|
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Thơ Văn Trần Yên Hoà & Bằng hữu
Một cơn mưa gió nặng nề,
Thương gì đến ngọc, tiếc gì đến hương.
Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã bảy lần diễn tả tâm trạng nhớ quê hương, cha mẹ của Thúy Kiều:
1) Khi quyết định bán mình cho Mã Giám Sinh để có tiền chuộc cha, nàng bị Mã lừa gạt đưa về Lâm Truy làm gái lầu xanh. Lần đầu tiên thân gái dặm trường trên bước đường lưu lạc, tiếng chim kêu vào mùa thu như nhắc nàng nhớ đến bổn phận làm con sớm tối chăm sóc thăm hỏi cha mẹ:
Rừng thu từng biếc chen hồng,
Nghe chim như nhắc tấm lòng thần hôn! (1)
(câu 917 - 918)
2) Khi biết mình đã rơi vào chốn làng chơi, nàng phẩn uất dùng dao tự sát nhưng không chết, tú bà đổi giọng lựa lời khuyên giải và tạm giam lỏng nàng ở lầu Ngưng Bích. Nghĩ buồn cho thân phận bẽ bàng, nàng lại nhớ đến cha mẹ; xót xa nghĩ rằng chắc cha mẹ ngày ngày tựa cửa trông ngóng mình. Song thân nay đã già, không biết ai đã săn sóc:
Xót người tựa cửa (2) hôm mai,
Quạt nồng ấp lạnh (3) những ai đó giờ?
Sân Lai (4) cách mấy nắng mưa,
Có khi gốc tử (5) đã vừa người ôm. (câu 1043 - 1046)
3) Lại mắc mưu Sở Khanh và roi vọt của Tú Bà, nàng đành "cũng liều nhắm mắt đưa chân". Tú Bà ép nàng học "nghề chơi" rồi bắt tiếp khách. Trong cảnh sống nhục nhã ê chề đó nàng tủi phận và nhớ đến công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ:
Nhớ ơn chín chữ (6) cao sâu,
Một ngày một ngả bóng dâu (7) tà tà.
Dặm nghìn nước thẳm non xa,
Nghĩ đâu thân phận con ra thế này!
Sân hòe (8) đôi chút thơ ngây (9),
Trân cam (10) ai kẻ đỡ thay việc mình? (câu 1253 - 1258)
4) Cuộc đời tưởng lún mãi xuống bùn đen, không ngờ nàng gặp được người tình say mê là Thúc Sinh. Chàng vốn dòng dõi nhà nho và rất hào phóng. Chính chàng là người vực nàng khỏi chốn thanh lâu để cưới làm vợ nhỏ. Hai người thường "nối thơ" và "họa đàn". Trước sắc đẹp khuynh thành của Kiều nhất là lúc nàng tắm, chàng Thúc quá xúc cảm thảo một bài thơ Ðường luật làm nàng tấm tắc khen là "lời lời châu ngọc hàng hàng gấm thêu". Nhưng lần này nàng phân tâm không họa vần được vì bài thơ của chàng Thúc gợi nàng nhớ đến quê hương và cha mẹ:
Nỗi quê nghĩ một hai điều ngang ngang.
Lòng còn gởi áng mây Hàng (11), (câu 1318 - 1319)
5) Kiều khuyên Thúc Sinh về quê Vô Tích thú thật với vợ cả nhưng Thúc Sinh về nhà lại không dám thố lộ. Hoạn Thư đã biết trước mọi chuyện nên căm giận lập kế lừa Thúc Sinh đi vắng để sai gia nhân bắt Kiều về hành hạ. Trong lúc chàng Thúc đi vắng, nàng Kiều ở Lâm Truy một mình sầu muộn lại nhớ đến cha mẹ:
Bóng dâu đã xế ngang đầu (12),
Biết đâu ấm lạnh, biết đâu ngọt bùi (13). (câu 1629 - 1630)
6) Nàng đang thắp hương khấn vái trước Phật đài thì bầy Khuyển Ưng thình lình hiện ra gươm tuốt sáng lòa, tưới thuốc mê rồi vực nàng lên ngựa; xong phóng lửa đốt nhà! Bất ngờ bị bắt về đày đọa làm phận tôi đòi trong khi Thúc Sinh còn "biệt tích" nàng nhớ đến quê nhà trong nỗi hoang mang tuyệt vọng:
Bốn phương mây trắng một màu,
Trông vời cố quốc (14) biết đâu là nhà? (câu 1787 - 1788)
Kéo cờ lũy, phát súng thành,
Từ công ra ngựa thân nghênh cửa ngoài.
7) Khi thấy Kiều làm phận tôi đòi trong tay Hoạn Thư mà Thúc Sinh không dám nhận, Kiều đau đớn và lo sợ trước thủ đoạn hiểm độc của Hoạn Thư nên trốn đi. Lần này rơi vào tay mụ buôn người là Bạc Bà, lừa gạt để đưa nàng sang bán cho một nhà chơi ở Châu Thái. Kiều lạc vào lầu xanh lần thứ hai.
Nàng may mắn gặp người tình dũng cảm, anh hùng là Từ Hải. Chàng thành thật thương nàng nên chuộc và cưới nàng làm vợ. "Nửa năm hương lửa đương nồng" thì Từ Hải phải từ biệt nàng để lên đường lãnh đạo đoàn quân chống đối triều đình, hùng cứ một phương. Chàng hẹn ngày thành công sẽ rước nàng về nhà chồng.
Xa chàng nàng thấy đêm thâu đằng đẵng, một mình vò võ gợi nhớ không nguôi đến cha mẹ nơi xa muôn dặm. Ðã mười mấy năm trời lưu lạc, nàng xót xa thương cha mẹ nay đã quá già:
Ðoái trông muôn dặm tử phần (15),
Hồn quê theo ngọn mây Tần xa xa (16).
Xót thay huyên cỗi xuân già (17),
Tấm lòng thương nhớ biết là có nguôi?
Chốc đà mười mấy năm trời,
Còn ra khi đã da mồi tóc sương (18). (câu 2235 - 2240)
Nguyễn Du mô tả nàng Kiều thật là người con chí hiếu. Nàng hy sinh bán mình chuộc cha rồi thân phận không may sa vào chốn trầm luân, khổ nhục mười mấy năm trường; thế mà lòng nàng vẫn không khoảnh khắc nào quên đến công ơn cha mẹ sinh thành, dưỡng dục mình. Mỗi lần nàng Kiều nhớ quê hương, cha mẹ, Nguyễn Du chỉ diển tả vài câu ngắn gọn nhưng rất hàm súc nhờ dùng điển tích.
Ðiển tích nào khúc mắc ông cố diễn giải thành một hình ảnh dễ hiễu hơn làm cho câu thơ sáng sủa, trôi chảy mà vẫn hàm súc, thanh nhã. "Cách dùng điển thích đáng, tự nhiên, khiến cho người học rộng thì thưởng thức được lối văn uẩn súc của tác giả mà người thường cũng hiểu được đại ý của câu văn" (19).
CHÚ GIẢI:
(*) Nói công ơn cha mẹ: cù (vất vả), lao (khó nhọc); chín chữ: sinh (đẻ), cúc (nâng đỡ), phủ (vuốt ve), súc (cho bú, cho ăn), trưởng (nuôi cho lớn), dục (dạy dỗ), cố (trông nom), phục (dạy theo tính), phúc (che chở).
Chú giải trong Truyện Kiều (Nguyễn Du), Nguyễn Thạch Giang, NXB ÐH&GDCN, Hà Nội - 1988:
(1) thần hôn: sớm tối, chỉ việc sớm tối chăm sóc thăm hỏi mẹ cha. Lễ ký: Phàm vi nhân tử chi lễ, đông ôn nhi hạ sảnh, hôn định nhi thần tỉnh = Phàm theo lễ của kẻ làm con, mùa đông thì lo cho cha mẹ ấm, mùa hè thì lo cho cha mẹ mát, buổi tối thì lo cho cha mẹ yên chỗ nằm, buổi sớm thì hỏi han cha mẹ xem ngủ dậy có khỏe mạnh không.
(2) người tựa cửa: nói người mẹ tựa cửa trông chờ con. Lấy tích từ Chiến Quốc Sách: Mẹ Vương Tôn Giả bảo ông rằng: Nhữ triều xuất nhi vãn lai, tắc ngô ỷ môn nhi vọng nhữ; nhữ mộ xuất nhi bất hoàn, tắc ngô ỷ lư nhi vọng nhữ = Con sáng sớm ra đi, chiều mới về, thì mẹ đứng tựa cửa mà ngóng trông con; con chiều tối ra đi mà không về, thì mẹ tựa cổng làng mà ngóng trông con.
(3) quạt nồng ấp lạnh: quạt khi trời nồng nực, ấp chiếu chăn cho ấm khi trời rét lạnh, là nói đạo làm con phụng dưỡng cha mẹ.
(4) sân Lai: sân nhà Lão Lai tử, chỉ nhà cha mẹ. Theo Hiếu tử truyện, Lão Lai tử thờ cha mẹ rất có hiếu, năm đã bảy mươi tuổi, ông còn bày trò chơi trẻ con, bận áo năm sắc màu sặc sỡ nhảy múa trước sân rồi vờ ngã, khóc như trẻ con để mua vui cho cha mẹ.
(5) gốc tử: gốc cây tử, theo Kinh Thi: Duy tang dữ tử, tất cung kính chỉ = Kìa cây dâu với cây tử là cây do cha mẹ trồng cho nên nhớ đến nó thì sinh lòng cung kính. Người sau nhân đó mà gọi quê hương, nơi cha mẹ ở là tang tử. Gốc tử đã vừa người ôm: ý nói cha mẹ đã già.
(6) chín chữ: nói công lao khó nhọc của cha mẹ nuôi dạy con cái: Ai ai phụ mẫu sinh ngã cù lao ... Phụ hề sinh ngã, mẫu hề cúc ngã, phủ ngã, súc ngã, trưởng ngã, dục ngã, cố ngã, phục ngã, xuất nhập phúc ngã. Dục báo chi đức, hạo thiên võng cực = Xót thương cha mẹ ta, sinh ra ta khó nhọc ... Cha ta sinh ra ta, mẹ ta nâng đỡ ta từ trong bụng; cha mẹ ta đã vỗ về nuôi nấng cho ta bú mớm, bồi bổ cho ta khôn lớn, dạy cho ta lời khôn lẽ phải, lo lắng theo dõi khi ta đi đâu, dựa theo tính ta mà khuyên răn, che chở giữ gìn cho ta. Muốn báo đền ơn đức cha mẹ, công đức đó như trời rộng không có giới hạn. Người sau gọi là cửu tự cù lao.
(7) bóng dâu: bóng mặt trời xế còn gác lại trên ngọn tang du, tức nói cảnh trời chiều, chỉ tuổi già. Dâu tức tang du. Thế thuyết: Niên tại tang du = Tuổi đã về già. Ý cả câu: Một ngày cha mẹ một già thêm.
(8) sân hòe: sân có trồng cây hòe, chỉ nhà cha mẹ. Theo Tống sử, Vương Hộ, văn chương nổi tiếng một thời, ông tự tay trồng ba cây hòe ở sân nhà và nói: "Con cháu ta tất có người làm đến tam công. Ba cây hòe này nêu chí của ta". Về sau, người con thứ của ông là Vương Ðán làm quan đến chức tể tướng. Thiên hạ gọi là tam hòe Vương thị = ba cây hòe nhà họ Vương. Nhân đó, người ta cũng dùng sân hòe để chỉ nhà có con cái hiển đạt.
(9) đôi chút thơ ngây: chỉ Thúy Vân và Vương Quan.
(10) trân cam: nói những thức ăn ngon quý, là những vật phụng dưỡng cha mẹ của người con hiếu.
(11) mây Hàng: mây ở núi Thái hàng, chỉ lòng nhớ cha mẹ. Theo Ðường thư, Ðịch Nhân Kiệt khi làm quan ở đất Tinh châu, một hôm lên chơi núi Thái hàng, ngoảnh lại nhìn thấy có đám mây trắng lờ lững bay ở đằng xa, ông ngậm ngùi nói với người theo xung quanh rằng: "Ngô thân xá kỳ hạ" = Nhà cha mẹ ta ở dưới đám mây trắng đó. Nói rồi, ông bồn chồn đứng nhìn đám mây trắng một hồi lâu, đến khi mây bay đi nơi khác mới thôi.
(12) Ý cả câu: nói cha mẹ tuổi đã về già.
(13) ấm lạnh: do chữ đông ôn hạ sảnh (chú thích 1)
ngọt bùi: do chữ cam chỉ, tức là những thức ngon lành phụng dưỡng cha mẹ.
(14) cố quốc: chỉ quê cũ. Thơ Lý Bạch: "Trượng kiếm khứ quốc, Từ thân viễn du" = Chống kiếm xa quê hương. Từ biệt cha mẹ đi viễn du. Nguyễn Du cũng viết: "Thập tải phong trần khứ quốc xa" = Mười năm gió bụi bỏ quê hương đi xa.
(15) tử phần: do tang tử và phần du gộp lại để chỉ quê nhà. Tang tử: (chú thích 5), phần du: tên làng ở ấp Phong, quê Hán Cao tổ.
(16) mây Tần: mây trên núi Tần Lĩnh, chỉ lòng nhớ quê nhà.
Thơ Hàn Dũ: Vân hoành Tần lĩnh gia hà tại?
Tuyết ủng Lam quan mã bất tiền
(Mây kéo ngang núi Tần, nhà ta ở đâu?
Tuyết ủ kín ải Lam, ngựa trù trừ không đi tới.)
(17) huyên cỗi xuân già: mẹ cha già cả.
(18) Da mồi: Màu da người già mốc lốm đốm như màu đồi mồi.
tóc sương: tóc bạc trắng như sương.
(19) Việt Nam Văn Học Sử Yếu, Dương Quảng Hàm, Xuân Thu xuất bản, trang 384.
- Phàm vật đã đến cực điểm thì hay giống nhau: cho nên người cực hiền giống như ngu; người cực gian giống như thật, cực nhã giống như tục; còn những kẻ trí nhỏ tài sơ mới hay khoe tài khoe trí. (Nguyễn Bá Học)
- Ðộ lượng to lớn bao nhiêu thì phúc trạch cũng to lớn bấy nhiêu. Có mưu sâu độc bao nhiêu thì tai vạ cũng sâu độc bấy nhiêu. (Minh Tâm Bảo Giám)
- Người biết "đạo" tất không khoe, người biết "nghĩa" tất không tham, người biết "đức" tất không thích tiếng tăm lừng lẫy. (Trương Cửu Thành)
- Giới Thiệu Những Tác Phẩm Về Thơ, Văn, Nhạc Của Lê Hữu Nghĩa T. V. Phê Nhận định
- Nhạc Sĩ Vô Thường Và Ngón Đàn Tay Trái T. V. Phê Tạp luận
- Năm Ngọ Nói Chuyện Ngựa T. V. Phê Tiểu luận
- Nhà thơ Tô Đình Sự T. V. Phê Nhận định
- Thi Sĩ Đông Hồ T. V. Phê Tạp bút
- Hiểm họa từ Trung Quốc T. V. Phê Tạp luận
- Feb 1, 2003: Phi thuyền con thoi Columbia bị nổ tung T. V. Phê Tạp luận
- Chuyện trùng hợp lạ kỳ T. V. Phê Tạp luận
- Phạm Duy và Minh Họa Kiều T. V. Phê Tạp bút
- Trịnh Công Sơn: Quê hương, Tình yêu, Thân phận T. V. Phê Tạp bút
• Xứ Úc Thòi Lòi Đi Dễ Khó Về (Trịnh Thanh Thuỷ)
• Thăm Viếng Florida (Ngọc Hạnh)
• Đi Tây (Phạm Xuân Đài)
• Ngắm ‘cổng vòm đá’ ở công viên quốc gia Arches, Utah (Trần Nguyên Thắng)
• Kiến trúc độc đáo của Kiev, Ukraine (Trần Nguyên Thắng)
Trúc dẫu cháy đốt ngay vẫn thẳng
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |