|
Lam Phương(20.3.1937 - 22.12.2020) | Lưu Trung Khảo(.0.1931 - 22.12.2015) | Nguyễn Hiến Lê(8.1.1912 - 22.12.1984) | Nguyễn Đình Nghĩa(5.10.1940 - 22.12.2005) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Thơ Văn Trần Yên Hoà & Bằng hữu
“Mẹ Con,” hình tượng và hội họa của Dương Văn Hùng. (Hình: Dương Văn Hùng cung cấp)
WESTMINSTER, California (NV) – “Hồi Tưởng” là chủ đề cuộc triển lãm hội họa và điêu khắc do sáu họa sĩ Dương Văn Hùng, Nguyên Khai, Nguyễn Thị Hợp, Nguyễn Đồng, Ann Phong, và Nguyễn Việt Hùng đồng tổ chức vào hai ngày Thứ Bảy và Chủ Nhật, 22 và 23 Tháng Sáu, từ 11 giờ sáng đến 7 giờ chiều tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt, 14771 Moran St., Westminster, CA 92683.
Điêu khắc và hội họa cùng hòa sắc
Vừa là họa sĩ, vừa là điêu khắc gia, nghệ sĩ Dương Văn Hùng cho biết ông có thói quen là mỗi cuộc triển lãm, ông phải có sáng tác mới.
“Nhưng lần này, vì không kịp chuẩn bị, lại thêm sự khuyến khích của bạn hữu, nên tôi đành trưng bày lại sáng tác điêu khắc ‘Mẹ Con,’ một sáng tác vừa được triển lãm tại Fullerton cách nay không lâu,” ông nói.
“Mẹ Con” là một tác phẩm như bay lượn giữa hai phạm trù điêu khắc và hội họa.
Ông cười: “Tranh không hẳn phải là những mảng màu nằm sát với mặt tường. Có thể coi đây là một bức tranh ba chiều, vẽ trên một hình tượng, hoặc một hình tượng có tranh. Sao cũng được.”
Ngoài “Mẹ Con,” lần này “Hồi Tưởng” còn có những tác phẩm chứa đựng đầy tâm tư Dương Văn Hùng, điển hình là bức “Sum Họp.”
Có thể nói Dương Văn Hùng là một trong rất ít nghệ sĩ chịu khó mày mò để tìm tòi phong cách thể hiện mới trong sáng tác nhất.
Là họa sĩ chuyên về tranh sơn dầu và tranh hỗn hợp, Nguyên Khai từng được giới yêu mỹ thuật Sài Gòn thời 1960 đến 1975 theo dõi và tán thưởng. Đến hôm nay, khả năng sáng tác của ông vẫn không hề thuyên giảm trong lúc kinh nghiệm lại càng dày thêm.
“Ấn Tượng Nghe Jazz,” tranh sơn dầu của Nguyên Khai. (Hình: Nguyên Khai cung cấp)
Lần này, trong cuộc triển lãm “Hồi Tưởng,” người ta sẽ có dịp thấy một Nguyên Khai mới và có dịp thưởng thức tài năng của một họa sĩ dạn dĩ, dám dùng nét cọ và sắc màu để mô tả, để cụ thể hóa âm thanh nhừa nhựa, đong đưa quyến rũ của nhạc “jazz” với họa phẩm “Ấn Tượng Nghe Nhạc Jazz.”
Cụ thể hóa, hình tượng hóa âm thanh bằng hội họa? Có thể đây là một nghịch lý, nhưng cũng có lẽ khi bước vào lãnh vực nghệ thuật, người ta phải có đủ phóng khoáng để có thể tạm gác sang một bên những lý luận thường tình để nhìn sâu hơn vào tranh Nguyên Khai.
Ông chia sẻ: “Hội họa, với tôi, là phương tiện để tôi giữ lại những gì ngỡ đã vuột qua. Một ý tưởng mơ hồ hay một giấc mơ hay lẩn tránh.”
“Hội họa, với tôi, là nắm bắt một khoảnh khắc hay một cái gì đó rất mông lung mà cũng rất rõ rệt,” ông thêm.
Hội họa, với ông, là giữ lại một khoảnh khắc của một quá khứ lãng đãng xa gần.
“Ánh Nến,” tranh màu nước của Nguyễn Thị Hợp. (Hình: Nguyễn Thị Hợp cung cấp)
Nguyễn Thị Hợp và Nguyễn Đồng, cặp họa sĩ và cũng là uyên ương luôn kề vai, sát cánh này, lại một lần nữa, đem đến cho diễn đàn nghệ thuật hải ngoại những họa phẩm đầy họa pháp mới mẻ nhưng vẫn duy trì được những cốt cách Việt Nam, thắm đẫm bản sắc dân tộc.
Nguyễn Thị Hợp, qua tác phẩm màu nước nhẹ nhàng, êm ả “Ánh Nến” đã khơi lại được cả một không gian huyền thoại đêm giáo đường của tuổi thơ với lung linh, lập lòe ánh nến.
Và “Hồi Tưởng” là gì nếu không được chia sẻ với bạn hữu?
Bà nói: “Tôi rất vui được triển lãm chung với các bạn như những năm trước đây.”
“Xóm Hồng,” tranh màu nước của Nguyễn Đồng. (Hình: Nguyễn Đồng cung cấp)
Nguyễn Đồng, cũng thể hiện tâm tư bằng màu nước qua họa phẩm “Xóm Hồng.”
Sau rặng dừa xanh, xa xa là xóm hồng quá khứ. Màu hồng nhạt phớt nhưng kiên trì và vững chãi, chống chõi với màu xanh nặng nề của lá, màu nâu mạnh mẽ của thân cây và màu đỏ của đất. Xóm hồng nhỏ nhẹ, dịu dàng nhưng không bao giờ bị cát bụi thời gian vùi lấp trong hồi ức Nguyễn Đồng.
Cũng gần như cùng tư tưởng vợ, ông nói: “Triển lãm này là sự gặp gỡ trở lại sau mấy năm của những họa sĩ đã từng có triển lãm chung nhiều lần trước đây.”
“Cá Trong Nước,” tranh hỗn hợp của Ann Phong. (Hình: Ann Phong cung cấp)
Ann Phong, nữ họa sĩ với bút pháp mạnh mẽ, với ý tưởng rõ rệt, và với cách pha màu vô cùng huyền ảo, khó lường, đã đóng góp cho “Hồi Tưởng” tác phẩm “Cá Trong Nước” và “Thuyền Đánh Cá Về Từ Đường Lưỡi Bò” là hai sáng tác về biển, đề tài thường xuyên của cô.
Cô chia sẻ: “Tôi thích biển. Từ những nguồn nước mênh mông, tôi cảm được sự tự do của tôi và sự sống lung linh của những vật thể khác xung quanh tôi.”
Cô thở dài: “Việt Nam rừng vàng biển bạc. Nay rừng biển đã dần dần thay màu thay dạng.”
Họa sĩ thứ sáu của “Hồi Tưởng” là Nguyễn Việt Hùng.
“Cổ Tùng,” tranh sơn dầu trên gỗ của Nguyễn Việt Hùng. (Hình: Nguyễn Việt Hùng cung cấp)
Một trong những tác phẩm sẽ được trưng bày của ông là “Cổ Tùng,” tranh sơn dầu, được xem là “con cưng” của họa sĩ.
Ông chia sẻ cảm nghĩ: “Đã lâu rồi, chúng tôi không triển lãm chung. Tôi nhớ những dịp sinh hoạt bày tranh triển lãm trước đây với các anh chị họa sĩ nhóm này, họa sĩ Ann Phong và tôi được xem như là hai họa sĩ trẻ của nhóm, thế mà nay chúng tôi đã trên 60 rồi.”
Theo họa sĩ Nguyễn Việt Hùng, những cuộc triển lãm của nhóm, do hai họa sĩ Nguyễn Thị Hợp và Nguyễn Đồng khởi xướng, với tên “DanChi Art Gallary” ngay từ những năm đầu của thế kỷ 21.
“Chúng tôi rất vui đã có dịp triển lãm tranh với nhau bao nhiêu năm qua,” ông nói.
Sáu tài năng
Dương Văn Hùng tốt nghiệp trường Quốc Gia Cao Đẳng Mỹ Thuật Sài Gòn năm 1962, đã dạy hội họa một thời gian ở các trung học Hiếu Thiện và Tây Ninh.
Năm 1973, ông tham dự triển lãm của nhóm Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam tổ chức tại phòng triển lãm La Dolce Vita ở Sài Gòn.
Năm 1974, ông dạy môn điêu khắc trong trường Quốc Gia Cao Đẳng Mỹ Thuật và đã được Huy Chương Vàng Giải Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa trong cùng năm.
Trong những năm đầu thập niên 1990, trước khi sang định cư tại Hoa Kỳ, ông tham dự nhiều cuộc triển lãm tại Sài Gòn.
Nguyên Khai tốt nghiệp trường Quốc Gia Cao Đẳng Mỹ Thuật Sài Gòn và là sáng lập viên Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam tại Sài Gòn, mà những hoạt động triển lãm từ cuối thập niên 1960 tới năm 1975 rất được giới yêu chuộng mỹ thuật Việt Nam thời bấy giờ tán thưởng.
Trước đó, ông cũng đã từng được Huy Chương Đồng tại một cuộc triển lãm tranh mùa Xuân tại Sài Gòn.
Tháng Hai, 1981, Nguyên Khai vượt biển và chọn tiểu bang California làm nơi định cư.
Ngoài Việt Nam, tranh của ông đã được triển lãm tại nhiều nơi như Paris, Tokyo, Tunis, Sao Paolo, New Delhi; riêng tại Hoa Kỳ, tại Houston, Florida, Tustin, Garden Grove, Westminster, Irvine, Costa Mesa, Cypress, Torrance, Los Angeles, Burbank và San Diego.
Tham dự triển lãm An Ocean Apart do Viện Smithsonian ở Washington DC tổ chức, lưu động đến bảy Viện Bảo Tàng ở Hoa Kỳ. Sáng tác Nguyên Khai chuyên về tranh sơn dầu và tranh hỗn hợp.
Nguyễn Thị Hợp tốt nghiệp trường Quốc Gia Cao Đẳng Mỹ Thuật Sài Gòn.
Bà triển lãm cá nhân lần đầu năm 1966 tại Đài Loan. Từ 1968, bà tham dự triển lãm với nhóm Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam, Sài Gòn.
Bà từng triển lãm ở Bonn, Stuttgart, Munich và nhiều thành phố khác ở Đức. Từ năm 1982-1985, bà triển lãm hằng năm tại Paris.
Năm 1985, bà sang Mỹ và bày tranh tại Orange Coast College, đại học UCLA, đại học Minnesota, CSU Long Beach, Pacific Asia Museum, L.A. Artcore, dự triển lãm An Ocean Apart do Viện Smithsonian ở Washington D.C. tổ chức, lưu động đến bảy Viện Bảo Tàng ở Hoa Kỳ.
Bà chuyên về tranh lụa và đã minh họa nhiều sách xuất bản ở Việt Nam, Nhật Bản, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Pháp, Đức, Anh và Hoa Kỳ.
Nguyễn Thị Hợp có hai bức tranh trong Viện Bảo Tàng Mỹ Thuật Hà Nội.
Nguyễn Đồng theo học mỹ thuật tại một xưởng họa tư, rồi theo học tại Trường Quốc Gia Cao Đẳng Mỹ Thuật Sài Gòn.
Ông tốt nghiệp Đại Học Đà Lạt năm 1965 và triển lãm tranh lần đầu tiên tại Sài Gòn trong cùng năm.
Từ đó, tranh ông tiếp tục xuất hiện tại nhiều nước trên thế giới. Năm 1968, ông gia nhập Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam, nơi hội tụ của nhiều họa sĩ trẻ nổi danh và năng động.
Ngoài ra, ông cũng còn là một cây viết bình luận và phê bình nghệ thuật cho một vài tờ báo tại thủ đô. Năm 1979, Nguyễn Đồng đến Tây Đức sinh sống, và năm 1981 đã đảm trách tổ chức một cuộc triển lãm mang tên “Vietnamesische Kunst” (Nghệ Thuật Việt Nam) tại Trung Tâm Văn Hóa của thành phố Bonn, lúc đó là thủ đô của Cộng Hòa Liên Bang Đức. Từ đó, Nguyễn Đồng thường xuyên triển lãm tranh tại Paris, Đức, và từ 1985, Hoa Kỳ.
Ann Phong là một họa sĩ có nét vẽ thiên về sự tinh tế nhưng lại “mạnh mẽ trong việc diễn đạt ý tưởng của mình” (trích bài viết của nhà phê bình Dainella Walsh. Visual Art Source 2012).
Các cuộc triển lãm của bà được những nhà phê bình hội họa Mỹ chú ý và viết nhận xét như tờ Voice of OC và VoyageLA.
Ann Phong tốt nghiệp cao học hội họa tại Đại Học Cal State Fullerton. Đến nay, bà đã tham dự hơn 150 cuộc triển lãm solo và nhóm, từ gallery đến một vài viện bảo tàng tại Orange County, Los Angeles, Bangkok, Seoul, Stuttgart, và Tokyo.
Hiện bà là giáo sư hội họa tại Đại Học Cal Poly Pomona, California.
Nguyễn Việt Hùng sinh năm 1957 tại Sài Gòn, Việt Nam.
Ông học ngành sinh vật học tại Đại Học Khoa Học Sài Gòn rồi định cư ở Hoa Kỳ năm 1982, sau đó chuyển sang lãnh vực họa sĩ minh họa, đồ họa và thiết kế.
Ông có tranh được galleries đại diện và triển lãm tại các hội chợ nghệ thuật Art Fairs Los Angeles, Miami, New York, San Francisco, Palm Springs, Houston, San Diego…
Ông từng hai lần liên tiếp đoạt giải nhất trong triển lãm Quốc Tế Lưỡng Niên do hội Văn Hóa Nghệ Thuật San Diego tổ chức 2013 và 2015 (Juror’s Choice Awards at the San Diego Art Institute Biennial International Award Exhibition 2013 and 2015).
Ông sống và làm việc tại thành phố Los Angeles.
Mỗi người một vẻ, mỗi sáng tác một nét, nhưng cả sáu họa sĩ trong cuộc triển lãm “Hồi Tưởng” sẽ để sáng tác của họ hòa quyện vào nhau để tạo thành một cuộc hòa sắc hết sức ngoạn mục, xứng đáng để mọi người thưởng ngoạn.
- ‘Bức Tử VNCH: Kissinger và 8 Thủ Đoạn Nham Hiểm’ của Nguyễn Tiến Hưng ly kỳ bất ngờ Đằng Giao Giới thiệu
- Danh họa Vũ Hối về cõi thiên thu Đằng Giao Thông báo
- Nhà văn Huy Phương, tác giả ‘Ga Cuối Đường Tàu,’ đã ra đi Đằng Giao Nhận định
- Cuộc ‘đọ màu’ lý thú của 6 họa sĩ lão thành tại Little Saigon Đằng Giao Giới thiệu
- Sáu họa sĩ Little Saigon cùng ‘Hồi Tưởng’ Đằng Giao Giới thiệu
- Ann Phong, ‘họa sĩ sóng biển’ Đằng Giao Nhận định
William Alexander & Họa Phẩm Về Đàng Trong
(Nguyễn Duy Chính)
Họa sĩ và Nhiếp ảnh gia:
Nhiếp ảnh gia:
Nguyễn Cao Đàm, Trần Cao Lĩnh,
Nguyễn Ngọc Hạnh, Hương Kiều Loan
Trường Vẽ Gia Định (truongvegiadinh.blogspot)
Nhớ Thầy (Thu An)
Nhiếp Ảnh Gia Nguyễn Cao Đàm, Bóng Tối Và Ánh Sáng (Nguyễn Ngọc Dung)
Nguyễn Cao Đàm, Người thầy của nhiều thế hệ nhiếp ảnh Việt Nam (cbs.com)
Vinh danh và ngưỡng mộ (hoivietanh.net)
Ảnh Trần Cao Lĩnh (vnthuquan.net)
Sài Gòn 1950-1975 (SafeShare.TV)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |