|
Dương Quảng Hàm(14.7.1898 - 19.12.1946) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Thơ Văn Trần Yên Hoà & Bằng hữu
Cụ Nguyễn Công Trứ
Câu đối là những câu văn đi đôi với nhau thế nào cho ý, chữ và luật bằng trắc cân xứng với nhau. Một đôi câu đối thì mỗi câu là một vế: vế trên, vế dưới; nếu do một người nghĩ ra và một người đáp lại thì gọi là: vế ra (xuất), vế đối.
- Đối ý: Hai ý tưởng cân xứng đặt thành hai câu đối:
. . . . .
Lắt lẻo cành thông cơn gió giật,
Đầm đìa lá liễu hạt sương gieo.
Đèo Ba Dội (Hồ Xuân Hương)
- Đối chữ:
về thanh: bằng đối trắc, trắc đối bằng:
. . . . .
Rượu cúc nhắn đem, hàng biếng quảy;
Trà sen mượn hỏi, giá còn kiêu. Tết (Trần Tế Xương)
về loại: hai chữ phải cùng loại (danh từ, động từ, trạng từ, ...) mới đối nhau, ngoài ra thực tự phải đối với thực tự, hư tự đối hư tự, chữ nho đối chữ nho:
. . . . .
Chôn chặt văn chương ba thước đất,
Tung hê hồ thỉ bốn phương trời.
Khóc Ông Phủ Vĩnh Tường (Hồ Xuân Hương)
Phép đối thường hay dùng trong văn thơ của Tàu cũng như của ta, nhất là trong một bài thơ Đường luật bát cú - thể thơ chính và thông dụng nhất - thì luật thơ qui định hai câu thực và hai câu luận phải đối nhau (câu 3 đối với câu 4, câu 5 đối với câu 6):
. . . . .
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo,
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương.
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt.
Nước còn cau mặt với tang thương.
Thăng Long Thành Hoài Cổ (Bà Huyện Thanh Quan)
Trong thể phú, câu đối còn chia thành nhiều lối: song quan, cách cú, gối hạc nên người làm thơ cần phải dụng công nhiều hơn.
Chẳng hạn trong lối gối hạc: mỗi vế có ba đoạn trở lên, đoạn ngắn xen giữa hai đoạn dài (như đầu gối giữa hai ống chân con hạc), thí dụ:
. . . . .
Áo vải thô nặng trịch, lạnh làm mền, nực làm gối, bốn mùa thay đổi bấy nhiêu;
Khăn lau giắt đỏ lòm, giải làm chiếu, vận làm quần, một bộ ăn chơi quá thú.
Hàn Nho Phong Vị Phú (Nguyễn Công Trứ)
Lối cách cú: mỗi vế chia thành một đoạn ngắn và một đoạn dài, thứ tự trước sau không bắt buộc:
Đất chẳng phải chồng, đem gửi thịt xương sao lợi?
Trời mà chết vợ, thử xem gan ruột mần răng?
Lối song quan: mỗi vế có từ 5 đến 9 chữ đặt thành một đoạn liền:
Con ruồi đậu mâm xôi đậu;
Con kiến bò đĩa thịt bò.
Cụ Nguyễn Khuyến
Tùy theo ý nghĩa, câu đối có thể chia làm nhiều loại: chúc mừng, đề tặng, phúng điếu, thờ phụng, lễ Tết, tự thuật, tức cảnh, trào phúng, chiết tự, tập cú ....
Thí dụ:
- Câu đối trào phúng để chế giễu người chột mắt mới đỗ khoa thi võ của Nguyễn Khuyến:
Cung kiếm ra tay, thiên hạ đổ dồn hai mắt lại.
Rồng mây gặp hội, anh hùng chỉ có một ngươi thôi.
- Câu đối Tết lúc còn hàn vi của Nguyễn Công Trứ:
Chiều ba mươi, nợ hỏi tít mù, co cẳng đạp thằng Bần ra cửa.
Sáng mồng một, rượu say túy lý, giơ tay bồng ông Phúc vào nhà.
Đặc biệt câu đối loại chơi chữ rất cầu kỳ, oái oăm do tận dụng những chữ đồng âm khác nghĩa, đảo từ, đảo ngữ, nói lái, ... nên càng khó đối hơn.
Thí dụ:
- Lối đồng âm khác nghĩa như vế ra của vua Duy Tân dùng vừa nghĩa vừa chữ kèm nhau:
Đi chi đường đạo sợ cụ (chi là đi, đạo là đường, cụ là sợ)
Nguyễn Hữu Bài đã đối rất tài tình:
Không vô trong nội nhớ hoài (vô là không, nội là trong, hoài là nhớ)
- Lối đảo từ, đảo ngữ như vế ra trong cuộc thi do báo Trung Bắc (hai nhà nho ưa chơi chữ là Nguyễn Đỗ Mục và Dương Bá Trạc chủ trương bộ biên tập) khởi xướng:
Vợ cả vợ hai, hai vợ cùng là vợ cả.
Vế đối sau đây gọi là trúng cách:
Con nuôi con đẻ, đẻ con há cậy con nuôi.
(chữ nuôi sau cùng được hai nghĩa trạng từ và động từ như vế ra).
- Lối nói lái như vế ra và vế đối sau:
Mài kéo cắt đuôi mèo cái.
Lòn cưa cứa cổ lừa con.
Ông tổng đốc Hà Đông mời một vị túc nho ở Nam Định để đề câu đối cho bể non bộ nhà ông. Nhà nho ngắm nghía hòn non bộ rồi viết:
Nam sơn trúc bất tận
Đông hải ba vô cùng.
và giải nghĩa: "Bẩm cụ lớn, vế trên có nghĩa cây trúc ở núi Nam không bao giờ hết, nghĩa bóng nói giòng dõi cụ lớn sẽ thịnh đạt mãi; vế dưới có nghĩa sóng biển Đông không bao giờ cùng, ngụ ý ca tụng công ơn của cụ lớn đối với dân mênh mông như biển cả".
Cụ lớn đắc ý, trọng thưởng nhà nho và thường hay khoe câu đối với các quan khách tới chơi; mọi người đều tấm tắc khen hay.
Có ngờ đâu nhà nho kia đã chửi ngầm tổng đốc thật độc! Nguyên câu đối xuất phát từ hai câu trong bài hịch đả kích Tùy Dạng Đế của Lý Mật đời Đường:
Quyết Đông hải chi ba, lưu ác bất tận;
Khánh Nam sơn chi trúc, thư tội vô cùng.
Nghĩa là: Khơi hết sóng Đông hải, cũng chưa hết ác; viết đến hết thẻ trúc ở Nam sơn cũng chưa hết tội!
Những câu đối với vế ra chưa có vế đối thât chỉnh, gọi là câu đối chết.
Thí dụ:
a) Da trắng vỗ bì bạch.
Tương truyền là vế ra của bà Đoàn Thị Điểm thách ông Trạng Quỳnh đối, nhưng Trạng không đối được! Khó đối ở chỗ dùng chữ Hán "bì bạch" là da trắng trong nghĩa tiếng Việt, bì bạch còn là tiếng tượng thanh rất ấn tượng diễn tả tiếng động của bàn tay khi vỗ vào da.
Đã có vế đối:
"Trời xanh màu thiên thanh", nhưng chưa được chỉnh vì thiên thanh không tượng thanh.
b) Trời mưa đất thịt trơn như mỡ, dò đến hàng nem chả muốn ăn.
Chữ dò có nghĩa hỏi han, mò mẫm để biết tình hình. Nếu phát âm theo kiểu miền Nam nước ta thì dò cũng có nghĩa là món giò! Chả là không, chả còn là món ăn. Vế ra gồm đủ các món ăn thật hấp dẫn: thịt, mỡ, giò, nem, chả.
c) Cha con thầy thuốc về quê, gánh một gánh hồi hương, phụ tử.
Vế này khó đối vì hai từ ngữ "hồi hương" và "phụ tử" vừa là tên hai vị thuốc bắc, vừa có nghĩa là "về quê" và "cha con".
Ngày nay hình ảnh ông đồ già ngồi làm câu đối Tết đã đi vào dĩ vãng, nhưng những bài học ngắn gọn, sâu sắc ẩn chứa trong câu đối vẫn tồn tại mãi để ta học hỏi trong cách đối nhân xử thế.
Câu đối là một truyền thống văn hóa hay đẹp và thâm thúy của dân tộc. Câu đối như phơi ra những sinh hoạt linh động của người xưa.
Câu đối còn làm tăng thêm vẻ uy nghi trong những đền thờ danh nhân đất nước, nó ghi lại công đức, uy danh của những vị ấy để con cháu biết mà nhớ ơn và noi gương.
Trước đền thờ đức Trần Hưng Đạo có hai câu đối:
Một trận sông Đằng, sóng gió đã tan hồn nghịch tặc.
Nghìn thu non Dược, khói bay còn tụ khí anh hùng.
như nhắc nhở cho chúng ta những chiến công lừng lẫy, hiển hách của ngài, đã ba lần cầm quân chiến thắng quân Nguyên, đuổi giặc Mông Cổ ra khỏi nước. Đó cũng là niềm hãnh diện và vinh dự chung cho dân tộc ta.
Tài liệu tham khảo:
- Việt Nam Văn Học Sử Yếu, Việt Nam Thi Văn Hợp Tuyển, Dương Quảng Hàm, NXB Xuân Thu,
- Văn Học Việt Nam, Dương Quảng Hàm, Bộ Giáo Dục - Trung Tâm Học Liệu xuất bản.
- Truyền Thống Văn Hóa Dân Tộc Việt Nam Trong Văn Chương Đối Liễn, Minh Chánh Học Sĩ Trần Công Định, NXB Văn Mới, 2000.
- Chơi Chữ, Lãng Nhân, NXB Zieleks Co.1993.
- Trốn không được thì chỉ có một cách là can đảm nhận lấy cái đời hiện tại của mình, nhìn sự thực bằng đôi mắt ráo lệ không phiền muộn, không oán hờn, mạnh mẽ mà sống. (Nhất Linh)
- Ta nay ra người vô dụng, sống không ích lợi cho quê hương, thác cũng chẳng thiệt thòi cho xã hội; chỉ khuyên các con chẳng nên dục lợi cầu vinh mà làm điều nhẫn tâm bại lý. (Phan Thanh Giản)
- Xưa sao phong gấm rũ là,
Giờ sao tan tác như hoa giữa đường. (Nguyễn Du)
- Trời không lường trưa sớm nắng mưa,
Người đâu biết hôm mai họa phúc. (Nguyễn Đình Chiểu)
- Giới Thiệu Những Tác Phẩm Về Thơ, Văn, Nhạc Của Lê Hữu Nghĩa T. V. Phê Nhận định
- Nhạc Sĩ Vô Thường Và Ngón Đàn Tay Trái T. V. Phê Tạp luận
- Năm Ngọ Nói Chuyện Ngựa T. V. Phê Tiểu luận
- Nhà thơ Tô Đình Sự T. V. Phê Nhận định
- Thi Sĩ Đông Hồ T. V. Phê Tạp bút
- Hiểm họa từ Trung Quốc T. V. Phê Tạp luận
- Feb 1, 2003: Phi thuyền con thoi Columbia bị nổ tung T. V. Phê Tạp luận
- Chuyện trùng hợp lạ kỳ T. V. Phê Tạp luận
- Phạm Duy và Minh Họa Kiều T. V. Phê Tạp bút
- Trịnh Công Sơn: Quê hương, Tình yêu, Thân phận T. V. Phê Tạp bút
• Xứ Úc Thòi Lòi Đi Dễ Khó Về (Trịnh Thanh Thuỷ)
• Thăm Viếng Florida (Ngọc Hạnh)
• Đi Tây (Phạm Xuân Đài)
• Ngắm ‘cổng vòm đá’ ở công viên quốc gia Arches, Utah (Trần Nguyên Thắng)
• Kiến trúc độc đáo của Kiev, Ukraine (Trần Nguyên Thắng)
Trúc dẫu cháy đốt ngay vẫn thẳng
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |