngày đứng cuối vực sâu
vẫn thả về em phần hồn đuối lửa
khi thế giới đen dưới kia
không còn ai để yêu
không còn ý thức để chết
không cả lãng quên không còn nỗi nhớ.
chỉ riêng bóng ta
chấp choáng đáy vực
khoảng trống âm u.
Ðôi khi. ta chỉ sống như giấc mơ của nến.
Gặp nhau chưa đủ cạn ly cay
ngậm đêm sâu
khuấy những mảnh đá trong
ly rượu màu mã não
ở một quán bar nào khuya khoắt
đêm vỗ sóng phần hồn còn lại
trôi mất ai ...
Hãy níu lấy sự tuyệt vọng trong đời sống ngấm bùn
như một tặng vật
Em, khoảng không đơn độc của chính ta.
Phần hồn đơm những giấc mơ khuya
Vực và gió
rơi quanh những câu thơ ngày cũ.
thuở chúng ta chưa hề biết nhau.
Bỗng nhiên thơ ...
ĐI THẬT XA
hôm nay anh sẽ đưa em
đi thật xa
đi thật xa
không trở về nữa
không trở về
căn nhà ám khói
có con chó ngồi đợi trước hiên
có lẽ anh sẽ nhớ nó nhất
nhớ cả
cái bóng của nó
như Jacques Brel.
có lẽ bây giờ con mèo chột mắt của em
cũng đã tìm cách
leo ra khỏi mái nhà
để đi tìm một cuộc tình khác
như mẩu chuyện đơn giản của cuộc đời.
hôm nay anh sẽ đưa em đi thật xa thật xa thật xa
bỏ lại cả những bức tranh
còn hắc mùi sơn mới
cái chân dung em
chẳng giống chút nào
bỏ mặc ly cà phê ngoài vườn
những cành hồng mới rộ nở chiều qua
bỏ cả chiếc gối ôm chiến hữu
bỏ luôn giấc ngủ
không bao giờ tròn.
ở đây đâu có gì
ngoài núi, cây cỏ, sương mù,
và mây
hôm nay em bận một chiếc áo đen
thật đẹp
anh cũng vận màu đen
màu của đêm
của tuyệt vọng.
hãy làm những kẻ sinh đôi
sinh đôi nỗi buồn
sinh đôi
số phận
(dẫu biết rằng chẳng có
số phận nào giống số phận nào) . . .
hôm nay cứ đi
ra khỏi vũ trụ này
không cần khoá cửa
đôi khi anh cũng giật mình lo lắng
không biết chúng ta đã nhớ
tắt bếp lửa hết chưa?
cái lò ga không biết còn âm ỉ cháy?
em đã rút giây điện của chiếc máy cà phê cà giựt?
đã tắt máy giặt thường bị trào nước ra ngoài?
mà thôi. cũng không sao
căn nhà có thể sẽ cháy sém ngày mai
hay ngập úng trong nước
tất cả sẽ tro tàn
cái rương ký ức dưới tầng hầm
đã mất chìa khoá lâu lắm rồi
đừng ngoái lại nhìn nữa.
đêm qua em nói:
“sao em chỉ muốn ngủ một giấc dài
không dậy nữa”
thôi. không sao đâu em nhé.
hôm nay anh sẽ đưa em đi thật xa
hôm nay anh sẽ đưa em đi thật
hôm nay anh sẽ đưa em đi
hôm nay anh sẽ đưa em
hôm nay anh sẽ đưa
hôm nay anh sẽ
hôm nay anh
đi thật xa
đi thật
thật
xa.
đtc
NTMN: Có những cảm xúc nào khiến bạn thấy bất lực, không thể dùng chữ hay màu để diễn tả?
ĐTC: Chắc chắn. Có những lúc sáng tác rất dễ dàng, ý tưởng tuôn chảy một cách tự nhiên, thì cũng có rất nhiều lúc, mình như bị đông cứng và bất lực. Ai cũng có những sự khủng hoảng và sức ép trong sáng tác. Nhất là nghệ thuật ngày nay không còn/khó có thể tách rời ra chính trị, thời cuộc, xã hội. Làm sao để tác phẩm mình đi chung với thời cuộc một cách... nghệ thuật luôn là một thách thức lớn, thường làm cho tôi dễ rơi vào cảm giác bất lực trước nó. Với lợi thế phổ biến "tác phẩm" trên các media mạng xã hội, tôi có sáng tác khi các vấn đề chính trị trong và ngoài nước đang “nóng”, tôi đã vẽ nhiều tranh về vụ cá Formosa, vẽ tranh chống sự xâm lăng của Trung Quốc trước Việt Nam, về sự vi phạm dân chủ của chính quyền Cộng Sản, về vấn đề Covid, v.v… nhưng đó chỉ là những sáng tác mang tính thời sự, chưa đẩy thành những tác phẩm thực thụ.
Nhưng chuyện gì trong cuộc đời này rồi cũng là một sự đánh đổi. Bạn tĩnh tại quá thì sáng tác lại dễ thiếu sức mạnh, thiếu lửa, nhưng có những lúc bạn tuôn trào quá thì nghệ thuật cũng dễ rơi vào sự ồn ào, mất đi tính trầm, tĩnh...
Có cả một "scenario" rất lạ mà tôi đã từng trải qua nhiều lần và không thể giải thích là tôi cảm tưởng như tôi "sáng tác" được một cái gì đó (một ý thơ, một bố cục tranh...) trong trạng thái "nửa mơ nửa tỉnh", trong đêm tối, trong giấc ngủ chập chờn, rồi đến khi thức hẳn dậy, tôi không thể nào ghi lại được. Một là quên đi rất nhiều, hai là những gì mình ghi xuống không còn như trong "nửa cơn mơ " kia nữa. Đó cũng một dạng "bất lực" khác.
Còn bất lực trước những đề tài lớn, những vấn nạn xã hội, thời cuộc, chính trị... thì là chuyện thường. Để truyền tải một đề tài "nóng" lên tác phẩm một cách tinh tế là một điều quá khó khăn.
Những lúc bất lực trong sáng tác, tôi thường ngưng và đi đâu đó, hoặc làm một cái gì hoàn toàn khác, trong một thời gian .
NTMN: Hãy kể những lúc nào bạn phải đứng trước những chọn lựa khó khăn? Và những lúc nào, đã chọn rồi, nhưng nếu được chọn lại, bạn sẽ làm khác đi?
ĐTC: Tôi thường trực gặp phải những chọn lựa khó khăn trong sáng tác, trong vẽ tranh cũng như làm thơ, viết văn. Cái dấu "chấm hết" đặt lên một bức tranh hay một bài thơ, truyện ngắn là điều không dễ chút nào.
Trong nghệ thuật, không có một định nghĩa rõ ràng nào cho sự hoàn thành cả. Bạn phải vận dụng tất cả những khả năng kỹ thuật và cảm quan nhất thời để kết thúc tác phẩm mình. Vì thế, lắm lúc khi nhìn lại những gì mình làm trong quá khứ, tôi thường dễ rơi vào trạng thái thất vọng với chính mình, dù lúc ấy mình có thể đã rất sung sướng. Nhưng tôi chỉ có cái nhìn đi tới, nghĩa là không nghĩ đến việc được "chọn lựa lại". Trong tác phẩm mình làm ra có dấu ấn của tâm trạng, trạng thái mình trong thời khắc ấy. Đó là những thứ không bao giờ lập lại lần thứ hai. Giống như một đám mây, một ánh nắng… bay qua thì hôm sau chỉ có thể là một đám mây, ánh nắng khác.
Làm nghệ thuật là thể hiện cái hiện tại. Bạn không thể làm một cái gì bạn đang làm ở thời điểm này, từ một điểm mốc thời gian, không gian khác sau này.
Tôi đã từng lôi tranh cũ ra, và thay vì retouch, tô điểm lại, tôi xoá đi hết bằng màu trắng, rồi vẽ một bức mới chồng lên đó.
Mình chỉ có thể xóa bỏ chính mình để thể hiện lại mình một cách khác, mới hơn.
NTMN: Bạn có Ước Mơ nào hay có dự định ba điều phải làm trước khi… ra đi xa không?
ĐTC: Nếu có ba điều dành riêng cho nghệ thuật, tôi ước được:
- Có một nơi vẽ (studio) đủ lớn để tôi có thể sáng tác thật tự do và bơi lội trong ấy bất cứ lúc nào (tôi nói “lớn” vì việc vẽ tranh rất cần không gian rộng).
- Tôi muốn có được một triển lãm thật vừa ý, và như nói ở trên, tác phẩm mình có được cả hai yếu tố nghệ thuật và được sự đón nhận đúng mức.
- Tôi muốn thực hiện được một tập thơ–tranh thật đẹp và vừa ý.
Dĩ nhiên, như rất nhiều người, tôi muốn được đi thật nhiều nơi trên thế giới để gom góp chất liệu sống để giúp ích trong sáng tác của mình. Ước mơ này khả dĩ và không quá cao xa vì tôi không muốn nói đến những giấc mơ hão huyền.
NTMN: CÁM ƠN BẠN RẤT NHIỀU VỀ NHỮNG BỘC BẠCH NÀY!!
Người thực hiện: Nguyễn Thị Minh Ngọc
==============================
Notes:
Một số thơ và bài viết về đtc
Thơ:
https://tienve.org/home/authors/viewAuthors.do?action=show&authorId=14
https://damau.org/author/dzinhtruongchinh
cùng rất nhiều thơ rải rác trên các báo giấy ngày xưa, báo internet, tự đăng trên facebook , v.v
Phỏng vấn:
https://vietbao.com/a302525/hoa-si-dinh-truong-chinh-hoi-hoa-la-doi-song
Bài viết:
https://www.nguoi-viet.com/van-hoc-nghe-thuat/tho-dinh-truong-chinh-pha-chu/
v.v
- Đinh Trường Chinh – Trút Nỗi Đau Đời vào Thơ, Họa Nguyễn Thị Minh Ngọc Phỏng vấn
• Đinh Trường Chinh – Trút Nỗi Đau Đời vào Thơ, Họa (Nguyễn Thị Minh Ngọc)
- Cà phê đá đến iced shaken espresso trong tranh Đinh Trường Chinh (Nam Giao)
- Giới thiệu HS Đinh Trường Chinh
(cothommagazine.com)
- Thơ Đinh Trường Chinh: Pha chữ
(Trần Doãn Nho)
- Họa sĩ Đinh Trường Chinh: Hội Họa là Đời Sống (Việt Báo)
- Đinh Trường Chinh, phút trải lòng với hội họa, thơ ca (Phương Thảo)
• Đi thăm Viên Linh (Đinh Trường Chinh)
- Nhớ Ông
- Bức tranh thiếu nữ cuối cùng của Đinh Cường
Tác phẩm trên mạng:
- tienve.org - damau.org
• Đỗ Duy Ngọc và ảnh nghệ thuật đen-trắng (Diễn Đàn Thế Kỷ)
• Phan Nguyên - Mượn Dấu Thời Gian (Song Thao)
• Họa sĩ Victor Tardieu (Huỳnh Hữu Ủy)
• Họa sĩ Hồ Hữu Thủ qua đời (Diễn Đàn Thế Kỷ)
• Họa sĩ Vị Ý với ước nguyện không thành (Việt Dương)
• Nguyễn Trọng Khôi: Huyền ảo cao nguyên đá (Nguyễn Trọng Chức)
• Tưởng niệm Victor Tardieu (Ngô Kim Khôi)
• Nguyễn Trọng Khôi – Đam mê và Sáng tạo (Trương Vũ)
• Khánh Trường và Những Tấm Lòng (Nguyên Hòa)
• Hồ Hữu Thủ - Người Đi Tìm Chân Tướng Sự Vật (Nguyễn Viện)
William Alexander & Họa Phẩm Về Đàng Trong
(Nguyễn Duy Chính)
Họa sĩ và Nhiếp ảnh gia:
Nhiếp ảnh gia:
Nguyễn Cao Đàm, Trần Cao Lĩnh,
Nguyễn Ngọc Hạnh, Hương Kiều Loan
Trường Vẽ Gia Định (truongvegiadinh.blogspot)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |