|
Dương Quảng Hàm(14.7.1898 - 19.12.1946) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Thơ Văn Trần Yên Hoà & Bằng hữu
1. Ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ dấy nghiệp ở ấp Tây Sơn, huyện An Khê, Bình Ðịnh. Nhưng chỉ có Nguyễn Huệ là có sức khỏe tuyệt trần, mưu trí quyền biến, mẹo mực như thần. Ngày 25 tháng 11 năm Mậu Thân (1788), ngài lên ngôi hoàng đế niên hiệu Quang Trung. Chiến công hiển hách nhất là vào dịp Tết Kỷ dậu (1789) ngài đã đánh tan 20 vạn quân Thanh khiến các tướng Tàu: Hứa Thế Hanh, Trương Sĩ Long, Thượng Duy Thăng đều tử trận; quan phủ Ðiền Châu là Sầm Nghi Ðống đóng ở Ðống Ða (gần Hà Nội) bị quân ta vây đánh cũng thắt cổ chết; còn Tôn Sĩ Nghị hoảng hốt không kịp thắng yên ngựa, bỏ cả ấn tín chạy trốn về Tàu. Quân lính thì tan rã, tranh nhau sang cầu, cầu đổ, sa cả xuống sông chết đuối, sông Nhị Hà đầy những thây người chết. Còn dân Tàu ở gần Lạng Sơn sợ khiếp, đàn ông, đàn bà dắt díu nhau mà chạy, từ cửa ải về mé bắc hơn mấy trăm dặm, tịnh không nghe thấy tiếng một người nào! (1)
2. Một trong những yếu tố góp nên chiến thắng là "Nhạc Võ Tây Sơn". Trong trường phái "Võ Tây Sơn" còn gọi là "Võ Bình Ðịnh" có một bộ môn riêng mà không một môn phái võ thuật nào có được, đó chính là "Nhạc Võ Tây Sơn". Nhạc võ là phương pháp dùng âm thanh để nâng cao khí thế luyện tập võ nghệ cũng như tăng cường ý chí chiến đấu của binh sĩ khi xung trận.
- Người biểu diễn nhạc võ phải dùng cả tay chân để đánh 12 chiếc trống đúng theo nhịp của bài võ. Có 3 cỡ trống (đường kính mặt trống lần lượt là: 40cm, 30cm, 20cm), mỗi cỡ 4 chiếc. Lúc hành quân thường có thêm chiếc trống đại và chiêng lớn, khi đánh hòa âm với 12 chiếc kia tạo nên bầu không khí hào hùng, nâng cao tinh thần thượng võ cho binh sĩ xông trận. Những bậc cao thủ giỏi về nhạc võ có thể dùng đầu, hai cùi chỏ và hai gót chân để đánh thêm 5 chiếc trống khác nữa. Những bậc thầy thượng thừa về nhạc võ Tây Sơn có thể sử dụng nhuần nhuyễn cả 17 cái trống.
3. Khi ra trận, trống được đặt lên xe đẩy, người sử dụng nhạc võ Tây Sơn không ngồi mà chỉ đứng, hai tay vừa múa võ vừa đánh trống, xong một chiêu thức là có thể dùng dùi (dài 30cm) đánh được 4 cái trống; có lúc nhanh đến nỗi giống như cả 12 chiếc trống cùng đánh một lúc! Sử sách có lưu truyền về tài nghệ đánh nhạc võ của vị nữ tướng Thị Dần, dưới trướng danh tướng Bùi Thị Xuân.
- Ngoài ra, có vị nữ tướng Châu Thị Ðăng, vợ của Trần Văn Kỷ, danh sĩ nhà Tây Sơn, có biệt tài dùng kiếm để chém xả vào các mặt trống bằng đồng, tạo nên từng tràng, từng chuỗi âm thanh rờn rợn, liên hoàn, lúc khoan, lúc nhặt làm cho kẻ thù khiếp vía. (2)
4. Người đánh được nhạc võ Tây Sơn ở Bình Ðịnh bây giờ chỉ còn đếm trên đầu ngón tay: Phạm Công Mỹ, Nguyễn văn Quý, Văn Bá Hùng, võ sư Ðinh Văn Tuấn... (3)
- Nhạc võ Tây Sơn có 72 bài võ cho trống. Ðến nay đã thất truyền, chỉ còn 4 bài : Xuất Quân, Hành Quân, Công Thành, Khải Hoàn, được một nữ võ sư: Nguyễn Thị Thuận - hậu duệ của ba anh em nhà Tây Sơn - biểu diễn khá thành công tại Bảo tàng Quang Trung từ bấy lâu nay. Năm nay võ sư khoảng 41 tuổi, người gốc làng Kiên Mỹ, quê hương anh em Tây Sơn, và học nhạc võ từ người cha.
- Nhờ kỹ thuật bịt da thiện nghệ nên độ căng của trống khác nhau do vậy tiếng trống khi vang lên có âm thanh to nhỏ, trầm bỗng khác nhau; hòa lẫn với âm thanh của nhạc khí phụ trợ như đàn nhị, kèn, chũm chọe, tạo thành những âm điệu đặc biệt cho từng bài võ: khi thì hùng dũng, trang nghiêm; khi thì khoan thai, êm đềm, vui tươi. Lúc hành quân thì tiếng trống cổ vũ, giục giã; lúc công thành thì tiếng trống dồn dập, gấp gáp; lúc chiến thắng thì tiếng trống reo hò, náo nức ... Chẳng phải sành âm nhạc, người nghe cũng dễ dàng nhận ra tiếng gươm khua, ngựa hí, tiếng binh khí va chạm hòa lẫn tiếng quân reo, súng nổ, voi gầm ... (3)
5. Nếu bạn có dịp về Việt Nam trong dịp Tết thì đừng quên đến đất Tây Sơn, Bình Ðịnh vào ngày Mồng năm để tham dự lễ hội Ðống Ða, chắc chắn bạn sẽ được nghe tiếng trống trận và thưởng thức nhạc võ Tây Sơn để sống lại những năm tháng hào hùng của dân tộc.
Tài liệu tham khảo:
(1) Việt Nam Sử Lược, Trần Trọng Kim, Ðại Nam .
(2) "Nhạc Võ Tây Sơn" còn một chút này, Tú Ân, Xuân An Ninh Thế Giới, 2003.
(3) Lắng nghe Nhạc võ Tây Sơn, Nguyễn Văn Chương, Xuân Sài Gòn GP,1997.
Một anh học trò sang làng bên chẳng may lạc đường. Gặp một ông cụ, anh nhờ chỉ đường giúp. Ông cụ làm khó: "Là học trò thì phải làm bài thơ, mỗi câu có đề cập một con vật. Nếu không làm được thì tự tìm lấy đường mà về nhà"
Trong chốc lát, anh học trò đã đọc:
Học trò đi lạc, mắt đà hoa
Nhất kiến non sông, chửa đến nhà.
Ðầu gối sắp bò trên đất khách
Bàn chân suýt lóc dưới bùn xa
Mắt hươu ti hí trông rầu rĩ
Tiếng dế vo vo giọng thiết tha
Ngoảnh lại mà xem trời đất tí
Thấy đen như mực, mất đường ra!
Ông cụ rất vui vẻ để chỉ đường.
Tượng vua Quang Trung
tại Bảo tàng Bình Ðịnh
Sách sử viết rất nhiều về vua Quang Trung và những chiến công lừng lẫy của ngài.
Chỉ xin kể về phía đối lập với ngài như:
- Các sử quan nhà Nguyễn trong Ðại Nam Liệt Truyện Chính Biên, đã tả vua Quang Trung: "Nguyễn Văn Huệ tiếng nói như chuông to, mắt lập lòe như ánh chớp, là người thông minh, giảo hoạt, giỏi chiến đấu, người người đều kinh sợ"
- Trong Hoàng Lê Nhất Thống Chí dẫn lời của một người thân cận với mẹ vua Lê Chiêu Thống thuật lại cho bà:
"Nguyễn Huệ là một tay anh hùng lão luyện, dũng mãnh và có tài cầm quân. Xem hắn ra Bắc vào Nam, ẩn hiện như quỷ thần, không ai có thể lường biết. Hắn bắt Hữu Chỉnh (*) như bắt trẻ con, giết Văn Nhậm (**) như giết con lợn, không một người nào dám nhìn thẳng vào mặt hắn. Thấy hắn trỏ tay, đưa mắt, là ai nấy đã phách lạc hồn xiêu, sợ hơn sợ sấm sét". (1)
Vua Quang Trung quyết chí đưa đất nước đến chỗ tự chủ, tự cường về mọi mặt. Ngài không cầu viện Tàu như Lê Chiêu Thống. Ngài cũng không nhờ vã Tây và Xiêm như Nguyễn Ánh. Ngài nói với xử sĩ Nguyễn Thiếp rằng ngài muốn khí dụng gì cũng chẳng phải mua của nước Tàu. Ngài cũng muốn người Việt Nam thì phải dùng tiếng Việt Nam, nên việc cai trị thời ngài thường dùng chữ nôm. Việc thi cử để tuyển dụng nhân tài cũng dùng toàn chữ nôm.
1) Dùng võng để chuyển quân:
Theo Lê triều dã sử, khi tiến quân ra Thăng Long vua Quang Trung bày cho quân lính cứ ba người một tốp thay phiên võng nhau đi, thành ra quân trẩy đi liên miên không phải dừng mà ai nấy đều lần lượt được nghỉ. Ðó là lý do tại sao quân Tây Sơn đã hành binh cực kỳ thần tốc.
2) Dùng voi để chống lại kỵ binh của giặc:
Do ngựa rất sợ voi nên vua Quang Trung đã dùng một trăm thớt voi khỏe làm tiên phong, chính ngài cũng cưỡi voi đốc chiến đánh đồn Ngọc Hồi (phía nam thành Thăng Long) vào canh năm ngày mồng 5. Ðến rạng sáng, quân Thanh cho kỵ binh tinh nhuệ ồ ạt tiến, nhưng ngựa chợt thấy bầy voi đều sợ hãi, hí lên tế chạy, lồng lộn quay về, chà đạp lẫn nhau. Còn quân Thanh trong cơn hoảng hốt vội rút lui vào đồn cố thủ!
3) Dùng rơm để khống chế súng phun lửa, cung tên của giặc:
Theo Hoàng Lê Nhất Thống Chí cho biết "Vua Quang Trung truyền lấy 60 tấm ván, cứ ghép liền ba tấm làm một bức, bên ngoài lấy rơm dấp nước phủ kín, tất cả là hai mươi bức. Ðoạn kén hạng lính khỏe mạnh, cứ mươi người khênh một bức, lưng giắt dao ngắn; hai mươi người khác đều cầm binh khí theo sau". (2)
Kết quả là cung tên súng ống quân Thanh bị hóa giải, chúng phải đương đầu cận chiến với đoàn quân dũng mãnh thiện chiến của vua Quang Trung. Quân Thanh chống không nổi bỏ chạy tán loạn, giày xéo lên nhau mà chết.
Chỉ trong mười ngày, vua Quang Trung đánh tan 20 vạn quân Thanh! Thật là một chiến công hiển hách!
Việc giao thiệp với nhà Thanh:
1) Ðề nghị hòa hiếu để có thì giờ chuẩn bị lực lượng:
Thời Càn Long là thời thịnh trị bên Tàu. Vua Quang Trung đã ngừa trước việc Càn Long sẽ trả thù cho trận thua đau nhục này. Ngài sai Ngô Thì Nhậm thảo biểu văn phân tích lợi hại nếu binh đao tiếp diễn, lời lẽ lúc nhu lúc cương, rồi đề nghị hai bên hòa hiếu. Cuối cùng Càn Long phải hủy bỏ việc trả thù, còn ban cho Quang Trung một chuỗi ngọc trai và phong ngài là An Nam Quốc Vương. Càn Long đòi Quang Trung đích thân vào chầu nhưng ngài thoái thác là vừa có tang mẹ nên không thể đi được. Ðể gỡ thể diện "thiên triều", Tổng đốc Lưỡng Quảng nghĩ ra một cách là tìm một người giống Quan Trung hầu thay thế ngài trong sứ bộ Tây Sơn gồm 149 người. Sứ bộ có vua Quan Trung giả (Hoàng Lê Nhất Thống Chí chép là Nguyễn Quang Thực, quan võ người Nghệ An (***)) đã được đón tiếp hết sức trọng hậu tại Yên Kinh. Cuộc tiệc này tốn hết 800 ngàn lạng bạc! (theo Quang Trung anh hùng dân tộc của Hoa Bằng).
2) Xin cầu hôn và đòi đất Lưỡng Quảng:
Việc cầu hòa với Tàu và chịu phong là cốt để có thời giờ chiêu mộ và luyện binh. Sau khi chuẩn bị chu đáo việc đánh Tàu, ngài sai Vũ Văn Dũng đi sứ xin cầu hôn và đòi lại đất hai tỉnh Quảng Ðông, Quảng Tây để dò xét ý nhà Thanh ra sao. Không ngờ Vua Quang Trung bị bệnh bất ngờ rồi mất nhằm mùa thu, tháng 8 năm Nhâm Tý (1792) (****) thọ 40 ruổi, sau khi lên ngôi hoàng đế mới 4 năm (1788 - 1792). Từ đó, các quan dìm việc cầu hôn và việc xin trả đất, không cho Thanh triều biết (*****). Ðáng tiếc thay ngài chết quá sớm trong khi sự nghiệp đang hồi lừng lẫy!
Tài liệu tham khảo:
(1) Hoàng Lê Nhất Thống Chí II, Ngô Gia Văn Phái, Nguyễn Ðức Vân & Kiều Thu Hoạch dịch, NXB Văn Học, 1987.
(2) Theo ông Hồ Bạch Thảo trong bài viết: Vài sai lầm lịch sử trong bốn sử liệu về trận đánh thành Thăng Long 1789, Khởi Hành số 90, tháng 4/04, trang 30 thì cho rằng: "Rạ được bó thành bó lớn như bánh xe lăn rồi tẩm nước, bó nọ nối liền bó kia cùng lăn, tạo thành bức tường di động nhanh hay chậm tùy theo hiệu lệnh cấp chỉ huy. Quân lính núp đằng sau tương đối an toàn để vừa tiến vừa bắn phủ đầu đối phương".
(*) Nguyễn Hữu Chỉnh từng tự phụ là "Người tài ở Bắc Hà chỉ có một Chỉnh này mà thôi". Khi Nguyễn Huệ ra Bắc dẹp họ Trịnh xong để Chỉnh lại thì Chỉnh chuyên quyền hiếp chế vua Lê còn tệ hơn chúa Trịnh ngày xưa. Nguyễn Huệ phải ra Bắc để trừ Chỉnh và giao công việc cai quản đất Bắc cho Võ Văn Nhậm.
(**) Võ Văn Nhậm vốn là tiết chế của họ Nguyễn, bị Tây Sơn đánh thua ở trận Gia Ðịnh, toan tự tử, sau nghe Nguyễn Huệ dụ hàng, Nhậm bèn theo Tây Sơn từ đó, rồi được Nhạc gả con gái cho. Khi cai quản đất Bắc thay Chỉnh, Nhậm lại muốn làm phản nên Nguyễn Huệ phải ra Bắc lần nữa để trừ Nhậm.
(***) Ðại Nam Chính Biên Liệt Truyện sơ tập lại chép là Phạm Công Trị, cháu gọi Nguyễn Huệ bằng cậu.
(****) Hoàng Xuân Hãn trong La Sơn phu tử chứng minh là ngày 29-7-1792.
(*****) Theo gia phả họ Vũ (Vũ Văn Dũng) thì tờ biểu đã đệ lên vua Thanh, và đã được vua Thanh nhận lời gả công chúa cùng trả lại đất Quảng Ðông. Sau nghe tin vua Quang Trung chết nên việc đó mới đình chỉ.
- Sự cãi nhau thường chỉ đem đến một điều: làm cho mỗi bên tin tưởng điều mình cãi là đúng hơn. (Booth Tarkington)
- Trong cuộc cãi cọ, sự thật luôn luôn bị chôn vùi. (P. Syrus)
- Những kẻ đứng ra giải hòa những cuộc đôi co, thường phải chùi cái mũi rớm máu. (Gay)
- Học được những điều khôn ngoan mà không áp dụng vào đời sống giống như kẻ cày ruộng mà không gieo hạt. (Ngạn ngữ Ba Tư)
- Những kẻ cứng đầu cứ thực hành mà không cần học thuật chẳng khác nào những tên thủy thủ đi một chiếc tàu không có bánh lái và địa bàn, và họ không còn biết chắc rằng họ đi đâu. (Léonard De Vinci)
- Ba nền tảng của sự học là: nhận xét nhiều, từng trải nhiều và học tập nhiều. (Catherall)
- Miệng thế nhọn hơn chông mác nhọn,
Lòng người quanh tựa nước non quanh. (Nguyễn Trãi)
- Ðem người đẩy xuống giếng thơi, (T. Kiều, câu 1181-1182)
Nói rồi rồi lại ăn lời được ngay. (Nguyễn Du)
- Ghê cho kẻ mọc lông trong bụng,
Ðặt nên điều vẽ bóng ngoài môi.
Ngựa hươu thay đổi như chơi,
Dấu gươm đầu lưỡi, thọc dùi trong tay. (Cao Bá Nhạ)
Bữa đại tiệc Nguyên Ðán năm 1874 do Từ Hi Thái Hậu khoản đãi phái đoàn sứ thần các nước phương Tây gồm khoảng 400 quan khách của tám nước Mỹ, Anh, Pháp, Ðức, Ý, Nga, Bồ Ðào Nha và Hòa Lan. Ðó là 8 cường quốc đến chiếm tô giới của Trung Hoa. Tiệc kéo dài trong 7 ngày bắt đầu từ đêm giao thừa. Bữa tiệc rất đặc biệt đáng liệt vào hạng kỳ quan vì thực đơn gồm 140 món, mỗi ngày dọn 20 món với đầy đủ "sơn hào hải vị" nên bà Từ Hi đã phải chuẩn bị trước gần một năm, dùng đến 1750 người phục vụ trong đó có 142 đầu bếp nổi tiếng từ khắp nơi trong nước tuyển về.
Trong số các món ăn có 7 món là cầu kỳ nhất để dùng mỗi ngày mỗi món:
1) Sâm Thử (chuột nuôi bằng sâm từ khi mới đẻ đến đời thứ ba mới làm món ăn): có tác dụng tráng dương bổ thận, cải lão hoàn đồng.
2) Tượng Tinh (tinh khí của voi).
3) Khổng Noãn (Trứng công làm tổ trên cành cao hoặc vách núi, phải huấn luyện khỉ lấy về),
4) Sơn Dương Trùng (loại giòi trắng nõn sinh ra từ những con dê núi 2 tháng tuổi đã làm sạch và ngâm với rượu qúi, nước gừng, sữa, sơn nhung, gương sen, cuống hoa qùy trắng): có tác dụng chữa trị bệnh lao phổi và tê liệt.
5) Trư Vương (loại heo đặc biệt vùng Phúc Châu, đem về kinh nuôi thêm bằng nhiều chất bổ dưỡng sinh ra heo con đến đời thứ ba thì giết thịt, lại ướp bằng các dược liệu qúi trước khi chưng cách thủy).
6) Phương Chi Thảo (Cỏ có rễ xanh, lá như lá hẹ nhưng màu đỏ tía, ngọn lại trắng chỉ mọc và sống một tháng vào giữa mùa thu trên vách núi Thái Hàng): loại dược liệu có tính cường dương, bổ thận rất cao mà vua chúa ưa dùng.
7) Não Hầu là món qúy nhất, chuẩn bị rất công phu, dành cho ngày cuối cùng: Ở vùng giáp giới Mông Cổ có dãy Lộ Châu Sơn với rừng lê rất qúy, trái chỉ dành cho vua dùng gọi là Lộ Tuyết Lê. Loại khỉ lông trắng như bông gòn thường ăn lê này nên thịt có tác dụng trừ được các bệnh tê liệt và óc còn qúy hơn nhiều. Khỉ đem về Bắc Kinh nuôi bằng các thứ trái cây nhiều chất bổ, uống nhân sâm và một thứ rượu thuốc có công dụng đẩy sinh lực lên não. Mỗi ngày tắm một lần từ cổ trở xuống, không cho nước dính vào đầu để sinh lực khỏi phân tán. Khỉ cũng được mặc áo mão và dạy những cử động chào quan khách.
Ðến ngày khai tiệc, khỉ được hóa trang thành những tên gian thần hoặc dâm tặc của lịch sử Trung Hoa (để giảm bớt tính "dã man" khi hành hình) rồi đem nhốt trong cái thùng khoét lỗ ở trên cho vừa cái đầu nhô lên. Bàn tròn được chế đặc biệt để có thể để cái lồng khỉ lên trên cho khỉ cúi đầu chào quan khách, sau đó cho khỉ lọt xuống dưới mặt bàn chỉ còn cái đầu ló lên để các nội thị - đã tập dược thuần thục- chỉ cần dùng búa ngà gõ xuống một cái là khỉ chết ngay. Một tấm lụa che kín đầu chỉ chừa một chỗ vừa cái muỗng bạc múc não khỉ để vào 5 chén ngọc rồi dội nước sâm nóng cho tái và mời khách dùng.
Quan khách được khai vị bằng một ly rượu đặc biệt (loại dành cho vua Khang Hi) có tác dụng làm tinh thần sảng khoái, tỉnh táo suốt đêm. Sau đó, dọn mỗi giờ một món. Hết 5 món lại uống tiếp một loại rượu tiêu tỳ cho mau đói bụng.
Vua Minh Thành Tổ bên Tàu cử đại binh chia làm hai đạo do Trương Phụ và Mộc Thạnh cầm đầu lấy cớ "diệt Hồ phù Trần" để sang chiếm nước ta. Vua tôi nhà Hồ chống không lại và hai cha con Hồ Quý Ly bị bắt ở huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh (1407).
Vua Giản Ðịnh (con vua Nghệ Tôn nhà Trần) nghe lời gièm pha giết hai tướng Ðặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân, sau bị Trương Phụ bắt ở gần phủ Nho Quan. Thế giặc rất mạnh, con hai tướng là Ðặng Dung và Nguyễn Cảnh Dị tôn cháu vua Nghệ Tôn là Trần Quý Khoáng lên làm vua hiệu Trùng Quang. Năm 1413, vì thế yếu nên vua Trùng Quang dời quân vào Hóa Châu. Dựa theo lời chiếu của Minh Thành Tổ, vua muốn cầu phong cùng Trương Phụ nên sai Nguyễn Biểu đi.
Nguyễn Biểu người làng Bình Hồ (Yên Hồ), huyện Chi La (La Sơn), tỉnh Hà Tĩnh. Không rõ năm sinh và cha mẹ ông là ai. Ông đậu Thái học sinh (Tiến sĩ) trước năm 1374. Lúc bấy giờ Nguyễn Biểu làm Thị ngự sử (quan có nhiệm vụ chỉ trích việc làm của triều đình), tính tình rất cương trực, thấy gì trái là nói ngay nên được vua tin dùng.
Khi đi sứ gặp Trương Phụ, bọn giặc bảo ông lạy. Ông đứng trơ không thi hành. Giặc nấu một đầu người để đãi tiệc, cốt dò ý ông. Ông không ngần ngại, lấy đũa khoét hai mắt, hòa với giấm mà nuốt và ngạo nghễ đùa rằng: "Ðã mấy lúc người Nam lại được ăn đầu người Bắc"! rồi ngâm bài thơ:
Ngọc thiện, trân tu đã đủ mùi,
Gia hào thêm có cỗ đầu người.
Nem cuông (công) chả phượng còn thua béo,
Thịt gũ (gấu) gan lân hẳn kém tươi.
Ca lối lộc minh so cũng một.
Vật bày thỏ thủ bội hơn mười
Kìa kìa ngon ngọt tày vai lợn,
Tráng sĩ như Phàn (*) tiếng để đời.
Trương Phụ phải khen: "Thực là một tráng sĩ, bị uy hiếp thế mà không kinh sợ"! Giặc biết ông không chịu khuất nên lễ phép mời ông về. Tên Phan Liêu, trước đã hàng giặc nên được làm Tri châu Nghệ An, tâu với Trương Phụ rằng: "Người ấy là một hào kiệt, nếu muốn lấy nước An Nam mà lại thả người ấy ra thì việc lớn sao xong"! Tức thì Trương Phụ sai người đuổi bắt trở lại. Người hầu bắt ông lạy, ông không chịu khuất mà còn mắng chửi Trương Phụ để vạch mặt chúng rằng: "Bề trong thì lấy kế để mưu đánh lấy, bề ngoài thì phao rằng đem quân sang để làm việc nhân nghĩa. Ðã hứa lập con cháu nhà Trần, mà lại đặt bày ra quận huyện để cai trị. Không những cướp của cải quý báu, mà lại còn giết hại sinh dân. Bay thực là tụi giặc làm càn!".
Trương Phụ nổi giận trói ông dưới cầu Lam vào sáng ngày mồng một tháng bảy năm 1413, tưởng để con nước buổi trưa lên làm ngập chết ông. Thấy nước không lên, còn bị ông chửi mắng liên tục nên tức giận đem ông đánh chết trước chùa Yên Quốc.
Trương Phụ vẫn nể phục ông nên lấy hậu lễ đưa ông về táng ở làng Bình Hồ. Sau ông báo mộng sẽ đến giúp Lê Lợi đánh quân Minh ở chùa Bình Than (Trần Xá, Chí Linh, Hải Dương). Qủa thật quân Minh thua to. Sau khi đuổi được giặc Minh ra khỏi bờ cõi, vua Lê Thái Tổ lập đền thờ ông ở làng cũ và sắc phong làm Nghĩa Sĩ Ðại Vương.
(*) Phàn Khoái, danh tướng đời Hán.
Tài liệu tham khảo:
1)- Bữa tiệc Nguyên Ðán của Từ Hi Thái Hậu, Nguyễn Tiên Yên, Thế Giới Mới Xuân Ðnh Sửu 1997, trang 40.
2)- Nguyễn Biểu, Một gương nghĩa liệt và mấy vần thơ cuối đời Trần, Hoàng Xuân Hãn tập II, trang 565.
Ca dao:
- Yêu nhau mọi việc chẳng nề
Dẫu trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng.
- Yêu nhau mấy núi cũng trèo,
Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua.
- Yêu nhau chẳng quản chiếu giường
Dẫu rằng tàu chuối che sương cũng tình.
- Sự đời nước mắt soi gương
Càng yêu mến lắm càng thương nhớ nhiều.
Tục ngữ:
- Chồng giận thì vợ bớt lời
Cơm sôi nhỏ lửa một đời không khê.
- Nhà khó cậy vợ hiền, nước loạn nhờ tướng giỏi.
- Lắm duyên nhiều nợ, lắm vợ nhiều oan gia.
- Giới Thiệu Những Tác Phẩm Về Thơ, Văn, Nhạc Của Lê Hữu Nghĩa T. V. Phê Nhận định
- Nhạc Sĩ Vô Thường Và Ngón Đàn Tay Trái T. V. Phê Tạp luận
- Năm Ngọ Nói Chuyện Ngựa T. V. Phê Tiểu luận
- Nhà thơ Tô Đình Sự T. V. Phê Nhận định
- Thi Sĩ Đông Hồ T. V. Phê Tạp bút
- Hiểm họa từ Trung Quốc T. V. Phê Tạp luận
- Feb 1, 2003: Phi thuyền con thoi Columbia bị nổ tung T. V. Phê Tạp luận
- Chuyện trùng hợp lạ kỳ T. V. Phê Tạp luận
- Phạm Duy và Minh Họa Kiều T. V. Phê Tạp bút
- Trịnh Công Sơn: Quê hương, Tình yêu, Thân phận T. V. Phê Tạp bút
• Xứ Úc Thòi Lòi Đi Dễ Khó Về (Trịnh Thanh Thuỷ)
• Thăm Viếng Florida (Ngọc Hạnh)
• Đi Tây (Phạm Xuân Đài)
• Ngắm ‘cổng vòm đá’ ở công viên quốc gia Arches, Utah (Trần Nguyên Thắng)
• Kiến trúc độc đáo của Kiev, Ukraine (Trần Nguyên Thắng)
Trúc dẫu cháy đốt ngay vẫn thẳng
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |