1. Head_

    Lam Phương

    (20.3.1937 - 22.12.2020)

    Lưu Trung Khảo

    (.0.1931 - 22.12.2015)

    Nguyễn Hiến Lê

    (8.1.1912 - 22.12.1984)

    Nguyễn Đình Nghĩa

    (5.10.1940 - 22.12.2005)
    Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Người làm vườn độc thoại – cuộc đời của Chóe (Uyên Thao) Ad-23-Index Ad-23-Index = (Ad-23-468x60created-2-1-10) (Học Xá)

      20-07-2015 | HỘI HOẠ

      Người làm vườn độc thoại – cuộc đời của Chóe

       UYÊN THAO
      Share File.php Share File
          

       


           Nguyễn Hải Chí
        (Hoạ sĩ Choé, 1944-2003)

      Cuối tháng 02-2003, từ California, tôi được tin Chóe bất ngờ bị nghẹt thở phải đưa đi bệnh viện. Linh tính như báo trước sẽ có chuyện không lành. Tôi không giấu nổi mối lo này trong buổi tối ngồi với Ðỗ Ngọc Yến và Trần Phong Vũ. Yến bảo tôi lo xa quá và quả quyết Chóe sẽ qua khỏi. Yến nêu bằng cớ là bản thân Yến đã gặp nhiều lúc hiểm nghèo nhưng lúc này Yến vẫn có thể ngồi vời tôi. Yến nhắc tôi khi trở về Virginia cố giúp Chóe tự tin hơn để tạo sức tự đề kháng. Nhưng khi trở về, tôi chỉ có thể tìm lên lầu 10 bệnh viện Fairfax, nhìn Chóe nằm mê man trên giường bệnh với bình dưỡng khí chụp trên miệng và đủ thứ dây nhợ trên người. Mỗi ngày tôi thu xếp để có mặt tại bệnh viện, ngồi kề bên Chóe, lên tiếng với hy vọng sẽ có lúc Chóe nghe được lời nói của tôi. Hơn một lần vợ Chóe nhắc tôi nhìn tay Chóe khẽ nhúc nhích và các cơ bắp trên má Chóe hơi co giật. Rồi những giòng nước mắt lăn dài trên má Chóe trong khi anh vẫn nằm bất động.


      Vào tuần lễ cuối tháng 2, tình trạng sức khoẻ của Chóe không bình thường khiến anh đã tới bác sĩ hai lần rồi tới bệnh viện. Ngày 04 tháng 03, Chóe đột ngột bị bất tỉnh phải đưa đi cấp cứu. Vợ Chóe được các bác sĩ cho biết Chóe bị đứt mạch máu não, không còn phương cứu vãn nữa.


      Chúng tôi chỉ còn cách duy nhất là ngày ngày ngồi bên Chóe chờ phút giây anh trút hơi cuối cùng. Phút giây đó là 3 giờ 50 phút – giờ ET – sáng 12 tháng 3 năm 2003, gần tròn 3 tháng sau khi Chóe đặt chân lên đất Mỹ.


      Tôi không còn nhớ lần đầu gặp Chóe như thế nào và do ai giới thiệu, ngoài các chi tiết là anh đến tòa soạn tuần báo Ðời vào lúc tôi vừa từ giã bộ quân phục rời quân trường trở về với những công việc đang dở dang khoảng mùa hè năm 1971 giữa thành phố Sài Gòn chưa hết xôn xao về dư âm cuộc hành quân Lam Sơn 719 vào Hạ Lào. Dường như Chóe nói là Lê Tất Ðiều bảo anh đến tìm tôi rồi Chóe tự giới thiệu có thể vẽ hí hoạ và đã thử công việc này trong năm 1970 bằng cách thỉnh thoảng vẽ cho một tờ báo. Tờ báo mà Chóe cộng tác gần như không có độc giả nên chúng tôi chưa thấy bức họa nào của Chóe, chưa ai biết cái tên Chóe. Do đó, tôi và bạn bè chưa rõ Chóe sẽ đóng góp đưọc gì. Tuần báo Ðời không có trang hí họa, nhưng lúc này tôi đang chuẩn bị cho nhật báo Sóng Thần ra mắt nên chợt nghĩ dành việc vẽ hí họa cho Chóe, nếu anh làm được.


      Trong dự tính của mọi người và của riêng tôi, phần việc này đã được kể là phần việc của Tuýt tức Ngọc Dũng, không chỉ vì tương quan bạn bè sẵn có mà vì cho tới lúc đó không một họa sĩ hí họa nào của làng báo Việt Nam vượt nổi Tuýt. Tuy nhiên tôi chưa gặp Tuýt để hỏi xem anh có thể cộng tác thêm với một tờ báo hàng ngày khác không, vì anh đang là nhân viên thường trực của nhật báo Chính Luận. Sự xuất hiện của Chóe khiến tôi thấy tránh được chuyện gây phiền hà cho tờ báo bạn đồng thời còn có triển vọng giới thiệu một gương mặt mới. Dù vậy, do chưa biết khả năng của Chóe ra sao nên tôi chỉ nhắc anh mang lại cho tôi coi vài bức vẽ vào mấy ngày sau.


      Chóe trở lại gặp tôi đúng buổi chiều tuần báo Ðời tổ chức hội thảo giữa nhóm Hà Thúc Nhơn cùng các đại diện Tổng Hội Sinh Viên Sài Gòn về tác hại của tệ nạn tham nhũng đối với vận mạng đất nước. Trước giờ khai diễn hội thảo, lực lượng an ninh gồm cảnh sát đặc biệt và cảnh sát dã chiến lập chốt chận hai đầu đường Cống Quỳnh ngăn cản người đến tham dự, đồng thời trưởng ty cảnh sát quận Nhì cùng một số nhân viên kéo lên tòa soạn tuần báo Ðời buộc hủy bỏ cuộc hội thảo.


      Giữa không khí rối tung đó, tôi thấy Chóe xuất hiện. Rất nhanh, tôi nghĩ đến cơ hội tìm hiểu khả năng của anh. Tôi từ chối đòi hỏi của người sĩ quan cảnh sát, quay sang nhắc Chóe theo dõi ghi lại quang cảnh buổi hội thảo sẽ khai diễn dù chỉ với không tới mười người đang có mặt. Diễn biến sau đó thực ra chỉ là cuộc cãi vã giữa các viên chức Cảnh Sát với tôi nhưng cũng kéo dài gần hai tiếng đồng hồ cho Chóe vẽ.


      Sau khi người tới dự hội thảo và nhân viên Cảnh Sát rời tòa soạn, Chóe đưa cho tôi xấp giấy phác họa các cảnh ghi nhận. Tôi không tìm được điều gì đặc biệt qua các bức vẽ phác, nhưng bị thuyết phục ngay bởi nét vẽ của anh. Tôi không thể diễn tả nét vẽ của Chóe nhưng cảm thấy Chóe khác hẳn mọi họa sĩ hí họa lúc đó với nét vẽ rất mới so với nhiều người, ngay cả với Tuýt. Rồi Chóe đưa tiếp cho tôi mấy bức vẽ về các nhân vật mà anh đã vẽ theo yêu cầu của tôi mấy ngày trước. Chỉ vừa nhìn thấy bức vẽ thủ tướng Trần Văn Hương, tôi đã nghĩ Chóe dứt khoát là họa sĩ hí họa của nhật báo Sóng Thần sẽ ra mắt vào mấy tháng sau đó.


      Quyết định của tôi không được bạn bè trong nhóm chủ trương chia sẻ vì hết thẩy đều cho rằng Chóe đang ở bước đầu học nghề trong khi theo dự trù, tòa soạn Sóng Thần có mặt không ít họa sĩ đã thành danh như Vị Ý, Huy Tường, Ðằng Giao hoặc nếu cần có Tuýt tức Ngọc Dũng, Hĩm tức Ðinh Hiển cũng không phải chuyện khó khăn. Anh Chu Tử là người đồng ý ghi tên chung trong ban chủ biên nhật báo Sóng Thần với điều kiện chỉ viết mỗi ngày một bài phiếm chứ không tham gia bất kỳ công việc nào của tờ báo, nhất là việc chọn nhân sự cộng tác, cũng nhắc tôi nên nghĩ lại, vì theo anh, “Chóe còn non quá”.


      Quả tình Chóe không chỉ non về tuổi nghề mà non cả về tuổi đời nữa. Năm đó Chóe hai mươi bảy tuổi và bề ngoài hiền lành cùng cách nói năng từ tốn chậm rãi không giành được tin tưởng sẽ đáp ứng nổi yêu cầu của tờ báo. Bộ quân phục với chiếc lon Hạ Sĩ cộng thêm ánh mắt, nụ cười luôn có vẻ dụt dè còn khiến nẩy sinh ý nghĩ chưa chắc Chóe thích hợp với công việc của một cây cọ châm biếm vẫn được hình dung qua tính giễu cợt với cái nhìn tinh quái hoặc lời lẽ hóm hỉnh. Chóe hoàn toàn trái ngược với hình dung quen thuộc đó của mọi người, lúc nào cũng như chiếc bóng lặng lẽ hiện ra rồi lặng lẽ biến mất.


      Nhật báo Sóng Thần ra mắt ngày 26-09-1971.



           Phụ Nữ Nước Tôi

      Chỉ một tuần sau, không còn ai đặt vấn đề về việc chọn Chóe làm hoạ sĩ hí họa nữa. Không phải mọi người ngại đối đầu với sự dứt khoát của tôi mà vì Chóe đã tự chứng tỏ hoàn toàn thích hợp với công việc được giao. Những bức họa của Chóe không chỉ lôi cuốn bằng nét vẽ mới lạ mà bằng chính nội dung phản ảnh một cảm quan chính trị sắc bén khởi từ cái nhìn tinh tế trước các vấn đề thời sự vượt xa hẳn trình độ hiểu biết của Chóe. Chóe còn có lối làm việc đem lại thoải mái cho tòa soạn là không cần chờ hội ý để tìm đề tài. Mỗi ngày, anh đều đặn xuất hiện vào buổi trưa hoặc buổi chiều mang theo không chỉ một bức họa mà có khi ba, bốn bức cho tòa soạn chọn lựa. Ðang là nỗi e ngại có thể làm hư việc của tờ báo, Chóe vụt trở thành sự ngạc nhiên thích thú đối với mọi người.


      Chóe không giấu chuyện anh mới học tới lớp Nhì bậc tiểu học và chỉ được học vẽ tại một phòng vẽ quảng cáo ở Mỹ Tho, sau khi bị cán bộ cộng sản hoạt động bí mật lùa lên núi ép buộc trở thành du kích cùng một số thanh thiếu niên khác ở vùng quê anh tại Long Xuyên năm 1960. Thuở đó Chóe chưa tới tuổi mười tám, chẳng biết gì về chính trị. Anh không thích chui lủi trốn tránh, nhất là khó chịu vì bị cưỡng bức phải sống như thế, nên sau vài tháng đã tìm cách lén trở về nhà. Sự việc này khiến anh lâm cảnh bị đe dọa, phải rời Long Xuyên lên Mỹ Tho lánh nạn. Tại đây, anh xin được việc làm tại một phòng vẽ quảng cáo và bắt đầu học vẽ là thứ anh say mê từ nhỏ.


      Năm 1964, Chóe thi hành quân dịch trở thành lính thì khả năng vẽ giúp anh được chuyển về phục vụ tại Bộ Tổng Tham Mưu vào năm 1965 với nhiệm vụ vẽ bản đồ. Công việc và môi trường mới giúp Chóe có điều kiện gần gũi sanh hoạt văn nghệ báo chí Sài Gòn.


      Việc viết và vẽ đến với Chóe như một trò chơi bắt đầu từ năm 1965 và những năm sau đó vẫn tiếp tục là trò chơi kể cả khi theo thời gian đưa anh tới tương quan mật thiết hơn với sinh hoạt văn nghệ báo chí do đã có một số thơ, truyện được chọn đăng và một truyện ngắn đoạt giải thưởng của một tờ báo.


      Cuối năm 1969, tuần báo Diễn Ðàn lâm cảnh bối rối vì bộ biên tập quyết định ngưng cộng tác do bất đồng quan điểm với chủ nhiệm Trần Như Thuần vốn là công chức xa lạ với hoạt động báo chí khiến trang hí họa do hoạ sĩ Tuýt phụ trách bị bỏ trống. Chóe tình cờ tương quan với người mới đến nhận làm tờ báo nên được đề nghị vẽ thử. Bút danh Chóe bắt đầu xuất hiện nhưng chìm khuất ngay vì tờ báo chỉ phát hành thêm ít số rồi đình bản do không thu hút nổi độc giả. Tuy nhiên, hí họa đã lôi cuốn Chóe khiến anh tìm đến với nhật báo Báo Ðen. Ảnh hưởng hạn chế của tờ báo và sự xuất hiện chập chờn với tính cách tài tử khiến cái tên Chóe vẫn không được ai lưu ý.


      Rồi Chóe được một người quen nhắc nên tìm đến tuần báo Ðời. Tuần báo Ðời không có việc gì dành cho anh nên Chóe phải chờ tới khi nhật báo Sóng Thần ra mắt.


      Chỉ hơn 100 ngày sau khi xuất hiện trên nhật báo Sóng Thần, một số hí họa của Chóe đã được những tờ báo ngoại quốc nổi tiếng trích lại giới thiệu với độc giả ở Ðức, Pháp và Mỹ. Chóe vẫn như chiếc bóng, kể cả lúc cùng vài anh em trong toà soạn mở tờ New York Times ngắm trang báo giới thiệu Chóe với bức vẽ Tổng Thống Nixon trong triều phục đại quan Trung Hoa quỳ gối để diễn tả chuyến viếng thăm Hoa Lục của người lãnh đạo Nhà Trắng. Trong cơn sôi động chiến trường mùa hè 1972, nhật báo Sóng Thần vượt lên với mức phát hành kỷ lục trung bình 120 ngàn số mỗi ngày, Chóe trở thành họa sĩ hí họa thèm muốn đối với nhiều tờ báo.


      Nhưng thay đổi duy nhất của Chóe chỉ là chiếc lon Hạ Sĩ trên cánh tay biến thành chiếc lon Trung Sĩ. Vẫn với nụ cười hiền hòa đượm vẻ e dè, anh hỏi ý tôi về việc có thể làm thêm cho các báo khác được không. Tôi không thay có gì trở ngại, nhưng nhắc anh không ký tên Chóe ở nơi nào khác. Do đó trên các báo Hòa Bình, Ðại Dân Tộc đã xuất hiện hai họa sĩ hí họa Kít, Cap.


      Nói về cách vẽ, Chóe cho biết anh thường hình dung các nhân vật qua đặc trưng của một số loài vật chẳng hạn anh thấy nhân vật Nguyễn Cao Kỳ có cặp mắt lộ cùng vóc dáng gợi nhắc con gà chọi, còn nhân vật Nguyễn Văn Thiệu có cái cằm nhẵn khiến anh nghĩ tới chiếc hàm ếch… và anh vẽ theo lối hình dung đó. Nhưng hí họa của Chóe không chỉ cuốn hút bời nét vẽ sắc sảo sống động mà chủ yếu bời ý nghĩa hàm ẩn nơi hình tượng. Ý nghĩa này tùy thuộc cảm nhận của người coi nhưng rất ít khi cách biệt với hướng diễn tả của anh, dù Chóe chuyên vẽ tranh không lời.


      Trước bức họa con bò mang tên Ðông Dương đứng xoạc chân cho hai nhân vật Mao Trạch Ðông và Nixon bú sữa, không ai có thể nghĩ khác về cuộc chiến Việt Nam trong vòng khai thác của các thế lực quốc tế. Cũng không ai nghĩ khác về thực chất Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam qua hình tượng nhân vật Nguyễn Thị Bình ngồi chàng hảng mở một ngõ vào cho hai lãnh tụ Nga Sô – Trung Cộng vác hỏa tiễn lom khom đi tới. Vào lúc dư luận thế giới mừng đón hòa bình trở lại với Việt Nam, viện hàn lâm Thụy Ðiển quyết định tặng giải Nobel Hòa Bình cho Lê Ðức Thọ và Kissinger, Chóe diễn tả nền hòa bình Việt Nam qua hình ảnh con bồ câu non chưa ra khỏi vỏ trứng bị cả một chùm rắn độc lúc nhúc bao quanh.


      Hí họa của Chóe trong thời điểm này gần như lời gào thét cảnh báo về một hiểm họa đang ập đến qua hình ảnh Tổng Thống Mỹ Nixon với chiếc áo túi rộng giấu kín hai cán binh Cộng Sản Bắc Việt vênh váo ngậm xì-gà hoặc hình ảnh một cán binh Cộng Sản Bắc Việt đội nón cối trang bị toàn đồ Mỹ với đôi ủng cao bồi, ngậm dọc tẩu mang hình Kissinger, tay xách cặp Mỹ, nách kẹp rượu Mỹ… khệnh khạng bước tới và hình ảnh Lực Lượng Quốc Tế Kiểm Soát Ðình Chiến chỉ là một thứ robot trống rỗng vô hồn…


           Nixon và Mao


      Cuối năm 1972, tôi cần thêm không khí mới cho tờ báo nên hỏi Chóe có bao giờ thấy mục hí họa trên tờ JEO – Journal d’Extrême Orient – xuất bản những năm trước tại Sài Gòn không. Chóe nhìn tôi rồi lắc đầu nói anh chẳng biết tờ JEO là cái gì. Sau khi nghe tôi tả lại và cho biết muốn có một mục như thế trên trang nhất tờ Sóng Thần để chuyển mục hí họa hiện có của Chóe vào trang ba, Chóe nói sẽ cố thử. Chiều hôm sau, anh tới tòa soạn đưa cho tôi ba bức họa với tựa đề Hí Ðộc Diễn. Anh vẽ tranh không lời và giải thích tên anh là Chí nên bỏ bớt chữ C để tạo tên cho nhân vật đồng thời cũng tạo một bút danh khác. Nhân vật Hí được anh vẽ nhấn mạnh về chiếc cằm và hai tiếng độc diễn gợi liên tưởng ngay tới Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu.


      Mục Hí Ðộc Diễn lôi cuốn độc giả từ ngày đầu cũng là mục đem lại không ít tai họa cho tờ báo. Trong một kỳ báo, Chóe vẽ nhân vật Hí dắt chó đi chơi trong bức họa có ba cảnh liên tục. Cảnh thứ nhất là Hí thảnh thơi đi dạo với một con chó bên cạnh. Cảnh thứ hai là Hí đi giữa ba, bốn con chó. Cảnh thứ ba là cả một rừng chó chen chúc bao kín Hí tới mức chỉ còn hở chỏm đầu. Giữa không khí chống tham nhũng, bức tranh khiến tờ báo bị tịch thu với tội trạng mạ lỵ Tổng Thống.


      Kiểu buộc tội của Bộ Thông Tin thuở đó thường nặng tính gán ép ngoài mức tưởng tượng. Số báo loan tin Cộng Sản pháo kích vào thị xã Cam Ranh sát hại 8 thường dân bị tịch thu với tội danh gây hoang mang dư luận. Số báo khác loan tin một buôn Thượng tại Pleiku bị Cộng Sản tàn sát không còn ai sống sót bị tịch thu với tội danh cố tình hạ thấp uy tín quân đội vì không bảo vệ dân chúng. Số báo khác nữa loan tin bộ đội Cộng Sản Bắc Việt thuộc Sư Ðoàn Sao Vàng họp thành từng nhóm về hàng tập thể tại Quảng Ngãi bị tịch thu vì loan tin thất thiệt. Theo Bộ Thông Tin, danh từ tập thể chỉ dùng được khi toàn bộ Sư Ðoàn trên về hàng một lượt chứ không thể dùng khi chỉ có những nhóm năm, mười người về hàng…


      Cung cách buộc tội như thế để tịch thu báo khến tôi không dập nổi ý nghĩ Bộ Thông Tin Việt Nam Cộng Hòa đang cố bảo vệ chế độ Cộng Sản miền Bắc bằng cách trắng trợn ngăn chặn báo chí đóng góp vào nỗ lực chiến đấu chung của miền Nam. Ý nghĩ này đến với tôi từ tháng 5-1972 khi chỉ trong một tháng, báo Sóng Thần bị tịch thu liên tục 30 số do phản ảnh tức khắc mọi tin tức chiến sự.


      Tôi không giữ riêng ý nghĩ trong đầu mà viết bài đặt vấn đề công khai với Quốc Hội và nói thẳng với Tổng Trưởng Thông Tin Trương Bửu Ðiện, khi ông ra lệnh cho Giám Ðốc Nha Báo Chí Trần Văn Lưu mời tôi tới trực tiếp thảo luận với ông về cách làm việc của Bộ này.



           Lê Đức Thọ và Kissinger

      Bộ Thông Tin chẳng những không thay đổi cách làm việc mà tiếp tục với mức cao hơn gấp bội vào thời Tổng Trưởng Hoàng Ðức Nhã. Cung cách đó khiến bất kỳ bức hí họa nào của Chóe cũng có thể mang lại tai họa tức khắc. Hàng loạt bức họa về đề tài thời sự và chính trị như bức họa về Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam qua hình ảnh Nguyễn Thị Bình ngồi chàng hảng cho hai lãnh tụ Mao Trạch Ðông – Brejnev chui vào, bức họa về những cuộc đi đêm tại hội nghị Paris qua hình ảnh Kissinger – Lê Ðức Thọ nằm phủ chung một tấm mền hay bức họa diễn tả tình trạng ngưng bắn theo hiệp định Paris bằng cặp đùi trần khép chéo với vòng tay ôm hờ… đều bị buộc là khiêu dâm, vi phạm điều 35 luật Báo Chí.


      Tờ Sóng Thần với mức in trung bình trên một trăm ngàn số mỗi ngày nên mỗi lần bị tịch thu đều như lãnh một đòn chí mạng vì tổn hại vốn liếng quá lớn. Nhưng tòa soạn không thấy cần nhắc nhở Chóe điều gì, ngoài sự tán trợ anh bước tới theo hướng đi đã chọn.


      Qua nhiều bức họa của Chóe, nụ cười bị chìm hẳn giữa những đợt trào cảm xúc chua xót, tủi hờn, phẫn nộ. Anh đến với mỗi đề tài như bị cuốn vùi trong cơn lốc xoáy dữ dằn và cảnh ngộ quay cuồng cùng cực đã khiến phải lộ toàn diện tác động tàn khốc cùng tính chất ghê hãi của từng sự kiện thực tế trước thân phận nhỏ nhoi của con người.


      Các bức họa về đề tài chiến tranh và hòa bình đã diễn tả tận cùng cảnh ngộ trớ trêu bi thảm của người dân Việt Nam qua hình hài chỉ còn như nhánh cây khô của đứa trẻ đang cố nút một bình sữa rỗng do phần đáy đã bị đập vỡ hoặc qua tấm thân trơ xương của một kẻ giơ chiếc nón mê xin bố thí mà đồng xu Hòa Bình bố thí lại xé toạc chiếc nón mê đó.


      Gần như Chóe không cầm bút diễn tả ý nghĩ mà sống trọn vẹn với nỗi đau của kiếp nạn nhân cùng sự trực cảm về những cảnh đoạn trường mà thời thế dồn dập trút xuống đầu mọi con người đang có mặt trên mảnh đất Việt Nam. Hí họa của Chóe chỉ còn đem lại nụ cười cay đắng và thúc đẩy những dòng nước mắt qua hình ảnh người dân miền Bắc thân tàn ma dại với thương tích đầy mình ngửa tay cầu xin ơn huệ tái thiết nơi từ tâm của tha nhân trong khi lãnh tụ được diễn tả bằng hình ảnh ngất ngưởng hả hê trên bàn tiệc với đôi đũa là những lóng xương người.


      Khi linh mục Ðinh Xuân Hải cùng một vài linh mục xuất hiện trên màn ảnh Truyền Hình Sài Gòn bênh vực Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, đả kích những người chống tham nhũng, Chóe ghi lại sự việc bằng bức họa một linh mục từ trong máy truyền hình vươn tay nắm cây dáo nhọn thọc vào tim một người đang phơi thây trên thập tự giá. Sau khi tờ báo in bức họa, linh mục Thiên Hổ xuất hiện tại tòa soạn với ánh mắt buồn thảm tôi chưa bao giờ thấy. Ông tới trước bàn nhìn tôi, lắc đầu nói thật chậm:


      Mày làm tao mất ngủ suốt đêm qua. Tao khóc vì bức tranh của thằng Chóe.


      Trưởng ban trị sự Sáu Cao với thói quen cáu kỉnh từ thuở sống tại chiến khu Bà Ðen hai mươi năm trước gần như thường xuyên cau có gắt gỏng, cũng cho biết không ngăn nổi nước mắt trước bức họa đó và bức họa về tình trạng báo chí bị bóp nghẹt qua vụ án Sóng Thần 31-10-1974 với hình ảnh cô gái chít khăn tang, thân xác gầy guộc, quần áo tả tơi bị trói chặt chân tay, cột vào một cây gai dưới trời nắng lửa.


      Riêng tôi, mỗi lần nhận những bức họa từ tay Chóe, tôi luôn có cảm tưởng anh không vẽ mà vừa hòa nhập và nhận chung gánh nặng oan khiên để cất lên tiếng gào xé ruột của những con người yếu đuối đang quặn mình dưới đủ loại roi vọt.


      Chóe gần như luôn cố tránh đề cập tới việc vẽ cũng như ý nghĩa những bức họa của mình. Khi có ai đặt câu hỏi, Chóe thường đáp lại bằng nụ cười hiền hòa và một câu nói vắn gọn:


      - Tôi vẽ để chọc cười thôi, ai hiểu sao cũng được.


      Lúc này Chóe đã trở thành quen thuộc với người đọc báo tại Việt Nam và cả với một số người ngoại quốc, Khoảng cuối năm 1973, Chóe cho tôi biết có một người Mỹ liên lạc qua Trần Dạ Từ muốn gom những bức họa đã in báo của anh thành sách để xuất bản ở Mỹ. Anh chờ quyết định của tôi, vì hầu hết những bức họa đó đều in trên báo Sóng Thần. Tôi thấy đây là chuyện đáng mừng không chỉ cho riêng Chóe nên nhắc anh thúc Trần Dạ Từ cứ tiến hành và không cần thắc mắc gì về mọi vấn đề khác chẳng hạn như vấn đề bản quyền.


      Mấy tháng sau, đầu năm 1974, Chóe tới tòa soạn trao cho tôi tập sách mang tựa đề The World of Chóe với dòng chữ phụ ở dưới: Vietnam’s Number-one Editorial Cartoonist. Sách do Glade Publications ở North Carolina ấn hành mở đầu bằng những trang viết về Chóe của Barry Hilton. Theo Barry Hilton, lịch sử luôn bị áp chế của Việt Nam đã hình thành truyền thống đối kháng quyết liệt coi rẻ mọi kẻ nắm quyền uy với lối nhạo báng đặc thù khởi từ quan điểm của lớp người bị dày xéo. Và, có thể coi những kiểu điên loạn đầy sáng tạo của Chóe là cách biểu hiện truyền thống đó cao nhất trong thế kỷ hai mươi (1).


      Barry Hilton cho rằng cuộc sống giữa vòng cuốn hút của mọi loại công việc khiến nhiều người Mỹ vẫn mơ hồ về Việt Nam. Do đó, vấn đề đặt ra, theo Barry Hilton, gần như một chương trình trao đổi văn hóa toàn diện để nói cho người dân xứ sở này biết những thứ mà người dân xứ sở kia ưa thích – họ sống như thế nào, suy nghĩ về điều gì, cười vui vì điều gì? Tác phẩm của Chóe là bức thư ngỏ bán chính thức tuyệt vời của dân tộc Việt Nam gửi cho toàn thế giới, khởi sự giải đáp thắc mắc thứ ba vừa nêu. Tác phẩm này là Chóe với trọn vẹn sự kỳ quái, cũng là phần đóng góp của Việt Nam vào sự hiểu biết và hòa bình quốc tế (2).


      Chóe trao tập sách và cho tôi biết đây là ấn bản hạn chế để tham khảo ý kiến chứ chưa phải ấn bản phát hành. Chóe chỉ nhận được ít bản để gửi tới những người cần thiết. Ít lâu sau đó, tôi được biết Barry Hilton không thể ấn hành tập sách do Bộ Ngoại Giao Mỹ không muốn thấy tập sách phổ biến vì nội dung đả kích nặng nề Ngoại Trưởng Kissinger và Tổng Thống Nixon về đường lối giải quyết cuộc chiến Việt Nam lúc đó. Barry Hilton là viên chức của Bộ này nên đành bỏ ý định và tập sách mãi mãi chỉ có 1000 bản in thử trao tay cho một số người.


      Chóe không nói lời nào về sự việc kém vui này và cũng không tỏ ra thất vọng hay bực bội. Anh luôn giữ nguyên vẻ bình thản cố hữu với nụ cười hiền hòa thoải mái. Anh vẫn bình thản như thế, khi nhật báo Sóng Thần đặt vấn đề hủy bỏ các luật báo chí trái với nội dung Hiến Pháp VNCH khiến tòa soạn thường xuyên căng thẳng vào cuối năm 1974. Mỗi ngày Chóe lặng lẽ xuất hiện đưa những bức họa cho số báo hôm sau rồi lặng lẽ biến đi như chiếc bóng. Kể cả khi tòa soạn quyết định đốt báo để phản đối lệnh tịch thu, Chóe cũng không bày tỏ ý kiến nào, ngoài việc im lìm tiếp tục vẽ.


      Một buổi trưa, tôi vừa ngả lưng xuống chiếc ghế nhựa giữa tòa soạn vắng lặng bỗng Chóe đẩy cửa bước vào. Anh tới đứng sững trước ghế, im lạng nhìn tôi bằng ánh mắt trĩu nặng. Tôi toan lên tiếng nhưng ngưng lại khi thấy Chóe đưa tay nhắc cặp kính, dụi mắt. Rồi Chóe nói một cách khó khăn:


      Nhìn anh làm việc, em cứ muốn khóc!


      Tôi hoàn toàn bất ngờ trước sự bày tỏ khác thường của Chóe, cố cười hỏi lại:


      – Chóe thấy tôi làm việc thế nào?


      Chóe nói nhanh “Anh cô độc quá!” rồi bật nấc.


      Tôi choàng ngồi dậy, nhưng Chóe lật đật quay đi, vừa đưa tay chùi má vừa mở cửa bước ra. Tôi bước theo tới cửa thì Chóe đã xuống hết cầu thang. Ðứng nhìn theo anh hối hả bước ra phố, tôi tự nhủ sẽ thu xếp gặp riêng Chóe vào hôm sau. Nhưng tôi không làm nổi việc nhỏ nhoi này. Mức độ căng thẳng với hàng loạt sự việc dồn dập từ cuối tháng 9-1974 luôn đặt tôi vào tình thế không còn một phút rảnh rang. Rồi tờ báo bị thu hồi giấy phép và những ngày lẩn tránh công an mật vụ truy tróc kéo dài cho tới cuối tháng 4-1975.


      Một ngày đầu tháng 5-1975, giữa cơn rũ liệt vì tuyệt vọng của thành phố Sài Gòn, Chóe đột ngột tới nhà tôi. Anh cho biết cùng với Hải Triều bị bắt giam hơn ba tháng tại Nha An Ninh Quân Ðội và tự ra khỏi nhà giam này vào buổi trưa 30-4-1975. Chóe kể lại sự chứng kiến cảnh người lính Biệt Ðộng Quân đứng giữa cầu Thị Nghè cầm M.16 bắn chiếc xe tăng đang tiến tới để bị bắn gục xuống. Anh chấm dứt câu chuyện bằng một hơi thở dài rồi ngơ ngẩn nhìn ra vườn. Chóe như già sọm hẳn với những nét khổ não in hằn trên mặt. Trong khoảnh khắc đó, tôi nhớ lại tiếng nấc không kìm hãm nổi của Chóe vào buổi trưa anh gặp tôi tại tòa soạn Sóng Thần và chợt thấy hiển hiện từ vẻ ngoài cùng mọi cung cách hiền hòa bình lặng của Chóe, một con người bị vây hãm triền miên giữa cảm giác xót xa dấy lên từ nỗi đau chồng chất trong tâm khảm – nỗi đau không do cảnh ngộ bản thân mà bắt nguồn từ cuộc sống của đồng loại, cụ thể là từ những dằn vặt về thân phận sâu kiến của con người trước thực tế đang phơi trải. Cung cách hiền hòa bình lặng của Chóe có thể coi như một sắp đặt tự nhiên để nỗi dằn vặt không biến thành ngòi nổ phá tung thân xác anh.


      Nhưng Chóe sẽ không bao giờ trút bỏ nổi tâm tư trĩu nặng về những nỗi oan khiên mà đồng loại phải nhận chịu.


      Ý nghĩ này trở lại với tôi vào năm 1991.


      Thời gian này tôi đã ra khỏi tù và được bạn bè giúp cho có một sạp báo bên cầu Bông, sát trường nữ trung học Lê Văn Duyệt cũ. Cũng một buổi trưa, Chóe bất ngờ xuất hiện. Anh không đạp xe đạp như tôi mà đi xe 125 phân khối. Anh cho biết nhờ vẽ tranh chợ nên có tiền mua xe và anh chọn chiếc xe này để tránh bị cướp bóc chặn đón có thể mất mạng vào những lúc di chuyển ban đêm.


      Anh kể tiếp ngoài việc vẽ tranh chợ, anh vẫn vẽ hí họa nhưng vẽ màu, vẽ cỡ lớn, vẽ… rồi bỏ! Bức họa Chóe vừa vẽ xong lúc đó là vẽ một chiếc thang. Anh đưa hai bàn tay ra phía trước phác cho tôi thấy khổ tranh lớn gần bằng bức vách trong đó chỉ có một chiếc thang với phần chân thang là mấy gióng cây buộc chắp vá. Ðầu thang gác lên những áng mây mỏng manh cao vút và chân thang chắp vá đặt trên mấy đám khói vật vờ. Anh kết luận:


      – Tôi cứ vẽ theo ý nghĩ bất chợt rồi xếp vào xó bếp.


      Trong lúc Chóe kể, tôi nghĩ tới những con người leo trên chiếc thang dẫn lên thiên đường và cảm giác chua xót vây hãm Chóe suốt thời gian vẽ. Tôi nhìn Chóe, thấy anh không thể ngưng vẽ, không bao giờ thoát khỏi nỗi dằn vặt về những oan khiên cứ thản nhiên trút xuống. Ðó chính là cuộc sống của anh. Ðiều may mắn mà Chóe được ban tặng là tài năng và bản tính sẵn sàng cam chịu nên mọi nghịch cảnh chỉ dẫn đến kết quả là những bức tranh với một nụ cười.


      Chỉ một lần tôi nghe Chóe nhắc đến nỗi đau kéo dài trong câm nín của riêng anh. Ðó là buổi chúng tôi ngồi với nhau đầu năm 2003 sau khi Chóe tới Mỹ khoảng ba tuần.


      Chóe cùng vợ tới Virginia ngày 19 tháng 12 năm 2002 do Kim Việt và Nguyễn Văn Khanh bảo lãnh qua Mỹ chữa bệnh và đang ngụ tạm tại nhà Ðặng Ðình Khiết ở Falls Church. Anh bị bệnh tiểu đường, năm 1997 bị tai biến mạch máu não liệt bại một thời gian, sau đó qua Pháp chữa hai lần vào năm 1998, 2001 nhưng không thuyên giảm, mắt phải bị mù, mắt trái chỉ còn thấy lờ mờ và đi đứng lẩy bẩy. Ðã hai năm, anh không còn cầm được cây cọ nên chuyển qua viết bằng cách đọc vào máy ghi âm cho vợ con chép lại.


      Bữa đó, tôi vừa qua cuộc giải phẫu thanh quản không được phép nói nhiều nên Chóe nhắc vợ lấy một truyện ngắn của anh đọc cho tôi nghe.


      Truyện viết về cảnh sống trong trại tù cải tạo với những ý nghĩ vẩn vơ, những ước mong mơ hồ, những niềm vui kỳ quặc đẩy lui tôi rất nhanh về quãng thời gian đã qua. Những ngày bị biệt giam tại X.15 gần như tôi không thể rời khỏi mấy chục con kiến luôn chạy loăng quăng tứ góc này qua góc khác và ao ước hoài có một chiếc ghế gỗ để ngồi lên đó, buông thõng hai chân thay vì kéo dài ngày này qua ngày khác cảnh bó gối ngồi bệt trên sàn xi măng. Tôi luôn tưởng tượng khi được ngồi trên chiếc ghế như thế hai khớp đầu gối và các bắp chân buông thõng thoải mái sẽ đem lại cho tôi cảm giác nhẹ nhàng như cánh chim bay bổng trên mây. Chiếc ghế gỗ trở thành ước mơ đeo bám tôi nhiều ngày tháng và hiện hình trở lại khi tôi nghe Chóe diễn tả niềm vui được thoải mái xưng hô mày, tao với… mấy con bò! Chóe có niềm vui tột bậc này khi chuyển về đội Chăn Nuôi lãnh việc chăn bò.


      Những dòng chữ đơn sơ nói về niềm vui tột bậc của Chóe có thể dễ dàng trôi qua mắt người đọc, nhưng tôi nghĩ chắc chắn anh đã viết bằng trọn vẹn nỗi chua xót về cảnh ngộ bản thân cùng bè bạn xung quanh và trong lúc viết có thể khuôn mặt Chóe cũng đẫm nước mắt hệt như lúc này khi anh cùng tôi nghe đọc lại đoạn truyện. Những dòng nước mắt lặng lẽ tuôn và những ngón tay Chóe run run mân mê bất định trên gò má tạo cho tôi cảm giác anh đang bị cuốn chìm theo môt ý nghĩ nào đó đến độ không còn biết sự có mặt của tôi cũng như việc chính anh đang khóc. Khi vợ anh đọc dứt, Chóe chậm chạp gỡ cặp kính, đưa bàn tay chùi má. Rồi vẫn với cách nói nhỏ nhẹ chậm rãi, anh kể có lúc ở trại cải tạo, anh phải giở trò trộm cắp vài củ khoai, vài trái bắp để được coi khinh là thứ bỏ đi. Anh phải làm thế vì quá sợ mối ám ảnh bị những cặp mắt rình mò thường xuyên đeo bám.


      Năm 1992, khi có cơ hội viết vẽ cho một số tờ báo tại Sài Gòn, anh lại tái diễn tấn tuồng trộm cắp thuở ở trại tù dưới hình thức khác. Chóe cho biết anh bắt đầu vẽ trở lại với bút hiệu Trần Ai, nhưng mọi người vẫn gọi anh là Chóe. Cái tên Chóe luôn được trưng kèm với ba tháng tù hồi đầu năm 1975 tại Nha An Ninh Quân Ðội. Riêng Chóe không thể quên cái tên đó cũng gắn liền với những mối đe dọa phủ quanh cuộc sống của mọi người. Nỗi kinh hoàng ám ảnh Chóe lúc này là cái phần gắn liền kia sẽ trở thành nguồn gốc thảm họa cho cảnh đời vừa trở lại bình thường của anh. Anh sẽ không còn đưọc quây quần giữa những người thân, không còn được sống những ngày êm ả, nhất là không còn được vẽ vời trên giấy. Vì thế, anh phải luôn bôi xóa hai chữ Sóng Thần, bôi xóa hơn mười năm tù trong các trại cải tạo và bôi xóa những cảm nghĩ thực của mình bằng mọi cách. Anh không khó khăn trong việc bôi xóa này vì hết thẩy những người đang muốn có tranh của anh cũng đều muốn bôi xóa. Anh không đơn độc trong màn kịch trộm cắp như thuở ở trong tù nhưng không trốn khỏi nỗi tủi nhục ngấm ngầm vì luôn đối diện với sự dối trá hèn mạt của chính mình.


      Tôi đang bị cấm nói và cũng không biết nói gì nên im lặng. Chóe thở dài rồi nhắc vợ kiếm một bài viết của anh đã đăng báo ở Sài Gòn năm 2000. Anh trao bài viết cho tôi. Bài viết có tựa đề Giống Người Khác vỏn vẹn ba cột báo ngắn ghi lại lời tự kể của Chóe về những chuyện anh đã gặp:

      ‘Tôi vừa chạy xe qua khỏi bùng binh ngã sáu, quẹo qua đường NTMK thí có một thanh niên đuổi theo và ra hiệu cho tôi dừng xe lại. Trông anh ta dáng vẻ đàng hoàng nên tôi cũng tấp xe vào lề đường xem có việc gì. Anh ta cười cười: “Xin lỗi chú, cháu đuổi theo chú từ đường NVC, chú chạy nhanh quá! Không giấu gì chú, cháu là một người rất hâm mộ chú, cháu chạy theo để xin chú một chữ ký”. Gì chứ chữ ký là tôi sẵn sàng và rất hân hoan nữa là đàng khác. Không đợi tôi phải tự lục túi mình tìm bút, chàng thanh niên nhanh nhẩu đưa ngay cây bút và quyển sổ cho tôi ký tên. Tôi thì phải chuẩn bị một chút, thay cái kính cận đang đeo bằng cái kính lão để thấy đường ký ấy mà. Tranh thủ khoảng thời gian ấy, chàng thanh niên hỏi ngay: “Chú là nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu?” Tôi trả lời không phải (may mà vẫn chưa kịp ký tên) rồi thay cái kính cận lại chỗ của kính lão, không quên gật đầu chào chàng thanh niên kia, dọt xe đi.


      Tôi không nhớ đây là lần thứ mấy người ta lầm tưởng tôi với Phạm Trọng Cầu. Có lần đi trong đoàn về thăm phố cổ Hội An gồm các nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà báo, cách doanh nghiệp, nhà mặt trận và cả nhà dẫn chương trình Phương Thảo. Ở Hội An có ít người đến rạp Hòa Bình TP.HCM xem Phương Thảo làm MC, nhưng ở đây khán giả biết Phương Thảo dẫn chương trình qua băng video Mưa Bụi. Khán giả reo lên “Phương Thảo, Phương Thảo.” “Ô kia, có cả Phạm Trọng Cầu nữa”. Tôi đi gần Phương Thảo, “Ðó đó, cái ông râu xồm là Phạm Trọng Cầu đó. Mày chạy về kêu chị Bốn nói tối nay trình diễn văn nghệ có cả Phương Thảo và Phạm Trọng Cầu nữa. Chắc là hay lắm đó”. Ðêm ở Hội An tôi cũng lên sân khấu để vẽ tặng khán giả. Có lẽ một số khán giả đêm ấy sẽ nghĩ rằng Phạm Trọng Cầu ngoài tài viết ca khúc, tài đàn hát còn có nghề vẽ chân dung tại chỗ nữa.


      Mới đây thôi, khi phim ‘Ðồng tiền xương máu’ chiếu trên tivi, tôi đến bệnh viện Y Học Dân Tộc trị bệnh, lúc chờ đợi đến lượt mình lên bàn chiếu tia laser, có một bà bệnh nhân đến hỏi tôi “đóng xong phim là vào bệnh viện hả?” Tôi ngớ người ra chưa kịp nói năng gì, bà ta lại tiếp “râu quai nón đẹp thế kia mà đóng phim lại cạo phần quai nón đi uổng thế, nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú mà cũng phải ngồi chờ đến lượt mình sao, anh Lâm Tới?” À! Té ra bà tưởng tôi là diễn viên Lâm Tới. Giữa nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu và diễn viên Lâm Tới làm sao giống nhau mà có người bảo tôi giống hai nhân vật này? Còn một nhân vật nữa mà rất nhiều người bảo tôi giống, họ bảo là tôi giống từ ba chục năm trước cơ (nghĩa là từ lúc tôi chưa để râu) đó là nhà văn Hemingway – ông ta là người Mỹ da trắng chính cống còn tôi là người Việt Nam da vàng 100% mà bảo giống thì giống làm sao cơ chứ?


      Nhưng có một người tôi rất muốn giống đó là chính tôi, vậy mà có người còn không chịu tin. Có lần ở tòa soạn, phòng thường trực điện thoại cho tôi bảo là có bà bạn đến tìm. Tôi ra phòng thường trực thấy chẳng ai quen cả và cũng chẳng ai đến nhận người quen với tôi. Người thường trực ngạc nhiên nhìn người phụ nữ xưng là bạn của tôi rồi giới thiệu: “Ðây là họa sĩ Chóe”. Người phụ nữ ấy nhìn tôi rồi lắc đầu: “Chóe hả? Không phải Chóe đâu! Ông kia kìa! Giống… Chóe hơn! Ông này không có vẻ gì là… Chóe cả!”

      Bài viết chỉ là một giai thoại vui. Nhưng trọn vẹn nỗi xót xa của Chóe hiện lên rất rõ trước mắt tôi qua những dòng chữ cuối cùng. Tôi hiểu rõ cảm giác tủi nhục ngấm ngầm của anh qua dòng chữ ghi ước muốn chỉ được giống chính mình và lời nói của một người nhận là bạn quen đã nói thẳng với Chóe: “Chóe hả? Không phải Chóe đâu!… Ông này không có vẻ gì là… Chóe cả!”


      Câu nói nhẹ nhàng không diễn tả sự ngạc nhiên mà chính là ngọn đòn miệt thị thảm hại đập thẳng vào giữa mặt người nghe. Nỗi đau càng thấm thía hơn do câu nói cứ lập lại hoài vì chỉ là tiếng nói của chính mình.


      Tôi nhớ tới lời than của nhà văn tiền bối Ngô Tất Tố do Tô Hoài ghi lại trong hồi ký: Làm người khó lắm!


      Tôi nhớ tới chọn lựa của một nhà văn trẻ miền Bắc cũng qua hồi ký của Tô Hoài. Nhà văn trẻ này đã chọn cách tự nuốt qua họng một nắm lưỡi dao cạo để cắt đứt ruột gan mình. Sự việc có thể khó hiểu với những người chưa từng trải cảnh sống xã hội Việt Nam nhưng là thực tế từng ngày từng giờ vây phủ những người có mặt và từng giúp Nhật Tiến rút ra một kinh nghiệm: “Cách duy nhất để tồn tại là phải dối trá hèn hạ, vì chẳng còn nói được cái gì khác hơn khi phải đối thoại với loại người không còn tâm địa con người.”


      Ít nhất hai lần, Chóe đã cố tìm cách trốn khỏi cảnh sống đó. Sau khi ra khỏi trại tù cải tạo năm 1985, anh vượt biên nhưng kết quả là phải trở lại nhà tù một lần nữa.


      Với hơn mười năm tù, Chóe nạp đơn xin ra đi theo chương trình HO. Ðơn của anh bị từ chối.


      Nhân viên ODP bác bỏ mọi lời giải thích, bởi theo nguyên tắc, mọi việc phải được chứng minh bằng giấy tờ. Những tờ Giấy Ra Trại phát cho người tù khi được thả đều kèm theo lời nhắc là bản duy nhất, không thể sửa đổi hoặc xin lại bản khác. Do đó, đã có trường hợp tù nhân Phạm Hiệp tại trại Z.30A bị bắt vì tội trốn học tập vẫn phải nhận tờ giấy ra trại với hàng chữ ghi tội trộm cắp. Phạm Hiệp nêu vấn đề với cán bộ an ninh trại nhưng chỉ nhận được một câu nói chắc nịch: “Anh muốn đổi giấy thì cứ trở về đội học tập tiếp tục, chờ chỉ thị của Bộ.” Tất nhiên Phạm Hiệp không dám mong đổi giấy nữa và đã ra trại với tội danh trộm cắp. Giấy Ra Trại của Chóe không ghi lầm tội trạng nhưng không ghi ngày bị bắt vào tù. Nhân viên ODP nghe Chóe khai đã ở tù hơn mười năm, nhưng không thể dựa vào đâu để xác định tính xác thực của lời khai đó.


      Trong cảnh đường cùng, Chóe may mắn có tài vẽ và gặp thời điểm cần chứng cớ cho chủ trương ‘cởi trói cho văn nghệ’, một chủ trương được ca tụng bằng nhiều danh từ tốt đẹp, đồng thời cũng gợi nhắc không ít nỗi tủi nhục. Chóe dù là gì vẫn không thể vượt khỏi thân phận mà hết thẩy những người xung quanh phải gánh chịu vì chỉ riêng những người mà Nhật Tiến diễn tả là loại người không còn tâm địa con người mới thực sự có quyền quyết định cuộc sống của anh.


      Từ 1992, Chóe không chỉ đối thoại với loại người đó mà còn sống dưới sự che chở của loại người đó nên ước mơ được giống chính mình quả là ước mơ cực lớn và nỗi đau phải gian dối khó thể tránh với bất kỳ ai còn biết hổ thẹn.


      Nhưng Chóe may mắn vẫn còn những thời khắc sống đúng cuộc sống của mình. Sự kiện này hiển hiện qua nhiều bức họa và qua nhiều bài viết của anh. Những bức chân dung tự họa của Chóe cho thấy anh vẫn sống đúng với mình khi vẽ. Anh đã ghi lại hình ảnh mình bằng cây cọ thọc vào mắt với dòng mực tuôn ra gợi nhắc máu và nước mắt, bằng hình ảnh miệng bị dán kín dưới hai mảnh băng keo bắt chéo hoặc bằng cảnh cầm búa chặt một thân cây lớn với hướng đổ sẽ đè lên chính mình.


      Mỗi bức họa này khi in trên báo luôn có một dòng chú thích như ‘khi người có râu quai nón hôn’ hoặc ‘biếm họa và cây tiêu cực’. Mọi chú thích đều ghi rõ là của tòa soạn tức do người khác viết và chỉ có sau khi tranh đã hoàn tất. Chóe vẫn vẽ tranh không lời nên chắc chắn vẫn sống trọn vẹn với mình khi vẽ. Tuy nhiên, chấp nhận những chú thích như thế và còn phải bày tỏ sự chấp nhận trong cung cách vui vẻ là những vết thương nhức nhối.


      Thêm nữa, vào nhiều dịp được giới thiệu với mọi người, Chóe luôn luôn gặp những dòng tiểu sử của mình như một sản phẩm đúc khuôn, những dòng tiểu sử được lập lại từng chữ trên mọi tờ báo theo cung cách uốn nắn mọi sự kiện trong cuộc sống của anh:

      “Họa sĩ Chóe sinh tại An Giang, cầm bút vẽ từ năm 1965 và nhanh chóng được xem là cây biếm họa báo chí bậc nhất Việt Nam. Cây cọ của ông không nể nang một ai, từ Tổng Thống Mỹ Nixon, ngoại trưởng Kissinger cho đến Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ, Trần Văn Hương, Big Minh… trong những thời điểm nhạy cảm nhất. Trên nhiều báo đối lập như Tin Sáng, Ðiện Tín, họa sĩ Chóe đã vẽ nhiều chân dung nhân vật xâm lược, bán nước với nét bút biếm họa sắc sảo, tiềm ẩn ý tưởng phê phán hoặc ngấm ngầm phơi trần mặt trái của đương sự. Thế là họa sĩ Chóe đã bị chế độ cũ bắt giam. Sau ngày giải phóng, tranh của ông tiếp tục xuất hiện trên nhiều tờ báo và tạo được phong cách riêng trong việc phê phán những thói hư tật xấu, những tiêu cực hủ lậu ngõ hầu góp phần vào công cuộc lành mạnh hóa xã hội…”

      Chóe tự hiểu hơn ai hết rằng anh không nổi tiếng từ 1965, không tương quan với những tờ báo Tin Sáng, Ðiện Tín trước 1975, không có thái độ chính trị như được gán ghép. Anh cũng không quên sau 1975 chỉ được trở lại với cây cọ sau mười mấy năm sống trong các trại tù và cầm cọ trở lại với nỗi khiếp hãi sẽ đá phản vào lưới nhà… Nhưng anh không thể chọn lựa ngoài sự im lặng. Thậm chí im lặng mang tính đồng lõa trước cả những bài báo ghi các lời lẽ được gắn cho anh theo hướng bôi xóa một thực tế. Khi đề cập tới một truyện ngắn của Chóe kể lại cảnh tù của mình sau 1975 người viết diễn tả như sau:


      “Tôi hỏi Chóe chuyện Sợi Tóc. Chóe ngừng bút vẽ cất cái giọng rề rề kể: Trước năm 75, do chống chiến tranh, tôi bị chính quyền ngụy bắt bỏ tù. Trong tù rặt đàn ông. Một hôm tôi nhặt được sợi tóc dài đàn bà. Cả lũ chúng tôi giành nhau nâng trên tay sợi tóc đàn bà ấy rồi cứ thế tự tưởng tượng, tự mơ tới những người đàn bà của đời mình…”


      Mọi độc giả của truyện Sợi Tóc chỉ thấy hiển hiện cảnh sống trong trại tù cải tạo sau 1975 tại một vùng rừng núi, nhưng Lưu Trọng Văn, một cây bút của chế độ, con trai nhà thơ một thời nổi tiếng Lưu Trọng Lư đã viết như vậy.


      Chỉ một lần Chóe bày tỏ ý kiến về những gán ghép do sự việc nằm trong giới hạn có thể được. Chóe ghi lại trong một tạp bút như sau:

      “Buổi sáng thứ hai đến tòa soạn báo TTCN, một bạn đồng nghiệp cho biết hôm thứ bảy tuần rồi trong một bản tin về ‘Triển lãm của thầy và trò trường Ðại học Mỹ thuật’của HTV có nói đến tôi là một ví dụ tên tuổi xuất thân từ trường Mỹ thuật… Câu chuyện nhầm lẫn trên HTV làm cho tôi băn khoăn suốt buổi sáng không vẽ vời được gì cả. Tôi rất sợ sự hiểu lầm là tôi mạo nhận mình xuất thân từ trường Ðại học Mỹ thuật. Tôi vốn không đủ tiêu chuẩn để thi vào trường Mỹ thuật dù là tiểu học chứ đừng nói đến cao đẳng hay đại học…”

      Việc được đài truyền hình HTV đề cao là xuất thân từ trường đại học khiến Chóe phải băn khoăn do vẫn nhớ mình chưa qua bậc tiểu học thì việc anh không ngừng ước muốn được giống mình là điều dễ hiểu khi chính anh luôn phải che đậy bản thân bằng những lời gian dối. Sợ hãi và khinh ghét gian dối nhưng hàng ngày hàng giờ lại phải dựa vào gian dối chắc chắn không giúp tạo nổi một tâm trạng thoải mái.


      Vì thế, tôi không ngạc nhiên khi Chóe nhắc lại nhiều lần ý nghĩ chữa bệnh xong, anh sẽ không trở về Việt Nam nữa dù phải sống bất hợp pháp tại Mỹ và đề nghị tôi nên tái xuất bản tờ Sóng Thần, thậm chí chỉ xuất bản mỗi tháng một số thôi. Ao ước của Chóe là được nhìn thấy tên tờ báo hiện tại trên giấy và có Chóe giữa những bạn bè thuở nào.


      Từ trung tuần tháng 1-2003, gần như một khung trời mới luôn mở ra trước mắt Chóe. Chóe khoe với tôi là anh đã có cảm giác thực sự về tuyết, do được nắm cả nắm tuyết trong tay và đang chờ nhìn thấy cảnh tuyết rơi, vì bác sĩ bảo đảm sẽ phục hồi thị lực con mắt trái của Chóe để Chóe có thể vẽ trở lại. Bác sĩ không chỉ nói mà đã cho Chóe thấy rõ bằng thực tế. Chiều 17 tháng 1, Chóe được chích thuốc và được cho biết mũi thuốc sẽ giúp Chóe nhìn rõ một thời khoảng ngắn vào sáng hôm sau.


      Sáng 18 tháng 1, Chóe thử bằng cách mở một tờ báo và mừng rỡ tới kinh ngạc khi đọc được chữ. Anh kêu lớn đã nhìn rõ chữ Pacific in trên báo, rồi gọi vợ mang giấy bút và các hộp màu cho anh.


      Khoảng hơn mười phút sau đó, Chóe hoàn thành 6 bức vẽ màu, những bức vẽ cuối cùng của anh trên những trang giấy mỏng trong căn phòng nhỏ trông ra mảnh đất trống phía sau trên đường Silent Valley, Falls Church – căn nhà của Kim Việt mà vợ chồng Chóe chuyển về ngụ tạm sau mấy tuần ở nhà Ðặng Ðình Khiết.



           Bức vẽ cuối cùng

      Chóe vẽ dứt bức thứ sáu, mắt anh bắt đầu nhức và mờ dần, nhưng niềm tin sẽ được sống với cây cọ vẫn lớn lên. Anh chỉ còn chờ tới ngày 27 tháng 2 sẽ vào bệnh viện vì bác sĩ bảo anh cần một thời gian phục hồi sức khoẻ đủ cho việc giải phẫu.


      Gần như Chóe không băn khoăn về bệnh nữa mà chỉ nhắc tới công việc dự tính. Anh cho biết sẽ thực hiện bộ tranh thứ tư sau ba bộ tranh đã hoàn thành là chân dung các tổng thống Mỹ, chân dung các nhân vật đoạt giải Nobel và minh họa thơ Hồ Xuân Hương.


      Bộ tranh thứ tư của Chóe sẽ diễn tá tác dụng thực tế của tất cả những lời nói của Hồ Chí Minh luôn được đề cao như châm ngôn định hướng sống cho người dân Việt Nam, chẳng hạn Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư hay Không có gì quí hơn độc lập tự do… Anh cho biết đã nghĩ nhiều từ nhiều năm qua về tác dụng thực tế trong đời sống Việt Nam của những lời nói đó và tả với tôi là anh sẽ minh họa câu vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người bằng hình ảnh một người bị cắm ngược đầu xuống đất, đưa chân lên trời để tay chân biến thành cành lá…


      Tôi nhớ lại 10 bức họa được anh mang đi dự cuộc triển lãm Phụ Nữ Nước Tôi tại Nhật Bản tháng 7 năm 1995 và những bức chân dung các bạn tù Chóe vẽ khoảng 1976-1987. Năm 1978, tôi được thấy lần đầu một bức họa đó khi một tù nhân trẻ là Lê Xuân Hải từ Chí Hòa chuyển tới K.3 ở chung đội tù với tôi. Hải đưa ra bức họa chân dung anh với cái đầu to gần hết trang giấy, hai tay hai chân như những lóng xương khô kẹp trong một chiếc cùm. Hải nói người vẽ cho anh là họa sĩ Chóe và cho biết Chóe vẽ cho rất nhiều người nhưng đa số đều xé bỏ không dám giữ.


      Riêng Chóe kể lại sau khi ra khỏi trại tù, anh đã vẽ tiếp chân dung nhiều bạn tù thuộc giới văn nghệ và không chỉ vẽ bằng bút sắt trên giấy. Có nhiều bức anh vẽ là tranh màu trên lụa, nhưng anh chỉ còn giữ được một ít hình chụp. Chóe nói đã trao tất cả cho Nhã Ca vào thời gian trước năm 1990 để Nhã Ca mang theo khi xuất ngoại. Trong số hình chụp còn lại, tôi bắt gặp bức Chóe tự họa với chiếc khóa cắm xuyên qua thịt khép kín hai môi và cặp kính là một chiếc xe đạp. Bức họa khiến tôi nhớ lại chuyện Chóe khi ra khỏi tù lang thang đi bộ trên đường phố bắt ngờ gặp một người quen cũ và được tặng tức khắc một chiếc xe đạp. Chiếc xe đạp thuở ấy là ước mơ với hầu hết chúng tôi và chiếc khóa kẹp miệng đã diễn tả trọn vẹn thân phận không phải chỉ của riêng Chóe.



           Mỹ Nhân Ngư

      Những bức họa dự triển lãm tại Nhật Bản của Chóe thực sự cho thấy Chóe vẫn sống đúng với anh khi vẽ. Tôi không ngăn nổi cảm giác xót xa trước bức vẽ hình tượng mỹ nhân ngư ngồi bên bàn tiệc với đĩa thức ăn là nửa dưới thân xác mình. Chóe chẳng cần chú thích thì người coi tranh vẫn thấy rõ cái nhìn và cảm xúc của anh bắt nguồn từ cuộc sống nào của nữ giới Việt Nam, đồng thời cũng thấy khi vẽ, Chóe không còn nhớ đến việc che đậy chính mình. Tất cả những bức tranh trên khi được in lại trên báo ở Việt Nam đều kèm theo lời giải thích, chẳng hạn bức vẽ người phụ nữ Việt Nam oằn mình nhận chịu hết thẩy rác rưởi trên trái đất được giải thích là diễn tả sự trút đổ rác rưởi cho Việt Nam hoặc bức vẽ 3 người phụ nữ với những mảnh vải màu không che kín nổi thân xác được phụ đề là kiểu che đậy của nữ giới…


      Tôi luôn nghe vẳng lại câu nói quen thuộc của Chóe:


      – Tôi vẽ để chọc cười thôi, ai hiểu sao cũng được.


      Dù Chóe nói gì thì vẫn chắc chắn anh khó tránh khỏi cay đắng khi diễn tả người phụ nữ đất nước mình bằng những hình ảnh đó và nụ cười của Chóe luôn đượm đầy nước mắt. Chóe được ban tặng một tài năng đồng thời cũng được trao gửi một tâm hồn gắn kết với mọi cảnh ngộ của kiếp người. Cho nên, vừa biết sẽ được phục hồi thị lực, Chóe đã tức khắc nghĩ đến hàng loạt cảnh sống tàn khốc vốn chỉ là hậu quả thực tế do sự thúc đẩy chạy theo những lời đẹp đẽ nhất nhưng lại chỉ là những lời bịp bợm trơ tráo nhất.


      Cuối tháng 2-2003, trước khi tôi đi California, Chóe nhắc lại việc năm 1995, tuần báo Pháp L’Hebdo trong chủ đề Việt Nam 20 năm sau với bài viết Vietnam 20 ans après en six portraits đã liệt kê Chóe giữa 6 khuôn mặt tiêu biểu cho Việt Nam do đặc trưng bướng bỉnh. Anh nói như để tự nhắc nhở dứt khoát không kéo dài thêm thời gian che giấu mình nữa. Anh sẽ giống chính anh chứ không chịu phủ lấp dưới bất kỳ màu sắc nào. Anh nói chậm và nhấn mạnh từng lời với tôi:


      Anh thấy đó! Thằng em của anh có xứng đáng được coi như thế không, nếu cứ tiếp tục giả ngây giả dại không chịu đương đầu với những thứ rắn rết? Tôi đã nhẫn nhịn nhục nhã quá nhiều…


      Từ nhiều năm qua, tôi luôn khó chịu trước những đòi hỏi tuân phục đặt ra cho con người. Ý nghĩ gần như thường xuyên hiện lên trong đầu tôi là nỗi ngờ vực về tính chính xác của tôi mô tả sự hiện hữu thường trực tình trạng đương đầu giữa hai đối lực Tà và Chính trong cuộc sống. Ðã nhiều lần tôi cảm nhận qua thực tế trước mắt là con người luôn bị xô vào cuộc tương tranh giữa cái Tà và cái Chính để sự sống chỉ còn là hiện thân của đọa đày vô nghĩa. Không biết bao nhiêu màu sắc huy hoàng lộng lẫy đã xuất hiện chỉ để xóa nhòa hẳn hình dáng thực sự của con người bằng mọi cách – vuốt ve, tô điểm, áp chế, bạo hành, tàn sát…


      Ước muốn đơn giản của Chóe, vì thế, không hẳn chỉ là ước muốn riêng của một cá nhân. Chẳng con chim nào muốn sống mãi trong lồng cũng như chẳng con thú nào hài lòng với chiếc cũi, kể cả khi được chăm vỗ, nuông chiều – nhất là không thể hài lòng với những trò nhảy nhót, múa may dưới áp lực roi vọt, cố biến thành một hình dạng khác hẳn với chính mình. Thực tế hiển nhiên là trước hết và mãi mãi con người chỉ có mặt để là con người, để sống đùng cuộc sống của con người chứ không phải để biến thành hình nộm cho màu sắc, dù là màu sắc của nhung lụa, gấm vóc.


      Dù với biện giải nào thì con người cũng không thể vừa lòng với tâm trạng như Chóe tả bằng những vần thơ:

      Suốt đời ta sợ

      Sợ nắng, sợ mưa, sợ sương, sợ khói

      Sợ tập vẽ cánh chim bay bằng tay trái

      Làm người xem ngỡ vẽ cá ngửa bụng bơi

      Ta sợ bóng đêm

      Sợ mặt trời quá sáng

      Sợ ma quỷ hiện hình

      Hơn cả quỷ ma – sợ chân dung trừu tượng

      Ta sợ vẩn, sợ vơ

      Sợ nói ra nỗi sợ.

      Tâm trạng ấy sẽ khiến không một ai ngạc nhiên khi Chóe có những lời tâm sự:


      Em vứt đi ngọn lửa

      Ta từ bỏ kiếp rơm

      Ðể đời sau không còn là tro bụi.


      Và, càng không ngạc nhiên truớc những dòng chữ ghi lại lời than mà cũng là tiếng gào:

      Ôi! Còn gì là hạnh phúc cho bằng khi con người không bị theo dõi, không bị rình rập. Ôi! Có tự do nào bằng khi khắp cõi đời này không có những con mắt tò mò rình rập. Cõi đời mà không có những con mắt tò mò rình rập thì không ai còn bị mất cắp, mất trộm.

      Thậm chí cũng chẳng ai ăn cướp của ai.

      Ta tự do! Ta tự do!

      Có lẽ Chóe đã thực sự tự do, vì không còn hơi thở.


      Nhưng tôi không thể quên câu chuyện của Chóe trong buổi chiều đầu năm 2003 tại nhà Ðặng Ðình Khiết, nhất là khi đọc lại những bài viết của anh. Tôi như luôn bị vây bọc giữa những thân hình tiều tụy co rúm, những ánh mắt u buồn, những giọng nói uất nghẹn và luôn nghe vẳng không ngừng những lời độc thoại. Lời độc thoại của kẻ nằm chờ chết trên giường bệnh, của người tử tội chờ giây phút hành hình, của lão già bán cao đơn hoàn tán xót thương con khỉ, của người tù cô độc bên dòng suối giữa rừng sâu, của người làm vườn phải biến mình thành đui, điếc, câm, nhưng lại không đè nén nổi nỗi phẫn nộ trước thực tế cuộc đời…


      Khi giới thiệu Chóe, Barry Hilton cho rằng tranh vẽ của Chóe đầy màu sắc điên loạn quái đản và một nhà báo khác, Martin Evans, cho rằng cây cọ của Chóe sắc bén hơn ngọn bút của bất kỳ nhà bình luận lỗi lạc nào. Trong truyện của Chóe luôn hiển hiện cả hai đặc trưng đó. Những lời độc thoại kỳ quái nhuốm phần điên loạn của các nhân vật luôn như vẽ ra những hình tượng thực tế của cả một thực trạng xã hội trong đó, con người không thể mong điều gì khác hơn là được trở lại làm người.


      Tôi nghĩ tới nhiều lớp người đã và đang có mặt trên dải đất Việt Nam, nhưng người này hoặc không có tài như Chóe, hoặc không gặp gỡ cơ may như Chóe nhưng Chóe đã có chung quê hương với hết thẩy và chắc chắn hết thẩy đều mang chung một ước mơ như Chóe – ước mơ được giống chính mình, rõ hơn là ước mơ được sống đúng cuộc sống của con người.


      Chóe đã được chọn lựa, được gắn kết vào cuộc sống của những người này để ghi lại các cảnh huống trớ trêu ác nghiệt của cuộc đời và nói lên tiếng nói chân thành tha thiết nhất xuất phát từ những trái tim đích thực của con người.


      Nhưng Chóe thấy rõ mình chưa nói được bao nhiêu, chưa góp phần đủ tạo nổi âm vang cần có. Những câu độc thoại ấm ức của người làm vườn phẫn nộ trước các ma lực vò xé cuộc sống con người có lẽ vẫn còn tiếp tục lập lại ở thế giới bên kia.


      Chóe đã thoát khỏi mọi mối đe dọa kìm bó, nhưng khó thoát khỏi vòng xoáy dằn vặt của nỗi đau về con người đang bị biến thành hạc, thành nai…


      Ðiều an ủi là Chóe không cô đơn nhưng đây lại là nỗi buồn khó nguôi của một xứ sở vẫn kéo dài cảnh sống trong oan nghiệt dập vùi.


      Virginia 09-2004


      Uyên Thao

      Nguồn: tiengquehuong.wordpress.com

      Chú thích:


      (1) The World of Choe – Barry Hilton: The Vietnamese people who have lived under thumb of one or another set of conquerors or advisors for most of their history, have, like other peoples with similar histories, developed a sturdy anarchic tradition of disrespect for the high and mighty, a home-grown brand of mockery from a worm’s-eye viewpoint… The inspired insanities of Choe are probably the best twentieth-century expression of that tradition.

      (2) The problem is, short of a full-scale cultural exchange program, how to tell the people of one country what the people of another country like – how do they live, what do they think about, what makes them laugh? This book, a highly unofficial open letter from Vietnam ese people to the world at large, makes a start by addressing the third question. Here is Choe, then, in all his zaniness, Vietnam ‘s contribution to international understanding and peace


      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022


      Cùng Tác Giả

      Cùng Tác Giả:

       

      - Hoàng Dung - Cõi Trời Cõi Ta và Những Gợi Nhắc Uyên Thao Nhận định

      - Mai Trung Tĩnh - Tiếng thơ của một tâm hồn chứa đầy ước vọng Uyên Thao Nhận định

      - Người làm vườn độc thoại – cuộc đời của Chóe Uyên Thao Hồi ức

      - Núi Cao Vực Thẳm và Những Khoảng Trống Việt Nam Uyên Thao Giới thiệu

    3. Bài viết về Hoạ sĩ Chóe (Học Xá) Ad-31 Ad-31 = QC_250-250 (Học Xá)

       

      Bài viết về Chóe

       
      Cùng Tác Giả (Link-1)

      Chóe, Nhà Hí Hoạ Bút Sắt Số Một Việt Nam (Ngô Nguyên Nghiễm)

      Nguyễn Hải Chí (Học Xá)

      Người làm vườn độc thoại – cuộc đời của Chóe (Uyên Thao)

      Chí - Choé (Viên Linh)

      Chóe, vua hí họa thời thế (Viên Linh)

      Hí hoạ với chiều sâu của Chóe (Phan Anh Dũng)

      Xem Lại Những Hí Họa của Chóe

      (Nguyễn Ngọc Chính)

       

      Tác phẩm của họa sĩ Chóe

        Cùng Tác Giả (Link-2)

      Văn nghệ sĩ Miền Nam dưới mắt Chóe (damau.org)

       

      Chuyên Mục Hội Họa (Học Xá)

       

      Hội Họa

        Cùng Mục (Link)

      Họa sĩ Phạm Cung, người luôn ký ngược (Hà Đình Nguyên)

      Đỗ Duy Ngọc và ảnh nghệ thuật đen-trắng (Diễn Đàn Thế Kỷ)

      Phan Nguyên - Mượn Dấu Thời Gian (Song Thao)

      Họa sĩ Victor Tardieu (Huỳnh Hữu Ủy)

      Họa sĩ Hồ Hữu Thủ qua đời (Diễn Đàn Thế Kỷ)

      Họa sĩ Vị Ý với ước nguyện không thành (Việt Dương)

      Nguyễn Trọng Khôi: Huyền ảo cao nguyên đá (Nguyễn Trọng Chức)

      Tưởng niệm Victor Tardieu (Ngô Kim Khôi)

      Nguyễn Trọng Khôi – Đam mê và Sáng tạo (Trương Vũ)

      Khánh Trường và Những Tấm Lòng (Nguyên Hòa)


      William Alexander & Họa Phẩm Về Đàng Trong

      (Nguyễn Duy Chính)

       

      Họa sĩ và Nhiếp ảnh gia:

      Danh Mục Tác Giả: Cùng Chỉ Số (Link-2) André Maire,  Ann Phong,  Bé Ký,  Bùi Xuân Phái,  Bửu Chỉ,  Cao Bá Minh,  Choé,  Dương Phước Luyến,  Dương Văn Hùng,  Duy Liêm,  Duy Thanh,  E Gras,  Hiếu Đệ,  Hồ Hữu Thủ,  Hồ Thành Đức,  

       

      Nhiếp ảnh gia:

      Nguyễn Cao Đàm, Trần Cao Lĩnh,

      Nguyễn Ngọc Hạnh, Hương Kiều Loan

       

      Trường Vẽ Gia Định (truongvegiadinh.blogspot)

       

  2. © Hoc Xá 2002

    © Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com)