1. Head_

    Dê Húc Càn

    (1.10.1934 - 21.11.1987)
    Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Hội Họa Cũ Và Hội Họa Mới (Đoàn Thêm) Ad-21 Ad-21 (Google - QC3) (Học Xá)

      1-4-2019 | HỘI HỌA

      Hội Họa Cũ Và Hội Họa Mới

        ĐOÀN THÊM (*)
      Share File.php Share File
          

       


          Nhà biên khảo Đoàn Thêm

      Một bạn năng tham dự các cuộc triển lãm hội họa, đã cho biết một nỗi thắc mắc:


      ... Đa số hoạ sĩ Việt-Nam cứ vẽ mãi những cảnh và người trong ánh sáng Ấn tượng, những thân thể bóp méo theo lối Biểu-hiên, những vết sơn dẹt phẳng và mầu rực nóng như của Dã thú... Cứ hữu hình hữu thể mãi khi người ta đã chuyển từ lâu sang Trừu-tượng, Vô-thể? Như thế, ngại rằng hội họa của ta không theo kịp đà tiến chung của nghệ thuật ngày nay. Phải có cái gì táo bạo hơn, mới mẻ hơn...


      Nhận xét như trên cũng có phần đúng, nếu chỉ là nhận xét khách quan, và nếu không đi đôi với một nghi ngờ về sự hợp thời mà bạn đã gián tiếp coi như cần thiết.


      Nhưng chính bởi vội vàng lo ngại tính cách thoái hóa của nhiều tác phẩm, mà bạn dễ đi tới những kết luận bi quan và sai lạc về nghệ thuật hiện đại nói chung, và hội họa Việt-Nam nói riêng.


      Trước hết, phong trào trừu-tượng tuy đã lan tràn mạnh từ vài chục năm nay, không vì thế mà vùi lấp mất loại tranh hữu thể. Cũng như mọi xu hướng, trừu-tượng đã được dâng cao nhờ một số ngọn bút chân tài, ít lâu trước và ít lâu sau Thế chiến II. Song những Kandinsky, những Pollock, Da Liva hay Lapoujade và các đồng chí, sau một hồi gây xúc động bằng những sáng tác huyền ảo lung linh, cũng chẳng tìm được gì mới lạ hơn những họa phẩm ban đầu. Và tuy trừu tượng cho phép hoàn toàn tự do, thế giới có vẻ mông mênh của những màu nét tung hoành mặc sức, đa không đưa đi xa hơn đường lối quen thuộc của hình, thể, và sắc dễ hiểu thường thấy trên tranh Cézanne, Renoir, Monet, Matisse hay Léger.


      Bởi thế, bên cạnh tranh trừu-tượng, vẫn nhan nhản tranh tả-thực, tân-cổ-điển, siêu-thực, với những nét màu độc đáo nhưng đều hữu thể, của Chagall, Buffet, Van Dougen... Và ít lâu nay, lại thấy phổ biến rất rộng, một xu hướng mới lôi cuốn trở về thực tế, thực tế của cuộc sinh hoạt hàng ngày: Nghệ thuật bình dân hay pop art.


      Những người theo xu hướng này sáng tác, bằng cách phơi bày, chắp nối, ghép liền hay xáo trộn những cảnh, những đồ, những thể chất rất tầm thường, như chiếc kem hình con ốc vặn Ice - cream (của Claes Oldenburg) cô gái cởi trần với mảnh yếm rơi như trên bao nhiêu bìa tạp chí (của Neville King) hình người vẫn gặp trên các họa báo nhi đồng (của Lichtenstein) vài bao thuốc lá xếp đều hàng (của Peter Phillips,) hai hộp sắt tròn đựng nước ngọt hay đựng sơn (của Jasper Johns)... Lối vẽ này được sự hưởng ứng của rất nhiều họa sĩ trẻ (La Jeune Peinture) lại được chánh thức chấp nhận tại Đại-học Mỹ thuật Hoàng-gia Anh, The Royal College of Arts Luân-đôn; hơn nữa, người chủ xướng có tiếng nhất, Robert Rauschenberg còn được giải thưởng ưu hạng về hội họa tại Đại-hội Lưỡng-niên Biennale de Venise 1964.


      Tóm lại, sự tiến triển quanh co của nghệ thuật hiện đại không cho phép quả quyết rằng trừu tượng là tối tân, hay thể hiện đi ngược dòng tiến hóa.


      *


      Đồng tình đồng ý với nhau để bắt gặp vẻ thơ trong ánh sáng của giờ phút nào đó, một số họa sĩ thế kỷ XIX đã được gọi là nhóm Ấn-tượng Impressionnistes.


      Nhưng theo cùng một đường lối, không phải là rập theo một khuôn mẫu, vì không phải là từ chối bản tính hay bỏ phí biệt tài. Nên tranh ấn-tượng của Sisley khác tranh ấn tượng của Monet; tranh ấn-tượng của Marquet không thể lẫn với tranh ấn tượng của Pissaro, mặc dầu mọi người kể trên đều vẽ cây cỏ, nước mây, thuyền bên sóng hay người đẹp sau hoa.


      Cùng chia xẻ một ý thức về sự vật nhỡn tiền, để cùng chấp nhận một lối nhìn đi sâu vào hình và thể, mà phân tán ra từng góc cạnh: nhóm lập-thể Cubistes. Song sắc thái thuần nhã và uyển chuyển của Braque rất khó tìm thấy ở những vạch những màu cứng rắn, táo bạo hay ngạo nghễ của Picasso. Juan Gris trang trọng và bình tĩnh: người ta dễ nhận ra ông, tuy cả ba danh họa Cubistes đều theo nhau chặt hay xẻ ra từng mảnh những chai lọ, đàn lục huyền hay vĩ cầm, chiếc bàn hay mặt đàn bà.


      Ngần ấy tỉ dụ hình như cũng đủ, tuy còn có thể kể nhiều hơn, để chứng tỏ rằng những yếu tố kỹ thuật chung và những ý niệm đưa về một hướng, không hề ngăn trở tác động sáng tạo của nghệ sĩ có tài, nghĩa là vẫn cho phép thể hiện bản chất cá nhân trong những kết quả đặc biệt.


      Nếu vậy, thì họa sĩ Trần hay họa sĩ Lê cứ việc đi về phía ấn-tượng, biểu-hiện hay siêu-thực mà tìm ra vẻ đẹp hay sự thật do riêng mình nhìn thấy và nắm được. Có khác nào vẫn dùng thể thơ rất cổ là lục-bát, cũng đều bắt nguồn thơ từ tình cảm và tạo vật, mà Đinh Hùng vẫn khác Vũ Hoàng Chương, và cả hai đều không giống Huy Cận.


      *


      Dù sao, nhận câu hỏi của ông bạn ưa tranh, tôi còn cố tìm ra vì sao nhiều họa sĩ Việt-Nam chỉ muốn theo vài lối quen thuộc, tuy ai cũng mong tiến nhanh.


      Sau gạn hỏi một số anh em, tôi thấy mỗi người đưa ra một lẽ: hoặc chưa kịp nghiên cứu vì thiếu thời giờ hay tài liệu; hoặc không được may mắn ra nước ngoài quan sát; hay không có dịp tiếp xúc với giới nghệ sĩ ngoại quốc... Sự nâng đỡ hầu như không có.


      Song những trở ngại khách quan đó, dù khó chối cãi, cũng chưa cắt nghĩa cho tôi sự chọn đường hay bắt chước. Đành rằng còn nhiều xu hướng chưa được hiểu biết, nhưng trong những xu hướng đã tìm hiều, vì cớ gì ngả theo phía này hơn là phía khác? vì sao biểu-hiện mà không lập-thể hay siêu-thực ?


      Động lực đưa đầy anh em thuộc về tâm lý riêng hơn là ngoại cảnh chung. Phải ưa thích mới noi theo, và một khi ra khỏi nhà trường, không còn ai có thể bắt buộc người nghệ sĩ ép mình chịu đựng... Thế thì những nguyên nhân nào kích thích và thôi thúc? Vì sao không quan tâm đến trừu tượng, và nói rộng hơn, sao không chú trọng đến nhiều nghệ thuật của Âu Mỹ thời trước?


      - Trừu tượng lối Mondrian căn cứ vào kỷ hà học, không hấp dẫn vì trợ và lạnh: người Việt-Nam chúng ta đã cảm, ít khi thuận cho đem lý trí vào thơ, thì cũng không sẵn lòng dụng trí trên bức vẽ.


      - Dùng nhiều vạch như Klee, cũng khô và tẻ. Nét không thẳng tắp hay vuông góc như cửa Mondrian, song vẫn là một dụng ý sắp đặt, thiếu hồn nhiên: hồn nhiên và phóng khoảng hợp hơn với người Á-đông, chứng cớ là Hartung với nét bút nho buông mềm nhánh lan hay khóm cỏ, được thưởng thức nhiều hơn,


      - Hay là bôi toạc như Soulages, vẩy sơn lung tung theo Pollock? Không có nghĩa gì cả, khi ý nghĩa hoặc đề tài vẫn còn được chú trọng ở giới hội họa Việt-Nam. Vô thể thành ra vô nghĩa. Lằng nhằng. lúc nhúc, lem luốc? ai cầm bút quết bừa đi không được? Đã gọi là nghệ thuật, thì phải đòi hỏi công phu hay biệt tài, nghệ sĩ chân chính, theo nhiều người, không thể buông thả quá mức.


      - Nhiều họa sĩ trừu tượng và vô thể thường chủ trương rằng: phải khám phá sự thật thay vì sự đẹp, bằng đủ mọi cách, nên không băn khoăn đi tìm mỹ thái ngoạn mục theo quan niệm cũ; bức tranh chỉ cần và phải là phản ảnh trung thực của nội tâm. Song đối với đa số họa sĩ Việt Nam, tranh phải đẹp, dù sự đẹp không vay mượn những hình sắc cổ điển.


      - Phần đông vốn đa tình, và muốn giao cảm với người. Họ buồn hay vui, và cần phơi các vẻ vui buồn lên tấm vải: chán nản, thương xót, nhớ tiếc, sầu vì mơ mộng, yêu và đau khổ... Những tâm tình ấy mà theo lối vô-thể thì khó diễn tả, nên phải mượn dung mạo, cử chỉ hay phong cảnh, tóm lại phải thể hiện mà rung động, chớ sao lại trừu-tượng-hóa để che lấp hay biến dạng cho khó cảm thông?


      - Trừ một thiếu số có can đảm chịu đựng cô đơn đề bảo vệ tự do, nhiều họa sĩ khác, vì nhu cầu thương mại, cũng phải nhân nhượng mà hòa đồng với khán giả. Đa số khán giả chỉ ưa tranh nào dễ hiểu, nên ấn-tượng tới nay vẫn được phổ biến nhiều hơn cả, và chiếm nhiều chỗ nhất trong các phòng triển lãm: mấy cô gái buông tà áo trên cỏ, ánh nắng thu qua tàu lá chuối, thuyền và lưới cá tung trên sóng bạc, mái tranh trong sương mờ v.v... Lập-thể, mà có người gọi là bảng hình học tô màu, bán không chạy mấy. Siêu-thực gây kinh sợ, ít ai dám mua treo. Dã-thú vui sống vì sặc sỡ, đôi khi được chiếu cố. Trừu-tượng, vô-thể, thì ế lắm, ế quá.


      - Họa sĩ và khán giả Việt-Nam, ít khi chú ý đến các loại tranh cổ điển phương Tây.


      Họa sĩ Việt Nam ưa tự đo. Một thiểu số được hay bị rèn luyện ở các trường Mỹ-thuật, hay phàn nàn là bị gò bó trong các mẫu mực chật hẹp không thuận lợi cho sự phát triền tài năng; nên dẫu phải học rồi, cũng chẳng mấy ai theo những qui lệ do các giáo sư truyền thụ.


      Đa số vì bản tính phóng khoáng, không chịu vào trường nào, ở nhà tự luyện với bạn hữu, xem xét công trình của vài đàn anh mà liệu noi theo hay đi ngược lại. Bởi thế, ít người có dịp nghiên cứu nghệ thuật Tây-phương về các thế kỷ trước.


      Những nghệ thuật này quả thiệt là xa lạ đối với phần đông chúng ta. Muốn thưởng thức phần nào, phải hiểu qua tôn giáo, lịch sử và phong tục xứ ngoài, thời xưa, Nên người vẽ hay người ngắm ít khi rung động trước những phóng họa của các nghệ sĩ phục-hưng hay cổ điển, những sự tích thánh kinh của Raphael, những chiến trường của Ucello, những võ sĩ La-mã hay thần tiên Hy-lạp của Poussin, những cảnh đời sống hàng ngày của Bruegel tại Hòa-lan, thế kỷ XVII. Các giá trị kỹ thuật không được tìm hiểu, khi đề tài thiếu sức hấp dẫn, nhất là vì màu sắc thưởng trang nghiêm.


      Bởi vậy, khó lòng tìm ra ảnh hưởng của hội họa Âu-châu cũ trong hội họa Việt-Nam từ khi Âu-hóa. Họa chăng, chỉ có những tấm thân phơi trần ngà ngọc xuất hiện trên tranh xứ nhà, cùng với cỏ hoa và trời biển: nhưng đúng hơn, thì giai nhân và tạo vật là nguồn hứng dạt dào nhất của họa sĩ và thi sĩ thế kỷ XIX, lại dễ vượt không gian và thời gian mà truyền cảm vì không cần đợi nghiên cứu. Nên trong khi nhiều nhà thơ trẻ Việt Nam ưa than vãn hay mơ màng theo lối Musset hay Verlaine, thì chẳng thiếu gì những ngọn bút sơn Việt Nam buông màu thành suối tóc dài, hay những cành đào dưới nắng, như Courbet hay Redon...


      Đoàn Thêm

      (Nguồn: Văn số 93, ngày 1.11.1967)
      Sưu tập của nhà văn Trần Hoài Thư

      (*) Tác-giả "Tìm Đẹp" và "Tìm Hiểu Hội-Họa".


      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022


      Cùng Tác Giả

      Cùng Tác Giả:

       

      - Đẹp Là Gì? Đoàn Thêm Biên khảo

      - Hội Họa Cũ Và Hội Họa Mới Đoàn Thêm Nhận định

      - Quốc Túy Đoàn Thêm Biên khảo

      - Giành Và Giữ Độc Lập, Mở Mang Lãnh Thổ, Xây Dựng Xứ Sở Đoàn Thêm Biên khảo

    3. Chuyên Mục Hội Họa (Học Xá) Ad-31 Ad-31 = QC_250-250 (Học Xá)

       

      Hội Họa

       

      William Alexander & Họa Phẩm Về Đàng Trong

      (Nguyễn Duy Chính)

       

      Họa sĩ và Nhiếp ảnh gia:

       

      Nhiếp ảnh gia:

      Nguyễn Cao Đàm, Trần Cao Lĩnh,

      Nguyễn Ngọc Hạnh, Hương Kiều Loan

       

      Trường Vẽ Gia Định (truongvegiadinh.blogspot)

       

      Link (Nhiếp Ảnh)
  2. © Hoc Xá 2002

    © Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com)