|
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Thơ Văn Trần Yên Hoà & Bằng hữu
1) Nguyễn Văn Thành (1758 - 1817) có tướng mạo đẹp đẽ, tính tình ngay thẳng, thích đọc sách, có tài võ nghệ, lúc còn trẻ đã theo cha hành quân chống Tây Sơn. Khi cha tử trận năm 1775, ông thế cha cầm quân, sau nhập vào lực lượng của Ðỗ Thanh Nhân với chức bộ binh tiên phong rồi làm phó tướng. Năm 1778, ông được gọi về Sài Gòn, nằm dưới quyền chỉ huy trực tiếp của Nguyễn Ánh.
Sau khi vua Quang Trung đánh tan hai vạn quân Xiêm cùng 300 chiếc thuyền tại Rạch Gằm và Xoài Mút ở phía trên Mỹ Tho do Nguyễn Ánh cầu viện, tàn quân Xiêm chỉ còn vài ngàn người sợ hãi chạy trốn về nước!. Nguyễn Ánh lại trốn sang Xiêm (1785) lần thứ hai có Nguyễn Văn Thành (1758 - 1817) theo giúp trong cơn hoạn nạn.
Khi Nguyễn Ánh về lại Gia Ðịnh thì Nguyễn Văn Thành đã góp nhiều công lớn trong những trận chiến chống quân Tây Sơn cho đến khi lấy được Phú Xuân, lên ngôi vua hiệu Gia Long (1802) rồi tiến quân ra Bắc chiếm Thăng Long.
Khi về lại Phú Xuân, vua phong ông làm tổng trấn Bắc thành. Ðó là đất cũ của nhà Lê, nhiều nơi không chịu tùng phục nên nổi dậy chống phá. Ông phải dày công tổ chức chính quyền, chiêu dụ người tài, tiểu trừ loạn lạc, ổn định được tình hình khắp 11 trấn Bắc Thành chỉ trong vài năm!
Ông có học thức nên lúc về làm việc tại trung ương, vua Gia Long cử ông làm tổng tài soạn bộ Hoàng triều luật lệ (1811). Ông cũng đưa rất nhiều đề nghị ích quốc, lợi dân để vua xem xét, thi hành dần dần ... Ông thực sự là đệ nhất công thần đời nhà Nguyễn. Tánh tình ông lại cương trực nên nhiều quan lại trong triều ganh ghét.
2) Khoảng tháng chạp năm 1802, ông tổ chức lễ truy điệu trận vong tướng sĩ, đem hết cảm tình của một vị tướng từng "nằm gai nếm mật" để làm bài văn tế ca ngợi, tiếc thương, an ủi những tướng sĩ đã theo vua lập công nhưng chẳng may bỏ mình nơi trận mạc.
Bài văn tế được nhiều sĩ phu làm câu đối tán tụng là một áng văn hay. Tương truyền, có xử sĩ thức thời gởi ông hai câu thơ:
Ðài các phải nơi hò hẹn khách
Ngủ hồ riêng thú đợi chờ ai.
có ẩn ý khuyên ông nên từ quan du ngũ hồ như Phạm Lãi ngày xưa, không khéo họa đến thân vì Gia Long cũng như Câu Tiễn: chỉ cộng tác khi hoạn nạn, không thể chung sống lúc an bình.
3) Nguyễn Văn Thuyên là con của Nguyễn Văn Thành. Thuyên đỗ cử nhân năm 1813. Thuyên giao du rộng và hay làm thơ xướng họa với bạn bè.
Một hôm Thuyên làm một bài thơ mời hai người bạn nổi tiếng hay chữ ở Thanh Hóa và nhờ người giúp việc Nguyễn Trương Hiệu đem đi:
Văn đạo Ái châu đa tuấn kiệt,
Hư hoài trắc tịch dục cầu ty.
Vô tâm cửu bảo Kinh sơn phác,
Thiện tướng phương tri Ký bắc kỳ.
U cốc hữu hương thiên lý viễn,
Cao cương minh phượng cửu thiên tri.
Thử hồi nhược đắc sơn trung tể,
Tá ngã kinh luân chuyển hóa ky.
Dịch nôm:
Ái châu nghe nói lắm người hay,
Ao ước cầu hiền đã bấy nay.
Ngọc phác Kinh sơn tài sẵn đó,
Ngựa kỳ Ký bắc biết lâu thay.
Mùi hương hang tối xa nghìn dặm,
Tiếng phượng gò cao suốt chín mây.
Sơn tể phen nầy mà gặp gỡ,
Giúp nhau xoay đổi hội cơ này. (1)
4) Thật ra bài thơ chỉ xuất phát từ hào khí nhất thời của một công tử con nhà quyền thế, đỗ đạt thành danh. Không ngờ tên Hiệu vốn có lòng oán giận và để bụng trả thù nên sau khi đọc thư thấy hai câu chót : "Sơn tể phen này mà gặp gỡ, Giúp nhau xoay đổi hội cơ này" vội đem thơ đến tố cáo với tả quân Lê Văn Duyệt.
Do hai ông Lê Văn Duyệt và Nguyễn Văn Thành không thuận với nhau nên ông Duyệt đem thơ trình thẳng vua Gia Long. Vua sai bắt Nguyễn Văn Thuyên đem bỏ ngục. Lợi dụng cơ hội, nhiều người thù ghét ông sẵn dịp moi móc, bịa đặt nhiều lỗi lầm để dâng sớ tâu vua kể đủ thứ tội nhằm hãm hại ông!
Quẩn trí quá, một hôm bãi chầu ông phải chạy theo nắm áo vua mà kêu than: "Thần theo Bệ hạ từ thuở nhỏ đến bây giờ, nay không có tội gì mà bị người ta cấu xẻ, Bệ hạ nỡ lòng nào ngồi nhìn để người ta giết thần mà không cứu?" (2).
Vua giật áo ra đi, cấm không cho ông vào chầu, sai Lê Văn Duyệt đem con ông ra tra hỏi ép phải nhận tội. Uất ức, ông viết biểu trần tình dâng lên vua Gia Long, trong đó có câu: "Sớm rèn tối đúc dệt thành sự cưc ác cho cha con tôi, không tố cáo vào đâu được, chỉ chết mà thôi" (2).
Cuối cùng ông phải uống thuốc độc tự vận. Nguyễn Văn Thuyên cũng không tránh khỏi phải chết chém!
Vua Minh Mạng
(trị vì 1820-1840)
5) Thật ra bài thơ chỉ là cái cớ, nguyên nhân sâu xa là vì muốn bảo vệ ngai vàng mới dày công tạo được. Có hai sự kiện sau đây khiến vua Gia Long đã để bụng nghi ngờ và lo ngại ông âm mưu phản nghịch:
- Theo Ðại Nam Chính Biên Liệt Truyện: Khi tìm được vùng đất làm sơn lăng, lo việc hậu sự; lúc đào lên đất có năm sắc. Nhà vua và các quan đều mừng, riêng ông thì bần thần suy nghĩ. Nhà vua gạn hỏi, ông trả lời rất thành thực rằng "mả mẹ tôi cũng có năm sắc mà tươi đẹp hơn"!
- Ðể dò ý Nguyễn Văn Thành, nhà vua hỏi ông: "Cháu ta là Ðán còn nhỏ, trong các con ta, người nào nên lập làm thái tử?" Ông trả lời theo chính thống: "Xin tâu đích tôn thừa trọng (*), theo lễ thế là phải, nay bệ hạ muốn chọn người khác, thì biết con chẳng ai bằng cha, việc ấy tôi không dám dự biết". Vua càng nghi ngờ ông thêm: "Hắn muốn dựng vua nhỏ để dễ không chế, ngày sau có thể chẹt họng, vỗ lưng chăng ...". Thật ra hoàng tôn Ðán (Nguyễn Phúc Mỹ Ðường, con của hoàng tử Cảnh) chỉ kém hoàng tử Ðảm (vua Minh Mạng sau này) khoảng 5 tuổi.
Chủ trương đưa cháu đích tôn lên ngôi làm vạ lây thêm cho con cháu ông sau này: vua Minh Mạng, dĩ nhiên có ác cảm với ông, sai xóa tên ông trong bộ Hoàng triều luật lệ và bắt giết tất cả con cháu ông nhân vụ Lê Văn Khôi nổi lên chống lại triều đình trong đó có Nguyễn Văn Hàm, con ông, tham gia.
6) Ðoạn kết bài văn tế kể trên, ông cầu xin:
Linh thì hộ hoàng triều cho bể lặng sông trong,
duy vạn kỷ chẳng dời ngôi bảo tộ (**). (3)
Và có lẻ ông cũng thành thực tin tưởng rằng hoàng triều mà "vạn kỷ" chẳng dời ngôi vua thì con cháu ông cũng sẽ vinh hiển lâu dài! Không ngờ chưa hết một đời đã chết oan khuất cho mình và cho cả con cháu. Thương thay!
(1) Việt Nam Sử Lược, Trần Trọng Kim, NXB Ðại Nam, trang 183.
(2) Những Kỳ Án Trong Việt Sử, Trần Gia Phụng, NXB Non Nước, trang 204.
(3) Truyền Thống Văn Hóa Dân Tộc Việt Nam Trong Văn Chương Ðối Liễn, Trần Công Ðịnh, NXB Văn Mới, trang 405.
(*) Ðích tôn thừa trọng: Cháu trai, con của người con trai đầu, thừa hưởng trách nhiệm và quyền lợi của cha mẹ, ông bà.
(**) Bảo tộ: Từ cũ chỉ Ngôi vua.
- Trà, cà phê, thuốc lá, rượu ... không cần thiết như gạo, muối ...nhưng chúng làm đẹp cuộc sống. Nghệ thuật cũng vậy. Không có thứ nghệ thuật nào lại không vị nhân sinh. Chỉ có trực tiếp hay gián tiếp, gần hay xa, nặng hay nhẹ mà thôi.
- Với người đàn bà đang tự hào vì được nhiều kẻ tán tỉnh, đừng trả lời câu họ hỏi "em có đẹp không?" Trả lời đẹp thì họ thêm say sưa, xông xáo, đem sử dụng cái đẹp. Trả lời không đẹp thì họ tự ái, đem đi thí nghiệm vung vãi, để chứng minh là anh nói sai. Cả hai cách trả lời đều thiệt hại cho anh, nếu anh ... lỡ yêu người đó.
- Nằm kề bên người vợ ngoại tình, anh chồng cảm thấy thân phận mình là tên lính gác. Gác kho châu báu dành cho kẻ khác!
- Người đàn bà tầm thường dễ bị chinh phục bởi một tên vô lại đầm đìa nước mắt: "Tôi sẽ lừa giết vợ tôi, để được tự do yêu cô". Hơn là bởi một người nghiêm trang nói: "Tôi yêu cô chân thành". (trích Trầm Tư, Võ Hồng).
- Giới Thiệu Những Tác Phẩm Về Thơ, Văn, Nhạc Của Lê Hữu Nghĩa T. V. Phê Nhận định
- Nhạc Sĩ Vô Thường Và Ngón Đàn Tay Trái T. V. Phê Tạp luận
- Năm Ngọ Nói Chuyện Ngựa T. V. Phê Tiểu luận
- Nhà thơ Tô Đình Sự T. V. Phê Nhận định
- Thi Sĩ Đông Hồ T. V. Phê Tạp bút
- Hiểm họa từ Trung Quốc T. V. Phê Tạp luận
- Feb 1, 2003: Phi thuyền con thoi Columbia bị nổ tung T. V. Phê Tạp luận
- Chuyện trùng hợp lạ kỳ T. V. Phê Tạp luận
- Phạm Duy và Minh Họa Kiều T. V. Phê Tạp bút
- Trịnh Công Sơn: Quê hương, Tình yêu, Thân phận T. V. Phê Tạp bút
• Xứ Úc Thòi Lòi Đi Dễ Khó Về (Trịnh Thanh Thuỷ)
• Thăm Viếng Florida (Ngọc Hạnh)
• Đi Tây (Phạm Xuân Đài)
• Ngắm ‘cổng vòm đá’ ở công viên quốc gia Arches, Utah (Trần Nguyên Thắng)
• Kiến trúc độc đáo của Kiev, Ukraine (Trần Nguyên Thắng)
Trúc dẫu cháy đốt ngay vẫn thẳng
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |