|
Dương Kiền(28.12.1939 - 17.11.2015) | Khái Hưng(.0.1896 - 17.11.1947) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
1. Ann-Phong
Họa sĩ Ann Phong
(Hình: Uyên Nguyên)
Ann Phong. Tôi dịch nghĩa là “Ngọn gió Bình An,” là tên của một nữ hoạ sĩ Mỹ gốc Việt trứ danh ở tầm vóc quốc tế. Cô là một người vui vẻ, khiêm nhu, thân thiện, và luôn sống hết mình vì mọi người.
“Những ngày sống trong trại tỵ nạn, nghe chuyện những nữ thuyền nhân bị hãm hiếp cướp bóc, tôi đau buồn vô cùng. Nó vẫn đeo đuổi tôi và tác động đến việc sáng tạo của tôi. Hãm hiếp, cướp bóc, và biển đen. Sau bốn ngày đêm cập bến, trời vẫn không trăng không sao. Nhìn ra biển thật hãi hùng. Chỉ thấy một màu đen.” - (Ann Phong trả lời tiếng Anh, tác giả dịch)
Tôi gặp Cô lần đầu khi thực hiện nghiên cứu về người Việt tại Quận Cam mười bốn năm trước. Họa sĩ Ann Phong đã kể với tôi như thế trong cuộc phỏng vấn nhiều giờ tại tư gia của Cô ở thành phố Cerritos năm 2000. Cuộc phỏng vấn nằm trong Dự Án Việt Mỹ (Vietnamese American Project VAP) do tôi chủ xướng với cương vị Giám đốc sáng lập tại Đại học CSU Fullerton từ năm 1998. Tôi thực hiện Dự án VAP bằng phương pháp Lịch sử Truyền khẩu và các sinh hoạt kết hợp giữa cộng đồng và trường đại học. Dự án VAP nhằm ghi lại chứng từ của người Việt về kinh nghiệm sống của họ tại Việt Nam, trong hành trình di tản, và hoàn cảnh hội nhập tại Hoa Kỳ.
Sau đó, tôi thường mời Cô triển lãm ở nhiều nơi, nhất là về đề tài thuyền nhân, vốn là sở trường của Cô ngay từ những ngày mới bắt đầu sáng tác. Như lần Cô triển lãm loạt tranh về kinh nghiệm thuyền nhân tại buổi đọc thơ và ra mắt sách song ngữ “X-X1: thuyền nhân khúc cho Ba - songs for a boat father" tại Viện Việt Học, tháng 8 năm 2004, được tổ chức như một lời chia tay với bạn bè trước khi tôi khăn gói lên đường đi Thuỵ Điển để tìm hiểu người Việt ở đó qua học bổng Fulbright của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ.
Lần khác, khi tôi ngỏ ý mời, Cô Ann Phong cũng lái xe đưa tranh xuống tận UC San Diego để triển lãm trong Chương Trình Tưởng Niệm Thuyền Nhân Việt Nam do Bút nhóm Gạch Nối thực hiện, tháng Năm 2009. Chẳng những vậy, Cô còn giúp chúng tôi đưa tranh của gia đình ba hoạ sĩ Nguyễn Thị Hợp, Nguyễn Đồng, và Đanchi xuống để cùng triển lãm trong chương trình. Cô đã nói về quá trình sáng tác loạt hoạ phẩm này, và tạo hứng cho các bạn sinh viên hiện diện hôm đó.
Tôi cũng thường xuyên nói về nghệ thuật Ann Phong trong các bài thuyết trình chuyên đề tại những đại hội, như Đại hội về Đông Nam Á do Weatherhead Institute của Đại học Columbia tổ chức vào tháng 11 năm 2011. Tại Đại hội này, tôi cũng nói về những biến chuyển và thăng hoa trong nghệ thuật Ann Phong, và ‘nói có sách, mách có chứng,’ tôi đã hân hạnh gửi đến những người tham dự các postcards với sáng tác của Ann Phong qua nhiều giai đoạn. Nhưng trước hết, khi nói đến nghệ thuật Ann Phong, thì phải nói đến Biển. Luôn luôn là Biển.
Biển. Biển, đối với Ann Phong, mãi là một niềm thao thức. Một nỗi ám ảnh.
Trong những tác phẩm đầu tay, biển của Ann Phong đen đậm, đặc sệt hãi hùng và bi thương. Có những tác phẩm choáng hết một bức tường, cao gấp mấy lần Cô, cũng choáng ngợp cái màu đen của biển không trăng không sao, biển của thuyền nhân, biển của những thập niên 80 và 90, của tỵ nạn và của mất mát.
Nhưng trong những năm về sau, màu đen đã loãng đi, và những gam màu khác đã tìm đến với khung vẽ của Ann Phong. Cô vẽ những bức tranh tươi hơn, tuy người xem vẫn bắt gặp những sần sùi của quá khứ trong từng nét cọ. Có lẽ người thưởng lãm cũng gặp một Ann Phong thư giãn hơn, cười tươi hơn, tuy vẫn sâu sắc và thấm thía.
Trong Cuộc Triển Lãm Hội Họa ‘Tandem Solo’ vào thứ Bảy và Chủ Nhật mồng 8 và 9, tháng Mười, 2011 tại phòng sinh hoạt Nhật báo Người Việt, Ann Phong kết hợp với Hoạ sĩ Việt Hùng để mở ra những ý tưởng, suy tư, nhận định, và phong cách sáng tạo mới. Ann Phong kết hợp điêu khắc và hội họa.Tôi gọi những tác phẩm này là tranh-điêu-khắc.Trong loạt tranh-điêu-khắc này, Ann Phong đã cất cánh. Cô bước ra khỏi cái không gian giữa bốn cạnh của khung vẽ, nhón ra ngoài canvas, bay lên cao. Cô đã giải phóng cho tác phẩm của mình, để chúng đi vào ba chiều, vươn tới những đỉnh cao mới. Cô phóng túng với chất liệu đa dạng, thoải mái bay lượn với ý tưởng của những vòng đời mới, nhặt nhạnh mảnh vỡ của hôm qua để làm nền cho một đóm hy vọng nhỏ nhoi. Cô không để màu sắc và ý tưởng nằm ì trên khung vẽ nữa. Cô cho chúng leo vào những bậc thang không khí xung quanh, và nếu thích, chúng có thể tự do ‘ra ràng,’ bay bổng.
Nhiều người xem đã nói với Cô trước khi ra về, “Tranh đẹp lắm! Lạ lắm!” Hay “Đặc biệt lắm!” Họa sĩ Ann Phong phản ánh, “Muốn làm họa sĩ phải đặc biệt. Không đặc biệt thì không tồn tại được. Mình phải mới hoài trong sáng tạo.” Thật vậy, sáng tạo luôn đòi hỏi những cái mới lạ để nuôi dưỡng tình cảm và trí óc của con người. Nhưng chính trong cái mới đó, người họa sĩ tự khẳng định lại chính mình, vì để là mình, thì cái mới đó vẫn phải mang nhãn hiệu Ann Phong.
Sự khích lệ lớn nhất của một họa sĩ, theo tôi, là sự đón nhận của cộng đồng. Tuy cả hai họa sĩ Việt Hùng và Ann Phong đều có tranh trong các bộ sưu tập riêng, điều họ tha thiết nhất có lẽ là cơ hội đến với những ai đồng điệu và quần thể người Việt nói chung. Khi không thấy giá biểu bán tranh, tôi có hỏi thì họa sĩ Ann Phong cho biết, “Mục đích chính không phải là để bán, mà là để tìm những người cùng tầng số, những người đồng cảm. Chúng tôi muốn người xem cảm nhận tranh mà không nghĩ đến giá cả. Nếu họ thích mua, thì mới tính.”
Có lẽ chính vì điều này, mà hai họa sĩ trên, cũng như những họa sĩ khác trong cộng đồng gốc Việt, vẫn dành bao công sức để thực hiện những cuộc triển lãm như thế này, để bắt một nhịp cầu với đồng hương. Tôi chợt thấy thương họ nhiều. Tôi có nói với họ trước khi ra về, “Tội nghiệp các Anh Chị quá! Thường họa sĩ Mỹ chỉ vẽ tranh, có người tổ chức triển lãm cho, còn họa sĩ mình thì phải lo từ A đến Z.”
Một món quà đặc biệt mà họa sĩ Ann Phong gửi đến khách tham dự là bức tranh biển di động. Biển di động? Vâng, đây là một họa phẩm nhiều tầng, trên đó Cô dán nhiều mảng màu đại dương khác nhau bên trên một bức tranh tĩnh. Khi mỗi vị khách xem và dời đi một mảng màu, thì ‘mặt biển’ thay đổi, như một đại dương đang di chuyển thực thụ. Người xem có thể mang một mảng đại dương về, và nếu muốn thì còn có chữ ký của họa sĩ. Và rất nhiều người đã xin chữ ký của Cô.
Là một giáo sư Mỹ Thuật tại Cal Poly, họa sĩ Ann Phong cũng có nhiều ‘groupies’ (sinh viên hâm mộ). Có em cùng đến tham dự triển lãm với phụ huynh, mãi từ Pomona, và xin Cô ký tên trên mảng đại dương của mình, đúng bốn chữ: “Tặng con gái yêu.”
“Biển" là một món quà từ trái tim của người họa sĩ chân chính Ann Phong, liên lỉ sáng tạo để làm mới nghệ thuật và làm quà cho những con gái yêu, con trai yêu, và gia-đình-Việt-tộc rất yêu.
2. Ann-Home
Anaheim - có nghĩa là “nhà của Ana" - là một thành phố quốc tế với những tụ điểm du lịch trứ danh. Được thành lập năm 1857, Anaheim là một trong những thành phố ưu việt nhất của Hoa Kỳ và một trong các thành phố đông dân nhất của California.
Anaheim rộng 50 dặm vuông với hơn 346,000 dân cư, và có hơn 2,900 nhân viên công lập. Ngân sách thường niên của thành phố là 1.6 tỉ đô. Anaheim có một cộng đồng thương mại phồn thịnh, gồm các công ty như Carl Karcher Enterprises, Inc., L-3 Communications, Pacific Sunwear, và Disneyland Resort. Nhiều tổ hợp thể thao thành công cũng có cơ sở ở Anaheim, như Angels Baseball, Anaheim Ducks, the U.S. Men’s National Volleyball Team, và the 2012 Olympic Games Silver Medal vốn đoạt giải U.S. Women’s National Volleyball Team.
Anaheim cũng tự hào là nơi tổ chức những chương trình quốc tế tại Anaheim Convention Center, Honda Center, City National Grove of Anaheim, Anaheim Garden Walk, và Angel Stadium of Anaheim. Ngoài ra, Anaheim cũng yêu chuộng cộng đồng nghệ thuật đa dạng và sống động của mình, trong đó có Anaheim Ballet, nổi tiếng trên thế giới. Hằng năm, có hàng triệu người đến thăm thành phố, biến Anaheim thành địa điểm lý tưởng để sống, làm việc, và vui chơi.
3. Value(n)ation - Gió nghệ thuật Việt tại Anaheim
Ann-Phong tại Ann-Home. Gió An thổi vào Nhà An. Một cơ duyên thi vị!
Thổi làm sao?
Thổi bằng tranh!
Từ ngày 5 tháng Chạp, 2013 đến 31 tháng Giêng, 2014, Thành phố Anaheim đã thực hiện cuộc triển lãm Value(n)ation với hoạ sĩ Ann Phong tại Downtown Anaheim Gallery, nơi trưng bày tác phẩm của nhiều danh hoạ. Thành phố Anaheim đã mời Cô triển lãm solo trong một hoàn cảnh khá tình cờ. Cô nói, “Cuộc triển lãm này là một sự tình cờ cho tôi. Bác sĩ Bích Liên giới thiệu tôi đến một họa sĩ Mỹ sống tại thành phố Anaheim, ông Chris Maya. Ông ấy xem tranh tôi qua Facebook rồi thích. Ông ta lại là trưởng ban điều hành phòng nghệ thuật thành phố Anaheim. Vâng, cơ duyên là như thế.”
Nói về chủ đề của cuộc triển lãm, Cô chia sẻ với độc giả của Da Màu, “Trong cuộc triển lãm kỳ này, tôi hướng chủ đề của tôi về môi trường sống. Tôi thích biển. Từ những nguồn nước mênh mông, tôi thấy được sự tự do của tôi và sự sống lung linh của những vật thể khác ở xung quanh tôi. Dần dần, tôi thấy biển và môi trường sống ở quanh tôi bị hại.Con người chúng ta lạm dụng tài nguyên thiên nhiên và làm xấu môi trường bằng rác. Cuộc sống càng tiện nghi chúng ta càng phí của trời. Trong quá trình sáng tác, tôi cứ để mình lặn ngụp theo giòng nước biển. Lúc chìm mình vô những vết dầu hoang, lúc đụng phải những vật dụng mà con người đã vứt đi sau một lần sử dụng… Đến lúc ngập cả mình, không thở nổi, bức tranh đã vẽ xong.”
Tuy Ann Phong đã triển lãm tác phẩm của mình ở rất nhiều nơi, nhưng đây là lần đầu Cô triển lãm ở Anaheim. Đây là một thành phố quốc tế với nhiều địa điểm nổi tiếng, nên Cô thực hiện cuộc triển lãm này một cách hào hứng. Thế nhưng, Cô cũng đưa ra một nhận xét tinh tế rất nhà nghề, “Thành phố Anaheim giàu vì thu được nhiều tiền thuế từ Disney Land, nhưng thành phố chuyên về nghệ thuật thương mại nhiều hơn.”
Sau gần bốn thập niên sáng tác qua nhiều chủ đề khác nhau, Hoạ sĩ Ann Phong tiếp tục theo đuổi những cảm hứng mới để cho ra đời Value(n)ation, phản ánh những quan niệm của Cô về việc bảo vệ môi trường. Những sáng tác này tiếp tục được sự đón nhận nồng nhiệt của giới thưởng lãm. Cô nói, “Tôi được cái hạnh phúc là bạn bè đến ủng hộ nhiều, học sinh đến để xem cô giáo tụi nó vẽ như thế nào. Vì khi dạy, tôi không đề cao tác phẩm tôi mà chỉ giới thiệu tác phẩm của các họa sĩ trên thế giới.”
Tuy vậy, Cô đặc biệt trân trọng những khán giả mới tại địa điểm này, “Trong cuộc triển lãm của tôi kỳ này làm nhiều người Mỹ đến xem, thích, vì lạ, và vì có mang ý nghĩa và thông điệp trong tác phẩm. Trong đêm khai mạc, sau khi ban tổ chức giới thiệu họa sĩ, và tôi có lên phát biểu vài lời về tác phẩm của tôi. Họ rất ngạc nhiên vì tôi biết nói về nghệ thuật... bằng tiếng Anh. Ngay đêm khai mạc, một tác phẩm nhỏ của tôi đã làm một giáo sư đại học tại CSU Long Beach thích thú. Ông ấy đã đặt cọc sưu tầm tác phẩm đó.”
Phòng triển lãm không quá lớn, nằm trong một toà nhà lớn với nhiều phòng để thành phố hội họp, dạy vẽ, tiểu thủ công nghiệp, vv. Vì có ngân sách khá cao, nên phòng triển lãm mở cửa cả tuần, từ sáng đến tối. Trong cuộc triển lãm này, Hs Ann Phong trưng bày tất cả 18 tác phẩm, cả lớn lẫn nhỏ. Cô nói đùa, “Vì đây là phòng triển lãm cho quần chúng xem, số lượng người qua lại rất đông, nên thành phố để hết các tác phẩm vào "lộng kiếng" thiệt!”
Cô Ann Phong nhớ lại đêm khai mạc vào thứ Năm, mồng 5 tháng Chạp năm 2013, từ 7 đến 9 giờ tối, “Khách thưởng ngoạn đến rất đông, làm phòng triển lãm ấm cả lên, dù bên ngoài trời đã trở lạnh. Khách xem từng tác phẩm, hỏi tôi nhiều câu hỏi và họ cũng cho tôi biết sự suy nghĩ của họ. Tới 9 giờ tối khi bế mạc khách mới về.”
Càng ngày càng có nhiều hoạ sĩ gốc Việt thành danh ở hải ngoại. Với Ann Phong, Value(n)ation đã thổi ngọn gió nghệ thuật Việt đến thành phố quốc tế Anaheim. Chắc chắn tương lai của hội hoạ sáng tác bởi người Mỹ gốc Việt sẽ tiếp tục loan xa.
Quý độc giả có thể tìm hiểu thêm về họa sĩ Ann Phong và sáng tác của Cô tại: http://annphongart.com
- Giấy gói lửa, gói mong manh - nghệ thuật điêu khắc giấy Đinh Trường Giang Trangđài Glassey Nhận định
- Hành trang Việt ngữ: Sổ Tay Chính Tả và bộ Việt Sử Bằng Tranh Trangđài Glassey Giới thiệu
- Giáo sư Lưu Trung Khảo: Lương Sư Cứu Quốc Trangđài Glassey Tạp luận
- Tiếng Việt, quê hương giữa thế giới: 40 năm tiếng Việt hải ngoại Trangđài Glassey Tạp luận
- 40 Năm Văn Học Miền Nam Thất Thủ: Thế hệ Hậu Chiến khước từ Thân phận mồ côi Trangđài Glassey Khảo luận
- Ann-Phong tại Ann-Home: Ngọn Gió nghệ thuật Việt tại Anaheim Trangđài Glassey Giới thiệu
- “Sự thật ấm lòng” về Nhà văn – nhà binh Phan Nhật Nam Trangđài Glassey Giới thiệu
• Nữ họa sĩ Ann Phong - Dấu Người Trên Đất (Ngu Yên)
• Ann Phong, ‘họa sĩ sóng biển’ (Đằng Giao)
• Ann-Phong tại Ann-Home: Ngọn Gió nghệ thuật Việt tại Anaheim (Trangđài Glassey)
Họa Sĩ Ann Phong, Biển (Đặng Phú Phong)
Khai Mạc Phòng Tranh Họa Sĩ Ann Phong ở Việt Báo Gallery... (Việt Báo)
Họa sĩ Ann Phong mở triển lãm ‘Biển Ðời’
(nguoi-viet.com)
Họa sĩ Ann Phong và bộ sưu tập về Biển
(Mặc Lâm,RFA)
Họa Sĩ Ann Phong triển lãm tranh tại Việt Báo Gallery (Thanh Phong)
• Đỗ Duy Ngọc và ảnh nghệ thuật đen-trắng (Diễn Đàn Thế Kỷ)
• Phan Nguyên - Mượn Dấu Thời Gian (Song Thao)
• Họa sĩ Victor Tardieu (Huỳnh Hữu Ủy)
• Họa sĩ Hồ Hữu Thủ qua đời (Diễn Đàn Thế Kỷ)
• Họa sĩ Vị Ý với ước nguyện không thành (Việt Dương)
• Nguyễn Trọng Khôi: Huyền ảo cao nguyên đá (Nguyễn Trọng Chức)
• Tưởng niệm Victor Tardieu (Ngô Kim Khôi)
• Nguyễn Trọng Khôi – Đam mê và Sáng tạo (Trương Vũ)
• Khánh Trường và Những Tấm Lòng (Nguyên Hòa)
• Hồ Hữu Thủ - Người Đi Tìm Chân Tướng Sự Vật (Nguyễn Viện)
William Alexander & Họa Phẩm Về Đàng Trong
(Nguyễn Duy Chính)
Họa sĩ và Nhiếp ảnh gia:
Nhiếp ảnh gia:
Nguyễn Cao Đàm, Trần Cao Lĩnh,
Nguyễn Ngọc Hạnh, Hương Kiều Loan
Trường Vẽ Gia Định (truongvegiadinh.blogspot)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |