|
Duy Thanh(11.8.1931 - 24.11.2019) | Tuệ Sỹ(15.2.1943 - 24.11.2023) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Họa sĩ Duy Thanh
(hình: Vương Ngọc Minh)
Ông – ngoài là họa sĩ “tự học” nổi tiếng trong nhóm “Bộ 3” Thái Tuấn-Duy Thanh-Ngọc Dũng của Sài Gòn từ năm 1954 đến 1975 – còn là tác giả của nhiều truyện ngắn và thơ đã phổ biến trên tạp chí Sáng Tạo ngay từ những số đầu tiên được phát hành vào năm 1956, đặc biệt là những ý kiến, nhận định, bài viết của ông về quan niệm sáng tác nghệ thuật hội họa.
Duy Thanh sinh ngày 11 tháng 8 năm 1931 tại Thái Nguyên-Bắc Việt, họ Nguyễn. Đến năm nay là sinh nhật thứ 82 của họa sĩ. Ông hiện sống ở San Francisco trong tình trạng sức khỏe yếu kém.
Duy Thanh, Thái Tuấn, Ngọc Dũng
(hình của Đinh Cường)
Thời Sài Gòn trước 1975, hình ảnh của ông còn in đậm trong ký ức tôi với khuôn mặt rắn rỏi, khỏe khoắn, đôi mắt lộ và sáng dưới cặp chân mày đậm và to, tiếng cười sang sảng và giọng nói dầy, trầm ấm. Lần tôi gặp ông gần đây nhất là vào dịp Duy Thanh từ vùng Vịnh (San Francisco) xuống quận Cam (Orange County) thăm nhà văn Mai Thảo đang trong tình trạng suy kiệt nghiêm trọng vào năm 1999, cách đây cũng đã trên 10 năm. Lúc ấy trông ông vẫn còn rất “trai trẻ”. Cái cốt cách mà đến nay ông vẫn còn giữ được phần nào dù đang mang căn bệnh hiểm ác ung thư tủy, như trong một bài viết của họa sĩ Ðinh Cường sau khi ghé thăm người bạn vong niên của mình vào năm 2012: “…cùng ngồi bên nhau trong cái không gian bé nhỏ mà ấm cúng, chị (vợ của DT) vẫn tươi tắn với chiếc khăn voal màu đỏ tươi, anh thì quần short áo thun trắng, thân người chắc, đôi mắt lộ, tinh anh… trông như Picasso, mặc dù anh cho biết mình đang bị ung thư tủy…”. Ðối với người bị ung thư, chịu đựng được nó là cả một cuộc chiến đấu lớn với đau đớn và tuyệt vọng, vượt qua được nó là một điều kỳ diệu. Duy Thanh, người họa sĩ từng để lại trong thế hệ họa sĩ chúng tôi những ấn tượng sâu đậm về ngôn ngữ mới cho hội họa Việt Nam thời những thập niên 60-70, đã vừa phải trải qua những năm tháng như thế. Ðể gửi đến ông lời cầu chúc sức khỏe, mong sự kỳ diệu sẽ đến với ông, cho gia đình ông và cũng là cho chúng tôi, bài viết này là một cố gắng tổng hợp khái quát những gì họa sĩ Duy Thanh đã cống hiến cho hội họa, văn chương Việt Nam tự do kể từ ngày ông di cư vào Nam năm 1954.
Trước khi nói về Hội Họa Duy Thanh, là phần chính của bài viết, tôi xin được lược qua một số bài viết tiêu biểu về hội họa, một số truyện ngắn và thơ của ông đã đăng trên nhiều số của tạp chí Sáng Tạo từ năm 1956 đến 1960.
1. Trường Hợp Picasso, Sáng Tạo số 2 – tháng 11 năm 1956
2. Nói Về Hội Họa, Sáng Tạo số 8 – tháng 5 năm 1957
Với 2 tiểu luận này cùng với những phát ngôn trong các Bàn Tròn của tạp chí Sáng Tạo, đặc biệt là bàn tròn Ngôn Ngữ Mới Trong Hội Hoạ (Sáng Tạo bộ mới số 3 – tháng 9 năm 1960) cùng với 8 tác giả khác, có thể thấy Duy Thanh cùng Thái Tuấn và Ngọc Dũng là những họa sĩ tiền phong của phong trào cổ xúy đổi mới ngôn ngữ hội họa Việt Nam.
Trong tiểu luận về Picasso, Duy Thanh viết:
“…Chỉ có Picasso luôn bất mãn, luôn tìm kiếm, luôn phá phách, luôn mâu thuẫn và điều kỳ lạ nhất, Picasso vẫn thành công rực rỡ trước mọi thử thách.”
Và khi đề cập đến vấn đề của người xem tranh luôn đòi hỏi phải hiểu được tác phẩm muốn nói gì một cách cụ thể, Duy Thanh đã mượn lời Picasso:
“…một họa phẩm đến với tôi như tự cõi nào xa lắm, không ai biết được nó bao xa, chỉ có tôi đoán được, trông thấy được và tạo ra được. Làm sao người ta có thể đi sâu vào cõi mộng của tôi, trong bản năng của tôi, trong khát vọng của tôi, khi tất cả những thứ này đã được gạn lọc thấm nhuần từ bao lâu trong tôi rồi bật ra khung vải. Ai đã có thể hiểu được tác phẩm khi ở đó tôi đã vẽ bằng một phần của vô thức.”
Và còn đi xa hơn, cực đoan hơn với tuyên ngôn sáng tạo nghệ thuật của Picasso:
“…Sao chúng ta có thể theo khuôn sáo cũ mà quên mất phần sống bên trong của con người, những tâm trạng con người chúng ta trong thế kỷ này. Tôi đòi hỏi một sự độc tài trong nghệ thuật, sự độc tài của các họa sĩ, sự độc tài của một cá nhân nào đó dám gột bỏ hết thói quen, những trò tiểu xảo, những cái đẹp giả tạo và cùng bao nhiêu thứ khác nữa để dám làm một cái gì mới.”
Với tiểu luận Nói Về Hội Họa, Duy Thanh gần như hưởng ứng những suy nghĩ về sáng tạo nghệ thuật mà Picasso đã chủ xướng một cách triệt để như những trích dẫn đã nêu trên.
Duy Thanh,
Chân dung tự họa
Cũng như mượn lời của Braque, danh họa Lập Thể đã nói về cách sáng tác của mình: “Tôi tiến tới độ làm mất đi tính chất của sự vật để cho vật đó một ý nghĩa khác hơn, một sức sống mới, một cuộc đời mới. Khi vẽ cái bình, không phải chỉ là một đồ vật đựng nước. Nói khác đi, những vật được tạo ra giữ một số phận mới trong bức tranh.”
Và Duy Thanh kết luận: “Muốn làm nghệ thuật ít ra phải nắm được cái chất của nghệ thuật, mà phải là thứ nghệ thuật bây giờ, thứ nghệ thuật tiêu biểu cho thời đại của mình. Vẽ chỉ là phương tiện để diễn đạt tiếng nói của linh hồn, vẽ là một thám hiểm nội tâm”.
Với phát ngôn này của Duy Thanh, tôi đặc biệt chú ý đến cụm từ “nghệ thuật bây giờ”, đây là một cách gọi tên rất mới của một họa sĩ Việt Nam vào những năm 50-60 của thế kỷ trước để phân định cho trào lưu nghệ thuật đang làm thay đổi hệ thống mỹ học có từ trước và đến những năm đầu của thế kỷ 21, người Tây mới bắt đầu dùng thuật ngữ Nghệ Thuật Bây Giờ (Art Now) để thay cho Nghệ Thuật Ðương Ðại (Contemporary Art).
Truyện ngắn:
– Khép Cửa, Sáng Tạo số 3, tháng 12 năm 1956
– Ðống Rác, Sáng Tạo số Xuân, tháng 2 năm 1957
– Chiếc Lá, Sáng Tạo Bộ Mới số 1, tháng 7 năm 1960
– Lớp Gió, Sáng Tạo bộ mới số 2, tháng 8 năm 1960
Quan niệm về viết truyện của mình, Duy Thanh đã bày tỏ rất rõ trong bàn tròn thảo luận Nhân Vật Trong Tiểu Thuyết của tạp chí Sáng Tạo (bộ mới) số 1, tháng 7 năm 1960: “Khi viết tôi không hề nghĩ đến nhân vật. Khởi đi từ một hình ảnh, một ý tưởng nào đó viết dần rồi nhân vật hiện ra. Tôi muốn mỗi nhân vật của tôi phải là một sự phiêu lưu bất kể mọi giới hạn. Cũng phiêu lưu như khi tôi làm nghệ thuật.”
Thơ:
– Hoang, Sáng Tạo số 7, tháng 4 năm 1957
– Em Ðã Nghe Gì Trong Bài Thơ Hôm Nay, Sáng Tạo số 9, tháng 6 năm 1957
– Bài Thơ Tình Số 3, Sáng Tạo số 11, tháng 8 năm 1957
– Khung Cửa – Dòng Sông, Sáng Tạo số 12, tháng 9 năm 1957
– Bài Thơ Nga, Sáng Tạo số 15, tháng 12 năm 1957
Quan niệm về làm thơ, trong thảo luận về Thơ Bây Giờ (Sáng Tạo bộ mới số 2, tháng 8 năm 1960), Duy Thanh nhận định: ”Nhà thơ nào độc đáo đều có một ngôn ngữ riêng”. Và: “Tôi thường nói chuyện với anh Thái Tuấn rằng muốn làm nghệ thuật ít ra phải nắm được cái chất của nghệ thuật (mà phải là thứ nghệ thuật bây giờ, thứ nghệ thuật tiêu biểu cho thời đại của mình). Chẳng hạn làm thơ, anh cần phải có cái thứ tôi gọi là esprit poétique trong người anh”.
Sau đây là một số trích đoạn trong Ðống Rác, Lớp Gió (2 truyện ngắn) và Em Ðã Nghe Gì Trong Bài Thơ Hôm Nay, Khung Cửa-Dòng Sông (2 bài thơ) của Duy Thanh:
“Khung vải đặt lên giá, tối ném bừa bãi những hình thể, những màu sắc lên tàn nhẫn. Vẽ để cho vợi một cái gì đương hun bốc trong người. Chiều nắng toả bát ngát lên mặt hoạ phẩm, đan trên sàn gỗ từng phiến màu lồng lộng. Ngón tay xương xẩu của tôi quắp lấy thanh bút, nguêu ngoao, lơ láo như một con nhện rừng. Không phải tôi vẽ như mọi lần nữa, mà chính là tôi đã chửi rủa tàn tệ bằng sắc màu. Vứt vào không gian cái khoái cảm, cái khinh khi tuyệt vời của mình là một điều hể hả biết mấy. Những thỏi sơn ộc ra từng đống quằn quại trên mặt vải.
…
Đứng trước cửa sổ nhìn xuống bãi cỏ hoang cạnh nhà, tôi muốn lăn vào đó. Lăn vào những mảnh vỏ chai, gạch ngói, rác rưởi, cỏ dại cho xây xát mình mẩy mới hả. Để cho thần xác cũng nhầy nhụa như cái tôi hiện tại. Trong một giây không đắn đo, tôi trút căm hờn vào khung vải đang vẽ. Tôi vồ và ném mạnh ra ngoài. Sắc màu man dại quay một đường vòng trong không gian rồi rơi xuống. Tự dung thấy nhẹ nhõm tôi nhớ đến người chiến sĩ kháng chiến Hung-gia-lợi nằm chết mục xác trên hè phố Budapest…” (truyện ngắn Đống Rác – Sáng Tạo số đặc biệt Mùa xuân năm 1957).
“… Trong lá thư để lại cho Trinh, Ngạc viết những dòng này trước khi lên tàu xuống Hải Phòng: “Tao lại đi tìm một lối thoát nữa và tao biết chắc có ở lại cũng không tìm thấy một chân lý nào thêm hơn cả. Tao đã sống với Cộng sản mấy tháng trước khi họ tiếp thu Hà-nội. Học cũng đưa ra nhiều lý lẽ vững vàng lắm, để sống cho tương lai. Kể ra thì lắm khi lý lẽ họ cũng phải. Nhưng cứ suy xét tao lại thấy một cái gì rất sai lạc. Tao nghĩ rồi. Tao không muốn làm một viên gạch nung đều đặn như trăm ngàn viên gạch khác cùng được luyện trong một cái lò. Tao muốn trở nên một cái gì khác. Đấy cũng là một lý lẽ để tao đi. Dù chúng mày chửi tao cũng mặc…” (truyện ngắn Lớp Gió – Sáng Tạo bộ mới số 2, tháng 8/1960).
*
“Tiếng thở dài. Và chiếu chăn của một đêm trần xô lệch
Và mạch máu côi đơn phập phồng ngách thịt
Có ai nhớ gì tiếng nói hôm qua. Có ai
Anh và em hoạ chăng là những cánh thư dài
Kết bằng cỏ những sợi mai nằm chốn ấy.”
(Em Đã Nghe Gì Trong Bài Thơ Hôm Nay – Sáng Tạo số 9, tháng 6/1957)
“Dang dở là cuộc tình duyên những kinh thành nổi loạn – anh ngủ mê trên đỉnh kim tự tháp – hơi thở mặt trời – sa mạc kín bưng – từng biển cát quàn lên thân thể
Không nhớ làm gì không nhớ làm gì vốc nước suối trong – vì sao đêm đã về thướt tha những vuốt xanh êm
Anh uống những sợi kim xanh cho linh hồn đỏ lửa – cào cấu những vòng gai tâm can – đau một niềm đau của Budapest
Kẻ bộ hành nào đang đi – quằn quại dấu chân lạc đà – vời xa cát trắng
Không còn hàng dừa xanh lưu ly bóng nước
một đốm lửa hay một mảnh trăng vô tình
không một giọt lệ nào vương trên má
một vành xe lăn trên đường
Nếu có đi về tận vô biên hãy đừng nhớ mang chi hành lý – thân thể nặng rồi
vì không ai nhớ gì
vô ích…”
(Khung Cửa – Giòng Sông – Sáng Tạo số 12, tháng 9/1957)
Duy Thanh theo hội họa ở Hà Nội từ năm 1952 như ông đã kể: “Tôi theo học lớp hội họa đầu tiên với thầy Nguyễn Tiến Chung. Dáng người gầy cao, xương xẩu, ông này đã lưu lại ở tôi nhiều kỷ niệm tốt. Nhất là lề lối truyền thụ nghề nghiệp cũng không bị gò bó lắm vào khuôn khổ, nề nếp, vốn là truyền thống của các trường mỹ thuật. Tôi thụ giáo với ông đúng một năm rưỡi. Trong thời gian này tôi quen với chàng Ngọc Dũng, xưởng họa chúng tôi ở trên lầu trường tư thục Trí Tri, phố Hàng Quạt…” (trích trong tạp chí Văn số 93).
Duy Thanh bắt đầu chính thức triển lãm cá nhân ở Sài Gòn năm 1956, tại Phòng Triển Lãm Ðô Thành ở góc đường Tự Do – Lê Lợi, và tại Pháp Văn Ðồng Minh Hội, đường Gia Long (tên có từ trước 1975). Và sau đó, ông nhiều lần triển lãm cá nhân hoặc với nhiều họa sĩ khác của Miền Nam.
Ngón tay trên má nàng (1910)
Van Dongen
Trong một lần trả lời phỏng vấn của tuần báo Bách Khoa, Duy Thanh đã từ chối mình là họa sĩ theo trường phái Dã Thú (Fauvisme), và còn khẳng định mình không theo trường phái nào, tuy nhiên, quan sát về hình thái nghệ thuật, tranh của Duy Thanh đã bộc lộ rất rõ tính cách của hội họa Dã Thú, màu: tươi, nóng; độ tương phản cực đoan; nét vẽ: đơn giản, mạnh mẽ; tinh thần: trực phát, sinh động. Đó chính là những đặc trưng cơ bản của hội họa Dã Thú. Điều này còn có thể thấy rõ hơn qua những phát ngôn, ý kiến của ông trong các bàn tròn thảo luận về thơ, về tiểu thuyết hay về hội hoạ trên tạp chí Sáng Tạo. Ông rất thường hay trích dẫn lời của các danh họa Dã Thú Phương Tây mà ông tâm đắc:
– “Cõi đời này buồn và đáng chán quá nên tôi phải tạo ra một thế giới rực rỡ hơn bằng tác phẩm của tôi.” (Van Dongen)
– “Tôi dùng những màu xanh, đỏ, vàng, nguyên chất hòa hợp với nhau để khuấy động cái dục tính của con người, và tôi vẽ trước hết để tả nỗi xúc động mà tôi cảm thấy ở sự vật.” (Matisse)
– “Tôi dùng màu xanh, đỏ để chỉ sự say mê kinh khiếp của con người.” (Van Gogh)
Duy Thanh, Những sắc màu
(acrylic trên bố, 57×100)
Mặt khác, trong truyện ngắn Ðống Rác, Duy Thanh đã viết: “…Khung vải đặt lên giá, tôi ném bừa bãi những hình thể, những màu sắc lên tàn nhẫn. Vẽ chỉ để cho vơi một cái gì đang hun bốc trong người”. Có thể coi đây là một tự sự của chính ông, của một họa sĩ thuần về cảm xúc dữ dội, những rung động bốc lửa, những tâm trạng muốn vỡ tung, muốn bung phá… – những nét đặc trưng tính cách thường thấy ở những họa sĩ thuộc trường phái Dã Thú – một khuynh hướng sáng tạo chống lại tính cách dịu dàng, ngọt ngào cảm xúc của trường phái Ấn Tượng và là sự mở đầu cho thời Hậu Ấn Tượng (Post-Impressionisme).
Về kỹ thuật hội họa, Duy Thanh thừa nhận sự cần thiết có mức độ của kỹ thuật cho việc thực hiện tác phẩm: “Tất nhiên, vì lẽ dễ hiểu, mỗi họa sĩ cần có chút ít kỹ thuật mới mong sáng tác được”.
Duy Thanh, Chim của giấc mộng
(acrylic trên bố, 85×100)
Ông có thể sử dụng tốt nhiều loại chất liệu, từ vẽ màu nước, bột màu, vẽ ký họa đến sơn dầu. Tuy nhiên, với Duy Thanh, sơn dầu là một chất liệu thích hợp với cá tính của ông nhất vì nó mạnh như cảm xúc của ông, vì nó dễ hành động ngay tức thì khi ông cần ném nó lên khung vải, và vì nó có khả năng chịu đựng bền bỉ, không kêu than khi ông muốn dầy vò, chà xát nó đến đâu và chỉ có nó mới làm ông đạt tới tột đỉnh của khoái cảm sáng tạo. Sơn dầu là một chất liệu vô địch cả trong cảm xúc (khi vẽ), biến hóa (kỹ thuật) và bền vững (thời gian).
Nhưng cuộc “nổi loạn” nào cũng phải có lúc dừng lại, phải kết thúc. Tự nó, hoặc bị một cuộc nổi loạn khác kết thúc giùm. Ðó là sự mâu thuẫn đầy bản năng của tuổi trẻ và tuổi già. Trong nghệ thuật ai nổi loạn bằng Picasso? Thế mà vào những năm cuối đời, ông không vẽ tranh Lập Thể để quay về với hội họa Hữu Hình (Figurative) đầy dục tính.
Ở gần chúng ta hơn, trong văn chương, Thanh Tâm Tuyền và Tô Thùy Yên, hai nhà thơ tự do một thời khuấy đảo làm nổ tung nền thơ mới Việt Nam bằng thơ Tự Do, sau khi đi tù “cải tạo” nhiều năm về đã bỏ thơ Tự Do. Thanh Tâm Tuyền quay về với thơ vần để trở lại với chính mình, trở về với con người mình vừa đi qua một chặng đường dài đầy bất hạnh. Tô Thùy Yên cho xuất bản tập thơ Thắp Tạ ở Mỹ với một giọng thơ rất kinh điển, trầm tư như một “Tỳ Bà Hành”. Duy Thanh cũng không ra khỏi ngoại lệ, ở những năm cuối đời ông vẽ rất khác, với những tranh vô ngôn, vô sắc, vô hình, bằng mực trên giấy, cho thấy một thể trạng tinh thần khác, hoàn toàn khác với một Duy Thanh thời trẻ tuổi luôn hừng hực dấn thân, nồng nhiệt phiêu lưu vào thế giới sáng tạo, khám phá ngôn ngữ mới. Bây giờ, ông dùng hội họa như một cuộc mạn đàm với hư vô, để trở về cái nguồn cội con người của ông.
Duy Thanh trong studio
San Francisco (hình: Hạnh Tuyền)
Với gần 60 năm vẽ-viết trên tinh thần khai phóng, vận động không mệt mỏi cho một phát triển canh tân văn học và nghệ thuật Việt Nam, Duy Thanh là một họa sĩ hiếm có trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam. Trong tất cả những công việc ấy luôn nhất quán và chín muồi một tư duy rộng và một trái tim đầy chân tình của ông dành cho hội họa.
Những thông điệp kêu gọi làm mới ngôn ngữ nghệ thuật và hướng về nội tâm con người mà ông đã gửi tới chúng ta đã từ rất sớm, mà cho đến nay cái ý niệm ấy vẫn không hề lạc hậu. Cái quy trình của lật đổ và phục hưng trong đời sống sáng tạo của nhà văn-nghệ sĩ ấy vẫn đang được các thế hệ làm nghệ thuật ngày nay tiếp tục nối dài thêm con đường vinh quang của nó.
Viết tại Arcadia-California, 6/8/2013.
- Lê Chiều Giang và ‘Không Đứng Mãi Trong Tranh’ Trịnh Cung Tản mạn
- Hoạ sĩ Nguyễn Lâm phục chế một tác phẩm sơn mài của nhà danh hoạ Nguyễn Gia Trí Trịnh Cung Nhận định
- Xem ‘Việt Nam, Quá Khứ là Mở Đầu’ của Tiffany Chung Trịnh Cung Nhận định
- Tôi đã vẽ như thế nào sau ngày 30 tháng Tư 1975? Trịnh Cung Hồi ức
- Lâm Triết, ngôi sao hội họa hiện đại Việt Nam một thời vừa tắt Trịnh Cung Tạp luận
- Nghệ thuật tạo hình Việt Nam hiện đại của Huỳnh Hữu Ủy Trịnh Cung Nhận định
- Xem và Đọc Lại Duy Thanh Trịnh Cung Khảo luận
- Nhớ Về Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam Trước 1975 Trịnh Cung Tạp bút
- Những Kỷ Niệm Về Lê Thành Nhơn Trịnh Cung Nhận định
- Hồn Sài Gòn trong từng món đồ cũ Trịnh Cung Tạp bút
• Họa Sĩ Duy Thanh (Huỳnh Hữu Ủy)
• Họa sĩ Duy Thanh, Nhà Văn (Viên Linh)
• Xem và Đọc Lại Duy Thanh (Trịnh Cung)
Phỏng vấn Họa sĩ Duy Thanh (Nguiễn Ngu Í)
(Đinh Cường)
Duy Thanh, người họa sĩ cuối đời chỉ... nguệch ngoạc! (Du Tử Lê)
Triển lãm, gây quỹ giúp họa sĩ Duy Thanh (Ngọc Lan)
• Giấc Ngủ (Duy Thanh)
Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo
• Đỗ Duy Ngọc và ảnh nghệ thuật đen-trắng (Diễn Đàn Thế Kỷ)
• Phan Nguyên - Mượn Dấu Thời Gian (Song Thao)
• Họa sĩ Victor Tardieu (Huỳnh Hữu Ủy)
• Họa sĩ Hồ Hữu Thủ qua đời (Diễn Đàn Thế Kỷ)
• Họa sĩ Vị Ý với ước nguyện không thành (Việt Dương)
• Nguyễn Trọng Khôi: Huyền ảo cao nguyên đá (Nguyễn Trọng Chức)
• Tưởng niệm Victor Tardieu (Ngô Kim Khôi)
• Nguyễn Trọng Khôi – Đam mê và Sáng tạo (Trương Vũ)
• Khánh Trường và Những Tấm Lòng (Nguyên Hòa)
• Hồ Hữu Thủ - Người Đi Tìm Chân Tướng Sự Vật (Nguyễn Viện)
William Alexander & Họa Phẩm Về Đàng Trong
(Nguyễn Duy Chính)
Họa sĩ và Nhiếp ảnh gia:
Nhiếp ảnh gia:
Nguyễn Cao Đàm, Trần Cao Lĩnh,
Nguyễn Ngọc Hạnh, Hương Kiều Loan
Trường Vẽ Gia Định (truongvegiadinh.blogspot)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |