|
Trầm Kha(..1948 - 19.1.1974) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Thơ Văn Trần Yên Hoà & Bằng hữu
Dân ca Chăm Miền đất Panduranga
Tháp Po Klong Garai (Ninh Thuận)
1) Những tháp chàm với lối kiến trúc độc đáo, huyền bí còn rải rác ở các tỉnh miền Trung Việt Nam là chứng tích nền văn minh một thời lừng lẫy của quốc gia Chămpa. Kỹ thuật sử dụng gạch của người Chăm đến độ tuyệt xảo:Tháp xây bằng gạch không có mạch hồ để nối kết nhau, vậy mà vẫn đứng vững hàng ngàn năm giữa nắng mưa bão táp. Sức tàn phá của thiên nhiên chỉ có thể làm mòn dần chứ không thể tách rời những viên gạch ấy ra được!
Rải rác dọc các tỉnh miền Trung còn nhiều tháp, sau đây là những tháp chính:
- Tháp Po Klong Garai nằm trên đồi cao ở Tháp Chàm, Phan Rang. Vua Chế Mân cho xây năm 1307 để thờ vua Po Klong Garai (1151-1205) là vua có công phát triển nông nghiệp và dẫn thủy nhập điền.
- Tháp Bà Pô Nagar không rõ năm xây, bị người Malaixia đốt phá năm 774 nên phải xây dựng lại năm 784. Trong tháp thờ bộ sinh thực khí Linga-Yoni biểu thị sự hoạt động và sáng tạo, bảo tồn vạn vật của vũ trụ (Linga biểu hiện dương vật là khối đá trụ tròn đặt thẳng đứng trên Yoni biểu hiện âm vật là bệ đá vuông có rãnh thoát nước). Tháp còn thờ nữ thần Yan Pô Nagar (Bà Mẹ Ðất nước Chăm hay Thiên Y Thánh Mẫu).
- Quần thể tháp ở thánh địa Mỹ Sơn là nhiều nhất, lâu đời và có giá trị nhất về kiến trúc nghệ thuật, ngang tầm với Angkor (Campuchia), Pagan (Myanma), Borobudur (Indonesia).
Kiến trúc sư Kazimierz Kwiakowski cho rằng: "Người Chămpa cổ đã gởi tâm linh vào đất, đá và đã biết dựa vào thiên nhiên để làm nên một Mỹ Sơn tráng lệ - thâm nghiêm - hùng vĩ. Ðây là một bảo tàng kiến trúc điêu khắc nghệ thuật vô giá của nhân loại mà sẽ còn lâu chúng ta mới hiểu biết".
Thánh địa Mỹ Sơn
Thánh địa Mỹ Sơn đã được UNESCO công nhận là một Di Sản Văn Hóa Thế Giới cần phải bảo tồn. Tháp cũng thờ ngẫu tượng Linga-Yoni và các thần chính trong Ấn Ðộ giáo: Brahma, Vishnu và Shiva.
2) Vương quốc Chiêm Thành bao gồm từ vùng đất tỉnh Hà Tĩnh đến tỉnh Bình Thuận kể cả vùng rừng núi Trường Sơn và cao nguyên Nam Trung phần của nước ta trải rộng đến biên giới Lào ngày nay (*). Người Chiêm Thành, ngoài người Chàm còn có người Jarai, Rhade, Churu, Stieng ... theo chế độ mẫu hệ, nhưng vua lại theo phụ quyền.
Người Chiêm giỏi về thủy lợi, ngư nghiệp, thủ công nghiệp. Nhìn những tháp chàm còn lại cho thấy họ cũng còn là những nhà kiến trúc, điêu khắc đại tài. Từ thuở lập quốc khoảng năm 192 với tên là Lâm Ấp, do ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ, Chiêm Thành theo Ấn Độ giáo. Phật giáo thịnh hành từ cuối thế kỷ thứ 9 trước khi người Chiêm dời đô về Đồ Bàn.
Hồi giáo truyền vào Chiêm Thành khoảng thế kỷ thứ 10 trở đi. Theo truyền thuyết, vua Pô Ovloah (trị vì 1000 - 1036) đã đi hành hương thánh địa Mecca, nơi sinh trưởng của Mohammed - người sáng lập ra Hồi giáo.
Linga - Yoni
Người Chiêm lập quốc rất sớm với nền văn minh khá cao, có ngôn ngữ và chữ viết riêng, nhưng lại không có sử học do đó các nhà nghiên cứu phải nhờ vào những tấm bia trong đền đài, những câu chuyện truyền khẩu, những sử liệu của các nước lân bang Trung Hoa, Việt Nam, Mã Lai ... để dựng lại lịch sử nước Chiêm Thành. Kinh đô đầu tiên ở Indrapura (Đồng Dương, Quảng Nam) với di tích nổi tiếng là một quần thể tháp đồ sộ còn lại ở Mỹ Sơn, Trà Kiệu ngày nay.
3) Từ thời nước ta còn nội thuộc Trung Hoa, người Lâm Ấp (tên nước Chiêm Thành lúc đó) thường xuyên đem quân cướp phá Giao Châu. Sau khi nước ta độc lập với tên nước mới là Đại Cồ Việt, người Chiêm vẫn mãi gây hấn. Trong sách Dân tộc Chàm lược sử của các tác giả người gốc Chiêm Thành cũng xác nhận sự cướp phá thường trực đó. Sau đây chỉ sơ lược lại các sự kiện chính liên quan đến những lần mất dần đất đai của nước Chămpa:
Tượng thần Shiva
- Thời vua Lê Hoàn (trị vì 980 - 1005) vì bận đối phó với quân nhà Tống xâm lược nên sai sứ sang Chiêm Thành giao hảo nhưng vua Chiêm lại bắt giam sứ giả. Sau khi đánh tan quân nhà Tống, Lê Hoàn đem quân chinh phạt Chiêm Thành năm 982. Sau vua Yang Pu Ku Vijaya Shri phải dời đô vô Vijaya (Đồ Bàn, Bình Định) năm 1000 cho an toàn.
- Vua Lý Thánh Tông (trị vì 1054 - 1072) đổi quốc hiệu thành Đại Việt năm 1054. Năm 1068, vua Chiêm là Rudravarman III (Chế Củ) tấn công nước ta. Vua Lý Thánh Tông phải thân chinh đánh trả và tấn công Đồ Bàn năm 1069, bắt giải Chế Củ về Thăng Long. Chế Củ phải dâng đất ba châu Bố Chánh, Địa Lý, Ma Linh (vùng đất từ Hà Tĩnh đến bắc Quảng Trị) để đổi lấy tự do.
- Thời nhà Trần, hai nước Đại Việt, Chiêm Thành tương đối hòa thuận để cùng chống quân Mông Cổ. Vua Trần Nhân Tông (trị vì 1279 - 1293) đã giúp hai vạn quân và 500 chiến thuyền để Chiêm Thành kháng chiến chống quân Mông. Hòa bình tái lập, Chiêm Thành sang triều cống Đại Việt. Năm 1306, vua Jaya Simhavarman (Chế Mân, trị vì 1288 - 1307) tặng hai châu Ô và Rí (vùng đất từ nam Quảng Trị đến nam Quảng Nam) để làm sính lễ cưới công chúa Huyền Trân (con vua Trần Nhân Tông).
- Cuối đời nhà Trần, một vị anh hùng của dân tộc Chiêm là Pô Bin Swơr (Chế Bồng Nga, trị vì 1360 - 1390) biết được nội bộ nhà Trần rối ren chia rẻ nên thừa cơ đem quân ra cướp phá Thăng Long ba lần. Năm 1390 đang khi tiến lên khúc sông Hồng ở Hà Nam thì bị thuộc hạ làm phản, chỉ điểm cho tướng Trần Khát Chân bắn chết Chế Bồng Nga. Từ đó nước Chiêm Thành yếu dần.
Lễ hội Chăm ở Tháp Chàm, Ninh Thuận
- Thời nhà Hồ, vua Hồ Hán Thương (trị vì 1401 - 1407) sai Ðỗ Mãn đem quân đánh trả đũa Chiêm Thành năm 1402. Vua Chiêm là Ba Ðích Lại xin nhường vùng Indrapura (Ðồng Dương, Quảng Nam ngày nay).
- Đời nhà Lê, vua Chiêm là Trà Toàn hai lần (năm 1468 và 1469) xua quân tấn công Hóa Châu khiến vua Lê Thánh Tông (trị vì 1460 - 1497) cầm quân chinh phạt bắt Trà Toàn năm 1471 và lấy vùng đất Amaravâti (Quảng Ngải) và Vijaya (Bình Định).
- Thời Trịnh Nguyễn phân tranh, người Chiêm hay quấy phá vùng biên giới phía Nam. Để rảnh tay chống lại Chúa Trịnh, Nguyễn Hoàng sai chủ sự Văn Phong đem quân vượt đèo Cù Mông chiếm vùng Phú Yên ngày nay (giữa Vijaya và Kauthara), sau này lập thành dinh Trấn Biên.
Để tạo hòa hiếu, Sãi Vương Nguyễn Phúc Nguyên (cầm quyền 1613 - 1635) gả con gái thứ ba là Nguyễn Phúc Ngọc Khoa cho vua Chiêm là Pôrômê (1627 - 1651) năm 1631.
Bộ ba trống và kèn
- Năm 1653, vua Chiêm là Bà Thấm đem quân đánh Phú Yên. Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần (cầm quyền 1648 - 1687) sai cai cơ Hùng Lộc dẹp yên, lấy hẳn vùng Kauthara lập thành phủ Thái Ninh, sau đổi thành phủ Diên Khánh. Năm 1692, vua Chiêm là Bà Tranh lại tấn công phủ Thái Ninh.
Minh Vương Nguyễn Phúc Chu (cầm quyền 1691 - 1725) sai Nguyễn Hữu Cảnh đánh dẹp lấy vùng Panduranga (phía nam sông Phan Rang) lập thành phủ Thuận Thành. Từ đó (1693), nước Chiêm Thành không còn trên bản đồ nữa. Vua Minh Mạng (trị vì 1820 - 1840) ra lệnh bỏ vùng tự trị cuối cùng của người Chiêm là Bình Thuận.
4) Lược qua những sự kiện chính nêu trên để thấy người Chiêm mất đất dần là do chính sách hiếu chiến của giới lãnh đạo Chiêm Thành. Sinh lực quốc gia tiêu phí vào những cuộc chiến tranh triền miên khiến đất nước kiệt quệ. Người Chiêm bị người Trung Hoa, Java, Chân Lạp (Campuchia ngày nay) đến đánh phá, hủy hoại tận gốc rễ từ trước khi Ngô Quyền dành được độc lập ở nước Việt cũng bởi tính hiếu chiến đó.
Múa Quạt
Người Chiêm gồm nhiều sắc tộc khác nhau, trong mỗi sắc tộc lại có nhiều thị tộc thờ vật tổ riêng, sống khép kín và hay đánh phá lẫn nhau. Đã vậy xã hội lại rất phân biệt giai cấp. Thiểu số giai cấp tăng lữ và quý tộc chỉ lo bảo vệ quyền lợi riêng, quá chú trọng việc xây dựng và trùng tu đền đài, cung điện quy mô kỳ vĩ làm hao tốn công quỹ mà không lo gì đến đời sống của giai cấp thường dân và tiện dân.
Không có tổ chức giáo dục, thi cử để đào tạo nhân tài cho đất nước nên mỗi khi thất trận, xã hội Chiêm dễ suy thoái vì thiếu lãnh đạo kế tục.
Đặc biệt những lần vua Chế Củ đã tự dâng ba châu Bố Chánh, Địa Lý và Ma Linh cho vua Lý Thánh Tông để đổi lấy tự do; vua Chế Mân đã dâng hai châu Ô, Rí làm sính lễ cưới công chúa Huyền Trân, rồi vua Ba Ðích Lại nhường vùng thánh địa Indrapura đã làm mất đi một vùng đất rộng lớn khiến suy yếu tiềm lực quốc gia và sức đề kháng của dân tộc.
Đó là những nguyên nhân chính dẫn đến sự tiêu vong của nước Chămpa chứ không phải hoàn toàn do lỗi của người Việt.
Ngày nay văn hóa Chiêm vẫn còn ảnh hưởng sâu xa về nhiều mặt đến người Việt như: ngôn ngữ, ca dao, truyện cổ, ca vũ, âm nhạc ...
Múa Ðội nước
Ảnh hưởng cả đến tín ngưởng nữa như ở Nha Trang, người Việt thường lên Tháp Bà Pô Nagar cầu xin thánh Mẫu Thiên Y phù hộ độ trì. Người Việt Nam và cả Trung Hoa còn học được cách trồng lúa Chiêm của người Chiêm Thành (vào đầu thế kỷ thứ 11), nhờ đó sản lượng lúa gạo tăng gấp bội (1).
5) Hàng năm, người Chăm thường tổ chức nhiều lễ hội: Katê, Kabul, Rija Nưga, Jòn Jang ... để tưởng niệm các Ðấng Cha Mẹ, các vị anh hùng dân tộc, cầu cúng các vị thần linh xin mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt ... Trong lễ hội không thể thiếu âm nhạc và vũ điệu. Vũ điệu là sự giao hoà giữa con người với thần linh để người Chăm gởi gắm những khát vọng trong cuộc sống.
Nhạc cụ chính trong múa Chăm là bộ ba: trống Paranưng, Ghinăng, kèn Saranai. Các điệu múa gồm múa quạt, múa chèo thuyền, múa khăn, múa đội nước ... mô tả cuộc sống thường nhật. Theo người Chăm, chim công (Pì điền) là biểu tượng cho niềm vui và sự may mắn nên họ quan sát kỹ động tác của công để sáng tạo ra điệu múa quạt. Hai chiếc quạt khi như đôi cánh khi như đuôi chim: vui thì quạt vung lên, buồn thì úp xuống; nghĩa tình thì sóng đôi bay lượn ...
Các điệu múa thường chỉ có một bước nhún. Vũ nữ không đưa tay múa cao và chỉ sử dụng các động tác từ khuỷu tay đến cổ tay, áo dài kín đáo đến chân. Khi tiếng trống bắt đầu vang lên, từ ánh mắt đến đôi tay các vũ công như nhập thần vào điệu múa họ đang biểu diễn:
Vũ Nữ Chăm
Về đâu, ơi Chiêm nữ?
Sắc Chàm tím mênh mông.
Trường sơn còn lưu giữ,
Tiếng thì thầm biển Ðông
Ngàn năm không tiếng cười
Chiêm nữ buồn thổn thức
(Apsara, vũ nữ Chăm)
6) Người Chăm hiện sống rải rác ở các nước: Kampuchia (khoảng 270 ngàn người), Thái Lan (15 ngàn), Liên Bang Mã Lai (10 ngàn), Việt Nam (100 ngàn) (2). Mảnh đất miền Trung bây giờ là quê hương chung của hai dân tộc Chiêm - Việt.
Múa khăn, bệ thờ Mỹ Sơn tại bảo tàng Chăm
Riêng ở tỉnh Ninh Thuận, hiện có gần một nửa dân số Chăm trong cả nước sống quần tụ thành 23 làng, sinh sống bằng nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, đa số theo đạo Hồi đã biến cải, thường gọi là "Bà Ni" để phân với đạo Hồi chính thống (Chăm Islam); số còn lại sống ở Châu Ðốc, Tây Ninh, Sài Gòn...
Con gái Chăm khi cưới chồng ra ở riêng phải cất nhà sát với nhà cha mẹ, nằm trong khuôn viên của đại gia đình. Con trai Chăm đi ở rể bên nhà gái chín lần, tượng trưng cho chín tháng cưu mang trong lòng mẹ, trước khi kết hôn chính thức. Họ ăn ở với nhau tình nghĩa đến cuối đời, hiếm khi phải ly dị.
Người Chăm sống hiền hòa bình an và hát lên những bài dân ca rất lãng mạn trữ tình ca tụng tình yêu và cuộc sống:
Cô Dâu và Chú Rễ Chăm . . . .
Tâm tình em chưa gởi cho ai
Qua tấm chăn em dệt bao ngày
Câu ca dao cũ mơ hồ vọng
Theo nước xuôi gờn gợn mây bay. (Thương thầm)
. . . .
Cầm tay dạ những bùi ngùi
Gót chân thơm nhỏ như đôi bông lài.
Anh nâng niu giữa lòng tay
Cám ơn người đã xum vầy đôi ta. (Anitlô)
Người Việt vẫn tôn trọng văn hóa, tập tục, tôn giáo của người Chiêm. Hai dân tộc cùng nhau sống hòa hợp và phát huy những cái hay đẹp của nhau để hướng đến một tương lai tươi sáng chung.
Tài liệu tham khảo:
1) Chiêm Thành, vì đâu suy thoái?, Trần Gia Phụng, Thế Kỷ 21 số 121 & 123, tháng 5 & 7, 1999.
2) Tìm hiểu người Chăm, Nguyễn Văn Huy,
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=categories&op=newindex&catid=11.
3) Tháp Po Klong Garai ở Phan Rang, Nguyễn Văn Hùng; TTCN 28-10-90.
4) Tháp Bà Pô Nagar, Nguyễn Thế Sang; TTCN 14-4-91.
5) Ấn Tượng Không Chỉ Từ Tháp Chàm ..., Nguyễn Chương; KTNN 174, 20-5-1995.
6) Mỹ Sơn trong quá trình tiến hóa của nghệ thuật Chàm (Trần Kỳ Phương), Những Di Sản Thế Giới Ở Việt Nam, NXB Ðà Nẵng.
7) Toàn bộ các di tích Tháp Chàm còn lại: http://gilkergu.club.fr/champa/champa.htm
8) Cham Youth http://chamyouth.com/phpBB2/xmusic.php
(*) Kết luận của nhóm U.A. 1075 Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp do G.S. Lafont đứng đầu (tài liệu tham khảo).
- Giới Thiệu Những Tác Phẩm Về Thơ, Văn, Nhạc Của Lê Hữu Nghĩa T. V. Phê Nhận định
- Nhạc Sĩ Vô Thường Và Ngón Đàn Tay Trái T. V. Phê Tạp luận
- Năm Ngọ Nói Chuyện Ngựa T. V. Phê Tiểu luận
- Nhà thơ Tô Đình Sự T. V. Phê Nhận định
- Thi Sĩ Đông Hồ T. V. Phê Tạp bút
- Hiểm họa từ Trung Quốc T. V. Phê Tạp luận
- Feb 1, 2003: Phi thuyền con thoi Columbia bị nổ tung T. V. Phê Tạp luận
- Chuyện trùng hợp lạ kỳ T. V. Phê Tạp luận
- Phạm Duy và Minh Họa Kiều T. V. Phê Tạp bút
- Trịnh Công Sơn: Quê hương, Tình yêu, Thân phận T. V. Phê Tạp bút
• Xứ Úc Thòi Lòi Đi Dễ Khó Về (Trịnh Thanh Thuỷ)
• Thăm Viếng Florida (Ngọc Hạnh)
• Đi Tây (Phạm Xuân Đài)
• Ngắm ‘cổng vòm đá’ ở công viên quốc gia Arches, Utah (Trần Nguyên Thắng)
• Kiến trúc độc đáo của Kiev, Ukraine (Trần Nguyên Thắng)
Trúc dẫu cháy đốt ngay vẫn thẳng
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |